Chương 4
Tăng-già
(10 Tụng)
Trong Luận Phật Tính, tăng là tăng-già (saṅgha) giác ngộ, tăng-già đại thừa. Chữ Tây tạng cho chữ “tăng-già” là gendun. Âm tiết thứ nhất gen có nghĩa là “đạo đức” và âm tiết thứ hai dun có nghĩa là “nguyện vọng” như thế gendun là những nguyện vọng về đạo đức. Có hai loại tăng-già – tăng-già của hạng người thường và tăng-già của những người giác ngộ. Tăng già của hạng người thường là những chúng sinh bình thường chưa đạt được cảnh giới chứng ngộ và không có cái hiểu trực tiếp chân lý bởi vì họ vẫn còn bị ô nhiễm. Tuy nhiên, họ có nguyện vọng mãnh liệt làm điều tốt. Tăng-già của những người thường tạo thành gồm những cư sĩ và những người đã thọ giới. Có thể đi theo con đường của Phật mà không thọ giới đầy đủ nhưng qui y và nhận giới ở bất cứ mức nào. Trong lễ qui y, một người qui y tam bảo biểu hiện sự qui y bình thường mà những tăng-già giác ngộ cũng qui y. Trong lễ qui y này không có sự phân biệt giữa những người qui y và tăng-già tạo thành gồm có bạn hữu và người đồng hành giúp chúng ta trên đường đạo và bảo đảm chúng ta không đi lạc đường. Nhưng Luận Phật Tính miêu tả qui y quả tức là qui y mà chúng ta đang cố gắng đạt tối hậu. Trong qui y quả này, chúng ta cố gắng đi qua bên kia cảnh giới phàm phu mà trên con đường Đại thừa có nghĩa là đạt Giác ngộ và tăng già được gọi là tăng-già giác ngộ.
Định Nghĩa Tăng-già Trong Lời Lễ Chào
13. Con cúi đầu đảnh lễ
các bậc tâm không còn
ám chướng, và sở hữu
nhận thức của tuệ giác –
trực thức tính thanh tịnh
hiện diện nơi vô số
chúng sinh không ngằn mé.
Tâm – bản tính trong sáng,
thấy ô nhiễm không có
tự tính, và do đấy
chứng vô ngã tối hậu,
tịch tĩnh nơi tất cả
chúng sinh. Và như thế
họ biết tính Giác ngộ
toàn hảo và phổ hiện
nơi tất cả chúng sinh.
Đại cương của chương này tương tự chương nói về Phật bởi vì nó cũng có ba phần: định nghĩa bản tính của tăng-già trong lời lễ chào, nhận diện những phẩm tính của tăng-già, và miêu tả sáu phẩm tính được nhắc đến trong lời lễ chào. Lời lễ chào bắt đầu, “Con cúi đầu…” trước tăng-già giác ngộ sở hữu những phẩm tính này do đang cố gắng theo tấm gương đạt giác ngộ của họ. Những phẩm tính này có hai: phẩm tính tri kiến và phẩm tính thanh tịnh. Các phẩm tính tri kiến khiến cho tăng-già giác ngộ có thể thấy bản tính của tất cả các pháp. Các phẩm tính thanh tịnh khiến cho người ta thoát khỏi tất cả những bất tịnh và ám chướng. Tri kiến này có ba khía cạnh: tri kiến như thực, tri kiến sai biệt, và tri kiến nội tại của tuệ giác (jñāna) nhận thức sự hiện diện của chủng tử phật nơi tất cả chúng sinh. Ba loại tri kiến này đem lại sự giải thoát những ô nhiễm do phiền não, sự giải thoát những chướng ngại của suy nghĩ nhị nguyên ngăn chận cái thấy chân tính của các pháp, và sự giải thoát động cơ thấp kém đưa đến gắng sức vì hạnh phúc chỉ cho chính mình.
14. Tăng-già – hàng trí tuệ,
không bao giờ thối chuyển,
có phẩm tính vô thượng
vì nhận thức thanh tịnh
của như thực, sai biệt
và tuệ giác bên trong.
