Thư Viện Hoa Sen

Phần 8 - Phụ Lục

15/06/201112:00 SA(Xem: 8558)
Phần 8 - Phụ Lục


HỘI THẢO KHOA HOC

300 NĂM PHẬT GIÁO
GIA ĐỊNH - SÀI GÒN - TP HỒ CHÍ MINH
Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh 2002

Phần 8 - Phụ lục

Chùa Cây Mai (Bạch Mai) trong ký ức người xưa
DUY HÀO 

Chùa Cây Mai là một trong những 30 thắng cảnh đẹp nhất và là một trong số ít ngôi chùa đầu tiên biểu trưng của “Gia Định thành”. Các thi nhân thời trước thường dùng “Mai Sơn” hay “Mai Sơn tự” để nhắc đến Gia Định. 

Chùa Cây Mai còn có tên là Bạch Mai, Mai Sơn tự, Mai Khâu tự hoặc Thứu Sơn tự. Chùa được dựng trên gò đất nổi cao (nằm trên đường ra Phú Lâm - Chợ Lớn), xưa kia có dòng nước bao quanh tạo nên phong cảnh hữu tình. Không biết chùa hình thành năm nào, chỉ biết cảnh chùa đã không còn vào khoảng cuối thế kỷ XIX. 

Chùa có tên Cây Mai vì trồng nhiều loại mai trắng, khi hoa nở bay tỏa ngát hương thơm gây cho con người những cảm giác lâng lâng. Chùa Cây Mai còn là một thắng cảnh của thành Gia Định, một nơi nam thanh nữ tú thường dạo chơi trong dịp Xuân về. “Thi xã Bạch Mai” nổi tiếng của thi nhân Gia Định thời nhà Nguyễn thường lấy địa điểm chùa làm nơi hội họp. 

Năm 1847, Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản lúc còn làm Kinh lược sứ Gia Định (Nam Kỳ), vì ngưỡng mộ chùa Bạch Mai đã dựng nhà thủy tạ “Phương Đình” để thưởng thức bạch mai và ngâm vịnh mỗi năm vào dịp Tết. 

Vẻ đẹp của chùa Cây Mai đã làm gợi hứng cho biết bao nhà thơ; quyển ”Đại Nam nhất thống chí” - Lục tỉnh Việt Nam - nói về chùa Cây Mai đã ghi lại bài thơ của một thi sĩ khuyết danh khi viếng thăm chùa đã vịnh cây mai: 

Cửa thiền tìm viếng mai hoa, 

Đường xa nghỉ ngựa, Thích Già luận chơi, 

Bình trà hương ngát quyện hơi, 

Bao nhiêu trần lụy, nửa đời tiêu ma

Trong quyển “Gia Định thành thông chí”, Trịnh Hoài Đức đã nói đến ngôi chùa Cây Mai như sau: “Cách trấn mười ba dặm rưỡi về phía Nam, gò đất nổi cao, có nhiều nam mai, thân già cỗi, nhưng khi hoa nở không có tuyết, chỉ có lá che chở hương thơm mà thôi. Hoa bẩm linh khí sinh ra nên không đem trồng nơi khác được. Trên gò có chùa An Tông, đêm tụng kinh, tối đánh chuông lớn, thanh âm vang rền trong mây khói, giống như thế giới núi Thứu Lĩnh, suối trong chảy quanh chân gò, chiều mát các cô gái chống thuyền hái sen. Gặp lúc trời tốt tiết đẹp, văn nhân thi sĩ mang bầu rượu theo từng bực đi lên đầu gò ngâm vịnh dưới hoa, câu thơ phảng phất mùi hương, thật là một thắng cảnh cho khách du lãm”. 

