Đâu Là Tận Cùng Của Cô Đơn?

20/06/20233:14 SA(Xem: 3774)
Đâu Là Tận Cùng Của Cô Đơn?

ĐÂU LÀ TẬN CÙNG CỦA CÔ ĐƠN?
Huỳnh Kim Quang

 

Co don 01Có lẽ, không ai trên đời này mà không từng ít nhất một lần cảm nghiệm sự cô đơn. Nhiều người sợ hãi cô đơn, nhưng cũng có không ít người thích nó.

Thi sĩ và tiểu thuyết gia người Áo Rainer Maria Rilke (1875-1926) vào khoảng những năm từ 1902 đến 1908 đã viết cho một sinh viên 19 tuổi có tên là Franz Xaver Kappus (1883–1966) đang học tại Học Viện Quân Sự ở thành phố Vienna của Áo, mà sau đó người thi sĩ trẻ này đã tập hợp các lá thư của Rilke và in lại trong tác phẩm “Letters to a Young Poet” [Những Lá Thư Cho Một Thi Sĩ Trẻ]: “Điều cần thiết chỉ là điều này: sự cô đơn, sự cô đơn nội tâm bao la. Quay vào bên trong chính bạn và không gặp một ai trong nhiều giờ đồng hồ -- đó là điều bạn cần phải đạt được.”

Lời lẽ trong đoạn trích ở trên là lời khuyên của thi sĩ Rilke dành cho chàng thi sĩ trẻ phải biết sống cô đơn và lặn sâu vào nội tâm bao la không cùng tận để tận hưởng nguồn sáng tạo vô biên cho sáng tác của mình.

Nhưng, các nghiên cứu về tâm lý trị liệu đối với sự cô đơn nói rằng cô đơn là một trạng thái tâm lý không tốt cho sức khỏe tinh thần và thể xác, có nguy cơ dẫn tới trầm cảm, và đôi khi thậm chí dẫn tới hành động kết liễu sự sống.(1)

Như vậy, cảm nhận sự cô đơn hoàn toàn tùy thuộc từng cá nhân để có các hậu quả tốt hay xấu, tiêu cực hay tích cực. Và ngay cả nơi cùng một người mà có cảm nhận sự cô đơn tiêu cực hay tích cực khác nhau tùy theo từng trường hợp, từng hoàn cảnh, và tâm trạng. Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn Du đã mô tả tâm trạng cô đơn của Kiều khi bị Tú Bà giam cầm trong lầu Ngưng Bích:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”

 

Cô đơncô độc

 

Chuyên gia phục hồi tâm lý và là tác giả của cuốn sách "Everything Psychology Book” Kendra Cherry lưu ý rằng cần phân biệt giữa cô đơn (loneliness) và cô độc (solitude). Bà nói cô đơn thì không tốt cho tinh thần và thể xác, trong khi cô độc thì lại có nhiều ích lợi cho sức khỏe tinh thần, bao gồm việc giúp con người tập trung tốt hơn.

cho biết cô đơn tạo cảm giác bị cô lập dù rất muốn có liên kết với xã hội. Nó thường được hiểu như là sự cách ly không tự nguyện, sự từ chối hay loại bỏ bởi người khác. Ngược lại, bà cho rằng cô độc là sự tự nguyện. Những người thích thú sống một mình vẫn tiếp tục giữ các mối quan hệ xã hội tích cực mà họ có thể quay về khi họ muốn nối kết. Họ vẫn dành thời gian cho những người khác, nhưng những tương tác này được quân bình với thời gian sống cô độc của họ.(2)

Kendra Cherry thì sử dụng hai chữ trong tiếng Anh loneliness và solitude để chỉ sự khác nhau giữa cô đơncô độc; nhưng triết gia Ấn Độ nổi tiếng thế giới trong thế kỷ 20 là Jiddu Krishnamurti (1895-1986) thì dùng hai chữ tiếng Anh loneliness (cô đơn) và aloneness (cô độc) để nói lên sự khác biệt giữa cô đơncô độc.

Theo triết gia người Krishnamurti, cô đơn (loneliness) là kết quả của sự ảnh hưởngbản thân rất dễ bị uốn nắn; nhưng cô độc (aloneness) thì không phải là kết quả của bất cứ sự ảnh hưởng nào. Nó là sự thoát khỏi hoàn toàn tất cả ảnh hưởng: ảnh hưởng của vợ hay chồng, của Quốc gia, của những gì bạn đã đọc, của nhà thờ và truyền thống, của những đòi hỏi vô thức trong chính bạn. Sự cô độc cũng hoàn toàn thoát khỏi điều đã được biết. Do vậy có khả năng thụ hưởng sự học hỏi, nó đến khi chúng ta hiểu toàn bộ tiến trình của đời sống.(3)

 

Ba loại cô đơn

 

Tiến Sĩ Suzanne Degges-White, nhà tư vấn và giáo sư tại Đại Học Northern Illinois University, phân tích có 3 loại cô đơn: Cô đơn hiện sinh (existential loneliness), cô đơn xúc cảm (emotional loneliness), và cô đơn xã hội (social loneliness).(4)

1/ Cô đơn hiện sinh: Từ quan điểm hiện sinh, một số cô đơn hiện sinh thì tốt cho tâm hồn, và nó là một phần ắt có trong kinh nghiệm của con người. Nhưng, cô đơn có khuynh hướng khuấy động các cảm giác tiêu cực, và trong khi có những cô đơn có thể hữu ích cho việc sáng tạo, những cô đơn khác đôi khi chúng ta không thích và muốn tránh càng nhiều càng tốt.

  2/ Cô đơn xúc cảm: Loại cô đơn này khởi sinh từ cảm nghĩ rằng bạn mất các mối quan hệ hay những gắn bó. Bạn có thể trải nghiệm cô đơn xúc cảm khi bạn thấy mọi người trong nhóm của mình đều có bạn đồng tình còn bạn thì không. Cô đơn xúc cảm có thể được cảm nhận khi bạn cần người nào đó để tâm sự điều gì đó đang xảy ra trong đời bạn, nhưng cảm thấy rằng mình không tìm được ai. Bạn có thể cảm thấy cô đơn vì mất đi một người nào đó trong đời mình, một người bạn thân, cha mẹ, anh em, v.v...

3/ Cô đơn xã hội: Loại cô đơn này xảy ra khi bạn cảm thấy mình cô độc trong một nhóm người. Cô đơn xã hội cũng xảy ra ngay khi bạn đang có mối quan hệ tình cảm lãng mạn với người yêu mà bạn quý. Bạn cũng có thể có cảm giác cô đơn khi bạn bước vào một bữa tiệc mà không nhận ra có người nào quen thuộc và cũng không thấy thoải mái với những người mới. Bạn không cảm thấy sự hiện diện của mình có giá trị trong một đám đông thì bạn cũng có thể trải nghiệm sự cô đơn xã hội.

Tiến Sĩ Suzanne Degges-White cảnh giác rằng ngày nay nhiều người dành thời gian để kết nối với một thiết bị hay với mạng lưới kỹ thuật số hơn là dành thời gian cho sức khỏe cặp mắt, trái tim và xúc cảm lành mạnh. Bà cho biết rằng một nghiên cứu (Primack, Shensa, Sidani, Miller, 2017) cho thấy số người sử dụng truyền thông xã hội cao nhất cũng được báo cáo là mức cô đơn xã hội cao nhất, mà thế hệ Gen Z là tiêu biểu.

 

Gen Z là thế hệ cô đơn nhất

 

Ryan Jenkins, tác giả cuốn “Connectable: How Leaders Can Move Teams From Isolated to All In” [Có Thể Nối Kết: Làm Sao Những Nhà Lãnh Đạo Có Thể Đem Các Nhóm Tách Rời Để Nhập Chung Lại], sách bán chạy nhất trong danh sách của Nhật báo Wall Street Journal, nói rằng 75% người thuộc Thế Hệ Z (sinh từ năm 1997 tới 2012, theo nghiên cứu của Pew Research Center) thỉnh thoảng hoặc thường xuyên cảm giác cô đơn, mức cao nhất trong tất cả các thế hệ.(5)

Ryan Jenkins cho biết chỉ có 45% người thuộc Thế Hệ Z nói rằng họ có sức khỏe tinh thần “tuyệt vời” hay “rất tốt,” là mức thấp nhất trong bất kỳ thế hệ nào trước đó. 91% người trưởng thành của Gen Z nói rằng họ đã từng trải ít nhất một triệu chứng thể xác hay xúc cảm do căng thẳng gây ra, như cảm thấy trầm cảm và buồn rầu (58%), hay không còn hứng thú, động lực, hay năng lực (55%). Và 68% người thuộc Thế Hệ Z nói rằng họ cảm thấy nhiều lo lắng cho tương lai.

Trong một nghiên cứu đối với 2,000 công nhân trên toàn cầu thuộc tất cả các thế hệ -- trước và sau đại dịch – Ryan Jenkins cho biết rằng có tới 72% người được thăm dò nói họ đã trải nghiệm sự cô đơn ít nhất là hàng tháng, mà trong đó Thế Hệ Z là thế hệ cô đơn nhất.

Ryan Jenkins nêu ra 3 nguyên nhân khiến cho Thế Hệ Z trở thành thế hệ cô đơn nhất như sau:

1/ Sự quá mức: Jenkins cho rằng ngày nay mọi người đều bị chi phối bởi việc làm, việc nhà cửa, sự tiến bộ, truyền thông xã hội, các hoạt động của ngày hôm nay, những cam kết của ngày mai, và rồi việc giảm căng thẳng từ tất cả. Những chi phối của chúng ta đang nuốt chửng các nguồn nhận thức, chẳng để lại gì cho chúng ta để tập trung vào những thứ khác. Hàng ngày chúng ta chọn đọc email bâng quơ thay vì đồng cảm, chọn TikTok thay vì cảm xúc, chọn tin nhắn thay vì xúc chạm, hay chọn Instagram thay vì gặp mặt trực tiếp. Chính vì thế đã làm cho Thế Hệ Z ngày càng có ít thời gian hơn để nối kết với con người và do đó họ cảm thấy cô đơn nhiều hơn.

2/ Truyền thông xã hội: Nghiên cứu của Ryan Jenkins cũng cho thấy rằng càng lao vào truyền thông xã hội càng nhiều thì người sử dụng càng cảm thấy cô đơn, cô độc, bị bỏ lại, và không có bạn bè. 

Ngược lại, theo phó giáo sư xã hội học tại Đại Học Wollongong ở Úc Roger Patulny thì sự tiếp cận với truyền thông xã hội không hoàn toàn chỉ đưa tới kết quả tiêu cực là sự cô đơn mà cũng có tác dụng giảm thiểu sự cô đơn trong số những người có tính xã hội cao. Vì sao? Patulny giải thích rằng, “Truyền thông xã hộihiệu quả nhất trong việc giải quyết sự cô đơn khi nó được sử dụng để nâng cao các mối quan hệ đang hiện hữu hay dẫn tới những nối kết có ý nghĩa mới. Nói cách khác, sẽ là phản tác dụng nếu nó được sử dụng như là một thay thế cho sự tương tác xã hội trong đời thực. Vì thế, vấn đề không phải nơi chính truyền thông xã hội mà là cách chúng ta kết hợp nó vào cuộc sống hiện hữu của chúng ta mới tạo ra cô đơn.”(6)

Tuy nhiên, Jenkins cũng cho biết rằng những nối kết trực tuyến có chất lượng cao để giảm cô đơn cho Thế Hệ Z thì rất hiếm hoi.

3/ Thay đổi sự tùy thuộc: Cũng theo Jenkins, nhân loại một cách tự nhiêntùy thuộc lẫn nhau. Tuy nhiên, chúng ta không còn tương quan như đã từng trước đây. Trong quá khứ, nếu vòi nước trong nhà bạn bị chảy nước thì bạn có thể gõ cửa nhà hàng xóm để nhờ giới thiệu thợ sửa ống nước. Ngày nay, bước đầu tiên mà bạn làm là mở YouTube và tìm hiểu cách làm sao để sửa vòi nước chảy rồi tự làm. Thế Hệ Z tìm kiếm sự hiểu biết qua Google hay YouTube. Điều này không phải là xấu mà còn hữu ích và giản tiện. Nhưng khi chúng ta ngày càng chuyển sự tùy thuộc sang kỹ thuật, máy tự động, và thông minh nhân tạo thay vì tương tác với con người thì chúng ta càng cảm thấy cô đơn hơn.

Nhưng một vấn đề được đặt ra ở đây là có cách nào để đối trị hay chuyển hóa sự cô đơn không? Bằng kiến giảikinh nghiệm tu tập trong Phật Giáo, Ni Trưởng Pema Chödrön – người Mỹ xuất gia theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng với Đại Sư Chögyam Trungpa, người sáng lập Đại Học Naropa tại tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ -- đã nêu ra 6 cách chuyển hóa cô đơn.

 

6 cách chuyển hóa cô đơn

 

Ni Trưởng Pema Chödrön đã cụ thể hóa việc chuyển hóa nỗi cô đơn bằng 6 phương thức.(7) Ni Trưởng Pema Chödrön nói rằng có 6 cách để chuyển hóa cô đơn: thiểu dục, bằng lòng, tránh hành động không cần thiết, kiểm soát hoàn toàn, không lang thang trong thế giới dục vọng, và không tìm kiếm an toàn từ những suy nghĩ lan man của con người.

1/ Thiểu dục: Là sẵn sàng cô đơn mà không cần giải quyết khi mọi thứ trong chúng ta mong muốn một điều gì đó để phấn khởi và thay đổi tâm trạng của chúng ta. Thực hành loại cô đơn này là cách gieo hạt giống để sự bất an cơ bản giảm thiểu. Sau khi chúng ta thực hành thiểu dục một cách toàn tâm và kiên định, điều gì đó sẽ thay đổi. Chúng ta cảm thấy ít muốn trong ý nghĩa ít bị quyến rũ hơn. Như Thiền Sư Katagiri (1928-1990) thường nói, ‘Con người có thể cô đơn và không bị nó đánh gục’.

2/ Bằng lòng: Khi chúng ta không có gì thì chúng ta không có gì để mất. Chúng ta không có bất cứ thứ gì để mất ngoài việc được lập trình sẵn trong lòng để cảm thấy chúng ta có nhiều điều để mất. Sự cảm giác rằng chúng ta có nhiều điều để mất được bắt rễ trong sự sợ hãi – về sự cô đơn, về sự đổi thay, về bất cứ gì không thể được giải quyết, về sự không hiện hữu. Bằng lòng đồng nghĩa với cô đơn. Chúng ta từ bỏ niềm tin rằng có thể thoát khỏi sự cô đơn của chúng ta sẽ đem đến bất cứ hạnh phúc lâu dài hay niềm vui hay cảm giác hạnh phúc hay sự can đảm hay sức mạnh. Thường chúng ta phải bỏ đi niềm tin này hàng tỉ lần rồi thì điều gì đó bất ngờ thay đổi. Chúng ta có thể cô đơn mà không cần cái gì thay thế khi có sự bằng lòng với những gì đang xảy ra.

3/ Tránh những hành động không cần thiết: Khi chúng ta cô đơn dữ dội, chúng ta thường tìm kiếm thứ gì đó để cứu mình; chúng ta tìm cách thoát khỏi nó. Chúng tacảm giác khó chịu mà chúng ta gọi là cô đơn, và tâm trạng của chúng ta cố gắng điên cuồng để tìm ra bè bạn để cứu chúng ta khỏi tuyệt vọng. Điều đó được gọi là hành động không cần thiết. Nó là cách làm cho chúng ta bận rộn để chúng ta không phải cảm thấy đau đớn. Chúng ta có thể nào ngưng cố gắng trốn chạy khỏi cô đơn với chính mình không? Chúng ta có thể nào không trốn chạy và níu bắt thứ gì đó khi chúng ta bắt đầu bị hoảng loạn? Thư giãn với cô đơnviệc làmgiá trị.

4/ Kiểm soát hoàn toàn: Có nghĩa là ở mọi cơ hội, chúng ta đều muốn quay trở lại, chỉ nhẹ nhàng quay trở lại khoảnh khắc hiện tiền. Chúng ta sẵn sàng ngồi yên, ngay ở đó, một mình. Đặc biệt chúng ta không phải nuôi dưỡng loại cô đơn này; chúng ta chỉ ngồi yên đủ lâu để nhận ra mọi việc thực sự như thế nào. Cơ bản chúng ta đơn độc và không có gì ở bất cứ đâu để bám víu. Điều này cho phép chúng ta cuối cùng khám phá ra một trạng thái hiện hữu hoàn toàn không bị giả tạo. Quay trở lại và thư giãn với điều gì đó quen thuộc như cô đơnkiểm soát tốt để nhận ra chiều sâu của những khoảnh khắc chưa được giải đáp trong cuộc sống của chúng ta

