V. Một Vài Nhận Định

28/10/20179:16 SA(Xem: 4060)
V. Một Vài Nhận Định

Nguyễn Minh Tiến 
PHÚC TRÌNH A/5630 
PHÚC TRÌNH CỦA PHÁI ĐOÀN ĐIỀU TRA LIÊN HIỆP QUỐC 
TẠI NAM VIỆT NAM 
(REPORT OF THE UNITED NATION FACT-FINDING MISSION TO SOUTH VIET-NAM) 

V. MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH

Các tác giả của Phúc trình A/5630 là những điều tra viên hết sức khách quan và đầy tinh thần trách nhiệm. Hơn thế nữa, phương pháp làm việc của họ cũng khách quan và khoa học, nên những kết quả có được là vô cùng khả tín. Mặc dù đã xảy ra cuộc đảo chính bất ngờ và chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ, nhưng Phái đoàn vẫn hoàn tất cuộc điều tratiếp tục chuẩn bị đầy đủ văn bản, bao gồm toàn bộ nội dung Phúc trình và các phụ lục, để đệ trình lên Kỳ họp Thường niên thứ 18 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đúng như nhiệm vụ được giao.

Có vẻ như đây là Phái đoàn Điều tra đầu tiên của Liên Hiệp Quốc đã tạo ra được “một tiền lệ quý giá” và “những giá trị quý báu cho bất kỳ phái đoàn quốc tế điều tra sự thật nào trong tương lai”, theo như cách nói của Giáo sư Clark trong khảo luận đã dẫn. Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất xảy ra với Phái đoàn này là những kết quả điều tra tận tụy như thế đã không còn cần thiết phải đưa ra thảo luận trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc theo như dự kiến. Điều này được quyết định và ghi lại trong biên bản phiên họp lần thứ 1280 vào ngày 13-12-1963 của Đại Hội Đồng ở tiểu mục 5:

In the light of recent events in South Viet-Nam, those who proposed Agenda Item 77 have informed me that they do not feel it would be useful to discuss the item of this time. Can I take it that, in the circumstances, the General Assembly feels it is not necessary to continue the consideration of item 77?

It was so decided.

Trong bối cảnh những biến cố gần đây ở Nam Việt Nam, những người đề xuất Đề mục 77 trong Nghị trình đã thông báo với tôi rằng họ thấy việc thảo luận đề mục ấy trong Kỳ họp này không còn hữu ích nữa. Trong trường hợp này, liệu tôi có thể xem như Đại Hội Đồng thấy rằng không còn cần thiết phải tiếp tục xem xét Đề mục 77?

Đại Hội Đồng đã quyết định như thế.

Như vậy, nguyên nhân đưa đến nhận định rằng Đề mục 77 không còn cần thiết phải xem xét nữa chính là vì “những biến cố gần đây”, tức là cuộc đảo chính và sự sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm. Mặc dù vậy, ở tiểu mục 4 trước đó, vị Chủ tọa đã không quên xác nhận việc công bố kết quả điều tra trong Phúc trình A/5630:

Its report has just been issued [A/5630]. In this connexion, I must sincerely thank Mr. Pazhwak and Mr. Amor and all the members of the mission for the full and detail report which they have submitted and which they adopted unanimously. 

Phúc trình của [Phái đoàn] vừa được công bố [với số hiệu A/5630]. Trong bối cảnh này, tôi phải chân thành cảm ơn ông Pazhwak và ông Amor cùng tất cả thành viên của Phái đoàn vì đã đệ trình một bản Phúc trình chi tiết và đầy đủ với sự đồng thuận tuyệt đối.

Điều này một lần nữa cho thấy tính hoàn chỉnh và giá trị xác thực của bản Phúc trình này, cũng như tái khẳng định việc không đưa bản Phúc trình ra thảo luận xem xét chỉ đơn giản vì điều đó không còn cần thiết nữa, chứ hoàn toàn không phải do kết quả của việc điều tra.

Mặc dù vậy, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi đọc thấy đoạn sau đây trong cùng bài viết của ông Nguyễn Văn Lục mang tựa đề “Liên Hiệp Quốc và cuộc khủng hoảng Phật giáo 1963”, đã dẫn trong một phần trước. Nếu như ở đoạn trước ông Lục chỉ trích dẫn một cách gián tiếp và không đầy đủ, thì phần trích dẫn dưới đây lại sai lệch hoàn toàn và khiến cho người đọc phải hoang mang vì không hiểu được ông đang sử dụng tài liệu theo phương thức nào. Ông Nguyễn Văn Lục vừa nhận định mang tính kết luận vừa trích dẫn như sau:

“Cho nên, bản Phúc trình của Phái đoàn điều tra LHQ được công bố vào ngày 13-12-1963 đã có đoạn kết luận như sau ra khỏi mọi mong muốn của cấp lãnh đạo Phật giáo tranh đấu:

“Những tố cáo đệ trình lên Đại Hội Đồng LHQ nhằm chống chính quyền Ngô Đình Diệm không đứng vững sau khi phái đoàn điều tra một cách khách quan. Không hề có kỳ thị cũng như đàn áp tôn giáo cũng không hề có sự đụng chạm đến tự do tín ngưỡng. Không thể có một cách nào khác để phán đoán những dữ kiện thực tế, những va chạm giữa một hệ phái, mà không phải là toàn thể cộng đồng Phật tử Việt Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm hoàn toàntính cách chính trị. Đa số thành viên của phái đoàn điều tra đều đồng ý với Chủ tịch Ủy ban.” Report of the United Nations Facts Finding Mission to South Viet Nam. Washington: US government printing office, 1964, 254 trang Bản Phúc trình này được LHQ công bố ngày 13-12-1963, hơn hai tháng sau ngày đảo chính 1-11-1963.

“Trích bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Vy Khanh trong cuốn “Nỗ lực hòa bình dang dở” (Une autre paix manquée). Biến cố Phật giáo 1963 chẳng những là một thất bại thê thảm về mặt chính trị, quân sự mà còn là một thất bại cả về mặt tôn giáo nữa.” (Hết trích) 

Trước hết, chúng ta hãy nói về phương thức sử dụng văn bản. Ông Lục nói rằng “bản Phúc trình... ... có đoạn kết luận như sau”, nên hàm ý phần trích dẫn tiếp theo được rút ra từ Phúc trình A/5630. Tiếp theo, ở cuối đoạn trích, ông ghi nguồn: “Report of the United Nations Facts Finding Mission to South Viet Nam. Washington: US government printing office, 1964, 254 trang”. Như vậy, có thể hiểu đây là một bản in lại, vì bản do Liên Hiệp Quốc công bố không có nguồn từ “Washington: US government printing office” và được in trang khổ lớn, chỉ đánh số đến trang 93 là hết. Tiếp theo nữa, ông lại ghi “Trích bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Vy Khanh trong cuốn ‘Nỗ lực hòa bình dang dở’ (Une autre paix manquée). Như vậy, người đọc phải hiểu là cả hai phần ghi nguồn ở trên ông Lục đều ghi lại theo bản dịch tiếng Việt của ông Nguyễn Vy Khanh, và ông Khanh thì trích lại tài liệu này trong tập sách của mình. Điều khó hiểu ở đây là tên sách của ông Khanh được chú thêm bằng tiếng Pháp, trong khi tên tài liệu trước đó ghi bằng tiếng Anh. Như vậy, rốt cuộc người đọc không thể hiểu được là ông Lục đã sử dụng lại tài liệu này dịch từ tiếng Anh hay từ tiếng Pháp?

Do điểm thắc mắc này, chúng tôi đã đi tìm quyển sách mà ông Nguyễn Văn Lục trích dẫn và thấy tên sách đầy đủ là “Ngô Đình Diệm và nỗ lực hòa bình dang dở”, nguyên bản của tác giả Nguyễn Văn Châu với tên là “Ngô Đình Diệm en 1963, une autre paix manquée”. Như vậy, ông Nguyễn Vy Khanh đã dịch từ bản tiếng Pháp của ông Nguyễn Văn Châu; ông Nguyễn Văn Châu thì trích lại nội dung bản Phúc trình vào trong sách của mình, và rồi ông Nguyễn Văn Lục trích lại từ bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Vy Khanh. Thật là một quy trình phức tạp khiến chúng tôi hoàn toàn không hiểu được vì sao ông Nguyễn Văn Lục không sử dụng trực tiếp nguyên bản tiếng Anh (hoặc tiếng Pháp) của Phúc trình A/5630, vốn được lưu hành rộng rãi và rất dễ dàng tiếp cận?

