- Lời Nói Đầu
- 1 Phẩm Tựa
- 2 Phẩm Phương Tiện
- 3 Phẩm Thí Dụ
- 4 Phẩm Tín Giải
- 5 Phẩm Dược Thảo Dụ
- 6 Phẩm Thọ Ký
- 7 Phẩm Hóa Thành Dụ
- 8 Phẩm Ngũ Bá Đệ Tử Thọ Ký
- 9 Phẩm Thọ-học Vô-học Nhơn-ký
- 10 Phẩm Pháp Sư
- 11 Phẩm Hiện Bửu Tháp
- 12 Phẩm Đề-bà-đạt-đa
- 13 Phẩm Trì
- 14 Phẩm An-lạc Hạnh
- 15 Phẩm Tùng Địa Dũng Xuất
- 16 Phẩm Như Lai Thọ-lượng
- 17 Phẩm Phân Biệt Công Đức
- 18 Phẩm Tùy-hỷ Công Đức
- 19 Phẩm Pháp-sư Công-đức
- 20 Phẩm Thường-bất-khinh Bồ-tát
- 21 Phẩm Như Lai Thần-lực
- 22 Phẩm Chúc-lụy
- 23 Phẩm Dược-vương Bồ-tát Bổn-sự
PHÁP HOA HUYỀN
NGHĨA
(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)
Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Học
PHẨM THỨ 23
DƯỢC VƯƠNG
BỒ-TÁT BỔN SỰ
(Ancienne
méditation de Chaichadjyarâdja)
Lúc bấy giờ, Bồ-tát Tú-Vương-Hoa bạch Phật: “Thế-Tôn! Làm thế nào mà Bồ-tát Dược-Vương dạo nơi thế-giới Ta-bà? Bồ-tát Dược-Vương có bao nhiêu ngàn muôn ức hạnh khổ khó làm? Nguyện Thế-Tôn giải nói một ít cho Thiên-Long bát bộ, cho các hàng Bồ-tát từ nước khác lại cùng bậc Thanh-văn ở đây nghe, để tất cả đều đặng vui mừng”.
Phật đáp trong quá khứ cách nay vô lượng hằng-sa kiếp, có Phật hiệu Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức. Ngài có tám mươi ức đại Bồ-tát, bảy mươi hằng-sa đại Thanh-văn, thọ bốn muôn hai ngàn kiếp, chư Bồ-tát cũng sống lâu như thế. Trong nước của đức Phật ấy, không có đàn-bà, địa-ngục, ngạ-quỉ, súc-sanh, a-tu-la .v.v…cũng chẳng có các khổ nạn. Đất bằng lưu-ly, mặt phẳng như bàn tay, có trồng cây báu, trên có màn báu bao trùm, tràng phan hoa báu buông thông. Khắp nước, bình báu, lò hương dẫy đầy. Cách mỗi cây, khoảng một lằng tên có một đài bằng bảy báu. Dưới những cội cây ấy, có chư Bồ-tát, Thanh-văn ngồi, còn trên mỗi đài thì trăm ức chư Thiên trổi nhạc trời, hát múa cúng dường Phật”.
Lúc bấy giờ, Đức Phật Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức nói Kinh Pháp-Hoa cho Bồ-tát Nhất-Thế Chúng-Sanh Hỷ-Kiến cùng các hàng Bồ-tát, Thanh-văn nghe.
Bồ-tát Hỷ-Kiến ưa tu tập khổ hạnh, trong pháp của Phật Tịnh-Minh-Đức tinh tấn kinh hành, một lòng cầu thành Phật, (nhờ vậy) mà mãn một muôn hai ngàn năm đặng chánh-định “hiện nhất thế sắc thân”. Bồ-tát mới tự nói trong lòng: “Đặng chánh-định này là nhờ sức nghe Kinh Pháp-Hoa, vậy ta nên cúng dường Phật Tịnh-Minh-Đức và Kinh Pháp-Hoa”. Tức thời Bồ-tát nhập định, trong hư-không rưới các thứ hoa-hương cõi trời cúng dường Phật”.
