Thư Viện Hoa Sen

14 Phẩm An-lạc Hạnh

24/05/201012:00 SA(Xem: 10552)
14 Phẩm An-lạc Hạnh

PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)
Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi 1962

 

PHẨM THỨ 14
AN LẠC HẠNH (La position commode) 

Bây giờ, Bồ-tát Văn-Thù Sư-Lợi bạch Phật: “Thế-Tôn! Các vị Bồ-tát này làm việc khó có là phát nguyện hộ-trì, đọc nói Kinh Pháp-Hoa trong đời ác trược về sau. Thế-Tôn! Làm thế nào mà các vị Bồ-tát lại nói được Kinh Pháp-Hoa trong đời ác trược. Phật bảo Văn-Thù: Nếu Bồ-tát Ma-ha-tát, ở đời ác trược, muốn nói kinh này, thì nên an trú vào 4 pháp sau đây:

1. Hành xứ: Bồ-tát hành xứ là đứng vững trên đất nhẫn-nhục, dịu hòa, thuận thảo mà không nóng nảy, tâm cũng chẳng sợ sệt, lại ở trong muôn vật mà lòng không xao xuyến, xem muôn vật trống không như “thực tướng”([1]), không nghĩ ngợi gì mà cũng không phân biệt.

2. Thân-cận xứ: Bồ-tát không gần gũi:

- hạng người quyền thế( vua, con vua,,quan lớn, quan nhỏ)

- hạng người tu theo ngoại đạo (Phạm-chí, Ni-kiền-tử….)([2])

- hạng văn nhân, thi sĩ của thế tục.

- các phái Lộ-già-da-đà, Nghịch-lộ-già-da-đà…([3])

- hạng người chơi hung, lấy sự đâm chém, đánh đá làm thích

- bọn na-la([4]) quen chơi với sự tà thuật biến hoá.

- bọn Chiên-đà-la (Tchandâlas)([5])

- hạng người làm sai giới luật như nuôi heo, dê, gà, chó, đi săn, chài lưới.

Những người trong các giới ấy, nếu có lúc họ đến với mình, thì Bồ-tát phải vì họ mà giảng dạy cho họ nghe, lòng đừng hy vọng mong cầu một điều gì.

Cũng không nên làm thân với những người cầu được làm Thanh-văn, Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cũng không nên hỏi chuyện họ. Dầu ở trong phòng, dầu lúc đang đi kinh hành, dầu lúc ở giảng đường, bất luận ở đâu, không nên làm họ đứng dừng một chỗ. Nếu gặp lúc họ đến với mình thì tùy nghithuyết pháp, lòng đừng hy-vọng mong cầu một điều gì.

Văn-Thù Sư-Lợi! Bồ-tát lại còn không nên ngó thân người nữ mà sanh lòng ham muốn rồi nói pháp cho họ nghe, cũng đừng ưa thấy nữ nhân. Khi vào nhà người, đừng nói chuyện với trẻ gái nhỏ, con gái lớn và đàn bà goá. Cũng không nên gần những người “bất nam”. Đừng một mình vào nhà người. Nếu có duyên cớ cần vào nhà người một mình, thì phải giữ một tâm niệm Phật.

Khi nói pháp cho đàn-bà, con gái nghe, đừng cười hở răng, đừng bày hông, ngực. Thâm chí đối với người vì pháp mà đến, cũng không nên gần gũi thân mật với họ, hà huống là đối với những người đến vì chuyện khác.

Không nên thích nuôi những đệ-tử ít tuổi, những sa-di trẻ con. Cũng không nên ưa cùng chúng một thầy, mà nên ưa ngồi thiền ở chỗ vắng lặng, sửa nắm tâm mình.

Đó là “thân cận xứ” thứ nhất của Bồ-tát.

Lại nữa, Bồ-tát phải thấy muôn vật đều “không” như: thực-tướng; không điên đảo, không động, không thối, không hư-không, thấy muôn vật không có thực tánh, chẳng sanh, chẳng xuất, chẳng khởi, vô danh, vô tướng, thực không có gì cả, vô lượng vô biên, vô ngại vô chướng; thấy những danh-từ lời nói dùng để chỉ vật này sự nọ, đều là trái với chân-lý (ngữ ngôn đạo đoạn), chỉ vì cái nguyên nhân điên đảo nên mới nói thế này thế nọ. Phải vui xét cái tướng của vạn vật là như thế.

Đó là “thân cận xứ” thứ nhì của Bồ-tát.

3. An lạc hạnh. Phật nói tiếp: Sau khi nghe Như-Lai diệt độ, trong đời mạt pháp. muốn nói Kinh này, Bồ-tát phải ở yên trong “An lạc hạnh”. Nghĩa là, khi nói cũng như khi đọc Kinh này, chẳng nên ưa nói đến cái sự sái quấy của người và của Kinh điển, cũng chẳng nên có lòng khinh rẻ, kiêu ngạo đối với các Pháp-sư, chẳng nên nói đến sự tốt xấu, hay dở của người khác; đối với hàng Thanh-văn, chẳng nên nêu đích danh mà nêu sự sai lầm, gàn dở của họ, cũng không kêu đích danh mà khen tặng cái hay của họ, lại cũng không sanh tâm thù hiềm. Khéo sửa lòng cho được an lạc như vậy thì không làm nghịch ý người nghe. Còn có ai vấn nạn thì đừng giải đáp bằng pháp tiểu-thừa mà bằng pháp đại-thừa, để cho người hỏi được Chánh-giác.

Bố-tát muốn thuyết pháp phải giữ lòng an vui, trong sạch, thân thể phải tắm rửa cho sạch, mặc y mới, nói tóm lại là trong ngoài phải thanh tịnh, nhiên hậu mới lên ngồi pháp-tòa, tùy lời hỏi của người mà giảng. Đối với người vì Đạo thì đem diệu nghĩa ra mà dạy, mặt mày hòa nhã; đối với người vấn nạn, thì tùy nghĩa mà đáp, khi thì dùng nhân duyên, khi thì dùng thí dụdiễn giải rạch ròi, để lần hồi dắt dẫn họ vào đường sáng (Phật đạo). Tự mình, phải trừ mọi ý niệm ỷ lại, mọi tư tưởng lười biếng, xa lìa mọi lo nghĩ, buồn rầu, mở rộng lòng từ, ngày đêm nói pháp để mở mắt cho chúng-sanh mà không bao giờ mong cầu việc lấy pháp làm nhân duyên để thành Phật đạo, khiến người nghe cũng cùng một tâm niệm

Trong thời mạt pháp, Bồ-tát nào thọ trì, đọc tụng Kinh này thì không nên chứa chấp sự ganh ghét, tà vạy, khinh khi người học Phật, không làm cho hạng tu hành chán nản, cũng không nên đem Đạo-pháp ra làm bàn chơi, tranh cãi. Phải:

- đối với tất cả chúng-sanh, khởi lòng đại bi,

- đối với chư Như-Lai, sanh lòng kính trọng như Cha lành,

- đối với Bồ-tát, sanh lòng tôn kính như Thầy,

- đối với mười phương Bồ-tát, sanh lòng cung kính cúng dường.

Thực hiện đầy đủ pháp “an lạc” thứ ba này, thì khi thuyết Kinh, không làm cho người nghe hoang mang, được người cùng theo mình mà đọc tụng, còn đại-chúng sẽ tới nghe lãnh lời Kinh, lãnh rồi nắm giữ, giữ rồi sẽ đọc, đọc rồi sẽ thuyết, thuyết rồi sẽ chép và khiến người cùng chép.

4. Phát đại-bi tâm. Lại nữa, này Văn-Thù! trong đời mạt-pháp, ai là người muốn nắm giữ Kinh Pháp-Hoa, phải sanh đại-bi tâm đối với hàng xuất giatại gia. Đối với người chẳng phải là Bồ-tát (chưa tu hạnh vị tha) cũng phải phát đại-bi tâm mà nghĩ như vầy: Như-Lai phương tiện tùy nghi thuyết pháp, mà họ lại chẳng nghe, chẳng biết, chẳng tỉnh, chẳng hỏi, chẳng tin, chẳng giữ, thật là thất lợi vô cùng. Ngày nào ta được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, nguyện sẽ dùng thần lực, trí lực mà dắt họ vào ở yên trong Đạo-pháp.

Đó là pháp “an lạc” thứ tư.

Như-Lai diệt độ rồi, Bồ-tát nào thành tựu được pháp thứ tư này thì khi thuyết Kinh Pháp-Hoa, không bao giờ có sự sai lầm, mất mát. Người thế-gian từ vua tới dân, sẽ cung kính cúng dường, trong hư-không chư Thiên sẽ luôn luôn hộ vệ cho. Tại sao thế? Vì Kinh này được tất cả chư Phật ba đời bảo hộ. Này Văn-Thù, trong vô lượng nước, nghe được tên Kinh này còn chưa có, hà huống được thấy, được thọ trì đọc tụng. Thí như nhà vua dẹp giặc xong, muốn thưởng công tướng sĩ, có thể cấp cho đất cát, y phục, ngọc ngà, châu báu, xe ngựa, nô tỳ, nhưng không bao giờ cho viên ngọc vô giá trên mão của vua. Như-Lai cũng thế. Nhờ sức mạnh của thiền định và trí huệ, Như-Lai làm vua “Nước Pháp”, thống ngự ba cõi. Vì Ma- Vương không hàng phục nên Như-Lai mới dùng Hiền Thánh làm tướng để đánh Ma-Vương. Đối với các bậc hữu công trong trận chiến này, Pháp-vương Như-Lai ban cho tiền của thiền định, giải thoát, vô lậu, thành quách niết bàn, tạm nói là diệt độ, để dẫn dắt tâm họ, khiến mọi người hoan hỷ, nhưng chưa vì họ nói Kinh Pháp-Hoa. Nhưng khi binh sĩ lập được công to, nhà vua sẽ cho viên ngọc vô giá. Như-Lai cũng thế, thấy đội quân Hiền Thánh đã lập được đại công chiến thắng Ngũ-ấm-ma, phiền-não-ma, tử-ma, đã diệt ba độc, ra khỏi ba cõi, phá lưới ma, nên ban cho Kinh Pháp-Hoa là lời thuyết cao cả nhất của chư Như-Lai.