Tháng 2 năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Nghĩa quân từ Định Tường, Vĩnh Long tăng viện để chống lại Pháp, quân triều đình tập trung ở chùa Cây Mai và vùng quanh đó. Quân Pháp tiến đánh, nghĩa quân thua, rút về Định Tường, quân Pháp chiếm chùa Cây Mai và một số chùa khác lập thành hệ thống đồn bót. Từ đó, chùa Cây Mai trở thành đồn bót của quân Pháp. Cảnh đẹp rừng mai và cảnh đẹp thanh tịnh của chùa không còn, mà thay vào đó là cảnh huyên náo của binh lính Pháp át tiếng chuông chùa. 

Qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, chùa Cây Mai đến nay không còn di tích gì nữa, chỉ còn là những kỷ niệm luyến tiếc trong ký ức của các thi nhân. 

Nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông đã bày tỏ lòng tình thâm sâu dành cho ngôi chùa cổ: 

Nhìn suốt trời Nam trận máu tanh 

Mười năm đầu ngựa ngóng Mai đình.
 

 

Nhớ chùa Khải Tường
BÙI THỤY ĐÀO NGUYÊN 

Chùa Khải Tường được xây dựng vào thế kỷ XVIII, nằm trên gò đất cao thuộc trung tâm Bến Nghé xưa. Chùa thuộc ấp Tân Lộc, huyện Bình Dương, thành Gia Định (khu chợ Đũi, quận 3 ngày nay). Năm 1791, Hoàng tử Đảm (vua Minh Mạng) ra đời nơi hậu liêu chùa khi chúa Nguyễn Ánh về đây tị nạn binh Tây Sơn. Năm 1804, Cao Hoàng (Nguyễn Ánh) nhớ chuyện cũ. Để tạ ơn đức Phật đã che chở cho ông những tháng năm bôn tẩu, nên từ Huế, vua gửi vào dâng cúng chùa một tượng Phật Thích Ca lớn, cao 2,5m bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng. Năm 1832, Minh Mạng cho trùng tu chùa, kỷ niệm nơi sinh ra ông, vàng son tráng lệ một thời. Năm 1858, thực dân Pháp đánh phá cửa Hàn (Đà Nẵng). Năm sau lại vào tấn công Gia Định, giặc chia quân đóng rải rác tại Trường Thi, đền Hiển Trung và các chùa: Khải Tường, Kiểng Phước, Cây Mai v.v.. 
Tên quan ba Pháp tên Barbé dẫn quân vào chùa Khải Tường. Hắn cho đem tượng Phật ra sân và cưỡng bức các sư phải rời chùa. Khi ấy, quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương được triều đình cử vào Nam lập chiến tuyến Kỳ Hòa chống Pháp, và đêm 6-12-1860, binh ta phục kích giết chết được tên quan ba này. Năm 1867, chùa bị giặc Pháp tháo gỡ, tượng Phật phải dời đi nhiều nơi, sau cùng được đem trưng bày tại Viện Bảo tàng Sài gòn. Riêng tấm biển “Quốc ân Khải Tường tự” được gìn giữ tại chùa Từ Ân (số 23 đường Tân Hóa, Q.6, TP. Hồ Chí Minh). Theo ông Vương Hồng Sển, tác giả quyển “Sài Gòn năm xưa”, nền chùa ở vào vùng đất Đại học Y-Dược (khu Nguyễn Đình Chiểu, Trần Quí Cáp, Lê Quí Đôn). Nơi Barbé chết phỏng đoán khúc đường Võ Văn Tần quẹo trái đi vào đường Cách Mạng tháng Tám. Trước thiệt hại này, giặc Pháp rất căm tức, chúng ra tay cướp tấm bia đá do vua Tự Đức cho chở từ Huế về Gò Công để dựng ở một ông ngoại mình là Phạm Đăng Hưng, làm bia kỷ niệm tại mộ Barbé ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (cũ). 
Tên tuổi của chùa Khải Tường và tên quan ba Pháp còn được loan truyền qua câu chuyện sau đây: Sau những năm ấy, ở Gia Định có một người con gái xinh đẹp, không rõ họ tên, chỉ nghe người làng thường gọi cô Hai. Nhà cô làm nghề nông cũng vào hạng đủ ăn. Trong đám trai làng cô đặt nhiều tình cảm vào Trí. Trí, tên một chàng trai nhà nghèo, học hành dang dở. Cám cảnh, lòng anh chỉ dám ước mơ... 
Năm thực dân Pháp vào đánh Gia Định, quân nhà Nguyễn từ Biên Hòa kéo vào kháng giặc. Trong đó có một viên Lãnh binh lớn tuổi tên Sắc. Nhìn thấy sắc đẹp cô gái, hắn dạm cưới với một số tiền khá to và cha mẹ cô đã bằng lòng. Cô gái, cũng như bao người dân yêu nước khác, mang lòng căm thù giặc, nên vừa làm vợ vừa hết lòng giúp đỡ quân kháng chiến, cô lo thu gom lương thực cho đại đồn Phú Thọ. Phần Trí, quên nỗi đau riêng, anh cũng hăng hái gia nhập vào lực lượng nghĩa quân. Do công việc, thỉnh thoảng cô và Trí vẫn gặp nhau. Viên Lãnh binh Sắc tính tình hà khắc, không biết thương lính, yêu dân. Một lần thua trận, hắn bị quan trên khiển trách. Mang tâm trạng buồn bực, nên khi nghe quân bẩm báo việc Trí thân mật với vợ mình, hắn lồng lộn ghen tức. Hắn âm mưu cho người giả danh cô gái mời Trí tới nhà bàn công việc. Trí tới, nhà nhỏ vắng vẻ, nàng Hai đang tắm. Tên chồng từ nơi ẩn nấp bước ra tri hô, buộc tội hai người là kẻ lăng loàn và cho lính đóng bè thả trôi sông... 
Quan ba Barbé, đóng chùa Khải Tường, một sáng nọ đi săn. Bất ngờ hắn gặp một bè chuối trôi, trên đó có một người đàn ông và một người đàn bà. Tất cả đều trần truồng, bị buộc nằm sát vào nhau. Theo dòng, hai con sấu lớn hung hãn, quẫy đuôi bám riết theo bè. Hắn nổ súng, sấu sợ hãi lặn mất. Bè được vớt lên, người con trai bị sấu cắn cụt mất một chân, đã chết. Người con gái còn thoi thóp thở. 
Người chết là Trí và cô gái được cứu sống là nàng Hai. Sau khi được chăm sóc thuốc thang, ăn uống đầy đủ, nhan sắc cô gái ngày càng hấp dẫn trong đôi mắt tên sĩ quan này. Cô giả vờ như yêu hắn, dùng lời ngon ngọt để xin về nhà và hứa sẽ cùng cha mẹ vào ở gần đồn. Nàng Hai về, tên Lãnh binh cảm thấy nhục nhã, xốn mắt. Nhưng hắn không dám ra tay đánh đập vì sau lần xử tội đó, cô đã không còn là vợ hắn. Tuy nhiên lòng hiểm ác vẫn còn, hắn nghĩ ra lý do bắt cô gái về tội mãi dâm với giặc. Sắc cho lột truồng cô gái, giam dưới hố sâu đầy bóng tối, cho ăn xương cá và cơm hẩm. đêm, Trương Định đi tuần ngang, thấy bọn lính soi đuốc nhìn xuống hố, cười ầm ĩ. Quản Định cho đem cô gái lên và nghe hiểu mọi chuyện. Nàng Hai xin được ở lại tiếp tục đóng góp công sức với nghĩa quân. Nơi chùa Khải Tường, Barbé thẫn thờ uống rượu chờ đợi cô gái. Hôm đó, trời vừa sụp tối, bọn lính canh chạy vào báo tin có một bà lão và cô gái khi nọ xin vào gặp quan lớn. Hắn mừng rỡ phóng ngựa một mình ra đón. Còn cách cô gái chừng mười thước, nghĩa quân mai phục hai bên đường ào ra. Ngựa bị đâm ngã quỵ hất Barbé té xuống và một ánh gươm loáng lên, đầu hắn lìa khỏi cổ... 
Hơn hai tháng sau, viện binh của Pháp từ Thượng Hải kéo đến Sài Gòn. Sau một trận ác chiến, chiến lũy Kỳ Hòa bị hạ. Sau những ngày loạn lạc, không ai tìm thấy cô gái nơi đâu, sống hay đã chết... Nhưng trong dân gian còn truyền tụng mãi hình ảnh thiếu phụ bị thả bè chuối trôi sông và đã góp công giết giặc... 
Chú Tư Ấn, làm nghề giăng câu ở Ba Bần, nói: chuyện “Nàng Hai Bến Nghé” người ta đã soạn thành tuồng cải lương rồi, nhưng chú cũng xin góp thơ: 
“Chuyện trăm năm cũ 
Phật cũng thăng trầm (*) 
Riêng lòng son đó 
Ra ngoài sắc, không. 
- Tài liệu tham khảo: “Gia Định xưa” của Sơn Nam.
(*) Ý nói tượng Phật
 
