Một ngày sực nhớ quê hương
Giải quyết sự khổ trong đời này (nhẹ lòng trước mọi chướng ngại) và an lạc, giải thoát khỏi luân hồi ở đời sau, ngoài Phật pháp ra không gì có thể thay thế.
Giả như không có niệm lực gia trì của chư Phật và Bồ tát, chư thánh và một phần nhờ ý niệm từ chính lớp người hiểu và hành theo chánh pháp, sự sống ở các hành tinh sẽ chóng tàn hoại. Tiếc là ý niệm thiện từ việc trì niệm hồng danh quá ít so với tạp âm, tà âm tràn ngập hư không. Thử tính trong một xóm làng, thành phố hay quốc gia, tỉ lệ người phát sóng siêu thiện bao phần trăm so với chiều ngược lại? Hậu quả của ý niệm thiện hay bất thiện không những ảnh hưởng các mối quan hệ xã hội, mà theo tiến sĩ vật lý lượng tử của Đại học Harvard John Hagelin (Giám đốc Liên Hiệp toàn cầu khoa học gia cho Hòa bình Quốc tế, là người đã phát triển lý thuyết "Trường đại thống nhất dựa trên siêu dây" của A.Einstein), ý niệm là dạng dao động sóng phát ra sẽ biến đổi từ trường, có thể ảnh hưởng cả một thành phố. Còn chân tướng sự thật thì sao, theo lời dạy của các chân sư cũng như trong Kinh điển, mỗi ý niệm dầu nhỏ nhiệm là "nhổ một sợi lông chấn động toàn thân", nên một ý niệm của riêng mình có thể chấn động tận hư không khắp pháp giới. Năng lực của tâm quá lớn, thật ngoài sức tưởng tượng, thậm chí còn hơn cả bom nguyên tử như một thiền sư từng ví. Tâm chính là pháp giới; toàn cả vũ trụ chính là tâm mình. Cũng là ví dụ của các bậc cổ đức giác ngộ: trong mộng thấy có ta và thế giới; do đâu mà có, không phải là tâm của ta biến ra sao? Thế giới trong mộng là do tâm ta trong mộng biến hiện, thế giới ngoài đời cũng do tâm vọng của chúng sanh trong mười pháp giới biến hiện. Còn thế giới Cực Lạc là do chân tâm của Phật và Thánh chúng tạo nên. Cho nên trở về Cực Lạc mới thật là trở về quê hương của chân tâm tự tánh.
Phật độ khắp mười phương song chớ hiểu nhầm “tha lực”; rằng Phật sẽ đưa tay “bốc” chúng sanh từ Ta Bà đặt lên Cực Lạc. Phật làm vậy đã không còn ai cùng khổ trên quả địa cầu nữa. Nhân quả luân hồi là quy luật vận hành của vũ trụ chứ không phải do Phật bày ra. Ta Bà bể khổ, đâu đâu cũng khổ, nên ngày đêm thiết nguyện sanh Cực Lạc, Phật sẽ đến lúc ta lâm chung (hay lâm nạn). Điều đáng trách là ta bịt mắt trước cảnh vi diệu mô tả trong “ngũ kinh, nhất luận” nên thấy cõi ác trược này tươi đẹp quá chừng; niệm Phật ngày đêm song chưa hề có tâm thế về với Phật, cứ hẹn rày hẹn mai, hẹn đến lúc thân xác tàn hoại vẫn bám chặt lấy ngôi nhà tứ đại, bám ngũ dục lục trần, tài danh lợi dưỡng. Thương xót chúng sanh, Phật mở con đường thoát cảnh lầm than. Phật chỉ ra tâm Phật trong mỗi chúng sanh, và do vậy bất kể ai cũng có cơ hội lên nước Phật. Trôi lăn từ vô thỉ, thậm chí có người kiếp trước có tu, kiếp này vẫn phàm phu không hề tin Phật, đều là sự thể hiển nhiên. Chớ tưởng ta đời này theo Phật sẽ an ổn dong buồm cập bờ giác. Trong alaya mỗi sinh mạng chứa quá nhiều chủng tử xấu. Nghiệp lực trong một người thôi, kinh viết nếu có hình tướng sẽ đầy cả hư không. Dẫu tu tập tinh tấn, lúc mạng chung lỡ nhân xấu trồi lên sẽ rơi vào tam đồ vạn năm không ra được, cũng là sự thường.
Vẫn biết ai rồi cũng chết, nhưng sự thật có muôn vàn cái chết thảm thương. Có một Phật tử tu tập khá chuyên cần, ngày sắp mất đạo tràng đến hộ niệm, đứa con tự dưng “từ trên trời rơi xuống” ngăn cấm triệt để, bà uất nghẹn trợn mắt mà chết. Chứng kiến cảnh một người nằm liệt giường bao nhiêu năm trời đến thối thịt, con cháu mỗi lần bước vào lau rửa liền ói mửa, sẽ thấm thía sự chết không đơn giản. Chưa nói chứng đắc cao xa, chỉ cần có một cái chết nhẹ nhàng, một cái chết an lành trong chánh niệm và có đạo hữu trợ duyên đưa tiễn đã khó lắm. Tổ Ấn Quang từng khuyên người hãy dán chữ tử trên trán là vậy. Bậc giác giả khuyên người mỗi đêm lên giường lắng tâm niệm Phật. Chuyên chú lâu ngày, ta sẽ thấy được trạng thái rất gần giấc ngủ; xem như sắp trôi vào cõi chết, là lúc ta nắm được cận tử nghiệp. Chứng đắc lên thẳng Cực Lạc là khó; dùng thường nghiệp (ngày nối đêm xuyên qua mọi công việc) và bám cận tử nghiệp để lên nước Phật sẽ nhiều hy vọng hơn. Liên đới việc hộ niệm lúc lâm chung, nếu mười người hộ niệm mà tâm vẩn vơ đâu đâu bất quá chỉ hơn chút xíu máy niệm Phật với vai trò nhắc nhở khổ chủ tỉnh giác. Lúc hộ niệm phải nhất tâm như ngồi giữa đạo tràng dự khóa công phu mới đem lại lợi ích lớn cho người được hộ niệm và chính bản thân mình; dĩ nhiên việc có vãng sanh hay không là chuyện lớn, không thể qua sự tướng bình thường mà bàn cho được.
Hành giả suốt đời do dùng tâm phàm niệm Phật, và do không huân tập “Phật tiếp dẫn”, phút lâm chung miệng niệm tâm loạn, sống chưa tương ưng với từ ái thì đâu có ai xuất hiện. Phật sẽ đến tiếp dẫn nếu tâm người đó tương ưng với thiết nguyện, cung kính và tràn đầy bao dung cõi trần ô trược. Phật bên ngoài chính là do tâm (Phật) trong ta cảm ứng. Một người không hề sợ ma, lúc nào cũng chỉ biết niệm Phật thì dẫu có bước giữa nghĩa địa cũng không thể gặp ma. Nói theo ý của Hòa thượng Tuyên Hóa, tâm Phật chính là từ tâm ma quỷ tu thành. Tâm ma quỷ, hiểu ở mức thô tức tâm quá nhiều vọng tưởng đảo điên, luôn toan tính lợi mình hại người và vạn vật. Mỗi ý niệm phát xuất, dẫu là vi tế nó đều tồn tại như một dạng vật chất. Dẫu thoáng nghĩ xấu về người, thì ý nghĩ đó đã xuyên vào đối tượng mình nghĩ và còn “sát thương” vô số trên đường bay của nó đến tận cùng pháp giới. Ta có thể ngăn được chân tay song cực khó để ngăn ý niệm xấu ác. Đa phần nghiệp lực là do ý niệm tạo thành. Ý niệm chồng chéo lên nhau tại kiếp này và từ nhiều kiếp trước. Tại sao bỗng thấy ghét một người trong lúc họ không can hệ đến ta? Có thể do ta có vướng mắc thù oán với họ từ thuở xa xôi nào trước lúc cha mẹ sinh thành hoặc đời này do ta hay “ngó lỗi người”, hay đó chính là nghiệp từ tâm phân biệt và chấp trước quá sâu nặng. Ý niệm giận ghét nhau sẽ tạo nên một loại từ trường, nếu có máy chụp lại sẽ cho màu sắc tối xám; nhiều thiền sư chứng thiên nhãn đã nhìn thấy loại màu sắc này. Thí nghiệm nước kết tinh cũng đã chứng minh. Kinh điển cho biết ý niệm tích lũy đều phát sanh loại từ trường có đầy đủ "sắc thanh hương vị xúc". Truyền thống Thực dưỡng Oshawa khuyên khi người hay cáu giận không nên nấu ăn và cũng không nên bưng soạn đồ ăn cho người khác, vì ý niệm vô hình (hữu hình đối với người có thiên nhãn) đã phóng vào làm biến đổi đồ ăn, người dùng dễ đau bụng hay nặng hơn có thể ngộ độc...
Mỗi một hình ảnh lọt vào mắt sẽ được lưu giữ dẫu bao lâu vẫn trỗi dậy quấy phá tâm như một loại vi rút hạng nặng. Câu Phật hiệu khởi lên, là phương pháp tối ưu thanh lọc phiền não. Hiện tượng bỏ vợ theo bồ bởi ta không chịu xóa cái ấn tượng mạnh mẽ ban đầu; không bỏ được thói phàm ăn bởi ảo giác khắc quá sâu về những món ngon… Lúc tâm chưa kịp lưu một khuôn mặt đẹp, một món ăn ngon, một bài hát hay, câu hồng danh đã thực hiện chức năng hóa giải. Niệm Phật mà không nghe rõ từng chữ, những hình ảnh sẽ mạnh hơn và tất nhiên vọng tưởng làm chủ. Tha thiết niệm hồng danh bằng cả máu huyết, đến một lúc nó sẽ rút năng lượng bất cứ loại vọng tưởng nào.
Người chỉ dùng miệng niệm Phật mà không dùng tâm; xưng là đệ tử Phật trong lúc hành vi trái hẳn lời Phật dạy, luôn chực nhảy khỏi khuôn khổ ngũ giới, thập thiện khác gì với tay vào hư không đánh đu vọng tưởng. Người học Phật đều biết nhân quả, vẫn ít người ngờ đến mức độ tàn phá thân tâm từ vọng tưởng. Tưởng hành vi xấu (nhất là hành vi giữa bàn dân thiên hạ) mới đưa lại hậu quả; tưởng nghĩ xấu chút sẽ chẳng hại ai, đâu ngờ đó mới chính là tế bào “ung thư”. Tôi đã và đang phóng vô vàn ý niệm xấu, như một dạng “dáo mác” có mức độ “hủy diệt” khủng khiếp. Nếu tiếp tục nhân lên, lúc có những ý nghĩ/hành động/hình ảnh tương tự trước mắt, nó như mồi được châm lửa hủy hoại công đức. Điều này giải thích tại sao có những vụ ly hôn hay vụ án lớn đơn thuần xuất phát từ những chuyện nhỏ nhặt. Bởi quá khứ họ phát ý niệm xấu đến nhau, không tập dùng Phật hiệu hòa giải; những niệm đó nén lâu ngày thành khối u nằm im lìm trong tâm (tưởng yên bình), chực chờ cơ hội đánh gục những đôi chân hướng về cõi giác.
Tâm lúc nào cũng với ý niệm thiện, trong trường hợp chướng ngại trái chiều ta cũng khởi tâm niệm Phật, nhẹ nhàng thanh thoát cho nó trôi đi như rác rến trên dòng sông, tâm sẽ tịnh sáng và cho ra một thân thể khỏe mạnh, đủ thời gian giúp ta có được tấm vé lên Cực Lạc. Tại ngôi chùa Thiên Giang ở phố cổ Bao Vinh, trong đạo tràng có mấy trường hợp bệnh viện kết luận là “K”; tin Phật, đêm nào họ cũng niệm Phật đã đẩy lùi ung thư, có người hai năm vẫn bình thường, có người hai mươi năm rồi vẫn như chưa có sự cố nào xảy ra trong đời. Trở về với thí nghiệm nước nhờ âm thanh thiện tác động đã chuyển từ nhơ qua trong sạch, sẽ thấy niệm Phật có thể chữa lành bệnh nan y. Điều quan trọng ở đây là người bệnh có niệm thuần thành hay chỉ niệm với tâm ích kỷ và mục đích duy nhất cốt lành bệnh để tiếp tục sống những tháng ngày lầm mê.
