Đi vào cõi Thiền

29/05/20214:41 SA(Xem: 1834)
Đi vào cõi Thiền
Như Hùng
TƯ TƯỞNG THIỀN TÔNG VIỆT NAM
Văn Học Phật Việt 2020 | Thư Viện Hoa Sen 2021

ĐI VÀO CÕI THIỀN

 

Thiền không phải điều huyễn luận được sáng tạo từ ý thức, hoặc từ những quái thai biến chứng của tư tưởng bị dồn kín, đè nén trong những tra vấn cùng quẫn. Tất cả những vũ đoán về thiền là một cái gì điều gì, đều hoàn toàn sai lầm lạc lối, nếu dùng trí thức hoặc ý niệm cố hữu để thẩm định, ắt hẳn lạc xa nghìn trùng. Thiền vốn khước từ tất cả, dù đó hệ thống tư tưởng vĩ đại, được dàn dựng công phu hoặc dùng kiến thức đa năng soi chiếu vẫn là điều phủ quyết, chối bỏ mãnh liệt nơi thiền. Thiền vượt ra ngoài thong dong trên tất cả mọi lối đi về, dù Thiền có một cái gì quái đản, vô lý, không chứng ngôn bằng ngôn từ suy niệm. Nó làm hoảng sợ, run rẩy không ít người bén mảng đến để khám phá về thiền. Nhưng tất cả tưởng chừng vô lý đó, nơi đâu không có bóng dáng của ý thức xen vào lũng đoạn? Và biết đâu những gì vô lý lại có lý? Trong thiền thuật ngữ này tràn ngập như một bí mật muôn đời còn phong kín.

 

Con đường khai dẫn thoát ly ra ngoài cạm bẫy thông nghiệm của ý thức, là vứt đi ý niệm tóm thâu vào khuôn khổ, hoặc xác quyết tùy theo tầm nhìn. Nếu không làm được điều này, thì muôn kiếp sẽ chẳng bao giờ có thể cảm nhận được Thiền. Những thái độ bảo thủ, năng động sẽ không bắt gặp sự tĩnh lặng, toàn triệt mà Thiền nhắm tới, là đạt sự vắng bặt ở nội tâm. Những đối lực và quan điểm sai biệt đã dàn trận liên tiếp, gây thống khổ đầy dẫy trong nhân loại, hễ còn vọng động thì còn phải bất an với chính những phá vỡ, đạp đổ do nó tác tạo. Lịch sử của triết học, của những hệ thống tư duy, ta đã thấy trong hiện tại qua bài học lịch sử là một chứng minh cụ thể. Nếu không phóng mình ra khỏi để quật tung, đánh thức nội tại, thì ta không bao giờ thoát ra ngoài lớp vỏ khô cứng, được cất giữ trong viện bảo tàng và ta sẽ không sống bằng điều gì ngoài thế giới thống khổ phủ vây.

 

Thiền vốn là điều tươi mát liên tục tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, nếu biết cách khơi dậy, ta sẽ thong dong trên mọi lối đi về, đó là bản thể tịch nhiên, không ồn ào phù phiếm, náo động, bất an, những đuổi bắt níu kéo. Khi nào chưa quân bình được hai đối cực, động và tịnh, hạnh phúc và khổ đau, thì muôn kiếp ta phải chôn mình trong sự phủ vây. Bởi lẽ nó hình thành do cái kia xô đẩy, xúi dục, chắc chắn một điều cả hai đều có mặt ngay trong từng biến hiện, hạnh phúc không ngoài khổ đau mà có, ở đấy chỉ cần gạt phăng những định kiến lầm tưởng, nhích mạnh tay then chốt cuối cùng bỗng nhiên hiển lộ tràn đầy.

 

Con người luôn bám víu vào vô minh, những sai sử của ý thức, đây là phần năng động, tầm hoạt dụng và cơ cấu phiêu tưởng của nó, đã liên tục lừa dối đẩy ta rơi vào thống khổ, trôi lăn trong triền phược. Chưa đủ thỉnh thoảng trong ta vùng dậy một năng lực nào khác, thì nó lại tìm cách đánh lừa ta hơn. Vì thế, muốn tựu thành công phu quật khai nội tại, trước hết ta phải trục xuất tên giặc ấy ra ngoài, dĩ nhiên sự trục xuất này không có nghĩa ta đưa nó trở thành tiêu điểm để sống chết mà hãy để nó tự do, ta chỉ việc bám theo bằng sự minh mẫn tỉnh thức là đủ. Bởi lẽ ta quyết không tạo ra ranh giới phân chia, rồi đưa giáo điều làm vũ lực tống khứ nó vào một chỗ, chắc chắn ta không làm được. Nếu vậy vô tình ta đã nhốt nó vào, chứ chưa có nghĩa chế phục, khi có cơ hội nó thoát ra và lúc ấy hậu quả không thể lường.

