- Lời Nói Đầu
- 1 Phẩm Tựa
- 2 Phẩm Phương Tiện
- 3 Phẩm Thí Dụ
- 4 Phẩm Tín Giải
- 5 Phẩm Dược Thảo Dụ
- 6 Phẩm Thọ Ký
- 7 Phẩm Hóa Thành Dụ
- 8 Phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
- 9 Phẩm Thọ-học Vô-học Nhơn-ký
- 10 Phẩm Pháp Sư
- 11 Phẩm Hiện Bửu Tháp
- 12 Phẩm Đề-bà-đạt-đa
- 13 Phẩm Trì
- 14 Phẩm An-lạc Hạnh
- 15 Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất
- 16 Phẩm Như Lai Thọ-lượng
- 17 Phẩm Phân Biệt Công Đức
- 18 Phẩm Tùy-hỷ Công Đức
- 19 Phẩm Pháp-sư Công-đức
- 20 Phẩm Thường-bất-khinh Bồ-tát
- 21 Phẩm Như Lai Thần-lực
- 22 Phẩm Chúc-lụy
- 23 Phẩm Dược-vương Bồ-tát Bổn-sự
PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)
Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Học
PHẨM THỨ TƯ
TÍN GIẢI (Les
inclinations)
Tu-bồ-đề, Ca-chiên-Diên, Đại Ca-Diếp, Mục-kiền-Liên, vui sướng thấy Phật thọ ký cho Xá-lợi-Phất, bèn phát tâm tin tưởng mình cũng được đến quả Phật, là một lợi ích hiện tiền vô giá, không cầu mà tự đặng.
Để chứng tỏ sự tin tưởng và thông hiểu của mình, các Bồ-tát này bèn giải thích lời Phật dạy bằng một câu truyện thí dụ như sau:
Có một người, lúc bé thơ, đã bỏ cha đi hoang. Sau mấy mươi năm trôi giạt, tuổi lớn thêm nghèo đến phải đi ăn xin, từ nơi này sang nơi khác. Tình cờ chàng ta trở về xứ sở mà không hay.
Trong lúc ấy, ông cha tìm con khắp nơi mà không gặp. Ông là nhà giàu lớn, tiền của đầy kho, tôi trai tớ gái chật nhà. Ông chẳng những là một nhà giàu trong xứ mà còn có của cải tận các nước khác.
Không tỏ với ai việc cha con biệt ly, ông thường suy nghĩ: “Ta nay giàu có như thế này mà con không có, một mai chết rồi, ai đâu là người giao phó, của cải ắt phải tan mất. Phải chi ta gặp con để giao cho nó thì dầu có chết cũng an lòng!”.
Một hôm, đứa con lạc loài lại tình cờ đến trước nhà ông. Đứng ngoài cổng ngó vào, nó thấy phú ông sang trọng, uy nghi, đang ngồi trên ghế cao, xung quanh có người hầu hạ, trong nhà thì ngọc ngà châu báu không biết bao nhiêu. Chàng ta đâm hốt hoảng, thầm bảo là đã lạc bước đến chỗ vua chúa. Nghĩ xong, chàng sợ bị bắt, bỏ chạy đi tìm một xóm nghèo, hợp với tình cảnh của chàng, để kiếm việc làm độ nhật.
Nhưng phú-ông đã thấy và nhận biết chàng là con của ông. Hai gia-nhân liền được ông sai rượt bắt chàng lại. Bị bắt, chàng ta sợ quá, van xin mà không được thả, chàng ngã xuống đất chết ngất.
Ông cha thấy vậy ra lệnh: “Thôi ta không cần người ấy đâu. Hãy lấy nước rưới lên mặt cho nó tỉnh rồi cho nó đi”
Vì biết con mình quen sống với cảnh nghèo hèn ty tiện, nay nếu đột nhiên nhận nó là con mình, mà mình lại giàu sang tôt bậc, nhất định nó không tin mà còn đem lòng sợ sệt. Chi bằng thả nó đi rồi lập kế dẫn dụ nó. Đó là thâm ý của ông cha.
Kế đến, ông mật sai hai người giả dạng bần khổ, tìm đến anh chàng và rủ chàng đi làm thuê hốt rác.
Sau khi biết sẽ được trả công gấp đôi, anh chàng nhận lời và cả ba vào làm việc hốt rác ở nhà sau phú-ông.
Thấy con tiều tuỵ, đất cát bụi bặm cùng mình, ông lão thương xót quá. Ông thay bỏ quần áo sang cả, mặc đồ thô rách, lân la với đám người hốt rác. Một hôm, ông bảo người con: “Anh này, nên tiếp tục làm ở đây, ta sẽ trả thêm tiền cho. Còn có cần dùng gì cứ nói, ta sẽ cấp cho và nên xem ta như cha”.