 
DI SẢN NGHỆ THUẬT CỔ PHẬT GIÁO SÀI GÒN-GIA ĐỊNH
DUY HÀO

Những ngôi cổ tự tại Sài Gòn-Gia Định: Sắc tứ Từ Ân, (Q.6); Giác Lâm (Tân Bình); Giác Viên - Phụng Sơn (Q.11); Tập Phước (Bình Thạnh); Long Huê - Trường Thọ (Gò Vấp); Hội Sơn - Phước Tường (Q.9)... hiện còn lưu lại những di vật cổ trong chùa như: các pho tượng Phật, câu đối, bao lam, hoành phi, bàn thờ, pháp khí. Đây là những di tíchgiá trị văn hóa dân tộc và là những công trình nghệ thuật cổ tượng trưng cho nền mỹ thuật Phật giáo (PG) Sài Gòn-Gia Định vào thế kỷ XVIII cho đến thế kỷ XIX. 

Hầu hết các pho tượng Phật cổ đều được tạc bằng gỗ thể hiện hình tượng với khuôn mặt mang yếu tố văn hóa Việt. Tiêu biểu là những pho tượng Thập bát La hán tại chùa Giác Lâm với khuôn mặt có đôi mắt nhỏ, mỏng, chân mày xếch của người Việt xưa với cái nhìn an nhiên tự tại. Chùa Giác Lâm còn lưu giữ 118 pho tượng bằng gỗ mít nài sơn son thiếp vàng và 7 pho tượng đồng. Trong đó pho tượng Phật Di Lặc bằng gỗ, bộ Thập bát La hán nhỏ và tượng Phật Thích Ca ngồi trên tòa sen bằng gỗ cao 0,65m, được tạc vào năm mới thành lập chùa 1744. Bộ tượng Phật, La hán lớn cao khoảng 0,95m được tạc vào năm 1804 khi Tổ Viên Quang trùng tu lại chùa. Các pho tượng: Phổ Hiền, Đại Thế Chí, Thích Ca, Văn Thù, Quan Âm được khắc dưới dạng ngồi trên mình thú; bộ tượng Diêm Vương cao 0,6m. Tại chùa Giác Lâm còn có 40 câu đối hầu hết được khắc nổi, khắc chìm vào thân cột. 9 bao lam tại các bàn thờ được khắc hình chim sâu đậu trên cành trúc đang ngậm mồi, sóc đứng gần cây giác, sóc ôm chùm quả giác trong lòng. Các phù điêu tạc khắc Thập bát La hán, các chú chuột cắn đuôi nhau bò trên những dây bí được chạm khắc khéo léo và mang đậm tính chất dân gian. 

