Tìm Hiểu Phật Giáo Khất SĩNam Bộ Việt Nam (sách)

23/10/20201:00 SA(Xem: 6553)
Tìm Hiểu Phật Giáo Khất Sĩ ở Nam Bộ Việt Nam (sách)

THÍCH HẠNH THÀNH
Tìm hiểu
PHẬT GIÁO KHẤT SĨ
Nam Bộ Việt Nam
(trong thế kỷ XX)
Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh – 2007

Tìm hiểu he phai khat si

 

LỜI GIỚI THIỆU

 

Các Hệ phái Phật giáo Khất sĩNam bộ ra đời trong khoảng thập niên 50 của thế kỷ XX, trong đó Hệ phái Khất sĩ do Tổ sư Minh Đăng Quang khai sáng là một trong chín Hệ phái Phật giáo đã gia nhập, hòa hợp vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Đại hội Phật giáo năm 1981, chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội. Cho đến nay thì các Hệ phái Khất sĩ đã rất phát triển ở Nam bộ, một số tỉnh ở miền Trung và cũng truyền bá sang nước ngoài. Hiện nay, những nhà nghiên cứu về Phật giáoNam bộ, sinh viên chuyên ngành Xã hội và Nhân văn, hướng dẫn viên trong ngành du lịch rất khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu về các Hệ phái Khất sĩNam bộ. Vì thế, tác phẩm Tìm hiểu Phật giáo Khất sĩNam bộ Việt Nam (trong thế kỷ XX) do Đại đức Thích Hạnh Thành biên soạn và cho xuất bản thật đáng được khích lệ và giới thiệu.

Đại đức Thích Hạnh Thành sau khi Tốt nghiệp Cử nhân Phật học tại Học viện Phật giáo Việt Nam – Tp. Hồ Chí Minh, đã về giảng dạy môn lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Ấn Độ tại Trường Trung cấp Phật học tỉnh Long An và một số lớp giáo lý dành cho Phật tử. Trong thời gian còn là sinh viên, Đại đức đã ra công tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm sử liệu, đi thực tế qua nhiều tịnh xá của các Hệ phái Phật giáo Khất sĩ, cho nên công trình do Đại đức biên soạn khá công phu. Ở tác phẩm này, Đại đức đã trình bày khái quát về nguồn gốc, sự hình thành, phát triển và những nét văn hóa tiêu biểu của năm Hệ phái Phật giáo Khất sĩNam bộ.

Đây là một trong những tập sách đầu tiên nghiên cứu, tìm hiểu về đề tài này một cách nghiêm túc, khoa học, thiết nghĩ sẽ là tài liệu đáng tin cậy cho các giới nghiên cứu và bạn đọc.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu tác phẩm này đến với Tăng Ni và quý vị độc giả.

 

                             ĐĐ. Tiến sĩ Thích Minh Thành

              Ủy viên Ban Giáo dục Tăng Ni TƯ. GHPGVN

              Giảng viên Học viện PGVN tại Tp. Hồ Chí Minh 

 

LỜI NÓI ĐẦU

Có thể nói đề tài về Phật giáo Khất SĩNam Bộ Việt Nam (PGKSONBVN) là đề tài rất ít người nghiên cứu, hoặc nếu có đề cập đến thì cũng chỉ nói sơ sài về Phật giáo Khất Sĩ (PGKS). Hiện nay chưa thấy quyển sách nào nghiên cứu về PGKS một cách khoa học. Gần đâyĐại Đức (ĐĐ) Thích Giác Trí thực hiện luận văn Tốt Nghiệp về đề tài “Sự Hình Thành Và Phát Triển Của Hệ Phái Khất Sĩ” (của Tổ Sư Minh Đăng Quang), học giả Thông Thanh Khánh nghiên cứu về tông pháiđạo nghiệp của Đại Sư Huệ Nhựt, trong tác phẩm Nguồn Sống An Lạc- NXB Tôn Giáo- 2001, những nghiên cứu đó đã làm sáng tỏ phần nào về sự hình thành và phát triển hệ phái khất sĩ của Tổ Sư (TS) Minh Đăng QuangĐại Sư Huệ Nhựt. Nhưng còn các tổ chức PGKS khác thì chưa thấy ai tìm hiểu, nghiên cứuthực tế PGKS hiện nay đã đang từng bước phát triển làm cho chúng ta không thể ngờ được. Đây là lý do thứ nhất  khiến người viết tìm hiểu về PGKSONBVN để bù đắp vào khoảng trống còn lại cũng như để đáp ứng cho những người tìm hiểu về PGKSONBVN có thêm một tư liệu phong phú.

Song song với cảm hứng về đề tài mới thuộc lãnh vực lịch sử Phật Giáo người viết nhận thấy PGKS mang tính cách đặc thù của Phật giáo Việt Nam; PGKS là những thành viên quan trọng của ngôi nhà Phật giáo Việt Nam. Vì thế, chúng ta cần phải tìm hiểu về PGKS một cách khách quan, khoa học hơn. Đó cũng là lý do thứ hai mà người viết tìm hiểu về đề tài này.

          Đối với đề tài thuộc lãnh vực lịch sử đó là một môn khoa học lịch sử, vì thế chúng ta cần phải nghiên cứu một cách khách quan, chính xácthực tế. Không phân biệtlịch sử tôn giáo hay không phải tôn giáo cũng đều phải bảo đảm ba yếu tố trên thì tác phẩm mới có giá trị khoa học. Thiết nghĩ đó là ba điều kiện cần thiết trong công tác nghiên cứu lịch sử. Do đó, quá trình tìm hiểu về PGKSONBVN người viết cố gắng chọn lọc, đối chiếu, tra cứu nhiều tài liệu khác nhau về tiểu sử các Tổ Sư sáng lập và sự hình thành các tổ chức PGKS chọn lấy những chi tiết mang tính chân thực, phản ánh được khách quan, thực tế. Tuyệt đối người viết không đem vào những hình ảnh huyền thoại, thần thánh hoá về các bậc khai Tổ mà chỉ chứng minh bằng những công hạnh giáo hoá độ sanh, phụng sự nhân loại, đem lòng từ bi trải khắp mọi người tự nhiên hình ảnh và phẩm hạnh các bậc ấy trở nên thiêng liêng cao cả. Điển hình như trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, thời mưa bom lửa đạn mà TS. Minh Đăng Quang vẫn ung dung rày đây mai đó hoá độ nhân sinh; HT. Thiện Phước cưu mang gần 300 Tăng Ni, 200 cô nhi, quả phụ, dựng đạo tràng, mở nông thiền ở nhiều nơi; HT. Từ Huệ kể từ năm 1950 đến năm 1974 ngài thành lập được 11 tịnh xá, trùng tu 1 ngôi chùa, thành lập Hội Từ Thiện, mở phòng thuốc chữa bệnh, xây dựng lò thiêu miễn phí . . .

     Phạm vi nghiên cứu của tác phẩm này người viết chỉ tìm hiểu và đề cập đến những tổ chức PGKS thuộc Đạo Phật ở khu vực Nam Bộ Việt Nam, còn lại các giáo phái khác có vẻ mang hình thức khất sĩ nhưng lại không phải là Phật giáo chính thống nên người viết không nói đến. Ngoài ra còn có hệ phái Nguyên Thủy Phật giáo (Theravàda) do HT. Hộ Tông thành lập năm 1957 ở miền Nam, có thể xem đây là PGKS đúng nghĩa nhất nhưng hệ phái này là một hệ phái Phật giáo lớn tại Việt Nam, vì thế trong giới hạn nghiên cứu của tác phẩm không cho phép người viết bàn bạc quá rộng. Trong tác phẩm này người viết chỉ tìm hiểu về các tổ chức PGKS như sau:

1.     Phật Giáo Khất Sĩ (Khất Sĩ Đại Thừa) của ĐS. Huệ Nhựt

2.     Phật Giáo Khất Sĩ của TS. Minh Đăng Quang

3.     Khất Sĩ  của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do HT. Thiện Phước sáng lập

4.     Phật giáo Khất Sĩ của HT. Từ Huệ, Trưởng Lão Giác Bảo

5.     Khất Sĩ Sơn Lâm (Khất sĩ Sơn Tăng) của Sư Trưởng Thích Huỳnh Minh

     Đây là những tổ chức PGKS ở hai miền Đông, Tây Nam Bộ Việt Nam mà người viết luận văn này chỉ tìm hiểu các tổ chức PGKS đó trong thời kỳ từ  đầu thế kỷ XX cho đến cuối thế kỷ XX. Còn trong những năm gần đây thực tế PGKS đã có nhiều chuyển biến mà người viết chưa có điều kiện tìm hiểu cũng như sự giới hạn của tài liệu nên chỉ đề cập sơ lược những sự kiện trọng đại mà thôi.

     Trước khi đi vào nội dung người viết xin chân thành tri ân sâu sắc đối với HT. Thích Như Niệm, Thượng Tọa Thích Giác Toàn, TT. Thích Từ Giang, TT. Thích Giác Giới, TT. Thích Giác Thạnh, TT. Thích Minh Hùng, TT. Thích Giác Pháp, TT. Thích Giác Thới, Sư cụ Thích Minh Huệ, Sư cô Tuệ Hiền,.… đã tận tình cung cấp thông tin cũng như sử liệu về PGKS để tác phẩm  này được hoàn thành.

Đây là tác phẩm đầu tiên người viết tìm hiểu về PGKSONBVN mà trình độ còn giới hạn nên không sau tránh khỏi những sai sót. Vậy, kính mong chư Tôn Đức Tăng Ni cùng các thiện hữu tri thức hoan hỷ đóng góp ý kiến, bổ sung cho những chỗ còn khiếm khuyết để tác phẩm được hoàn hảo hơn.

 

Thành phố Hồ Chí Minh năm 2005

Thích Hạnh Thành

 

MỤC LỤC

 

Lời giới thiệu

Lời nói đầu

Mục lục

Những chữ viết tắt

PHẦN I

HOÀN CẢNH LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA PHẬT GIÁO KHẤT SĨ Ở NAM BỘ
CHƯƠNG I
BỐI CẢNH XÃ HỘI VIỆT NAM VÀ ĐẠO PHẬT
TRƯỚC THỜI PHẬT GIÁO KHẤT SĨ RA ĐỜI
1- Bối cảnh xã hội Việt Nam đầu TK XX đến nửa đầu TK XX
2-    Đạo PhậtNam Bộ trước thời Phật giáo Khất Sĩ ra đời
CHƯƠNG II
CÁC TỔ CHỨC PHẬT GIÁO KHẤT SĨ
1- Phật giáo Khất Sĩ của Đại Sư Huệ Nhựt (Khất Sĩ Đại Thừa)
1.1- Vài nét về tiểu sử của Đại Sư (ĐS) và sự hình thành Khất Sĩ Đại Thừa
1.2- Những năm tháng lịch sử của Khất Sĩ Đại Thừa
1.2.1- Giai đoạn suy vi: 1950- 1989
1.2.2- Giai đoạn củng cố và phát triển: 1990- 2004
          2- Hệ phái Khất Sĩ của Tổ Sư Minh Đăng Quang
2.1- Sơ lược tiểu sử Tổ sư sáng lập hệ phái
          2.2- Sự hình thành và phát triển của Hệ phái Khất sĩ Việt Nam
          2.2.1- Quá trình hình thành (từ năm1944- 1954)
          2.2.2- Giai đoạn phát triển (từ năm 1955- 2000)
          2.2.2.1- Thời kỳ hoằng pháp, thành lập giáo đoàn (1955- 1975)
          2.2.2.2- Thời kỳ trụ xứ tu tậphòa hợp Giáo Hội (1976- 2000)
3-    Khất Sĩ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do Hòa Thượng
Thiện Phước sáng lập
3.1- Vài nét về tiểu sử HT. Thiện Phước (biệt hiệu Mẫu Trầu)
3.2- Quá trình hình thành và phát triển
3.2.1- Quá trình hình thành (1957- 1986)
3.2.2- Thời kỳ phát triển (1986- 2000)
4-    Khất Sĩ Tu Tịnh của Hòa Thượng (HT)Từ Huệ, Trưởng Lão (TL) Giác Bảo
4.1- Thân thế của HT. Từ Huệ và sự hình thành Khất Sĩ Tu Tịnh
4.2- Vài nét về tiểu sử TL. Giác Bảo và sự thành lập KSTT
4.3- Những hoạt động hoằng pháp từ năm 1975- 2000
5- Phật giáo Khất Sĩ của Sư Trưởng Thích Huỳnh Minh (Khất Sĩ Sơn Tăng)
5.1- Thân thế của Sư Trưởng Thích Huỳnh Minh hành đạo và thành lập Khất Sĩ Sơn Tăng (1960- 1963)
5.2- Những giai đoạn thăng trầm của Khất Sĩ Sơn Tăng
5.2.1- Giai đoạn 1: 1963- 1975
5.2.2- Giai đoạn 2: 1975- 2000
PHẦN II
NHỮNG NÉT VĂN HOÁ CỦA PHẬT GIÁO KHẤT SĨ
CHƯƠNG III
NHỮNG NÉT VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG CỦA PHẬT GIÁO KHẤT SĨ
           1- Về mặt giáo lý
           2- Về mặt sáng tác
           3- Về mặt giáo dục đạo đức
 4-Về nghi thức tụng niệm, pháp phục, khất thựcăn chay.
           5- Về mặt kiến trúc
 5.1- Tịnh xá Ngọc Viên của Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam
 5.2- Linh Quang tịnh xá của Khất Sĩ Đại Thừa
 5.3- Linh Sơn Cổ Tự của Hòa Thượng Thiện Phước
 5.4- Giảng Đường Pháp Bảo của Khất Sĩ Sơn Tăng
CHƯƠNG IV
PHẬT GIÁO KHẤT SĨ TRONG THỜI ĐẠI ĐỘC LẬP HÒA BÌNH
          1- Phật giáo Khất Sĩ trong sự nghiệp xây dựng Đạo Pháp
 2-Phật giáo Khất Sĩ trong sự nghiệp hội nhập và phát triển dân tộc
PHẦN III
KẾT LUẬN
1.     Phật giáo Khất Sĩ với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
2.     Phật giáo Khất Sĩ với xã hội
PHỤ LỤC
          - Vài nét về Khất Sĩ Tu Tịnh của TT. Thích Giác Thới
          - TÀI LIỆU THAM KHẢO
- DANH SÁCH CHƯ TÔN ĐỨC TĂNG NI VÀ PHẬT TỬ CUNG CẤP SỬ LIỆU VỀ PHẬT GIÁO KHẤT SĨ

 

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT:

 

- GĐ                                        : Giáo đồn

- GHPGVN                            : Giáo hội Phật giáo Việt Nam

- GHPG                                  : Giáo hội Phật giáo

- HPKSVN                             : Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

- HT                                        : Hịa thượng

- KSĐT                                   : Khất sĩ Đại thừa

- KSSL                                   : Khất sĩ Sơn Lâm (Khất sĩ Sơn Tăng)

- KSTT                                   : Khất sĩ Tu Tịnh

- PGKSONBVN                    : Phật giáo Khất sĩNam bộ Việt Nam

- PGKS                                   : Phật giáo Khất sĩ

- PGVN                                  : Phật giáo Việt Nam

- THPG                                   : Thành hội Phật giáo

- TT                                        : Tịnh thất

- TT                                        : Thượng tọa (sau là pháp danh)

- NT                                        : Ni trưởng

- TL                                         : Trưởng lão

- TTXH                                  : Từ thiện xã hội

- TX                                        : Tịnh xá

- XHCNVN                            : Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

 

 

PHẦN I-
HOÀN CẢNH LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO KHẤT SĨNAM BỘ

          CHƯƠNG I –
BỐI CẢNH XÃ HỘIĐẠO PHẬTNAM BỘ VIỆT NAM TRƯỚC THỜI PHẬT GIÁO KHẤT SĨ RA ĐỜI

          1- Bối cảnh xã hội Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nửa đầu thế kỷ XX
          Xã hội Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX có nhiều chuyển biến mới. Những chuyển biến mới này chính là truyền thống yêu nước, đánh đuổi ngoại bang xâm lược của nhân dân ta để bảo vệ đất nước đã dâng cao.

Tháng 8- 1904, quân đội Nga thua Nhật trên biển ở Trung Quốc nên các nước Châu Á có xu hướng thân Nhật như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ,… Đây chính là nguyên nhân mà cụ Phan Bội Châu phát động phong trào Đông Du sôi nổi từ năm 1904- 1908 trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX. Phong trào Đông Du là nhằm đưa một số thanh niên sang Nhật để đào tạo, học tập những tiến bộ của nước Nhật để trở về vận động nhân dân đấu tranh giải phóng đất nước. Cũng trong thời gian này Duy Tân Hội (1904) được thành lập, do Cường Để làm Hội Trưởng. Đến tháng 3- 1907, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục được thành lập, đứng đầu tổ chức là cụ Lương Văn Can; rồi đến Việt Nam Quang Phục Hội (1912) ra đời do Cường Để làm Hội Trưởng, cụ Phan Bội Châu làm Tổng lí; Hội Kín ở Nam Kỳ cũng thành lập... mục đích, chủ trương của các tổ chức này nhằm tuyên truyền tinh thần yêu nước, đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

Trong những năm đầu thế kỷ XX chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam vẫn tăng cường chính sách bóc lột, đàn áp làm cho nhiều cuộc khởi nghĩa của phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc nổ ra như Việt Nam Quang Phục Hội đánh Móng Cái, Lạng Sơn, Hà Khẩu (1915), phá ngục Lao Bảo (28- 9- 1915), khởi nghĩa Thái Phiên và Trần Cao Vân (1916), khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị ở Tây Nguyên (1917), phá khám lớn Sài Gòn (2/ 1916), khởi nghĩa của nhân dân Tây Bắc (11/1914- 3/1916), khởi nghĩa của đồng bào Mông ở Lai Châu (1918- 1921), khởi nghĩa của binh lính đồn Binh Liêu (16/11/1918), khởi nghĩa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên (1912- 1916). Những cuộc khởi nghĩa này là động lực tinh thần thôi thúc phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc ở những thập niên sau.

Năm 1914- 1918, chiến tranh Thế Giới thứ nhất đã nổ ra, hậu quả đã để lại tổn thất nặng nề cho nhiều nước đế quốc trong đó có nước Pháp. Vì thế thực dân Pháp điều chỉnh lại chính sách cai trị, huy động sức người và tài nguyên của các nước thuộc địa để cung cấp cho “chính quốc”, khiến cho những nước thuộc địa như Việt Nam càng thêm u tối. Sau chiến tranh Thế Giới thứ nhất Pháp tiếp tục mở cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai kéo dài khoảng 10 năm (1919- 1930). Chính phủ Pháp mở rộng đồn điền trồng cao su, chè, cà phê, xây dựng nhiều nhà máy công nghiệp, mở nhiều Nông Phố Ngân Hàng ở các tỉnh Bắc, Trung và Nam; cải cách chính trị và hành chính, lập : Viện Dân Biểu ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, mở rộng các cơ sở cho người Việt, lập các ngạch công chức tương đương giữa người Pháp và người Việt. Về nông nghiệp Pháp lại tăng thuế “trực thu và gián thu”, “bắt buộc nhân dân mua các loại công trái” (Đại Cương Lịch Sử Việt Nam- tập II- trang 221 do Đinh Xuân Lâm chủ biên- NXB Giáo Dục 2000).

Đối với ngành Giáo DụcViệt Nam trong thời kỳ này thực dân Pháp có phần mở rộng hơn so với trước kia, cho xây dựng nhiều trường Tiểu Học, Trung Học, Cao Đẳng và Đại Học, thành lập các ngành Sư Phạm, Công Chính, Thương Mại, Y Học thuộc trường Cao Đẳng. Theo Đại Cương Lịch Sử Việt Nam- tập II (sđd) đã thống kê từ năm 1922- 1923, tức là sau 5 năm thực hiện cải cách giáo dục lần thứ II, ở Việt Nam đã có : 3.039 trường Tiểu Học, 7 trường Cao Đẳng Tiểu Học và 2 trường Trung Học; số học sinh gồm có 163.110 người. Từ khóa 1923- 1925 đến 1930, số lượng học sinh từ 187.000 người lên 434.335 người. Và số lượng sinh viên tính đến năm 1929- 1930 có khoảng 551 người. Theo Niên Giám Thống Kê Đông Dương, GGI, HN, 1930 (Annuaires Statistiques de t Indochine) đến năm 1930 có tổng số giáo viên các cấp là 12.000 người. Nhưng tính tổng số học sinh, sinh viên, giáo viên trong cả nước so với mấy chục triệu dân Việt Nam thời đó thì quả số lượng người không được đi học, mù chữ còn quá nhiều.

Về văn hóa thì thực dân Pháp dung hợp giữa hai nền văn hóa nô dịch và nền văn hoá mới phát triển trong xã hội Việt Nam. Pháp vẫn sử dụng vũ khí văn hoá để phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa của chúng. Vì thế, các ngành nghệ thuật, hội họa, điêu khắc, kiến trúc,… ảnh hưởng khá đậm nét tư tưởng Phương Tây.

Từ những thay đổi về chính sách cai trị, hành chính và những chuyển biến mới trong nền kinh tế, văn hoá ở xã hội Việt Nam đã xuất hiện nhiều giai cấp đối kháng nhau giữa nông dân với địa chủ, công nhân với tư sản, tiểu tư sản. Xã hội Việt Nam ngày càng phân hóa sâu sắc, địa chủ thì giàu lên nhanh chóng trong khi nông dân thì nghèo đói khốn khổ; dân số thì tăng nhanh ở thành thị với các tầng lớp mới như : Tư Sản, tiểu tư sản, công nhân.

       Phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc trong giai đoạn này bắt đầu dâng cao, thời kỳ này (1919- 1930) ba tổ chức cách mạng lần lược ra đời. Đó là Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập tháng 6- 1925; ngày 14- 7- 1925, Tân Việt Cách Mạng Đảng được thành lập; ngày 25- 12- 1927 Việt Nam Quốc Dân Đảng được thành lập do Nguyễn Thái Học tổ chức. Đến ngày 3-2- 1930 Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời do Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo. Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời thống nhất được ba tổ chức Cách Mạng trên.

       Ngày 10- 2- 1930, cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái lại nổ ra. Đây là cuộc đấu tranh sau cùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng cũng đã nói lên được tinh thần yêu nước, anh dũng đánh đuổi ngọai xâm của nhân dân ta.

Trong những năm 1929- 1933, khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng rất nhiều đến các nước thuộc địa. Việt Nam trước kia đã chịu lệ thuộc vào nền kinh tế Pháp nay phải suy sụp nặng nề hơn. Nông dân phải chịu sưu cao, thuế nặng và nạn cho vay nặng lãi của địa chủ; công nhân bị bóc lột thậm tệ. Đời sống của nông nhân ở các tỉnh phía Bắc và Trung kỳ rất thấp. Các tầng lớp lao động khác trong xã hội như tiểu thương, tiểu chủ, thợ thủ công, viên chức, trí thức đời sống điêu đứng; địa chủ nhỏ cũng bị sa sút, một số tư sản dân tộc bị phá sản, vỡ nợ.

Xã hội Việt Nam vào những năm 1936- 1939, đa số nông nông dân không có ruộng đất, hoặc có ít ruộng, họ phải đi lãnh đất của địa chủ để cày cấy, hoặc đi làm thuê làm mướn. Đã khốn khổ về kinh tế, vật chất thiếu thốn lại còn bị nạn thiên tai bão lụt, dịch bệnh liên tiếp xảy ra. Năm 1937, nạn đói xảy ra ở khắp Bắc Kỳ, báo Tiếng Dân ngày 30-11-1937 đưa tin : cho đến cuối tháng 11 ở Bắc Kì có 8.968 người mắc bệnh dịch. Năm 1938 nạn đói xảy ra ở khắp ba miền ngay cả ở miền Nam như các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Cần Thơ, Châu Đốc, Long Xuyên người dân cũng bị đói khổ.

Năm 1939, Catơru (Georges- Catraux) làm toàn quyền Đông Dương với chính sách của ông làm cho 8 vạn lính Việt Nam bị đưa sang Pháp. Thực hiện “kinh tế chỉ huy”, vơ vét vàng bạc, tăng cường phát hành bạc giấy, kiểm soát chặt chẽ sản xuất và phân phối, ấn định giá cả, tăng thuế cũ, đặt thêm thuế mới, tổ chức lạc quyên, công trái, xổ số, sa thải bớt công nhân, viên chức, giảm tiền lương, tăng giờ làm,.. . các nhà tư sản Việt Nam bị thuế khóa nặng nề lại bị tư sản Pháp chèn ép, nên một số bị phá sản; tầng lớp tiểu tư sản, trí thức bị thất nghiệp nhiều, những người có việc làm thì bị ngược đãi.

Từ những mâu thuẩn trong xã hội, và chính sách bóc lột nặng nề của thực dân Pháp dẫn đến phong trào đấu tranh đòi tư do dâng cao. Ngày 9-10/5/1941 Hội Nghị lần thứ 8 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng ở Pắc Bó thành lập Mặt Trận Việt Minh lãnh đạo nhân đấu tranh giành độc lập. Đến ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân được thành lập do Võ Nguyên Giáp đứng ra tổ chức và lãnh đạo. Đầu năm 1945 đã xảy ra nạn đói làm chết 2 triệu người.

Nhìn chung, xã hội Việt Nam trong giai đoạn 1930- 1945 có nhiều chuyển biến mới trong nền văn hoá, giáo dục, nền kinh tế trong giai đoạn này tuy có phục hồi nhưng đời sống của đa số nhân dân Việt Nam vẫn khó khăn, cơ cực.

Từ hoàn cảnh thực tế xã hội Việt Nam bấy giờ thời phần nào khiến cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam càng ý thức rõ hơn về sứ mệnh của mình. Để làm sáng tỏ vấn đề này chúng ta hãy đi vào tìm hiểu phần kế tiếp.

2- Đạo PhậtNam Bộ trước thời Phật Giáo Khất Sĩ ra đời (đầu thế kỷ XX- 1940)

Dưới thời đại nhà Nguyễn, Phật giáo đã đi vào thời kỳ suy vi, những vị vua như Gia Long, Tự Đức rất hà khắc với Phật giáo. Vua Tự Đức bảo rằng: “Gần đây có kẻ sùng phụng Đạo Phật, xây dựng chùa chiền quá cao, lầu gác rất là tráng lệ, đúc chuông tô tượng rất đỗi trang hoàng, cùng là làm đàn chay mở hội phí tổn về cúng Phật, nuôi sư không thể chép hết, để cầu phúc báo viễn vong, đến nổi tiêu hao máu mỡ. Vậy từ nay về sau chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới, tô tượng, đúc chuông, đàn chay, hội chùa hết thảy đều cấm. Sư sãi có kẻ chân tu thì Lý sở tại phải khai rõ danh tánh, quán chỉ đem nộp ở quan trấn  để biết rõ số.” (Lược Sử Phật Giáo Việt Nam- TT. Thích Minh Tuệ- THPG TP. HCM ấn hành- 1993- trang 453, 454)

Vào khoảng đầu thế kỷ XX ảnh hưởng phong trào chấn hưng của Phật giáo thế giới cụ thểTrung Quốc, Nhật Bản đã tác động vào Phật giáo Việt Nam. Tại Việt Nam các đạo tràng Giác Hải (Sài Gòn), chùa Tiên Linh (Bến Tre), chùa Phi Lai (Châu Đốc), chùa Giáo Hoa (Bạc Liêu), chùa Long Hòa (Trà Vinh), chùa Trường Thọ (Gò Vấp- Gia Định), chùa Giác Viên (Sài Gòn), chùa Tuyên Linh (Gò Công) ở miền Nam vẫn được duy trì và đều có mở lớp giảng dạy Phật pháp cho Tăng Ni, mỗi lớp có khoảng 40- 100 học Tăng tham dự.