Khía cạnh thứ nhất của tri kiến là tuệ giác như thực (how-it-is). Ngay từ lúc đầu bản tính của tâm là trống không và trong sáng. Tính không đã được nhấn mạnh trong các giáo lý Trung đạo (Madhya-maka). Nhưng trong các giáo lý thiền định, đặc biệt là Đại Thủ ấn (Mahāmudrā), tính không chỉ được xem là một khía cạnh của bản tính của tâm với khía cạnh kia là tính trong sáng. Vậy thì bản tính của tâm là sự kết hợp của tính không và tính trong sáng. Những ô nhiễm ràng buộc, gây hiềm khích, và vô minh có thể hiện diện hay không, nhưng chúng không phải là phần vốn có của tâm. Ô nhiễm thì giống lỗi lầm hay mê hoặc nhiều hơn. Tuệ giác như thực nhận thức chân tính của tâm, tâm với tính không và tính trong sáng sẽ trình bày trong tụng ngôn kế tiếp.
Khía cạnh thứ hai của tri kiến, tuệ giác sai biệt, hiện ra một khi có tri kiến về bản tính tối hậu của các pháp và có tính trong sáng vĩ đại như thế người ta có thể thấy chân tính của chúng sinh – tất cả mọi chúng sinh dù là nam hay nữ. Qua tuệ giác về sự sai biệt của các pháp người ta có thể thấy được chân tính của chúng sinh là “vô ngã” tối hậu. Người ta khám phá rằng trong thực tại ngã không hiện hữu và đây là bản tính thực của tất cả chúng sinh.
Khía cạnh thứ ba của tăng-già giác ngộ là cái thấy thanh tịnh có được qua tuệ giác nội tại và như thế “họ biết sự phổ hiện của tính Giác ngộ toàn hảo nơi tất cả chúng sinh.” Qua khía cạnh tri kiến này, cá nhân thấy tự tính Phật nơi chính mình và nơi tất cả những người khác. Tự tính này giống như viên ngọc tuệ giác của Phật và hạt giống đó ở trong tâm của tất cả chúng sinh. Ở cảnh giới của hàm phu, tự tính Giác ngộ này không thị hiện. Ở cảnh giới của bồ-tát, tự tính này thi hiện ở một mức nào đó. Chỉ khi một người giác ngộ tự tính này có thể thị hiện trọn vẹn Phật tính. Sự khác nhau giữa ba loại thị hiện này không phải là sự khác nhau của bản tính bởi vì tự tính Giác ngộ giống nhau nơi tất cả chúng sinh. Như vậy
đây là “những gì thấy bằng tuệ giác bên trong”.
Trong lời lễ chào nói rằng tăng-già giác ngộ trí thông minh không bị ám chướng và chữ “không bị ám chướng” ám chỉ ba phẩm tính tự tại. Thứ nhất là tự tại với những ám chướng do cảm xúc – ràng buộc, gây hiềm khích, hay vô minh. Thứ hai là tự tại với những ám chướng của suy nghĩ nhị nguyên. Suy nghĩ nhị nguyên là suy nghĩ theo những hạn từ chủ khách và tin mọi sự vật có bản thể. Thứ ba là tự tại với sự kết hợp của hai ám chướng trước tạo ra sai lầm muốn tìm hạnh phúc chỉ cho chính mình như các thanh văn (śrāvaka) hay độc giác (pratyeka-buddha). Tóm lại, qua tuệ giác, tăng-già giác ngộ sở hữu ba loại tri kiến như thế họ có thể thấy tính thanh tịnh tối hậu của bản tính của tất cả chúng sinh. Sáu phẩm tính này được tóm lược ở Bản 1 (trang 46).
Ở chương ba nói về Phật, pháp thân (dharmakāya) tối hậu đã được bàn đến nhưng không bàn về báo thân (sambhoga-kāya) và hóa thân (nirmāṇakāya). Trong chương nói về pháp, pháp kinh văn và pháp chứng ngộ đã được bàn đến và pháp chứng ngộ đã được nhấn mạnh. Trong khi nói về tăng-già và đã nhấn mạnh tăng-già giác ngộ. Như vậy ở ba chương này sự tiếp cận đã nhấn mạnh hình thức tối hậu, cao nhất của Phật, pháp, và tăng-già.
Sáu Phẩm Tính của Tăng-già
15. Qua tri kiến như thực,
bậc thâm ngộ hiểu rõ
chúng sinh tính tịch tĩnh
và hoàn toàn thanh tịnh,
tất cả ô những nhiễm
xưa nay vốn không tịch.
Tri kiến như thực ở mức viên mãn chỉ đạt được bằng Giác ngộ. Khi một người ở trên con đường bồ-tát, tri kiến này hiện diện ở mức độ biến đổi. Không có tri kiến như thực, người ta không nhận thức khía cạnh tương đối, hiện tướng hư huyễn của các pháp,
nhưng thấy nó chỉ là nó, không có sự lệch lạc nào. Thí dụ, một người thấy sợi dây thừng trong bóng tối, y có thể nhầm cho là con rắn. Tri kiến như thực không thấy sợi dây thừng ấy là con rắn bởi vì bản tính của như thực không thấy các hiện tướng hư huyễn của luân hồi. Tri kiến này kinh nghiệm thực tính của các pháp là bản tính của pháp giới (dharmadhātu), tính bản nhiên. Đây là thể (bản tính) và dụng (nhiệm vụ) của tri kiến như thực này.
16. Sai biệt do trí năng
hiểu đối tượng tối hậu
của tri kiến, nhận thức
rằng tất cả chúng sinh
có tính biết tất cả.
Tuệ giác về sự sai biệt của các pháp là thấy cái gì ở đó trong nhiều khía cạnh, không chỉ mười vật, một trăm vật, mà thấy mọi vật trong sai biệt to lớn của chúng. Tri kiến như thực thuộc về chân lý tuyệt đối (chân đế), tri kiến sai biệt thuộc về chân lý tương đối (tục đế). Như thế với tri kiến sai biệt người ta thấy mọi vật: có người thấy một số vật, có người thấy cơ duyên của chúng sinh, và có người thấy tất cả những hiện tướng sai biệt của hiện hữu. Người ta cũng thấy các tướng của sự vật như màu sắc, hình dáng, v.v… của chúng, nhưng không có sự nhầm lẫn trong khi thấy chúng, mỗi sự vật được thấy một cách phân minh. Những người giác ngộ nhận thức thực tại tương đối của tất cả những hiện tướng và nhận thức của họ không rời tri kiến như thực. Khi một người thấy các hiện tượng có tính tương đối, người ấy không bị vướng mắc trong lầm lẫn và hư huyễn. Như thế dù cho những người giác ngộ có thể thấy bình diện tương đối, đồng thời họ biết bình diện tối hậu, đây có nghĩa là họ không thể trở lại thấy hư huyễn.
17. Hiểu như thế là thấy
bằng tuệ giác tự tri.
Đây hoàn toàn thanh tịnh
hư không không tì vết
không chướng ngại, tham dục.
Phẩm tính thứ ba của nhận thức tuệ giác bên trong quan hệ rất thân thiết với tri kiến như thực và tri kiến sai biệt. Nó liên hệ với tri kiến như thực bởi vì tuệ giác nhận thức bản tính chân thực, tuyệt đối của các pháp; “tính ấy của chân như.” Nó không thấy các pháp là hoàn toàn trống rỗng mà là không thể phân chia với tất cả những phẩm tính Phật. Nhận thức này cũng liên hệ với tri kiến sai biệt do nhận thức tất cả chúng sinh là sở hữu tự tính Phật. Chữ “bên trong” trong từ “tuệ giác bên trong” (Tạng: nang gi yeshe) ám chỉ sự kiện nó thuộc về chân tính của tâm. “Tuệ giác” (Phạn: Jñāna, Tạng: yeshe) ám chỉ sự kiện hai khía cạnh của pháp, tính không và tính trong sáng, với tuệ giác là khía cạnh tính trong sáng. Tuệ giác này có khả năng phát triển đầy đủ thành tất cả những phẩm tính tự tại và thuần thục của một vị Phật và biết rằng tuệ giác bên trong hiện diện tất cả chúng sinh.
18. “Thâm ngộ không thối chuyển”
là nơi qui y của
tất cả mọi chúng sinh
vì Phật trí vô thượng
vì nhận thức toàn tịnh
của họ qua tuệ giác.
Nhận thức với ba khía cạnh tri kiến thì tuyệt đối thanh tịnh và điều này liên quan với ba phẩm tính thanh tịnh. Những bậc giác ngộ thì tự tại đối với ba loại ám chướng ràng buộc, xâm hại, hay vô minh. Nếu họ có ba ám chướng này họ sẽ hành động một cách tiêu cực khiến họ bị vướng kẹt trong luân hồi và ba khía cạnh tri kiến thanh tịnh sẽ không phát sinh. Thí dụ, trong trường hợp của thanh văn không còn ám chướng thứ nhất là những phiền não, thì tăng-già giác ngộ là quan trọng nhất.
19. Qua các phương diện thầy,
giáo lý, và đệ tử,
qui y được trình bày
thành ba: liên hệ với
ba thừa và những người
có nguyện vọng đối với
ba phong cách hành động.
Có ba lý do để trình bày theo cách phân chia ba nơi qui y. Thứ nhất là có ba thừa (yāna) là Tiểu thừa (hīnayā), Đại thừa (mahāyāna) và Kim Cương thừa (vajrayāna). Lý do thứ hai để phân chia ba nơi qui y là vì có ba loại hành vi. Có những hành vi lễ lạy, cúng dường, và khẩn nguyện với Phật. Có những cá nhân làm những hành vi này cảm thấy Phật thực sự là tốt nhất trong tất cả mọi hiện thể và là mẫu hình để kính trọng. Có những người khác cảm thấy rằng Pháp thực sự quan trọng nhất bởi vì nó là con đường giải thoát và họ cảm thấy niềm tin sự kính trọng to lớn đối với những lời dạy. Phạm trù thứ ba là những người cảm thấy điểm quan trọng nhất đối với họ là tăng-già vì thế họ sẽ hướng đa số những hành vi của họ về việc xây dựng tăng-già.
Lý do thứ ba để phân chia ba nơi qui y chỉ là do sự ưu ái cá nhân: một số ưu ái Phật, một số ưu ái pháp, và một số ưu ái tăng-già làm nơi qui y.
Pháp và Tăng-già Không Phải Là Nơi Qui Y Tối Hậu
20. Hai pháp và thánh chúng
chẳng phải nơi qui y
tối thượng và vĩnh viễn.
Hai pháp sẽ phải bỏ,
một vì hay thay đổi,
một nữa không là gì,
và vì họ còn sợ.
Cái nguồn qui y tối hậu duy nhất là Phật. Pháp và tăng-già là nơi qui y trên con đường đến Phật quả, nhưng một khi một người trở thành Phật thì không còn cần những cây nạn chống là pháp và tăng-già nữa. Pháp của kinh văn không thể là nơi qui y tối hậu bởi vì khi thành Phật, người ta bỏ các giáo lý lại phía sau và không cần tu tập chúng nữa. Pháp chứng ngộ cũng không phải là nơi qui y tối hậu. Trên đường đạo một người đi qua những giai đoạn chứng ngộ khác nhau và ngay khi người ấy đạt được một mức, thì mức trước trở thành lỗi thời. Bởi vì đường đạo luôn luôn thay đổi làm sao nó có thể là cái nguồn qui y tối hậu được? Chân lý diệt khổ không thể là cái nguồn qui y tối hậu được bởi vì một khi một người phát triển sự chứng ngộ, người ấy không có bất cứ cái gì để chứng tỏ điều đó – một cái gì có thể sờ mó được; đúng hơn người ấy trở thành tự tại với những gì mình không muốn. Chân lý diệt khổ loại bỏ những gì không muốn và không thu nhận một cái gì tích cực, như thế nó không thể là cái nguồn qui y tối hậu.
21. Rốt ráo chỉ có Phật
là nơi qui y cho
tất cả mọi chúng sinh.
Bậc chiến thắng vĩ đại
là hiện thân của pháp
là thành tựu tối hậu
của tất cả tăng-già.
Tăng-già không phải là nguồn qui y tối hậu bởi vì vẫn còn sợ hãi. Tăng-già không đi qua toàn bộ con đường đạo và vẫn còn cần qui y nơi Phật và do đó không ở bên kia sợ hãi.
Theo nghĩa tối hậu, chỉ Phật là nơi qui y chân thật. Tất cả đau khổ và khó khăn biến mất chỉ khi nào đạt được an lạc không thay đổi và điều này chỉ xảy ra khi một người trở thành Phật. Do đó, Phật là nơi qui y đích thực duy nhất. Có phải điều này có nghĩa là qui y nơi pháp và tăng-già là không tốt lắm? Không phải, bởi vì pháp và tăng-già là những phẩm tính kể cả Phật. Phật là pháp thân mà nghĩa đen là “hiện thân của pháp.” Tăng-già là những người đang tu tập trên con đường đến Phật quả và đi từ địa này đến địa khác cho đến khi họ đạt đến chứng ngộ viên mãn cuối cùng. Những phẩm tính của Phật cũng là sự chứng đắc tối hậu của tăng-già, như thế có thể nói rằng tất cả những phẩm tính của pháp và tăng-già đều hiện diện nơi Phật. Đây là lý do tại sao Phật là nơi qui y tối hậu.