Chùa Giác Viên có 153 pho tượng cổ bằng gỗ, chủ yếu thờ tại chính điện chùa cùng 3 pho tượng chân dung các vị Tổ khai sơn được tạc vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Giác Viên là ngôi chùa có nhiều bao lam nhất, chùa có tới 60 bức lớn nhỏ: bao lam Thập bát La hán, bao lam hoa điểu, bao lam bá điểu... được chạm lộng 2 mặt trước và sau y như nhau. Riêng bao lam bá điểu chiều dài 3m, ngang 2,2m, chạm khắc 94 chim đủ loại: le le, họa mi, bói cá, chào mào, chim sẻ... mỗi con với tư thế khác nhau: bay, đậu, rỉa mồi, mớm mồi, âu yếm nhau... Ngoài ra, chùa còn lưu giữ bản khắc gỗ của bộ Luật Trường Hàng thời Tổ Minh Khiêm. 

Chùa Long Huê hiện còn lưu giữ một số di vật cổ như: 3 tượng Phật bằng gỗ, 3 tượng Phật bằng đồng, 26 long vị của chư Tổ thời xưa, bảo ấn bằng ngà chạm hình sư tử trên có 4 chữ Hán "Phật Pháp Tăng bảo" khắc vào năm 1872, bảng "Sắc tứ Long Hoa tự" của vua Gia Long. Chùa Tập Phước hiện còn lưu giữ các bảng đối liễn "Sắc Tiến Chế" và "Tứ Hoàng Phong" do vua Gia Long ban tặng, cặp đối tại 2 cột chánh điện, 10 long vị chư Tổ, 1 đại hồng chung bằng đồng cao gần 1 mét chạm trổ hoa văn đúc vào đời vua Gia Long. Ngoài ra tại chánh điện còn bài trí những pho tượng bằng gỗ mít: Thập bát La hán tay cầm bửu bối, 10 vị Diêm Vương, bộ Di Đà, Tam Thế Chí, Quan Âm. Chùa Phụng Sơn có pho tượng Thích Ca bằng đá dát vàng và hai pho tượng chân dung HT Tuệ Minh, HT Tuệ Thành. Chánh điện chùa Trường Thọ còn thờ một số tượng cổ: Thập bát La Hán bằng đất cao 0,75m , đế cao 0,15m ngang 0,43m, tượng Phật Di Đà gỗ cao 1,80m, ba tượng Phật Tam thế gỗ cao 0,9m ngang 0,50m, tượng Thập điện Diêm Vương bằng gỗ cao 0,67m, ngang 0,33m, cùng một số long vị xưa. Tất cả những di vật này được chạm khắc vào thế kỷ XVIII. Riêng tượng Tổ sư Đạt Ma chạm khắc khác hẳn với các tượng tại chùa khác. 

Hiện vật cổ tại chùa Phước Tường gồm các pho tượng; Tam Thế, Quan Thế Âm, Địa Tạng, Dược Sư, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Hộ Pháp, Thập điện Diêm Vương, Già Lam, Di Lặc, Bồ Đề Đạt Ma. Nhiều câu đối, trong đó có câu đối mang tên chùa: 

"Phước Hải hồng thâm bửu phiệt độ thông thiên giới 

Tường Vân án đãi quí hào phổ ích vạn nhân gian". 

(Biển phước ân sâu thuyền báu giúp ngàn cõi được giải thoát 

Mây lành Tam bảo đem điều lợi độ khắp muôn người thế). 

Chùa còn bộ đèn nến có 2 con chim én ở đỉnh để cắm nến. Hiện vật cổ tại chùa Hội Sơn gồm có 9 bài vị Tổ, 6 bức hoành phi, 3 cái bàn gỗ và 30 pho tượng. Chùa Từ Ân Sắc tứ còn lại 2 bức hoành phi cổ "Quốc ân Khải Tường" năm 1843 và "Sắc tứ Từ Ân tự" năm 1822. Pho tượng Phật bằng gỗ cao 2,05m của chùa Khải Tường do vua Gia Long dâng cúng năm 1804 được tôn trí tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP.Hồ Chí Minh