 

Thiền vốn cởi tung ta thoát ra ngoài kinh viện, giáo điều, bảo thủ, vốn đã chôn ta chết ngộp trong ấy, hể đụng tới ta phải trả giá khủng khiếp, bằng cả cuộc đời. Điều này hoàn toàn vô nghĩa, với Thiền không ai có thể mặc cả trả giá, hoặc dùng bức màn trân quý tôn thờ, mà tất cả đều duyệt xét qua cửa ngõ của tâm, vén lên hay sụp xuống đều do ta quyết định, không ai có thể đưa ta xuống hoặc nâng ta lên, chỉ có chính ta chủ nhân của sinh tửniết bàn, hạnh phúc và khổ đau.

 

Những tôn thờ phi lý ta hay bắt gặp, trong sự khủng hoảng tâm linh, hoặc nương vào uy quyền của kẻ khác để đè nén chế ngự, đây là việc làm vô ích. Bởi lẽ không ai có đủ thẩm quyền tác tạo thiên đường hoặc địa ngục, khi trong ta đầy dẫy triền phược, ngang trái, khổ đau. Không có sự cứu rỗi nào đưa ta thoát ra ngoài, nếu không khơi dậy con đường dấn thân, kham nhẫn, chịu trách nhiệm với chính ta. Ta không thể đổ lỗi cho bất cứ ai và cũng chẳng có ai gánh chịu cái lỗi mà ta đã làm, trừ khi ta tạm mượn giáo điều để ru ngủ mặc cảm tội lỗi.

 

Trong sự bất an thường trực của đời sống, sự khổ đau sợ hãi đang đè nặng, trở thành hơi thở phủ vây trong từng suy nghĩ, cảm xúc và mọi hành hoạt trong chúng ta. Đâu đâu cũng tràn ngập những tiếng thở dài, rên rỉ, nhức nhối, hoặc dùng hình thức giả tạo nào đó, cố quên trong những cuộc mua vui, chính điều này tố giác sự có mặt thường trực của khổ đau. Thiền giải quyết được gì sự khủng hoảng, bế tắc ấy?

 

Điều tuyệt diệu nhất mà chân lý Thiền đã soi sáng, muốn phá vỡ khổ đau ta phải đối diện thường nghiệm trong từng phút giây, không nao núng sợ hãi trốn chạy, dùng tất cả hùng lực đào sâu, đục khoét trong từng biến động, lật trái bộ mặt chôn dấu mà nó đã phủ kín, phong tỏa bằng hàng rào dày đặc của vô minh, xao động. Chính từ sự đối diện đó, ta mới có được năng lực, sống trọn vẹn vào những biến hiện và chuyển hóa thành chất liệu nuôi dưỡng thân huệ mạng, và chỉ có con đường hành động tích cực này, mới giúp ta khám phá ra thực thể từ những xáo trộn trong đời sống. Sự khủng hoảng nổi loạn của ý thức, chuyển dịch theo từng phút giây, nó đã vén lên bức màn sự thật qua cánh cửa triền miên, thống hận, những kinh hoàng, than oán ấy giúp được gì cho chúng ta? Phải chăng đó là nỗi khổ, khi ta không còn cách nào đè nén nó mới tuôn ra ngoài và đó, hậu quả tất nhiên của sự áp bức phong tỏa, kiềm hãm. Làm sao ta có thể an nhiên đón nhận nó trong sự cùng quẫn của tâm ý?

 

Có phải bằng cách, khơi dậy tất cả những biến chứng chôn kín ở trong, bằng sự đập phá, nổi loạn, thê lương và tuyệt cùng? Để rồi đưa ra chiếu rọi bởi ánh sáng linh hiện của Thiền, soi thẳng vào tận cùng trạng huống, đập vỡ mọi so đo, toan tính, từ đó bùng lên thứ khác đó là ngộ. Khi điều này vụt khởi như tia chớp loé sáng, đẩy lùi bóng đêm, càn quét những phạm trù biến chứng đang đè nặng trong ta, bỗng như tất cả đều vô nghĩa, do vì hướng ngoại, vọng khởi tạo nên. Con người khi nào chấm dứt bất an, là lúc phá vỡ giai tầng kiến trúc của ý thức, ngôn ngữ, quan niệm, những điều đó đã lôi kéo đưa ta rơi vào ảo tưởngchết chìm trong quan cảm, nên muôn kiếp phải hãi hùng, quanh quẩn trong vòng liên kết tử sinh.

 

Khi nào ánh sáng của Thiền chưa chiếu rọi, thì lúc đó ta vẫn còn lang thang, đong đầy hành trang mộng tưởng phiền lụy. Con người đáng sống là kẻ ấy không sống trong ảo tưởng của quá khứ, chết chìm trong hiện tại, mờ mịt trong tương lai. Tất cả những suy tư, đều phải tư duy cho một điều, khi nào đạt được hạnh phúc thật sự là lúc uống cạn tất cả những đau khổ bằng định lực hoan hỷ an lạc.

Thiền khơi dậy con mắt tuệ nhãn, đó là vùng khuất lấp đằng sau ý thức năng động, mà ta liên tục xử dụng trong từng sát na. Chỉ có lúc trực giác, tóm thâu tất cả trong sự cùng tuyệt kiến chiếu, chiêm nghiệm, suy tư với chính mình, ta mới đủ năng lực quật tung ranh giới giữa người với cảnh, trong và ngoài, động và tỉnh, bằng sự quán chiếu xuyên qua ánh sáng tuyệt luân của "kiến chiếu tự tánh" soi thấu, lúc ấy ta mới trông thấy đâu là sự thật của giác ngộ.

 

Giác ngộ không có nghĩa nào cả, duy nhất chỉ có một nghĩa là trông thấy vẹn toàn sự thể, bằng sự sống và thở một cách linh hiện trong tỉnh thức, ngoài điều này ra tất cả chỉ đóng khung giác ngộ trong tháp ngà của thế giới tỷ lượng, luận bàn huyễn niệm, đắm mình trong sự rong ruổi, và đó, bức tường ngăn cách để tạo nên giác ngộ. Ngộ không phải chỗ cùng tuyệt của lịch trình ý thức, xuyên qua suy tư, bám theo từng ý tưởng, ngộ phủ quyết điều này, bởi lẽ còn bước qua tình tự, tức còn có tiêu điểm, năng sở, chủ khách, như thế sẽ gây trở ngại trong việc thấy tánh. Chặng đường này không có sự quyết đoán, ức hiếp của ý thức sai biệt, ta phải vận dụng tất cả mọi cơ năng, đập nát và húc đầu vào đó, bằng khí lực bình sanh, bằng sự đào khoét liên tục, không ngơi nghỉ để giác ngộ vụt khởi và giác ngộ sẽ vụt khởi, khi tất cả đều phải đỗ ào ngã quỵ dù đó là một niệm vi tế.

 

Thiền là sự chứng nghiệm từ nội tâm, chứ không phải kiến thức rút ra từ kinh điển giáo điều, hoặc những gì tựu nên từ ý thức sai biệt. Ta phải tỉnh thức minh mẫn trong việc trông thấy cửa ngõ cụ thể hai lối, trí thức năng độngtrí tuệ của tâm linh chứng ngộ. Trí thức vốn là những gặt hái tra vấn từ kinh viện hoặc kinh nghiệm thuộc phạm vi sử học, tức thuộc về quá khứ, nó hoàn toàn không giúp được gì cho chặng đường thực chứng nội tâm, ngay trong sát na hiện tại. Bởi lẽ hầu như từ đó ta tạm mượn sở học, kinh nghiệm tâm linh của kẻ khác để kích bác, khống chế, cuối cùng ta chỉ quanh quẩn trong kho tàng luận thuyết, rơi vào thành trì định kiến của ý thức. Làm sao ta có thể thoát ra ngoài lớp vỏ khô cứng, tẩm liệm, trá hình bằng một thứ siêu ngôn ngữ, với những biến chứng khởi đi từ tâm ý, nhưng hoàn toàn không do trí tuệ mang lại?

 

Trí tuệ vốn không nằm ở đấy, nó phủ trùm lên một khi trông thấy vẹn toàn những linh hiện từ vô thủy đến vô chung, từ khởi đầu đến chung cuộc, từng diễn biến nơi tâm thức. Từ đó vén lên bức màn sự thật, của thể tánh tuyệt diệu đang nằm sẵn ở trong ta, muốn có trí tuệ ta phải nỗ lực dụng công, chiêm nghiệm nhận biết để giác ngộ có cơ may vụt khởi.