Các vị cao Tăng tiêu biểu trong thời kỳ này như HT. Từ Phong, Chí Thành, Huệ Quang, Khánh Anh, Tâm Thông, Hoằng Nghĩa, Huệ Tịnh,… phát động phong trào chấn hưng Phật giáo, mở lớp giảng dạy Phật pháp ở các tỉnh miền Nam.

Năm 1923, HT. Khánh Hòa thành lập Hội Lục Hòa Liên Hiệp trong một buổi họp đại diện các tổ đình tại chùa Long Hòa (Trà Vinh). Khoảng năm 1931- 1932, Ngài trở về Trà Vinh mở Liên Đoàn Phật Học Xã. Đây là lớp học lưu động vì các chùa không đủ kinh tế để nuôi các học Tăng đến khoảng 50 người. Tiếp theo là Hội Lưỡng Xuyên Phật Học ra đời ngày 13-8- 1934, đặt trụ sở tại chùa Long Phước (Trà Vinh). Mục đích chính của hội là lập Phật học đường, đào tạo Tăng tài. Năm 1935, Hội cho xuất bản tạp chí Duy Tâm để truyền bá Phật pháp đến với mọi người. Trong thời kỳ chấn hưng Phật giáo Hội Phật Học Kiêm Tế là một hội Phật giáo tiến bộ nhất. Hội Phật Học Kiêm Tế được thành lập năm 1937 tại Rạch Giá, lấy chùa Tam Bảo ở làng Vĩnh Thanh Vân làm trụ sở, do HT. Trí Thiền làm Chánh Tổng lý Hội. Hội không chỉ truyền bá Phật pháp mà còn tham gia vào các công tác xã hội như lập viện mồ côi, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt,..

Năm 1938, Hội cho xuất bản tạp chí Tiến Hóa. Nội dung của tạp chí ngoài việc tuyên truyền Phật pháp còn kêu gọi các Tăng Ni Phật tử hưởng ứng phong trào canh tân Phật giáo cho phù hợp với thời đại mới.  Bên cạnh các hội do chư Tăng thành lập cũng có các Hội Phật Học do cư sĩ thành lập như ngài Minh Trí (tên Nguyễn Văn Bồng, sinh năm 1885, tại Sa- Đéc), có nghiên cứu, tu tập theo giáo lý Phật giáo và Ông đã thành lập Hội Tịnh Độ Cư Sĩ năm 1933 (năm ông 48 tuổi), những ngôi chùa của Hội này đều có mở phòng thuốc nam để chữa trị cho dân nghèo. Năm 1932, cư sĩ Đoàn Trung Còn lập Tịnh Độ Tông, Phật học Tùng Thư, cho xuất bản nhiều kinh sách do ông phiên dịch và trước tác. Ở tỉnh Long Xuyên, vị trụ trì chùa Bình An sáng lập Hội Phật giáo Liên Hữu năm 1932.

Năm 1934, HT. Huệ Đăng sáng lập Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu, đặt trụ sở tại chùa Thiên Thai (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). Cũng năm này (1934), thầy trụ trì chùa Thiên Phước (tên Lê Phước Chí) sáng lập Hội Phật Giáo Tương Tế tại Sóc Trăng.

Ngoài ra, trong thời kỳ này còn có các giáo phái Phật giáo đã được thành lập từ cuối thế kỷ XIX vẫn tiếp tục phát triển như: Bửu Sơn Kỳ Hương do ông Đoàn Minh Huyên (1807- 1856, người làng Tòng Sơn, Cái Tàu Thượng, Sa- Đéc), pháp danh Minh Huyên, pháp tự Pháp Tạng sáng lập năm 1849; Tứ Ân Hiếu Nghĩa do ông Ngô Lợi (1830- 1890) sáng lập năm 1869. Giáo phái này phát triển ở vùng Thất Sơn tỉnh An Giang. Năm 1939, ông Huỳnh Phú Sổ (1919- 1947)  ở làng Hòa Hảo, huyện Tân Châu, tỉnh Châu Đốc sáng lập giáo phái Phật giáo Hòa Hảo. Vào năm 1940, HT. Hộ Tông đã xây dựng chùa Bửa Quang (Tam Bình- Thủ Đức- Sài Gòn), là một ngôi chùa Nam Tông đầu tiên được xây dựng ở miền Nam. Nhưng mãi cho đến ngày 18-12-1957, Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam mới chính thức thành lập.

Tóm lại, Đạo PhậtNam Bộ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945 là những thập niên đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Theo nhận xét khách quan từ những nhà tâm huyết chấn hưng Phật giáo Việt Nam cho rằng phong trào chấn hưng chưa thật sự phát huy hết khả năng của nó, chưa đáp ứng được những yêu cầu của thời đại. Nhưng có thể khẳng định rằng phong trào chấn hưng là những viên gạch nền tảng cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam phát triển ở tương lai. Từ phong trào chấn hưng Phật giáo sôi nổi trong thời kỳ này (1900- 1945) chính là nguyên nhân để PGKS ra đời.

CHƯƠNG II-
CÁC TỔ CHỨC PHẬT GIÁO KHẤT SĨ :

Phật giáo ở Nam Kỳ có nhiều giáo phái, hệ phái Phật giáo hơn so với ở Bắc Kì và Trung Kì. Chỉ tính ở hai miền Đông, Tây Nam Bộ Việt Nam thì có hơn 14 hệ phái Phật giáo khác nhau. Hầu hết các hệ phái này ra đời trong khoảng nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX (1849- 1975). Đây là tính đa dạng, phong phú của Phật giáoNam Bộ, mang bản sắc văn hóa dân tộc. Riêng đối với Phật giáo Khất Sĩ thì đã có đến 5 tổ chức Phật giáo Khất Sĩ khác nhau, đi vào nội dung của chương này chúng ta sẽ thấy rõ sự ra đời và phát triển của những tổ chức đó.

Trong chương này người viết sắp xếp các tổ chức PGKS theo tiến trình thời gian được thành lập và phát triển. Tổ chức nào thành lập trước thì sắp thứ mục trước, tuần tự các tổ chức thành lập sau thì nối tiếp, chứ không sắp xếp theo những cách khác.

 

1- Phật Giáo Khất Sĩ của ĐS. Huệ Nhựt (Khất sĩ Đại Thừa)

1.1- Vài nét về tiểu sử của Đại Sư và sự hình thành Khất Sĩ Đại Thừa (1945- 1950)

          ĐS. Huệ Nhựt tên là Hồ Cang, hiệu Hồ Chí Thạnh, sinh năm 1903, ấp Long Điền, xã Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Thân phụ Ngài là ông Hồ Thời, thân mẫu là bà Trần Thị Thâu (pháp danh Diệu Chánh). Ngài có 5 anh em và Ngài là người con út trong gia đình. Thuở nhỏ Ngài theo học Nho giáo với cụ nghè Trương Gia Mô. “khi Ngài lên 8 tuổi, tại Bình Thuận có nhiều phong trào hoạt động của nhóm Duy Tân ủng hộ tư tưởng cụ Phan Bội Châu, cụ nghè Trương Gia Mô đã vận động Ngài chuyển qua Tây học”. Vào năm 1921, Ngài (năm 18 tuổi) đến Sài Gòn lập nghiệp ở Tổng Bình Trị Thượng, xã Hạnh Thông, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Đến năm 1923, lúc 20 tuổi, Ngài lập gia đình và có được 2 người con.

Sự kiện bi thảm nhất trong đời làm cho Ngài giác ngộ sau này chính là sau thời gian lập gia đình thì 4 người anh ở quê nhà lần lượt qua đời, người con trai út của Ngài cũng chết. Ít lâu sau vợ cũng từ trần, để lại cho Ngài người con gái, tên Hồ Thị Vàng. Do đó, Ngài ý thức sâu sắc cuộc đờiảo mộng, vô thường, tang thương dâu bể nên Ngài đi Tây Ninh lên núi Bà Đen lập nguyện xuất gia học đạo giải thoát.

Vào khoảng năm 1933- 1934, Ngài xuất gia, năm sau thọ giới làm đệ tử ngài Giác Phú Nguyên Cơ, được pháp danh là Quảng Thạnh, hiệu Huệ Nhựt và sau được truyền thừa tông phái trở thành đệ tử thứ 44, thuộc dòng thiền Lâm Tế Liễu Quán, theo dòng kệ “Tế Thiệt Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng, Tâm Nguyên Quảng Nhuận, Đức Bổn Từ Phong, Giới Định Phước Tuệ, .. .” (Tổ đình Linh Sơn Tiên Thạch). Đến 1945, Ngài sáng lập PGKS theo tư tưởng Đại Thừa, sang năm 1946 độ được tất cả 11 đệ tử Tăng và 10 đệ tử Ni. Năm 1948, Đại Sư được Ban Hộ Tự chùa Vạn Thọ (Tân Định) thỉnh về làm trụ trì. Chính những năm lưu trú ở đây Ngài hoằng pháp giáo hoá tha nhân rất thành tựu. Cũng năm 1948, Đại Sư về làm trụ trì chùa Linh Bửu (Cầu Hang- Gò Vấp) là nơi lưu dấu giáo hóa sau cùng của đời Ngài.

Mùng 10- 12-năm Canh Dần (1950) tại ngôi chùa Linh Bửu, Ngài bị một số phần tử “quá khích” sát hại. Ngài trụ thế được 47 năm.

          Giáo lýpháp môn tu tập của Ngài hướng dẫn cho các đệ tử Tăng NiPhật tử được Đại Sư viết trong quyển “Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn” vào năm 1945.

Như  chúng ta được biết qua sơ lược tiểu sử của ĐS. Huệ Nhựt từ năm  xuất gia (khoảng 1933- 1934) cho đến năm 1945 Ngài mới thật sự thành lập PGKS theo tư tưởng Đại Thừa. Theo như trong tiểu tựa của Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn thì vào ngày 7 tháng 7 năm Ất Dậu (1945) Ngài đã sáng tác hoàn thành quyển 1 tác phẩm Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn. Qua tác phẩm Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn chúng ta có thể biết được phương pháp truyền bá Phật pháphình thức tổ chức sinh hoạt truyền thống của PGKS do Đại Sư sáng lập. Tính truyền thống PGKS của Ngài là mặc pháp phục giống Phật giáo Nguyên Thủy và ôm bình bát khất thực mỗi ngày. Nhưng nét đặt trưng riêng của Ngài là mỗi khi dẫn đoàn đệ tử đi khất thực Ngài có cầm cây tích trượng, một tay ôm bình bát, một tay chống tích trượng. Năm 1946, Đại Sư độ được tất cả 11 đệ tử Tăng là ngài Phổ Khai, Phổ Hỷ, Phổ Thượng, Phổ Ứng, Phổ Giác, Phổ Quốc, Phổ Hiển, Phổ Hạnh, Phổ Thông, Phổ Thịnh, Phổ Tĩnh; và 10 đệ tử Ni là Thích nữ Diệu Nghĩa, Diệu Lương, Diệu Nhẫn, Diệu Hảo, Diệu Tú, Diệu Lý, Diệu Tường, Diệu Khiết, Diệu Thiệt, Diệu Trí. Có thể nói trong 2 năm (1945- 1946) tổ chức PGKS của Đại Sư sáng lập đến đây có phần phát triển. Trong những năm này Ngài hành đạo rày đây mai đó ở vùng miền Đông Nam Bộ mà nhiều nhất là ở Gia Định (Sài Gòn).

Trên con đường hoằng truyền chánh pháp từ những năm 1945- 1946 Ngài chưa thành lập một đạo tràng nào làm trụ sở cho tổ chức của mình mà chỉ du phương hành đạo không ở một nơi cố định. Đến năm 1946, Ban hộ tự chùa Vạn Thọ (Tân Định- Sài Gòn) thỉnh Ngài về làm trụ trì. Đây là ngôi chùa đầu tiên Đại Sư về làm trụ trìhoằng pháp. Vào năm 1948, Ngài trở về chùa Linh Bửu (Cầu Hang- quận Gò Vấp) làm trụ trì. Linh Bửu Tự là một ngôi chùa nhỏ, do Đại Sư “cải gia vi tự” làm nơi đạo tràng cho Tăng chúng tu học. Theo sự nghiên cứu của học giả Thông Thanh Khánh về dòng phái, năm xuất giahành đạo của ĐS. Huệ Nhựt thì cho rằng : Đại Sư về làm trụ trì chùa Linh Bửu năm 1950, nhưng nếu căn cứ vào tác phẩm Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn (quyển 2) là tài liệu đáng tin cậy nhất thì lời bìa của sách ghi : “Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn- Linh Bửu Tự- Hồ Chí Thạnh- pháp danh Huệ Nhựt- Đại Sư Diễn Văn- Cầu Hang Gò Vấp quận- Tân Bình Tỉnh- 1948- Cuốn thứ nhì” hoặc ở cuối “lời tiểu tựa” ghi : “Huệ Nhựt Đại Sư- Diễn Văn tại nhà Vô Vi- Mậu Tí. Hạ Ngoại, Kiết Nhật : Lương Thời, làm lời tựa này- 1948 dương lịch”. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi cũng như căn cứ vào lời tiểu tựa của Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn thì Đại Sư về làm trụ trì chùa Linh Bửu vào năm 1948 là hợp lý hơn.

Nhìn chung, PGKS của ĐS. Huệ Nhựt sáng lập năm 1945 cho đến năm 1950 thật sự đã phát triển trong một thời gian nhất định, nhưng nó đã đóng góp phần nào trong phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà vào những năm nửa đầu thế kỷ XX

 

1.2- Những năm tháng lịch sử của Khất Sĩ Đại Thừa(1950- 2004)

1.2.1- Giai đoạn suy vi : 1950- 1989

Sau khi Đại Sư qua đời (năm 1950) nhiều đệ tử của Ngài trở về chùa Linh Bửu để phụng sự ngôi đạo tràng này thì các vị ấy tiếp tục bị sát hại hoặc bị bắt mất tích. Do đó, các sư trong giáo đoàn KSĐT phải lui về lánh nạn ở Vũng Tàu. Bấy giờ, ĐĐ. Phổ Giác là người được chư Tăng suy tôn làm Tăng Trưởng lãnh đạo giáo đoàn KSĐT cũng lâm bệnh và sau đó hoàn tục. Như vậy, con thuyền KSĐT lúc này không có người lái, Giáo Đoàn đã suy yếu từ một năm trước nay lại phải suy yếu hơn.

Vào năm 1952, Giáo Đoàn đồng suy tôn ngài Phổ Ứng làm Tăng Trưởng lãnh đạo KSĐT. Và Ngài trở về Sài Gòn hoằng pháp năm 1953, năm sau đó Ngài nhận một mảnh đất của Phật tử Minh Tịnh cúng dường ở vùng Khánh Hội- Quận 4 để lập tịnh thất tu tập. Để xây dựng một cơ sở hoằng pháp cho Giáo Đoàn được phát triển, Ngài đã khởi công xây dựng ngôi chánh điện Linh Quang TX vào năm 1963 nhưng mãi đến năm 1969 mới hoàn thành. Trong những năm tháng hoằng pháp, chấn hưng tông phong ở cuối đời của Hòa Thượng sự nghiệp của KSĐT cũng chưa có gì khả quan lắm. Đến năm 1983, HT. Phổ Ứng đã viên tịch. Sang năm 1984, thực hiện di huấn của Hòa Thượng, tông phong suy tôn TT. Thích Từ Giang lên giữ chức trụ trì Tổ đình Linh Quang, và lãnh đạo KSĐT.

Như vậy, có thể nói KSĐT trong giai đoạn từ năm 1950- 1952 rất suy yếu, sau đó HT. Phổ Ứng lên kế thừa sự nghiệp của Đại Sư, hướng dẫn Giáo Đoàn, tông phong được chấn chỉnh lại. Nhưng phải nói cho đến năm 1984 TT. Từ Giang (đệ tử của HT. Phổ Ứng) lên lãnh đạo, KSĐT mới thực sự được khôi phục và có chiều hướng phát triển.

 

1.2.2- Giai đoạn củng cố và phát triển (1990- 2004)

KSĐT trong giai đoạn này dưới sự lãnh đạo của TT. Từ Giang đã có phần khởi sắc. Ngay khi vừa lên kế vị trụ trì (năm 1984) Ngài liền bắt tay vào công tác TTXH như : cứu trợ bão lụt, thiên tai, giúp đỡ cho đồng bào nghèo, khó khăn vùng sâu, vùng xa. Cho đến năm 1989, Thượng Tọa được Mặt Trận Tổ Quốc Quận 4 giao cho một căn Nhà Trẻ cũ và Ngài lấy cơ sở này mở Trung Tâm Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật- Quận 4. Hiện nay (2004), cơ sở này đã được xây dựng khá khang trang, chăm sóc và giáo dục 105 trẻ khuyết tật theo chế độ bán trú, có 4 lớp trẻ khiếm thính và 6 lớp chậm phát triển trí tuệ. Trung Tâm có 17 giáo viên, 10 nhân viên. Bên cạnh đó Thượng Tọa còn thành lập Chi Hội Chữ Thập Đỏ Linh Quang.TX, mở phòng khám từ thiện đặt tại Linh Quang.TX vào năm 1992. Theo quyển Linh Quang.TX với Những Công Tác Từ Thiện Xã Hội (1989- 2004) cho biết tổng chi phí của hai cơ sở từ thiện này 1 năm là : 707.500.000 đồng.

Ngoài ra tổ chức Khất Sĩ này còn tham gia các công tác từ thiện : ủng hộ các Hội Chữ Thập Đỏ, các Trường Phật học, học sinh nghèo, cứu trợ bão lụt, thiên tai, cho Đoàn Y Bác Sĩ của phòng khám từ thiện Linh Quang. TX đi khám bệnh cho đồng bào nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Vào cuối năm nay (2004), Thượng Tọa cũng cho khánh thành Viện Dưỡng Lão Tịnh Quang (Suối Nghệ- Bà Rịa Vũng Tàu). Với những công tác Phật sự và TTXH nhiều như thế nên Thượng Tọa Viện Chủ đã phân thành 4 ban bảo trợ của tịnh xá : Ban Bảo Trợ Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam- Ban Bảo Trợ Các Trường Phật Học- Hội Cứu Trợ Thiên Tai, Bão Lụt- Ban Bảo Trợ Ấn Tống Kinh Sách, Xây Đắp Tượng.

Không phải chỉ có chú trọng phát triển về các Phật sự và công tác xã hội, KSĐT cũng đặt việc tu tập lên hàng đầu. Tại Linh Quang. TX các thời khóa tu học được tổ chức đều đặn. Đặt biệt là có nhiều Phật tử tham gia các khóa tu hằng ngày và dùng cơm ở tại Tịnh Xá.

Song song với việc tu học, trong lãnh vực văn hóa Phật giáo của tịnh xá cũng từng bước đi lên. Hiện nay (2004), kỷ yếu “Nguồn Sống An Lạc” của KSĐT đã ra được 3 số, đồng thời cho ra tác phẩm Linh Quang Tịnh xá Với Những Phật Sự và Công Tác Từ Thiện Xã Hội- 1989- 2004 (NXB Tôn Giáo), và tác phẩm Nẻo Về Chơn Như của Thượng Tọa Viện Chủ biên soạn hoàn thành, cho lưu hành nội bộ.

Về mặt xây dựng kể từ năm 1990 đến nay Thượng Tọa đã cho xây dựngtrùng tu lại nhiều tịnh xá, chùa, tự viện của KSĐT. Hiện nay KSĐT có tất cả 12 ngôi tự viện đó là : 1. Linh Quang TX- (Quận 4- Tp Hồ Chí Minh), 2. Linh Quang TX, 3. chùa Pháp Hoa, 4. chùa Long Bửu (Bà Rịa- Vũng Tàu), 5. Tịnh Thất Linh Quang (Suối Nghệ- Vũng Tàu), 6. chùa Bửu Lâm, 7. Huỳnh Lâm TX  (Long Hải), 8. chùa Bửu Lâm (Long Thành- Đồng Nai), 9. chùa Quảng Hương (Phan Thiết- Bình Thuận), 10. Linh Quang TX (Hòn I- Phước Hải), 11. chùa Phổ Đà Sơn (Đức Linh- Bình Thuận), 12. Tịnh Thất Linh Quang (Đại Ninh- Lâm Đồng).

Tóm lại, KSĐT trong giai đọan từ năm 1989- 2004 là giai đọan phát triển trên những lãnh vực giáo lý tu học, văn hóa Phật giáo, đặc biệt nhất là công tác TTXH rất thành tựu. Ở thời kỳ này nhiều tịnh xá, chùa, tịnh thất của tông phong được xây dựng, trùng tu, nhiều tác phẩm văn hóa Phật giáo được xuất bản. Với nhịp độ phát triển như hiện nay nếu có thêm nguồn nhân lực của Tăng Nicư sĩ phụng sự cho những công tác Phật sựtừ thiện  của KSĐT thì sẽ phát triển hơn.

 

            2- Hệ phái Khất Sĩ Việt Nam của TS. Minh Đăng Quang

            2.1- Sơ lược tiểu sử Tổ Sư sáng lập hệ phái

          TS. Minh Đăng Quang thế danh là Nguyễn Thành Đạt, tự là Lý Hườn, sinh ngày 26 tháng 9 năm Quí Hợi (1923), tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là ấp 6, xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Ngài sinh trưởng trong gia đình thuộc thành phần trung nông, có nề nếp Nho giáo. Thân phụ là cụ Nguyễn Tồn Hiếu, thân mẫu là bà Phạm Thị Tỵ, bà đã qua đời vì chứng bệnh tim sau khi sinh Ngài được 10 tháng. Thuở còn trong nôi Ngài được bà ngoại nuôi dưỡng đến 3 tuổi, rồi sau đó được bà kế mẫu (Hà Thị Song) đem về nuôi dưỡng. Vào năm 1929, phong trào Việt Minh nổi lên rất mạnh nên gia đình di cư lên thị xã Vĩnh Long, xóm Cầu Kinh Cụt (phường 1) và ngài được gởi đến học ở trường Tống Phước Hiệp (nay là trường Lưu Văn Liệt). Đến năm 1937, năm 14 tuổi, Ngài nghỉ học với chí nguyện muốn xuất gia tầm đạo, nhưng thân phụ không cho. Năm sau ( 1938) Ngài từ giã gia đình sang Campuchia tu học theo Phật giáo Nam Tông (Theravàda). Đến năm 1941, Ngài trở về Việt Nam và vâng lời thân phụ kết hôn với cô Kim Huê, con gái nuôi của ông Hội Đồng Nhiều ở Chợ Lớn- Sài Gòn. Sau khi lập gia đình, Ngài đi làm cho nhà hàng Nguyễn Văn Trận, rồi sang làm ở hãng xà bông Việt Nam…..

Trong thời gian này (1942), vợ Ngài sanh được một người con gái, tên là Kim Liên, được vài tháng sau cô Kim Huê đã từ trần. Sau đó Ngài gởi con cho người chị là Nguyễn Linh Hoa nuôi dưỡngquyết tâm xuất gia tầm đạo giải thoát. Về quá trình xuất gia tu học trong Chơn Lý, Ngài viết : “Minh Đăng Quang khất sĩ xuất gia (1944 tại Vĩnh Long) đi tu tìm học nơi hai giáo lý Đại Thừa, Tiểu Thừa của Miên và Việt Nam. Năm 1946, nạn khói lửa chiến tranh danh lợi, đốt phá núi rừng, làm cho người tu không chỗ ở, lại thêm nạn cướp bóc, không cho kẻ sĩ hiền làm việc nuôi thân sống tạm, Minh Đăng Quang rời khỏi xứ Cao Miên trở về Việt Nam thực hành giới luật Tăng đồ tại tỉnh Mỹ Tho cho đến năm 1948. Giáo pháp khất sĩ đến Sài Gòn 1948” (Chơn Lý- Nguồn Khất Sĩ Việt Nam- TS. Minh Đăng Quang- trang 879- NXB thành phố Hồ Chí Minh- 1998). Như vậy căn cứ theo bộ Chơn Lý thì năm 1946 Ngài thọ giới Tỳ- kheo tại chùa Linh Bửu, làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho. Năm 1947, Ngài đã độ được nhiều đệ tử xuất gia và bắt đầu cho xây cất tịnh xá. Năm 1948, Ngài hành đạo đến Sài Gòn, tiếp tục hoằng hoá Phật pháp. Đến năm 1954, trên đường hành đạo về các tỉnh Cần Thơ mới đến Bắc Cái Vồn (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) thì bị bọn ông Trần Văn Soái (Năm Lửa) bắt đi mất tích đến nay.

          Tác phẩm giáo lý của Ngài còn lưu lại cho hậu thế là bộ Chơn Lý, gồm có 69 tiểu phẩm, và bộ Bồ- tát Giáo (bộ này chưa được phổ biến rộng).

 

          2.2- Sự hình thành và phát triển của Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam    

          2.2.1- Quá trình hình thành (1944- 1954)

Theo Chơn Lý ở bài Nguồn Khất Sĩ Việt Nam trang 879, thì ghi rằng vào năm 1946 TS. Minh Đăng Quang đã phát nguyện thọ giới Tỳ- kheo tại chùa Linh Bửu, làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho, và có thể xem đây là đạo tràng hành đạo đầu tiên của Ngài. Cũng trong thời gian này Ngài hướng dẫn Phật tử ở làng Phú Mỹ, Mỹ Tho dựng tịnh xá (TX) Mộc Chơn. Đây là ngôi tịnh xá đầu tiên do Ngài hướng dẫn xây cất để mở đạo. Sang năm 1947, Tổ Sư đã thâu nhận nhiều đệ tử Tăng Ni. Với hơn 20 người đệ tử, lần đầu tiên Ngài tổ chức lễ Tự Tứ ở chùa Kỳ Viên (Sài Gòn), vào năm 1948. Ngài thành lập một Tiểu Giáo Hội gồm có 20 vị Tỳ- kheo này (theo sự phân chia của Tổ Sư thì một Tiểu Giáo Hội có 20 Tỳ- kheo, một Trung Giáo Hội có 100 Tỳ- kheo, một Đại Giáo Hội có 500 Tỳ- kheo). Từ năm 1948 đến năm 1953, Ngài tổ chức Tăng Ni đi hành đạo rất nhiều nơi ở hai miền Đông, Tây Nam Bộ như : Vĩnh Long, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, đến đâu cũng thuyết pháp giáo hóa nhân sinh. Với giáo lý trong sáng, giới hạnh Tứ Y Pháp thanh cao Ngài được hàng vạn tín đồ qui ngưỡng, nhiều người phát tâm xuất gia tu học. Tính đến năm 1953 Tổ Sư thâu nhận được 49 đệ tử Tăng như : Giác Chánh, Giác Tánh, Giác Như, Giác Tịnh, Giác An, Giác Trụ, Giác Thần, Giác Thọ, Giác Lượng, Giác Tôn, Giác Thủy, Giác Hoằng, Giác Thanh, Giác Hạnh, Giác Hải, Giác Lập, Giác Nhơn, Giác Hòa, Giác Đức, Giác Nguyên, Giác Thường, Giác Thống, Giác Duyên, Giác Giới, Giác Lý, Giác Nhiên, Giác Phải, Giác Hùng, Giác Nhựt, Giác Lương, Giác Tân, Giác Ẩn, Giác Trung, Giác Sơn, Giác Bảo, Giác Trí, Giác Ý, Giác Thành, Giác Nghiêm, Giác Hương, Giác Hiếu, Giác Quí, Giác Đạo, Giác Chơn, Giác Pháp, Giác Hành, Giác Hồng, Giác Bửu, Giác Hội. (Minh Đăng Quang Pháp Giáo- Hàn Ôn).