Cúng dường xong, Bồ-tát xuất định và tự nói trong lòng: “Tuy ta đã dùng thần-lực cúng dường Phật, nhưng sao bằng lấy thân cúng dường”. Bồ-tát liền uống các chất thơm, kế uống dầu làm bằng các thứ hoa thơm mãn một ngàn hai trăm năm, rồi lấy dầu thơm thoa thân, dùng áo báu cõi trời quấn mình trước Đức Phật Tịnh-Minh-Đức, rưới các thứ dầu thơm lên áo và dùng sức nguyện thần thông mà tự đốt thân. Ánh sáng toả soi tám mươi ức hằng-sa thế-giới. Trong ánh sáng ấy, chư Phật đồng thời đều khen: “Lành Thay! Lành thay! Như vậy mới thật là tinh tấn, mới thật là cúng-dường Pháp. Các lối cúng dường khác bằng hương hoa, chuỗi ngọc.v.v… đều chẳng bằng, thậm chí đem cả một nước, thành quách, vợ con mà bố-thí cũng chẳng bằng. Trong các lối bố-thí, bố-thí thân là bậc nhất”.
Nói xong, chư Phật im lặng. Lửa thân Bồ-tát cháy trót một ngàn hai trăm năm, sau đó thân Bồ-tát mới tận.
Cúng-dường Pháp xong và sau khi mạng chung, Bồ-tát Hỷ-Kiến phục sanh trong nước Phật Tịnh-Minh-Đức, tại nhà vua Tịnh-Đức, phục sanh một cách bỗng nhiên, trong trạng thái ngồi kiết-già. Hoá sanh xong bèn vì cha đọc bài kệ:
Đại-Vương nay nên biết:
Nhờ kinh hành nơi ấy
Tức thời đặng tất cả
Chánh-định trong các thân,
Sau cần cố gắng hơn
Nên bỏ thân yêu mến
Dâng cúng-dường Thế-Tôn
Để cầu huệ vô-thượng.
Nói xong, Bồ-tát thưa với vua cha: “Trước cúng-dường Phật Tịnh-Minh-Đức xong, tôi “giải đặng tất cả đà-la-ni của tiếng nói chúng-sanh”, kể lại nghe vô số kệ của Kinh Pháp-Hoa. Nay Phật Tịnh-Minh-Đức vẫn còn, tôi xin cúng dường nữa”. Bồ-tát bèn ngồi lên đài bảy báu, bay lên hư-không, qua đến chỗ Phật Tịnh-Minh-Đức, làm lễ và đọc một bài kệ khen Phật:
Lạ lùng thay dung nhan
Mười phương soi ánh-sáng
Tôi đã từng cúng-dường
Nay lại con thân kiến.
Nói kệ xong, Bồ-tát Hỷ-Kiến bạch Phật Tịnh-Minh-Đức: “Thế-Tôn còn ở thế chứ? Đức Phật bảo: “Giờ diệt tận đã đến, ngươi nên sắp đặt giường đi, ta trong đêm nay sẽ nhập Niết-bàn”. Phật lại nói thêm “Ta nay giao phó Phật-Pháp và Vô-thượng-giác cho ngươi, cho các Bồ-tát và các đại đệ tử: “Ta cũng giao cho ngươi ba ngàn đại-thiên thế-giới bảy báu, các cây báu, đài báu và chư thiên hầu hạ. Sau khi ta diệt độ, ta cũng giao cho ngươi tất cả xá-lợi của ta, ngươi nên lưu bố khắp nơi để cho đông người được xây nhiều tháp cúng dường”.
Đến cuối đêm, Phật Tịnh-Minh-Đức nhập Niết-bàn.
Bồ-tát Hỷ-Kiến dùng gỗ chiên-đàn làm giàn hoả thiêu, thâu xá-lợi đựng vào 84.000 bình báu, xây 84.000 ngọn tháp cao ba thế-giới.
Bấy giờ, Bồ-tát lại tự nghĩ: Cúng dường xá-lợi như thế chưa đủ. Bèn ở trước 84.000 tháp, đốt hai cánh tay được trang nghiêm bằng trăm phước, suốt bảy muôn hai ngàn năm, khiến vô số hạng cầu quả Thanh-văn và vô lượng người phát tâm Vô-thượng-giác đều đứng vững trong chánh-định “hiện nhất thế sắc thân”.
Các Bồ-tát, trời, người, a-tu-la v.v… thấy vậy đều sầu khổ buồn thương. Bồ-tát, trong đại chúng, bèn lập thệ: “Ta bỏ hai tay ắt sẽ đặng thân Phật. Nếu quả đúng như vậy, thời xin cho hai tay ta tự nhiên trở lại như cũ”. Thệ vừa xong, hai tay tự nhiên trở lại, ấy là nhờ phước-đức và trí-huệ thuần hậu của Bồ-tát chấp lại.
*
* *
Đức Phật Thích-Ca hỏi Bồ-tát Tú-Vương-Hoa: “Ý ngươi nghĩ sao? Bồ-tát Hỷ-Kiến thuở xưa đâu phải ai lạ, chính nay là Bồ-tát Dược-Vương đó. Ông ấy đã xả bỏ, bố-thí, vô lượng số thân như thế. Này Tú-Vương-Hoa, ai phát tâm muốn đặng đạo vô-thượng mà đốt một ngón tay hay một ngón chân cúng dường Tháp Phật, còn hơn người dùng nước, thành, vợ, con, cùng trân bảo trong ba ngàn đại-thiên thế-giới mà cúng dường. Còn ai dùng bảy báu trong khắp ba ngàn đại-thiên thế-giới mà cúng dường Phật, Bồ-tát, Duyên-giác, La-hán, cũng không có công-đức bằng người thọ trì Kinh Pháp-Hoa, dầu là một bài kệ bốn câu cũng vậy.
Tú-Vương-Hoa, trong các dòng nước, biển là bậc nhất; cũng thế, trong các Kinh của Như-Lai nói, Kinh Pháp-Hoa là sâu lớn hơn hết.
Trong các thứ núi, núi Tu-Di là bậc nhất; cũng thế, trong các thứ Kinh, Kinh Pháp-Hoa là cao hơn hết.
Trong các tinh-tú, mặt trăng là bậc nhất; cũng thế, trong các Kinh, Kinh Pháp-Hoa là sáng soi hơn hết.
Như mặt trời năng trừ mọi thứ tối-tăm, Kinh Pháp-Hoa phá tất cả những tối-tăm của cái chẳng-lành.
Trong các hàng Tiểu-vương, Đại-đế là bậc nhất; cũng thế, trong các Kinh, Kinh Pháp-Hoa đáng tôn trọng hơn hết.
Như Đế-Thích làm vua thống ngự 33 cõi trời, Kinh Pháp-Hoa là vua các Kinh.
Như Phạm-thiên là cha của tất cả chúng-sanh, Kinh Pháp-Hoa là cha của tất cả Hiền-Thánh.
Trong hàng phàm-phu, Tứ Thánh và Duyên-giác là bậc nhất; cũng thế, trong tất cả các Kinh do Như-Lai, Bồ-tát Thanh-văn nói, Kinh Pháp-Hoa là bậc nhất. Ai thọ trì được là bậc nhất trong hàng chúng-sanh.
Trong tất cả hàng Thanh-văn và Duyên-giác, Bồ-tát là bậc nhất. Cũng thế, trong tất cả các Kinh, Kinh Pháp-Hoa là bậc nhất.
Như Phật là vua các pháp, Kinh này là vua của các Kinh.
Tú-Vương-Hoa! Kinh này có thể cứu tất cả chúng-sanh, làm cho chúng-sanh xa rời các khổ não; Kinh này có thể cho chúng-sanh nhiều lợi ích, làm thoả mãn những mong cầu của chúng-sanh, như ao nước trong có thể làm thoả mãn người khát nước. Như người lạnh được lửa, như trần truồng được quần áo, như đi buôn gặp người dẫn mối, như con gặp mẹ, như muốn qua sông gặp thuyền, như bệnh gặp thầy, như tối được đèn, như nghèo được báu, như dân được vua, như khách buôn gặp biển, như đuốc trừ tối, Kinh Pháp-Hoa này cũng thế, có thể làm cho chúng-sanh xa lìa mọi thứ thống khổ, mọi thứ tật bệnh, có thể cổi mở sự trói buộc của sanh-tử.
Ai nghe được Kinh này, hoặc tự mình chép, hoặc bảo người chép, thì được công-đức nhiều đến nỗi trí-huệ Như-Lai cũng không ước tính được. Nếu chép Kinh này mà còn dùng các thứ hoa hương, đèn dầu cúng dường, thời cũng được vô lượng công-đức như thế.
Tú-Vương-Hoa! Ai nghe phẩm “Bồ-tát Dược-Vương Bổn-Sự” này cũng được vô biên công-đức, Nếu là đàn-bà thì sau khi dứt báo thân, không còn trở lại làm đàn bà nữa. Năm trăm năm sau Phật diệt độ, người nữ nào nghe Kinh này và tu hành đúng theo lời Kinh dạy, thời khi mạng chung, được vãng sanh qua cõi An-lạc của Phật A-Di-Đà, hết bị tham, sân, si, mạn làm khổ nữa, được vô-sanh pháp-nhẫn và nhãn căn thanh-tịnh.
Bây giờ, các đức Phật đồng xa khen: “Hay thay! Lành thay! Này thiện-nam-tử, người có thể trong pháp của Phật Thích-Ca mà thọ trì, đọc tụng, suy gẫm Kinh Pháp-Hoa và nói cho người khác nghe, ngươi đặng công-đức vô lượng vô biên, lửa chẳng đốt đặng, nước chẳng làm trôi, phá được giặc ma, đánh bại quân sanh-tử, và diệt trừ các quân thù khác. Thiện-nam-tử, trăm ngàn đức Phật sẽ giữ gìn ngươi, tất cả trời người, không ai bằng ngươi và, trừ Như-Lai, không Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn nào có trí-huệ bằng ngươi.
Ai nghe phẩm “Dược-Vương Bổn-Sự” này mà biết tuỳ hỷ khen ngợi, thời người đó trong đời hiện tại, miệng thường thoảng mùi thơm hoa sen, và các lỗ chân lông thường tiết mùi trầm.
Tú-Vương-Hoa, ta giao phó phẩm “Dược-Vương Bổn-Sự” cho ngươi; năm trăm năm sau khi ta diệt độ, phải đem ra truyền bá nói rộng ở cõi Diêm-phù-đề, vá đem sức thần-thông mà giữ-gìn, vì đây là phương thuốc hay cho người bệnh thế-gian, ai bệnh mà nghe được Kinh này thời bệnh liền tiêu diệt, chẳng già, chẳng chết.
Thấy ai thọ trì Kinh này, Tú-Vương-Hoa nên dùng hoa sen xanh đựng đầy hương bột rải trên người ấy và nghĩ rằng: Người này chẳng bao lâu quyết định sẽ trải cỏ ngồi nơi Đạo-Tràng, phá các ma quân, thổi ốc pháp, đánh trống pháp, độ thoát tất cả chúng -sanh ra khỏi sanh già bệnh chết.
Lúc Đức Phật nói phẩm “Dược-Vương Bổn-Sự” này có 8 muôn 4 ngàn Bồ-tát đặng đa-la-ni “Giải nhất thế chúng-sanh ngôn-ngữ”
Đức Phật Đa-Bảo trong Tháp báu khen Tú-Vương Bồ-tát: Lành thay! Lành thay! Tú-Vương-Hoa, ngươi thành tựu những công-đức không thể nghĩ bàn mới hỏi được Đức Phật Thích-Ca việc như thế, làm lợi ích vô lượng cho tất cả chúng-sanh.
Huyền nghĩa
Các phẩm trước chỉ cho thấy tất cả chúng-sanh đều có Phật-tánh
(Hiền Tánh), phẩm Dược-Vương này chỉ cách hành (Hiển Hành), tức phương-pháp làm cho Phật-tánh phát hiện.
Vậy “Dược-Vương Bồ-tát Bổn-Sự” có nghĩa là sự tích của phương thuốc chúa, (Dược là thuốc, Vương là vua, là chúa).
Hai câu hỏi của Bồ-tát Tú-Vương-Hoa nêu ở đầu phẩm hàm chứa hai ý: 1) làm thế nào cho phương thuốc ấy được truyền khắp thế-giới Ta-bà? 2) phương thuốc ấy gồm có những hạnh khó làm nào?
Toàn phẩm đã đáp lại hai câu hỏi này bằng sự tích tượng trưng của Bồ-tát Hỷ-Kiến.
Phật Nhật-Nguyệt Tinh-Minh-Đức ám chỉ đức Thanh-Tịnh làm sáng tâm.
Có thanh-tịnh là có sáng suốt, có sáng suốt là thấy Tánh được (minh tâm kiến tánh), và sự kiến Tánh ấy được nhân-cách-hoá (personnifié) ở đây bằng một vị Bồ-tát có tên là “Nhất-thế chúng-sanh hỷ-kiến”, có nghĩa là: Cái mà tất cả chúng-sanh vui thấy, Thấy được Tánh là một sự vui mừng mà không chúng-sanh nào không thưởng thức.
Thấy được Tánh, tức thấy luôn rằng Tánh ở trong (hiện) tất cả chúng-sanh (sắc-thân), cho nên Kinh nói là được chánh-định “hiện nhất thể sắc thân”.
Muốn thấy Tánh (Hỷ kiến) phải tu tập khổ-hạnh, tinh-tấn, tham-thiền (kinh hành) trong thanh-tịnh, một lòng cầu giác-ngộ (thành Phật). Như thế là vì Pháp mà hy-sinh làm mọi cố-gắng tinh-thần (dùng thần-thông cúng dường).
Nhưng cố gắng cho thế mấy mà còn nghĩ đến thân, còn luyến tiếc cái “ta” thì sự hy-sinh chưa trọn vẹn. Do đây mà phải phá “ngã chấp” (dùng thân cúng dường).
Xả bỏ thân, hy-sanh thân, bằng cách cho nó uống các chất thơm, thoa các thứ dầu thơm (trong ngoài thanh-tịnh thơm sạch) và dùng thần-thông, tức sức mạnh của định mà thiêu đốt tất cả những ô-trược. Sự thanh-tịnh-hoá ấy (purification) phải liên tục trong nhiều thời-gian (thân cháy trót 1.200 năm), sau đó mới diệt tận các chất nhơ (thân tận).
Có chết với đời sống ô-trược như thế, mới phục sanh trong Trong-sạch (Tịnh-Đức), ở mãi trong nhà trong sạch (nhà vua Tịnh-Đức). Kết quả ấy toàn do sự tham-thiền (ngồi kiết-già hoá sanh).
Có thanh-tịnh mới giải đặng nghĩa ẩn của lời nói chúng-sanh (giải nhất thế chúng-sanh ngữ-ngôn) là những phương-tiện diễn đạt chân-lý hết sức eo hẹp, mới hiểu thâm sâu được những bài kệ tóm nghĩa Kinh Pháp-Hoa, là những lời nói với Tâm chớ không phải với trí-óc tầm thường. Nhưng nghĩa Kinh dầu hiểu, Tánh dầu đã thấy, vẫn phải cố-gắng thêm (cúng dường) để thân chứng([6]) Phật-tánh (gặp Phật, thấy cho tạn mặt).
Thân chứng được rồi là nắm đặng Phật-Pháp và Chánh-giác vô thương (Phật giao phó).
Bây giờ đến giai-đoạn chót là “đốt hai tay” chỉ biết làm phước thế-gian, để được hai tay khác là phước-đức và trí-huệ (lưỡng túc tôn).
Cúng dường cho Phật-Pháp như thế mới là lối hy-sinh cao cả và chân chánh nhất. Lễ Phật, dâng hoa hương, tiền bạc mà không làm một cố gắng nào, không hy-sanh thân tâm phàm-phu mình cho Chánh-Pháp (Phật), thời bất quá tạo phước để hưởng trong sanh già bệnh chết, sao bằng dùng món thuốc chúa nói trên để mưu sự giài-thoát luân-hôi (chẳng già, chẳng chết).
[6] Thân chứng = réaliser.