Mặt khác, toàn bộ đoạn trích dẫn của ông Nguyễn Văn Lục không được tìm thấy ở bất kỳ phần nào trong nội dung bản Phúc trình A/5630. Với cách sử dụng tài liệu “hỗn hợp” như vừa phân tích trên, chúng ta không thể biết được sự sai lệch này đã có từ bản in lại của “US government printing office” hay từ sự trích dẫn của ông Nguyễn Văn Châu, hay sai lệch qua bản dịch của Nguyễn Vy Khanh, mà cũng có thể từ chính sự trích dẫn của ông Nguyễn Văn Lục. Một khả năng suy đoán khác nữa là ông Nguyễn Văn Lục (hay ông Nguyễn Văn Châu) có thể đã trích đoạn văn trên từ một tài liệu nào khác nhưng đã ghi nguồn sai lệch là bản Phúc trình A/5630 này của Liên Hiệp Quốc. Cho dù là bắt nguồn từ đâu thì kết quả cuối cùng vẫn là một sự sai lầm hoàn toàn, khiến cho những người đọc không có điều kiện tiếp cận nguyên bản sẽ hiểu sai về nội dung Phúc trình A/5630. 

Như vậy, về mặt văn bản thì đoạn trích trên đây của ông Nguyễn Văn Lục hoàn toàn không có giá trị xác tín, bởi khi tham chiếu đến văn bản gốc thì hoàn toàn không có.

Xét về ý nghĩa thì đoạn trích này cũng có hàng loạt những điểm sai lầm rõ rệt. Chẳng hạn như câu: “Những tố cáo đệ trình lên Đại Hội Đồng LHQ nhằm chống chính quyền Ngô Đình Diệm” là hoàn toàn sai lầm. Văn bản tố cáo duy nhất được đệ trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 4-9-1963 là Thỉnh nguyện thư của của 16 nước thành viên, và họ chỉ nêu ra những cáo buộc vi phạm nhân quyền để yêu cầu tìm hiểu sự thật, chứ không “nhằm chống chính quyền Ngô Đình Diệm”. Tất cả những cáo buộc khác mà Phái đoàn điều tra đã thu thập và gửi đến Chính phủ Ngô Đình Diệm là một phần trong tiến trình điều tra và chỉ được đệ trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc sau khi soạn thảo hoàn chỉnh Phúc trình A/5630. Mục đích điều tra của Phái đoàn được xác định từ đầu là để tìm hiểu sự thật về những cáo buộc đã nhận được, hoàn toàn không có ý đồ “chống chính quyền Ngô Đình Diệm”.

Và khi đoạn trích này nói “Những tố cáo... ...không đứng vững sau khi phái đoàn điều tra một cách khách quan” thì rõ ràng chỉ là kiểu kết luận một chiều, vô căn cứcố tình xuyên tạc. Một kết luận như thế chẳng những hoàn toàn không có trong bản Phúc trình, mà những độc giả sáng suốt cũng không thể tự rút ra kết luận như thế từ những gì được trình bày trong bản Phúc trình. Hơn thế nữa, câu tiếp theo lại càng đi xa hơn khi khẳng định: “Không hề có kỳ thị cũng như đàn áp tôn giáo cũng không hề có sự đụng chạm đến tự do tín ngưỡng.” Độc giả đã xem qua những trích dẫn từ bản Phúc trình này, với những sự thật mà chính Chính quyền Ngô Đình Diệm cũng phải thừa nhận như bắt giam tăng ni Phật tử (300 người vẫn còn bị giam khi Phái đoàn đến Việt Nam), đánh đập gây thương tích (Phái đoàn đã trực tiếp gặp những người bị thương và cả bác sĩ điều trị tại Bệnh viện Duy Tân) v.v... vậy phải hiểu như thế nào về lời khẳng định trên? Điều này chỉ có thể được đưa ra bởi một người chưa từng đọc qua bản Phúc trình này, hoặc có đọc qua nhưng cố tình bóp méo sự thật vì một ý đồ nào đó.