Vì Sao Gọi Là Tam Bảo?
22. “Hy hữu và vô thượng”
vì rất khó xảy ra,
không có tì vết gì,
và có đầy năng lực,
trang nghiêm của thế gian,
cái khả hữu tốt nhất,
và không có thay đổi.
“Bảo” (quí) trong tam bảo, nguyên gốc chữ Phạn là ratna và dịch nghĩa đen sang tiếng Tây tạng là rinpoche có nghĩa là “rất quí” hay có giá trị lớn. Nhưng các dịch giả Tây tạng không chọn dịch theo nghĩa đen mà thích một chữ khác hơn bởi vì khi một người nói một cái gì đó có giá trị to lớn, là người ấy nhấn mạnh phẩm tính bề ngoài của nó. Tam bảo thì có giá trị to lớn hơn rất nhiều vì thế nó đã được dịch là kern cho. Kern có nghĩa là “hy hữu” và cho có nghĩa là “tối thượng” hay “tuyệt vời nhất.” Họ đã chọn chữ kern bởi vì tam bảo là hiếm có nhất và cho bởi vì không gì vượt qua được.
Có sáu lý do tại sao Phật, pháp, và tăng-già được cho là hiếm có và cao nhất trong Tạng ngữ. Thứ nhất, ngọc thì rất hiếm có và không mấy người gặp được. Cũng vậy, Phật, pháp, và tăng-già thì thật là hiếm có và nhiều người không gặp được. Thứ nhì, ngọc thì không tì vết. Khi một người tìm được một viên ngọc quí, nó rất sáng chói và không dơ bẩn hay ghê tởm. Tương tự, tam bảo (ba viên ngọc quí) rất tinh khiết bởi vì tam bảo hoàn toàn không có những tì vết của phiền não. Thứ ba, sở hữu ngọc quí là có năng lực. Khi một người sở hữu một viên ngọc quí là người ấy có một vật có giá trị lớn và khi bán nó y có được năng lực tài chánh cho phép y hoàn thành nhiều việc. Tương tự, tam bảo có năng lực bởi vì tam bảo có thể diệt tất cả đau khổ của chúng sinh. Thứ tư, một viên ngọc là một món trang sức làm cho các vật đẹp hơn khi có mặt nó. Cũng vậy, tam bảo là sự trang nghiêm của thế gian bởi vì tam bảo đem nhiều tốt lành cho thế gian bởi vì động cơ căn bản của tam bảo là lợi ích chúng sinh chỉ bằng sự hiện diện của họ. Tam bảo còn có ý nghĩa rất lớn về mặt tự trọng và sẽ không hành xử sai trái bởi vì tam bảo rất thận trọng trong cách hành xử. Tam bảo có đủ sự kính trọng đối với người khác như thế họ sẽ không hành xử không đúng đối với họ. Như vậy những hiện thể này có phẩm tính rất cao và thuần khiết bởi vì cách hành xử của họ. Những người tu tập đạo pháp toàn diện sẽ đạt được sự chứng đạo cuối cùng. Như thế, theo thời gian sẽ có nhiều và nhiều hơn nữa những người đạt đến cảnh giới cao nhất và sẽ có nhiều và nhiều hơn nữa sự trang nghiêm của thế gian. Lý do thứ năm là tam bảo có phẩm tính tuyệt hảo. Trong thế giới chúng ta có nhiều người khác nhau được cho là kỳ diệu bởi vì họ đạt được danh vọng hay thành công hay giàu sang. Nhưng những thành đạt thế gian này không thường hằng và rốt ráo không thể có được lợi ích. Nhưng tam bảo đem đến sự bình an vĩnh viễn và hạnh phúc bất biến. Lý do thứ sáu là tam bảo có thể mang lại thành quả bất biến. Đây tương tự như một viên ngọc quí bởi vì nó không tan rã. Một khi một người đạt Giác ngộ, không thể rơi trở lại trong nhầm lẫn và đau khổ.