I. Thông Tin Sơ Lược

28/10/20179:11 SA(Xem: 3442)
I. Thông Tin Sơ Lược

Nguyễn Minh Tiến 
PHÚC TRÌNH A/5630 
PHÚC TRÌNH CỦA PHÁI ĐOÀN ĐIỀU TRA LIÊN HIỆP QUỐC 
TẠI NAM VIỆT NAM 
(REPORT OF THE UNITED NATION FACT-FINDING MISSION TO SOUTH VIET-NAM) 

I. THÔNG TIN SƠ LƯỢC

Biến cố đàn áp Phật giáo tại Đài phát thanh Huế ngày 8-5-1963 làm chết 8 Phật tử có thể xem là “giọt nước tràn ly” làm bùng vỡ và vượt quá giới hạn nhẫn nhục chịu đựng của Phật tử đối với sự bất công của Chính quyền Ngô Đình Diệm từ nhiều năm trước đó. Nhiều cuộc biểu tình và các hình thức phản đối khác nhau đã liên tục diễn ra trên phạm vi toàn miền Nam, mà chủ yếu và sôi động nhất vẫn là ở hai thành phố lớn: Huế và Sài Gòn. Sau cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức tại Sài Gòn vào ngày 11-6-1963 làm rúng động lương tâm nhân loại, chính quyền Ngô Đình Diệm, hay chính xác hơn là ông Cố vấn Ngô Đình Nhu, đã quyết định dùng vũ lực đập tan phong trào đòi bình đẳng tôn giáo của Phật giáo, bất chấp bản Thông cáo chung ngày 16-6-1963 do Ủy ban Liên bộ của Chính phủ cùng ký kết với Ủy ban Liên phái Phật giáo, có chữ ký duyệt khán của chính ông Tổng thống Ngô Đình Diệm, đã cam kết giải quyết thỏa đáng các nguyện vọng chính đáng của Phật giáo

Đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, ông Nhu ra lệnh cho Lực Lượng Đặc Biệt của Đại tá Lê Quang Tung và Cảnh sát Dã chiến tổng tấn công các chùa trên toàn quốc. Chỉ trong mấy giờ đồng hồ thực hiện chiến dịch, chính quyền đã bắt giam 1.426 Tăng Nicư sĩ Phật giáo trên toàn lãnh thổ Nam Việt Nam. Toàn bộ thành phần lãnh đạo Phật giáo chỉ trong một đêm đã bị khống chế bằng bạo lực, giam cầm và khủng bố.

Với những hành vi bất chấp đạo lý cũng như công lý, thách thức lương tri loài người khi sử dụng đến các lực lượng vũ trang tinh nhuệ nhất chỉ để đàn áp, vô cớ bắt giam hàng loạt những con người không có khả năng tự vệ, không có vũ khí trong tay, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tự dựng lên bức tường ngăn cách giữa họ với phần còn lại của nhân loại. Do đó, hàng loạt các hành động phản đối đã liên tục diễn ra ở cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong số những người công khai phản đối mạnh mẽ nhất có cả thân phụthân mẫu của bà Nhu là Luật sư Trần Văn Chương (Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ) và bà Thân Thị Nam Trân (Quan sát viên thường trực của Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hiệp Quốc).

Những tin tức không tốt đẹp về sự đàn áp Phật giáo của chính quyền ông Diệm đã lan truyền nhanh chóng ra khắp thế giới, nhất là sau khi những bức ảnh cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức được công bố trên báo chí. Vào ngày 4-9-1963, đại diện của 14 nước thành viên Liên Hiệp Quốc bao gồm Afghanistan, Algeria, Cambodia, Ceylon, Guyana, India, Indonesia, Mông Cổ, Nigeria, Pakistan, Rwanda, Sierra Leone, Somalia, Trinidad and Tobago (sau đó có thêm hai nước khác nữa là Mali và Nepal) đã cùng gửi một Thỉnh nguyện thư lên Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, yêu cầu đưa thêm vào Nghị trình Kỳ họp thường niên thứ 18 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc một nội dung thảo luận với tiêu đề “Sự vi phạm nhân quyền ở Nam Việt Nam” (The violation of human rights in South Viet-Nam). Thỉnh nguyện thư này mang số A/5489, được gửi đến cho tất cả các nước thành viên Liên Hiệp Quốc vào ngày 9-9-1963. Một văn bản giải thích về việc này cũng được chuyển đến tất cả các nước thành viên vào ngày 13-9-1963, sau đó đưa vào thành Phụ lục số 1 của Thỉnh nguyện thư nói trên (A/5489/Add.1).