Nhưng đối với những ai đã được xem qua nội dung Phúc trình A/5630 thì một lời khẳng định như trên sẽ không thể làm thay đổi được gì trong nhận thức của họ về sự thật, mà chỉ có thể gợi lên ấn tượng về một lời nói dối hoàn toàn không có sức thuyết phục

Chính từ những khẳng định vô căn cứ như thế, ông Nguyễn Văn Lục đã đi đến một kết luận cũng hoàn toàn vô căn cứ: “Biến cố Phật giáo 1963 chẳng những là một thất bại thê thảm về mặt chính trị, quân sự mà còn là một thất bại cả về mặt tôn giáo nữa.”

Qua những gì chúng ta đã tìm hiểu trong các phần trên, câu văn này hoàn toàn sai lầm bởi nó phê phán và kết luận về những gì không thực sự hiện hữu. Phong trào Phật giáo 1963 không có bất kỳ mối liên hệ nào đến chính trị, quân sự, bởi thế không thể có sự thất bại hay thành công trong những lãnh vực này. Còn về mặt tôn giáo, Phật giáo đưa ra 5 nguyện vọng có thể quy chiếu về một phạm trù duy nhấtbình đẳng tôn giáo. Sự bình đẳng đó không thể đạt được từ chính phủ Ngô Đình Diệm, bởi nó đã sụp đổ, nhưng qua những gì mà Phật giáo đã phải chịu đựng như đau thương, mất mát, đàn áp, tù đày... thì chắc chắn những người kế nhiệm ít nhất cũng phải rút ra được một bài học rằng: đàn áp bằng bạo lực không thể là giải pháp để đạt được quyền lực chính trị bền vững. Phật giáo đã phải hy sinh quá nhiều để có được bài học quý giá đó, nhưng chắc chắn một điều nó sẽ vô cùng hữu ích trong việc hạn chế sự lặp lại của một chính sách đàn áp khác. Phật giáo chưa từng và cũng sẽ không bao giờ xem đây là một thành công của cuộc đấu tranh, nhưng ít nhất thì với kết quả tất yếu đó, phong trào Phật giáo 1963 cũng không phải là vô nghĩa.

Đã có những nhận định sai lầm khi liên kết phong trào đấu tranh đòi bình đẳng của Phật giáo năm 1963 với những mục đích chính trị, hoặc kết hợp những biến cố chính trị của năm 1963 và sau đó để đánh giá và phê phán về Phật giáo. Những điều này là hoàn toàn vô lý và bất công, bởi xét cho cùng thì cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963 chỉ là một cuộc đấu tranh tự vệ, khi những những người Phật tử sau nhiều năm nhẫn nhục chịu đựng đã không còn khả năng tiếp tục chịu đựng được nữa. Và như thế, họ không còn lựa chọn nào khác, không có con đường nào khác, ngoài việc phải nói lên tiếng nói của mình một cách ôn hòa, cho dù điều đó đã dẫn đến hàng loạt những đau thương mất mát, đàn áp, tù đày... như chúng ta đã thấy. 

Sai lầm lớn nhất của Chính phủ Ngô Đình Diệm là họ đã không chịu nhìn nhận Phật giáo như một phần không thể tách rời của dân tộc. Và vì thế, khi họ thẳng tay đàn áp Phật giáo thì điều tất yếu là họ cũng đang làm thương tổn cả dân tộc này, với hơn 80% là tín đồ Phật giáo vào thời điểm đó. Chính vì vậy, tuy họ nhắm đến đối tượng đàn ápPhật giáo, nhưng hệ quả tất yếu mà họ phải nhận lãnh lại là sự mất hẳn lòng dân. Do đó, Chính quyền Diệm đã sụp đổ mà không có được dù chỉ một giọt nước mắt thương tiếc của người dân, mà chỉ có những nụ cười mãn nguyện với “niềm hân hoan được thấy trên đường phố còn vượt hơn cả niềm vui ngày Tết”.
Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 11245)
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…