Với thiền, tất cả những tựu thành xuyên qua tâm ý, dù giả lập ở bất cứ nơi đâu không khéo đều sai lầm lạc lối. Khi nào sự hưng động kèm theo tỉnh thức toàn triệt, thì sự quật khởi của nó mới đủ công lực thay đổi khuôn mặt, theo nghĩa biến chất nhưng không gây chấn động nào, trừ khi sự chấn động ấy để bùng lên giác ngộ. Nếu dùng luận lý học, ngôn ngữ học để thẩm định trên bình diện nhận thức thuộc thế giới tỷ lượng, thì tất cả đều đóng khung và trở thành sản phẩm của ý thức. Thiền vốn lắc đầu, khước từ những gì còn đo lường, tức còn rơi vào sở tri chướng. Dĩ nhiên chủ trương của thiền không đối kháng, chống lại, vì lẽ thiền không phải là đối tượng được dựng lên từ quan niệm. Thiền nhắm đến giác ngộ, cởi tung những triền phược, khúc mắc, nhốt kín con người trong đó. Khi chống lại điều gì, tức còn đứng trên căn bản chấp trước, đối đãi, nhị nguyên, với thiền không có hai mà là một, và một ấy cũng biến mất, đây là lý lẽ của không lý lẽ, ngộ một cách toàn triệt về mọi thể tính.

 

Chân lý của thiền sẽ không bao giờ được tìm thấy trong kho tàng lưu trữ của ý thức, nếu dùng những suy tư để trang sức, phết tô cho ý niệm ngôn từ và càng không có nghĩa mò tìm trong kinh viện, hoặc đắm mình trong suy diễn, vốn không xuất phát từ sự thẩm định về những nguyên lý, cấu tạo thành sự hưng khởi. Truy tìm căn nguyên giá trị, tối hậu, chắc hẳn phải vượt lên những ngăn ngại, bao phủ bởi quan niệm, đồng nghĩa với bóng dáng giả hợp nào đó của ý thức. Sự đóng khung chôn dấu đó, dù được tựu thành, nhưng chưa duyệt qua quá trình thâm chứng, bằng cả sức mạnh tư duy, xoáy thẳng vào trọng tâm của yếu tính, không khéo trở nên phù phiếm vô nghĩa. Những gì được cấu trúc từ những mô thức thông thường, suy gẫm để tìm thấy sự thâm kín đằng sau vẫn chưa đủ, nếu đó là điều tò mò của ý thức.

Trên căn bản đây là dấu ngoặc để thấy sự phủ mờ của lớp vỏ khô cứng từ trước, nhưng ở đối tính khác, nó hoàn toàn phản lại với chính nó, cũng có thể là điều không tưởng huyền hoặc, bởi lẽ chưa có một kiểm chứng tối thiểu nào, để xác quyết giá trị thật hữu, trong mọi lý lẽ chuyển dịch, nếu không dùng đến ý niệm. Dù đó, nguyên tắc tối cần mang ra mổ xẻ giải quyết, những yếu tính nào cấu thành từ ý lực vọng động và nếu không phải sự hưng khởi xuất phát từ vô phân nguyên vị, thì mấu chốt của vấn đề trở nên căng thẳng.

 

Quá trình tìm ra yếu tính tàng chứa ở mỗi chủng nghiệp, dĩ nhiên phải đi qua chặng đường góp nhặt nào đó của ý thức, cho dù phản lại hoặc đồng lõa nó vẫn dung chứa. Tuy nhiên đây không phải vấn đề cần đặt lại, bởi lẽ những tác động, hình thành vốn ngầm chứa kết quả trong đó, tự nó đã tổng hợp, dệt nên theo từng hướng đi của ý thức. Điều quan yếu là sự chuyển động, xê dịch phải được ăn khớp với sự biến hóa ở từng nhịp độ chuyển tiếp. Chân lý không phải là điều bất di bất dịch, nhưng đó là xác quyết trung thực về nguyên lý của những hiện tượng bất di bất dịch. Vì thế, thiền khơi dậy giá trị chân thật tuyệt hảocon người vốn đánh mất. Nó là toàn thể tính, Phật tính, Chân như, do vì những vọng niệm ngăn ngại, nên ta đẩy nó vào tận cùng, lấp kín bằng cửa ngõ của ý thức. Muốn vén mở chắc hẳn ta không nương vào thần quyền cứu rỗi, của bất cứ đấng toàn năng nào, bởi lẽ những đấng ấy bất lực trước những điều do ta tác tạo, ta đã phong kín cửa ngõ bằng lối nào, thì cũng chính ta mới có đủ công năng xoay chuyển theo lối ấy.

 

Dù vậy, vay mượn ngôn từ để diễn tả về thiền, là sự lạm dụng, gượng ép, ức hiếp ngữ ngôn, nhưng "không nói cũng không xong" như một câu nói bất hủ, chìm khuất trong vô cùng của Thiền Sư Chân Nguyên ở thế kỷ thứ 17, chỉ còn lại nét chấm phá lửng lơ, như chính cái lơ lửng nào đó trong Thiền.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 10334)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.