 

Huyền nghĩa

Phẩm này nói về bốn điều-kiện, bốn cái thế thuận tiện (positions commodes) để hộ trì, đọc, nói Kinh Pháp-Hoa nghĩa là để tự mình thực hiện Chân-lý và dắt người cùng thực hiện như mình.

Bốn điều-kiện đó là:

1. Hành xứ (những hành động cần có)

2. Thân cận xứ (phải hoạt-động trong hoàn cảnh nào)

3. An Lạc (giữ lòng bình thản và vui vẻ)

4. Phát đại-bi-tâm (mở lòng thương-xót rộng lớn) 

1. Hành xứ. Phải sống ra người nhẫn nhục, nhu hoà, thuận thảo, không nóng nảy, không sợ sệt, không để cho muôn vật làm lòng mình xao xuyến, xem vạn vật đúng với cái tướng chân thật của nó là không có gì cả, tâm không nghĩ ngợi gì, hay phân biệt tốt xấu, hay dở. Như thế là sống sáng suốt, làm chủ tâm mình và hoà với mọi người.

Phải tu tập các đức-tánh vừa kể, để gây thiện cảm với người nghe.

2. Thân-cận xứ. nghĩa là chỗ mình nên gần gũi. Kinh chia có Bất thân-cận xứ và Thân-cận xứ.

a) Chỗ không nên gần gũi (Bất thân-cận) gồm có:

quốc vương, vương tử, đại thần

ngoại đạo

v kẻ viết sách thế-tục ca ngâm

v kẻ múa hát đánh võ

v kẻ làm nghề hàng thịt, nuôi súc vật, săn bắn, chài lưới

v hạng người cầu quả Thanh-văn (ích-kỷ)

v trẻ gái, con gái, đàn bà goá

v những sa-di ít tuổi, trẻ nhỏ.

b) Chỗ nên gần(thân-cận xứ):

Luôn luôn “quán nhất thế pháp không như thực-tướng” (xét thấy mọi vật trống không như thực-tướng).

Tóm lại đoạn này có nghĩa: Phải thanh tịnh u nhàn (se retirer dans le calme du silence), tránh giao thiệp với hàng quyền-thế, ngoại đạo, ác nghiệp, ca hát, ngâm vịnh, phái nữ, các bậc tu hành còn lòng ích-kỷ và phải tập ngó vạn vật đúng với thực-tướng, nghĩa là một cách bình đẳng, đừng trọng, đừng khinh, đừng mê, đừng đắm, đừng lấy, đừng bỏ.

3. An lạc: Tâm an bình, vui vẻ, không làm trái ý người. Khi có người hỏi đạo, dùng pháp Đại-thừa mà giải, nhưng:

Ø Không nói lỗi của người và kinh điển

Ø Không khinh mạn các người tu hành khác

Ø Không sanh lòng thù hiềm

Ø Không ganh ghét dua dối

Ø Khômg làm cho người tu hành hoài-nghi chán nản.

Trái lại, phải phát lòng thương xót đối với chúng-sanh và khởi lòng kính trọng đối với chư Phật, Bồ-tát.

4. Đại từ-bi tâm: Sanh lòng thương xót tất cả những người không hiểu các phương tiện của Phật dùng, tuỳ căn cơ của mỗi hạng chúng-sanh mà nói pháp cho họ nghe hiểu.

 Thuyết Kinh Pháp-Hoa mà có đầy đủ những điều-kiện này thì ở đời, được người nghe, tin hiểu và cùng mình sao chép, đọc tụng, còn trong hư-không chư thiên sẽ vệ hộ.

([1]) Thực tướng: Tướng thực của vạn vật, trái với cái tướng mà ngũ quaný thức của con người biết được. Đó là bản thể của vạn-vật. Vì cái thực tướng không hình không dáng, cho nên Kinh tạm gọi là “trống lổng”. 

([2] ) Ni-kiền-tử cũng gọi là phái loã-thể vì tín đồ không mặc quần áo. Hiện tồn tại trên đất Ấn, lấy tên là Jainisme.

([3]) Lộ-già-da-đà: Đạo thuận theo thế tục. Nghịch-lộ-già-da-đà: Phái nghịch với phái thuận theo thế tục.

([4]) Na-la: những người múa hát.

([5]) Chiên-đà-la: kẻ đồ-tể, quân đao phủ.

([6] ) Viễn ly: xa lìa. Nói cho đủ là “Viễn trần ly cấu”. Dứt được tất cả những cái thấy sai lầm (kiến hoặc), được Chánh-Kiến hay Pháp-nhãn-tịnh, gọi là Viễn trần ly cấu (xa bụi đời, lìa dơ bẩn).

Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 59332)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: