Thật có ta không?
Mọi pháp Đức Phật giảng đều nhằm đưa chúng sanh nhận lấy cái vốn sẵn chứa đức năng và trí tuệ. Phật là tánh chân như rỗng lặng trùm khắp, cái thấy biết sáng suốt của Phật ở nơi mọi chúng sanh, âu là tùy duyên mà cùng thấy biết theo cái vọng để chữa lành chấp ngã chấp pháp của chúng sanh, chứ thật ra Phật không thể gọi là chân cũng không thể gọi là giác để còn có đối đãi với vọng và mê cho được. Từ vô thỉ tôi đã quá quen nhận tiền trần hư vọng làm tâm tánh, lấy tâm tánh hư dối làm mình, rồi tâm tánh ấy khuôn trong cái nghiệp riêng chụp lên vạn sự vạn vật mà thỏa thuê chấp trước phân biệt, thành ra đảo điên trôi lộn trong lục đạo. Tôi “đơn giản” là cái tánh viên minh đồng thể ở các căn; chẳng biết tự bao giờ cái nghiệp biến ra đôi mắt nghiệp báo chụp lên tánh thấy khiến từ lúc biết nhìn tôi đã ngỡ đó là mình, rồi nhìn thế giới qua đôi kính lồi nghiệp báo ấy.
Quán chiếu giấc mơ sẽ thấy giữa mơ và thực giống hệt nhau bởi đều chung các ấm ma, rõ nhất là thọ ấm; khác là trong mơ nó đã để lại thân xác trên giường. Điều này lộ ra một bí mật là thân chẳng phải ta, và cái ta tạm thời là thần thức đó thường đêm vẫn bỏ lại thân huyễn này để rong chơi và tạo nghiệp luân hồi. Thế nên có một pháp môn mới hướng hành giả chuyên chú một hướng, một cõi, và nhờ trợ lực chư Phật để lúc thần thức vừa ra khỏi thân liền được hút về phía “an toàn nhất” ấy. Còn với những người tu theo hướng Thượng thừa, họ “thấy tánh khởi tu”; điều tiên quyết về mặt lý phải nhận ra tánh giác bổn nhiên, như là cảm được hơi ấm của mặt trời dẫu không thấy mặt trời, từ đó dụng công theo hướng giới định tuệ, cầu tuệ thấu suốt để buông xả chấp. Kinh nghiệm nằm mơ, đa phần tôi đều có mặt. Một lần mơ thấy mọi người chung vui, còn mình vắng. Tỉnh dậy chợt nghĩ, mình nằm đó trên giường lúc mơ; trong mơ thì không thấy mình, vậy mình đi đâu. Ai đang thấy giấc mơ diễn ra trong lúc tôi không có mặt (trong giấc mơ đó). Phải chăng là cảnh mơ ấy hiện lên trong một tấm gương thấy biết vô hình vô tướng. Tôi chính là một thực thể vô hình giác biết, nhờ giấc mơ hiện trong đó nên tôi cơ hồ cảm nhận được tôi. Rồi nữa, mơ là do ý thức hoạt động, nhưng sao các căn cũng đâu khác lúc tỉnh, tôi bị đánh vẫn đau, vẫn máu chảy khóc than chẳng khác ngoài đời. Bởi, ngoài đời tôi cũng mơ, nên mơ của mơ cũng tương đồng; thậm chí trong mơ còn chồng thêm một giấc mơ nữa, thì cũng đau như chân ta vấp hòn đá nhăn mặt vừa thổi vừa thoa tim vậy. Chợt hay tôi không phải thân này, mà chỉ thuần là cái biết thôi. Nếu tôi là thân này thì thân trước của tôi đâu. Tôi vốn trải qua vô số kiếp nên từng thọ nhận vô số thân. Lại nhớ lần bạn tu đưa ra tấm hình của một người lạ hoắc, hỏi tôi biết ai đây không, cứ hỏi đi hỏi lại, không biết à? Tôi nhìn hoài, không nhớ là ai. Bạn bảo kiếp trước của chú đó. Tôi giật mình. Bạn cười và nói: Đùa đấy nhé, nhưng mà quán đi, không tấm hình này thì lấy một người chưa từng biết mà quán họ là thân