Di vật cổ của PG đã góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc nói chung và nền văn hóa PG nói riêng. Đây là một di sản quý giá cần phảibiện phápcông trình trong việc bảo quản. Đến nay, những di sản hình như ngành văn hóa PG của Giáo hội PG Việt Nam nói chung và Thành hội PG TP.HCM nói riêng đang bỏ quên. Vô tình hay cố ý là có tội với chư vị tiền bối Tổ sư đã dày công kiến tạo

 
Nụ cười của tượng Phật chùa Kim Chương
TRƯƠNG NGỌC TƯỜNG 

Kim Chương, Sắc tứ Phổ Quang, Thiên Trường, đều là tên hiệu của chùa Hội Thọ ở huyện Cái Bè (Tiền Giang). Ngôi chùa này do Hòa thượng Đạt Bản quê ở Qui Nhơn vào khai sơn trong năm Ất Hợi (1755), gốc ở thôn Tân Triêm, huyện Bình Dương, nay ở vào khoảng chùa Lâm Tế, khu vực thành “Ô Ma”, đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Kim Chương có thể gọi là ngôi chùa cổ nhất nhì ở xứ Đồng Nai-Gia Định. 

Vào thế kỷ thứ XVIII, khi mới thành lập, chùa Kim Chương đã là một đại già lam. Đặc biệt, vài thập niên sau đó, ngôi chùa này đã chứng kiến một màn bi kịch của vương triều nhà Nguyễn. Nguyên là khi Tây Sơn khởi nghĩa, chúa Nguyễn và đám hoàng thân quốc thích phải chạy vào Nam lánh nạn như bầy ong vỡ tổ. Khi đó, Hòa Nghĩa đạo tướng quân Lý Tài đã tìm được Đông cung Nguyễn Phúc Dương đem về Gia Định; và trong lúc nguy cấp, đã mượn chùa Kim Chương tạm làm cung điện để tôn ông hoàng này lên ngôi. Do đó, chùa Kim Chương đã được sắc tứ lần thứ hai, nhưng bị đổi tên là Phổ Quang tự. Cuộc đời mấy ai được sung sướng vĩnh viễn; chỉ một năm sau, tức vào khoảng năm Bính Ngọ (1776), Tây Sơn đã đuổi bắt được Mục vương Nguyễn Phúc Dương và Thái Thượng vương. Hai ông chúa này bị giải về Gia Định. Trớ trêu thay, Tây Sơn cũng mượn chùa Kim Cương làm pháp trường kết thúc cuộc đời hai ông chúa này. 

Gia Long khôi phục vương triều nhà Nguyễn, đến năm thứ ba (1804) chùa Kim Chương tổ chức lễ chúc thọ giới đàn báo đáp ân sâu của đức Phật. Đây là lễ giới đàn đầu tiên trong lịch sử Phật giáo (PG) Nam Bộ. Trước kia, ở miền Nam chỉ có chùa xây dựng theo thiết chế làng xã nên chỉ có các cư sĩ đảm nhận việc nhang khói, ít có cao tăng trụ trì. Người địa phương mộ đạo xuất gia, muốn thọ đại giới thì phải vượt biển ra Trung vất vả nguy hiểm. Sự kiện chùa Sắc tứ Kim Chương mở Đại giới đàn là một sự kiện vô cùng quan trọng ở vùng đất mới này. 

Đến năm Quí Dậu (1813), Thừa Thiên Cao hoàng hậu (tức vợ vua Gia Long), nhớ đến những ngày bôn ba gian khổ ở Gia Định, hỷ cúng một vạn quan tiền, và sai Thần Võ tướng quân Trần Nhân Phụng đem lính thợ đến trùng tu lại chùa Kim Chương. Sau đó triều đình thường cử nhiều vị Tăng cang đến trụ trì, nhưng đổi hiệu chùa là Sắc tứ Thiên Trường tự. Theo Trịnh Hoài Đức trong “Gia Định thành thông chí”, thì lúc bấy giờ chùa Kim Chương rất rộng lớn: trước có sơn môn và nhà thiêu hương, trong có chánh điện, hai bên có Đông lang và Tây lang. Phía sau có phương trượng và nhà chứa kinh sách. Tăng cang Minh Giác là một trong những vị có công lớn trong việc in bộ kinh Kim Cang chú giải

