Hai lần mở cửa

04/05/20154:12 SA(Xem: 11383)
Hai lần mở cửa

HAI LẦN MỞ CỬA

Truyện ngắn của Huyền Lam

Tuấn quen Davis hơn 20 năm trước tại Trường Đại học Oregon, Hoa Kỳ khi theo học ngành lập trình điện toán. Cũng giống như bao người Việt qua đây trong thời gian đầu, ngày ấy Tuấn rất khổ sở với các môn đòi hỏi phải đọc và viết nhiều tiếng Anh. Những môn Toán Lý Hóa, Lập trình, Logic thì Tuấn học rất khá. Trong một lần vào phòng lab, thấy Davis bực bội giải không ra bài lập trình, Tuấn đến giúp và quen anh từ dạo ấy.

Tuấn và Davis như cặp bài trùng suốt những năm dài đại học. Cả hai nương nhau để tồn tại trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Davis giúp Tuấn làm bài môn Văn, Lịch sử, Xã hội học... Tuấn giúp Davis Lập trình, Toán, Logic. Có thể nói không ngoa, nếu không bù đắp mặt yếu cho nhau, hai người có thể không tốt nghiệp.

Ra trường, hai người làm hai nơi nhưng không xa lắm nên thỉnh thoảng rủ nhau đi ăn trưa. Khoảng năm 2000, Davis bỏ nghề, chuyển qua kinh doanh bất động sản. Thời gian đầu anh chỉ kinh doanh nhỏ vì ngân hàng chỉ cho mượn theo giá trị căn nhà thế chấp. Anh mua đất, chia lô rồi bán lại. Những năm ấy bất động sản được mùa, làm ăn khấm khá, tích lũy nhiều tín dụng nên ngân hàng ngày càng cho anh mượn nhiều tiền. Từ một người chia lô 4, 5 căn hộ, anh trở thành nhà quy hoạch cả trăm lô đất, bao thầu mọi khâu từ khai phá đất hoang cho đến việc xây, bán căn hộ.  

Thành người triệu phú bận rộn nên Tuấn rất ít gặp anh, mỗi lần gặp, Davis đi xe sang hơn, phong cách doanh nhân lịch thiệp hơn, không còn tà tà thư giãn chuyện trò bạn bè như ngày trước. Bẵng đi khoảng 2 năm Tuấn không gặp anh, cho đến một chiều tối, anh gọi điện thoại, giọng mệt mỏi:

- Khoảng nửa tiếng... tôi tới nhà nhé...

Không bao lâu, tiếng chuông nhà reng, Tuấn hớn hở ra mở cửa đón bạn.  Một hình hài râu tóc rối bù, mắt sâu hoắm, lờ đờ thâm đen, làn da trắng bệch bạc, áo quần nhàu bẩn, bàn tay run run của người mất ngủ và uống quá nhiều thuốc chống trầm cảm. Nếu không nhờ giọng nói, Tuấn không thể nhận ra Davis lịch lãm mới ngày nào.

Anh nói như khóc, bấn loạn:

- Cám ơn cho tôi tới nhà... tuyệt vọng lắm, chắc điên lên mất... tôi...

Tuấn ra dấu cho anh vào:

- Chút nữa bạn kể tôi nghe, chúng ta có rất nhiều thời gian.

pha tra
Tuấn pha trà thảo hương... - Ảnh minh họa

Dẫn anh vào phòng đọc sách nơi Tuấn có thiết kế không gian thiền đơn giản. Để anh ngồi một mình trong không gian tĩnh lặng ấy, Tuấn đi pha bình trà thảo hương mà người Hoa Kỳ thường dùng. Rót tách trà nóng, Tuấn từ tốn:

- Bạn có nhiều tâm sự, thong thả uống ly trà rồi làm theo tôi vài phút bạn sẽ thấy dễ dàng hơn.

Đôi bàn tay Davis run run, ráng giữ tách trà khỏi chao đổ, anh uống từ từ, nhìn Tuấn gật đầu.

- Bạn nhắm mắt lại, thở bình thường cho nhẹ cho sâu, nghe tiếng chuông bắt đầu vang, theo dõi âm thanh từ từ nhỏ dần rồi mất hẳn.

Trong buổi chiều vắng lặng, Tuấn thỉnh nhẹ chuông, âm thanh dịu dàng lan tỏa. Sau mỗi lần tiếng chuông ngưng vang, Tuấn để yên vài giây cho không gian chìm vào sâu lắng rồi thỉnh tiếng khác. 10 hồi chuông chậm rãi trôi qua, Tuấn nhìn bạn ân cần:

- Thấy diện mạo anh tôi rất lo, bây giờ anh có thể chia sẻ bất cứ điều gì. Chúng ta quen nhau hơn 20 năm rồi.