kiếp trước của mình, cho nhẹ đi cái sự chấp thân này với khuôn mặt dễ coi này là mình. Tôi sau đó tự đứng trước gương mà hỏi, cái này là mình sao? Không. Giả thôi. Mượn thôi. Chỉ vì sự chấp quá sâu từ nhiều kiếp nên cái huyễn thành thật lúc nào không hay. Bạn tu còn kể lần ngồi ở một quán nước, có vũng nước ở lề đường phản chiếu bầu trời, sực hiểu, ờ, bầu trời dưới nước kia và bầu trời phía trên cái nào thật. Thường chúng ta vẫn nghĩ bầu trời trên đầu là thật, bầu trời dưới nước giả. Giờ hay làm gì có bầu trời trên đầu. Cái bầu trời ấy giả mà!, cũng như thân này vậy. Giả hợp. Sự nhận nhầm thân vọng thành chân cũng ví như chúng ta sau cuộc chạy loạn, bỗng gặp một ngôi nhà trống, vào ở. Ở lâu quá quên luôn ý niệm nhà của ai, thành nhà mình một cách hồn nhiên. Hàng chục năm sau có những vị khách tới xin nghỉ trọ mấy ngày. Gia chủ chợt vụt hiện cái ý nghĩ, những vị khách này là lạ, có khi nào họ là chủ nhân của ngôi nhà vờ đến ở để thăm dò, để lên án cái sự chiếm hữu của mình. Gia chủ bỗng nảy ý đề phòng. Những vị khách cũng thấy gia chủ có cái gì dè dặt khác thường, họ tìm hiểu. Họ bắt đầu buông những câu nói đánh động về sự chiếm hữu ngôi nhà trống… Bởi từ lúc nhập thai chúng ta chấp hạt sương trong thai là mình, sinh ra căn xúc trần lại chấp thêm cái tâm hư giả nữa, thành ra thân tâm ấy hiển nhiên là mình lúc nào không hay. Ngỡ ta là chủ nhân ngôi nhà. Rồi khi những vị khách trần ghé thăm, khách bắt được tâm ý của ta nên họ lấn chủ. Khiến chủ thành kẻ ăn nhờ ở đậu. Là lúc thân tâm ta bị cảnh trần làm chủ, nên mê, không còn tĩnh tâm suy xét những khách trần ấy thảy đều tướng hư giả của tiền trần. Từ sắc trần cho đến pháp trần thảy đều huyễn. Chẳng những khách trần hư giả, mà ngay chính chủ nhân ta từng bị khách hoán đổi vị trí để rồi phải làm nô lệ kia cũng hư giả nốt; chỉ có cái gương tánh giác sáng suốt soi rõ mọi khách trần pháp trần, soi rõ trong tâm và ngoài tâm mới là cái ta cần nhận lấy. Tôi chỉ bắt được những ý niệm thô, và đã quen với việc thấy chúng, nên mỗi khi niệm tham sân vừa lướt qua lúc đối duyên “tôi” liền biết và liền thầm bảo, hãy bao dung lấy nó, hãy tha thứ cho nó, hãy để nó tự trôi đi như mây huyễn trong chiều…
Tôi và bạn sống với quá khứ hiện tại và vị lai bởi chúng ta bị đánh bật khỏi những khoảnh khắc thực tại, dẫu cho cái tánh giác luôn hiển hiện ở sáu căn để nhắc thức ta quay về. Lục căn xúc lục trần liền nhiễm, sau đó tức thì cảnh trần biến thành những cái bóng hư giả mà ta không tài nào thò tay chụp bắt được để chỉnh sửa. Song ta vẫn vui buồn hờn giận với cái hư huyễn ấy. Tánh giác là một tự thể chung và nó hiển hiện ở các căn. Bởi nó có ở mắt nên như lời Phật chỉ dạy, tánh thấy luôn luôn thấy bất luận tối hay sáng: "Nếu như cái thấy cùng một thể với cái tối, thì khi sáng, cái thấy phải tiêu mất, nếu cùng một thể với cái sáng, thì khi tối, cái thấy phải diệt rồi, mà đã diệt, thì làm sao còn thấy được sáng, thấy được tối". Tánh nghe luôn luôn nghe trong từng sát na bất luận ta ngủ hay thức. Thân ta nhờ tánh giác nên biết hết thảy mọi cảm giác không một khắc ngơi nghỉ, chỉ là đến lúc ta ngứa và đau quá nên mới để ý đó thôi. Chính ta có ý, nên lúc để ý mới biết, là cái biết của căn, không phải tánh giác; còn tánh giác thì luôn luôn giác, ngay cả cái huyễn nó cũng “biết tuốt”. Thân tứ đại giả hợp và tâm suy nghĩ mông lung này, tôi đã nhận nhầm! Chẳng biết đến bao giờ tôi có thể ra được thân-tâm-ngũ-ấm? Có lần lôi tài liệu từ drive trong email của mình ra xử lý bỗng nghĩ, dữ liệu này từ lâu cứ ngỡ nó ở trong máy tính. Đúng là tôi lấy dữ liệu từ hộp thư email trong máy tính (của mình); nhưng rõ ràng số dữ liệu này thực tế được lưu trên trời, giữa không trung vô tận, tôi ở dưới bầu trời quê hương hay qua bên tây âu cũng đều lấy được. Bởi nó lưu giữa hư không mà. Đối sánh với tôi để thấy cái thân này huyễn. Tôi và bạn từ lâu vẫn nghĩ những gì tưởng quên, gặp duyên bỗng bật đâu ra nhanh hơn siêu vi tính, cái này đương nhiên vượt khỏi tầm với của trí não. Đương nhiên đa phần dữ liệu tưởng đã quên đi đó thực chất nó lưu trong alaya của tôi. Mà, alaya “của tôi” thật sao? Nếu “của tôi” sao không nằm trong cái thân này. Nó nằm trên trời mà! Dữ liệu muôn kiếp của tôi lưu trong alaya là lưu giữa hư không. Xưa nay tôi vẫn nghĩ cái thân huyễn này là mình, cái tâm vọng này là mình.
Đức Phật chỉ ra tánh thấy của chúng ta sẵn có. Tại tôi chấp cái vật mắt thấy, không biết vạn vật đều huyễn; cái thấy không già không trẻ, không tròn không vuông. Phật phải bảo ông La hầu la đánh chuông để chỉ ra tánh nghe cho ngài A Nan; rằng tánh nghe vẫn đứng đó dẫu âm thanh tiếng chuông tắt, và do vậy tánh nghe nghe được cả nốt lặng. Tiếng chuông cũng như mọi âm thanh có vang lên đều sẽ có ngừng có tắt, song tánh giác thì không tắt. Giữa cái thấy và cái được thấy là một, nghĩa là mọi vật nó đã sẵn đó và chúng như là cái thấy; chứ không phải ta mở mắt mới thấy. Điều này không phải chân lý của “tánh” song quán chiếu sẽ khiến cái ngã nhạt bớt. Dẫu tôi tìm thấy một viên ngọc trong rừng sâu về hiến cho nhà nước thì đó cũng chẳng phải phát hiện. Viên ngọc đã ở đó và cái thấy đã nhuốm lấy nó từ khởi thủy. Tôi huyễn và cái thấy từ mắt là cái thấy theo nghiệp báo không nhìn đúng sự vật hiện tượng, nên nó không được phép mang theo tự ngã. Tánh thấy có thể lấy thí dụ như tấm gương. Lúc ai vẽ lên một hình sẽ hỏi ta thấy không, ta nói thấy; họ xóa hình đi và theo tập khí nhận căn trần thức là mình ta sẽ nói không thấy; thực ra cái thấy vẫn là gương, còn hình hiện hay xóa không làm mất tánh thấy. Xét về kiến giải càng nghiêm trọng. Bạn tu của tôi từ lúc nhận cái không biết, liền biết mọi cái học được hay sự thâu nhận thuần túy qua các căn đều là kiến thức tạm bợ. Kinh từng răn ngay đến chứng tam quả thánh cũng không được tin vào suy nghĩ của mình. Huống hồ phàm phu tôi dám xưng danh các căn của mình nhìn đúng bản chất trần cảnh.
Phật dạy: "Cái thấy nơi tâm tánh là cái tánh minh của bản giác; cái tánh minh của bản giác biểu lộ ra nơi cái thấy, bản nhiên thanh tịnh cùng khắp pháp giới, theo tâm chúng sanh đáp ứng với lượng hay biết". Tôi và bạn do mê nên mới thấy ra trong hư không có muôn pháp hữu vi hư vọng, chúng không có tự thể, song chúng ta chấp thật nên mãi hoài chẳng muốn buông. Kinh viết: "Cái thức nơi tâm tánh là cái tác dụng nhận biết của tánh minh bản giác, "bản giác diệu minh yên lặng cùng khắp pháp giới, ẩn hiện thập phương hư không". Nhận và tập sống với tánh giác, tôi và bạn có cơ hội lìa dần thân tâm huyễn vọng. Thức vốn sáng suốt tự nhận biết qua sáu căn, bởi bản chất của nó chỉ một; nhưng lúc thức chân nhận biết cảnh trần rồi, chúng ta liền khởi bệnh chấp trước, thế nên nó biến thành thức vọng như là tên lính gác khó tính của các căn khiến vạn pháp không như nhiên hòa vào chân tâm được. Tôi tự khuôn mình lại trong nghiệp quả tiền kiếp, bao biện cho cái sở tri hẹp hòi ích kỷ đầy phân biệt chấp trước để vu oan cho vạn pháp vốn/đã bình đẳng với chính nó trước quan tòa nhân quả. Đức Bổn sư dạy niệm niệm hãy vì người, chớ xen một niệm vì mình. Giờ tôi lờ mờ hiểu đó là cách giúp hành giả tự giải tán tự ngã, từ đây tiến thêm bước phá luôn cái rỗng rang.
Cái tâm hư dối của tôi buộc trần cảnh phải lọt vào khuôn thước nhỏ nhoi của nghiệp, nào hay mọi sự vật đều giả hiện, sự giả hiện có lý do và chúng có giấy phép tồn tại bình đẳng tuyệt đối từ pháp giới và dĩ nhiên cái nghiệp của tôi không có quyền chấp trước, không có quyền giành lấy một mẩu nhỏ để yêu ghét giận hờn. Chợt nghĩ tôi có tình thương chăng? Soát lại cuộc sống cũng tự phong mình có tình thương, thực tế thì không. Giả như lúc tôi phải sống với gã A trước nay hay bêu rếu mình, tôi còn tình thương chăng? Rõ ràng không. Vậy tình thương của tôi đâu rồi. Cái gọi tình thương với thân quyến của tôi chính là tình chấp, biến chuyển. Ân sư của tôi dạy chỉ nên dùng một tâm, đó là tâm bao dung, bao dung hết mọi người mọi vật. Họ đổi tâm để sống với con (như tị hiềm ám hại), con kiên quyết không đổi cái tâm bao dung ấy để đối đãi, mà phải khiến cho tâm ấy càng nới rộng. Thân quyến cũng để trên đầu mà gã A kia cũng để trên đầu. Ai cũng đưa lên trên đầu thờ phụng như chính con của Phật vậy. Ấy là con đường mòn chư Thánh đã đi, chúng ta phải lần theo những dấu chân ấy. Ân sư tôi thí dụ Pháp tánh là dòng điện, các thiết bị (dùng bằng điện) là khí cụ; cũng như sáu căn, Pháp tánh vào tai thì thành tánh nghe, qua mắt thành tánh thấy... đều là một thể “đồng viên chủng trí”. Tôi thấm thía và tri ân thí dụ này. Chợt hiểu, với mắt, bên kia gọi “bóng điện” thì bên này gọi “nhãn tánh” (cái tánh thấy, không phải mắt thấy, vì chỉ riêng con mắt chẳng thấy được gì; con mắt là hư dối, nó hư dối thì trần và thức đương nhiên cũng giả nốt); bên kia gọi “quạt điện” thì bên này là “thân tánh” (cái tự biết mát nóng, đau ngứa). Nếu là mắt tai, thân, mũi thì sự tiếp xúc với trần luôn gián đoạn, còn tánh thấy ở các căn đó không dừng nghỉ. Cả khi thân chết rất lâu, các căn hoàn toàn chết rồi, nhiều lúc tánh giác cơ bản vẫn còn ở đó. Các vật sử dụng điện sẽ không chạy nếu không có điện; các căn sẽ không hoạt dụng nếu không có thức a đàn na, mà ẩn sau thức đó có cái vĩnh hằng tánh giác. Chúng ta từ lâu vẫn nhầm lẫn giữa hoạt động của trí não và tánh giác. Không biết rằng ít nhiều tánh giác luôn thông dự vào trí não để giúp chúng ta hoàn thành hoàn hảo những công việc, điều này rõ nhất ở những nhà sáng tạo, những nhà triết học và nhà tư tưởng. Cũng như thế giới địa cầu này trong thời đại mà ý niệm xấu ác tràn ngập, nếu không có sự đan cài của ý niệm siêu thiện từ giới tu hành và đặc biệt là sự gia trì của chư Phật - Bồ tát, hẳn tôi không đủ phước để sống qua một đêm! Chúng ta dựng lập cái biết trên cái không biết vĩnh hằng sáng suốt, song cái không biết vẫn thường xen vào những sự mầu nhiệm, để bạn và tôi luôn nằm trong sự ân sủng vô bờ song lại chẳng biết tri ân. Và sự tri ân mới là những tia sáng đầu tiên rọi vào vùng quang minh từ đó mỗi ta thấy tâm mình vô biên trong sự hẹp hòi của nghiệp thức che chắn. Nhiều lúc ở đâu rớt xuống những ý tưởng, ta tưởng “của mình” nên trương phình bản ngã, chấp mình tài giỏi hơn người; vô tình ta vô ơn với tánh giác. Theo đó căn trần thức sẽ được ta xem trọng, vì thế nó che phủ lên tánh giác khiến càng ngày thể trí càng cùn mòn. Bởi không ít nhiều nhận thấy tánh giác hiển lộ qua các căn, nên tôi từ muôn kiếp chấp sâu nặng về cái thân huyễn. Học Phật là học thuận theo giới, rồi thuận theo đạo trời, ngưng mọi suy nghĩ và tạo tác với cái tôi chủ nhân; chỉ có vậy thân ta mới trở thành khí cụ để tánh giác hiển lộ, và nhiều khi cơ may là phương tiện của chư Bồ tát sử dụng trong những thời điểm cần thiết. Người đời tưởng trí não đệ nhất, nên chặn mọi hướng tâm linh và cố đưa vào thật nhiều tri thức; lại không biết nếu trên đà này rốt cục thua cả siêu người máy; còn thua thiệt là chết sớm, trong lúc tuổi thọ của siêu người máy có khi tương đương thiên nhân.
Mọi pháp đều vô thường biến chuyển. Thức biến. Tâm vốn hiện nhất chân pháp giới, song nghiệp trong thức của ta lại biến thành lục đạo, chín pháp giới. Ta chấp những khuôn nghiệp của mình và lấy đó làm chuẩn lại chẳng hay đang lấy ngao lường biển. Nhớ lời của sư cô Hạnh Chiếu, rằng cái gọi thân người chỉ là tứ đại (đất nước gió lửa) tự ký hợp đồng với nhau, và lúc đó không có bất cứ cái tôi nào dự phần cả, do vậy lúc hợp đồng giữa bốn bên chấm dứt cũng không có ai ở đó để mà kêu than mất mát. Thế nên thầy Trí Siêu mới hỏi: “Ai chết?”, chẳng có ai đó mà sống với chết. Cái sự chấp trước và phân biệt là tâm bệnh nặng nhất của phàm nhân, và còn tùy vào từng người khiến Phật - Bồ tát rất khó tiếp cận kê đơn bốc thuốc. Một khi cái biết tri thức phủ lên cái không biết diệu dụng, ta luôn cho khuôn nghiệp của mình đúng do vậy nghi ngờ cả hạnh Bồ tát trong nhân gian luôn dạy chúng ta trở về với những điều tầm thường nhất, từ đó mà quán chiếu bởi lý viên dung nằm sẵn trong ấy. Cái chết không hề có, bởi cái chết cũng là một pháp biến chuyển. Tướng của mỗi pháp luôn đang biến chứ không hề mất. Và cái thân này của tôi và bạn cũng đang biến, biến đến “cùng cực” thì chúng ta lại chấp chặt vào chữ chết. Có lần trên internet tôi được xem triển lãm chân dung các văn nghệ sĩ, họ “chụp ảnh” ngay sau sô diễn, rất sống động. Đang vui, bạn tu chợt bảo, không phải thật