Nhân kỷ niệm này 1-11-1963 cách nay 61 năm
NHÌN LẠI
CUỘC CHÍNH BIẾN NĂM 1963
QUA CÁC TÀI LIỆU GIẢI MẬT CỦA MỸ
Cuộc đảo chánh 1/11/1963 lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm được thực hiện bởi một nhóm sĩ quan cao cấp trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, với sự hậu thuẫn từ phía Mỹ là kết quả của một chuỗi sự kiện kéo dài từ chính sách bất bình đẳng tôn giáo của chính quyền Pháp đô hộ Việt Nam trong gần 100 năm (1858-1945). Sự cai trị của Pháp đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Công giáo. Những nhà truyền giáo Pháp và các giáo sĩ bản địa đã mở rộng hoạt động truyền giáo, xây dựng nhiều nhà thờ* và trường học Công giáo. Các hoạt động tôn giáo như Phật giáo và các tôn giáo bản địa khác được giám sát và kiểm soát chặt chẽ bởi chính quyền thuộc địa.
Dưới sự đô hộ của Pháp, Đạo dụ số 10, được ban hành ngày 6/8/1950 bởi chính quyền Bảo Đại, không công nhận Phật giáo là một "giáo hội" mà chỉ xem như một "hiệp hội", ngang hàng với các hiệp hội từ thiện, buôn bán nhỏ lẻ, cây cảnh, thể thao..v..v.
Theo Đạo Dụ số 10 này, chính quyền Bảo Đại chỉ công nhận một giáo hội tôn giáo duy nhất là Giáo hội Thiên Chúa giáo ở Việt Nam.
Sau khi hiệp định Genève phân đôi nước Việt Nam được ký kết, Ông Ngô Đình Diệm đang tu ở một chủng viện ở thành phố New York, bang New York, Hoa Kỳ được Hồng y Spellman đề bạt lên ông Bảo Đại bổ nhiệm giữ chức Thủ Tướng năm 1954 thay chính phủ Bửu Lộc, nhưng chỉ một năm sau, (ngày 23/10/1955) ông Ngô Đình Diệm đã truất phế Quốc trưởng Bảo Đại qua một cuộc trưng cầu ý dân có sắp đặt, ba ngày sau ông tuyên bố thành lập nền đệ nhất cộng hòa do chính ông làm Tổng Thống lâm thời, xóa bỏ tất cả các văn kiện pháp quy ngoại trừ Đạo Dụ số 10 !
Sự kiện này đã tạo ra sự bất mãn trong cộng đồng Phật giáo, vì nó làm giảm đi vị thế và vai trò truyền thống của Phật giáo trong xã hội Việt Nam. Đạo Dụ này phản ánh sự căng thẳng giữa chính quyền và cộng đồng Phật giáo, và nó cũng tạo ra nền tảng cho nhiều biểu hiện kháng cự từ phía giới Phật giáo sau này.
Một năm sau, năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh loại bỏ ngày lễ Phật Đản ra khỏi số ngày nghỉ lễ chính thức hàng năm, trong khi vẫn giữ nguyên ngày lễ Chúa Giáng Sinh. Và sáu năm sau, năm 1963, chính quyền ra lệnh cấm treo cờ Phật giáo nhân ngày lễ Phật Đản năm đó, mặc dầu phía bên Công giáo vẫn được treo cờ Vatican. Sự kiện này khởi đầu cho công cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng tôn giáo của Phật Giáo Việt Nam một cách chính thức và quyết liệt, mà kết quả là cuộc đảo chánh quân sự lật đổ chính quyền nhà Ngô ngày 1-11-1963.
Công cuộc tranh đấu đòi quyền bình đẳng tôn giáo của Phật Giáo Việt Nam bắt đầu ở Huế với cái chết của tám Phật tử đêm 8/5/1963 tại đài phát thanh Huế, tiếp theo là cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 tại Sài Gòn và chiến dịch “nước lũ” tổng tấn công chùa chiền toàn quốc đêm 20 rạng ngày 21/8/1963 của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ba cái mốc lịch sử quan trọng của phong trào Phật Giáo tranh đấu này dẫn đến cuộc đấu tranh toàn dân chống chính phủ gây nên cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng kéo dài nửa năm và kết thúc bằng cuộc đảo chánh quân sự ngày 1/11/1963 lật đổ chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm với cái chết bi thảm của hai anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.
Kể từ năm 1963 đến nay (2024) là đúng 61 năm. Các kho lưu trữ tài liệu mật của các bộ Ngoại Giao, Quốc Phòng, và cục Tình báo Trung Ương Hoa Kỳ đã giải mật cho công chúng và giới nghiên cứu được tự do truy cập thông tin, vào xem hoặc sao chép, để mọi người có thể nhìn lại một khúc quanh của lịch sử Việt Nam một cách rõ ràng.
Tập tài liệu giải mật mới nhất này gồm trên 375 văn bản, được dịch giả Nguyên Giác chuyển ngữ qua tiếng Việt, một cách cẩn trọng và tính chuyên nghiệp cao, được sắp xếp theo trình tự thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng Phật giáo năm 1963, ghi theo hình thức biên niên sử, về các sự kiện từ ngày 8/5/1963 cho tới vài ngày sau cuộc chính biến 1/11/1963, nhìn từ phía chính phủ Hoa Kỳ.
Hầu hết tài liệu trong tập sách này là những văn bản dưới hình thức công điện, bản ghi nhớ, phúc trình được trao đổi giới hạn giữa một số ít giới chức hành pháp cao cấp của Mỹ trong Bộ Ngoai Giao, Bộ Quốc Phòng, Cục Tình báo Trung Ương, Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn, và Thượng Viện Hoa Kỳ. Các tài liệu này bao gồm phần lớn là tài liệu của Bộ Ngoại Giao Mỹ - mà nội dung thường được dùng làm cơ sở để thiết lập chính sách hoặc kế hoạch hành động cấp quốc gia, nên độ trung thực và tính chính xác của tài liệu, dù có lợi hay có hại cho chính quyền Mỹ, đều luôn luôn được người soạn thảo tài liệu cố gắng giữ trung thực.
Như thế, qua các tài liệu đã giải mật, người đọc có thể thấy rõ ràng cuộc đảo chánh 1-11-1963 nhằm lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm không khởi nguồn từ sự xúi giục của bất kỳ ngoại nhân nào, kể cả từ Hoa Kỳ.
Phía Hoa Kỳ, với chính sách tôn giáo, được xây dựng trên một số nền tảng cơ bản, trong đó quan trọng nhất là Tự do tôn giáo. Ban đầu chỉ để nghe ngóng, tìm hiểu và phân tích phía Việt Nam nghĩ gì và làm gì để giải quyết vấn đề bất bình đẳng với Phật Giáo, sau nữa đưa ra những gợi ý hay lời khuyên để cải thiện tình hình. Một ví dụ điển hình là Hoa Kỳ đã đề nghị Tổng thống Ngô Đình Diệm nên bãi bỏ Đạo Dụ số 10 – mấu chốt của vấn đề, nhưng ông Diệm đã làm ngơ (1). Mặc dầu vậy, Hoa kỳ vẫn chủ trương không lật đổ ông Diệm mà chỉ muốn loại bỏ ông bà Ngô đình Nhu ra khỏi guồng máy chính quyền. Hai quan chức cấp cao này là hai tác nhân chống lại thỏa hiệp đã ký kết với Phật Giáo, cản trở việc hòa giải với họ. Mục đích của Hoa Kỳ là vẫn phải tiếp tục giữ vững miền Nam Việt Nam, tiền đồn chống xâm lăng của cộng sản Bắc Việt và Trung Quốc.