Vọng tưởng luôn mạnh mẽ bởi nó được sản sinh vô số mỗi ngày và được nuôi dưỡng bằng sự buông thả của hành giả thông qua sự chấp trước và phân biệt trần cảnh qua những ô ngăn nghiệp thức. Lúc ta nằm trên giường tiếng là thư giãn, song trong đầu có những cuộn phim chiếu qua tâm thức một cách sống động; tâm rong ruổi cũng như đứa trẻ với đống đồ chơi thả cái này chụp cái kia. Thay vì để tâm tham dự bữa tiệc vọng tưởng cho đến khi mệt lả trôi vào giấc ngủ lúc nào không hay, ta dụng tâm duy nhất vào câu “A Di Đà Phật” kết thành từng chuỗi miên mật; ban ngày cũng với phương pháp này đối đãi vạn sự vạn vật, lâu ngày sẽ nhận được sự thanh thản thư thái, tỉnh táo trước biến cố. Một ả hàng cá chửi (dẫu họ sai chăng nữa) mà ta sân thì trong lúc đó ta không bằng họ. Chớ bận tâm nhiều đến những lời khen, quyết niệm Phật mỗi khi ai đó trái ý thích của mình, cho đến lúc tự cảm thấy họ chính là thầy, là thiện tri thức, cảm thấy thương yêu họ, chừng đó ta thực đang trong tiến trình giải thoát.
*
Một bậc chân tu từng ví: tập tánh xấu của chúng ta cũng như rất nhiều chương trình được cài đặt sẵn trong máy vi tính; hễ khởi động máy, những chương trình ấy cùng đồng loạt “nổi loạn”. Trong quá khứ dễ có những sợi dây liên hệ bất hảo với ai, tình trạng này được lặp lại nhiều lần, tâm ta sẽ lưu vào ký ức thành một loại "ác dữ liệu"; khi gặp lại người đó, dữ liệu tự động nhảy ra ngoài tầm kiểm soát, và như vậy mỗi lần gặp dữ liệu càng thêm đậm nét. Ta lại cho tình trạng này là thật, cũng gần giống như hiện tượng tự kỷ ám thị hay "nhìn dây thừng tưởng lầm con rắn" mà sợ toát mồ hôi. Có khi đương sự đã thay đổi hẳn, nhưng ta vẫn nhìn người đó với hình ảnh cũ, đó chỉ là cái bóng cũ do chính ta phóng hiện. Nhiều loại bệnh tật cũng từ đó phát sinh, nếu biết chỉ ít ngày đã có thể hóa giải, còn không hiện tượng này sẽ lặp lại cho đến không cùng, lại càng có cơ hội "oán trời trách người", tội nghiệp sẽ càng thêm nặng, phước thọ tổn giảm nghiêm trọng.
Theo diễn giải của Bồ tát Di Dặc còn vi tế hơn: hàng tỉ ý niệm phát xuất trong một giây. Tu thiền định để có thể vượt Tam giới phải dứt sạch ý niệm đoạn hoặc chứng chân; tính theo tiêu chuẩn này trên trái đất được bao người đủ căn cơ? Pháp Tịnh độ, điều quan trọng trước hết là có đầy đủ niềm tin về Cực Lạc quốc; tin rồi có thiết nguyện vãng sanh; quảng đại phát nguyện rồi mức độ hành trì niệm Phật chuyên nhất không? Người tu có chịu buông chấp Ta Bà vào bất cứ lúc nào để về với Phật như lòng mong muốn của một người tù được trả tự do, như đứa con xa quê bao nhiêu năm mong một lần trở về?? Lưu lạc trong vô số kiếp trần ai khổ não. Ai mà chẳng có cội nguồn. Ai không ước trở về nguồn cội. Cái khó là ta cứ nghĩ nguồn cội ở đây, sống trên đất mà chết cũng trên mặt đất này.
Quê hương của chúng ta - là Cực Lạc.