5/ Không lang thang trong thế giới dục vọng: Lang thang trong thế giới dục vọng là đi tìm những cách thay thế, tìm điều gì đó để làm cho chúng ta thoải máithức ăn, nước uống, con người. Chữ dục vọng bao gồm phẩm chất nghiện ngập, cách mà chúng ta bám víu thứ gì đó bởi vì chúng ta muốn tìm cách làm cho mọi thứ ổn thỏa. Không lang thang trong thế giới dục vọngliên quan trực tiếp với cách mọi thứ đang là. Cô đơn không phải là vấn đề. Cô đơn vốn không có gì để được giải quyết. Tương tự như vậy đối với bất cứ kinh nghiệm nào khác mà chúng ta có.

6/ Không tìm kiếm an toàn từ những suy nghĩ lan man của con người: Chúng ta ngay cả không tìm kiếm sự đồng hành trong cuộc trò chuyện [suy nghĩ] liên tục của chúng ta với chính mình về việc nó như thế nào và nó không như thế nào, nó là như vậy hay nó không là như vậy, nó nên hay không nên, nó có thể hay không thể. Với cô đơn, chúng ta không mong đợi sự an toàn từ cuộc trò chuyện [suy nghĩ] nội tâm của chính mình. Đó là lý do tại sao chúng được hướng dẫn trong lúc thực hành thiền để dáng nhãn lên nó là “suy nghĩ.” Nó không có thực tại khách quan. Nó là trong suốt và không thể nắm bắt được. Chúng ta được khuyến khích chỉ chạm vào cuộc trò chuyện [suy nghĩ] đó và để nó đi qua, đừng làm gì thêm nữa. An trúcô đơn cho phép chúng ta nhìn một cách chân thật và không phóng đại vào chính tâm thức của mình. Chúng ta có thể từ từ bỏ đi các ý tưởng của chúng ta về người mà chúng ta nghĩ mình phải là, hay người mà chúng ta nghĩ chúng ta muốn được là, hay người mà chúng ta nghĩ người khác nghĩ chúng ta muốn được là hay phải là. Chúng ta bỏ hết và chỉ nhìn trực diện vào người của chúng ta với lòng từ bi và khôi hài. Rồi thì cô đơn không còn đe dọađau khổ, không còn trừng phạt.

 

Không phải ai cũng sợ cô đơn

 

Đối với nhiều người, cô đơntrạng thái tâm lý tiêu cực cần phải tránh xa, nhưng đối với không ít người khác, nhất là giới văn nghệ sĩ, cô đơn là chất liệu cần thiết cho sự sáng tạo.

Trong lúc sáng tác, nhà văn hay nhà thơ không thích bị quấy rầy bởi người khác hoặc bởi ngoại cảnh chung quanh vì nó làm phân tâm người viết. Trong lúc sáng tác, nhà văn nhà thơ sống trong cõi rất riêng tư của chính họ. Văn sĩ người Mỹ Ernest Miller Hemingway (1899-1961), trong bài diễn văn đọc lúc nhận Giải Nobel Văn Chương vào tháng 10 năm 1954 đã nói rằng:

“Viết, tốt nhất là sống cô đơn. Các tổ chức cho các nhà văn làm giảm bớt sự cô đơn của nhà văn nhưng tôi nghi ngờ có phải họ cải thiện được việc viết lách không. Nhà văn phát triển trong tầm vóc công chúng khi ông ấy rũ bỏ sự cô đơn của mình và thường thì công việc viết lách của ông ấy bị sa sút. Để ông ấy sáng tác trong cô độc và nếu ông ấy là nhà văn đủ tài thì ông ấy phải đối mặt với sự bất diệt, hay đánh mất nó, mỗi ngày.”(8)

Không phải chỉ có nhà văn Hemingway là sống cô độc khi sáng tác nhiều tuyệt tác, có nhiều nhà văn nhà thơ khác cũng sống cô độc để sáng tác. Chẳng hạn, nhà văn người Mỹ Henry David Thoreau (1817-1862) đã sống trong một túp lều ở bờ hồ Walden Pond để viết tác phẩm “Walden”; nhà văn người Anh George Orwell (1903-1950) đã sống cô độc trên đảo Hebredean của Tô Cách Lan để viết cuốn “1984”; và nhà văn người Mỹ Mark Twain (1835-1910) dựng một túp lều ở cuối mảnh đất của ông và cấm mọi người vào đó để ông sáng tác.

Trong nền văn học Việt Nam, nhà thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940) đã sống trong cô đơn tận cùng vì mang bệnh hiểm nghèo. Cõi thơ của ông vì vậy bàng bạc nỗi cô đơn. Chẳng hạn, trong bài thơ “Một Cõi Quên,” ông viết:

“Đêm ấy lại đêm thức với trăng

Mưa ngoài hiên lạnh ẩn dáng Hằng

Cô đơn! Ừ nhỉ, chừng quạnh quẽ

Đêm rất riêng mình – Một cõi quên!...”

          Nhà văn Mai Thảo, một trong những thành viên sáng lập của nhóm văn học nghệ thuật Sáng Tạo tại Sài Gòn vào thập niên 1950s đến đầu thập niên 1960s, cũng là một nhà văn cô đơn. Theo lời kể của nhà văn Nguyễn Mộng Giác trong bài viết “Nỗi Cô Đơn Lớn Lao Của Mai Thảo” đăng trong Tạp chí Văn Học số 143, tháng 3 năm 1998:

“Mai Thảo tự phác hoạ chính xác chân dung của anh, hay nói đúng hơn, chân dung nỗi cô đơn lớn lao của anh:

Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy”(9)

 

Đâu là tận cùng của cô đơn?

 

Trong bài giảng tại thành phố Bombay, Ấn Độ vào năm 1981, triết gia Jiddu Krishnamurti đã nói như sau:

“Tại sao chúng ta quá cô đơn? Tôi không biết các bạn đã có từng trải nghiệm trạng thái cô đơn, cô lập, không có mối quan hệ nào hết với những người khác hay chưa. Có lẽ một số hay hầu hết trong các bạn đã từng kinh nghiệm điều này rồi. Và nếu chúng ta không hiểu được sự cô đơn thì những hành động của chúng ta sẽ bị sai lạc. Vì thế chúng ta không chỉ đang tìm hiểu hành động mà còn sự cô đơn, mà hủy diệt, phá vỡ, làm sai lạc tất cả mối quan hệ trong hành động. Cô đơn là gì? Tại sao chúng ta quá coi trọng mình? 

“Tại sao chúng ta chỉ sống cho chính mình? Chúng ta có thể có bạn bè, lập gia đình và những thứ khác, nhưng chúng ta thường xuyên chỉ quan tâm đến chính mình. Những hành động của chúng ta điều ích kỷ: tham vọng, tham lam, đố kỵ, đau khổ, hung hăng. Điều đó khá rõ ràng. Có phải đó là gốc rễ của sự cô đơn sâu xa này của con người? Và có thể nào sự cô đơn biến mất hoàn toàn hay không?

“Khi có sự tổn thương, sự tổn thương tâm lý, thì bất cứ hành động nào diễn ra điều không thể tránh bị ảnh hưởng bởi sự tổn thương đó. Chúng ta bị tổn thương rất nặng, không chỉ là vì những điều nhỏ nhặt mà là sự tổn thương sâu xa để không thể nào thực hiện được, không thể nào đạt được, không thể nào trở thành điều gì đó được. Chúng ta tổn thương rất trầm trọng, và sự tổn thương đó ảnh hưởng đến các hành động của chúng ta. Bạn không thể chạy trốn hành động sai lạc nếu bạn đang bị tổn thương. Điều đó có nghĩa là, cho đến bao lâu bạn có được hình ảnh về chính bạn, thì bạn sẽ tiếp tục bị tổn thương. Tất yếu như vậy. Và khi có sự tổn thương, thì hành động sẽ là phá hoại, sẽ mang đến xung đột. Có thể nào tỉnh giác đối với sự cô đơn này và không chạy trốn nó, mà ở lại với nó: không uống rượu, không cầm lấy cuốn sách, không vội vã tìm kiếm vài hình thức giải trí nào đó, mà một cách toàn triệt, không có bất cứ khởi động tư tưởng nào, kham nhẫn với cảm giác cô đơn hoàn toàn? Rồi bạn sẽ thấy, nếu bạn làm được điều đó, cảm giác cô đơn sẽ hoàn toàn biến mất, bởi vì chính tư tưởng tạo ra cảm giác cô đơn.” (10)