Đệ tử Ni được 53 vị như : Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Kim Liên, Ngân Liên, Chơn Liên, Quang Liên, Tạng Liên, Trí Liên, Đức Liên, Bửu Liên, Hồng Liên, Giác Liên, Diệu Liên, Vân Liên, Thiện Liên, Tràng Liên, Tánh Liên, Nghiêm Liên, Châu Liên, Quảng Liên, Hưng Liên, Tuệ Liên, Ngoạt Liên, Hà Liên, Viên Liên, Văn Liên, Phổ Liên, Ký Liên, Ngọc Liên, Thông Liên, Tân Liên, Đàn Liên, Chánh Liên, Hạnh Liên, Sanh Liên, Minh Liên, Triết Liên, Liễu Liên, Mỹ Liên, Nhã Liên, Cầm Liên, Nhan Liên, Chiêu Liên, Diện Liên, Phương Liên, Phục Liên, Tố Liên, Hiểu Liên, Phấn Liên, Pháp Liên, Khâm Liên, Vĩnh Liên. (Sự Hình Thành Và Phát Triển Của Hệ Phái Khất Sĩ- Thích Giác Trí – sđd)

Để mở rộng phạm vi hành đạo cũng như cơ sở hoằng pháp Tổ Sư đến nơi nào có điều kiện thì lập tức cho dựng tịnh xá. Chỉ trong khoảng 10 năm hành đạo hệ phái của Ngài đã xây dựng được 30 tịnh xá như : TX. Mộc Chơn (Mỹ Tho), TX. Pháp Vân (Vĩnh Long), TX. Trúc Viên (Vĩnh Long), TX. Ngọc Thuận (Vĩnh Long), TX. Ngọc Viên (Vĩnh Long), TX. Ngọc Trung (Thốt Nốt- Cần Thơ), TX. Ngọc Minh (Cần Thơ), TX. Ngọc Quang (Sa Đéc- Đồng Tháp), TX. Ngọc Thọ (Nhà Bàng- Châu Đốc), TX. Ngọc Liên (Cần Thơ), Ngọc Vân (Trà Vinh), TX. Ngọc Thành (Long An), TX. Ngọc Thạnh (Tây Ninh), TX. Ngọc Chánh (Sài Gòn), TX. Ngọc Khánh (Sóc Trăng), TX. Ngọc Phước (Phụng Hiệp- Cần Thơ), TX. Ngọc Long (Long Xuyên), TX. Ngọc Thanh (Cây Lậy- Tiền Giang), TX. Ngọc Bình (Thủ Dầu Một- Bình Dương), TX. Ngọc Thặng (Thủ Thừa- Long An), TX. Ngọc Sơn (Chợ Lớn- Sài Gòn), TX. Ngọc Bửu (Biên Hòa), TX. Ngọc Phú (Châu Đốc- An Giang), TX. Ngọc Huệ (Mỹ Tho), TX. Ngọc Bích (Vũng Tàu), TX. Ngọc Lâm (Phú Lâm- Sài Gòn), TX. Ngọc Hải (Rạch Giá- Kiên Giang), TX. Ngọc Ôn (Ô Môn- Cần Thơ), TX. Ngọc An (Dĩ An- Bình Dương), TX. Bửu Long (Biên Hòa) (sđd).

Về mặt pháp lý, theo sổ hành đạo có đính kèm văn bản số 194/ 6T của Thủ Hiến Nam Việt do ông Đốc Phủ sứ Nguyễn Văn Diệu ký vào ngày 21- 1- 1954 cho Đoàn Du Tăng Khất Sĩ đi hành đạo đến địa phương nào thì trình sổ này ra và xin chính quyền địa phương nơi ấy cho phép hành đạo thuyết pháp.

Như vậy, từ khi TS. Minh Đăng Quang cất bước hành đạo cho đến lúc vắng bóng (1954) chỉ trong khoảng 10 năm, Ngài đã độ được hơn 100 Tăng Ni, cảm hóa hàng vạn Phật tử, xây dựng 30 ngôi tịnh xá, được Chính Phủ cho phép hành đạo thuyết pháp. Có thể nói đây là những thành tựu rất khả quan mà Ngài đạt được trong thời đó. Những thành tựu này là cơ sở vững chắc cho HPKS Việt Nam phát triển về sau.

 

2.2.2- Giai đoạn phát triển (1954- 2002)

2.2.1- Thời kỳ hoằng pháp, thành lập giáo đoàn (1954- 1975)

Sau khi Tổ Sư vắng bóng (1954) với tâm nguyện của Ngài cũng như nhiệm vụ hoằng pháp của các đệ tử còn lại, HPKSVN đã được truyền bá ra đến miền Trung. Vị Trưởng đoàn du Tăng do TT. Giác Chánh hướng dẫn. Năm 1956, Đoàn du Tăng hành đạo đến các nơi : Phan Thiết, Phan Rí, Phan Rang, Nha Trang; năm 1957, hành đạo đến các tỉnh : Đà Lạt, Khánh Hòa, Tuy Hòa (Phú Yên), Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên; năm 1958, hành đạo đến những tỉnh như : Đà Lạt, Khánh Hòa, Tuy Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên; năm 1961, hành đạo đến các nơi : Quy Nhơn, Thừa Thiên, Quảng Trị, Đông Hà. Phạm vi hoằng pháp trong thời kỳ này rộng lớn như thế và số lượng Tăng Ni, tín đồ Phật tử tăng nhanh nên khuynh hướng thành lập giáo đoàn để phát triển HPKS đã xảy ra. Cụ thể là “sau chuyến đi đầu tiên TT. Giác Chánh dẫn đoàn du Tăng về miền Nam, một số vị đã ở lại miền Trung để hành đạo gồm có 2 giáo đoàn. (Đó là) Giáo Đoàn thứ I của Trưởng Lão Giác TánhTrưởng lão Giác Tịnh. Giáo Đoàn thứ II của Trưởng lão Giác An. Hai Giáo Đoàn này hình thành năm 1956. Lần lượt đến năm 1959, Giáo Đoàn của TT. Giác Nhiên được thành lập; năm 1960, Giáo Đoàn của Trưởng lão Giác Lý được thành lập. Đến năm 1963, Giáo Đoàn của TT. Giác Huệ thành lập, (nhưng lại hoạt động riêng mãi đến tháng 08- 1983 thì  mới hòa hợp trong tổ chức HPKSVN)”. Sự hình thành của các Giáo Đoàn đã xuất hiện, chúng ta có thể tìm hiểu sơ lược như sau

- Giáo Đoàn 1 : Vị Trưởng đoàn là TT. Giác Chánh. Giáo Đoàn (GĐ) này lấy TX. Ngọc Viên (Vĩnh Long) làm Tổ Đình. Tính từ năm 1954- 1975, Giáo Đoàn có khoảng 50 vị Tăng, xây dựng 7 tịnh xá, 3 tịnh thất.

- Giáo Đoàn 2 : TT. Giác Tánh là Trưởng Đoàn. TX. Ngọc Trang (Nha Trang) là Tổ Đình của GĐ này. Đến năm 1975, GĐ có 65 vị (trong đó có 30 học Tăng), xây dựng được 15 tịnh xá.

- Giáo Đoàn 3 : Trưởng lão Giác An là Trưởng Đoàn. GĐ lấy TX. Ngọc Tòng (Nha Trang) làm Tổ Đình. Đến năm 1975, GĐ có 30 vị, xây dựng được 24 tịnh xá, 2 tịnh thất.

- Giáo Đoàn 4 : Vị Trưởng Đoàn là HT. Giác Nhiên. Pháp viện Minh Đăng Quang (TP.HCM) là Tổ Đình của GĐ. Tính đến năm 1974, GĐ có 171 Tăng, xây dựng được 35 tịnh xá.

- Giáo Đoàn 5 : Trưởng Đoàn là Trưởng lão Giác Lý. TX. Trung Tâm (Q6. TP. HCM) là Tổ Đình của GĐ này. Từ năm 1954- 1975, GĐ có khoảng 70 vị, xây dựng 26 tịnh xá.

          Song song với sự hình thành của các GĐ Tăng, Ni Giới Khất Sĩ cũng đã được thành lập gồm có 3 tổ chức Ni.

1. Ni Giới Khất Sĩ của NT. Huỳnh Liên : Tổ chức này do NT. Huỳnh Liên lãnh đạo. TX. Ngọc Phương (Q. Gò Vấp- TP. HCM) là Tổ Đình của Ni Giới Khất Sĩ. Tính đến năm 1987 Tổ chức này có 82 tịnh xá

 2. Ni Giáo Đoàn 4 : có GĐ NT. Ngân Liên và GĐ NT. Trí Liên

- Giáo Đoàn NT. Ngân Liên : GĐ này do Ni Trưởng lãnh đạo. GĐ lấy TX. Ngọc Tiên (Hà Tiên) làm Tổ Đình.

- Giáo Đoàn NT. Trí Liên : NT. Trí Liên là Trưởng đoàn. TX. Ngọc Hiệp (Châu Thành- Tiền Giang) là Tổ Đình của GĐ này. Tính đến năm 1975, GĐ xây dựng được 7 tịnh xá, nhận của Tăng GĐ 4, 3 tịnh xá.

 3. Ni Giáo Đoàn 3 : Ni GĐ này do Trưởng lão Giác An lãnh đạo. GĐ lấy Tổ đình Nam Trung và TX. Ngọc Tòng (Nha Trang) làm Tổ Đình. Đến năm 1978, GĐ có 30 vị, xây dựng được 8 tịnh xá, 1 tịnh thất.

          Như vậy, thời kỳ hoằng phápthành lập GĐ (1954- 1975), chỉ trong khoảng thời gian có hơn 20 năm mà HPKSVN thành lập được 5 GĐ Tăng, 3 GĐ Ni, với số lượng khoảng hơn 416 vị (đó là chưa thống kê được số lượng Ni Giới Khất Sĩ của NT. Huỳnh Liên, và Ni GĐ 4), xây dựng được 125 tịnh xá, 7 tịnh thất. Những thành tựu này cho thấy thời kỳ này HPKS của TS. Minh Đăng Quang rất phát triển so với các tổ chức PGKS đương thời.

2.2.2- Thời kỳ trụ xứ tu tậphòa hợp Giáo hội (1975- 2002)

2.2.2.1- Thời kỳ trụ xứ tu học (1975- 1980)

Trước năm 1975 chư Tăng Ni du phương hành đạo thì chỉ cần giấy đạo của Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ cấp là được, nhưng từ sau ngày 30/ 4/ 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất theo tổ chức hành chánh của nhà nước đương thời thì chư Tăng Ni phải có sổ hộ khẩu, người đi hành đạo phải có đơn xin phép tạm trú, tạm vắng của địa phương. Do đó, hầu hết chư Tăng Ni Khất sĩ trong giai đoạn này đều ở tại tịnh xá để tu học, đây cũng là nguyên nhânchư Tăng Ni khất sĩ gọi thời kỳ này là thời kỳ trụ xứ tu học. Theo truyền thống của Khất sĩ trước kia, những vị sư nào không du phương hành đạo thì ở lại tịnh xá tu học nhưng trong thời gian 3 hoặc 6 tháng phải đổi chỗ ở một lần. Vào thời kỳ này truyền thống ấy cũng không thể thực hiện được. Riêng chỉ có đoàn Du Tăng của TT. Giác Chánh hướng dẫn hành đạo mãi cho đến năm 1983 mới chấm dứt.

Tùy duyên bất biếnphương châm hoằng pháp, là đạo lý sống tuyệt vời của Phật giáo. Nên trong hoàn cảnh này chư Tăng Ni an trútịnh xá tu học, có nhiều thời gian để tĩnh tọa tham thiền phát triển tâm linh. Bên cạnh đó có một số Tăng Ni vẫn tham gia Đại Biểu Quốc Hội, Mặt Trận Tổ Quốc, Hội Liên Hiệp Phụ Nữ, Ban Liên Lạc Phật giáo Yêu Nước và các công tác TTXH khác. Tuy nhiên vẫn có thể nói HPKSVN trong thời kỳ này không được phát triển về nhiều mặt như những thời kỳ sau.

 

2.2.2.2- Thời kỳ hòa hợp Giáo Hội (từ năm 1981 đến nay)

Thời kỳ này sở dĩ gọi là thời kỳ hòa hợp Giáo Hội là vì 5 GĐ Tăng và 3 GĐ Ni trong HPKS của TS. Minh Đăng Quang đã hòa hợp vào GHPGVN tại Đại Hội Phật Giáo năm 1981 ở chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội. HPKS này được xem là 1 trong 9 Hệ phái Phật giáo đã thống nhất, hòa hợp chung trong ngôi nhà GHPGVN. Đến năm 1983, thì GĐ của TT. Giác Huệ gia nhập vào HPKS của TS. Minh Đăng Quang. Vì thế, theo thứ tự GĐ được đặt tên là GĐ 6 của Hệ phái. Và như vậy, kể từ năm 1983, HPKS này có 6 GĐ Tăng, 3 GĐ Ni (Ni Giới Khất Sĩ của Ni Trưởng Huỳnh Liên, GĐ Ni thuộc Tăng GĐ 3 và GĐ Ni thuộc Tăng GĐ 4).

Với sự phát triển của GĐ cũng như về số lượng Tăng Ni, thì công tác hoằng pháp- giáo dục của Hệ phái trong thời kỳ này cũng có chiều hướng đi lên. Tại TX. Trung Tâm (Q. Bình Thạnh- TP. HCM) và TX. Ngọc Phương (Q. Gò Vấp- TP. HCM) mở lớp Sơ Cấp Phật Học cho Tăng Ni trong quận nhà và của Hệ phái. Riêng ở TX. Ngọc Phương, TX. Ngọc Hòa (TP. HCM) năm 2004, có mở lớp “ Giới Thiệu Đạo Phật” do Ni Sư Tiến sĩ Thích Nữ Huệ Liên phụ trách. Và ở thời kỳ này phần lớn các Tăng Ni đều đi học ở các Trường Phật Học trong nước và ngoài nước. Theo Tuần Báo Giác Ngộ- số 216- ra ngày : 18/ 03/ 2004 (trang 7) cho biết HPKS này hiện có : 30 vị học Học Viện Phật Giáo, 50 vị học Trung Cấp Phật Học, trên 30 vị du học tại các nước : Ấn Độ, Trung Quốc (Đài Loan), Myanmar, Hoa Kỳ,.. ..

Nếu như ở thời kỳ trước các mặt hoạt động của Hệ phái còn giới hạn thì vào thời kỳ này các GĐ đã tích cực phát triển trên nhiều lãnh vực văn hóa Phật giáo. Điển hình như trong lãnh vực sáng tác một số tác phẩm của TT. Giác Toàn đã xuất bản : Tặng Phẩm Dâng Đời, Suối Về Huê Nghiêm, 64 Ngôi Tịnh Xá Của HPKS, và một số tác phẩm cũ được in lại để phổ biến nội bộ như : Thi Tập Giác Huệ, Tứ Kệ Tĩnh Tâm, Ánh Nhiên Đăng, thơ của Ni Trưởng Huỳnh Liên. Đồng thời vào những kỳ Lễ kỷ niệm 45 năm, 50 năm ngày vắng bóng của TS. Minh Đăng Quang tại TX. Trung Tâm đều có triển lãm tranh ảnh về HPKS. Về giáo lý tu tập trong thời kỳ này đã xuất hiện nhiều tịnh xá mở đạo tràng tu Tịnh Độ như : TX. Ngọc Trung (Tp. Cần Thơ), TX. Ngọc Tường (Tp. Mỹ Tho), TX. Ngọc Thạnh (tỉnh Tây Ninh), TX. Ngọc Vân (tỉnh Trà Vinh),.. .. khác hơn trước đây hầu hết chư Tăng, Ni ở các tịnh xá đều tu thiền.

Song song với sự phát triển đó công tác TTXH của Hệ phái cũng rất phát triển. Có nhiều tịnh xá của Hệ phái đã thành lập Tuệ Tĩnh Đường. Những Tuệ Tĩnh Đường của TX. Trung Tâm (Q. Bình Thạnh- Tp. HCM), TX. Lộc Uyển (Q.6- Tp. HCM), Thiền viện Ngọc Hạnh (tỉnh Vĩnh Long) hoạt động rất có hiệu quả. Và hầu hết các cơ sở tịnh xá, tịnh thất, tự viện trong các GĐ của Hệ phái đều tích cực tham gia những công tác từ thiện xã hội.

Ngoài ra, trong thời kỳ này phần lớn các GĐ đều lo trùng tu, sửa chữa lại những tịnh xá đã xuống cấp. Hầu hết các tịnh xá đều được xây cất lại rất khang trang, có kiến trúc đẹp. Theo thống kê của TT. Thích Giác Pháp, Thư ký của Hệ phái, thì đến năm 2003 HPKSVN có tổng số lượng tịnh xá, tịnh thất là 372 ngôi, và tổng số Tăng Ni khoảng 2000 vị.

Như vậy, thời kỳ Hòa hợp Giáo Hộithời kỳ HPKSVN phát triển gần như toàn diện. Nhưng nếu các GĐ có sự đoàn kết, hòa hợp cao hơn nữa, lãnh đạo Trung Ương của Hệ phái tổ chức Phật sự phù hợp với những GĐ thì chắc chắn Hệ phái sẽ thăng hoa hơn.

 

3- Khất Sĩ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng do HT. Thiện Phước (biệt hiệu Mẫu Trầu) sáng lập

3.1- Vài nét về tiểu sử HT. Thiện Phước

HT. Thiện Phước (Phật tử thường gọi ngài là Mẫu Trầu), thế danh Lê Minh Ý (vì nạn chiến tranh Pháp- Việt nên cải danh là Lê Văn Mười), sinh năm 1924, tại Nhật Tảo, An Nhật Tân, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Cha là ông Lê Văn Đẩu, mẹ là bà Nguyễn Thị Hoạt. Ngài có 9 anh chị em, và Ngài là người con trai út trong gia đình.

Khoảng năm 1940- 1943, Ngài phát tâm xuất gia ở vùng Văn Liên, Thất Sơn miền Tây Nam Bộ. Từ đó Ngài được pháp danh là Thiện Phước, huý Nhựt Ý. Vào năm 1945, Ngài tham gia hoạt động Cách Mạng để bảo vệ tổ quốc. Đến năm 1955, Ngài lên núi Tượng tu học pháp môn niệm Phật với HT. Bửu Đức (chùa Bửu Quang- Châu Đốc). Sang năm 1956, vâng lời HT. Bửu Đức Ngài trở về miền Đông hành đạo. Ngài đến Long Sơn Cổ Tự (huyện Tân Uyên- tỉnh Sông Bé) cầu pháp với HT. Trí Châu thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ, và được truyền thừa dòng phái thiền Lâm Tế Gia Phổ, đời thứ 41.

Năm 1957, Ngài về trụ trì Tổ đình Linh Sơn (nay là xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). Năm 1961, Ngài thành lập cô nhi viện Phước Lộc Thọ, thu nhận đến 200 cô nhi, quả phụ và người già yếu. Đến năm 1962, Hòa Thượng thành lập Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo, hội tụ được khoảng 300 Tăng Ni. Nhưng vào năm 1965, khu vực đạo tràng Linh Sơn bị bom Mỹ Nguỵ bắn phá ác liệt nên Hòa Thượng cho di tản tất cả Tăng Ni và cô nhi về nhiều chùa ở miền Đông Nam Bộ. Trong những năm ở nơi đây Hòa Thượng luôn xiển dương Tịnh Độ tônggiới luật. Đến năm 1966, Ngài chỉ đạo Ni sư Huệ Giác, đệ tử lớn của Ngài xây dựng Quan Âm Tu Viện. Mãi đến năm 1974, Hòa Thượng cùng tất cả môn đồ trong Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng trở về núi Dinh. Vào năm 1975, Ngài về chùa Long Phước Thọ (huyện Long Thành) khai phá rẫy, cải tạo nông thiền.

Vào ngày 27- 12-1978, Ngài được Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Tịnh Độ Tông tấn phong làm Hòa Thượng, đại biểu cho Trung Ương Giáo Hội tại miền Đông Nam bộ. Đến năm 1980, Hòa Thượng cho khởi công xây dựng chánh điện đạo tràng Linh Sơn Tự. Ngày 30/7/ năm Bính Dần (1986), vì tuổi già sức yếu sau thời gian nhiệt tình phụng sự đạo pháp và dân tộc nên Ngài lâm bệnhviên tịch tại Quan Âm Tu Viện, Hòa Thượng hưởng thọ 62 tuổi.

 

3.2- Quá trình hình thành và phát triển

3.2.1- Quá trình hình thành (1957- 1986)

Trong mục trên cho chúng ta biết kể từ năm 1956 HT. Thiện Phước đến Long Sơn Cổ Tự (Tân Uyên- Bình Dương) cầu pháp với HT. Trí Châu. Nơi cầu pháp cũng chính là nơi hoằng pháp, tại đây Ngài đã bắt đầu thu nhận nhiều đệ tử xuất gia. Người đệ tử đầu tiên của Ngài là Ni sư Huệ Giác (hiện là Trụ trì Quan Âm Tu Viện) được giáo hóa ở đó. Năm 1957, Ngài về trụ trì Tổ đình Linh SơnPhước Hòa, quận Long Lễ, tỉnh Phước Tuy (nay là xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). Đây là ngôi chùa cổ kính có chiều dài lịch sử trên 200 năm, trải qua 9 đời trụ trì, Ngài là vị trụ trì thứ 10, và ở đây bắt đầu Ngài thành lập khất sĩ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng (LTTĐNB) do Ngài lãnh đạo.

Vào năm 1961, Hòa Thượng thành lập cô nhi viện Phước Lộc Thọ, có đến 200 cô nhi, quả phụ, người già yếu có cuộc sống khó khăn. Năm 1962, Ngài tiếp tục thành lập Phật học đường Tây Phương Bồng Đảo qui tụ khoảng 300 Tăng Ni về tu học. Từ năm 1962- 1965, Tổ đình Linh Sơn cũng là cơ sở cách mạng của Liên Khu 5 Biệt Động Thành. Do là cơ sở tham gia hoạt động cách mạng nên vào năm 1965 quân Mỹ Nguỵ cho phản lực cơ F5 bỏ bom, càn quét các khu căn cứ Núi Dinh, trong đó Tổ đình Linh Sơn bị tàn phá gần hết các cơ sở vật chất. Có 30 Tăng Ni bị thương, 12 tu sĩ và cô nhi bị thiệt mạng trong trận càn quét đó. Trước tình hình này để an toàn cho đời sống tu học của Tăng Ni và cô nhi, quả phụ Ngài chỉ đạo cho tất cả mọi người xuống núi. Đầu tiên là tản cư về tạm trú ở chùa Phổ Hiền (Biên Hòa- Đồng Nai). Trong thời gian này Ngài xây dựng TX. Thăng Liên Hoa rồi dời một số Tăng chúng về tu học, một số khác di tản về Nhất Nguyên Bửu Tự, TX. Thiện Chơn và chùa Phước Thiện An. Năm 1966, Hòa Thượng chỉ đạo cho Ni sư Huệ Giác xây dựng Quan Âm Tu Viện làm đạo tràng trang nghiêm cho Tăng chúng tu họctiếp tục công tácTTXH. Đến ngày 14/ 7/ 1974, tất cả Tăng Ni trong LTTĐNB trở về Núi Dinh.

Nhưng sang năm 1975, Ngài về chùa Long Phước Thọ (Long Thành- Đồng Nai) sửa chữa và khai phá rẫy trồng ngũ cốc. Hòa Thượng luôn thực hiện tinh thần “nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” của Tổ Bách Trượng. Tại các Tổ đình Linh Sơn I, Linh Sơn Tự II, Quan Âm Tu Viện, chùa Phước Lộc Thọ, Bửu Hoa Ni Viện, Nhất Nguyên Bửu Tự, Dĩ An Tự, Long Sơn Cổ Tự, TX. Thăng Liên Hoa Ngài đều cho thành lập các ban nông thiền và luôn khuyến khích Tăng chúng phát triển nông lâm nghiệp, tự túc kinh tế nhà chùa. Đến tháng 3/ 1975, Ngài giao trách nhiệm trụ trì Tổ đình Linh Sơn cho ĐĐ. Thích Giác Hải tiếp tục xây dựng, tái thiết khu đạo tràng này. Mãi đến năm 1980, Hòa Thượng cho khởi công xây dựng ngôi chánh điện Tổ Đình nhưng địa điểm xây dựng cũng như một số cơ sở khác của Tổ Đình, thì Bộ Quốc Phòng cho biết là nằm trong “vùng khoanh” của trường quân đội tập bắn. Cho nên sang năm 1981, ĐĐ. Giác Hải ký văn bản bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất và đất đai của Tổ Đình cho Bộ Quốc Phòng rồi dời tất cả Tăng Ni trong Tông Môn xuống núi cư trú tại xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Ở đây, Ngài sử dụng 1 hecta đất do Phật tử tên Năm Ngọ cúng dường để xây dựng đạo tràng cho Tăng chúng tu học. Thế nhưng chẳng bao lâu thì Bộ Quốc Phòng quyết định trả lại toàn bộ đất đai và cơ sở vật chất cho Tổ Đình Linh Sơn.

Như vậy, trong quá trình hình thành Khất Sĩ của LTTĐNB khoảng hơn 30 năm, HT. Thiện Phước đã giáo hóa rất nhiều Tăng Ni, Phật tửxây dựng nhiều cơ sở đạo tràng ở miền Đông Nam Bộ, tạo được uy tín lớn cho Phật giáo ở vùng này.

 

3.2.2- Thời kỳ phát triển (từ năm 1986  đến nay)

Khất sĩ của LTTĐNB trong thời kỳ này do Ni Trưởng Thích Nữ Huệ Giác lãnh đạo, nhưng Ni Trưởng lại mặc pháp phục Bắc Tông. Khác với các tổ chức Khất sĩ khác, Khất sĩ của LTTĐNB tu tập, sinh hoạt hòa hợp với LTTĐNB. Trong thời kỳ này có thể nói Tông phái này rất phát triển về nhiều lãnh vực. Như trong lãnh vực giáo dục hoằng pháp, tại Quan Âm Tu Viện đã đào tạo được 12 vị giảng sư, những vị này đều có tham gia giảng dạy ở các trường Phật Học và trường hạ của tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó Ni Trưởng còn sáng tác, dịch thuật ấn hành những tác phẩm : Suối Nhạc Rừng Thơ, Kinh Thập Thiện Diễn Giảng, Di Đà Yếu Giảng, Ba Mươi Tám Pháp Hạnh Phúc, Tây Phương Du Ký,..

Ngoài ra còn tham gia công tác TTXH, đây là công tác Phật sự mạnh nhất của LTTĐNB. Cụ thể như tại Quan Âm Tu Viện có 8 Ban Nông Thiền, mỗi ban có 12 người. Các ban này lo công tác trồng rừng, trồng cây ăn trái và canh tác ruộng lúa. LTTĐNB có tổng số diện tích đất rừng đến 348 mẫu, trồng nhiều loại gỗ quí như : sao, sến, gõ, bằng lăng, tràm, bạch đàn,.. ..nay bước đầu thu hoạch bình quân 50 triệu đồng/ năm. Và có 10 mẫu ruộng, thu hoạch 500 giạ/ năm, 3 mẫu chuối. Từ năm 1990 đến nay, Tu Việnthành lập trại nuôi dưỡng người già, cô đơn, nghèo khó khoảng 50 người, Trại Cô Nhi nuôi dạy 10 người bị khuyết tật, bại liệt,.. .. song song đó còn tham gia công tác : cứu trợ bão lụt, ủy lạo cho Bệnh Viện Tâm Thần, Bệnh Viện Đa Khoa, Da Liễu, xây dựng nhà tình thương,.. ..