đâu, giả đó, là tượng sáp. Tôi ngẩn người. Giống y thật. Tượng và chân dung ảnh chụp nếu không nói sẽ không phân biệt được. Bạn tu bảo hình hài này giả thôi, bởi nó được thổi vào cái thức nên có hoạt dụng; chúng ta mê vào sáu căn nên chịu chết với nó. Tôi thường xem ân sư giảng pháp trên mạng; một lần chợt nghĩ, ừ, đúng ân sư, nhưng cũng không phải ân sư; đó chỉ là chụp lại cái bóng với tốc độ 24h/s. Thân tôi qua cái nhìn của Phật hẳn cũng là cái bóng; mà cái bóng này với tốc độ huyễn gấp vạn lần. Tôi chấp thân và cái ngoài thân đều thật. Mà thật ra, huyễn. Chỉ có tánh giác là thường hằng, không hình tướng. Chính nó không hình không tướng nên dẫu Đức Phật luôn nhắc trong đó sẵn chứa bi trí cũng chẳng mấy ai tin, tin cũng chưa chắc dám nhận, nhận rồi cũng chưa chắc tập sống cho quen cho nhuyễn, vì nhận và tập sống với nó đồng nghĩa với phải buông sự chấp cái giả. Ai dám buông cái giả đã nghiễm nhiên thành thật và nó luôn được sáu căn thọ lãnh. Hòa thượng Duy Lực từng kể câu chuyện của Trang Tử về con rùa trong giếng và con rùa từ ngoài biển bị té xuống giếng. Con rùa biển nói bên ngoài ấy lớn lắm; con rùa giếng bò 1/3 cái giếng rồi hỏi có lớn như thế này không, con rùa biển lắc đầu. Con rùa biển lại bò 2/3 giếng rồi hỏi lớn cỡ này không. Rùa biển bảo bảo, không; rất lớn. Con rùa giếng ngạc nhiên, nó ý nói đừng bảo bên ngoài lớn bằng cái giếng này đấy nhé. Thầy giải ra một ẩn nghĩa, rằng dẫu lớn đến mấy, khó tin đến mấy thì con rùa giếng cũng có cái để chứng minh. Còn con rùa biển bị lạc vào đáy giếng, nó không có gì làm minh chứng. Tôi và bạn bị mê nên cái tánh giác không hình tướng cùng khắp ấy chẳng có cách gì vẽ ra để thấy, khiến luôn rơi vào ảo tưởng, sống với cái ảo.
Cái huyễn giả đã chiếm hữu hoàn toàn thân tâm, biến ta thành tù nhân của lâu đài ảo ảnh hơn cả một lô cốt kiên cố. Thầy tôi bảo một số người đang sống song họ đã bị đọa vào cái lô cốt tương ưng với ác đạo tự họ dựng lên; sống không ra nổi lô cốt ấy, chết đương nhiên nhập vào cảnh giới đúng với tầng tâm thức đó. Chợt hiểu tại sao rất nhiều con nghiện không thể cai, bởi thuốc chỉ trị thân vật lý, trong lúc ảo ảnh về dư vị của cơn nghiện với cảm giác râm ran như thế như thế thông qua sự hút hít từ liều nhẹ đến liều nặng, từng cấp độ say đến phê nó còn lưu rõ trong tâm tưởng. Giả như thân được cai, lúc trở về, cái ký ức dục ảo đó lại trỗi dậy như thước phim sống động, như ta nghĩ đến quả xoài liền chảy nước miếng, đến không thể cưỡng, và thế là ảo giác tiếp tục lôi thân đi kiếm thuốc. Cũng như nghiệp tập của người tu; trừ phi chính bản thân con nghiện nhận ra mình quá sai lầm, nhận ra sự mê/u minh của mình, nhận ra sự nghiện là một đại họa cho quá trình tiến hóa tâm linh, là đại họa cho gia đình và dĩ nhiên, cái sự nghiện tất yếu cho ra một nghiệp quả không tệ trong tương lai chẳng sớm thì muộn phải lãnh án! Chính điều này, và được sự soi chiếu của trí tuệ ngược dòng, họ sẽ đi xuyên vào màn sương của các ấm ma khắc trong não trạng những thước phim tư liệu về cảm khoái dục lạc hư dối, những thông tin ấy sẽ mờ dần, và cộng với việc “trì giới” (chuyên ròng trì niệm một câu kinh như bạn tu của tôi) để duyên mới không tiếp cho lửa lục trong alaya phực cháy.
Con người chỉ là một hình nhân được nghiệp lực siêu hư cấu. Hồi nhỏ tôi từng tập tành viết truyện ngắn nên phiếm nghĩ, trong một tác phẩm, tôi nặn ra nhân vật, với một tính cách, một không gian sống, một cuộc đời; và khi những nhân vật chào đời, nó chấp ngay nó, không hề biết nó do tôi tạo ra, nó cứ thế sống với thế giới của nó từ lúc sinh đến già chết, với những vui buồn đau khổ, với đầy đủ tham sân si mạn. Bạn và tôi và vạn vật đều do tâm hiện đầy sống động, nhưng “nghiệp-thức” từ luân kiếp lại biến theo từng ô ngăn nhỏ bé và chúng ta chấp mọi sự phải vừa với những khuôn khổ si mê ấy. Tôi có duyên xem clip về những rô bốt thông minh đẹp tuyệt trần, thật sự rùng mình. Ở Nhật người ta đã đặt một cô rô bốt ở ghế đợi tàu và ai cũng nhầm là người thật. Cô biết ứng phó giao tiếp, biết biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt y xì người. Khoảng dăm năm nữa những cô rô bốt chẳng những có thân hình tuyệt mỹ với những bộ phận biết nhạy cảm chẳng khác người phàm mà về mặt tâm lý cũng dần hoàn thiện hơn để cho giống với thọ ấm ma. Sẽ có những người yêu và thậm chí cưới rô bốt làm vợ (!). Hãy suy ngẫm, vậy là chúng ta đã bị ấm ma đánh lừa, chúng ta yêu rất thật một người máy (?). Đương nhiên các nữ rô bốt cũng biết làm việc như thường. Nhưng “họ” không có tự ngã, làm như không làm (như một vị chân sư đã biến mất tự ngã, chỉ lợi ích chúng sanh mà làm, bởi thực sự tự ngã là cái không có). Và điều này nữa, biết đâu đến một ngày cô rô bốt nhận ra mình đẹp, biết làm dáng, biết hờn giận trên dữ liệu ngôn ngữ được xử lý một cách quá thông minh. Cô tưởng mình thật, bắt đầu dựng lập cái tôi để rồi nhận một “linh hồn” nào đó “của mình”! Thực ra, điều này chỉ là phiếm luận, bởi rô bốt do con người sáng tạo; như lời thầy tôi, nó không thể kết nối với vũ trụ, nó không là một phần của vũ trụ hay toàn thể tánh với vũ trụ như bao chúng sanh; và đương nhiên nó vô tự tánh. Nhưng cái nó giống chúng ta ở chỗ cùng là những bộ máy; những bộ máy đều không hề có tự thể. Trên thế giới rất lâu rồi người ta từng chế ra con rô bốt đánh thắng kỳ thủ số 1 thế giới, nghĩa là nó thông minh hơn người. Rồi cuối năm 2017 một cô người máy đã được cấp quyền công dân nhờ “trí tuệ” nhạy bén. Theo đà này rất nhiều người máy sẽ thông minh hơn nhiều những con người thông minh nhất thế gian. Nhưng dẫu rô bốt thông minh đến mấy, nó cũng không hòa được vào thế giới tâm linh, không nhận được tánh giác vốn sẵn và dĩ nhiên không bao giờ biết đến một cõi trí tuệ siêu vượt thời không. Con người một khi từ chối đạo, từ chối tu để kết nối với cõi huyền nhiệm, phải chăng sẽ có ngày tụt hậu so với người máy và không chừng nhiều người phải làm nô lệ cho người máy. Chỉ có con đường tâm linh cầu giải thoát, con người mới vượt lên rô bốt, trở về chân trí tuệ làm chủ trước mọi tai ương. Ấy là cách hòa nhập vào đại tự nhiên, để thấy thân xác vô thường và thực tế không phải là Ta. Chấp quá sâu nặng nên chết đi vẫn chấp cái bóng do tác dụng của thần thức (như lời Tổ) và chấp luôn cái bóng đó là ta. Vì sao?? Bởi không nhận được và không sống được với tánh giác để làm cầu nối hòa cái ta vào tự tánh. Tôi từ muôn kiếp đến nay đều là thân huyễn tâm vọng được alaya sáng tạo ra tùy nghiệp báo trong một không gian ảo với một cuộc đời ảo. Một siêu rô bốt với tên gọi tâm ý thức. Cái gọi con người chỉ là cái bóng lướt trên trần gian. Giờ đây người ta quay phim tôi đi đứng rồi chiếu lên màn hình, mà thực ra nào thật có tôi trên ấy ngoài những hình nối ghép vào nhau quá nhanh. Trong nhiều bộ kinh cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa, Đức Phật đều chỉ ra “chúng sanh huyễn nhân”. Ở Đại thừa thắng diệu là nhận lấy tâm tánh đằng sau sự huyễn; còn Tiểu thừa thường quán đến thân tâm mộng huyễn, trụ vào chân không Niết bàn; song giả như nếu đủ duyên gặp được bậc tu đến tầng này thật phúc cho bạn và tôi lễ lạy suốt đời. Nói khá dễ, điều trọng yếu là quán chiếu cho ra cái huyễn như thật. Đức Phật khuyên mỗi hành giả thực hành thiền tỉnh giác (vipassana) cốt để chúng ta sống chậm, nhận biết từng khoảnh khắc vô thường; cũng như để từ cái tôi đi đứng trong màn hình được quay thật chậm để thấy chỉ là những hình ghép nối. Bạn tu khuyên tôi mỗi ngày mỗi tháng mỗi năm hay suốt cuộc đời chỉ làm một việc duy nhất; ý là làm gì cứ làm mỗi việc ấy cho xong hẳn. Bởi bạn thấy tôi cúc áo chưa cài xong đã mang dày; quần chưa xăm đã cầm gáo múc nước; chân còn trong nhà tâm đã để nơi đôi dép ngoài hiên. Việc này chồng việc kia ấy là do tâm chồng lấn những niệm vọng, tâm bị vọng cuốn đi như hề! Còn bạn chỉ một câu kinh rõ ràng minh bạch mà niệm. Câu kinh dẫu lướt như gió thì trong tâm vẫn từng chữ rõ ràng vang vang, kể cả trong giấc mơ. Tôi không tin và không sống nổi với tánh giác để ra khỏi cái ảo. Phật hẳn đứng trước mắt vạn lần nhắc thức trước hết nhận lấy tánh giác sáng suốt, buông cái giả đi song nào dễ. Tôi đau tôi vẫn thấy mình đau chứ nào biết chỉ có cái tánh giác/biết đau mới tạm gọi là mình. Tôi sân nộ lật đổ mọi thứ, lao vào ai đó đánh đấm mà đâu hay cái tánh giác luôn biết cái tôi đang làm khờ dại “làm xiếc” để rồi diễn tiếp vở bi hài kịch ác đạo. Viết những dòng văn nhiều lúc tánh giác nó sắp xếp, phá rào trí não rồi tuôn ra khiến những ngón tay cũng không biết đang khua tít mù trên bàn phím, vậy mà rồi vẫn chắc chắn chiếm giữ bài viết của mình. Rồi lúc bệnh vẫn sợ chết, mà không biết có tấm gương đang soi cái sợ chết vọng lên từ thọ ấm. Sự chấp giữ sâu nặng thân này khiến mọi kiến giải đều là sự điều động của tham chấp. Sự hành trì của tôi mới hay chỉ dẹp được vài ba tên lính quèn phía ngoài thành trì, còn sào huyệt ngũ ấm thật ra chưa nhìn thấy nói gì đến công phá. Mà sự công phá kể cũng lạ, ân sư tôi dạy chỉ cần buông cái mê dục xuống, buông cái chấp trước phân biệt mỗi khi căn tiếp trần xuống; sống vì người làm vì người, tiếng tăm lợi dưỡng nhường lại cho người cúng dường cho người; buông xuống cái chấp chặt tham sân si mạn nghi hư dối, nghiêng về phía tánh giác như hoa hướng dương nghiêng về phía mặt trời. Mọi sự đã như theo nhân quả nghiệp báo tơ hào không sai, con chỉ cần gỡ đi hàng rào chấp trước, vọng tưởng, phân biệt, cứ để mọi sự như như xuyên vào bản tánh và chết lặng trong đấy như sự chìm dần của hạt bụi xuống đáy hồ thu lặng gió.
Tôi và bạn cũng như mọi chúng sanh, đều chỉ có cái tánh giác dung chứa nghiệp thức từ vô thủy và trí tuệ đức năng sẵn đủ. Song do mê nên tôi chẳng nhận ra, nay lờ mờ hiểu lại vẫn sống với thân huyễn và tâm vọng, nên không thể sử dụng được kho báu tánh giác đồng thể như mọi người, thật đau khổ! Thật đau khổ khi biết mình có kho báu “cha” để lại, lại chưa thể buông chấp thân huyễn tâm vọng dự phần tận hưởng niềm an lạc vô biên của sự phụng hiến.