Con người ai cũng từng rơi vào trạng thái “sực nhớ”. Lúc ta cố lục lọi trí nhớ lại không tìm ra điều muốn nhớ, nhưng một lúc nào đó lại “sực nhớ”. Thực tế đó thường là những lúc ta thả lỏng thân tâm. Trí không căng thẳng, tâm bớt vọng ấy là lúc quyền năng tối thượng phát huy. Những người nhập thiền tự dưng nhớ lại những chuyện xa xưa hồi nhỏ; bậc chứng quả Thánh thì nhớ hàng trăm kiếp trước của mình và mọi người, đều nằm vào “lý thật tướng” này. Sở dĩ quyền năng tối thượng không khởi dụng bởi tâm chứa quá nhiều rác, từ đó dồn tất cả công việc vào trí nhớ. Có thể nêu thí dụ: ngày mai hoặc ngày kia ta phải làm việc ấy, cứ sợ quên, thế là ép trí nhớ vận dụng công năng liên tục. Rốt cuộc, quên. Vẫn có trường hợp ta sực nhớ, song cuộc hẹn đã qua hoặc chưa đến, tức nhỡ việc. Ngược lại, luôn biết xóa mọi thông tin để làm sạch tâm; đến lúc cần làm việc ấy việc kia vào thời điểm đó, chỉ cần phát thông tin rồi “không thèm nhớ nữa”, đúng thời điểm quyền năng vi diệu sẽ nhắc ta hoàn hảo! Lý này chính là nương vào cái không mà trụ. Cũng như ngài Huệ Năng khi nghe đến “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” (nên sinh tâm mình vào nơi không có chỗ trụ) liền hoát ngộ. Thời hiện đại có bác sĩ Hew Len đã “phát hiện” và chứng nhập diệu lý thâm sâu, và chính ông chữa lành rất nhiều bệnh nhân chỉ với việc xóa thông tin căn bệnh của đối tượng khỏi tâm mình.
Không luyến tiếc thân mạng, song người tu phải gìn giữ thân mạng quý giá để có đủ thời gian hành trì trước lúc quả đạo hườm chín. Biết gìn giữ mạng của muôn loài chúng sanh là giữ cho chính mình. Gìn giữ thân mạng theo chánh pháp khác với những người ngày nào cũng với ý nghĩ khám chữa bệnh, ngày nào cũng chọn lọc đồ ăn thức uống cầu kỳ. Lời Phật dạy chưa dễ tin thì nay khoa học cũng minh tường: ăn chay luôn ít bệnh tật và minh mẫn hơn ăn mặn. Ở đây không nên nhầm lẫn: người lao động trí óc đơn thuần hay người tu tập cần ít năng lượng lại ăn với chế độ của lực sĩ. Một tài liệu của Pháp được công bố cho hay, bệnh ung thư cũng có thể chữa mà không cần thuốc. Chất bổ dưỡng như thịt bò, các loại cá thịt, sữa, đường… là thức ăn chính của con ung thư; chỉ cần người bệnh ăn thuần rau củ, tiết thực, con ung thư không có thức ăn sẽ ra sao. Hay theo thực đơn Ohsawa. Gạo lứt nấu trong nồi gang, kiên trì ăn với muối mè sẽ lành bệnh. Bây giờ khoa học hiện đại phát hiện: đường phá hoại não trạng và hoại thân thể, đánh lừa vị giác, người tu những tưởng dần dần cũng nên giảm dùng ở mức tối đa. Bệnh xuất phát từ công việc đặc thù, từ sự tùy tiện trong ăn uống, bệnh cũng xuất phát từ tâm đen tối mê mờ. Và đặc biệt quan trọng là ý niệm lo sợ cái chết theo kiểu “tôi giàu có, tôi phải hưởng thụ, tôi không thể chết khi còn quá nhiều tiền của”. Mỗi ý niệm sợ chết phóng ra, con vi rút trong họ có nhiên liệu sống mãnh liệt hơn. Chỉ điều này thôi cũng cho thấy Phật là một đại danh y. Nếu là đạo hữu cùng hiểu đạo lý thì chẳng sao (bởi khi ta khai bệnh, họ sẽ biết xóa ngay thông tin đó); với người không học Phật, họ sẽ khắc chạm căn bệnh của ta vào não trạng, ngày nào cũng phát ý niệm: “gay rồi, bệnh ấy nguy rồi, khó lành, khó qua khỏi rồi”. Ta lo sợ, bệnh càng nặng đã đành; hễ “khối u” trong ta nhiều “fan hâm mộ” nó càng có lý do sinh tồn.
Mức độ xóa thông tin thuần thục, quyền năng siêu nhiên làm việc cực kỳ hiệu quả. Sự vui sự buồn vừa ập đến liền như tảng băng ném vào lửa. Tâm trở lại bình lặng. Trong bất cứ chúng sinh nào cũng đều có chủng tử Phật, vĩnh viễn không tàn lụi dẫu trôi qua lục đạo vô lượng kiếp. Câu nói mang tầm triết lý nhân sinh: "Bản chất con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội". Nhưng có hai điểm hạn chế: thứ nhất nó chỉ bàn đến con người; quan trọng hơn, tổng hòa các mối quan hệ xã hội chỉ tạo nên tập tánh chứ không phải bản tánh. Bản chất của chúng sanh muôn loài là tự tánh-Phật. Giống như một bãi đất trắng, sau một thời gian hội các nhân duyên như nước, gió, không khí, hạt giống, sẽ tạo nên rừng cây rậm rạp đủ loài, nhưng dưới lớp đất thênh thang kia vẫn chứa hạt giống Bồ đề. Người tu là người biết phát quang tạp cây để hạt giống đó nẩy mầm tỏa bóng. Rừng cây kia dẫu đổi được cả khối vàng song không bao giờ là bản chất; hạt giống Bồ đề mới chính là xạ hương, là tinh hoa của con người. Ai những kiếp trước thiếu duyên với Đạo, kiếp này dụng Trí nhận diện chân giả, bước về miền sáng. Tín là chìa khóa mở ngôi nhà Phật pháp. Nhiều người cầm chìa khóa lại chấp nó là ngôi nhà, cứ thế trang hoàng đánh bóng, mong người đời nhìn vào ngưỡng mộ trầm trồ ngợi ca. Điều này chẳng khác mình trú trong thân tứ đại lại ngỡ thân chính là... nhà. Đến lúc nhà cháy lao ra mới tròn mắt trước cảnh giới tối sầm.
Chư Phật không thể xóa nghiệp như ông chủ hào phóng xóa nợ cho kẻ bần cùng. Phật A Di Đà chỉ mở lượng hồng ân cho mỗi người gói ghém nghiệp cũ, tinh tấn dụng tâm trì niệm hồng danh Ngài, phát đại nguyện lên Cực Lạc thế giới. Mang nghiệp cũ, thử lấy ra một món độc là sân. Lúc ta nóng giận, câu niệm Phật phải ngay lập tức dũng mảnh hàng phục được khiến tâm lắng xuống không sai sử chân tay miệng tạo tác. Ở tham, si, mạn cũng vậy. Còn ta bị các thứ độc đó nổi lên sai khiến như trâu bị xỏ mũi, câu niệm Phật vẫn nhớ niệm song thật yếu ớt, thì việc vãng sanh khó rồi! Nếu chúng ta không dụng tâm mà chỉ dùng miệng niệm Phật, dẫu đến bạc tóc đường về Tịnh độ vẫn là “quá khó quá khó”. Ai đêm nằm một mình bỗng sợ ma, cứ thế ý niệm sợ ma mới chồng lên ý niệm cũ, lúc mở mắt không chừng rùng mình trước con ma ngay trước mặt. Sợ ma, người đó cứ bám vào câu Phật hiệu, lần theo từng chữ “A Di Đà Phật”, niệm chữ nào nghe rõ chữ đó, niệm chuỗi nào rành mạch chuỗi đó, cảnh giới xấu trở về không. Từ đây mới thấu yếu chỉ của niệm Phật chính là nghe rõ câu mình niệm và gắng kết chuỗi thành phiến. Giữa đạo tràng hàng trăm người, ta vẫn điềm nhiên nghe lấy câu hồng danh mình niệm nối nhau bất tận; còn không dễ chừng rơi vào tình trạng lên giọng cho đúng tông và khi đó ta trở thành một “con hát” của dàn hợp xướng trong lúc vọng niệm lôi tâm khắp hồng trần. Biết lắng tâm và lắng nhĩ căn lúc niệm Phật thì dẫu ta giữa chợ vẫn có thể điềm nhiên an lạc.
Ta Bà cõi tạm, như cái thang ải mục ta đang đứng cheo leo và sẽ gãy đổ bất cứ lúc nào. Để có cớ gọi tên sự chứng ngộ phải bắt đầu từ niệm Phật hóa giải mọi ý niệm xấu ác khởi sinh. Dụng tâm niệm Phật để “sực nhớ” những kiếp trước ta từng với tay gần chạm vào Đức Phật, và bây giờ chùm nho nơi vườn Cực Lạc đã không còn xanh nữa.