Thỉnh nguyện thư A/5489 đưa ra các cáo buộc cụ thể về sự vi phạm nhân quyền của chính phủ Ngô Đình Diệm, trong đó các sự kiện quan trọng vừa diễn ra tại Việt Nam đều được đề cập đến. Về biến cố ngày 8-5-1963 và hệ quả sau đó, thỉnh nguyện thư nêu rõ:

“Nine persons were killed when troops fired on the orders of the Government on the participants. This incident resulted in a request for redress of grievances and the acceptance of responsibility for the killings by the Government. Neither was done, resulting in an increased demand for remedial action. The intensity of feeling against the injustices done by the Government was such that five monks and a nun immolated themselves - a course of action unusual to the followers of the faith.” 

“Chín người đã bị thiệt mạng khi quân đội nổ súng vào đám đông theo lệnh của Chính phủ. Sự cố này đòi hỏi phải có sự giải quyết thỏa đáng và nhận trách nhiệm về hành vi dẫn đến chết người của Chính phủ. Nhưng cả hai đòi hỏi này đều không được giải quyết thỏa đáng, kết quả là càng tăng thêm sự phản kháng đòi hỏi phải có hành động khắc phục hậu quả. Sự phản đối những bất công của Chính phủ đã gia tăng đến mức độ có 5 tăng sĩ và một sư cô đã tự thiêu - vốn là một động thái ứng xử không bình thường đối với các tín đồ Phật giáo.”

Và cuộc tấn công thô bạo vào các chùa trên khắp phạm vi miền Nam Việt Nam vào đêm 20-8-1963 cũng được ghi nhận chính xáccụ thể trong bức thỉnh nguyện thư:

“The appeal for justice from their subjects was met by threats and ridicule and was followed by an attack, a little after midnight on Tuesday, 20 August 1963, on the venerated Xa-Loi Pagoda, the chief shrine in Saigon of the majority faith. Hordes of armed police equipped with machine-guns and carbines entered the precincts of the pagoda and carried away hundreds of monks and nuns to prisons, after inflicting injury on them. This action was repeated in the early hours of the same day in a number of other pagodas throughout the country. At least 1,000 monks are estimated to be incarcerated at present. The death toll is not known.”

“Sự đòi hỏi công bằng của các công dân [Việt Nam] được đáp lại bằng sự đe dọathô bạo, tiếp theo là một cuộc tấn công vào chùa Xá Lợi, ngôi chùa tôn nghiêm nhất Sài Gòn, lúc vừa quá nửa đêm ngày thứ Ba, 20 tháng 8, 1963. Nhiều toán cảnh sát trang bị súng máy và súng trường đã xâm nhập khuôn viên chùa và bắt đi hàng trăm tăng ni, đưa vào các nhà tù sau khi đã gây thương tích cho họ. Hành động này cũng được thực hiện cùng lúc ở nhiều ngôi chùa khác trong cả nước. Hiện nay, ước tính ít nhất đã có đến 1.000 nhà sư bị bắt giam. Số người chết vẫn chưa được rõ.”

Cuộc biểu tình của sinh viên học sinh và phản ứng đàn áp của Chính phủ ông Diệm cũng được ghi nhận:

“Students of Saigon University demonstrating against these arbitrary actions of the Government were arrested by the hundreds on Sunday, 25 August 1963.”

“Các sinh viên trường Đại học Sài Gòn đã biểu tình phản đối những hành vi độc đoán của Chính phủ và bị bắt giam lên đến nhiều trăm người vào ngày Chủ nhật, 25-8-1963.” 

Trước những cáo buộc cụ thểrõ ràng như thế, tại cuộc họp lần thứ 153 của Ủy ban Thường trực (General Committee) Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 18-9-1963, Ủy ban đã quyết định đề nghị Đại Hội Đồng đưa Đề mục số 77 vào Nghị trình Kỳ họp thường niên lần thứ 18 với tiêu đề là “Sự vi phạm nhân quyền ở Nam Việt Nam” (The violation of human rights in South Viet-Nam). 

Đáp lại những cáo buộc của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc, Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không thể im lặng. Vào ngày 4-10-1963, họ đã gửi thư lên Đại Hội Đồng, mời đại diện các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam để tìm hiểu sự thật. Bằng cách này, Chính phủ ông Diệm đã quyết định “tiên hạ thủ vi cường” để chứng tỏ mình “trong sạch”. Hẳn ông đã phải rất tự tin với các chiêu thức để che đậy những việc đã làm, mà trong số đó thì việc kiểm soát chặt các thành phần chính phủ để họ nói theo ý ông cũng như chuẩn bị các nhân chứng giả là điều chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra qua thực tế.

Tại phiên họp thứ 1232 vào ngày 7-10-1963, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận đề nghị của Ủy ban Thường trực, đưa Đề mục 77 vào Nghị trình Kỳ họp Thường niên lần thứ 18. Đại diện của Costa Rica, mặc dù không ký tên trong Thỉnh nguyện thư trước đó, nhưng đã đề xuất trước Đại Hội Đồng là nên chấp nhận lời mời của Việt Nam Cộng Hòa để “có sự khảo sát hết sức nghiêm túc và cẩn trọng về tất cả những dữ kiện có thể thu thập được” (very serious and careful examination of all the available facts). 

Trong phiên họp khoáng đại lần thứ 1234 của Đại Hội Đồng, vị Chủ tịch đã công bố việc chỉ định đại diện của 7 nước thành viên để thành lập một Phái đoàn điều tra, bao gồm: Afghanistan, Brazil, Ceylon, Costa Rica, Dahomey, Morocco và Nepal. Đại diện của Afghanistan là ông Abdul Rahman Pazhwak sẽ giữ cương vị Trưởng đoàn. Đáng chú ý là Chủ tịch Đại Hội Đồng đã xác định nhiệm vụ của phái đoàn một cách cụ thể hơn, đó là “đến Việt Nam Cộng Hòa để tìm hiểu sự thật về tình trạng thực tế ở nước này trong phạm vi mối quan hệ giữa Chính phủ và cộng đồng Phật tử Việt Nam” (to visit the Republic of Viet-Nam so as to ascertain the facts of the situation in that country as regards relations between the Government of the Republic of Viet-Nam and the Viet-Namese Buddhist community). Như vậy, mục tiêu điều tra về vi phạm nhân quyền đã được khoanh vùng một cách cụ thể hơn là những vi phạm nhắm vào Phật giáo. Hơn thế nữa, Đại Hội Đồng cũng thúc giục “phái đoàn phải lên đường càng sớm càng tốt để có thể kịp báo cáo kết quả lên Kỳ họp thường niên đang diễn ra” (The mission will have to leave as soon as possible so that its report can be submitted to the General Assembly at the present session.) 


Kỳ họp thường niên của Đại Hội Đồng khai mạc từ tháng 9 và thường sẽ kéo dài đến giữa tháng 12. Vì thế, Đại Hội Đồng đã quyết định sẽ xem xét và cho ý kiến về sự việc này ngay trong Kỳ họp thường niên của năm 1963.

Về các thành viên, Chủ tịch Đại Hội Đồng đã đích thân chỉ định 7 quốc gia và Chính phủ của mỗi quốc gia tự đề cử người đại diện tham gia. Ngoài ra, Đại Hội Đồng cũng cử thêm một số thành viên chuyên môn để đảm bảo hiệu quả hoạt động tốt nhất cho phái đoàn, bao gồm một Chánh thư ký (John P. Humphrey) và hai phụ tá (Ilhan Lutem phụ trách điều hành và Alain L. Dan-geard phụ trách tài chánh), một Tùy viên Báo chí (Valieri J. G. Stavridi). Cơ quan thường trực của Ủy ban Kinh tế Á châu và Viễn Đông thuộc Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan đã cung cấp một trợ lý phụ trách thông dịch Anh-Việt (ông The Pha Thay Vilai-hongs) và một người thông dịch Anh-Pháp (cô G. Bazinet). Kinh phí dành cho phái đoàn là khoảng 33.600 đô-la Mỹ, do Liên Hiệp Quốc đài thọ

Tại New York, từ ngày 14 đến ngày 21 tháng 10 năm 1963, Phái đoàn Điều tra này đã tổ chức 4 cuộc họp chuẩn bị trước khi lên đường, để xác định các nguyên tắc làm việc cũng như phác thảo ra kế hoạch hành động. Những chuẩn bị này đã được các thành viên trong đoàn thảo luận kỹ lưỡng và đi đến thống nhất. Mục đích chính cũng được xác định một cách chi tiếtcụ thể tại Nguyên tắc số 12 trong các nguyên tắc đã được Phái đoàn thông qua:

“Phái đoàn này là một tổ chức chuyên trách điều tra, được thành lập tìm hiểu sự thật về tình trạng thực tế liên quan đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong mối quan hệ giữa Chính phủ này với cộng đồng Phật tử tại Việt Nam.”

(“The Mission is an ad hoc fact-finding body and has been established to ascertain the facts of the situation as regards the alleged violations of human rights by the Government of the Republic of VietNam in its relations with the Buddhist community of that country.”)

Nhằm đảm bảo tính trung thực cho hoạt động thu thập thông tin, Phái đoàn đã thảo luận với Chủ tịch Đại Hội Đồng và quyết định giữ kín các nguyên tắc làm việc cũng như kế hoạch hành động. Tuy nhiên, mục đích khái quát sẽ được Chủ tịch Đại Hội Đồng truyền đạt đến đại diện của Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hiệp Quốc, để bảo đảm Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa nhận thức đầy đủ về điều này.

Về tiêu chí điều tra, căn cứ vào các cáo buộc đã nhận được, Phái đoàn đã vạch ra những tiêu chí, văn bản pháp lý cần dựa vào để làm căn cứ kết luận về vi phạm nhân quyền. Trong bản Phúc trình, các đoạn văn từ 66 đến 71 đã được dành trọn để nêu rõ các văn bản pháp lý và điều khoản liên quan. Trong số đó, các văn bản sau đây được nhấn mạnh:

- Bản Hiến chương Liên Hiệp Quốc (Charter of the United Nations), ban hành ngày 26-6-1945.

- Bản Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (the Universal Declaration of Human Rights), ban hành ngày 10-12-1948.

- Nghị quyết số 1779 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, ban hành ngày 7-12-1962.

Bản Phúc trình trích dẫn Điều 1, khoản 3 trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh sự “tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo” (respect for human rights and for fundamental freedoms for all without distinction as to race, sex, language, or religion).

Và trích dẫn nguyên văn Điều 18 trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền nói rằng:

“Everyone has the right to freedom of thought, conscience and religion; this right includes freedom to change his religion or belief, and freedom either alone or in community with others and in public or private, to manifest his religion or belief in teaching, practice, worship and observance.” 

“Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tritín ngưỡng, bao gồm cả việc tự do thay đổi tôn giáo hoặc niềm tin, và tự do bày tỏ tôn giáo hoặc niềm tin của mình bằng các hình thức như thuyết giảng, thực hành, thờ cúngthực hiện nghi lễ, dù chỉ riêng một mình hay cùng chung với cộng đồng, tại những nơi công cộng hoặc riêng tư.”

Về ý nghĩa của cuộc điều tra, Phái đoàn nêu căn cứ ở Điều 13, Đoạn 1, phần b của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và trích dẫn nguyên văn:

1. The General Assembly shall initiate studies and make recommendations for the purpose of:

a. ...

b. promoting international co-operation in the economic, social, cultural, educational, and health fields, and assisting in the realization of human rights and fundamental freedoms for all without distinction as to race, sex, language, or religion. 

1. Đại Hội Đồng [Liên Hiệp Quốc] có quyền tiến hành nghiên cứu và đưa ra các khuyến nghị cho các mục đích:

a. ...

b. Thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế và hỗ trợ trong việc thực hiện các quyền con ngườitự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo.

Các văn bản khác cũng được trích dẫn từng phần để nhấn mạnh và làm rõ các yêu cầu của cuộc điều tra. Đặc biệt, trong Phúc trình còn “đề nghị tham chiếu đến các điều số 2, 9, 20, 21, 29 và 30 của Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền” (Reference should also be made to articles 2, 9, 20, 21,29 and 30 of the Universal Declaration.)

Sau quá trình chuẩn bị thận trọng, Phái đoàn chính thức lên đường ngày 21 và đến Phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 0 giờ 30 sáng ngày 24-10. Phía Chính phủ Việt Nam Cộng hòa có ông Phạm Đăng Lâm và các quan chức Bộ Ngoại giao ra đón. Trả lời phóng viên báo chí Việt Nam và quốc tế ngay khi đến phi trường, vị Trưởng đoàn đã xác định rằng “mục đích của phái đoàn là tiến hành những cuộc điều tra tại chỗ, lắng nghe các nhân chứng và tiếp nhận các thỉnh nguyện” (its intention to carry out on-the-spot investigations, to hear witnesses and to receive petitions). 