Trong bài giảng tại Ojai vào năm 1973, triết gia Krishnamurti nói rằng: “Khi bạn nhìn vào sự cô đơn đó, có phải là bạn đang nhìn nó như một người quan sát khác với cái mà bạn gọi là cô đơn? Phải chăng bạn đang quan sát nó như là một người bên ngoài nhìn vào, hay như một người quan sát là cái bị quan sát? Khi bạn nói, ‘Tôi giận dữ,’ thì sự giận dữ khác với bạn, đúng không? Rõ ràng là không. Bạn là sự giận dữ. Như thế khi bạn quan sát sự cô đơn đó, không có sự trốn chạy nhưng mà bạn đang thực sự tiếp xúc với nó, thì người quan sát là cái được quan sát. Rồi không có động thái trốn chạy hay sự lý giải, và do đó hoàn tất việc quán thông sự cô đơn đó, chấm dứt nó.” (11)

Để ý câu nói của Krishnamurti rằng, “người quan sát là cái được quan sát.” Điều này giống như Đức Phật dạy rằng, “…trong cái được thấy chỉ là cái được thấy, trong cái được nghe chỉ là cái được nghe…,”(12) tức là chỉ quan sát sự cô đơn bằng tâm rỗng lặng mà không có bất cứ tư duy, phán đoánsuy luận nào. Đó là chỗ tận cùng của cô đơn.

 

______________

 

(1) Kendra Cherry, Loneliness: Causes and Health Consequences, đăng ngày 3 tháng 5 năm 2023 trên trang web https://www.verywellmind.com

(2)  Xem chú thích (1) ở trên.

(3) Jiddu Krishnamurti, trong bài giảng tại Saanen vào năm 1962, đăng trên trang web https://kfoundation.org

(4) Suzanne Degges-White, The 3 Types of Loneliness and How to Combat Them, đăng ngày 12 tháng 7 năm 2019 trên www.psychologytoday.com/us

(5) Ryan Jenkins, 3 Things Making Gen Z the Loneliest Generation, đăng ngày 16 tháng 8 năm 2022 trên https://www.psychologytoday.com

(6) Roger Patulny, Does social media make us more or less lonely? Depends on how you use it, đăng ngày 1 tháng 1 năm 2020 trên  https://ro.uow.edu.au

(7) Pema Chödrön, Six Kinds of Loneliness, đăng vào ngày 15 tháng 5 năm 2023 trên www.lionsroar.com

(8) Ernest Miller Hemingway, theo www.en.wikipedia.org

(9) Nguyễn Mộng Giác, Nỗi cô đơn lớn lao của Mai Thảo, Tạp chí Văn Học số 143, tháng 3 năm 1998, đăng trên https://nguyenmonggiac.com  

(10)   Jiddu Krishnamurti, trong bài giảng tại Bombay vào năm 1981, đăng trên trang web https://kfoundation.org

(11)   Jiddu Krishnamurti, trong bài giảng tại Ojai vào năm 1973, đăng trên trang web https://kfoundation.org

(12)   Kinh Bahiya Sutta, Cư sĩ Nguyên Giác dịch từ bản Anh ngữ, đăng trên trang www.thuvienhoasen.org

 

++++

 

Co don 01Có người sợ cô đơn nhưng cũng có người thích cô đơn.(Photo: www.pixabay.com)

Co don 02Thế Hệ Z là thế hệ cô đơn nhất. (Photo: www.pixabay.com)

Co don 03Giới văn nghệ sĩ cũng cần có cô đơn để khơi mạch nguồn sáng tạo.(Photo: www.pixabay.com)

 





 

Tạo bài viết
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…
Nhà sư Ajahn Santamano, người đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine trên khắp Anh quốc trong năm qua, đang liên tục cư trú tại lều trại, nói chuyện với người qua đường và tổ chức các cuộc biểu tình để nhắc nhở mọi người về "sự thông đồng" của Hoa Kỳ và phương Tây trong cuộc diệt chủng dân Palestine. "Hoa Kỳ là thủ phạm chính gây ra cuộc diệt chủng này đang diễn ra ở Palestine", Thượng Tọa Santamano nói với Anadolu, trích dẫn việc Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí và tài trợ Israel. Thầy đặc biệt chỉ trích các vụ đánh bom bệnh viện và vụ thảm sát hàng loạt trẻ em.