PHẦN II
Từ những phân tích trên, ta có thể rút ra mấy kết luận sơ bộ sau:
1. Lục độ tập kinh hiện nay là một dịch phẩm của Khương Tăng Hội từ một nguyên bản Lục độ tập kinh tiếng Việt. Sự kiện này giải thích cho thấy tại sao có hiện tượng “văn từ điển nhã”, mà Thang Dụng Đồng đã nhận ra, và bác bỏ kết luận mà Thang Dung Đồng đã đi tới, đó là Lục độ tập kinh có thể là một tác phẩm do Khương Tăng Hội viết.
2. Vì xuất phát từ một nguyên bản tiếng Việt, nên Lục độ tập kinh mới chứa đựng một lượng lớn những cấu trúc câu văn không theo ngữ pháp tiếng Trung Quốc, mà theo ngữ pháp tiếng Việt. Số lượng những câu văn này cung cấp cho ta một lượng lớn thông tin để phác thảo lại diện mạo tiếng Việt cách đây gần 2.000 năm mà cho đến nay, ngoài bài Việt ca, ta không có một tín hiệu nào cả. Đây phải nói là những đóng góp vô giá, mà Lục độ tập kinh mang lại cho dân tộc ta nói chung, và các ngành văn học và ngữ học nói riêng.
3. Cũng vì xuất phát từ một nguyên bản tiếng Việt, nên Lục độ tập kinh ngày nay đã cho ta thấy những luồng tư tưởng nào đã chi phối dân tộc ta, những vấn đề gì đã làm cho họ suy tư trăn trở vào thời điểm Lục độ tập kinh ra đời. Từ đó, ta nhận ra một loạt những chủ đề, mà qua suốt lịch sử dân tộc đã trở thành cốt lõi của truyền thống văn hóa tư tưởng và chính trị Việt Nam. Về mặt này, Lục độ tập kinh có những cống hiến thật khởi sắc và đáng suy gẫm.
4. Hệ tư tưởng Phật giáo truyền dạy thông qua Lục độ tập kinh là bao gồm những gì tinh túy nhất, cốt lõi nhất và tích cực nhất của toàn bộ hệ thống giáo lý Phật giáo nguyên thủy, nêu mẫu người lý tưởng gồm hai phẩm chất chính yếu là tình thương và trí tuệ làm điển hình cho cuộc sống nội tâm và xã hội của người Phật tử, kiến tạo một quan hệ gắn bó chặt chẽ keo sơn giữa Phật giáo và dân tộc, từ đó thiết định vai trò và nhiệm vụ của Phật giáo trong quan hệ ấy.
5. Thêm vào đó, Lục độ tập kinh chứa đựng một lượng lớn thông tin về nhiều mặt của đời sống vật chất cũng như tinh thần của xã hội người Việt Nam vào giai đoạn nó xuất hiện. Từ những kiến thức hết sức chính xác của các khoa học thực nghiệm như khẳng định thai nhi ở trong bụng mẹ 266 ngày cho đến các phong tục tập quán kiểu liệm người chết bỏ vàng bạc ngũ cốc vào miệng hay ngứa nách, máy mắt v.v... từ việc lấy cây chuối làm hình nộm cho đến chuyện đem chuột nướng bán làm thịt, nó cung cấp cho ta nhiều dữ kiện để nghiên cứu lịch sử khoa học kỹ thuật Việt Nam cùng truyền thống văn hóa dân tộc.
Lục độ tập kinh đã được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Pháp từ lâu. Và những mẫu chuyện do nó cung cấp đã lưu hành rộng rãi trong sinh hoạt văn học và tôn giáo nước ta. Nhưng cho đến nay, với những đóng góp to lớn vừa nêu, Lục độ tập kinh vẫn chưa có một bản tiếng Việt hoàn chỉnh và đầy đủ. Đây là một thiếu sót lớn. Việc công bố bản dịch cùng với bản nghiên cứu trên là để điều chỉnh lại sự thiếu sót ấy. Cũng mong từ bản dịch này cùng những gợi ý của bản nghiên cứu vừa nêu sẽ xuất hiện một cao trào tìm hiểu về dân tộc và truyền thống tư tưởng văn hóa dân tộc, đặc biệt trong giai đoạn lịch sử có những cuộc đọ sức đầy cam go khốc liệt, nhưng rất hào hùng và hoành tráng, như giai đoạn mà Lục độ tập kinh ra đời. Có tìm hiểu mới thấy đất nước ta đã trãi qua những thử thách ghê gớm như thế nào, và tổ tiên ta đã vượt lên và chiến thắng những thử thách ấy với bản lĩnh và sức mạnh gì. Có thấy được những điều ấy, ta mới nhận ra trên cơ sở nào dân tộc ta đã chiến thắng, và từ bệ phóng nào dân tộc ta đã vút lên để xây dựng thành công một nước Việt Nam như ta có hôm nay. Từ đó thấy rõ hơn vị thế và trách nhiệm của bản thân mỗi chúng ta trước những thách đố hiện nay của thời đại, thời đại của cuộc cách mạng dân chủ mới, của khoa học kỹ thuật hậu công nghiệp, của sự nghiệp thực hiện thắng lợi lý tưởng “nước giàu dân mạnh” của Lục độ tập kinh. Việc tìm hiểu quá khứ thực tế và để nhận rõ khả năng nội lực của mình, nhằm lượng định tình hình khách quan hiện tại mà tiến tới, biến hoài bảo ước mơ của từng cá nhân và dân tộc thành hiện thực, thành những lực lượng vật chất cụ thể, đáp ứng yêu cầu kiến tạo một đất nước phồn vinh, một xã hội an lạc. Ước mơ và nguyện vọng của Lục độ tập kinh đến nay sao vẫn gần gũi, thân thiết với chúng ta, những người sống sau gần 2.000 năm