Phái đoàn về đến chỗ nghỉ là khách sạn Majestic lúc 2 giờ sáng cùng ngày và vị Trưởng đoàn ngay lập tức mở cuộc họp để xem xét đề nghị của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa về chương trình làm việc của Phái đoàn. Theo đề nghị này, Phái đoàn sẽ ở lại Sài Gòn 3 ngày, sau đó đi Vũng Tàu thăm một ngôi chùa “và tiếp tục đi Đà Lạt để viếng một số chùa, cùng với các cơ sở giáo dục và các trung tâm du lịch” (... then to Dalat where visits of pagodas, as well as educational establishments and tourist centres). Trong chương trình cũng dự kiến Phái đoàn sẽ đến thăm Huế, Phan Rang, Phan Thiết, Ba Xuyên, Vĩnh Bình, và tất nhiên “cũng bao gồm trong chương trình việc viếng thăm các chùa cùng với một số địa điểm du lịch” (also included in the programme with visits to pagodas and some tourist places). 

Ý đồ đánh lạc hướng điều tra của Chính phủ Diệm gần như đã lộ rõ trong chương trình do họ đề xuất. Do đó, sau khi xem xét, phái đoàn chỉ chấp nhận duy nhất đề xuất của ngày đầu tiên, 24-10, bao gồm việc viếng thăm mang tính nghi thức đến Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ, sau đó là nói chuyện ở Bộ Nội vụ về vấn đề Phật giáo Việt Nam, hội đàm với Tổng thống Ngô Đình Diệm và cuối cùng ăn tối ở Bộ Nội Vụ. Về tất cả những ngày còn lại trong chương trình do Chính phủ Việt Nam đề xuất, Phái đoàn trả lời là cần có thêm thời gian để cân nhắc trước khi chấp nhận. Chính phủ Việt Nam cũng ngay lập tức đề xuất chi trả mọi chi phí ăn ở và đi lại cho Phái đoàn trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam, và đề nghị tiếp một bữa tiệc chiêu đãi khác ở Bộ Ngoại giao vào buổi tối hôm sau, 25-10.

Phái đoàn đã từ chối đề nghị của Chính phủ Việt Nam và nói rằng họ sẽ tự lo mọi chi phí. Phía Việt Nam sau đó nêu lý do an ninh để đề nghị Phái đoàn sử dụng phương tiện đi lại do họ cung cấp. Cuối cùng, Phái đoàn đồng ý với đề nghị này nhưng yêu cầu chỉ sử dụng một lá cờ của Liên Hiệp Quốc kèm theo cờ Việt Nam ở xe hơi đi đầu, thay vì cắm cờ của các nước thành viên tham gia trong phái đoàn như bố trí của phía Việt Nam khi đón đoàn tại sân bay. Khi giải thích về quyết định này, vị Trưởng đoàn nhấn mạnh rằng họ đến Việt Nam với tư cách đại diện cho Liên Hiệp Quốc chứ không phải với tư cách đại diện cho quốc gia của họ. 

Trong buổi họp ngày 24-10, phái đoàn tiếp tục xem xét bản chương trình đề xuất của Việt Namchấp nhận các đề xuất cho 2 ngày tiếp theo sau đó, 25 và 26 tháng 10, trong đó bao gồm một buổi nói chuyện với Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, một cuộc hội kiến Cố vấn Ngô Đình Nhu, và sau đó là viếng thăm 3 ngôi chùa tại Sài Gòn để tiếp xúc trực tiếp với nhiều tổ chức Phật giáo. Riêng về bữa tiệc chiêu đãi tối 25-10 ở Bộ Ngoại Giao, Phái đoàn đã khéo léo từ chối và đề nghị hoãn lại cho đến ngày cuối cùng khi Phái đoàn hoàn tất công việc và sắp rời Việt Nam

Phái đoàn cũng chấp nhận lời mời đến xem một cuộc diễu binh nhân ngày Quốc khánh 26-10 của Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, Phái đoàn đã yêu cầu phía Chính phủ phải bảo đảm là trong bất kỳ diễn văn, phát biểu nào tại buổi lễ cũng không được đề cập đến sự hiện diện của Phái đoàn. Phái đoàn cũng thông báo với Chính phủ rằng họ muốn hạn chế đến mức ít nhất các sự kiện mang tính xã hội và sẽ không tham dự các hoạt động du lịch đơn thuần chỉ để giải trí. Phái đoàn cũng nói rõ rằng, khi tiếp xúc với các thành viên Chính phủ trong 2 ngày đầu theo đề xuất của phía Việt Nam, phái đoàn sẽ chủ động về các nội dung và phương thức trao đổi, thảo luận nhằm phục vụ cho mục đích điều tra. Phái đoàn cũng báo cho Chính phủ Việt Nam biết là họ sẽ tự quyết định chương trình làm việc trong những ngày sau đó.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 10297)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.