Hiện nay, LTTĐNB có số lượng Tăng Ni trên 1000 vị, có 136 ngôi chùa, tịnh xá, tự viện (Lịch Sử LTTĐNB); trong đó có 7 ngôi tịnh xá, tự việnTăng Ni Khất sĩ ở như : Quan Âm Tu Viện (Thành phố Biên Hòa), chùa Long Phước Thọ (Long Thành- Đồng Nai), Linh Sơn Cổ Tự I, Linh Sơn Cổ Tự II (Bà Rịa- Vũng Tàu), TX. Bửu Sơn (Định Quán- Đồng Nai), TX Thắng Liên Hoa (Thành phố Biên Hòa), chùa Phổ Huệ, và có khoảng 200 Tăng Ni Khất Sĩ.

Nhìn chung, Khất Sĩ của LTTĐNB trong thời kỳ này đã đang phát triển ở nhiều lãnh vực, đặc biệt là công tác TTXH. Những thành tựu đó quả thật là những đóng góp không nhỏ cho Giáo Hội Phật Giáo cũng như đất nước Việt Nam ngày càng thêm giàu đẹp.

 

4. Khất Sĩ Tu Tịnh của HT. Từ Huệ và TL. Giác Bảo

Trong mục này  chúng tôi sắp cả 2 vị HT. Từ Huệ, TL. Giác Bảo vào chung một tổ chức, vì 2 vị này đều xuất thân hành đạo từ trong các Giáo Đoàn Khất Sĩ của TS. Minh Đăng Quang, HT. Từ Huệ và TL. Giác Bảo là đệ tử trực tiếp của Tổ Sư. Nhưng cả 2 vị Tôn Đức này đều có hạnh nguyện muốn tu tịnh và hoằng pháp nên đã tách đoàn riêng. HT. Từ Huệ ở tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang), TL. Giác Bảo ở tỉnh Vĩnh Long mỗi vị đều độ đệ tử xuất gia Tăng Ni hoặc theo các Ngài cầu pháp rất nhiều. Tuy ở tại trú xứ chính của các Ngài không có nhiều Tăng Ni nhưng những đệ tử Tăng Ni do các Ngài độ đi ra nhiều nơi thành lập tịnh xá, tịnh thất  phát triển Phật pháp rất thành tựu. Vả lại sau khi tách khỏi các giáo đoàn 2 vị Tôn đức này vẫn tổ chức sinh hoạt truyền thốngphương pháp tu tậptịnh xá cũng giống HPKSVN. Đó là nguyên nhân để chúng tôi sắp cả 2 vị này vào một mục và lấy tên là “Khất Sĩ Tu Tịnh”.

 

4.1- Thân thế của HT. Từ Huệ và sự hình thành KSTT

HT. Từ Huệ (Phật tử thường hay gọi ngài là Sư Cả) thế danh là Tạ Văn Phụng, sanh năm 1910, tại làng Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (Tiền Giang). Ngài sinh ra trong một gia đình nông dân hiền lương, nhân hậu.

Thân phụ là ông Tạ Văn Phi, thân mẫu là bà Thiều Thị Nữ. Ngài chào đời được khoảng 3 tháng thì thân mẫu qua đời, Ngài được bà nội nuôi dưỡng đến khôn lớn. Năm Ngài 21 tuổi (1930) được ông bà nội và người chú đứng ra lập gia đình cho. Đến năm 1931 (năm Ngài 23 tuổi) Ngài đến chùa Long Hội (xã Phú Mỹ, Mỹ Tho) thọ Tam Quy Ngũ Giới với HT. Hoằng Thông. Khoảng thời gian từ năm 1934- 1940, Ngài vừa đi học vừa làm nghề mộc để mưu sinh nuôi sống gia đình. Năm 1945, Ngài gặp TS. Minh Đăng Quanglãnh hội giáo pháp nơi Tổ Sư ở chùa Linh Bửu (xã Phú Mỹ, Mỹ Tho). Đến năm 1946, Ngài phát nguyện xuất gia tu học làm đệ tử TS. Minh Đăng Quang. Sau thời gian xuất gia tu tập tinh tấn, giới hạnh thanh tịnh Tổ Sư cho phép Ngài đi hành đạo tại Tân An xuống Mỹ Tho, Gò Công, lên Tây Ninh, Bình Dương. Năm 1952, sau ngày Tự Tứ Tăng Sư Cả trở về tịnh xá Ngọc Quang viếng thăm Tổ Sư và xin phép được tách đoàn ra riêng để hành đạo.

Từ năm 1954- 1997, Ngài thu nhận có hơn 100 đệ tử xuất gia, các vị đệ tử lớn như : TT. Giác Toàn, TT. Huệ Tâm, ĐĐ. Huệ Ngộ,.. . đệ tử tại gia có đến hàng vạn. Ngoài ra Ngài còn làm nhiều công tácTTXH, từ năm 1979- 1990. Đến năm 1997, Hòa Thượng được Trung Ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam thỉnh cử vào chức vị thành viên Hôi Đồng Chứng Minh Trung Ương GHPGVN. Năm 1988, được nhà nước CHXH CNVN trao tặng huy chương Kháng Chiến hạng nhì. Ngày 31/7/1997, Sư Cả đã viên tịch tại tịnh xá Mỹ Đức (số 69, Nguyễn An Ninh, Khu Phố 6, phường 2, thành phố Mỹ Tho), trụ thế được 88 tuổi, Hạ Lạp 50 năm.

Tổ chức Khất Sĩ tu tịnh của HT. Từ Huệ qua tiểu sử của Ngài cho chúng ta thấy kể từ năm 1946 Ngài mới được TS. Minh Đăng Quang cho xuất gia, nhập đạo. Qua đức hạnh tinh tấn tu tập của Ngài được Tổ Sư cho phép đi hành đạo. Trong thời gian này Sư Cả đi hành đạo tại Tân An, Mỹ Tho, Gò Công rồi lên Tây Ninh, Bình Dương. Đến năm 1948, Sư Cả hành đạo ở Mỹ Tho rồi qua Bến Tre. Trong thời kỳ này Ngài thường hay tạm trú ở các đình miếu. Ban ngày thì khất thực hóa duyên, ban đêm thì giảng kinh thuyết pháp. Với nếp sống thanh bần, đạo hạnh trong sáng, Ngài được nhiều Phật tử kính mộ. Năm 1950, Sư Cả được hai người Phật tử là cô Chín Thanh và cô Tám hiến cúng đất và một cái cốc cho Sư Cả ở tu tập. Sau này khu đất ấy Ngài xây dựng thành ngôi tịnh xá Mỹ Đức hôm nay. Năm 1952, Sư Cả tách đoàn riêng hành đạo và bắt đầu hình thành tổ chức KSTT.

Trong những năm 1960- 1975 quỹ tài chánh của chùa chiền còn có nhiều khó khăn, Ngài sử dụng miếng đất hương qủa của gia đình được năm công ruộng, Ngài tự làm ruộng lấy tiền ủng hộ vào phần kinh phí cấp phát thẻ tín đồ, giấy Tăng tịch và giấy hoãn dịch cho chư Tăng khỏi phải đóng tiền. Năm 1969, TX. Mỹ Đức có một chiếc xe 12 chỗ ngồi để chư Tăng đi hành đạo, Ngài cho bán đi để thành lập nghĩa trang miễn phí cho đồng bào nghèo.

Kể từ năm 1950- 1974, Sư Cả đã phát triển tổ chức của Ngài xây dựngtrùng tu tất cả 12 ngôi tịnh xá và chùa như : thành lập TX. Mỹ Đức (1950- tỉnh Mỹ Tho), TX. An Đức (1951- tỉnh Bến Tre), TX. Bồ- đề (1951- Mỏ Cày- Bến Tre),  TX. Thành Đức (1952- Mỏ Cày- Bến Tre), trùng tu chùa Phước An (1956), thành lập  TX. Trúc Lâm (1968, Long Thành- Đồng Nai), TX. Long Đức (1969, Trung Long- Mỹ Tho), TX. Bình Phước (1970, Hàm Luông- Bến Tre), TX. Ngọc Hiệp (1972- Bình Dương), TX. Ngọc Chung (1972, Tân Bình- Sài Gòn), TX. Ngọc Bình (1973- Phan Thiết), TX. Phước Tu (1974, Long Thành- Đồng Nai).

 

4.2- Vài nét về tiểu sử TL. Giác Bảo và sự thành lập KSTT

TL. Giác Bảo thế danh là Hồ Hữu Lý, sinh năm 1909, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Thân phụ là Hồ Văn Nhiên, thân mẫu là Nguyễn Thị Liên. Thuở nhỏ Ngài đã thấm nhuần đạo đức từ gia đình, hiếu thảo với cha mẹ. Lớn lên Ngài lập gia đình với cô Võ Thị Tri (người làng Phú Trường Yên, Vĩnh Long). Vợ Ngài sanh được 1 con trai và 2 con gái. Năm 1946 (lúc 37 tuổi), Ngài giác ngộ cuộc đờivô thường, ảo mộng nên phát tâm xuất gia tầm đạo gặp biết bao gian truân thử thách. Với chí xuất trần dõng mãnh Ngài theo TS. Minh Đăng Quang học đạo tập sự làm người xuất gia 2 năm. Đến năm 1949, Ngài được TS. Minh Đăng Quang cho thế phát (cắt tóc) nhập đạo tại TX. Ngọc Viên (Vĩnh Long). Sau khi xuất gia thấy giới hạnh Trưởng Lão thanh tịnh Tổ Sư cho Ngài theo đoàn Tăng già Khất Sĩ du phương nhiều nơi ở Nam Bộ. Trong thời gian du phương hóa độ chúng sanh Tổ Sư và Ngài cùng Tăng đoàn cất các TX. Ngọc Trung (Thốt Nốt- Cần Thơ), TX. Ngọc Mỹ (Sóc Trăng), TX. Ngọc Liên (Bạc Liêu).

Năm 1954, TS. Minh Đăng Quang cho phép Ngài tách đoàn riêng độc giác hành đạo giáo hóa chúng sanh, năm Ngài 45 tuổi. Từ năm 1957 – 1960, Trưởng Lão tu tập, hành đạo  ở TX. Ngọc Vi làng Tân Quới, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1972, Ngài về ở phường 3, thị xã Vĩnh Long xây ngôi TX. Ngọc Vi thứ 2 để tu tập. Ngoài việc thuyết pháp độ sanh, trong thời gian này Trưởng Lão còn làm công tácTTXH.

          Ngày 29/8/1992, Ngài viên tịch tại TX. Ngọc Vi, phường 3, tỉnh Vĩnh Long.

Giai đoạn hình thành KSTT của TL. Giác Bảo có thể xem là bắt đầu từ năm 1954, năm mà Ngài chính thức tách đoàn riêng hành đạo. Không như HT. Từ Huệ, sau khi tách đoàn riêng Hòa Thượng giáo hóa được nhiều đệ tử Tăng Ni, xây dựng tịnh xá, tham gia các công tác TTXH còn Trưởng Lão khi tách đoàn Ngài luôn thích nếp sống phạm hạnh tịnh tu. Cho đến năm 1957, Ngài cùng với một sư đệ là TT. Giác Nhựt xây cất ngôi TX. Ngọc Vi ở làng Tân Qưới, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Nhưng ngôi tịnh xá này cũng chỉ được cất bằng cây lá đơn sơ để 2 huynh đệ cùng tham thiền tu tịnh. Vào năm 1960, Ngài giao trách nhiệm trụ trì cho TT. Giác Nhựt. Và đến năm 1972, Trưởng Lão và các Phật tử bắt đầu khai phá đất hoang (nay thuộc phường 3, tỉnh Vĩnh Long), sau này Ngài xây dựng nên ngôi TX. Ngọc Vi thứ 2. Trong thời gian an trú tại tịnh xá này Trưởng Lão vẫn với nếp sống sáng trì bình khất thực, hóa duyên, chiều thuyết pháp giáo hóa Phật tử địa phương, tối tham thiền nhập định. Đặc biệt trong giai đoạn này Ngài còn tham gia các công tác TTXH như ủy lạo cho Trung Tâm Cải Huấn Tù Chính Trị tỉnh Vĩnh Long, thuyết pháp khuyến thiện cho anh em trong trại cải tạo. Suốt thời gian 4 năm (1967- 1972), Trưởng Lão ủy lạo cho làng cô nhi (ở Long Thành- Đồng Nai) đang trong hoàn cảnh bị chiến tranh.

Như vậy, cho đến năm 1975, quá trình hành đạothiết lập tổ chức KSTT của 2 vị tôn đức còn rất giới hạn. Trong thời kỳ này có thể nói chỉ có tổ chức KSTT của HT. Từ Huệ là phát triển về cơ sở vật chất cũng như số lượng Tăng Ni.

 

4.3- Những hoạt động hoằng pháp từ năm 1975- 2000

Như chúng ta được biết ở phần trên (4.1 và 4.2) về hạnh nguyện hoằng pháp lợi sanh của HT. Từ Huệ rất lớn lao. Sở dĩ nói lớn lao vì Ngài không từ gian lao, khó nhọc để đem lại lợi ích cho nhân sinh. Như sau khi đất nước được giải phóng, vào năm 1979, Ngài hợp tác cùng sư cô Hiếu Liên xây dựng 1 lò thiêu miễn phí tại chùa Pháp Bảo (Tp. Mỹ Tho). Sư Cả lại tiếp tục mở phòng thuốc Nam từ thiện, vào năm 1981. Đến năm 1990, Ngài đứng ra vận động và xin phép thành lập Hội Từ Thiện của thành phố Mỹ Tho, và sau đó Ngài được bầu làm Chủ Tịch danh dự của Hội. Nhưng thật kính tiếc đến năm 1997 thì Sư Cả viên tịch.

Sau khi Sư Cả viên tịch thì đệ tử của Ngài là TT. Huệ Tâm tiếp nối sự nghiệp hoằng pháp. Khoảng năm 1998, mỗi tháng Thượng Tọa cung cấp 100 kg gạo cho bệnh viện Đa Khoa (thành phố Mỹ Tho) và bố thí quan tài cho đồng bào nghèo địa phương. Và bắt đầu từ năm 1999 đến nay Ngài tham gia xây dựng Nhà Tình Thương, Mái Ấm Tuổi Thơ, cùng Hội Khuyến Học bố thí tập sách cho học sinh khó khăn. Cũng năm 1999 Thượng Tọa cất lại TX. Bồ- đề (tỉnh Bến Tre), sau đó, nhận thêm TX. Ngọc Định (Phường 5- TP. Mỹ Tho) cho Ni, vào năm 2001. Đến năm 2003, Ngài cho trùng tu TX. Long Đức (Tp. Mỹ Tho).

Nhìn chung, tổ chức KSTT của HT. Từ Huệ từ khi mới hình thành cho đến nay đã từng bước phát triển. Kết quả phát triển đó cho thấy hiện nay tổ chức này có : 13 tịnh xá, 1 ngôi chùa, và có khoảng 30 Tăng Ni.

Khác với HT. Từ Huệ, TL. Giác Bảo trong thời kỳ này luôn an trú hành đạo tại trú xứ của mình. Cho đến năm 1992 thì Trưởng Lão viên tịch. Sau khi Ngài viên tịch những vị đại đệ tử như TT. Giác Thông, TT. Giác Thạnh, ĐĐ. Giác Khánh,….. tiếp tục hành đạo hoằng pháp ra nhiều nơi.

Hiện nay, tổ chức KSTT của Trưởng Lão có khoảng 12 ngôi tịnh xá, tịnh thất và chùa như : TX. Ngọc Vi, TX. Ngọc Vi (tỉnh Vĩnh Long), chùa Vạn Hòa, chùa Phước Thiện, chùa Giác Hòa (Thị Trấn Giồng Riềng- tỉnh Kiên Giang), Thiền viện Hư Vân (tỉnh An Giang),.., và số lượng Tăng Ni có khoảng 25 vị.

Như vậy, những hoạt động hoằng pháp của tổ chức KSTT trong thời kỳ đất nước sau khi được giải phóng đến nay không ngừng phát triển. Những hoạt động hoằng pháp đó không chỉ dừng lại ở phạm vi thuyết giảng, truyền bá chánh pháp mà còn tham gia vào nhiều công tác TTXH đem lại lợi lạc cho nhân sinh.

 

5-    Khất Sĩ Sơn Tăng của Sư Trưởng Thích Huỳnh Minh

5.1- Thân thế của Sư Trưởng, hành đạothành lập KSSL

ST. Thích Huỳnh Minh thế danh là Trương Văn Thạnh, sinh ngày 19/2/ năm Bính Thìn (tức năm 1916) tại xã Long Hựu, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Cha là cụ Trương Văn Lương, người hiền đức, hay đi bốc thuốc bố thí cho dân nghèo trong làng; mẹ là bà Phạm Thị Son, là một cô mụ làng có tiếng tăm trong vùng. Ngài có 12 chị em, và Ngài là người con thứ 10 trong gia đình. Thuở nhỏ Ngài rất hiếu thảo với cha mẹ, lớn lên lại giàu lòng nhân ái với mọi người, sốt sắng, nhiệt tình giúp bà con làng xóm trong việc quan, hôn, tang, tế.

Vào năm 1934, lúc Ngài 18 tuổi thì lập gia đình với cô Nguyễn Thị Láng và sinh được 4 người con : Trương Thị Của, Trương Thị Đẹp, Trương Thị Minh Nguyệt và Trương Văn Long. Năm 1935, Ngài làm nghề đánh lưới, năm sau đi ghe chở dừa khô cho hảng xà phòng Hội Đồng Bền (Chợ Lớn- Sài Gòn). Vài năm sau đó sự nghiệp bắt đầu phát triển, Ngài làm Chủ Tịch Hội Thương Thuyền (bến Lê Quang Liêm).

Khoảng năm 1955- 1956, ghe chở hàng của Ngài bị chìm, sự nghiệp tiêu tan hết. Khi ấy Ngài giác ngộ sự vô thường của cuộc đời vinh nhục, sang hèn như phù du ảo mộng. Từ đó Ngài phát tâm xuất gia tầm đạo ở Núi Đất (Nhà Bàng, Tịnh Biên) rồi được chân sư dạy đạo và truyền pháp cho. Kể từ năm 1958 đến 1960, Ngài về quê hương hoằng pháp. Với hạnh nguyện Đầu- đà, Ngài phát nguyện độ được 21 vị đệ tử, thành lập được một Tiểu Giáo Hội sẽ ẩn dật tu tập.

Đến khoảng cuối năm 1963, Ngài đã độ được tất cả 21 vị đệ tử rồi Ngài thực hiện ước nguyện thiêng liêng của mình, sống ẩn dật tu tập cho đến nay.

KSSL là một tổ chức Phật giáo được hình thành và phát triển hầu như ở vùng rừng núi. Qua phần tiểu sử của Sư Trưởng ở mục trên cho chúng ta biết vào khoảng năm 1955- 1956 Ngài đã xuất gia tầm đạo tại vùng núi Sơn Công (Nhà Bàng, Tịnh Biên). Trong thời gian tu tập ở đây Ngài xây dựng một mái tịnh xá Phụng Hoàng để hành đạo. Vào năm 1958, Sư Trưởng trở về quê nhà hoằng pháp, sang năm 1960, Ngài hướng dẫn cho 2 đệ tử TT. Minh Thông và Minh Tài xây dựng ngôi TX. Phụng Hoàng ở quê hương của Ngài. Suốt thời gian hành đạo từ Sơn Công(Nhà Bàng, Tịnh Biên) đến quê hương (Cần Đước, Long An) Sư Trưởng đã giáo hóa được rất nhiều người trở thành Phật tử và đã độ được 21 vị đệ tử xuất gia như ước nguyện của ngài. Các đệ tử của Ngài như Sư Minh Hải, Minh Đức, Minh Ngọc, Minh Đại, Minh Giác, Minh Khôi, Minh Trí, Minh Nhật, Minh Nguyệt, Minh Thông, Minh Đạo, Minh Hùng, Minh Lực, Minh Thành, Minh Công, Minh Tâm, Minh Lý, Minh Huệ, Minh Tài, Minh Pháp, Minh Hòa.

 

          5.2- Những giai đoạn thăng trầm của Khất Sĩ Sơn Tăng

5.2.1- Giai đoạn 1: 1963- 1975

Sau khi Sư Trưởng ẩn dật tu tịnh thì vùng núi Sơn Công (Nhà Bàng, Tịnh Biên) bị bom đạn chiến tranh tàn phá nên các đệ tử của Ngài đã tản cư về nhiều nơi ở miền Đông Nam Bộ như Thành phố Hồ Chí Minh, núi Dinh (Bà Rịa- Vũng Tàu), Hòn Nghệ, Long Hải. Vào năm 1975, do vì ẩn cư tu tập ở vùng biên giới, thiếu an ninh nên một số đệ tử của Sư Trưởng đã bị tình nghi là vượt biên nên bị bắt tạm giam trong một thời gian vài năm sau đó họ mới được trả tự do hoàn toàn.

Đây có thể nói là giai đoạn mà KSSL rất suy vi, nhưng bài học lịch sử ấy làm cho những vị đại đệ tử của Ngài rút kinh nghiệm, và là động lực thôi thúc họ sớm khôi phục lại ngôi nhà KSSL.

5.2.2- Giai đoạn 2: 1975- 2000

Từ năm 1975- 1980, trong những năm này một số đệ tử của KSSL bị tạm giam. Đến khoảng năm 1980 tất cả đều được trả tự do và các vị ấy hướng về nương vào tổ chức Khất Sĩ Ca- diếp do TT. Giác Huệ làm Trưởng đoàn. Cho đến năm 1984 TT. Minh Nhi và TT. Minh Hùng mới về núi Dinh (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) khai phá đất hoang ở rừng núi lập tịnh xá để tiếp Tăng độ chúng. Cũng bắt đầu từ năm 1984 tổ chức KSSL chính thức gia nhập Giáo Hội Phật Giáo tại địa phương hoạt động theo qui định, Hiến chương của Giáo Hội.

Để có đạo tràng tu tập thuận lợi vào năm 1992, TT. Minh Hùng xây dựng ngôi chánh điện nhỏ. Tiếp tục Thượng Tọa cho khởi công xây dựng ngôi giảng đường Pháp Bảo vào năm 1994. Hiện nay, Ngài lấy TX. Ngọc Sơn (của Tăng) làm cơ sở trung tâm của KSSL. Đạo tràng này hiện có khoảng 100 Tăng Ni tu học, có khoảng 20 ngôi tịnh thất.

Theo TT Viện chủ (Thích Minh Hùng) cho biết về cơ sở giáo lý tu tập của Tăng Ni có 6 bộ sách căn bản: Nghi Thức Tụng Niệm (của HPKSVN), Kinh Nhật Tụng (của Bắc Tông Phật giáo), Bộ Luật Sa- Di, Luật Tỳ- kheo, bộ Chơn Lý (của TS. Minh Đăng Quang) và bộ Phật Học Phổ Thông (HT. Thích Thiện Hoa). Tại tịnh xá có mở lớp gia giáo dạy 3 ngày mỗi tuần, đồng thời cũng có một số Tăng Ni đi học ở các trường Phật Học. Bên cạnh việc xây dựng các cơ sở vật chất, hoằng pháp, phát triển tu học cho Tăng Ni, tịnh xá còn tham gia những công tác TTXH của Giáo Hội cũng như của địa phương, đặc biệt là TT. Minh Tâm trên núi Dinh có mở phòng thuốc Nam từ thiện chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo.

Hiện nay, KSSL của ST. Thích Huỳnh Minh đã được các đệ tử kế thừa và từng bước phát triển ở nhiều nơi, có các tịnh xá, tịnh thất và chùa như:

1-    TX. Phụng Hoàng                  (Long Hựu- Cần Đước- Long An)

2-    TX. Ngọc Sơn      (núi Dinh, Tân Hòa- Tân Thành- Bà Rịa- Vũng Tàu)

3-    TX. Ngọc Dinh                        (như trên)

4-    Thiền Thất Minh Tâm                    (như trên)

5-    Chùa Hang Mai                                 (như trên)

6-    Chùa Bến Gỗ                                (Bạc Liêu- Cà Mau)

 

  

PHẦN II-
NHỮNG NÉT VĂN HOÁ CỦA PHẬT GIÁO KHẤT SĨ

CHƯƠNG III-  
NHỮNG NÉT VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG CỦA PHẬT GIÁO KHẤT SĨ :

          Sự thành tựu trong các lãnh vực văn hóa của PGKS không giống nhau,  mỗi tổ chức PGKS thành tựu ở một lãnh vực văn hóa khác nhau như có tổ chức rất thành tựu về sáng tác, có tổ chức thành  tựu về kiến trúc, có tổ chức thành tựu, phát triển về công tác TTXH,.. . Do đó, người viết chỉ chọn lựa những thành tựu văn hóa nổi bật, những tác phẩm tiêu biểu của mỗi tổ chức trong các lãnh vực kiến trúc, sáng tác, giáo lý, giáo dục đạo đức,.. . để trình bày trong chương này, chứ không nói hết các lãnh vực văn hoá của mỗi tổ chức PGKS. Thiết nghĩphạm vi giới hạn của tài liệu nghiên cứuthời gian nên không cho phép người viết luận bàn chi tiết dài dòng ở lãnh vực mở rộng, nhưng những thành tựu văn hóa của các tổ chức PGKS sẽ bao hàm những đặt trưng văn hóa chung của PGKS. Điều này sẽ được chứng minh ở các mục dưới đây.

1-Về mặt giáo lý

Nói đến giáo lý của PGKS mới nghe qua chúng ta tưởng như có giáo lý gì đó mới lạ so với giáo lý Phật giáo, nhưng thực tế có gì mới lạ không ? chúng ta thử tìm hiểu nội dung của giáo lý ấy.

Theo như Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn cho chúng ta biết thì tư tưởng giáo lý của ĐS. Huệ Nhựt là dung hợp hai giáo lý Thiền TôngTịnh Độ. Ngài viết : “Thiền Tông và Tịnh Độ cũng có một lý thuyết không hai khác”. Nên nhớ rằng : “Ngoài lìa các tướng là Thiền, trong không sanh vọng tưởng là Định, gọi là Thiền Định; và kinh Tịnh Danh nói : (lóng) lòng ngay là Tịnh Độ, Đạo Tràng vậy”. Như vậy, Thiền TôngTịnh Độ Tông tuy hai giáo lý nhưng sự thực thì kết qủa không có khác nhau. Thiền địnhphương pháp dứt trừ vọng tưởng, phiền não để tâm được thanh tịnh; pháp môn niệm Phật (Tịnh Độ) cũng để đoạn trừ tâm loạn độngnhất tâm vào câu niệm Phật. Cả hai cùng một mục đích để tâm được thanh tịnh từ đó thành tựu từng Thánh quả. Nhưng đối với Đại Sư pháp môn niệm Phậtphổ thông, cơ bản nhất mà Ngài thường hay giảng dạy cho Tăng NiPhật tử. Ngài dạy niệm Phậtniệm Tâm của mình, khi tu pháp môn này thì trừ được oan gia, nghiệp báo, mà nghiệp báo đã hết rồi tức thời tâm sẽ thanh tịnh, thân ngũ uẩn này trở thành “hoá thân sáng ngời”. Cho nên, trong Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn Ngài nói:

 

“Niệm Phật, Phật ở lòng ta

Bà con quyến thuộc ma vương báo đời

Niệm Phật mà biết tức thời

Tịnh tâm viên mãn hóa thân sáng ngời”

ĐS. Huệ Nhựt thì dung hợp hai giáo lý Thiền TôngTịnh Độ làm tôn chỉ cho giáo lý của Ngài, còn TS. Minh Đăng Quang sử dụng giáo lý Giới, Định, Tuệ (Tam Vô Lậu Học) làm tôn chỉ cho giáo lý của HPKSVN. Giáo lý Giới, Định, Tuệ đã được Tổ Sư giới thiệu trong toàn bộ tác phẩm Chơn Lý. Giới được Ngài hướng dẫn rõ trong Luật Nghi Khất Sĩ, cơ bản Sa- di có 10 giới, Tỳ- kheo có 250 giới, Tỳ- kheo Ni có 348 giới; Định Ngài nói về cách thức “nhập định”, 40 đề mục thiền định, 30 đề mục đem đến nhập định,.. . , Huệ chính là giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Thánh Đạo,.. . như Ngài đã giảng dạy trong Chơn Lý. Ngài đã khẳng định : “Giáo Hội Tăng- già Khất Sĩ tu giới, định, tuệ, không có sự nương học văn tự của bước đầu” (Chơn Lý- Bài Học Cư Sĩ- trang 242). Như vậy, Giới, Định, Tuệ là kim chỉ nam cho pháp môn tu tập của HPKSVN. Đó chính là giáo lý quyết định cho sự thành tựu Thánh quả. Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo lý ấy “Giới như trái đất, Định như cây trồng trên trái đất, Huệ như trái cây”. Ba yếu tố giáo lý Tam Học khắng khít nhau, quan hệ mật thiết không thể tách rời, nếu thiếu một trong ba yếu tố giáo lý đó thì Thánh quả sẽ không thành tựu.  Vì thế, Ngài nói : “Chỉ có Định mới sanh Tuệ, Định Tuệ song tu, do nơi giới luật Khất Sĩ, thì chơn như toàn giác mới sống đời, đúng theo chơn lý lẽ thật, tức là Chánh Đạo, Đạo của vũ trụ, của ta và tất cả, hay là Đạo của tâm mình.” (sđd)

Điều quan trọng chúng ta nên nhớ rằng ĐS. Huệ Nhựt và TS. Minh Đăng Quang ngoài những giáo lý cơ bản các Ngài đã đề xướng, các Ngài còn hướng dẫn giảng giải cho Tăng NiPhật tử những kinh điển trong Tam tạng của Nam Tông lẫn Bắc Tông Phật giáo.

Tóm lại, giáo lý của PGKS là những giáo lý chính thống của Phật giáo chứ không có gì mới lạ. Giáo lý của Khất Sĩ Đại Thừa thì dung hợp giữa hai giáo lý Thiền TôngTịnh Độ; giáo lý của HPKSVN là giáo lý giới, định, tuệ còn các tổ chức PGKS khác thì chịu ảnh hưởng giáo lý Bắc Tông hoặc giáo lý của HPKSVN. Như HT. Thiện Phước lúc còn tại thế Ngài thường giảng dạy về pháp môn niệm Phật, cầu sanh Tây Phương và hoằng hóa giới luật. Bên cạnh đó thì KSTT, HT. Từ Huệ, TL. Giác Bảo xuất thân từ HPKSVN cho nên về tư tưởng giáo lý cũng như pháp môn tu tập đều giống với HPKSVN, còn giáo lý của KSSL thì lại ảnh hưởng giáo lý của HPKSVN và cả Bắc Tông Phật giáo.

 

2- Về mặt sáng tác:

Trong lãnh vực sáng tác chỉ có ba tổ chức PGKS có những tác phẩm được phổ biếnlưu truyền rộng rãi, đó là tác phẩm Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn do ĐS. Huệ Nhựt sáng tác (năm 1945- quyển I; năm 1948- quyển II) và bộ Chơn Lý của TS. Minh Đăng Quang sáng tác. Bên cạnh đó KSTT của HT. Từ Huệ cũng có biên soạn 1 bộ sách thuốc Nam Phương Gia Truyền (3 quyển) nhưng bộ sách thuốc này chỉ được phổ biến trong giới Y Học Cổ Truyền mà thôi. Để hiểu sâu hơn trong lãnh vực sáng tác của PGKS chúng ta nên đi vào tìm hiểu ba tác phẩm trên.

Trước tiênchúng ta tìm hiểu tác phẩm Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn. Tác phẩm này như chúng ta được biết là ĐS. Huệ Nhựt sáng tác gồm có 2 quyển, quyển 1 sáng tác vào năm 1945 và quyển 2 năm 1948 tại chùa Linh Bửu, Cầu Hang, quận Gò Vấp.

Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn đã được tác giả viết theo thể loại văn vần, viết theo thể thơ lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn, thỉnh thoảngxen lẫn những bài văn xuôi, lời lẽ gọn gãy. Nhưng tác phẩm được viết vào thời gian này trong tình hình chữ quốc ngữ mới phát triển cho nên phần lớn trong các bài văn phục nguyện tác giả còn dùng toàn âm Hán Việt làm cho người không học chữ Hán rất khó hiểu.

Nội dung của tác phẩm :

Để tìm hiểu nội dung tác phẩm được dễ dàng hơn chúng ta tạm chia Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn quyển 1 ra làm 5 phần :

I- Khuyến tu : Gồm những bài văn khuyên nhủ, cảnh tỉnh mọi người nên sớm lo tu tâm dưỡng tánh, giữ giới niệm Phật để vượt qua mọi khổ đau. Gồm các bài : 1. Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn, 2. Tỉnh Hồn, 3. Lời Khuyên Sau Rốt.

II- Giúp trừ tà kiến trở về với chánh pháp : Những bài văn chỉ cho mọi người phương pháp trừ tà kiến, sai lầm trong nhận thức để trở về với chánh pháp. Có các bài sau : 1. Phép Trừ Tà Đạo- Hóa Nhân Tâm, 2. Giúp Tà Qui Chánh Kiến.

III- Hướng dẫn tu niệm Phật và cách trì tụng kinh mỗi ngày : bao  gồm những bài hướng dẫn mọi người phương pháp niệm Phật đúng đắn và phân tích rõ lý “Thiền Định và Tịnh Độ”, đồng thời chỉ cho hành giả cách thức tụng kinh mỗi ngày. Gồm có các bài : 1. Nói Về Phép Niệm Phật Và “Lý Thiền- Tịnh Độ”, 2. Cách Tụng Niệm Mỗi Ngày.

IV- Nhận Thức Giáo LýGồm những bài giải thích về giáo lý, chỉ rõ những tinh hoa của Phật pháp, những nhận thức cơ bản và then chốt về giáo lý trên con đường tu tập của mọi người. Có các bài sau : 1. Tịnh Độ Yếu Lý, 2. Độ Vô Nhân Ngã Tướng Kiến Tánh Thành Phật, 3. Vô Nhân Ngã Tướng, 4. Yếu Môn.

V- Sám ca : là bài Sám Ca Cầu Hồn hay còn gọi là Sám Hồng Trần nói về sự vô thường, đau khổ của kiếp người và khuyên nên sớm mau tỉnh ngộ tu tập niệm Phật để được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc, giải thoát sanh tử luân hồi.

          Nội dung của Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn quyển 2 chúng ta cũng có thể chia làm 4 phần như sau :

I- Chỉ rõ chánh pháp (chân lý) : Bao gồm những bài giảng giải về giáo pháp, phân biệt “Chân- Giả” “Mê- Giác”, hướng dẫn pháp để minh tâm kiến tánh thành tựu giải thoát tối hậu. Gồm có các bài : 1.Chánh Pháp Nhãn Tạng, 2. Pháp Tâm Ấn Thế Nào ?, 3. Bài Tụng Vô Tướng, 4. Đức Di Lặc, 5. Vô Vi Pháp, 6. Giới Định Tuệ, 7. Mê Giác Cần Phải Nhớ, 8. Chơn Giả Không Thật, 9. Tâm Yếu, 10. Lý Đạo, 11. Minh Tâm Kiến Tánh Pháp.

II- Sám hốiphát nguyện : Là những bài sám văn hướng dẫn mọi người sám hối tội lỗi, nghiệp chướng của mình đã tạo từ nhiều kiếp trong quá khứ hay hiện tại, và phát nguyện ăn năn hối cải, tu tập chánh pháp để được giải thoát khổ đau, đồng thời làm lợi ích cho mọi người. Có các bài :

1. Sám Hối (Phát Nguyện Văn), 2. Sám Tâm Kinh.

III- Phương pháp tu tập : Gồm những bài hướng dẫn phương pháp ngồi thiền niệm Phật, niệm Phật để được chánh định. Có các bài :

1.     Phép Tắc Thiền Định (Niệm Phật Tam Muội), 2. Phép Tắc Tọa Thiền Niệm Phật, 3. Vài Điều Chánh Ngữ “Ích Chung”

IV- Phương pháp hành trì mỗi ngày và giữ gìn 5 giới : Bao gồm những bài kệ, chú hướng dẫn hành giả trì niệm trong mọi sinh hoạt hằng ngày để tâm được chánh niệm, cùng với những bài nguyện hương và hướng dẫn cách thức giữ 5 giới, trì chú. Gồm có các bài :

1.Phép Tắc Thường Dùng, 2. Phép Tắc Niệm Hương, 3. Ngũ Giới Hương, 4. Ngũ Giới Cấm, 5. Phép Tắc Tụng Kinh, 6. Phép Tắc Trì Chú Chuẩn Đề.

          Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạntác phẩm ra đời đầu tiên của KSĐT của ĐS. Huệ Nhựt. Đọc tác phẩm này ta thấy được tấm lòng từ bi vô lượng của bậc Đại Sư xuất thế, Ngài mang hạnh nguyện từ bi ấy vào đời giáo hóa nhân sinh. Trong Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn (I) Ngài viết : “Huệ Nhựt nguyện khắp phàm tình, thoát khỏi ái hà, Tịnh Độ an vui”. Ngôn từ trong tác phẩm cũng mộc mạc, giản dị như con người của bậc chơn tu thạc đức.

“Giàu sang danh lợi bốn bề

Khác nào hề giễu và người chiêm bao”

tuy giản dị, mộc mạc nhưng có đoạn, có bài mang đậm màu sắc triết lý Phật giáo sâu sắc như :

“Chơn chơn vọng vọng nhất tâm

     Không không có có thậm thâm vô thường

   “Đạo thể” gốc thật “không lường”

Hay thấy hay biết có thường không ta

Pháp thân trùm khắp bao la

Không hay thấy biết không ta không người”

Tìm hiểu về Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn chúng ta không thể quên tác phẩm này mang một giá trị nhân văn, nhân bản rất cao. Tác giả luôn hướng dẫn con người  thực hành một đời sống thánh thiện. Ngài dạy chúng ta tu tậpsửa lỗi ở chính mình. Ngài nói :

“Tu là sửa mình, làm lành lánh dữ

trì trai niệm Phật, đừng ưa đừng ghét

đừng nói xấu người, đừng nói dối ta.”

Khi tu sửa mình “làm lành lánh dữ”, trau dồi thân, miệng, ý trong sạch thì sẽ thành Phật, mà thành Phật cũng thành ở ngay tâm mình chứ không phải Phật ở đâu khác. Vì thế, trong bài Minh Tâm Kiến Tánh Pháp Ngài viết :

“Phật là tâm, tâm ấy là Phật

Ngoài thân tâm ta không có Phật”

hay :

“Không phiền sầu hết mê si

Phật là trí tuệ còn nghi cái gì”

Tóm lại, Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạntác phẩm giáo lý quan trọng nhất, là phương châm, là kim chỉ nam của Khất sĩ Đại Thừa. Tác phẩm này thực sự đã đóng góp cho nền giáo lý Phật giáo Việt Nam trong những thập niên 40 thêm phong phú, phát triển. Bên cạnh đó giá trị giáo dụcnhân bản của tác phẩm cũng đạt đến mức ưu việt.

Sau Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạntác phẩm Chơn Lý ra đời. Chơn Lý là bộ sách giáo lý do TS. Minh Đăng Quang sáng tác từ khi Ngài hành đạo thuyết pháp vào năm 1947 ở tỉnh Mỹ Tho, rồi dần dần sang các tỉnh Miền Tây Nam Bộ. Những bài giảng pháp của Ngài từ năm 1947 đến 1954 đã được các đệ tử thu băng và ghi chép thành những quyển sách nhỏ. Sau này (1961) cho in xuất bản thành những quyển sách lớn bao gồm có 60 bài giáo lý, kinh Tam Bảo, và một quyển Luật Nghi Khất Sĩ (NXB- Thành phố Hồ Chí Minh- 8- 1998) gồm có 12 bài viết về giới luật Phật giáo.

Tác phẩm Chơn Lý hầu hết các bài được viết theo thể văn xuôi, tác giả dùng thể nghị luận để bàn bạc về các vấn đề nhân sinh quan, vũ trụ quan và giáo lý của Đạo Phật. Lời văn sáng sủa giàu hình ảnh, lập luận logich. Vì tác giả là người ở Miền Tây Nam Bộ cho nên ngôn ngữ  được dùng trong tác phẩm rất bình dân, mộc mạc như : sái trật, dơ dáy, tơi bời, lặng đặng (lận đận),.. . và dùng nhiều phương ngữ Nam Bộ như : xẩn bẩn, xào xáo, rủ ren, (là) vầy, thấp thỏi,.. . Điểm đặc biệtchúng ta thấy ở hầu hết các bài viết trong Chơn Lý tác giả đều sử dụng nghệ thuật tu từ làm cho câu văn thêm bóng bẩy, hàm súc, gợi cho người đọc cảm giác hứng thú. Như phương pháp tu từ nhân hóa : cây ăn cỏ (Bài Ăn Chay), con cá.. . có lễ phép, con lợn.. . có lễ giáo, con mèo.. . có lễ giáo (Bài Chánh Kiến); phép đối : có thấp.. , có cao, kẻ dưới.. . người trên; nam hay nữ, đực hay cái (Bài Nam và Nữ); khi ẩn khi hiện, khi có khi không, khi có khi mất, khi đến khi đi, khi sống khi chết (Bài Sanh và Tử); phép ẩn dụ : con sư tử (chỉ cho Đức Phật), vị Hung Thần là tiền thân Phật Thích Ca (bài Vị Hung Thần)….. . phép ví dụ : (người) chết thiếp đi ví như (người) say rượu, như say thuốc,.. . (Bài Sanh Và Tử), quả địa cầu ví như một đứa bé, ngồi co trong bào thai (Bài Vũ Trụ Quan),.. . phép biền ngẫu : ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt; cỏ sanh cây, cây ăn cỏ. Cây sanh thú, thú ăn cây (Bài Ăn Chay);.. . phép điệp từ : vô thường vô ngã (Bài Vô Lượng Cam Lồ); (ý) có tốt xấu, có sanh có tử, có lớn có nhỏ (Bài Chánh Pháp Giác);….

          Đối với thể văn vần theo thể thơ lục bát, trong Bài Học Cư Sĩ, Kinh Tam Bảo và Bài Học Khất Sĩ trong Luật Nghi Khất Sĩ tác giả sử dụng niêm luật thơ rất chuẩn, lời thơ trong sáng, mạnh mẽ, có tác động mạnh vào người đọc tính chất triết lý của Phật giáo.

 

 

Nội dung của tác phẩm:

Cũng như tác phẩm trên chúng ta có thể chia Chơn Lý ra làm 5 phần để dễ tìm hiểu hơn.

I- Nhân sinh quan của Phật giáo: Gồm những giáo lý trình bày quan điểm của Phật giáo về đời sống con người. Có các bài : 1. Ngũ Uẩn, 2. Lục Căn, 3. Nam Và Nữ, 4. Sanh và Tử.

II- Vũ trụ quan của Phật giáo: Có các bài giáo lý nói về sự hình thành và phát triển của vũ trụ theo quan điểm của Phật giáo. Bao gồm những bài :

1.     Vũ Trụ Quan, 2. Công Lý Võ Trụ, 3. Xứ Thiên Đường

III- Giáo lý của Đạo Phật: Gồm có các bài giáo lý của Phật giáo, như :

1. Mười Hai Nhân Duyên, 2. Bát Chánh Đạo, 3. Chánh Đẳng Chánh Giác, 4. Nhập Định, 5. Tâm, 6. Chánh Pháp, 7. Chánh Kiến, 8. Tam Giáo, 9. Tông Giáo, 10. Thần Mật, 11. Giác Ngộ, 12. Chư Phật, chư Phật Vị Lai, 13. Đại Thừa Giáo, 14. Phật Tánh, 15. Pháp Tạng, 16. Vô Lượng Cam Lộ, 17. Quán Thế Âm, 18. Đại Thái Thức, 19. Địa Tạng, 20. Pháp Hoa, 21. Pháp Chánh Giác, 22. Số Tức Quan, 23. Chơn Như.

IV- Khuyến tu và phương pháp học: Gồm những bài giáo lý khuyên răn, nhắc nhở mọi người sớm giác ngộ, tu tập chánh pháp, và đồng thời giảng giảiphương pháp tu học, sám hối những lỗi lầm của mình đã tạo ra. Có các bài

1. Ăn Chay, 2. Bài Học Cư Sĩ, 3. Tánh Thủy, 4. Học Chơn Lý, 5. Khuyến Tu, 6. Đi Tu, 7. Ăn Và Sống, 8. Sợ Tội Lỗi, 9. Đi Học 10. Đời Đạo Đức, 11. Học Để Tu, 12. Tu và Nghiệp, 13. Sám Hối, 14. Lễ Giáo, 15. Khổ Và Vui, 16. Hòa Bình, 17. Trường Đạo Lý, 18. Nguồn Đạo Lý, 19. Thờ Phượng, 20. Pháp Học Cư Sĩ, 21. Cư Sĩ.

V- Đạo Phật Khất Sĩ: Phần này gồm có các bài nói về phép tắc, nghi lễ, giới luật và những sinh hoạt truyền thống của PGKS. gồm có các bài :

1. Khất Sĩ, 2. Y Bát Chơn Truyền, 3. Đạo Phật Khất Sĩ, 4. Kinh Tam Bảo, 5. Luật Nghi Khất Sĩ (1 quyển riêng), gồm có 12 bài viết về giới luật : a/ Bài Học Khất Sĩ, b/ Luật Khất Sĩ, Phật Ngôn, c/ Bài Học Sa-di, d/ Kệ Giới, e/ Diệt Lòng Ham Muốn, f/ Định, g/ Niết Bàn, h/ Giới Bổn Tăng, Giới Bổn Ni, k/ Pháp Vi Tế, l/ Giới Phật Tử, m/ Luật Nghi, n/ Giáo Hội Tăng-già Khất Sĩ.

          Đọc tác phẩm Chơn Lý là chúng ta đã tiếp nhận được ánh sáng trí tuệ giáo lý của HPKSVN. Trí tuệ ấy là trí tuệ giác ngộ siêu việt của TS. Minh Đăng Quang, cho nên giáo lý của Ngài là giáo lý giác ngộ, thẩm thấu thế giới hiện tượng một cách toàn triệt, và mang tính khoa học, thực tiễn.

          Như chúng ta được biết vào năm 1543, một tu sĩ người Ba Lan là Copernic đã phát minh ra thuyết vũ trụ Nhật Tâm, đánh bật quan điểm vũ trụ Địa Tâm (nghĩa là lấy trái đất làm trung tâm của vũ trụ) từ nhiều thế kỷ trước. Lúc này là người ta đã biết trong vũ trụ có nhiều hành tinh. Cho đến đầu thế kỷ thứ XVII nhà bác học Galileo đã chế tạo ra viễn vọng kính, quan sát vũ trụ thấy có nhiều hành tinh trong ấy. Điều này ngày nay khoa học đã chứng minh. Cùng với quan điểm trên tìm hiểu lại Chơn Lý chúng ta thấy tác giả viết : “Thể của vũ trụmột thể thăm thẳm, tối đen, bao la, vô cực. Trong ấy có vô số quả địa cầu” (Chơn Lý- Vũ Trụ Quan- trang 11- NXB Tp. HCM- 1998). Bên cạnh quan niệm về vũ trụvô cùng vô tận với vô số hành tinh, Chơn Lý còn quan niệm rằng thế giới hiện tượngvô thường, muôn loài vạn vật luôn sinh diệt thay đổi không cố định. Do đó, trong bài Vũ Trụ Quan Ngài viết: “Cây sanh trái, cỏ sanh hoa, sự biến hóa khôn lường, có rồi sanh thêm có, từ không đến có , có rồi lại không, thay qua đổi lại”. Quan điểm này cũng phù hợp với khoa học ngày nay đã thừa nhận rằng vật chất luôn “vận động”, muôn loài vạn vật luôn luôn sinh hóa không cùng, có sinh có diệt.

Điểm đặc biệt của Chơn Lý là triết lý Phật giáo. Triết lý Phật giáo trong Chơn Lý là giáo lý căn bản, tinh hoa của Phật pháp. Như nói về sự hình thành nên con người và sự ràng buộc của con người vào vòng sinh tử luân hồi là do 12 nhân duyên trói buộc, bởi con người không thấu rõ vòng xích 12 nhân duyên này nên mãi chịu khổ đau sinh tử. Vì thế, giáo lý Thập Nhị Nhân Duyên (12 Nhân Duyên) là giáo lý cơ bản, then chốt của Đạo Phật. Do đó, trong Chơn Lý Tổ Sư viết về 12 Nhân Duyên như sau: “Chúng sanh bởi từ kiếp trước Vô Minh, Hành ác, gây Nhân, nên mới phải nhập thai sang Thức, Danh Sắc, Lục Nhập là kết quả hiện tại, mới có thân hình. Bởi có thân hình mới Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, là gây Nhân hiện tại, để chịu Sanh Tử đời sau, là quả vị lai khổ não.

          Vậy muốn không Quả vị lai: Sanh, Tử, Khổ thì đừng gây Nhân hiện tại: Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu.

          Muốn không Nhân hiện tại: thì phải không Quả hiện tại : Thức, Danh Sắc, Lục Nhập.

          Muốn không Quả hiện tại: thì phải dứt trừ Nhân quá khứ : Vô Minh, Hành” (sđd)

Vòng kiềm tỏa của 12 Nhân Duyên trói buộc con nguời vào luân hồi đau khổ. Nói cách khác con đường đau khổ sinh tử do con người không trực nhận được “chân như -đạo tâm” ở mỗi người. Cho nên trong tác phẩm trên (bài Chơn Như- trang 830) Ngài viết : “Chân Như là chánh pháp, chánh lý, đạo tâm của chúng sanh, hay đạo tâm ấy là đạo Phật. Vậy thì những ai tu học Chân Như, tức là tu học với tất cả vạn pháp rồi; bởi vạn pháp là ánh sáng của Chơn Như, túa ra, mà người đã đến Chơn Như, ấy là vạn pháp đã ở nơi mình, tự mình túa ra, chớ không còn nương theo vạn pháp”. Như vậy, thấy được bản chất của tất cả pháp, (hay thấy được bản chất của thế giới hiện tượng) nghĩa là không còn bị ô nhiễm, ràng buộc vào khổ đau nữa, thì được tự tại giải thoát.

Triết lý Phật giáo trong Chơn Lý đã làm sáng tỏ quan điểm giáo lý của Đạo Phật, mà giáo lý của Đạo Phậtgiáo lý của con người, lấy con người làm trung tâm để Đức Phật giáo hóa. Cho nên giáo lý ấy mang đậm tính nhân văn, nhân bản. Điều này sẽ được chứng minh trong Chơn Lý (bài Bát Chánh Đạo- trang 78) tác giả viết : “Tại sao ta cần phảichánh tư duy, chánh nghiệp, chánh tinh tấnchánh định ! Bởi chánh tư duyThần trí, hay là sự sống, tức là cặp mắt sáng, chủ tể của ta vậy. Không có nó thì không có ta, các pháp và sự cử động, ắt gọi là chết ! Kẻ không có trí dầu có mang thân sống đi nữa, người ta cũng chẳng thấy cái sống, tác dụng lợi ích của nó một chút nào, và nó chỉ chật lối choán đường, tai hại cho chúng sanh, tấn hóa không thông mà thôi.”

Thế là Ngài khẳng định rằng Chánh tư duy của con người sẽ làm phát triển trí tuệ, đưa đến thăng hoa cuộc sống, và cũng là con đường dẫn đến giác ngộ. Nhưng để đạt đến sự giác ngộ tối hậu thì “người ta phải dứt trừ tam nghiệp của thân, khẩu, ý không nên tích trữ nó nữa,.. .”. mà khi đã trau dồi ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh rồi, diệt trừ hết các phiền não rồi thì sự thành tựu giác ngộ ấy cũng chính ở nơi chân tâm của mình chứ không phải ở đâu khác. Do đó, trong Chơn Lý (bài Tâm- trang 261) tác giả viết: “Tất cả chúng sanh chỉ có một cái tâm, tâm ấy là Phật, là Tâm Chân, Pháp Chân, Đạo Chân, Quả Chân tức là thân, khẩu, ý Chân Như không vọng động”

Qua những dẫn chứng trên chúng ta đã thấy được Chơn Lý mang đậm tính nhân văn, nhân bản. Nhưng tính nhân văn, nhân bản đó phải có một ý nghĩa giáo dục đạo đức cao  thì tính nhân văn, nhân bản mới thành tựu. Giáo dục đạo đứcviệc làm quan trọng nhất, là yếu tố nền tảng để phát triển con người hoàn thiệnxây dựng xã hội văn minh. Đây chính là yếu tố cơ bản của giáo lý Phật giáo. Vì thế, trong Chơn Lý Tổ Sư viết:

“Tội xưa chẳng hạn nhỏ to

Con nguyền dứt cả chẳng cho thêm vào

Tâm lành dốc chí nâng cao

Cải tà qui chánh, chú vào Phật ngôn”

hay:

“Giữ gìn thanh tịnh là hơn

Dầu ai gây giữ oán hờn mặc ai”

                             (Bài Học Cư Sĩ)

Tóm lại, Chơn Lý là một tác phẩm lớn trong những tác phẩm giáo lý của PGKS. Ngoài giá trị triết lý Phật giáo, Chơn Lý còn có những giá trị khoa học, nhân văn, nhân bảngiáo dục đạo đức. Từ khi ra đời cho đến nay Chơn Lý đã đóng góp cho nền giáo lý PGVN thêm phong phú. Tác phẩm ấy thực sự gióng lên tiếng chuông chánh pháp khiến cho nhiều người dân Miền Tây Nam Bộ trở về với Phật pháp. Ngày nay, Chơn Lý đã được lưu truyền khắp ở hai miền Nam và Trung Việt Nam và một số nước trên thế giới.