Nói xong, lấy lẽ ông là người tuổi tác còn anh chàng còn trai trẻ, ông kêu anh bằng con.
Chàng ta rất mừng, nhưng không dám quên mình là người hạ tiện.
Ít lâu sau, ông lão có bệnh. Ông cho kêu anh chàng đến, giao cho anh việc quản lý gia tài ông và cho anh được quyền xuất nhập bất cấm trong nhà. Anh làm tròn bổn-phận, nhưng không bao giờ dám tiêu phí quá sự cần-dùng của anh, còn ở thì cũng tiếp tục ở nhà sau, chỗ cũ, không dám bén mảng lên nhà trên.
Trải qua một thời gian ngắn, phú-ông biết mình sắp lìa trần. Ông hội cả thân tộc và trước mặt vua quan, ông chỉ anh chàng mà tuyên bố: “Anh này là con ruột tôi, bấy lâu xa cách vì anh bỏ nhà ra đi lúc nhỏ. Nay cha con chúng tôi đã trùng phùng, tôi giao cho anh tất cả gia tài của tôi mà trước đây anh đã quản-lý và biết rõ”.
Người con nghe nói, mừng quá, cho là việc chưa bao giờ có và tự nghĩ: “Không mong mà được, thật là lạ!”.
Chấm dứt câu chuyện thí dụ, Tu-bồ-Đề, Ca-chiên-Diên…bạch Phật: “Ông trưởng giả thí như Đức Như-Lai còn chúng con như gã thất lạc kia. Như-Lai là cha, chúng con là con Phật mà không biết.
“Chúng con vì ba món khổ([1]) mãi ở trong cảnh sanh-tử chịu các sự nóng đốt, lo phiền, mê lầm, ngu dốt, cho nên ưa thích những “giáo-pháp nhỏ” (tiểu pháp). Làm cái việc hốt rác rến “giáo pháp trò đùa” mà tự cho là thoả mãn với cái giá trả công Niết-bàn.
Như-Lai không bắt, không cưỡng bách chúng con theo con đường “tất cả đều có phần hưởng thọ kho tàng tri-kiến Như-Lai” mà tha cho chúng con theo cái khuynh-hướng ([2]) thấp hèn, rồi phương-tiện thuận theo chúng con mà dạy bảo.
Chúng con là con của Phật (Phật tử) mà không biết.Vì không biết nên không dám mong hưởng thọ sự-nghiệp vĩ đại của Cha là Phật, mà chỉ cam phận với đồng tiền làm thuê Nhị-thừa. Ấy vì tại chúng con không dám tự nhận là con Phật (mong tu Đại-thừa) nên hoá ra Phật cũng không tự nhận là Cha được (không thể nói pháp Đại-thừa).
Nay tạng-báu
của Pháp-vương lại tự nhiên mà đến, quả thật không cầu mà được.
Huyền nghĩa
Kinh Hán-văn gọi anh chàng bỏ nhà bỏ cha trốn đi là “ cùng tử”, nghĩa là đứa con bần-cùng, Ô.E.Burnouf dịch là “le fils prodigue”, là đứa con hoang.
Có bỏ nhà bỏ cha ra đi, là trước kia cha con cùng ở chung một chỗ. Chỗ đó là “Phật-độ viên giác, thanh tịnh”
Không riêng gì Tu-bồ-Đề, Ca-chiên-Diên…mà tất cả chúng ta và Phật đều cùng nguyên quán, đều cùng ở một chỗ là nơi hoàn toàn sáng suốt (viên giác) và trong sạch (thanh tịnh).
Nhưng khi “vô-minh bất-giác” nổi lên, như thấy vàng mà ham, thấy sắc mà động chẳng hạn, thì bị vàng bị sắc cám dỗ đến nỗi bỏ nhà viên-giác thanh-tịnh mà ra đi, dấn thân vào cảnh phàm-phu, làm đứa con hoang, làm anh chàng cùng-tử, một mảnh trí-huệ quý báu không có, thành phải chịu phiền-não luân-hồi.
Nhớ thương, cha bỏ xứ đi tìm, dụ cho việc Phất xuất thế hạ trần, chịu ngũ-trược để độ chúng-sanh.
Nhưng khi gặp nhau lại quá cách biệt, cha thì giàu tột bậc (Phật đầy đủ đức tướng) còn con thì bần cùng khổ sở (chúng-sanh phúc bạc tội dày).
Cha biết con, mà con thì thấy mình quá hèn quá thấp không dám ngó, đừng nói tới việc nhìn cha. Chúng ta cũng thế, tuy miệng tự xưng là Phật-tử, nhưng nào ai dám tưởng rằng mình là con ruột của Phật và có quyền thừa hưởng tất cả kho tàng vô giá bảo-pháp của Như-Lai.
Bị bắt mà sợ đến chết giả, chẳng khác người đời khi nghe Phật dạy “tất cả sẽ thành Phật” là hốt hoảng thất thanh.
Ông cha biết: vì đã quen sống đời sống ăn xin bần tiện, con ông nay không làm sao đột ngột đổi khuynh-hướng được. Ông bèn dùng kế cho hai người (Thanh-văn và Duyên-giác thừa) tìm rủ con ông vào nhà ông (nhà Phật) làm cái việc ty tiện hốt rác, không xứng với cái địa vị chân thật là con Phật. Và biết tánh vụ lợi của kẻ nghèo (trí-huệ), ông hứa trả công gấp hai.
Đứa con hoang rất thích làm việc dơ-bẩn, thấp hèn này, như chúng-sinh thích nghe những giáo-pháp thấp thấp của tứ-quả Thánh và tu tập theo những giáo-pháp ấy, không dám nghĩ đến cái cao hơn.
Muốn gần con để lần hồi dạy bảo, dẩn dụ, ông cha bỏ quần áo sang cả, mặc bô vải thô xấu, là dụ cho Phật dùng quyền xão phương-tiện, hạ thấp tri-kiến mình để nói bày theo cái hiểu nông cạn của chúng-sanh. Gần được con, ông cha đốc suất làm việc như Phật khuyến-khích sự tinh tấn tu hành, và hứa ban thưởng xứng đáng muốn gì cho nấy, như Phật hứa cho niết-bàn an lạc.
Nhưng con không bỏ cái ý hèn kém, chẳng rời nhà tranh (Thanh-văn, Duyên-giác) dù đã trải qua 20 năm làm việc hốt rác và vô ra nhà cha (Như-Lai).
Cha có bệnh, kêu con giao gia tài cho quản lý, như Phật đã đem tri-kiến của Phật ra lần dạy bảo và cho tu tập. Nhưng con không dám dùng cũng như không có ý muốn dùng, đó là lòng hoài nghi của tất cả chúng-sanh đối với khả năng thành Phật của mình.
Đến giờ sắp chết (Phật nhập Niết-bàn), cha hội thân tộc (Hội Pháp-hoa), tuyên bố chàng cùng-tử là con ruột (thọ ký thành Phật), nay trao cho tất cả của quý (từ, bi, hỷ, xả) mà bấy lâu đã tập cho chàng thu xuất, nay đã thông thuộc.
Con rất vui
mừng, nghĩ thầm; không cầu mà có, tự nhiên mà đến.
٭
٭ ٭
Thưở xưa có một con sư-tử cái đang có mang. Vì có mang nên không đi kiếm mồi được, phải đói khổ. Một hôm, gặp một bầy cừu, chị gom tàn lực nhảy vồ. Chị sảo thai và ngã ra chết. Bầy cừu nuôi chú sư-tử mất mẹ. Đến lớn chú ăn cỏ và kêu la như cừu, và luôn luôn tin mình là cừu. Một hôm gặp một con sư-tử già, sư-tử già bắt chú nhỏ soi mặt dưới khe trong.
Thấy mình cũng nanh nhọn, đầu bờm, chú cừu tự giác mình là sư-tử chúa sơn lâm chớ không phải là cừu con ty-tiện, chú rống lên một tiếng nhảy phóc vô rừng, hết đời cừu con!
Người là sư-tử
con, không phải cừu. Nay Phật đã cho ta soi mặt ở khe, vậy ai cũng phải rống
lên một tiếng cho chuyển động đất trời, rồi trở về bảo-lâm mà đừng theo đồng cỏ
nữa!
[1] Ba món khổ (tam khổ): 1) Khổ-khổ: sự khổ đã đến thì làm phát sanh cái khổ phiền não. Do đây nói khổ-khổ; 2) Hoại-khổ: một loại khổ phiền não khác do cái mất vui, mất sướng mà ra; 3) Hành-khổ: loại khổ phiền não thứ ba, sanh ra bởi tính-cách vô thường, dời đổi, họp tan.
[2] Thú hướng hay khuynh-hướng: Inclinations, có lẽ vì điểm này mà Ô.E.Burnouf dịch tựa của phẩm này là “ Les Inclinations”.