Phần dẫn nhập: Một đạo giáo suy đồi trong một đất nước bị xâm lược

21/11/20193:37 CH(Xem: 1987)
Phần dẫn nhập: Một đạo giáo suy đồi trong một đất nước bị xâm lược

PHONG TRÀO PHẬT GIÁO MIỀN TRUNG – HUẾ
TỪ CHẤN HƯNG ĐẾN DẤN THÂN
Chu Sơn

PHẦN DẪN NHẬP
Một đạo giáo suy đồi trong một đất nước bị xâm lược   

Vương triều nhà Nguyễn củng cố sự nghiệp thống nhất đất nước trên cái nền mà người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ đã nối kết, bảo vệ cương thổ bằng những chiến công hiển hách và những hoài bảo to lớn về một quốc gia độc lập, thống nhất, hùng cường và bền vững. Khát vọng thống nhất, độc lập, hùng cường và bền vững ấy của cả dân tộc chẳng bao lâu chỉ còn là giấc mộng.
Thống nhất về mặt cương thổ, vua quan triều Nguyễn gìn giữ được chưa quá sáu mươi năm (1802 – 1858).
Còn thống nhất lòng người thì chỉ là huyền thoại, có lẽ nó bế tắc kể từ khi lễ khởi công xây dựng kinh đô Huế bắt đầu. Bởi sự hy sinh của trăm họ trong chiến tranh nay chỉ còn là công nghiệp của “Tiên Đế”. Và sự sống, hạnh phúc của muôn dân nay chỉ còn là sự tồn tại của ngai vàng và đặc quyền, đặc lợi của vương triều.
     
Vua quan triều Nguyễn xa dần trăm họ khi áp dụng một nền chuyên chính cơ hội, giáo điềuđộc tôn: Nho giáo khô chết và bất lực. Ở trong không nối kết được lòng người. Với bên ngoài thì mê muội và tự cô lập. Bị đánh bại và xâm lược là hệ quả tất yếu khi Việt Nam bị buộc phải đối mặt với một quan hệ quốc tế mới, một sức mạnh mới, một nền văn hoá, văn minh mới:
 -- Khi mà trung tâm của thiên hạ đã chuyển dịch từ “thượng quốc” đi về phía Tây. Và “thượng quốc” cũng bị dòm ngó, bị xâu xé, bị khinh miệt và cưỡng đoạt bởi “cái bọn Tây dương mọi rợ ấy”.
 -- Khi mà cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật từ phương Tây đã đem lại những thành tựu tưởng chừng như phép màu, như ma thuật.
-- Khi mà cuộc cách mạng 1789 đã đẩy lùi nền chuyên chính cấu kết giữa nhà thờ Thiên Chúa giáo và tầng lớp quí tộc châu Âu vào sau hậu trường của nền chính trị. Và giai cấp trưởng giả tư sản vênh váo trong vai trò của một thứ thượng đế mới hoành hành ngang ngược giữa một châu Âu, mà, một nửa thì tối đen như mực, và, nửa kia thì chói chang một thứ ánh sáng khó mà phân biệt thế nào là hy vọng, thế nào là tội ác. Chẳng bao lâu chế độ Tư bản đã biến châu Âu thành tâm điểm của một cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu. Châu Âu của những ông chủ cá mập bóc lộtđàn áp dã man người cùng khổ. Châu Âu của những cuộc chiến đẫm máu của các quốc gia và liên minh tư bản. Châu Âu của thặng dư hàng hoá và đói khát nguyên vật liệu. Châu Âu rất cần những vùng đất mới để giải toả cuộc khủng hoảng nguy kịch của mình. Thế là tàu bè, súng ống, những tên lính đánh thuê, những tay phiêu lưu anh chị, những con buôn háu hức thị trường, tài nguyên từ châu Âu tỏa đi bốn biển.
-- Khi mà những kẻ tiền tiêu của chủ nghĩa thực dân bắt gặp đó đây những đồng hương của mình: các giáo sĩgiáo đoàn Thiên Chúa giáo, những đứa con nhiệt tình được Thượng đế ủy thác những quyền lưc tuyệt đối đã âm thầm đi rao giảng tin mừng từ hàng trăm năm trước cho những kẻ khốn cùng ở các xứ sở tối tăm “man di mọi rợ, bụt thần ma quỉ”. Cuộc đồng hành tương kết giữa chủ nghĩa thực dân và đạo Thiên Chúa bắt đầu như thế.
Chúng ta thấy thấp thoáng bóng dáng các tu sĩ Thiên Chúa giáo ở các làng chài ven biển, ở các làng bản heo hút từ thế kỷ XVI.
     