Davis đã bình tĩnh hơn, anh kể Tuấn nghe trong mấy tháng qua chịu nhiều áp lực khi chứng kiến hết ngân hàng này đến ngân hàng kia xiết nợ, phát mãi tất cả sản nghiệp vì thị trường bất động sản vỡ bong bóng. Công sức bỏ ra, vốn liếng tích lũy trong nhiều năm tan thành mây khói. Anh khủng hoảng tinh thần, tim đập bấn loạn, không đêm nào ngủ được. Bác sĩ bắt anh phải uống thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ. Cách đây hai hôm, do quá bức xúc, giận cá chém thớt, anh mạt sát vợ. Cảnh sát đã đến khuyên anh ra khỏi nhà vì sợ gia tốc thành bạo lực. Anh lái xe đi lang thang, lắm lúc nghĩ đến nhảy cầu xa lộ, hoặc lủi đại chiếc xe xuống núi cho nhẹ thân nhẹ đầu...

Davis thở dài:

- Một cuộc sống cực kỳ chán nản, đầy đau khổ thì sống để làm gì.

Tuấn chắm chú lắng nghe, sau khi bạn dứt lời một lúc lâu mới lên tiếng:

- Mất hết sản nghiệp buồn lắm chứ! Nhất là khi ta bỏ cả đời tạo dựng. Nhưng hãy buồn một ít thôi, phải vui lên vì có rất nhiều người chỉ mong được như bạn hiện tại.

Davis ngạc nhiên nhìn Tuấn, hỏi như trách:

- Có ai mà muốn như tôi đâu bạn?

- Đúng là không có ai muốn mất sản nghiệp cả. Tôi cũng sẽ đau khổ như bạn nhưng rồi tôi sẽ gắng bỏ qua vì thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Davis nghĩ xem, hiện có hơn 2 triệu người đang bị giam cầm tại Hoa Kỳ vì những lỗi lầm, những người này đều mong ước được tự do như bạn bây giờ. Ngay cả những người tù được thả ra hôm nay hay tương lai cũng mong được như bạn hiện tại. Với hồ sơ từng ở tù nằm trong máy điện toán, từ mướn nhà cho đến xin việc làm, ở đâu họ cũng nối vào trung tâm dữ liệu để kiểm tra quá khứ người điền đơn. Cơ hội được mướn nhà, có việc làm rất khó khăn. Họ rất ước ao có được một quá khứ trong sạch như bạn để làm lại cuộc đời. Đó là lý do nhiều đối tượng phạm pháp trở lại vì không có thân nhân che chở, vì rơi vào đường cùng.

David ngỡ ngàng, lặng thinh một hồi lâu:

- Ở trong hoàn cảnh tôi, bạn sẽ hiểu nó đau như thế nào? Đau lắm, chán lắm!

Tuấn vẫn nhẹ nhàng khuyên bạn:

- Đúng là không ai hiểu được nỗi đau của bạn. Chúng ta đau vì chúng ta khổ công mới có, rồi lại mất đi. Tuy nhiên chúng ta hãy coi cái mất đi như chưa từng có trước đây. Ngoài ra biết bao người bệnh nằm chờ chết sẽ sung sướng đánh đổi tất cả để được như bạn.

David ngập ngừng:

- Ừa... thì tôi sẽ ráng, chỉ sợ mình không đủ khả năng.

- Đêm nay bạn ở lại đây, ngày mai sạch sẽ gọn gàng về nhà xin lỗi vợ. Biết đâu nhờ những khó khăn này, vợ chồng bạn gắn bó chăm sóc nhau để vượt qua, từ đó có được tình yêu thương lớn hơn bao giờ hết. Hạnh phúc đích thực này quý hơn ngôi biệt thư hoặc mấy chiếc xe mắc tiền trước đây của bạn.

Sáng sớm, tiễn Davis về lại nhà, Tuấn tặng anh chiếc chuông nhỏ đêm qua, dặn anh khi muộn phiền đánh lên vài tiếng, hít thở nhắc nhở mình đang có hạnh phúc trong bàn tay. Davis tuy còn nét trầm cảm nhưng vững chãi hơn lúc đến rất nhiều. Anh gật đầu, mỉm cười thoáng chút ngượng ngùng.

***

Một năm sau, Davis gọi điện đến thăm. Tuấn ra mở cửa, Davis cười tươi rạng rỡ, tràn đầy sức sống, anh đem theo hộp quà. Tuấn định dẫn anh đến phòng khách ngồi uống nước chuyện trò, anh bảo vào phòng đọc sách kia.

Tuấn pha bình trà thảo hương, Davis uống một ngụm rồi nhắc mở hộp quà. Tuấn bưng lên lắc lắc nói đùa:

- Cái gì nặng nặng như vàng.

Davis cười to:

- Cái này quý hơn vàng.

Tuấn từ từ mở ra, bỗng buột miệng:

- Ô cái chuông! Cho tôi cái chuông à. Cái chuông cổ thế này tiếng kêu chắc thanh khiết lắm.

Tuấn cầm dùi chuông định thỉnh một tiếng ngân nghe thử, Davis nhẹ nhàng lên tiếng:

- Không! Để tôi thỉnh, năm ngoái bạn thỉnh cho tôi rồi. Mình làm giống năm ngoái nhé.

Buổi chiều hè những tiếng chuông ngân thanh tịnh, trầm ấm:

... Boong... boong... Âm thanh mầu nhiệm giúp người khai tâm.

Huyền Lam





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
30/04/2019(Xem: 7099)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :