II. NGHIÊN CỨU VỀ LỤC ĐỘ TẬP KINH
Nếu lịch sử văn học và văn hóa thành văn thời Hùng Vương còn để lại cho đến nay qua một bài Việt ca duy nhất đang bàn cãi [1]thì lịch sử văn học và văn hóa Việt Nam sau thời Hai Bà Trưng và trước Lý Nam Đế có thể được nghiên cứu qua một loạt những tác gia lớn như Mâu Tử, Khương Tăng Hội, Đạo Hinh, Đạo Cao, Pháp Minh và Lý Miễu, trong đó nổi bật nhất là Khương Tăng Hội với Lục độ tập kinh.
Lục độ tập kinh là văn bản đầu tiên và xưa nhất ghi lại tình tiết 100 trứng của truyền thuyết khởi nguyên dân tộc ta [2]. Lục độ tập kinh cũng là tác phẩm đầu tiên và xưa nhất ngoài bài Việt ca, còn bảo lưu được một số trên 15 trường hợp các cấu trúc ngữ học theo văn pháp tiếng Việt, và cung cấp một lượng đáng kể các tá âm cho việc nghiên cứu tiếng Việt cổ, và phục chế lại diện mạo tiếng nói ấy cách đây 2.000 năm. Lục độ tập kinh còn là nơi tập đại thành những chủ đề tư tưởng lớn của dân tộc như nhân nghĩa, trung hiếu, đất nước, mất nước v.v… làm cột sống cho chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam và truyền thống văn hóa Việt Nam. Lục độ tập kinh còn là văn bản thiết định những chủ đề tư tưởng lớn của Phật giáo Việt Nam, làm tiền đề cho những phát triển tư duy Phật giáo Việt Nam, mà thành quả đầu tiên phát hiện cho đến nay là sáu lá thư trao đổi giữa Lý Miễu, Đạo Cao và Pháp Minh vào khoảng những năm 450 [3]
Lục độ tập kinh vì thế là một tác phẩm văn học lớn không chỉ của lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn là của lịch sử văn học tư tưởng và văn hóa dân tộc. Có thể nói cùng với Mâu Tử Lý hoặc luận và Cựu tạp thí dụ kinh, nó kiến tạo nên giai đoạn văn học đầu tiên của lịch sử văn học 2.000 năm Việt Nam, tập hợp những thành tựu và thắng lợi đầu tiên trong cuộc đọ sức sống còn đầy cam go và khốc liệt với kẻ thù, làm nền tảng cho những cuộc đấu tranh sắp tới, mà đỉnh cao huy hoàng là sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế vào năm 544, khẳng định sự độc lập không chỉ về mặt chính trị kinh tế, mà còn về mặt tư tưởng văn hóa. Nó đã trở thành một bức trường thành, mà chủ nghĩa xâm lược văn hóa Trung Quốc không vượt qua được. Lục độ tập kinh do đó có một vị thế xung yếu không chỉ của lịch sử Phật giáo Việt Nam, mà còn của lịch sử văn học, tư tưởng và văn hóa Việt Nam.
Xung yếu như vậy, song cho đến lúc này vẫn chưa có một bản dịch tiếng Việt hoàn chỉnh và công bố rộng rãi làm tư liệu nghiên cứu không những cho những người quan tâm đến lịch sử và giáo lý Phật giáo Việt Nam, mà còn cho những người làm công tác nghiên cứu lịch sử chính trị, tư tưởng, văn hóa và ngôn ngữ dân tộc. Đặc biệt hơn nữa là Lục độ tập kinh đã được dịch ra tiếng Nhật, tiếng Pháp từ lâu[4]. Và những mẫu chuyện do nó cung cấp đã lưu hành rộng rãi trong sinh hoạt văn học và tôn giáo nước ta, nếu không phải là từ thời Mâu Tử, thì cũng từ thời Chân Nguyên trở đi. Do đó có một yêu cầu bức thiết công bố bản dịch trọn vẹn và hoàn chỉnh Lục độ tập kinh nhằm góp phần vào việc nghiên cứu bản sắc tư tưởng văn hóa dân tộc và Phật giáo Việt Nam.
Trước khi công bố bản dịch, chúng tôi đề nghị tiến hành nghiên cứu tình trạng văn bản của Lục độ tập kinh cùng nội dung tư tưởng và những liên quan của nó với văn bản học Việt Nam. Từ đó, nó giúp ta tìm hiểu lại những sinh hoạt tư tưởng học thuật của không những Phật giáo, mà còn của dân tộc thời Lục độ tập kinh là một bản kinh tiếng Việt. Đặc biệt sự có mặt của một loạt các cấu trúc tiếng Việt cổ, của những nhận định về các xu thế tư tưởng ở Việt Nam thời nó, của các cải biên, thậm chí hư cấu nên các truyện mới. Bản nghiên cứu này chia làm 8 phần. Phần I, ghi lại các mẫu tin kinh lục về quá trình truyền bản của Lục độ tập kinh cùng số quyển, niên đại và tên gọi. Phần II đề nghị xem xét việc Khương Tăng Hội đã dùng bản đáy nào cho công tác dịch bản Lục độ tập kinh tiếng Trung Quốc hiện nay. Từ đấy phát hiện ra một số cấu trúc ngữ học không bình thường, đã trở thành đề tài bàn cãi của phần III. Phần IV thử tìm hiểu bản đáy Lục độ tập kinh tiếng Việt có khả năng gồm những gì. Phần V nghiên cứu những cải biên và hư cấu có thể của Lục độ tập kinh. Phần VI và VII mô tả một số tư tưởng và liên hệ của bản kinh với tư tưởng và văn học dân tộc ta. Phần cuối là mấy tổng kết sơ bộ.
[1]Lê Mạnh Thát, Thử nghiên cứu bài Việt ca, (Cảo bản 1970). Xt Lê Mạnh Thát, Lịch sử âm nhạc Việt Nam, NXB Tp Hồ Chí Minh, 2001, tr. 90-135.
[2]Lê Mạnh Thát, Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên dân tộc ta, Saigon: Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1972.
[3]Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam I, Huế: NXB Thuận Hóa, 1999, tr. 412-625.
[4]Kokuyaku issaikyo 8, Tokyo, 1937; E. Chavannes, Cinq cent contes bouddhiques, Paris: André Maisonoeuvre, 1949.