Chúng ta thấy những kẻ xa lạ này rõ nét hơn ở các thủ phủ, các cửa biển ở Đàng Trong, Đàng Ngoài từ đầu thế kỷ XVII.
     
Chúng ta không chỉ thấy mà còn biết rất rõ sự liên kết giữa Nguyễn Ánh với giám mục Bá Đa Lộc và nhiều linh mục tu sĩ khác trong suốt cuộc mưu cầu tranh bá đồ vương của con người sau này trở thành vị vua đầu của triều Nguyễn.
Và từ đó cho đến khi đất nước bị cắt xé, bị xâm lược toàn phần, chẳng bao giờ thiếu vắng các vị sứ giả của Chúa trời, của các giáo hội Thiên Chúa giáo vâng lệnh tổ quốc họ.
    
Đồn bót, dinh lũy, phủ thống đốc, phủ toàn quyền, tòa khâm, tòa sứ và các nhà thờ Thiên Chúa giáo đối với nhiều người Việt Nam thời bấy giờ là không phân biệt. Tất cả đều là pháo đài. Kinh tế thương mại,  quân sự, chính trị, văn hóa, tôn giáo, tất cả đều là vũ khí xâm lược.
Đồng bào theo đạo Phật cũng cảm nhận sâu sắc như bất cứ thành phần dân tộc nào trước thực tế lịch sử này.
     
Vương triều nhà Nguyễn bị đánh bại, những cuộc kháng chiến, những phong trào yêu nước của nông dân, của vua quan, của văn thân, sĩ phu trên khắp cả ba kỳ cũng lần lượt bị đánh bại.
     
Sự thật cay đắng này có nghĩa là cả đất nước, cả dân tộc với lịch sử lâu dài của nó, cả nền văn hoá, văn minh trên đà phát triển của nó đang đối mặt trước một thử thách chưa từng thấy.
     
Có một điều quan trọng nhưng không được nhiều người chú ý là trong suốt thời gian từ lúc các hạm đội của liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng cho đến trước Cách mạng tháng Tám, trong tất cả các cuộc kháng chiến, các phong trào yêu nước, chúng ta ít thấy xuất hiện các lãnh tụ, các lực lượng có tầm vóc to lớn là tín đồ theo đạo Phật. Chúng ta lại thấy nhiều hơn các lãnh tụ kháng chiến yêu nước đa phần là nhà Nho (nhà Nho quan lại, nhà Nho khoa bảng hay nhà Nho ở nông thôn), là nông dân, thậm chí là binh lính, là thư lại trong bộ máy cai trị của thực dân. Dường như lịch sử đã bỏ quên họ (các tu sĩ Phật giáo). Hay chính họ đã đứng bên lề lịch sử. Nhìn lại lịch sử, sau những công nghiệp hiển hách ở hai triều đại Lý – Trần, Phật giáo đã suy thoái và tồn tại bất thường suốt mấy trăm năm. Bởi các triều đại từ Hồ, Lê, Trịnh, Nguyễn đến Tây Sơn hoặc chỉ biết có Nho, độc tôn Nho, hoặc chỉ biết đạo Phật qua các biểu hiện tiêu cực trên các nẻo đường hành đạo tối tăm, lệch lạc của quá nhiều sư sãi. Tôn giáo nào cũng vậy, có phần hình nhi thượng, và cũng có phần hình nhi hạ. Đạo Phật suốt nhiều thế kỷ từ sau nhà Trần cáo chung đã hiện hữu trong đất nước dân tộc với phần hình nhi hạ rõ nét hơn. Đến triều Nguyễn, Phật giáo chỉ được xem là phương tiện để góp phần củng cố quyền lực triều đình, thực hiện lòng hiếu để, hoặc để ổn định phần hồn của vua quan và cả đến mọi tầng lớp nhân dân. Các sư sãi cam phận nương tựa vào cung đình, thế gia vọng tộc, và trình diễn trước nhân dân những sắc thái của một Phật giáo dân gian với rất nhiều tệ đoan mê tín.
     
Đạo Phật chỉ có thế thôi sao?
     
Tổ tiên tâm linh (từ của thiền sư Thích Nhất Hạnh) của phật tử Việt Nam nghèo nàn, tầm thường và mệt mỏi như thế sao?
     
Câu trả lời trước hết thuộc về những người trong cuộc. Và đồng bào theo đạo Phật trong cả nước, đặc biệt ở miền Trung – Huế đã trả lời theo cách riêng của mình. Vào hai thời kỳ khác nhau, Phật tử miền Trung – Huế đã tiến hành hai cuộc vận động, hai phong trào có cùng một mục đích, một hoài bảo, một khát vọng là phục hưng đạo pháp, góp phần phục hưng đất nước, xa hơn nữa: phục vụ nhân loại.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 10432)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.