Điều này được thể hiện trong nhiều điện văn và các bản phân tích tình báo của CIA và đặc biệt điện văn của Đại sứ Lodge gửi về Mỹ ngày 30-10-1963 nói rằng chuyện đảo chánh hoàn toàn nằm trong tay phía người Việt, Mỹ không can dự vào việc thiết lập kế hoạch mà chỉ hỗ trợ trong trường hợp phía tướng lãnh Việt Nam đảo chánh thất bại cần di tản. Và một điều nữa là Hoa Kỳ không thể nhúng tay vào nội bộ của các tướng lãnh. Cũng trong ngày đó, Tướng Trần Văn Đôn hứa sẽ tiết lộ kế hoạch đảo chánh cũng như ngày giờ thực hiện cho Đại sứ Lodge biết 4 giờ đồng hồ trước khi đảo chánh khởi động. Tuy nhiên, vào ngày 1-11-1963, Tòa Đại sứ Mỹ chỉ được báo trước 4 phút mà thôi. Lý do đơn giản là phía các tướng lãnh đảo chính e sợ bị Hoa Kỳ bán đứng kế hoạch cho Nhu-Diệm.
Hy vọng các thông tin đã giải mật nầy, ít nhất là từ phía Mỹ, sẽ giúp các độc giả, các sử gia và sinh viên ngành Sử học có thêm tài liệu tham chiếu để thẩm định một cách chính xác và đúng đắn về một giai đoạn bi hùng của lịch sử nước Việt thời cận đại nói chung và lịch sử Phật Giáo Việt Nam năm 1963 nói riêng.
Trân Trọng giới thiệu.
Ban biên tập
thuvienhoasen.org
XEM:
Mục Lục Tập Tài Liệu dịch bởi Nguyên Giác:
https://thuvienhoasen.org/a39405/phat-giao-viet-nam-1963-song-ngu
Chú thích:
(*) Theo tài liệu xưa còn lưu lại, thì vào thời Minh Mạng (1820 - 1840), nhân dân 3 làng Thạch Hãn, Cổ Thành và Ba Trừ có chung nhau xây dựng một ngôi chùa khá lớn, thờ tự tượng pháp đầy đủ trang nghiêm tại vùng đất Lá Vằng (có nhiều cây lá vằng mọc hoang, người dân thường lấy lá phơi khô làm thuốc Nam) cách tỉnh thành Quảng Trị khoảng 6 km. Chùa mang tên Chùa Lá Vằng hay còn gọi là Chùa Ba Làng. Đến năm 1885, chùa bị đốt cháy và sau đó bị cưỡng chiếm xây dựng thành nhà thờ La Vang. Kể từ đó, địa điểm này nhanh chóng phát triển và được Giáo hội Thiên Chúa giáo nâng lên hàng Tiểu vương cung thánh đường.
Ngoài ra còn có chùa và tháp Báo Thiên ở trung tâm thủ đô Hà Nội, ngày nay là Tòa Giám Mục và Nhà Thờ Lớn Hà Nội. Lịch sử cụ thể của khu đất bao gồm cả địa chỉ 40 và 42 và toàn bộ phố Nhà Chung (hiện nay) trên đó tọa lạc Tòa Khâm sứ (cũ) và Tòa Tổng Giám Mục, Nhà Thờ Lớn Hà Nội và các tu viện, đan viện và các cơ sở Nhà chung khác nữa ở đây, đều nằm trong khuôn viên của ngôi chùa cổ gần 1000 năm và đồ sộ, nguy nga vào bậc nhất nước Nam xưa. https://phatgiaodanang.vn/thu-vien/tu-lieu/chua-bao-thien-voi-lich-su-dau-don.html
(1) 153. Telegram From the Embassy in Vietnam to the Department of State
- Từ khóa :
- nhìn lại
- ,
- Cuộc Chính Biến
- ,
- Năm 1963