Tôn giáo là một vấn đề không thể không có trong một quốc gia. Phật giáo Đại thừa từng chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội vương quốc Champa. Bằng nhiều nguồn tư liệu khác nhau, bài viết làm rõ thêm về Phật giáo Champa từ thế kỷ III đến thế kỷ X. Thông qua sử liệu, bia ký, di tích, di vật mang dấu ấn Phật giáo Champa, bài viết phân tích nguyên nhân Phật giáo Champa không còn tồn tại trong đời sống văn hóa xã hội của vương quốc này.
MỤC LỤC
1. Đặt vấn đề
2. Phật giáo Champa qua sử liệu
2. Phật giáo Champa qua sử liệu
3. Phật giáo Champa qua bia ký
4. Phật giáo Champa: từ di tích đến di vật
5. Nguyên nhân sự tiêu vong của Phật giáo Champa
6. Kết luận
1. Đặt vấn đề
Xuyên suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo đã đóng góp tích cực vào nhiều mặt của đời sống xã hội, trở thành truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, kiến tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc mang tính nhân văn sâu sắc. Cùng chung dòng chảy ấy, sự du nhập và phát triển rực rỡ của Phật giáo ở vùng duyên hải Miền Trung khẳng định vai trò quan trọng của tôn giáo này với vương quốc Champa. Thế nhưng, cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có sự chú ý đúng mức đối với Phật giáo Champa. Bài viết này sẽ góp thêm tư liệu và đánh giá về sự du nhập, phát triển và tiêu vong của Phật giáo Champa.