Tác phẩm thứ ba là là bộ sách thuốc Nam Phương Gia Truyền gồm có 3 quyển do HT. Từ Huệ sưu tập, và cho in ấn vào năm 1988. Đây là một bộ sách thuốc ghi lại những bài thuốc Nam Phương Gia Truyền. Ở quyển thứ nhất, phần đầu tác giả viết về tiểu sử của 6 vị Tổ có công khai sáng ra ngành Y Học Cổ Truyền như : Thần Nông, vua Huỳnh Đế, Thần Y Hoa Đà, Trương Trọng Cảnh, sư Tuệ Tĩnh và Hải Thượng Lãn Ông; phần tiếp theo là các bài hướng dẫn phương pháp chẩn bệnh, xem mạch, các bộ mạch, những bài tánh dược của thuốc Nam, những vị thuốc phản khắc, phân loại tánh dược, và những toa thuốc căn bản. Đặc biệt trong quyển thứ nhất này trừ phần nói về tiểu sử các vị Tổ trong ngành Y và bài nói về bộ mạch, còn lại các bài phương pháp xem mạch cho đến hết quyển I tác giả đều viết theo lối văn vần, có khi dùng thể thất ngôn, có khi dùng thể lục bát để viết về những bài thuốc, vị thuốc cô đọng, dễ nhớ. Nội dung quyển thứ II và III là những bài thuốc chữa trị ngũ tạng, lục phủ (hay Nội Khoa và Ngoại Khoa của Y Học hiện đại), và những bài thuốc dân gian rất hay trong điều trị bệnh.

Như vậy, chúng ta thấy về mặt sáng tác của PGKS đều có một nét chung là mang đậm tính dân gian Nam Bộ. Với những thể văn vần, bằng thể thơ lục bát, thất ngôn.. . tác giả đã tạo nên một nhịp cầu gần gũi, dễ cảm hóa người nông dân Nam Bộ. Nhìn vào bối cảnh xã hội thời ấy sự ra đời những tác phẩm của PGKS đã đánh dấu bước ngoặt lịch sử phát triển của PGKS, và đã đóng góp không ít trong sự nghiệp phát triển nền giáo lý Phật giáo nước nhà.

 

3- Về mặt giáo dục đạo đức

Trong nội dung ở chương III.1, chúng ta đã thấy tư tưởng giáo lý của PGKS là tư tưởng giáo lý của Phật giáo chính thống, mà hệ tư tưởng giáo lý Phật giáo thì yếu tố giáo dục đạo đức con ngườiyếu tố cơ bản hàng đầu của nền giáo lý này.

Theo quan điểm của PGKS thì đạo đức cơ bản là tôn trọng quyền sống, bình đẳng giữa con người với con người, và giữa con người với loài vật. Không ai được xâm phạm, giết hại mạng sống của nhau; không được lấy của người khác không cho; không được tà dâm; không được nói dối và không được uống rượu, sử dụng những chất kích thích làm mê loạn tâm trí. Vì những hành vi này đem đến khổ đau cho chính mình và người khác. Do đó, để giáo dục đạo đức con người hoàn thiện trong Chơn Lý- Bài Học Cư Sĩ- trang 237, TS. Minh Đăng Quang viết :

“Một, không giết những loài sanh vật

Hai, không tham, trộm cắp của ai,

Ba, không dâm tinh khiết nào phai,

Bốn, không dối, sai ngoa kẻ khác,

Năm, không uống rượu say gian ác”.

Năm giới cấm ấy là năm giới cấm cơ bản, quan trọng nhất trong toàn bộ giới luật của Phật giáo nói chung và PGKS nói riêng. Pháp luật hiện hành của xã hội Việt Nam cũng ngăn cấm mọi công dân không được vi phạm năm điều giới trên nếu vi phạm thì sẽ bị pháp luật nhà nước trừng trị. Như vậy, có thể nói đây là những chuẩn mực đạo đức cơ bản của con người. Con người không thể sống ngoài những phạm vi đạo đức ấy nếu ngược lại thì sẽ bị xã hội đào thải. Vì thế, sự thành công hay thất bại trong cuộc sống một phần lớn tuỳ thuộc vào phẩm chất đạo đức của mỗi người. Cho nên, “hễ thiếu đạo đức, thì mọi sự đều thất bại” (Sđd). Nhưng để nhận thức giáo lý ấy đúng đắn chúng ta phải nhận thức như thế nào ? Chúng ta hãy nghe tác giả của Chơn Lý nói : “Đời (sống) đạo đức là đời vô ngã, hễ đạo đức thì không có chi là ta và của ta, vì chơn lý đạo đức vũ trụ, vốn là vô thường, khổ não không ta và không của ta” (Sđd). Như vậy, quan niệm đạo đức của tác giả là phải xây dựng đạo đức trên nền tảng nhận thức giáo lý vô ngã. Khi con người nhận thức được vô ngã, sống trong vô ngã thì sẽ không chấp thủ “ta và của ta”, không còn đau khổ, hệ luỵ vào sự sanh diệt, vô thường của thế giới hiện tượng. Vì con người ấy đã hiểu bản chất của sự vật hiện tượngduyên khởi sinh khôngtồn tại mãi, mà chúng luôn sinh diệt diệt sinh. Cho nên, bản chất của muôn loài vạn vậtduyên sinh vô ngã. Nếu đạo đức không được giáo dục trên nhận thức vô ngã này thì khi chúng tahành vi đạo đức, làm một việc thiện mà bị người khác không đồng tình, phủ nhận thì chúng ta dễ sinh buồn phiền, chống đối lại, lúc ấy ý nghĩa đạo đức đúng đắn không còn hiện hữu.

Giáo dục đạo đức đối với ĐS. Huệ Nhựt giá trị đích thực chính là giáo dục con người yêu thương, đoàn kết, tương thân tương ái nhau trong cuộc sống. Vì thế, trong Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn (I)- Sám Tâm Kinh- trang 54, Ngài viết:

“Cùng nhau chơn thật yêu thương

không hờn không giận không ươn yếu hèn

cùng nhau lòng thể ánh đèn

sáng soi bình đẳng, nghèo hèn đừng chê…”

Yêu thương nhau người ta phải biết quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Trong cuộc sống nghĩa cử cao đẹp nhất vẫn là hành vi cứu giúp người khác trong cơn hoạn nạn. Bố thí, giúp đỡ tha nhân trong hoàn cảnh khó khăn là thể hiện lòng từ bi, tình thương yêu đến với mọi người. Khi chúng ta thấy người khác thiếu thốn vật chất thì ta giúp đỡ vật chất; khi thấy người khác cần nghề nghiệp, cần kiến thức nếu có khả năng thì ta có thể dạy họ, đây là hành vi đạo đức thực tế. Cho nên, trong giáo dục đạo đức con người Đại Sư dạy người ta phải biết bố thí. Ngài nói:

“Từ bi hỉ xả một khi

Tôi nguyền bố thí các nghi chí thành

Hoặc giữ tịnh giới thường hành

Tài thí pháp thí tâm hành thẳng ngay”

Phật giáo quan niệm rằng giáo dục không phải chỉ có dùng ngôn ngữ (khẩu giáo) để hướng dẫn, tác động đến con người mà còn phải dùng cả hành động, việc làm (thân giáo) và những ý tưởng đẹp (ý giáo) trong việc giáo dục con người. Vì vậy, HT. Thiện Phước luôn chú ý đến việc làm, hành động và phát triển những ý tưởng thánh thiện để giáo dục. Ngài luôn nêu cao tấm gương phụng sự nhân sinh, do đó Ngài thành lập cô nhi viện Phước Lộc Thọ có đến 200 cô nhi, quả phụ, mở Phật Học Đường Tây Phương Bồng Đảo qui tụ được khoảng 300 Tăng Ni đến tu học. Hoà Thượng thực hiện tinh thần “Nhứt nhật bất tác, nhứt nhật bất thực” (nghĩa là một ngày không làm, một ngày không ăn) của Tổ Bách Trượng, mở các Ban Nông Thiền ở nhiều chùa, tịnh xá khuyến khích Tăng chúng phát triển kinh tế tự túc của nhà chùa.

Như vậy, đối với giáo dục đạo đức con người HT. Thiện Phước chỉ tác  động giáo dục tha nhân bằng những hành động, việc làm lợi lạc cho nhân sinh; tư duy thánh thiện để cảm hoá mọi người. Cũng đồng quan điểm  giáo dục đạo đức với HT. Thiện Phước là HT. Từ Huệ, người sáng lập KSTT, Người luôn nhiệt tình dấn thân vào con đường phụng sự tha nhân. Từ khi thành lập KSTT cho đến lúc viên tịch, Hoà Thượng xây dựng được 11 ngôi tịnh xá, trùng tu 1 ngôi chùa, thành lập nghĩa trang, xây dựng lò thiêu miễn phí, lập Hội Từ Thiện tỉnh Mỹ Tho, mở Phòng  thuốc Nam chữa bệnh miễn phí…. Nhìn những việc làm trên dẫu không nói nhiều nhưng nó vẫn tác động đến chúng ta về nhân cách và phẩm hạnh của Hoà Thượng. Đây chính là tác động giáo dục chân chánh.

Theo quan điểm của HT. Từ Huệ về giáo dục đạo đức con người ngoài việc giáo hoá họ trở thành một Phật tử, thọ Tam qui trì ngũ giới, tu học giáo lý Phật giáo, mà thiết thực nhất là giáo dục họ biết đền đáp bốn ân lớn. Con người ai cũng sinh ra và lớn lên phải mang nặng ân sanh thành dưỡng dục của cha mẹ, thầy Tổ dạy cho kiến thức, nghề nghiệp, chính phủ lo cho đất nước thanh bình, nhân dân trong mọi ngành nghề hoạt động sản xuất ta mới có được cuộc sống vật chất đầy đủ. Đó là bốn ân lớn trong quan hệ xã hội của con người mà những quan hệ ấy là những quan hệ đạo đức con người. Vì thế, giáo dục đạo đức con người chính là dạy họ biết đền đáp bốn ân này, hay nói cách khác là có thái độ ứng xử đúng đắn trong bốn mối quan hệ đó. Cho nên, trong Lời Di Chúc, Ngài viết:

“Một là ân Phật Tổ Thầy

Sanh thành minh tuệ vẹt màn vô minh

Hai là ơn của Quốc vương

Giữ cho đất nước thanh bình yên vui

Ba là ơn của song thân

Thành nhân trưởng đại nên người chớ quên

Phải lo tế độ hàm linh

Cửu huyền thất tổ siêu sinh liên đài

Bốn là ơn của đàn- na

Thuốc men cơm áo nuôi ta hằng ngày

Độ cho pháp giới muôn loài

Noãn, thai, thấp, hoá đồng về Tây Phương….”

Tóm lại, quan điểm giáo dục đạo đức cho con người như giữ gìn năm giới, nhận thức đạo đức vô ngã, phát triển tình thương yêu con người, bố thí, lấy việc làm phụng sự nhân sinh làm tấm gương giáo dục, dạy đền đáp 4 ân,… của PGKS là thiết thực, tích cực trong cuộc sống. Những quan điểm giáo dục đạo đức này được thiết lập trên nền tảng của giáo lý Đạo Phật, mà đặt tính của giáo lý Đạo Phật là “từ bi, trí tuệ”. Do đó, những thành tựu trong giáo dục đạo đức của PGKS được xây dựng trên nền tảng của “từ bi và trí tuệ”.

4- Về nghi thức tụng niệm, pháp phục, khất thựcăn chay

4.1- Nghi thức tụng niệm

Nghi  thọ trì thường ngày của các tổ chức PGKS có nhiều nghi thức khác nhau, mang tính đặc thù của PGKS. Theo Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn (I) thì ĐS. Huệ Nhựt hướng dẫn cách tụng niệm mỗi ngày trong một thời kinh gồm có : Trước hết là Nguyện Hương, sau đó xướng Chí Tâm Đảnh Lễ :

Nam mô Thập Phương.. .. .. .. .. ….. ..Nhứt Thiết Chư Phật                  (1 lạy)

Nam mô Thập Phương .. .. .. .. .. .. ….Nhứt Thiết Tôn Pháp                (1 lạy)

Nam mô Thập Phương.. .. .. .. .. .. .. .Nhứt Thiết Hiền Thánh Tăng    (1 lạy)

xong đọc tiếp bài Tán Lư Hương, sau bài này tiếp bài Khai Kinh Kệ, đọc xong bài Khai Kinh bắt đầu vào đọc câu : Nam mô Liên Trì Hải Hội Phật Bồ- tát (3 lần) rồi đọc vào văn kinh : Phật Thuyết A- di- đà Kinh.. .. .. Sau khi đọc xong bản kinh A- di- đà, đọc tiếp bài chú Vãng Sanh, rồi đọc bài Kệ Tán Thán Phật, sau đó niệm câu : “Nam mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới, Tam Thập Lục Vạn Ức, Nhứt Vạn, Cửu Thiên Ngũ Bá, Đồng Danh, Đồng Hiệu, Đại Từ, Đại Bi, Tiếp Dẫn Đạo Sư A- di- đà Phật”, sau đó niệm hồng danh Phật A- di- đà (10 lần), rồi đọc danh hiệu Tứ Thánh, và danh hiệu : “Nam mô Linh Thánh Mẫu Bồ- tát”, sau đó đọc bài kệ : “Đệ tử sở tạo bao ác nghiệp.. .. .. đệ tử giai sám hối”

                   Nam mô Cầu Sám Hối Bồ- tát Ma- ha- tát (3 lần)

Đọc tiếp bài Tự Tánh Tứ Hoằng Thệ Nguyện, rồi đọc tiếp 4 bài kệ : Phúng Kinh, Nguyện Tiêu, Nguyện Sanh, Hồi Hướng rồi đọc bài Phục Nguyện, sau nghi thức Phục NguyệnTam Tự Qui Y. Sau cùng là xướng “Hòa Nam Thánh Chúng”

Nhưng theo Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn (II) thì Đại Sư hướng dẫn “Phép Tắc Tụng Kinh”, sau bài Tán Lư Hương thì đến niệm hồng danh Đức Phật Thích- ca Mâu- ni (3 lần) rồi tụng bài chú “Tịnh Khẩu Nghiệp Chơn Ngôn, An Thổ Địa Chơn Ngôn, Tịnh Tam Nghiệp Chơn Ngôn, Phổ Cúng Dường Chơn Ngôn” đọc tiếp:

          Phụng thỉnh  bát Kim Cang và tứ Bồ- tát, rồi đọc tiếp Phát Nguyện Văn, đến 

Vân hà phạm:

Vân hà đắc trường thọ

Kim Cang bất hoại thân?

Phục dĩ hà nhân duyên

Đắc đại kiên cố lực?

Vân hà ư thử kinh

Cứu cánh đáo bỉ ngạn?

Nguyện Phật khai vi mật

Quảng vị chúng sanh thuyết.

Rồi đọc bài kệ Khai Kinh. Sau đó tùy theo ý nghĩa của thời kinh mà chúng ta có thể trì tụng kinh Di- đà, Đại Bi Thập Chú hoặc Kim Cang hoặc Phổ Môn hoặc Hồng Danh hay Vu Lan, .. . đều được. Khi đọc xong thì tụng tiếp bài Bổ Khuyết Tâm Kinh, rồi tiếp chú Vãng Sanh, tiếp theo là đọc bài sám nào cũng được; rồi lại đọc tiếp chú Vãng Sanh 3 lần, xong đọc bài Tán Thán Phật. Phần tiếp theonghi thức này giống với nghi thức thọ trì của Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn (I).

Hiện nay, thời khóa tu tập hằng ngày tại Linh Quang.TX theo trả lời của TT. Từ Giang, Viện Chủ tịnh xá, trong một cuộc phỏng vấn Ngài nói  : “Buổi sáng sau các thời kinh là thực hành Niệm Phật Tam Muội khoảng một tiếng đồng hồ, đến 10 giờ 30 sẽ có thời pháp thoại nhằm trau dồi những nội dung và kinh nghiệm thực hành giáo lý giữa Phật tử với các Sư hướng dẫn. Tiếp đó cúng ngọ trai đường. Buổi trưa sau khi thọ thực xong đọc thời chú Lăng Nghiêm, hướng dẫn (Phật tử) đi kinh hành. Nghỉ một lát đến 14 giờ chiều có (khoá) lễ Dược Sư, 16 giờ cúng Mông Sơn Thí Thực, 18 giờ 30 thời khóa Tịnh Độ. Vào trưa chủ nhật hằng tuần, cũng như rằm, và mùng một âm lịch (tại tịnh xá) đều có thuyết pháp.”

Nghi thức tụng niệm của KSĐT chịu ảnh hưởng hoàn toàn nghi thức tụng niệm của Bắc Tông Phật giáo, có sử dụng pháp khí chuông, mõ, khánh giống như nghi thức của Bắc Tông. Đối với văn kinh còn sử dụng âm Hán Việt nhưng trái lại nghi thức tụng niệm của HPKSVN, TS. Minh Đăng Quang hoàn toàn dịch ra Việt ngữ và viết theo thể văn vần rất hàm súc, dễ đọc tụng. Theo nghi thức tụng niệm của HPKSVN hướng dẫn trong một thời kinh gồm có các nghi thức : trước hết là Nguyện Hương, sau đó là đọc bài Dâng Hương :

“Khói hương xông thấu mấy tầng xanh

Rốt ráo tâm con bổn nguyện lành

Trên khói hương này xin Phật ngự

Chứng minh đệ tử tấm lòng thành.

Lễ Phật :

Kính lạy Phật từ bi cứu thế

Đem đạo lành phổ tế chúng sanh

Trần gian biết nẻo tu hành

Nhờ đèn trí huệ quang minh soi đường.

                                                       (1 lạy)

Lễ pháp :

Kính lạy pháp là phương giải thoát

Gốc chơn truyền y bát từ xưa

Pháp tu chứng đắc kịp giờ

Độ người qua đến bến bờ bên kia.

                                          (1 lạy)

Lễ Tăng :

Kính lạy Tăng nghiêm trì giới luật

Hạnh Tăng vô nhất vật thanh bần

Tự mình giác ngộ lý chơn

Giúp người giác ngộ chuyên cần công tu.

                                           (1 lạy)

Tiếp theo đọc bài : Xưng Tụng Tam Bảo, rồi tụng Qui Y Tam Bảo, kế tiếp niệm hồng danh Đức Phật Thích- ca (3 lần), rồi đọc bài kệ Khai Kinh. Từ đây bắt đầu vào văn kinh mà người trì có thể tụng nghi thức Sám Hối, hoặc Cầu An, Cầu Siêu, hoặc Vu Lan hay kinh A- di- đà,.. . sau khi tụng văn kinh xong, nếu là kinh A- di- đà thì tụng tiếp bài kệ A- di- đà Tán, rồi thành tâm kỉnh lễ 12 danh hiệu Phật, rồi mới tụng bài Bát Nhã Tâm Kinh, Nguyện Vãng Sanh, Tán Thán Phật, tiếp theo niệm hồng danh Đức Phật A- di- đà (3 lần hoặc tùy ý) rồi niệm hiệu tứ Thánh, sau đó tụng bài sám (tuỳ theo thời kinh mà người tụng chọn bài sám cho phù hợp), rồi tụng bài : Phúng Kinh, Nguyện Tiêu, Nguyện Sanh và Hồi Hướng, xong rồi đọc bài Phục Nguyện, sau cùng là tụng Tam Tự Qui Y :

- Tự qui y Phật

Cầu cho chúng sanh

Hiểu rõ đạo lành

Phát lòng vô thượng. (1 lạy)

- Tự qui y pháp

Cầu cho chúng sanh

Kinh luật hiểu rành

Trí tuệ như biển. (1 lạy)

- Tự qui y Tăng

Cầu cho chúng sanh

Hiệp chúng đồng tình

Chẳng hề trở ngại. (1 lạy)

 

Đặc biệtnghi thức tụng niệm truyền thống của HPKSVN không có sử dụng mõ, chỉ cùng nhau hoà âm, giọng ngang, đều hơi, không lên giọng, xuống giọng trầm bổng như cách tụng niệm của Bắc Tông Phật giáo. Nghi thức này phần nào đó cũng chịu ảnh hưởng nghi thức của Nam Tông Phật giáo, nhưng nghi thức này hiện nay chỉ còn các TX. trung tâm của các GĐ HPKSVN duy trì, một số tịnh xá hiện nay đã sử dụng chuông, mỏ, khánh tụng niệm theo nghi thức Bắc Tông Phật giáo.

          Theo Chơn Lý- Luật Nghi Khất Sĩ, Tổ Sư chia thời khóa tu tập hằng ngày như sau :

-         Sáng từ    :                  5- 6 giờ, thiền định

-         Sáng từ    :                  8- 9 giờ, khất thực

-         Trưa từ      :                  11- 12 giờ, thực thời (thọ thực)

-         Chiều từ  :                  3- 4 giờ, thuyết pháp

-         Chiều từ   :                  6- 7 giờ, thiền định

-         Khuya từ   :                  12- 1 giờ, thiền định

Trong tháng có 4 ngày Cúng Hội, vào ngày mùng 8, 23, rằm (15), và 30; tối 14, 30 (tháng thiếu 29) Sám Hối, sáng 15, 1 (tháng thiếu 29) Bố- tát tụng giới.

Hiện nay, vì khất thực hóa duyên ít được phổ biến, chư Tăng Ni sống tập trung, định cư ở tịnh xá tu học, do đó hầu hết các tịnh xá đều chia lại thời khóa tu tập hằng ngàybản như sau : sáng từ 3- 4 giờ, tụng kinh; trưa từ 11- 12 giờ, thọ thực; tối từ 7- 8 giờ tụng kinh. Ngoài các thời khóa đó thời gian còn lại tuỳ theo mỗi tịnh xá hoặc sắp thời thiền định, hoặc chư Tăng Ni đi học ở các trường Phật Học, hoặc tham gia công tác Phật sự của Giáo Hội.

Những nghi thức tụng niệm của các tổ chức PGKS còn lại hầu hết đều chịu ảnh hưởng nghi thức tụng niệm của HPKSVN hoặc là của Bắc Tông Phật giáo. Như Khất Sĩ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng thực hành nghi thức tụng niệm giống với Bắc Tông, còn KSTT và KSSL thì hoàn toàn sử dụng nghi thức tụng niệm của HPKSVN.

Qua phần tìm hiểu về nghi thức tụng niệm của PGKS chúng ta thấy chỉ có 2 nghi thức chính, đó là nghi thức tụng niệm của KSĐT, nghi thức này chịu ảnh hưởng nghi thức tụng niệm của Bắc Tông Phật giáo, và nghi thức tụng niệm của HPKSVN, nghi thức này chịu ảnh hưởng nghi thức của Nam Tông lẫn Bắc Tông Phật giáo. Nhưng nét đặc sắc của nghi thức tụng niệm của HPKSVN là toàn bộ kinh văn âm Hán Việt đều được dịch ra tiếng Việt, viết theo thể loại văn vần rất hàm súc, dễ đọc tụng, dễ đi vào lòng người dân miền Tây Nam Bộ.

4.2- Pháp phục

Pháp phụcbình báttài sản thiêng liêng, quí báu của người hành đạo. Vì nó là phương tiện giúp cho Tỳ- kheo an ổn trong sinh hoạt hằng ngày và phòng hộ thân tránh tham đắm dục lạc. Khi còn tại thế Đức Phật vẫn luôn nhắc nhở, khuyến khích các Tỳ- kheo hãy thường giữ gìn bên mình 3 y và 1 bình bát. Ngài cũng tuyên bố rằng đó là pháp phục truyền thống của 3 đời chư Phật.

Pháp phục của PGKS gần giống với pháp phục của Nam tông Phật giáo nhưng lại khác về màu sắc, kiểu y trung và y thượng. Theo Chơn Lý- Luật Nghi Khất Sĩ qui định pháp phục của một Tỳ- kheo gồm có 3 y: Y Thượng bá nạp (y choàng bên ngoài) là nhiều mảnh vải nhỏ đâu lại với nhau. Y thượng chiều dài 2m 70, chiều ngang 1m 80; Y Trung vải nguyên (là y mặc ở trong) là một tấm vải nguyên, chiều dài 2m, chiều ngang 0m 70, không may bìa, kết mỗi bên hông một nút quai thắt; Y Hạ vải nguyên (y mặc ở dưới) là một tấm vải nguyên, chiều dài 2m, chiều ngang 1m, may dính lại thành vuông vức 1m 2. Bìa trên 0m 10, dưới 0m 05. cả 3 y đều phải nhuộm màu vàng hoặc màu da bò sậm (màu hoại sắc).

Ngoài 3 y ra, vật thường được mang theo bên mình vị Tỳ- kheo đó là chiếc bình bát. Bình bát là đồ để đựng thức ăn, khi khất thực và khi thọ trai. Thông thường bình bát được làm bằng đất, có vị làm bằng nhôm, thau, hông bình tròn 6 tấc, miệng rộng, sơn đen, lăn sáp bên ngoài, nắp đậy bằng nhôm trắng, nhẹ. Túi đựng bình bát bằng vải, cùng màu với màu y. Túi bát tròn vừa cái bát, có nắp phủ lên, có quai 1 tấc bề ngang, bề dài khi mang choàng vào vai trái thì miệng túi bát phải ngang dây lưng chăn. Nhưng KSĐT của ĐS. Huệ Nhựt thì sử dụng pháp phục (y thượng, y trung và y hạ) và bình bát kiểu mẫu giống Phật giáo Nam Tông. Trái lại, KSTT và KSSL thì tiếp nhận, sử dụng pháp phục, bình bát giống với HPKS của TS. Minh Đăng Quang.

 

4.3- Khất thựcăn chay

Trong suốt 45 năm hoằng pháp độ sanh của Đức Phật, Ngài thường hay mỗi sáng ôm bình vào làng khất thực, đến trưa về một khu rừng hay thôn làng nào đó thọ thực. Theo Thế Tôn, thì đây là phương pháp thuận lợi cho việc giáo hóa tha nhân. Và Ngài đã từng khẳng định trong các kinh tạng đó pháp truyền thống của 3 đời chư Phật thực hành. Vì ý nghĩa của pháp khất thực là “Thượng khất chư Phật chi pháp, hạ khất chúng sanh chi thực” (nghĩa là trên cầu xin giáo pháp của chư Phật, dưới xin thức ăn của chúng sanh). Hiện nay, hầu hết các nước Phật giáo Nam Truyền vẫn lưu truyềnhành trì pháp khất thực.

          Tại Việt Nam vào những năm 1945, miền Nam còn nằm trong hoàn cảnh chiến tranh, dưới sự thống trị của chính quyền Thực Dân Pháp. Đời sống của nông dân miền Nam lúc bấy giờ rất khốn khổ. Do đó, ĐS. Huệ Nhựt và TS. Minh Đăng Quang kế thừa pháp khất thực của Đức Phật xưa kia đem vận dụng vào đời sống hành đạo của chư Tăng trong hoàn cảnh đất nước bấy giờ là phù hợp. Với tấm lòng từ bi, bác ái, với hạnh nhẫn nhục, khiêm tốn người khất sĩ thân mặc áo vá (y bá nạp) tay ôm bình bát ung dung từng bước chân vào làng khất thực mỗi buổi sáng.

Khất thực theo quan niệm của TS. Minh Đăng Quang là xin pháp bảo để ăn, xin lòng tốt của người để sống, xin vật thiện để dùng,… Khất Sĩ đi xin là để răn lòng tội lỗi. Đi xin để giải thoát phiền não, và để un đúc tâm hồn, rèn luyện chí hướng, tập sửa bản năng…. Chớ không phải vì đói khát sợ chết mà xin, người đi xin vật chất là làm cớ sự để bố thí tinh tấn phước lạc, nhắc nhở độ khuyên người.1

Nhưng để thực hành pháp khất thực như thế nào cho đúng thì trong Luật Nghi Khất Sĩ có hướng dẫn rõ. Trong đó có điều ghi : Tỳ- kheo đi khất thực không được nhận tiền, gạo… không được đi vô chợ hoặc đứng phía góc chợ hoặc chen lấn chỗ đám đông. Nên phải đi vào trong xóm và các đường lộ xa chợ. “Khi đi khất thực phải trang nghiêm, hoà huỡn, ngó ngang xuống, ngó xa 2 thước, chớ ngó liếc hai bên, chớ tìm lóng nghe chuyện người nói, tâm phải niệm Phật” (Sđd)

Thời ấy, ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ người ta vẫn thường thấy mỗi sáng có từng đoàn khất sĩ mặc y vàng, tay ôm bình bát không phân biệt nghèo giàu, sang hèn họ đi qua từng nhà, từng nhà khất thực. Có lẽ ban đầu vẫn thấy còn xa lạ lắm với nhân dân nhưng đời sống giản dị thanh bần, đức hạnh trang nghiêm của giới chư Tăng khất sĩ dần dần lan tỏa. Điều khác biệt của ĐS. Huệ Nhựt với các tổ chức PGKS khác là khi đi khất thực Đại Sư tay chống tích trượng, và hầu hết các đệ tử của Ngài đều chỉ khất thựchành đạo ở vùng Sài Gòn- Gia Định.

Nhưng ngày nay, có một số phần tử không tốt đã giả dạng Tăng Ni đi khất thực phi pháp ở Tp. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh miền Tây. Đây là một tệ nạn làm tổn thương đến tín ngưỡng của Phật tử cũng như danh dự của PGKS. Do đó, thiết nghỉ THPG Tp. Hồ Chí Minh và các Tỉnh Thành nên có sự phối hợp với quí cơ quan thẩm quyền các tỉnh thành cần nên quan tâm và giúp đỡ giải quyết triệt để tệ nạn này. Đồng thời với sự phát triển của xã hội, phần lớn Phật tử cúng dường phẩm vật họ đều đem đến tịnh xá. Vì thế, để loại trừ tệ nạn khất thực phi pháp cũng như thích nghi với xã hội hiện đại nên chư Tăng Khất Sĩ hầu hết đều không duy trì nếp sống khất thực nữa.

Khất thực, hoá duyênthể hiện lòng vị tha vô ngã, đức hạnh nhẫn nhục của vị Tăng Khất Sĩ. Nhưng điều đặc biệt, chư Tăng Khất Sĩ lại ăn chay, khác với các Tỳ- kheo của Phật giáo Nam Truyền thì thức ăn được dùng ngũ tịnh nhục (tức được phép ăn thịt con vật mà không thấy người giết, không nghe tiếng của con vật bị giết kêu, không nghi người khác giết cho mình ăn, thịt con thú tự chết hay thịt con thú khác ăn còn dư). Ăn chay theo quan niệm của TS. Minh Đăng Quang là “trong sạch với miếng ăn, không tham ăn, không vọng ăn, không cố chấp kén chọn miếng ăn,…” “nên sự ăn chay trong sạch của các Ngài là ngày ăn một bữa ngọ trưa. Có chi ăn nấy, món ăn bằng rau trái, ăn trộn lộn xộn chẳng phân mùi vị đi xin ăn để tránh sự nấu nướng vọng tâm. Đem pháp thí cho người, xin đổi lại miếng ăn nuôi mạng sống, tự người hảo tâm biết ơn mà dâng cho, chẳng hề đòi hỏi ép buộc; sáng, chiều, đêm, khuya lòng không nhớ tưởng, chẳng dạ để dành, vì vậy, nên mới gọi là ăn chay, ăn trong sạch, là miếng ăn của người Khất Sĩ.” (Chơn Lý- Ăn Chay- trang 199). Đồng với quan điểm này, ĐS. Huệ Nhựt suốt lộ trình hoằng pháp lợi sanh Ngài luôn nhắc nhở, khuyến khích Phật tử ăn chay, giữ giới hạnh của người  cư sĩ, loại trừ những tâm niệm bất thiện. Đại Sư nói :

“Trì chay niệm Phật một lòng,

Giữ gìn năm giới tinh thông pháp mầu”

Hay

                             “Trì chay niệm Phật, đừng ưa đừng ghét

                               Đừng nói xấu người, đừng có dối ta”

Thọ chay hay ăn chaynếp sốngĐức Phật thường hay khuyến khích các Tỳ- kheo thực hành (nếu thuận tiện) khi Ngài còn tại thế. Người sứ giả của chân lý từ bigiải thoát thì không thể không ăn chay, vì ăn chaythể hiện sự tôn trọng sinh mạng, quyền sống của muôn loài, đem tình thương yêu đến với tất cả chúng hữu tình.

          Tóm lại, qua tìm hiểu về nghi thức, pháp phục, khất thựcăn chay của PGKS cho chúng ta thấy mặc dù chịu ảnh hưởng ít hay nhiều của Nam Tông hay Bắc Tông Phật giáo nhưng nghi thức, pháp phục…. Của PGKS vẫn mang tính chất đặc trưng, một bản sắc riêng của PGKS. Những đặc trưng và bản sắc đó nó đã đóng góp cho nền văn hoá PGVN ngày một phát triển.

 

5-Về mặt kiến trúc :

Kiến trúc là một trong những nét văn hoá đặc trưng của các tôn giáo. PGKS là các Hệ phái Phật giáo ra đời tại Việt Nam. Vì thế, các tổ chức này đều có một số nét kiến trúc đặc thù của ngôi tịnh xá.

 

 

5.1- TX. Ngọc Viên của Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam

Tịnh xá tọa lạc tại số 14/20/2, đường Xóm Chài, phường 2, thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Ngôi tịnh xá cũ do TS. Minh Đăng Quang sáng lập năm 1948, tịnh xá mới được khởi công xây dựng năm 1993. Đây là kiến trúc đặc thù ngôi tịnh xá của HPKS do TS. Minh Đăng Quang sáng tạo lúc còn đương thời. Vì thế, trong mục này chỉ giới thiệu về ngôi TX. Ngọc Viên mới.

Khác với chánh điện tịnh xá cũ nền xây hình chữ nhật, nóc có 4 mái, kiến trúc chánh điện tượng trưng thuyền Bát- nhã (16x 8m), chánh điện mới có nền hình bát giác, đường kính 26m, cao 1,4m, chiều cao (tính từ nền đến nóc) khoảng 13m. Nóc chánh điện có 3 tầng mái, nóc trên có 4 mái, lợp ngói; nóc giữa có 8 mái, và 4 góc có 8 mái nhỏ; nóc dưới lợp tole cũng có 8 mái lớn đưa ra xung quanh. Trên đỉnh nóc có đặt búp sen bằng xi- măng, các cánh lam trên nóc hơi cong, dưới có 3 cạnh, mỗi cánh lam vươn lên có dáng giống mũi thuyền.

Nền chánh điện có 2 hành lang, hành lang ngoài nền bằng đá mài, 8 mặt xung quanh mỗi mặt có 4 cột gỗ, có lan can bằng gỗ bao bọc, 8 mặt có 4 cửa lan can. Hành lang trong nền lót gạch bông trắng, mỗi mặt có 4 cột gỗ. Phía trên các mặt vách của hành lang trong và ngoài chánh điện có trang trí những câu kinh Pháp Cú. Bước vào hành lang trong là nền chánh điện được lót gỗ, giữa chánh điện là một ngôi tháp gỗ, có 13 tầng, tượng trưng cho 13 lớp1 tiến hóa của chúng sanh. Chân tháp có bệ 3 cấp bằng gỗ, tượng trưng cho Tam Bảo. Trong tháp tôn tượng Đức Phật Thích- ca bằng đá trắng cao hơn 1m. Bốn góc tháp là 4 cột chính của chánh điện, bốn cột này tượng trưng cho 4 chúng2. Cột vuông, dưới chân cột có tạc hoa văn hình hoa sen. Phía sau tháp là bàn thờ an trí di ảnh của TS. Minh Đăng Quang. Xung quanh chánh điện được thiết kế bằng các cánh cửa kiếng, khung và song cửa bằng gỗ.

Nếu từ cổng ngoài vào sân tịnh xá bên trái là chánh điện, ta rẽ sang cổng bên phải sẽ thấy một quần thể những ngôn nhà có hình chữ u, bên phải là ngôi nhà thờ Cửu Huyền Thất Tổ của Phật tử, bên trái là Tăng xá, sau Tăng xá là dãy nhà cao 1 tầng, có nhiều phòng dành cho khách Tăng đến nghỉ ngơi. Đối diện cổng là trai đường, nơi dành cho chư Tăng thọ thực, kế trai đường là nhà bếp. Kế bên nhà thờ Cửu Huyền là cốc lưu niệm TS. Minh Đăng Quang, trong cốc có bồ đoàn của Tổ Sư được phục chế, bút tích và nhiều hình ảnh Tổ Sư trong cuộc đời hành đạo của Ngài. Trước cốc lưu niệm là cây bồ- đề, dưới gốc cây có tấm bia ghi “Những di tích thời kỳ Đức TS. Minh Đăng Quang”.

TX. Ngọc Viên có tổng diện tích đất (tính luôn tịnh xá cũ) trên 6.000m2. Trước mặt của chánh điện bên phải là ngôi nhà khách Ni. Tịnh xá có tất cả 12 cốc cho Tăng chúng ở. Cốc sàn nền 2,2m2, nóc hình chóp, lợp lá, vách bằng ván. Nét đặc biệt của tịnh xá là gần như hầu hết các vật liệu xây cất đều bằng gỗ. Trong khuôn viên tịnh xá có nhiều cây cảnh cho bóng mát và hoa kiểng.

TX. Ngọc Viêntịnh xá trung tâm của Giáo đoàn 1 của HPKSVN hiện nay tịnh xá do TT. Giác Giới làm trụ trì. TX. Ngọc Viên ngày nay thật xứng đáng là một danh lam của nước non miền Tây Nam Bộ.

 

5.2- Linh Quang tịnh xá của Khất Sĩ Đại Thừa

TX. Linh Quang tọa lạc tại số 40/60- Nguyễn Khoái- phường 2- quận 4- thành phố Hồ Chí Minh.

Vào năm 1953, HT. Phổ Ứng (đệ tử của ĐS. Huệ Nhựt) được Phật tử cúng dường cho một khu đất và một mái lá trên gò đất cù lao toàn đầm rạch chưa có nhà cửa dân cư. Đến năm 1963, Ngài cùng tín đồ của chùa ra công đại trùng tu ngôi tịnh xá bằng vật liệu kiên cố. Nhưng mãi đến năm 1969, TX. Linh Quang mới được xây dựng hoàn thành. Linh Quang TX được thiết kế phía trước cổng tam quan là cầu Long Hoa, cầu dài khoảng 3m, hai bên thành cầu đều có lan can. Cổng tam quan có 4 cây cột vuông bằng xi- măng, hai cột cổng giữa cao hơn hai cột cổng phụ, trên mỗi đầu cột có hình búp sen ; phía trên bảng hiệu tịnh xá cổng giữa có bánh xe chuyển pháp luân.

Bên trái trước sân tịnh xá có dựng một tấm bia, mặt trước ghi tiểu sử HT. Phổ Ứng, mặt sau viết về tiểu sử TX. Linh Quang. Phía sau tấm bia là ngôi tháp thờ cốt, có 7 tầng, hình bát giác.

          Từ sân bước lên nền chánh điện có bậc tam cấp, chánh điện phía mặt tiền có 3 cửa, 1 cửa chính 2 cửa phụ. Hai bên hông chánh điện mỗi bên có một cửa lớn ra vào. Trước cửa chính chánh điện có một mái đưa ra, phía trước là 4 cột tròn, trên đầu mỗi cột có hoa sen, phía dưới có lan can bao quanh. Hai bên bậc tam cấp của 3 cửa trước đều có 2 con rồng chầu 2 bên.      Bên trong chánh điện được chia làm 3 gian, gian chính giữa xây một bậc tam cấp cao lớn, tượng trưng cho Tam Bảo, bậc trên thờ Phật Thích- ca, bậc chính giữa thờ Đức Phật Di- đà, bên phải là Bồ- tát Địa Tạng, bên trái là Tôn giả Mục- kiền- liên, bậc dưới thờ tượng Phật Thích- ca (nhỏ), hai bên có tôn tượng của Tôn giả A- nan và Ca- diếp, phía sau tượng Phật Thích- ca là tượng Phật Nhập niết- bàn, bàn thấp ở phía trước thờ Đức Phật Đản sanh, hai bên phía trong tôn tượng 2 vị Hộ Pháp Già- lam, ngoài cùng là 1 bàn nhỏ thờ Phật Chuẩn Đề, hai bên bàn có dựng 2 cây bê bằng gỗ. Phía trên trần chánh điện đắp 5 hình hoa sen tròn, hai bên tường phía trên gian giữa của chánh điện vẽ những bức tranh về lịch sử Đức Phật Thích- ca xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập niết- bàn,.. .Gian chính giữa chánh điện có hai hàng cột, ngăn cách 2 gian. Gian bên phải chánh điện thờ Bồ- tát Quán Thế Âm với sự tích “Quan Âm Thị Kính”, có tượng của tiểu Kỉnh Tâm và Thiện Sĩ; gian bên trái là một dãy bàn ghế dùng làm trai đườngtiếp khách, phía trước bàn trai đường có thiết một bàn thờ Phật. Nền chánh điện lót gạch bông, phía trên nóc lợp ngói. Trên nóc phía trước có đặt hình bánh xe chuyển pháp luân, phía sau (trên nóc) xây kiểu tháp hình vuông, có 3 tầng, trên đỉnh tháp có đặt một búp sen. Phía bên trái của chánh điện là một dãy nhà cao 3 tầng, tầng dưới là văn phòng tịnh xá và phòng khám bệnh nhân đạo, tầng 1 là giảng đường, phía trước giảng đường có 2 tháp nhỏ. Tầng 2 và tầng 3 là phòng của chư Tăng. Bên phải của chánh điện cũng có một dãy nhà cao 2 tầng, tầng dưới cùng là các phòng khám bệnh, tầng 1 và 2 là phòng của Tăng chúng. Ở phía sau chánh điện cũng được xây cao một tầng, phía bên trái có một phòng trưng bày những kỹ vật của ĐS. Huệ Nhựt, bên phải là phòng của Thượng Tọa Viện Chủ. Hai đường đi qua 2 dãy nhà bên trái và bên phải ở tầng 1, bên phải có một tháp thờ Đức Phật Di- lặc, bên trái có một tháp thờ Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn.

 

5.3- Linh Sơn Cổ Tự của HT. Thiện Phước

          Linh Sơn Cổ Tự ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Đây là ngôi cổ tự có chiều dài lịch sử trên 200 năm, HT. Thiện Phước là vị trụ trì đời thứ 10 của ngôi cổ tự này (từ năm 1957).

Từ cổng chùa bước vào bên phải là ngôi chánh điện, chánh điện được xây dựng bằng vật liệu kiên cố, nền cao khoảng 2m. Trước chùa có đặt một lư hương, từ sân chùa bước lên bậc thang vào chánh điện, hai bên bậc thang có lan can, trên thành lan can có 2 con sư tử, 2 cặp cá hóa long trên và dưới chầu. Mặt tiền chánh điện có 3 cửa, 1 cửa chính, 2 cửa phụ và 2 cửa hậu. Hai bên vách chánh điện mỗi bên có 2 cửa sổ vuông và 3 cửa sổ tròn ở giữa, toàn bộ các cửa đều được thiết kế bằng kiếng, khung và song bằng sắt có hoa văn hình hoa sen. Trước cửa chính có 2 sư tử đứng 2 bên.

          Phía trên mặt tiền của chánh điện là bảng hiệu chùa, trên bảng hiệu chùa có bánh xe chuyển pháp luân ở giữa, mỗi bên có biểu tượng 3 tháp nhỏ, nhọn và thẳng đứng. Phía dưới có trang trí hình hoa sen và 2 chim phụng. Nóc chánh điện lợp ngói móc đỏ, nóc có 3 gian, gian trước có 2 mái, mái trước mái sau; gian giữa có 4 mái, mái trước mái sau và 2 mái 2 bên; gian sau cũng có 2 mái, mái trước mái sau. Trên nóc, con lươn gian giữa có đặt 1 cái bình hình bầu và 2 con rồng bằng sành 2 bên. Trên con lươn gian trước và sau đều có bình, trên miệng bình có biểu tượng mặt trời tỏa ánh nắng, 2 bên là 2 con rồng.

Chánh điện có chiều dài 18m, chiều ngang 14m, chiều cao (tính từ nền đến nóc giữa) khoảng 10m. Xung quanh chánh điện mỗi mặt có 6 cột, trên mỗi cột có những câu liễn đối bằng quốc ngữ, mỗi chữ được đắp nổi trên hoa sen tròn. Nền chánh điện được lót gạch tráng men, bước vào bên trong ta thấy ngay giữa chánh điện là một bệ thờ hình vuông, bằng gạch tráng men khoảng 4,5m2, cao khoảng 2m. Bậc trên thờ Đức Phật Di- Lặc, bậc dưới tôn tượng tổ Bồ- đề Đạt- ma, Bồ- tát Quan Thế Âm và các vị Hộ Pháp, thần Kim Cang,.. . ngoài tượng Phật Di- lặc, Bồ- tát Quan Âm và tổ Đạt- ma còn lại các pho tượng ở phía dưới đều bằng gỗ rất bóng và đẹp.

          Xung quanh bốn góc của bệ thờ là 4 cột bằng đá mài, trên mỗi đầu cột có trang trí hoa văn hình cánh sen bao bọc, dưới chân cột đắp hình hoa sen. Phía trước và sau 4 cột này có 4 cột nữa cũng được thiết kế giống nhau. Trong chánh điện hai bên vách là hai bàn thờ dài khoảng 7,5m, cao 1m tôn tượng 18 vị La- hán1. Trước sân chánh điện đối diện là ngôi nhà thờ các vị tổ có công khai sơn, sáng lập ngôi Linh Sơn Cổ Tự và cũng là nơi thờ HT. Thiện Phước, bên phải nhà thờ là tháp chuông, chuông nặng 2,5 tấn, cao 2,5m, đường kính khoảng 1,5m. Phía sau chánh điện là hậu tổ, bên phải chánh điệnnhà khách và 1 dãy nhà cao 2 tầng, tầng dưới là các phòng Ni chúng, tầng 1 là trai đường, tầng 2 là giảng đường, trước dãy nhà này bên trái là nhà bếp.

Bên trái chánh điện là tháp thờ xá- lợi, tháp này được xây dựng trên 1 tảng đá lớn. Nền tháp hình vuông (9m), tháp có chiều cao (từ nền đến đỉnh) khoảng 8m, tháp có lan can bao xung quanh. Nóc tháp được chia 2 tầng mái, lợp ngói. Tháp có cửa kiếng bao bọc xung quanh. Chính giữa là một tháp lớn hình tròn, có 8 cửa, cao khoảng 4m đỉnh nhọn, thẳng đứng, chân tháp có hoa sen bao quanh. Xung quanh tháp lớn là 14 tháp nhỏ, có kiến trúc cũng giống tháp lớn. Đây là kiến trúc đặc thù tháp xá- lợi của Linh Sơn Cổ Tự.

          Từ tháp xá- lợi xuống cầu thang đi vòng qua ngôi chánh điện cũ bằng ván, phía dưới là ngôi tháp hình bát giác thờ tượng Phật Thích- ca bằng gỗ giáng hương. Bên phải của ngôi tháp này là tháp thờ Đức Phật Di- đà, Bồ- tát Quán ÂmThế Chí.

          Linh Sơ Cổ Tự là ngôi cổ tự ở trên núi, do đó có nhiều cây cổ thụ, hoa kiểng xanh tươi tạo nên phong cảnh cổ kính, thiền vị.

         

5.4- Giảng đường Pháp Bảo (ở TX. Ngọc Sơn Dinh) của Khất Sĩ Sơn Tăng

          TX. Ngọc Sơn Dinh tọa lạc tại ấp Phước Thành, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Vào năm 1994, Thượng Tọa Viện Chủ tịnh xá (Thích Minh Hùng) là một trong những vị đệ tử lớn của ST. Thích Huỳnh Minh đã khởi công xây dựng ngôi giảng đường Pháp Bảo.

Từ cổng tam quan của tịnh xá đi và khoảng 60m ta thấy có đài thờ Đức Phật Di Lặc đứng trên quả địa cầu, nhìn sang một bên là giảng đường, bên trái giảng đườngvườn Lộc Uyển, cảnh Đức Phật đang thuyết pháp cho năm anh em ông Kiều Trần Như lần đầu tiên, và những con hươu đứng gần, toàn bộ các tượng đều được sơn màu trắng.

          Giảng đường có nền cao khoảng 1,5m, từ sân bước lên bậc tam cấp là vào hành lang giảng đường. Phía trước hành lang 2 bên có 2 cột, có 2 con rồng uốn quanh cột, trước cửa giảng đường có đặt 1 lư hương. Trên hành lang giảng đường có một tầng lầu, trên tầng lầu này phía mặt trước chia làm 3 cửa, phía ngoài có lan can, hai bên có đắp hoa văn hình bánh xe chuyển pháp luân, ở chính giữa tôn tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn. Trên nóc có 3 cổ lầu, cổ lầu giữa mặt trước là bảng hiệu tịnh xá, trên nóc cổ lầu chính giữa có bánh xe chuyển pháp luân, có 2 con rồng 2 bên, 4 cánh lam 4 góc của mái cong là hoa văn 4 con rồng hướng đầu vào bánh xe pháp luân. Hai cổ lầu 2 bên nóc hình chóp, trên đỉnh chóp có đặt búp sen, 4 cánh lam là hoa văn 4 con rồng. Nóc giảng đường có 2 mái 2 bên, lợp ngói chạy dài ra sau có một cổ lầu, có lan can bao quanh, trên nóc cổ lầu có đặt chữ vạn chính giữa, 4 góc của mái cong là 4 rồng hướng đầu vào chữ vạn.

          Giảng đường có chiều ngang 15m, chiều dài 46m, chiều cao mặt tiền (tính từ nền đến nóc) khoảng 15m. Nền giảng đường lót gạch tráng men, hai bên giảng đường có hành lang, có lan can. Hai bên hành lang phía trước có 2 cầu thang lên tầng lầu trước giảng đường. Mặt tiền giảng đường có 3 cửa, 1 cửa chính 2 cửa phụ, phía trên cửa chính là bảng hiệu giảng đường Pháp Bảo. Hai bên vách giảng đường mỗi bên có 4 cửa cái và 5 cửa sổ, mặt hậu có 2 cửa. Hai bên cửa chính của giảng đường mỗi bên có tượng Hộ pháp đứng 2 bên. Bên trong giảng đường chia làm 3 gian, phân thành 2 hàng cột, mỗi hàng có 6 cột. Hai cột ở phía trong trước bàn thờ Phật có đắp 2 con rồng. Gian giữa chánh điện  đắp 2 bàn thờ (bằng xi- măng) bàn trong cũng phân làm 3 bậc, tượng trưng cho Tam Bảo; chính giữa thờ Phật Thích-ca, bên phải tôn tượng Bồ- tát Quán Thế Âm và bên trái là tượng Bồ- tát Địa Tạng. Phía trên xung quanh gian giữa có đắp những bức phù điêu về lịch sử Đức Phật Thích- ca từ đản sanh, xuất gia, tầm đạo, chuyển pháp luân, nhập niết- bàn,.. .

Sau bàn thờ Phật là căn nhà thờ Tổ, cũng được ngăn làm 3 gian, mỗi bên có 2 cột. Gian giữa là bệ thờ (bằng xi- măng) có 2 bậc, trang trí hoa văn hình rồng ở mỗi góc, hình cánh sen bao quanh phía dưới mặt bàn. Bậc trên tôn tượng tổ Bồ- đề Đạt- ma, bên phải là di ảnh ST. Thích Huỳnh Minh, bên trái là di ảnh TS. Minh Đăng Quang. Bên phải của hậu tổ là phòng khách và phòng của Thượng Tọa Viện Chủ.

          Giảng đường Pháp Bảo vốn nằm dưới chân núi Dinh có nhiều cây cảnh, hoa kiểng xanh tươi, mát mẻ tạo nên phong cảnh trang nghiêm thanh tịnh. Chính là đặc trưng kiến trúc giảng đường của Khất Sĩ Sơn Tăng.

          Nhìn chung, kiến trúc của PGKS có nhiều ảnh hưởng của Phật giáo Bắc Tông như cổng tam quan, các mái cong (của chánh điện, hậu tổ, nhà thờ cửu huyền….. .), hoa văn bánh xe pháp luân, hoa sen, lư hương, chữ vạn,.. . Nhưng nhìn vào kiến trúc tổng thể ngôi tịnh xá của PGKS ta thấy khác biệt với kiến trúc của Phật giáo Bắc Tông. Thường chúng ta thấy kiến trúc của ngôi chùa Bắc tông có kiến trúc liên kết nhau như chánh điện nối kết giảng đường, hậu tổ, gần Tăng xá là trai đường và nhà bếp. Nhưng trái lại ngôi tịnh xá của PGKS thì chánh điện được xây dựng cách biệt với Tăng xá, trai đường,... có lẽ kiến trúc này chịu ảnh hưởng của Phật giáo Nam Tông. Bên cạnh đó còn những điểm khác như chánh điện của chùa có nền hình chữ nhật hoặc hình vuông, còn chánh điện của tịnh xá do TS. Minh Đăng Quang thiết kế nền hình bát giác; bàn thờ Phật của HPKSVN và KSTT là ngôi tháp đặt trên bệ tam cấp ở giữa chánh điện khác với bàn thờchánh điện của Phật giáo Bắc Tông. Những khác biệt này chính là kiến trúc đặt thù ngôi tịnh xá của PGKS, nó đã đóng góp tô điểm cho nền nghệ thuật kiến trúc Phật giáo Việt Nam thêm phong phú, phát triển.

 

CHƯƠNG V-
PHẬT GIÁO KHẤT SĨ TRONG THỜI ĐẠI ĐẤT NƯỚC HÒA BÌNH

          1-PGKS trong sự nghiệp xây dựng Đạo Pháp

          Nói về sự nghiệp xây dựng đạo pháp của PGKS điều này có lẽ là một vấn đề thắc mắc của nhiều người. Người ta cho rằng PGKS mới ra đời trong những năm 1945- 1975, trong khi phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà thì đã xảy ra trước đó một hai thập niên, vả lại PGKS từ khi được hình thành mãi cho đến năm 1950 trở về sau thì số lượng Tăng Ni khất sĩ mới đông, và người ta cũng không thấy Tăng Ni của PGKS tham gia vào các hoạt động của Giáo Hội Phật giáo thời ấy. Vì thế, nhiều nghi vấn được đặt ra ở đây.

          Chúng ta nên biết chữ Đạo Pháp ở đây có nghĩa chính là chỉ Phật giáo Việt Nam nói riêng và toàn thể Phật giáo thế giới nói chung mà không có phân biệt tông phái Phật giáo, chủng tộc, giai cấp, quốc gia,... vì đạo Phật được xây dựng trên nền tảng tự do, bình đẳng, từ bitrí tuệ. Tuy nhiên, chư Tăng đang hành đạoquốc gia nào thì trước tiên phải có nhiệm vụ xây dựng và phát triển Phật giáo tại quốc gia đó, như chư Tăngphạm vi đất nước Việt Nam thì phải xây dựng Phật giáo Việt Nam phát triển. Mặc dù PGKS mới hình thành (năm 1945- 1975) và không trực tiếp tham gia hoạt động Giáo Hội Phật giáo thời ấy nhưng PGKS đã thực sự là những tổ chức Phật giáo tích cực trong việc truyền bá Phật pháp lúc bấy giờ. Cụ thể là ĐS. Huệ Nhựt đã tạo được danh tiếng cho Phật giáo ở địa bàn Sài Gòn- Gia Định, tổ chức của Ngài thời ấy cũng có khoảng 30- 40 vị Tăng; theo sách Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam của ĐĐ. Thích Đồng Bổn (biên soạn) do Thành Hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1996 có viết TS. Minh Đăng Quang truyền bá Phật pháp ở nhiều tỉnh của hai miền Đông Tây Nam Bộ, số lượng Tăng Ni của hệ phái Ngài có đến hằng trăm, Phật tử tại gia có cả vạn người; Tổ Đình Linh Sơn của HT. Thiện Phước qui tụ được khoảng 300 Tăng Ni về tu học, mở trường Phật Học; HT. Từ Huệ xây dựng và trùng hưng nhiều ngôi tịnh xá, chùa ở hai miền Đông, Tây Nam Bộ,.. .

Vào năm 1981, GHPGVN được thành lập lúc này HPKSVN mới thực sự tham gia vào làm việc với Giáo Hội, rồi dần dần về sau các tổ chức PGKS khác cũng gia nhập và làm việc  với Giáo Hội như:

a. Khất Sĩ Đại Thừa có:

  TT. Từ Giang- Chứng Minh Ban Đại Diện Phật giáo quận 4.

b. Hệ Phái Khất Sĩ  Việt Nam có:

1.     HT. Thích Giác Nhu- Phó Pháp Chủ Hội Đồng Chứng Minh GHPGVN nhiệm kỳ II và III (1987- 1997) (viên tịch 1997)

2.     HT. Thích Giác Phúc- Phó Ban Tăng Sự TƯ. GHPGVN nhiệm kỳ IV và V (1997- 2007)

3.     HT. Thích Giác Hà- Phó Ban Từ Thiện Xã Hội TU. GHPGVN nhiệm kỳ IV (1997- 2002)

4.     TT. Thích Giác Giới- Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự GHPGVN nhiệm kỳ V.

5.     TT. Thích Giác Toàn- Ủy Viên Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự GHPGVN (các nhiệm kỳ I, II, III, IV và V : 1981- 2007)

6.     TT. Thích Giác Dũng- Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự GHPGVN nhiệm kỳ IV và V (1997- 2007)

7.     TT. Thích Giác Thường- Ủy viên Ban Nghi Lễ TU. GHPGVN.

8.     TT. Thích Giác Pháp- Ủy Viên Ban Hướng Dẫn Phật tử TU. GHPGVN.

9.     NT. Thích Nữ Huỳnh Liên-Ủy Viên Kiểm Soát Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự GHPGVN nhiệm kỳ I, II (1981- 1987) (viên tịch 1989)

10.  NT. Thích Nữ Ngoạt Liên- Ủy Viên Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự GHPGVN nhiệm kỳ II, III, IV và V (1987- 2007)

11.  NT. Thích Nữ Tạng Liên- Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự GHPGVN nhiệm kỳ IV (1997- 2002)

12.  NT. Tràng Liên- Ủy Viên Hội Đồng Trị Sự GHPGVN nhiệm kỳ V.

c. Khất Sĩ Tu Tịnh có:

1.     HT. Thích Từ Huệ- Thành Viên Hội Đồng Chứng Minh TƯ GHPGVN (viên tịch 1997)

2.     TT. Thích Thiện Tâm- Phó Ban Đại Diện Phật Giáo Thành Phố Mỹ Tho.

3.     TT. Thích Giác Thạnh- Chánh Đại Diện Phật Giáo huyện Giồng Riềng- tỉnh Kiên Giang    

4.     ĐĐ. Thích Giác Tạng- Trưởng Ban Hoằng Pháp tỉnh Bạc Liêu- kiêm Chánh Đại Diện Phật Giáo Huyện Vĩnh Lợi.                                                                                                                                     

   d. Khất Sĩ của Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng có:

TT. Thích Giác Quang- Chánh Văn Phòng Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai kiêm Giảng sư Trường Trung Cấp Phật Học tỉnh Đồng Nai.

     Hiện nay, theo tài liệu của các tổ chức PGKS ước tính tổng số lượng Tăng Ni của PGKS có khoảng hơn 2.220 vị, có khoảng hơn 418 ngôi tịnh xá, tịnh thất trong cả nước. Đây là kết quả rất khả quan, nó đã chứng minh cho sự đóng góp tích cực của PGKS trong sự nghiệp phát triển PGVN.

                                                                                                                                 

          2- Phật giáo Khất Sĩ trong sự nghiệp hội nhập và phát triển dân tộc

          Đạo Phật là đạo của con người. Đức Phật lấy con người làm đối tượng để giáo hóa, hướng dẫn họ bước lên con đường tìm đến chân lý, giải thoát tối hậu. Ngài dạy: “Này các Tỳ- kheo, hãy ra đi, vì lợi íchan lạc của quần chúng, vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, an lạchạnh phúc của chư thiênnhân loại. Đừng đi chung hai người cùng đường. Này các Tỳ- kheo, hãy thuyết pháp hoàn thiện ở phần đầu, hoàn thiện ở phần giữa, hoàn thiện ở phần cuối, cả về ý nghĩa lẫn văn cú, hãy truyền bá đời phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh” (Đại Phẩm của Luật Tạng) hay trong kinh Hoa Nghiêm có nói : “Phụng sự chúng sanhcúng dường tối thượng chư Phật”. Cho nên khi Phật giáo được truyền vào đất nước Việt Nam từ hơn XX thế kỷ qua, Phật giáo đã hòa nhập, gắn bó với dân tộc, với tổ quốc trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và xây dựng đất nước Việt Nam. Vì thế, nhà thơ Hồ Dzếnh đã cảm tác đoạn thơ sau:

“Trang sử Phật,

Đồng thời là trang sử Việt,

Trải bao độ hưng suy,

Có nguy mà chẳng mất.. .”

          Như chúng ta được biết ở các mục trước về lịch sử hình thành và phát triển của các tổ chức PGKS, từ khi mới ra đời các Tổ sư khai sáng PGKS đã tích cực đi vào thành thị, thôn quê thuyết pháp, giáo hóa nhân dân hướng về Phật giáo; và thực hành đời sống trong sạch của một Phật tử tại gia. Cụ thể nhất là TS. Minh Đăng Quang ngài đã hành đạo qua nhiều tỉnh ở hai miền Đông, Tây Nam Bộ, đến đâu Ngài cũng thuyết pháp, hướng dẫn mọi người thực hành nếp sống trong sạch, giữ giới, làm lành lánh dữ; HT. Thiện Phước thành lập cô nhi viện Phước Lộc Thọ (1961- 1965) nuôi đến 200 cô nhi, quả phụ. HT. Từ Huệ thành lập nghĩa trang (1969), xây dựng lò thiêu (1979) miễn phí cho đồng bào nghèo, thành lập Hội Từ Thiện (1990) thành phố Mỹ Tho, Phòng Thuốc Nam miễn phí; TL. Giác Bảo thuyết pháp khuyến thiện cho anh em cách mạng trong trại cải tạo, ủy lạo cho làng cô nhi viện (Long Thành- Đồng Nai). Riêng tổ chức Khất Sĩ của HT. Thiện Phước, Ngài tham gia hoạt động cách mạng, Hòa Thượng lấy tổ đình Linh Sơn làm cơ sở hoạt động cách mạng (của Liên Khu 5 Biệt Động Thành) trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Và HPKSVN có Ni Trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên “tham gia biểu tình chống đàn áp Phật giáo (năm 1963) của chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, tham gia phong trào đấu tranh phụ nữ đòi quyền sống; ủng hộ cuộc bãi công kéo dài 3 tháng của 16.000 công nhân dệt, 5.000 công nhân điện nước (vào ngày 20- 9- 1964).. . Ni Trưởng Huỳnh Liên lấy cơ sở TX. Ngọc Phương làm nơi đấu tranh (theo tài liệu lý lịch di tích của Nguyễn Thị Minh Lý- viết ngày 28- 1- 1994, bản đánh máy)”

          Ngày nay, các tổ chức PGKS đã tích cực tham gia các công tác TTXH (xem các mục: chương II- 1.2.2; 2.2.2.2.2; 3.2.2; 4.3). Ngoài  những công tác TTXH như cứu trợ thiên tai bão lụt, cứu trợ đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, đồng bào bị chất độc màu da cam, cô nhi viện, bệnh viện Tâm Thần, bệnh viện Đa Khoa, bệnh viện Da Liễu,… KSĐT còn thành lập Trung Tâm Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật (1998- Q4- Tp. HCM), mở Phòng Thuốc Từ Thiện (1992); HPKSVN có nhiều tịnh xá của các Giáo Đoàn thành lập Tuệ Tĩnh Đường,… Hàng loạt các cơ sở từ thiện của PGKS đã hoạt động rất có hiệu quả.

          Như vậy, với những kết quả về các công tác TTXH của PGKS không ai có thể cho rằng Tăng Ni khất sĩ tách rời đời sống nhân dân, không hòa nhập cộng đồng xã hội. Trái lại qua tìm hiểuthực tế cho thấy PGKS hầu như có mặt ở khắp tất cả các công tác TTXH, nơi đâu có thiên tai bão lụt, nhân dân nghèo khó là nơi đó có màu áo vàng (bá nạp) xuất hiện, đem lại cho mọi người niềm tin và nụ cười trong đời sống.

 

PHẦN III- KẾT LUẬN

 

Hơn nữa thế kỷ qua từ khi mới được hình thành cho đến lúc phát triển, PGKS đã đi những bước đi lịch sử. Ngày nay, lịch sử Nam Bộ cũng đã khẳng định điều ấy. PGKS đã thật sự hoà chung nhịp đập trái tim của Phật giáo và dân tộc Việt Nam.

1- Phật Giáo Khất Sĩ  với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

          Từ khi hình thành cho đến phát triển các tổ chức PGKS đều nhất quán theo tinh thần giáo lý của Phật giáo. Các tổ chức  PGKS đều có tổ chức từ cơ sở tịnh xá cho đến cơ sở lãnh đạo Khất Sĩ  theo tinh thần giới luật của Phật giáo. Đồng thời PGKS có số lượng Tăng Nitín đồ Phật tử khá đông. Do có tổ chức, có giới luật, có Tăng NiPhật tử nên các tổ chức PGKS đã được GHPGVN công nhận, thống nhất chung trong ngôi nhà GHPGVN kể từ năm 1981 đến nay.

          Các tổ chức PGKS ra đời đã thắp sáng thêm ngọn đèn chánh pháp. Hiện nay, trong thực tế cho thấy PGKS đã đóng góp cho GHPGVN số lượng Tăng Ni thật đáng kể. Cụ thể hơn là PGKS đã đáp ứng một số lượng nhân sự vào các cơ sở Phật giáo từ địa phương cho đến Trung Ương GHPGVN tham gia vào tất cả các ban ngành của Giáo Hội. Người ta đã thấy màu y vàng bá nạp đã có mặt ở khắp nơi, kề vai sát cánh với Giáo Hội trong sự nghiệp xây dựng Đạo Pháp và dân tộc.

          Ngoài những đóng góp trên, PGKS còn góp phần làm tăng thêm số lượng tịnh xá, tịnh thất cho Giáo Hội, tô điểm cho nền văn hóa PGVN thêm phong phú. Về các mặt sáng tác, kiến trúc, công tác từ thiện,…. Của các tổ chức PGKS đã không ngừng nâng cao tạo cho nền văn hóa PGVN ngày một thăng hoa, hoàn mỹ.

2- Phật Giáo Khất Sĩ  với xã hội

Qua “Tìm hiểu về PGKSONBVN” cho chúng ta thấy PGKS đã ra đời ở Nam Bộ, do đó các tổ chức PGKS là một trong những hệ phái đặc trưng của Phật giáo Nam Bộ. Đặc biệtNghi Thức Tụng Niệm của HPKS của TS Minh Đăng Quang mang đậm tính dân gian, những thể văn vần, theo thể thơ lục bát, thất ngôn, song thất lục bát trong Nghi Thức Tụng Niệm rất gần với những câu ca dao, dân ca của người dân Nam Bộ. Sau một ngày lao động vất vả họ tụ tập về tịnh xá trì tụng kinh kệ làm cho họ sảng khoái tinh thần. Hơn nữa các Tăng Ni Khất sĩ với nếp sống tu tập phạm hạnh truyền thống, đời sống của các Tỳ- kheo giản dị, thanh bần, khất thực dễ có cảm tình gần gũi với đời sống chân lấm tay bùn của nông dân làng quê Nam Bộ.

Tinh thần phụng sự nhân sinh, thương yêu đồng lọai là ý nghĩa của “Từ Bi và Trí Tuệ” trong giáo lý Đạo Phật. Cho nên, các tổ chức PGKS đều tham gia vào những công tác TTXH như cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai bão lụt, mở Trung Tâm Giáo Dục Trẻ Khuyết Tật, lập phòng thuốc từ thiện Tuệ Tĩnh Đường, thăm viếng, tặng qùa cho bệnh nhân ở các bệnh viện : Đa Khoa, Da Liễu, Tâm Thần, Trẻ Em Khuyết Tật,…

Hiện nay, ở một phương diện nào đó chúng ta thấy khoảng cách giữa PGKS và xã hội không còn như xưa, tịnh xá giờ đây không phải chỉ lập ở thôn quê mà nó đã được xây dựng ở nhiều nơi trong thành phố. Cụ thể như có một số chư Tôn Đức Tăng Ni Khất Sĩ đã ra ứng cử Đại Biểu Quốc Hội, Hội Đồng Nhân Dân, tham gia vào Mặt Trận Tổ Quốc, Hội Phụ Nữ, nhiều tịnh xá đã sản xuất bánh mức hàng năm, Tăng Ni trẻ được đi học ở nhiều Trường Phật Học, Trường Phổ Thông và Trường Đại Học Quốc Gia, đồng thời có một số được đi du học.

Như vậy, PGKS với sự nghiệp hoằng dương chánh pháp của Đức Như Lai đúng nghĩa, với số lượng Tăng Ni, Phật tử, có nhiều tịnh xá, tịnh thất, tham gia nhiều công tác TTXH khiến cho các tổ chức PGKS ngày càng phát triển trong cả nước. Ngày nay, PGKS luôn thực hiện nhiều cải cách trong tổ chức sinh hoạt, tu học, Phật sự để thích nghi với xã hội nên bộ mặt PGKS luôn mới mẻ. Vì thế, hiện nay chúng ta không còn bỡ ngỡ gì nữa khi PGKS bắt đầu có mặt và lần lượt truyền sang các nước phương Tây.

 

PHỤ LỤC

         

Vài nét về Khất Sĩ Tu Tịnh của TT. Thích Giác Thới

          TT. Giác Thới thế danh là Nguyễn Thắm Tươi, sinh năm 1938, tại xã Thới An Đông, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Thân phụ là Nguyễn Vinh Hoa, thân mẫu là Trần Thị Huôi. Khi Ngài lớn lên song thân cho đi học nghề may và làm thợ may ở chợ Ô Môn. Nhân thấy những người nghèo khổ ăn xin ở ngoài chợ nên Ngài có nhiều suy tư sâu sắc về nhân quả của cuộc đời. Và  cũng có túc duyên khi thấy những nhà sư đi khất thực ngang qua chợ Ngài sanh lòng kính mộ. Vì thế, bắt đầu từ đây Ngài lập nguyện xuất gia.

          Ngài 23- 1- 1960 (năm 22 tuổi), Ngài được HT. Giác Nhiên cho thế phát xuất gia, ở Tầm Vu- Long An. Sau đó, Ngài theo Hoà Thượng bổn sư đi hành đạo ở các nơi : Ngã Năm, Phụng Hiệp, Sóc Trăng, Hóc Môn, Sài Gòn, Gò Vấp, Tây Ninh, Vũng Tàu. Đến năm 1968, Ngài xin phép HT. Giác Nhiên được tách đoàn riêng độc giác hành đạo. Được Hoà Thượng đồng ý Ngài liền trở về tỉnh Cần Thơ xây dựng TX. Ngọc Thuận, kể từ đây Ngài bắt đầu tịnh tu và ít đi du phương hoằng pháp.

          Tìm hiểu về PGKSONBVN chúng ta không khỏi phải ngạc nhiên trước một số tổ chức PGKS, điển hình như KSTT của TT. Giác Thới ở tỉnh Cần Thơ. Nếu như ai đó đã được biết về TX. Ngọc Thuận và số lượng Tăng Ni tu tập tại trú xứ này thì rất ngạc nhiên khi thấy người viết cho rằng đây là một tổ chức PGKS. Vì thực tế nếu nhìn vào cơ sở vật chất còn khiêm tốn của TX. Ngọc Thuận cũng như số lượng Tăng Ni tu tập ở đây quá ít. Như vậy sao có thể gọi là một tổ chức Phật giáo ? để trả lời câu hỏi này chúng ta nên tìm hiểu về giáo lý chính thống của Phật giáo, về nếp sống Tăng- già thời Đức Phật, và PGKS Việt Nam. Chúng ta thấy theo tinh thần giáo lý của Phật qui định thì tài sản của Tỳ- kheo rất giới hạn chỉ có 3 y và một bình bát khất thực và một số ít đồ dùng khác của cá nhân. Về cơ sở vật chất của Giáo Hội cũng được xây dựng rất đơn giản, không đồ sộ nguy nga. Nhưng điều quan trọng đối với Như Lai là việc giáo hoá chúng sanh, truyền bá chánh pháp đến với mọi người. Đây là nếp sống văn hoá truyền thống mà PGKS nói chung và KSTT của TT. Giác Thới nói riêng đã kế thừagìn giữ. Vì thế, chúng ta thấy tuy cơ sở vật chất của tổ chức KSTT của Thượng Tọa còn chưa phát triển và đệ tử Tăng Ni tại trú xứ cũng ít nhưng số lượng Tăng Nipháp lữ đến với Ngài học đạo rồi ra đi hoằng pháp ở các nơi khá nhiều. Như ĐĐ. Giác Thủ, ĐĐ. Huệ Tựu,… và những vị Ni như Sư cô (SC) Hạnh Liên, SC. Đắc Liên, SC. Đức Liên,… đồng thời tổ chức của Ngài riêng tại tỉnh Cần Thơ cũng có nhiều tịnh xá, tịnh thất. Đó là TX. Ngọc Thuận, TX. Bát Nhã, TT. Bồ- đề,… Như vậy là tổ chức sinh hoạt, tu tập của KSTT của TT. Giác Thới không sai với nếp sinh hoạt, tu tập truyền thống của Phật giáo.

          Nhìn chung, KSTT của TT. Giác Thới không được phát triển lắm so với các tổ chức PGKS khác, nhưng về nếp sinh hoạt tu tập của tổ chức này đã làm tăng thêm nét đẹp truyền thống văn hoá Phật giáo. Đồng thời Thượng Tọa cũng đã đào tạo được một số đệ tử đóng góp cho GHPGVN trong công tác hoằng pháp, lợi lạc nhân sanh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Ánh Minh Quang- Hệ Phái Khất Sĩ TS. Minh Đăng Quang- Thành Hội Phật giáo TPHCM ấn hành- 1992

2. Thích Đồng Bổn- Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam- Thế kỷ XX- Thành Hội Phật Giáo TPHCM ấn hành- 1996

3. Danh Mục Tịnh Xá- TX. Ngọc Phương thực hiện (Ni Giới Hệ Phái Khất Sĩ)- 1999

4. Thích Từ Giang- Thích Phong Hội (biên soạnNguồn Sống An Lạc (tập 1-2-3)- NXB Tôn Giáo- 2001- 2004

5. Thích Minh Hùng- Sơ Lược Tóm Tắc Tiểu Sử của Sư Trưởng Thích Huỳnh Minh (bản viết tay)

6. H.W. Schumann- Đức Phật Lịch Sử (Trần Phương Lan dịch)- NXB TPHCM- 2000

7. Kỷ Yếu Lễ Tang Hòa Thượng Thích Từ Huệ- NXB Tp. HCM- 1999

8. Kỷ Yếu Ni Trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên- NXB Tp. HCM- 1994

       9. Nguyễn Lang- Việt Nam Phật Giáo Sử Luận- tập III- NXB Văn Học Hà Nội ấn hành- 1993

10. Đinh Xuân Lâm (chủ biên), Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đình Lễ-Đại Cương Lịch Sử Việt Nam- tập II- NXB Giáo Dục- 2000

11. Lịch Sử Tổ Đình Linh SơnBan Biên Soạn Lịch Sử Liên Tông Tịnh Độ Non Bồng- 1997

12. Trần Hồng Liên- Đạo Phật Trong Cộng Đồng Người Việt Ở Nam Bộ- Việt Nam- Từ Thế Kỷ XVII- 1975- NXB Khoa Học Xã Hội- 2000

13.Trần Hồng LiênGóp Phần Tìm Hiểu Phật Giáo Nam Bộ- NXB Khoa Học Xã Hội- 2004

14. Ni Trưởng Huỳnh Liên- Chuyến Du Hành Miền Trung- 1998

15. Linh Quang Tịnh Xá Với Những Phật Sự Và Công Tác Xã Hội (1989-  2004)- NXB Tôn Giáo- 2004

16. Chơn Lý- Luật Nghi Khất Sĩ (HPKS của TS. Minh Đăng Quang)- NXB TPHCM- 1998

17. Thuý Nga- Xuân Hậu (nhóm biên soạn)- Những Ngôi Chùa Đồng Nai (tập I)- NXB Văn Hóa Thông Tin- 2002

18. Nghi Thức Tụng Niệm- HPKS Việt Nam- NXB Tôn Giáo- 2000

     19. Đại Sư Huệ Nhựt- Pháp Môn Đáo Bỉ Ngạn- TX. Linh Quang (40/ 60- Nguyễn Khoái- phường 2- quận 4- TPHCM) ấn hành (bản in lụa)

20. Ni Giới Hệ Phái Khất Sĩ Việt NamVai Trò Lãnh Đạo của Ni Trưởng Huỳnh Liên (Bản đánh máy Vi Tính của TX. Ngọc Phương- số : 498/1- Lê Quang Định- Phường 1- Quận Gò Vấp- TP .HCM)

21. Hàn Ôn- Minh Đăng Quang Pháp Giáo- Lưu hành nội bộ- tái bản lần thứ hai- 2001

22. TS. Minh Đăng Quang- Chơn Lý- NXB. TP HCM- 1998

23. Tiểu Sử Đức Tôn Sư Hòa Thượng Thượng THIỆN Hạ PHƯỚC- Ban Sử Liệu Quan Âm Tu Viện (lưu hành nội bộ) 1986

24. Thích Giác Tạng- Tiểu Sử Cố Trưởng Lão Thích Giác Bảo Trụ Trì  Tịnh Xá Ngọc Vi- Vĩnh Long (1909- 1992) (Bản đánh máy)

25. Trần Ngọc Thêm- Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam- NXB Giáo Dục-1998

26. Mật Thể- Việt Nam Phật Giáo Sử Lược- NXB Thuận Hóa- Huế-1996

27. Thích Giác Toàn chủ biên- 64 Tịnh Xá của Hệ Phái Khất Sĩ- NXB Tổng Hợp TP. HCM- 2004

28. Thích Giác Trí- Sự Hình Thành Và Phát Triển Của Hệ Phái Khất Sĩ (Luận Văn Tốt Nghiệp- Học Viện Phật giáo Việt Nam TPHCM khóa IV (1997- 2001)

29. Nguyễn Quảng Tuân- Huỳnh Lứa- Trần Hồng Liên- Những Ngôi Chùa Ở Nam Bộ- NXB TP. HCM- 1994

     30. Tuần Báo Giác Ngộ- Số 216- ra ngày 18- 3- 2004 (trang 6- 9)

31. Thích Minh Tuệ- Lược Sử Phật Giáo Việt Nam- Thành Hội Phật Giáo TPHCM ấn hành- 1993

 

DANH SÁCH CHƯ TÔN ĐỨC TĂNG NI VÀ CÁC PHẬT TỬ CUNG CẤP  SỬ  LIỆU VỀ SỰ HÌNH THÀNH PGKS

 

1.     HT. Thích Như Niệm- Phó Ban Tăng Sự Thành Hội Phật giáo TPHCM- Trụ Trì chùa Phổ Quang và Pháp Hoa- TPHCM

2.     TT. Thích Từ Giang- Viện Củ Linh Quang. TX- Q4 Tp. HCM

3.     TT. Thích Giác Giới- Trụ trì TX. Ngọc Viên- tỉnh Vĩnh Long

4.     TT. Thích Giác Quang- Quan Âm Tu Viện- Biên Hòa

5.  TT. Thích Giác Pháp- Thư Ký của HPKS Việt Nam- TX. Trung Tâm- Q6 TPHCM

6.     TT. Thích Giác Thạnh- Trụ Trì chùa Vạn Hòa (TT. Giồng Riềng- tỉnh Kiên Giang)

7.     TTThích Minh Hùng- Viện Chủ TX. Ngọc Sơn Dinh- Bà Rịa Vũng Tàu

8.     TTThích Giác Thới- Trụ Trì TX. Ngọc Thuận- Tp. Cần Thơ

9.     Sư cụ. Thích Minh Huệ- TX. Phụng Hoàng- Cần Đước- Long An

10. ĐĐ. Thích Giác Tạng-  Trụ trì TX. Bửu Linh- Bạc Liêu

11. ĐĐ. Thích Minh Liên- Tăng sinh Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Tp. HCM (Khoá V)

12.  ĐĐ. Thích Minh Hiền- Tăng sinh Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Tp. HCM (Khoá V)

13.  ĐĐ. Thích Giác Hiển- Giảng sinh Lớp Cao Cấp Giảng Sư tại Tp. HCM

14.  Sư cô Tiến Sĩ Thích Nữ Tín Liên- Chủ Nhiệm Lớp Sơ Cấp Phật Học Ni Giới HPKS tại TX. Ngọc Phương- Quận Gò Vấp- Tp. HCM

15.  Sư coâ Liên Huệ- Thành viên Ban TTXH của TX. Ngọc Phương

16. PT. Nguyễn Thị Láng (Hiền thê ST. Thích Huỳnh Minh trước khi Ngài xuất gia)- Cần Đước- Long An

17.  Sư cô Tuệ Hiền- Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM (Khoá V)


1 – Chơn Lý- NXB Tp. HCM 1998 [trang 168- 173]

1 – 1. Địa ngục, 2. ngạ quỉ, 3. súc sanh, 4. A- tu- la, 5. người, 6. trời, 7. Tu- đà – hườn, 8. Tư- đà- hàm, 9. A- na- hàm, 10. A la- hán, 11. Bích- chi Phật, 12. Bồ- tát, 13. Phật

2 _ Tăng, Ni, cận sự namcận sự nữ

1 – Tôn giả Khánh Hữu (Hàng Long La- hán), Phạt- na- bà- tư (Ba Tiêu La- hán), A- thị- đà (Trường Mi La- hán), Tân- đầu- lư- phả- la- đoạ- sà (Cưỡi Hươu La- hán), Ca- nặc- ca- phạ- sa (Hỷ Khánh La- hán), Nạc- cự- la (Tĩnh Tọa La- hán), Bán- thác- ca (Thám  Thủ La- hán), La- hổ- la (Trầm Tư La- hán), Tân- đầu- lô (Phục  Hổ La- hán), Ca- nạc- ca- bạc- lỵ- đoạ- sà (Cử Bát La- hán), Ca- lý- ca (Cưỡi Voi La- hán), Nhân- yết- đà (Túi Vải La- hán), Tô- tần- dà ( Thác Tháp La- hán), Thú- đồ- bán- thác- ca (Khán Môn La- hán), Bạc- đà- la (Quá Giang La- hán), Thú- bác- ca (Khai Tâm La- hán), Phật- sà- la- phất- đa (Đùa Sư Tử La- hán) và Na- ca- tê- na (Ngoáy Tai La- hán).

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 10432)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.