Năm 1859, thực dân Pháp xua quân tấn công Gia Định, Nguyễn Tri Phương đắp đồn Chí Hòa cầm cự suốt hai năm thì địch mới chọc thủng phòng tuyến rồi tràn sang các tỉnh lân cận. Lúc bấy giờ chùa Kim Chương là một quốc tự, Hòa thượng Minh Giác là một Tăng cang nên không thể nào ngồi yên trước mũi súng của địch. Do đó, Tăng chúng cùng bổn đạo đã gấp rút dỡ ngôi chùa và chở tượng Phật chạy về xã Mỹ Thiện (nay là Thiện Trí) vì đây là hậu phương của cuộc khởi nghĩa do Thiên hộ Dương lãnh đạo. Để che mắt địch, nhà chùa lấy cớ có nhiều cao tăng trường thọ nên đổi hiệu lại là Hội Thọ tự, xem bình thường như những ngôi chùa bình thường khác. 

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, vì chùa Hội Thọ ở gần lộ Đông Dương, Tăng chúng sợ thực dân Pháp sẽ trở lại chiếm chùa làm đồn bót, nên hưởng ứng lệnh kêu gọi tiêu thổ kháng chiến rồi rút vào bưng biền. Do lúc đó người thi hành nhiệm vụý thức giữ gìn nên nhà chùa còn rất nhiều hiện vật. Từ đó có người gom lại tạo một am tranh gìn giữ. Bom đạn càng ngày càng ác liệt, đôi lúc người ấy phải gồng gánh chuyên chở bộ tượng thờ theo đoàn người tản cư vô cùng xúc động

May mắn khi hòa bình lập lại, tổ đình Hội Thọ còn giữ được nhiều bài vị và tranh chân dung của các vị Tổ sư tiền bối. Chùa còn một bộ tượng gỗ của Thừa Thiên Cao hoàng hậu cúng năm 1813 gồm có tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Địa Tạng, Đạt Ma, Già Lam, Minh Vương, Phán Quan... Bộ tượng này được tạo hình với những đường nét sống động, theo nhân dạng Việt Nam. Đặc biệt, tượng thần Già Lam hộ trì ngôi Tam bảohình tượng của đức ông Cấp Cô Độc, chớ không phải là hình tượng của Quan Thánh Đế Quân như thường thấy ở các chùa Nam Bộ. Bộ tượng này do thợ Huế làm, phong cách giống như tượng Di Đà của chùa Khải Tường hiện để tại Bảo tàng Lịch sử TP. HCM. Mặc dù bộ tượng này đã gần 200 tuổi, bị long sơn nhiều chỗ, nhưng các thế hệ trước và thế hệ hiện nay đã có ý thức bảo tồn di tích của người xưa, thường chăm sóc giữ gìn không cho mối mọt đục khoét, chớ không sơn đắp tô vẽ lòe loẹt theo phong trào trùng tu vô ý thức hiện nay. Có thể gọi đây là những hiện vật quýcủa PG, đáng xếp vào hàng “quốc bảo”. 

Đặc biệt nhất là chùa Kim Chương còn một tượng Phật Di Đà cao khoảng 6 tấc, bằng đất sét thô, ép khuôn, bộng ruột, bên ngoài sơn thếp. Đây là pho tượng thờ ở bàn chánh trung, có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII hay đầu thế kỷ XIX. Pho tượng này trước kia ở Gia Định đem về Cái Bè. Pho tượng thể hiện hình ảnh đức Phật đang tọa thiền, thân mình ngồi thẳng tự nhiên, hai mắt hé mở, miệng mỉm cười. Pho tượng này do các nghệ nhân ở địa phương làm nên mang tính dân dã. Miệng Ngài cười móm mém như một bà lão ở nông thôn. Một nụ cười bất diệt, vô cùng độc đáo
 

Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 11332)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: