Một ngày kia… đến bờ? / One Day… Reaching the Other Shore? (Song ngữ Vietnamese-English)

15/01/20244:32 SA(Xem: 4389)
Một ngày kia… đến bờ? / One Day… Reaching the Other Shore? (Song ngữ Vietnamese-English)

“MỘT NGÀY KIA…ĐẾN BỜ”(*)
Tuỳ bút 
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Saigon, tháng 6.2023


Một Ngày Kia...Đến Bờ - Bìa Sách
PDF icon (4)Tiếng Việt: Môt Ngày Kia ... Đến Bờ
Tiếng Anh: One Day… Reaching the Other Shore (Minh Duyên dịch, 27.10.2023)


Thật đáng buồn, là phần đông chúng ta chỉ bắt đầu thưởng thức được hương vị đời sống khi chúng ta sắp sửa chết.  

Padmasambhava (Liên Hoa Sanh)

 

Một ngày kia… đến bờ?

Lời ngỏ

Bờ nào? Bờ bên kia hay bờ bên này? Đáo bỉ ngạn? Là mong cho tới bờ bên kia? Ý rằng bờ bên kia hẳn là hay hơn, đẹp hơn, tốt hơn bờ bên này? Sao biết? Đã có ai nói cho biết chưa? Có con rùa nào từng đi dạo lang thang từ dưới biển lên đất liền nói cho biết chỗ nào đáng sống hơn chăng? 

Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté… một đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú, vô đẳng đẳng chú… năng trừ nhất thiết khổ chân thật bất hư ư? Sao người ta vẫn đọc hà rầm khắp nơi, đọc hằng ngày câu chú trong Tâm kinh Bát Nhã đó mãi mà vẫn thấy cứ còn khổ, thậm chí “cực khổ”, nên chỉ mong sao được mau về miền “cực lạc”, được vãng sanh qua nơi khác, qua bờ bên kia. Vậy mà lạ, hình như ai cũng muốn sống lâu, thậm chí trường sinh bất tử, nghĩa là ở mãi nơi này, nơi “cực khổ” này? Tại sao?

Tôi viết những cảm nghĩ này ở tuổi U90 của mình, viết cho riêng mình đọc, lai rai đọc cho đến khi không cần đọc nữa! Và dĩ nhiên có thể chia sẻ cùng bè bạn thân

quen “cùng một lứa bên trời lận đận” của mình để có dịp “chí chóe” cho vui…!

Well-being và well-dying vậy nhé! 

Đỗ Hồng Ngọc 

(6.2023)

 

Đạt Lai Lạt Ma  (tựa Tạng Thư Sống Chết)

- Chúng ta nghĩ rằng mình được miễn trừ đối với sự vô thường, và vì thế chúng ta trì hoãn sự tu hành tâm linh, và cho rằng ta sẽ còn thời gian. Khi thời điểm không thể tránh khỏi xảy tới, điều duy nhất chúng ta phải mang đi là niềm hối tiếc. Chúng ta cần phải đi vào sự thực hành ngay lập tức để dù cái chết có tới sớm thế nào chăng nữa, chúng ta cũng sẽ sẵn sàng.

 - Nếu bạn nghĩ tưởng về cái chết và sự vô thường, bạn sẽ bắt đầu làm cho cuộc đời bạn có ý nghĩa. Khi bạn quán chiếu về sự chắc chắn của cái chết nói chung và sự bất định của giờ chết, bạn sẽ làm mọi nỗ lực để tự chuẩn bị cho tương lai.  

- Mỗi ngày, các hành giả Mật thừa trải nghiệm quá trình sự chết trong sự quán tưởng. Điều ấy giống như trải qua cái chết về mặt tâm thức. Vì quen thuộc với nó, họ hoàn toàn sẵn sàng khi thực sự gặp gỡ cái chết. Do thường thực tập tiến trình chết trong khi thiền định, một thiền giả có thể sử dụng lúc chết của mình để đạt những chứng ngộ lớn lao. Đấy là lý do những hành giảkinh nghiệm thường nhập định vào lúc họ chết.

- Theo đạo Phật, sống và chết được xem như một toàn thể, ở đây chết chỉ là khởi đầu của một chương mới. Chết như một tấm gương trong đó phản chiếu tất cả ý nghĩa cuộc đời.

Trong nền giáo lý vi diệu này, chúng ta tìm thấy toàn bộ sự sống chết được trình bày song hành như một chuỗi dài những thực tại thoáng chốc luôn luôn biến chuyển.

- Thiền là cách duy nhất, giúp ta có thể hé thấy, rồi dần dần trực nhậnan trú cái tâm bản nhiên ấy.  (Trí Hải dịch).

 

 

1. Nghĩ tức cười

 

Tự nhiên có ta trong cõi đời. Ta tự nhiên như từ “vô tướng” mà hiện ra thành “hữu tướng” dù chỉ là giả, là tạm mà cũng xài được một thời gian. Cha mẹ gặp nhau, hàng tỷ tinh trùng mà chỉ có một con duy nhất được gặp cái trứng như hẹn hò nhau từ muôn kiếp trước, rồi mọi thứ cứ theo trình tự sắp đặt mà nhào nặn, nhồi nắn thành một con người ngo ngoe, ò è, khóc, bú, đòi ăn, rồi biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đứng chựng, biết đi, rồi leo trèo chạy nhảy, đến một lúc lại vòng lại như cũ, từ leo trèo chạy nhảy đến đứng chựng, đến đi, té lên té xuống, rồi từ từ… nằm một chỗ, mọi thứ như bị lấy lại, sau khi đã lắp ráp cho mượn xài một thời gian chẳng hiểu tại sao. Trong quá trình đó, có một giai đoạn ta lại vất vả tìm trứng, gieo tinh trùng để mà tiếp tục nhiệm vụ duy trì nòi giống. Con ếch con cóc ễnh ương, gà vịt chim chóc, mỗi con một kiểu, cho nó sướng khoái ngất ngư sau khi giành giựt đấu đá ghen tuông đã đời rồi sẵn sàng chết khi hoàn thành nhiệm vụ. Con bọ ngựa đực chết ngay trong lúc giao phối, lấy thân xác mình làm thức ăn để con bọ ngựa cái nuôi con. Con mối mù rào rạo tạo giống mối mù để gặm nhấm gỗ nuôi thân, và đẻ…; chuột thì kêu rúc rích trong rương, con ong cái bướm mạnh con nào nấy hùng hục kiếm ăn và giao hợp truyền giống kiểu này kiểu khác  hết sức vui nhộn, náo nhiệt, tưng bừng… Tóm lại trùng trùng những dây mớ rễ má, dính chùm dính chụp, mà ngộ, con nào ra con đó… Gene chăng, DNA, RNA, virus vi khuẩn rào rào kiếm ăn rồi nhân giống, con này ăn con kia, rồi đơn bào đa bào, đâu đó răm rắp nề nếp chẳng chơi, muốn lộn xộn phá phách cũng trớt quớt không thành. Con người thông minh chơi ngẳng cấy cái nọ, ghép cái kia… hy vọng tạo ra nhũng sinh vật rốt cuộc thất bại. Ai bảo cây cỏ không đau, sỏi đá không buồn khi xa… cục đá khác.

Thiệt ra đau khổ buồn lo cũng chỉ để cho ra những hóa chất gọi là hormone này nọ giúp cho sinh hoạt vui vầy. Đến một lúc, xếp ve, đâu vào đó, răm rắp, răm rắp. Cho mượn rồi đòi lại, nhởn nhơ không thương tiếc. Duyên ư, nghiệp ư? Ai làm ra mấy thứ quái quỷ đó. Mọi thứ có một trình tự, một gạn lọc, tính toán không chê vào đâu được. Stephen Hawking bảo chắc chắn phải có một design, một thiết kế vĩ đại từ con virus đến khủng long… nhưng không có designer, không có nhà thiết kế. Nhưng tôi tin có một cái gì đó, gọi bằng tên gì cũng được, tạo ra cái trò chơi này và ngắm nghía thú vị. Dù là một miếng đất sét được vọc bởi một em bé thành hòn bi hay thằng người… thì cũng có một em bé… đầy sáng tạo. Dù là từ Như Lai tạng thì cũng phải có một “nghệ sĩ” vẽ vời, nắn nót tạo nên mọi thứ và chịu trách nhiệm chớ?                    

 

2. Nhìn lại mình

 

Từ đâu mà ra? Từ cái duyên của cha mẹ, ông bà, từ muôn vạn thứ duyên khác từ đất, nước, gió, lửa (C,H,O,N…) các thứ vun đắp, nấu nung làm ra, màu mè tô phết các thứ, từ các chất liệu tạo thịt xương gân cốt, với 60 nguyên tố hóa học trong thiên nhiên sẵn có từ đồng, chì, sắt, kẽm, măng gan, ma nhê, phốt pho… rồi từ tế bào đơn lẻ, gom tụ lại thành các cơ quan chịu trách nhiệm một chức năng nào đó, trao đổi chất để cái chánh báoy báo xen tạp nhau cùng phát triển rồi tiêu vong khi hết duyên. Ta thấy tế bào tạo xương (ostéoblaste) hì hục lắp ghép các chất liệu cần thiết thành một cục xương, thì tế bào hủy xương (ostéoclaste) hì hục đục khoét làm thành dạng xương này xương khác, ráp nối lại thành cái khung xương, gắn kết nhau bằng những dây chằng, rồi đắp thịt da, thần kinh, mạch máu… có vẻ tất cả đã được thiết kế và xây dựng một mô hình đâu đó có sẵn… rồi mới thi công, nghiệm thu. Có hoa hậu và có Thị Nở. Đành phải nhận ra trước đó chắc phải có cái gì bày vẽ, do tay nghề của “con tạo” Như Lai, có vẻ như bất công mà có lý của nó. Khi hào hứng tạo cô hoa hậu, khi buồn ngủ tạo cô Thị Nở. Coi vậy mà không phải vậy. Cô hoa hậu thường sống đời… đau khổ, cô Thị Nở thì sống đời khoái sướng, như bù đắp, vay trả. Để tạo xương thì cần calcium, từ đâu ra, thì từ các thứ xương vụn vỡ của muôn loài có trước. Cái chết của lớp trước dùng tạo cho lớp sau, như hồng cầu trong cơ thể ta cũng tạo từ các chất liệu, chỉ tồn tại 3 tháng rồi tiêu vong, hết xài vì già yếu, không đủ sức ôm oxy di chuyển đến các tế bào, thế là dẹp, và tức khắc thay bằng một lứa tế bào hồng cầu mới… Các chất liệu tan tác cũ, chẳng mất đi đâu, gom tụ ở “nghĩa địa hồng cầu” là lá lách để được tận dụng lại. Cho nên hàng tỷ hằng triệu triệu con người sau

khi… hoàn thành nhiệm vụ, già nua hết xài được thì trở thành tro bụi. Tro bụi đó, vẫn xài lại, nặn lại… tiếp tục đợi duyên sinh. Calcium đó không chỉ trong xương người, xương cá xương heo xương cọp gì cũng là… xương. Nên khi nhào nặn thì … chẳng cần phân biệt. Ta mải mê phân biệt chẳng đáng tức cười cho Như Lai ư? Ngộ là các thứ sắp đặt được điều hành bởi bộ gene, cấu kết từ một chùm những chất liệu có lẽ là riêng biệt cho mỗi loài tùy sự phân bố. Tinh tinh có bộ gène giống người 99%, chuột giống 97%, cây cổ thụ 70%, ruồi giấm 60% và cải ngồng 26%... Chẳng lạ khi cây cỏ cũng tình duyên ứ hự, chuột mãi kêu rúc rích trong rương, “anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay”! Nhưng gène hình như cững chưa phải khúc cuối của Như Lai. Người ta đã tìm ra hạt ra sóng và chẳng bao lâu nữa sẽ kêu như Huệ Năng: Bổn lai vô nhất vật!  

 

3. kiếp sau không? 

 

Tôi không biết. Nhưng tôi biết có kiếp trước. Làm sao biết? Bởi vì nếu khôngkiếp trước, làm sao có tôi ở kiếp này? Chắc chắn phải có kiếp trước mới có kiếp này của tôi chứ. Còn có kiếp sau hay không. Tôi không biết. Vậy tôi ở kiếp trước và tôi kiếp này có giống nhau không? Tôi không chắc sẽ giống, có chăng, giống một chút do cái nghiệp tôi mang theo. Nghiệp là cái tôi “thừa tự” mà, tôi phải mang theo chứ. Nhưng tôi chắc, khó mà nói rằng kiếp trước tôi là con kiến hay con bò, bởi mỗi giống loại nào sẽ mang cái nghiệp riêng của giống loại đó. Con ong nó mang phấn hoa từ cây xoài này qua “phết” vào hoa cây xoài khác, ít khi phết nhầm đến một loại khế chua khế ngọt nào đó, mà có phết nhầm thì cũng không đậu quả. Cái gì đã giúp con ong bay xa mấy dặm đường để trao duyên gởi phận cho xoài? Có chăng ngày nay người ta cấy gène, tạo ra những “dị thục” khác thường để chơi, tuy có tăng năng suất nhưng không còn “ngon” như xưa nữa. Các họa sĩ thường vẽ người con gái đẹp xõa tóc đứng bên con ngựa có bờm dựng đứng, không phải hy vọng một ngày kia có thứ mình người đầu ngựa đâu, chẳng qua muốn nói người con gái có tính dễ thương như… ngựa đó thôi. Người ta tạo giống cà chua sai hàng ngàn trái nhưng đều không có hột, nghĩa là không gieo giống được. Dưa hấu bây giờ cũng không hột làm sao còn có An Tiêm?

Các nghiên cứu gần đây của nhiều Đại học Âu Mỹ về cận tử phát hiện thấy ý thức có lẽ vẫn duy trì ngay cả khi tim ngừng đập, và “xác nhận” có sự tồn tại của cuộc sống sau khi chết.

 

4. Bốn thứ ma thân thiết

 

 Nó vây quanh ta từ khi ta chào đời. Phiền não ma, Ngũ ấm ma, Thiên ma, Tử ma. Nó vây quanh  ta, kết bạn với ta, quậy phá ta, che chở ta. Phật bảo 4 thứ Ma đó là “thị giả” của ta, gần gũi và giúp đỡ ta.

Không phải sao? Có cái tâm lăng xăng đầy vọng tưởng, cái tâm tham lamsân hận, “lòng muốn còn nhiều/ đập gương xưa tìm bóng” bảo sao không phiền não? Rồi cái “ngũ ấm xí thịnh” kia trồi sụt bất thường không đủ làm ma phá rối thân ta ư? Thiên ma không phải ma trời, mà do ta tưởng ta có thể làm trời, huênh hoang, ngạo mạn, khoác lác, dối lừa… một ngày rơi vào địa ngục như chơi! Rồi Tử ma, người bạn thiết, gắn với ta từ trong trứng nước. Tưởng là kẻ xấu mà không, hắn rất tử tế, luôn nhắc ta từng chút, nhờ vậy mà ta tránh được biết bao tai ương, khổ nạn

Kết bạn với 4 thứ ma đó đi. Vui đùa với chúng đi. Nhìn kỹ đi, chúng rất dễ thương, dễ bảo. Đừng căng thẳng gây gổ giận dữ với chúng làm gì. Chúng giúp ta mở mắt, nhìn rõ sự thực. Một cơn bệnh nặng chẳng phải đã giúp ta sực tỉnh cơn mê sao? Bệnh chẳng chừa ai. Vi khuẩn virus lúc nào cũng công bằng và không phân biệt! 

 

5. Nghiệp.

 

Nghiệp là gì? Không biết. Nó đeo đẳng mình, đòi nợ, phải “trả nghiệp”. Trả cách nào? Không biết. Có chuyển nghiệp được không? Chắc phải được chớ. Cha ăn mặn con khát nước. Tội nghiệp chưa? Nghiệp do “thân, khẩu, ý” mà ra. Thì ra do thái độ, cử chỉ, do lời nói, ý nghĩ của mình  mà sinh ra. Nói chung là cách sống. Tùy chọn. Ý nghiệp chưa phải là hành vi mà chính ý nghiệp mới dẫn dắt. “Ý dẫn đầu các Pháp” không phải sao? Ba “nghiệp”  mà thanh tịnh thì hết chuyện.

 

Ký ức được lưu trữ ở đâu để tạo thành Nghiệp mà truyền đi từ kiếp này qua kiếp kia?

Khoa học não bộ trả lời: ở hippocampus (hồi hải mã) trong não, cùng với thể viền, lưu giữ ký ức, chịu trách nhiệm cả cảm xúc lẫn hành vi, nhờ nhu nhuyến của các synapse (điểm tiếp hợp thần kinh).  Thế nhưng, khi thân này tan rã, hippocampus và toàn bộ thể viền của não bộ cũng không còn, ký ức được tàng trữ trong thân vật lý này cũng biến mất theo. Phải chăngngoài cơ chế vật lý của ký ức, còn có sự tham gia của một yếu tố phi vật chất, không nhất thiếtý thức, để lấy đó làm cơ sở tiếp cận đến vấn đề nghiệp tích lũy, cho đến trong đời sau được xử lý để cho quả dị thục của nó” (Tuệ Sỹ)?

 

Nghiệp “truyền” đi không chỉ từ gène mà còn từ môi trường (“biểu sinh”= ngoại di truyền, epigenetic). Trước kia không biết, cứ tưởng tại DNA, RNA là những chất cơ bản của gène, cố định, không thay đổi. Nhưng không, ngoài những bệnh lý gène như ta biết ngày càng rõ hơn, tiến đến chẩn đoán sớm trong thai nhican thiệp, ngày nay ta còn biết gène… cũng có

thể thay đổi do môi trường bên ngoài. Ngành khoa học này gọi là epigenetic (ngoại di truyền, biểu sinh). Phật học nói về chánh báoy báo là rất đúng.                      

Chế độ ăn uống, bệnh tật, nghiện ngập, lối sống là các cơ chế của y báo (ngoại di truyền, epigenetic mechanisms) có tác động đến hoạt động của các gène, điều hòa các gène.

 

6. Có Ngã không? 

 

Đức Phật bảo: Có nghiệp được tạo tác, có quả dị thục được lãnh thọ, nhưng không có người tạo tác, không có người lãnh thọ. Phật giáo không cho có cái gọi là Tự ngã, tiểu ngã, đại ngã, linh hồn, nhưng tin có “Nghiệp mang theo” để “trả quả”. Cái gì mang Nghiệp theo? Thần thức tái sinh, luân hồi?

Nhà khoa học bảo: “Có design nhưng không có designer”. Não bộ là một hệ thống được phân bố rất cao trong đó nhiều chức năng xuất hiện đồng thời và không có điều phối viên.

Không có designer, không có điều phối viên? Nhưng sao chim bồ câu thì cứ bay ngàn dặm về đưa thư, cá hồi cứ bốn năm lại quay về chốn cũ để sinh đẻ rồi chết? Ngày nay, sinh vật từ hạt đậu đến chuột bọ, khỉ vượn… cũng được can thiệp vào gène để tạo ra những “dị thục” những “quả” bất ngờ, gọi là transgenic, cũng là một thứ do “nghiệp” chăng?

 

Descartes nói “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”. Vậy tôi không tư duy, thì không… có tôi? Phải chăng “vô niệm” thì vô ngã? Đúng, trong Đại Định (Samadhi) thì đúng là thấy vô ngã, tan biến vào vô tướng của Như Lai đó thôi. Cho nên nhìn mọi sự vật, sinh vật bằng cái nhìn Như Thực, cái nhìn “thật tướng” thì mới thấy nó vừa vô tướng vừa hữu tướng, một đằng là chơn không, một đằng là diệu hữu do duyên sinh, trùng trùng duyên khởi. Ta trở nên vô ngại, lý vô ngại, rồi sự vô ngại, “sự sự vô ngại”, chỉ khi ta tự tại. Chừng ấy mới thõng tay vào chợ, làm đạo tràng giữa chợ được.

Ta cũng có thể nói đơn giản hơn: “Tôi thở, vậy có tôi”. Nghĩa là nếu tôi không thở thì không có tôi. Nhưng cái thời tôi còn trong bụng mẹ, tôi cũng không thở mà vẫn có tôi đó thôi. Từ đó, suy ra rằng cái thời tôi… hết thở,

ngừng thở, thì tôi vẫn còn đó chứ, sao không?  Tôi lúc đó cũng lại ở trong bào thai Mẹ (bào thai Như Lai) chứ? Tôi mới phải mang nghiệp theo để trả quả chứ? 

   

7. Phật cũng già cũng bệnh 

 

Lúc đó Phật an cư tại làng Baluvà. Một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, rất đau đớn, gần như muốn chết. Nhưng Thế Tôn giữ tâm chánh niệm, tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán

“Này Ananda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thắng chằng chịt, cũng vậy thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ chống đỡ dây chằng. Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy thân Như Lai mới được thoải mái”. (Đại Bát Niết Bàn, Thích Minh Châu dịch)

Phật thì cũng ốm đau bệnh hoạn, già nua và chết như một… con người, nhưng Như Lai thì  không. Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, khi một vị Bồ-tát trẻ (cũng có tên là Ca Diếp) thắc mắc vì sao Phật mà cũng bệnh cũng chết như mọi người? 

Phật nói: “Thiện nam tử! Thân Như Lai là thân thường trụ, thân không thể hư hoại, thân kim cang, chẳng phải thân do sự ăn uống mà thành, chính là Pháp thân.”

“Pháp thân” là thân Như Lai, thường trụ, vĩnh hằng. Cho nên Phật là… Như Lai (danh xưng) nhưng Như Lai không phải Phật. Như LaiNhư Lai.  

Phật “thị hiện” có bệnh khổ, chỉ là vì muốn điều phục chúng sanh. “Điều phục” là nhắc nhở, dạy bảo, “thị hiện” là hiện ra cho thấy: trước sau gì ai cũng… già, cũng bệnh, cũng chết. Thôi đừng có tham sân si gì nữa cho… mệt. Phật đây mà cũng già bệnh chết đó thôi. Hãy sống trong “Pháp thân” trường cửu.

Vị Bồ-tát trẻ lại hỏi: nhờ nhân duyên gì mà Phật thành tựu được Pháp thân? 

“Thuở xưa, ta nhờ nhân duyên hộ trì Chánh pháp mà nay thành tựu thân kim cang này, thường trụ chẳng hề hư hoại...” nghĩa là nhờ Tu đúng chánh pháp. Nhớ lại, có một giai đoạn 6 năm tu khổ hạnh, đạo sĩ Cồ Đàm đã tu không đúng chánh pháp.

 

8. Phật là Như Lai…

 

Một lần Phật hỏi Duy-ma-cật: “Như ông muốn thấy Như Lai thì quán Như Lai thế nào?” Phật không hỏi “Như ông muốn thấy Phật thì quán Phật thế nào?” mà hỏi “quán Như Lai như thế nào?”. Duy-ma-cật thưa: “Quán Như Lai như tự quán cái ‘thật tướng’ của thân mình, quán Phật cũng vậy”. Nói khác đi, phải thấy cái “thực tướng”, cái pháp thân thì mới thấy biết Như Lai, ở cả Phật và cả chúng sanh… Tất cả đều có cái pháp thân đó, đều từ Như Lai tạng mà ra, một ngày kia sẽ trở về với Như Lai tạng.

Phật là Như Lai bởi vì Phật luôn sống trong Như Lai, sống với Như Lai, nói khác đi, Phật luôn sống trong pháp thân mình, trong thật tướng vô tướng của mình.  

Dùng âm thanh chũm chọe, ánh sáng chớp lòe… thì chẳng những còn lâu mới thấy được Như Lai mà còn bị Phật chê là “hành tà đạo”, bởi Như Laivô tướngTam Tạng đi thỉnh kinh biết bao lần lạy lục Như Lai giả, may có Tôn Ngô Không trợn con mắt giữa nhìn ra, vung thiết bảng đập cho chạy dài!

Phổ Hiền Bồ-tát bảo gặp Phật thì phải kính lễ (Lễ kính chư Phật), còn khi gặp Như Lai thì chỉ xưng tán thôi (Xưng tán Như Lai), nghĩa là ca ngợi, khen ngợi, trầm trồ, thán phục, gật gù, ú ớ…, không việc gì phải kính lễ! Kinh Pháp Hoa bảo muốn làm một Pháp sư chân chính thì phải “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai” chớ không nói vào nhà Phật, mặc áo Phật, ngồi tòa Phật… cũng như nói Như Lai thọ lượng, Như Lai thần lực, chớ không nói Phật thọ lượng, Phật thần lực… 

 

 9. …nhưng Như Lai không phải Phật 

 

Như là “vậy đó”, Lai là “đến”, Nó đến vậy đó. Ráng chịu. Muốn không muốn mặc kệ. Tới lúc nó chua lè thì nó chua lè, xanh mướt, tới lúc nó hườm hườm thì nó hườm hườm, vàng ruộm, căng cứng thơm tho, tới lúc nó rục, nó muồi, nó lở loét, loang lổ rồi thúi hoắc thì nó cứ thúi hoắc, can hổng nổi. Tiếng Pali là Tatha-gata, Sanskrit tathā-gata, "one who is thus gone," or tathā-āgata  "one who has thus come", Thusness, Suchness, Thus Come One…

Phật tự xưng mình là Như Lai, chẳng qua không thể xưng cách nào khác. Phật không thể xưng mình là Ta đây, là… Trẫm, là Quả nhân, cũng không thể xưng mình là Bậc ứng cúng, là Thiên nhân sư… Cũng vì Phật tự xưng mình là Như Lai nên ta dễ lầm Phật là Như LaiNhư Lai là nước, là gió, là đất, là lửa, là cánh hoa, là con ong cái bướm…

 

Phật là kẻ thấy biết điều đó. Giác ngộ. Tỉnh ngộ. Bừng sáng. Ủa, thì ra vậy. Và Phật tủm tỉm cười. Biết nhau quá mà, thấy hết rồi nhé. Đừng bày đặt gạt gẫm nhau chi!  Cái đó gọi là sự Thấy Biết (tri kiến) của Phật. Phật không giấu giếm, không lừa gạt. Phật nói thiệt. Chúng sanh ai cũng có cái Tri kiến đó, cái Phật tánh đó cả thôi. Ai cũng là Phật...sẽ thành mà!  

 

10.  Một là tất cả…

 

 Ở Phan Rang có làng gốm Bàu Trúc. Có cơ man nào là các hình thể, các “sắc tướng” từ hình cô vũ nữ Apsara đến các Bồ-tát, A-la-hán, cả các vị Phật và Chúa, Thánh thần v.v… và cả nồi niêu soang chảo, lọ hoa, chén tô đủ kiểu… Muốn gì có nấy từ bàn tay của một “nghệ nhân” nào đó. Từ đâu ra vậy? Từ đất sét. Sau khi nặn nắn các hình tượng theo sở thích xong, phơi nắng cho nó khô lại đã có thể sử dụng. Từ mềm dẻo đến rắn chắc, cứng cỏi không ngờ. Nếu ta đun trong đống rơm, hay củi lửa, củi than, cho lửa ngún cháy một thời gian, ta còn có những sắc màu đặc biệt khác, tuyệt đẹp. Tất cả từ đâu ra vậy? Từ đất sét đó. Mỗi nghệ nhân do nếp sống (văn hóa) của mình đã tạo ra những hình tượng rất khác nhau (duyên sinh).  Cần bình chén, có ngay. Cần lò bánh có ngay. Cần nồi niêu xoang chão có ngay. Và… cần Chúa cần Phật cần Bồ-tát, Thánh thần có ngay. Đặt lên bệ thờ, khói hương nghi ngút thì linh thiêng ngay. Rõ ràng tất cả chỉ từ đất sét. Đất sét là một tạng. Từ Một đó mà ta có tất cả. Rồi một hôm, tất cả các vật dụng, các sắc tướng này đổ bể, tan vụn lại trở thành đất sét. Chẳng phải Một là tất cả và tất cả là Một đó sao? Chân khôngdiệu hữu đó sao? Cho nên bảo “thực tướng” là vô tướng mà chẳng phải vô tướng, chẳng phải vô tướngvô tướng là rất đúng. Nếu ta nhìn một hình tướng nào đó mà không bị dính mắc thì ta đã thấy biết Như Lai (Kiến tướng phi tướng tức kiến Như Lai, kinh Kim Cang).

 

Có dạo tôi làm thợ gốm. Tôi mê nghề này như điên. Sếp có hiểu nổi ý nghĩa của việc lấy một cục đất sét nặn thành bất kỳ cái gì mình thích, là thế nào không? Chà, anh quay cái bàn xoay và cục đất sét đảo tròn như bị

ma làm trong khi anh đứng cúi mình trên nó và nói: ta sẽ làm một cái bình, ta sẽ làm một cái đĩa, ta sẽ làm một cây đèn và những gì nữa có quỷ biết! Đó chính là điều mà ta có thể gọi là cái sự làm một con người: tự do.” (Alexis Zorba, con người hoan lạc).

Kinh Thắng Man nói: “Như Lai tạng vốn lìa ngoài tướng hữu vi. Như Lai tạng vốn thường trụ, không huỷ hoại. Cho nên Như Lai tạng là cái duy trì, là cái thiết lập”.  

Francis Crick- người cùng James D. Watson đồng phát hiện ra cấu trúc phân tử DNA - tuyên bố: “Phân tử DNA là hệ thống chứa thông tin hiệu quả nhất trong toàn vũ trụ. Bằng chứng DNA nói lên rằng có một thiết kế thông minh để chứa đựng thông tin… Hình thành sự sống là một phép mầu”

  

11.  Không có Phật cũng có pháp

  

Cái gì mà chẳng là pháp chớ. Một cánh hoa chớm nở, một làn mây quần đỉnh núi, một dòng sông, một con suối, một cô gái, một chàng trai, một con ong cái bướm, con giòi trong đống phân, một chiếc lá khô sắp rụng… pháp đó. Cả anh cả em cả tôi, cả chúng ta. Pháp đó. Bấy lâu ta không biết ta mong đợi, ta ước muốn, ta xây dựng, ta đào tạo… Tào lao. Nó là pháp. Nó cóc cần ta. Nó chẳng phải là ta, chẳng phải của ta. Thì ra nó cứ sinh trụ dị diệt. Nó vô thường. Nó vô ngã. Có đó rồi mất đó. Có khi ta thấy như con thiêu thân, như ánh chớp, có khi như ngọn núi, như dòng sông trôi. Phải bằng con mắt ngàn năm, triệu năm mới thấy trong cái dòng sanh diệt thú vị đó. Nhiều thành phố, núi non hàng chục ngàn năm trước còn chìm dưới biển sâu; cái vỏ sò, xương cá thấy trên đỉnh Hy mã lạp sơn mới biết xưa vốn là đáy biển. Nó vậy đó. Nó thản nhiên. Đùa vui với chính nó. Pháp vô sanh. Ta là pháp, ta cũng vô sanh. Vì không thấy biết (Si), nên ta khổ đau vì bị những thứ lằng nhằng quấn quít ráng chịu.

 

“Mắt pháp” là mắt thấy “như thật”. Như thật? Phải, vì cái tướng trình hiện ra bên ngoài kia, chỉ là biểu kiến, nó nhanh chóng biến hoại. Thấy như thật là thấy cái “thực tướng” kia cà. “Thực tướng là… vô tướng, mà chẳng phải vô tướng; chẳng phải vô tướng mà vô tướng”. Thiệt vậy sao? Cái thấy thực tướng của ta là thấy cả chân khôngdiệu hữu, thấy trong sự vô thường, vô ngã của sự vật, hiện tượng, sinh vật trong đó có ta. Cái trái xoài thơm lựng kia vốn từ một cánh hoa mà thành trái. Cánh hoa thì từ một cái mầm hình thành bởi con ong mang phấn hoa từ cây xoài ngàn dặm đến… bệt vô, rồi thổ ngơi, rồi gió, rồi nước… thành

một trái xoài nhỏ xíu, rồi lớn rồi căng, rồi thơm tho, rồi hườm hườm nếu không được hái bán ngoài chợ hay trẻ con ném rụng chia nhau thì đến một lúc… trái xoài chín muồi, rồi chín rục, rồi… thúi hoắc! Thúi rồi đi đâu? Thì làm phân bón cho cây xoài ươm những mầm khác, đợi chờ một con ong tinh quái khác. Cho nên thấy thực tướng cũng mới chỉ là thấy “như thực” thôi, chớ thực ravô tướng, nó từ Như Lai tạng mà tới. 

  

12.  “Khai thị” là để “Ngộ nhập”.

 

 Một hôm, bớt đau lưng, uống xong một tách trà, Phật kêu các Đại Bồ-tát đệ tử đến bên mình, nói: Ta già rồi, ta sắp nhập Niết bàn, các ông muốn hỏi thì gì hỏi ngay đi, đừng có để thắc mắc trong lòng không hay (kinh Pháp Hoa). Lâu nay theo ta đi đây đó tưởng ta không chết ư? Không đau bệnh ư? Không bực mình ư? Nếu không ta đâu phải khuyên mọi người nhẫn nhục, thiền định… nếu không ta đâu khuyến khích mọi người đạt trí tuệ, dù biết “vô trí diệc vô đắc”! 

Ai đời các vị Đại Bồ-tát nhao nhao hỏi có cách nào cho mau thành Phật không? Tưởng là Phật sẽ bực mình. Nhưng không, Phật cười bảo, có đó. Rất dễ, rất mau. Đó là… phải nhập vào “Vô lượng nghĩa xứ định” rồi mới thấy biết. 

“Vô lượng nghĩa xứ” là gì? “Định” là gì? Đó là cái Định, cái Tam muội (Samadhi)… ở trong Vô lượng nghĩa xứ, không chỉ ở con người, mà ở trong tất cả hữu tình và vô tình chúng sanh. Trong cọng cỏ, trong cái hoa, trong cánh chim, trong con sâu cái kiến và trong các… Đại Bồ -tát, Thanh Văn, trong tất cả chúng sanh đều có... cái “xứ” đó. Trong cái “Vô lượng nghĩa xứ” đó, mới thấy được như Huệ Năng: bổn lai vô nhất vật. Xưa nay không có cái gì cả. Cho đến cái hạt, cái sóng… cũng không, để tạo sinh thì vật chất cũng không. Tại sao con vịt khác con gà, bông hồng khác bông cúc? Tại sao núi Tu-di to đùng kia nhét vào được trong hạt cải, tại sao bốn biển mênh mông kia nhét vào vừa cái lỗ chân lông… Tại sao trong mỗi lỗ chân lông có vô số cõi Phật, vô số các vị Phật, Bồ tát… Nghĩa là nhập vào Định đó, biết cái pháp môn “vô lượng nghĩa” chỉ có một pháp duy nhất là “vô tướng”. Muốn vào trong Định đó, phải bố thí thân mạng mỗi ngày nhiều như cát sông

Hằng… mà cát sông Hằng (hằng hà sa số), vô lượng vô biên. Thân mạng ở đâu mà nhiều vậy? Có đó. Không khó khi vào được cái Không. Lúc đó, ta có sự “vô ngại” nhờ Bát Nhã, chân Không.

  

13.  Duyên ở đâu khởi?

  

Nhưng chỉ dừng lại ở đó thì thấy toàn là không, toàn là vô, thì… vô duyên hết sức. Phật không hề muốn ta vô duyên. Muốn ta có duyên. Duyên… phải khởi lên. Có duyên mới sinh ra đủ thứ chuyện. Cho nên Phật nhắc lại chuyện xưa. Ta ở trong Định vô lượng nghĩa xứ này nhởn nhơ vui thú cùng Như Lai, rồi bị Như Lai… đẩy ra ngoài, bắt ta “hiện tướng” thành một “ông Phật” này đó. Đây chỉ là một “giả tướng” thôi nhé. Ta mang thân Như Lai dù chẳng phải Như Lai. Trước khi thuyết giảng, ta ở trong Định thường xuyên, lâu lâu xuất hiện trò chuyện chút vậy thôi. Nói khác đi, ta sống trong “thực tướng”. Nhớ nhe, Như Lai thì vô tướng, nhưng vô tướng ở đây nghĩa là vô tướng mà chẳng phải vô tướng, chẳng phải vô tướng mà vô tướng! “Thực tướng” là ta vừa vô tướng vừa hữu tướng. Vô tướng vì hiểu chân Không (Bát Nhã). Hữu tướng vì ta biết cái duyên sinh, với vô vàn hình tướng, cái diệu Hữu (Hoa Nghiêm). Cho nên “Sự sự vô ngại” đó thôi. Hữu mà vô, vô mà hữu thiệt là sảng khoái! Bóng nguyệt lòng sông. Ta nhởn nhơ bay lượn, không còn dính mắc, chấp trước chi nữa. Ung dung, tự tại, an nhiên. Nó vậy là nó vậy. Chẳng vì ta mà hoa nở, hoa tàn. Chẳng vì ta mà gió mát trăng thanh. Nhưng ta biết thưởng thức. Ta “enjoy” cuộc sống của mình trong từng giây phút. 

  

14.  Bát Nhã “Chân Không”, Hoa Nghiêm “Diệu Hữu” 

 

 Còn hỏi Bát Nhã học ở đâu thì Văn Thù sẽ trả lời. ở đó.  Rồi hỏi Hữu hóa học ở đâu, thì Phổ Hiền dạy, duyên sinh duyên khởi, Sự ở đó. Mà Lý với Sự là cùng một thể tánh đó thôi. Nó viên dung vô ngại, tác động qua lại lẫn nhau đời đời kiếp kiếp. Bát Nhã thì phải Học. Hoa Nghiêm thì phải Hành. Rồi đến một lúc, thấy được Sư Sư vô ngại thì hết chuyện. 

Nhưng làm sao vào được Tam muội Phổ Hiền? Vào Tam muội Phổ Hiền thì mới thấy biết Như Lai đã hiện tướng ra một ông Phật như thế nào mà trẻ con hát: “Một ông Phật hiện ra, 3 con Ma biết mất”! Ma tham, Ma sân, Ma si.

Mục tiêu của Hoa Nghiêm hữu hóa là giúp ta có được cuộc sống an nhiên, tự tại, hạnh phúc ngay ở đây và bây giờ… Một “thế giới hoa tạng”, rực rỡ xinh đẹp sẽ được thành tựu tùy tâm mình. Cho nên người có khả năng làm chủ chính bản thân mình, người biết sống Tự-tại Vô-ngại là người làm chủ được cả… thế giới (Thế chủ) chớ không phải thần thánh từ phương nào làm chủ thế giới!

Học Hoa Nghiêm là để thấy được Lý vô ngại, Sự vô ngại, và nhờ đó mà đạt đến “Sự Sự Vô Ngại” vậy.

Vô ngại là không bị trở ngại, không bị ngăn che, không bị chia cắt, không còn phân biệt, là được thông suốt, thông dung… vì đã thấy được cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không, trong mạng lưới trùng trùng duyên khởi, duyên sinh, thấy được “hữu-hóa” đều đến từ trong tánh Không (Bát Nhã).

“Lý” mà được hiểu vậy rồi thì cái núi Tu-di to đùng kia có thể nhét vào hạt cải, nước bốn biển mênh mông nọ có thể dung chứa trong một lỗ chân lông. Bát Nhã giúp ta thấy được chân Không, vô tướng. Nhưng Không ở đây không phải là không có. Còn cái có chỉ do duyên sinh mà có, nên được coi là “diệu hữu”, một cái có tuyệt diệu, có khi nó chỉ hiện hữu trong thoáng chốc rồi biến mất làm cho ta ngẩn ngơ! Phải có cái nhìn “thật tướng” như Phật dạy trong kinh Pháp Hoa thì mới “ngộ nhập” tri kiến Phật.

Cái “thật tướng” đó nó mới đẹp làm sao! Nó hiện hữu từ vô tướng, sinh trụ dị diệt trong chốc lát ở nơi “hữu vi” rồi trở về lại với vô tướng. Kim Cang nói: “Nhất thiết hữu vi pháp/ như mộng, huyễn, bào, ảnh/ như lộ, diệc như điện. Ưng tác Như-thị quán”. Tất cả mọi sự vật hiện tượng ở đời (hữu vi) thì như giấc mộng, như huyễn, như bèo bọt, như ảo ảnh, như sương mai, như điện chớp… Hãy quan sát để thấy như thế. Đừng có bám chấp, đừng có ảo vọng. 

Cánh hoa lung linh trước gió, con bướm đầy màu sắc chập chờn, con ong hút mật, con công đang múa, sư tử gầm gừ… tất cả đều từ một “Tạng” mà ra. Chính là Như Lai tạng (Tathagata-garbha). Tất cả pháp giới các vị Phật cho đến Thiên, Nhân…Ngạ quỹ cũng đều từ Như Lai tạng mà ra như thế. Bồ tát Phổ Hiền ở trong Tam muội của mình thấy rõ: “Nhất thiết chư Phật tỳ-lô-giá-na Như Lai tạng thân”. Nói khác đi, Thân của các vị Phật, chính là tỳ-lô-giá-na kia , đều từ Như Lai tạng mà ra cả đó thôi!

Nhớ một lần kia, Phật hỏi Duy-ma-cật: ông quán Như Lai thế nào? Duy-ma-cật trả lời: Tôi quán pháp thân Như Lai, cũng như quán pháp thân Phật và tôi, không khác!

Có điều Phật thì do nghiệp do duyên từ nhiều đời nhiều kiếp, nay thành Đức Phật toàn giác với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, còn tôi… chỉ là một vị được gọi là Bồ-tát tại gia ở thành Tỳ-da-ly này, tôi phải tu hành nhiều đời nhiều kiếp nữa! Phật cười: Ta là Phật đã thành, Ông là Phật sẽ thành! Bởi ai cũng sẵn có Phật tánh, ai cũng có Pháp thân sẵn đó rồi, ai cũng từ Như Lai tạng mà ra. 

Vậy Như Lai vốn “vô tướng” bỗng “hiện” ra một ông Phật để làm gì? Để “diệt khổ” cho muôn loài, nên được gọi là Đạo sư, Thiên nhân sư.  Bệnh gốc của chúng sanhTham Sân Si. Tham sân si mà… triệt tiêu thì Niết-bàn đây chớ đâu! Bằng cách nào? Dễ thôi. Tứ Diệu Đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên… từng bước cho đến khi thấy Như Lai vô tướng, thấy được Như Lai tạng, nhìn mọi thứ bằng thật tướng của nó và từ đó… sẽ Ung dung, Tự tại, Vô ngại! Đó chính là con đường từng bước Phật đã dạy sau khi Giác ngộ và mất mốt thời gian nghiền ngẫm dưới cội Bồ-đề tìm một phương pháp tiếp cận mới sao cho chúng sanh… châp nhận.

 

Phật lúc nào cũng ở trong Định, ít khi xuất hiện. Nhờ có hai “thị giả” là Bồ-tát Văn Thù trí tuệ cưỡi sư tử một bên và Bồ-tát Phổ Hiền từ bi cưỡi voi sáu ngà một bên thay Phật thuyết giảng. Phật chỉ ngồi yên cười… tủm tỉm, không nói năng chi. Trước khi nhập Niết-bàn Phật dặn dò đệ tử: Xưa nay, ta chẳng nói điều gì, ta chẳng dạy ai điều chi cả! Bởi Phật biết sau này có Internet, có AI các thứ thì họ sẽ nói lung tung rồi đổ thừa Phật! 

 

 15.  Con đường khổ hạnh của Đạo sĩ Gotama (Cồ Đàm)

 

 Kinh Maha Saccaka Sutta mô tả hạnh “tinh tấn” của Đạo sĩ Gotama (Cồ Đàm, lúc chưa thành Phật) sai lầm như thế nào:

Đạo sĩ Gotama nghĩ:

"Hay là ta cắn chặt răng lại, ép lưỡi sát vào nắp vọng, rồi dùng tâm (thiện) đè nén, chế ngự, và tiêu diệt những tư tưởng (bất thiện)!

"Rồi tôi cắn chặt răng lại, ép lưỡi sát vào nắp vọng, và nỗ lực đè nén, chế ngự, và tiêu diệt những tư tưởng (bất thiện) bằng tâm (thiện). Lúc tôi chiến đấu như vậy thì mồ hôi từ trong nách chảy tuôn ra...Như người mạnh nắm lấy đầu hay hai vai một người yếu rồi đè xuống, dùng sức cưỡng bách và khắc phục, không cho ngóc lên…

"Sự tinh tấn của tôi quả thật kiên trì và bất khuất. Tâm niệm của tôi thật là vững chắc và không hề chao động. Tuy nhiên, thân tôi mòn mỏi và không an lạc sau khi cố gắng một cách đau khổ -- thể xác phải chịu khuất phục trước sự nỗ lực kiên trì…

 

Rồi Đạo sĩ Gotama nghĩ "Hay ta thử trau giồi pháp hành thiền nín thở!

"Rồi tôi kiểm soát chặt chẽ hơi-thở-vô và hơi-thở-ra, từ miệng và mũi. Khi tôi kiểm soát hơi-thở-vô, thở-ra, ở miệng và ở mũi, thì có luồng hơi thoát ra từ lỗ tai, tạo nên một thứ âm thanh to lớn khác thường, như từ hai ống thụt của anh thợ rèn.

"Dẫu sao, hạnh tinh tấn của tôi vẫn kiên trì và bất khuất. Tâm niệm của tôi vẫn vững chắc và không hề chao động. Tuy nhiên, thân tôi mòn mỏi và không an lạc sau khi cố gắng một cách đau khổ -- thể xác phải chịu khuất phục trước sự nỗ lực kiên trì.  

Lúc ngừng thở bằng miệng, mũi và tai thì hơi (bị dồn ép) đập mạnh trong đầu tôi. Như có người thật mạnh khoan vào sọ tôi một lưỡi khoan thật bén, khi tôi ngừng thở, hơi đập vào đầu tôi cũng làm đau đớn như vậy.

"… lúc tôi ngừng thở, đầu tôi nghe đau bưng lên. Trạng thái đau đớn kinh khủng lúc bấy giờ giống như có một lực sĩ dùng dây thừng siết chặt đầu tôi lại.  

"… cảm giác một luồng hơi mạnh thọc xuyên qua bụng tôi, như dùng dao bén rạch một đường trên bụng, làm đau đớn thế nào thì luồng gió mạnh thọc xuyên qua bụng làm tôi đau đớn dường ấy. 

"…cảm giác như có một ngọn lửa to khủng khiếp bừng lên và bao trùm lấy tôi. Như có người mạnh nắm chặt một người yếu và đặt lên ống lửa than đang cháy đỏ cho đến lúc hoàn toàn thiêu rụi, lửa thiêu đốt thân tôi lúc ngừng thở cũng nóng dường thế ấy.  

Đạo sĩ Gotama lại nghĩ:

 "Hay ta thử dùng chút ít vật thực, mỗi lần chỉ một chút thôi, một ít nước đậu xanh hay rau cỏ, hay đậu đỏ, hay đậu trắng.

"Khi mà tôi chỉ dùng thật ít vật thực như thế, ở thể đặc hay tể lỏng, thì thân tôi trở nên cực kỳ gầy yếu. Vì thiếu vật thực, những bộ phận lớn và nhỏ trong thân tôi ốm gầy không khác nào những cọng cỏ ống hay những cây đăng tâm thảo. Bàn tọa của tôi chỉ còn bằng cái móng của con lạc đà. Xương sống tôi cũng như một xâu chuỗi

dựng đứng lên và cong vào. Xương sườn tôi tựa như một cái sườn nhà bị sụp đổ. Trong mắt tôi không khác nào hình ảnh của những ngôi sao mà ta có thể thấy dưới một cái giếng sâu. Trái mướp đắng cắt ra lúc còn tươi rồi đem phơi, gió và nắng làm da mướp teo lại, nhăn nhó và héo tàn thế nào thì da đầu tôi lúc ấy, vì thiếu chất dinh dưỡng, cũng nhăn nhó và héo tàn như thế ấy. Khi muốn rờ da bụng thì tôi đụng nhằm xương sống. Và khi muốn rờ xương sống thì tôi lại đụng nhằm da bụng. Vì thiếu vật thực, da bụng tôi ép sát vào xương sống và, lúc muốn đứng dậy đi tiểu tiện, thì tôi luống cuống té ngã xuống. Tôi đập nhẹ trên chân, tay để làm cho thân mình sống lại. Than ôi, lúc đập như thế, lông trên mình tôi lả tả rơi xuống đất vì đã chết gốc…

Ép xác khổ hạnh dưới đủ hình thức, Đạo sĩ Gotama vẫn không thu hoạch được kết quả cứu cánh, mà chỉ kiệt sức. Máu cạn, gân rút, thịt teo, mắt thụt và mờ dần. Ngài chỉ còn là một bộ xương có sự sống. Nhưng cái chết đã gần kề. (Đức PhậtPhật Pháp, Narada Maha Thera).

 

16.  Con đường "Trung Đạo" 

 

Sau sáu năm tự bản thân kinh nghiệm, Đạo sĩ Gotama đã nhận thức chắc chắn rằng lối tu khổ hạnh không thể đem lại lợi ích, mặc dầu các triết gia và các tu sĩ thời bấy giờ quả quyết rằng đó là nếp sống tối cần thiết để đạt đến cứu cánh. Thấy rằng khổ hạnh chỉ làm giảm suy tri thứcmệt mỏi tinh thần, Ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu ấy.

Hồi tưởng lại khi còn thơ ấu, vào một buổi lễ Hạ Điền kia, trong lúc vua cha và mọi người đang chăm chú cử hành các cuộc vui, thì Ngài đã ngồi thế nào dưới tàn bóng mát mẻ của một cây trâm, tham thiền, nhập định và đắc Sơ Thiền.

Đó mới thật là con đường dẫn đến Giác Ngộ!

Ngài nhận định rằng vớí tấm thân mòn mỏi không thể hoàn toàn sáng suốt, một sức khỏe thích nghi rất cần thiết để thành đạt tiến bộ tinh thần, nên quyết định không nhịn đói nữa mà dùng những vật thực thô sơ.

Khi ngồi dưới bóng cây giữa cánh đồng mát mẻ, không bị “dính mắc” gì với buổi lễ Hạ Điền dưới kia, lúc đó Ngài chẳng biết gì về tham thiền, nhập định hay tứ thiền bát thiền gì cả vì hãy còn rất nhỏ, chỉ biết hồn nhiên, trong sáng, vậy là đã ly dục, ly tầm ly tứ, vào sự sảng khoái lâng lâng gọi là  hỷ lạc và đã thực sự thanh tịnh. Sau này khi người ta phân tích và đặt tên các bậc cấp từ sơ thiền đến tứ thiền rồi đến phi tưởng phi phi tưởng… chẳng qua làm cho phức tạp, rắc rối. Nếu sống hồn nhiên như một em bé, thảnh thơi, thanh tịnh thì đã vào Tam muội Phổ Hiền rồi vậy!

Cái sai lầm là hì hục học từng bước từng cấp, tu đến “xì khói” với bao mong cầu ước nguyện..., “Ngã” cứ ngày càng to đùng ra, nào chùa to Phật lớn, nào lên chức lên lon, huênh hoang màu mè diêm dúa, rồi hù dọa chúng sanh để vinh thân phì gia… thì không còn hành trì Chánh Pháp nữa. 

  

17.  “Giác ngộ”.

 

Ép xác khổ hạnh không mang lại kết quả. Coi thân là bất tịnh, là dơ bẩn dẫn tới “diệt” thân, tưởng là để đắc đạo, ai ngờ rơi vào tình trạng cận tử. Chính lúc đó tưởng đâu là sẽ chết thì nhờ chén cháo sữa của cô bé Sujata đút cho ăn từng ngụm mà tỉnh táo lại, quyết định chọn con đường khác, đó là đường Trung đạo. Tôi cho rằng chính lúc cận kề với cái chết, giai đoạn cận tử đó là đang ở trong trạng thái “Diệt thọ tưởng định”, mới thấy được cái “vô tướng” từ Như Lai tạng mà ra, từ Pháp thân của chính mình mà tỉnh ngộ. Thì ra tất cả mọi người cũng có pháp thân này, cũng có thể giác ngộ như mình, tại sao mãi đắm chìm trong vô minh, khổ đau, ách nạn? Từ đó, Phật nhìn mọi chúng sanh đều bình đẳng, ai cũng có khả năng thành Phật như mình, chẳng qua vì bị che lấp bởi lòng tham mà ra nông nỗi. Trong Kinh Pháp Hoa, nói rõ hơn về cái thực tướng vô tướng đó. “Các pháp xưa nay vắng lặng như hư không, sanh trụ dị diệt niệm niệm chẳng ngừng mà bản thể của nó vẫn là như như bất động, thường trụ: nó chính là vô tướng.” Tánh tướng của pháp xưa nay vẫn không tịch. Do con người suy tính giả dốiphát khởi những vọng niệm chẳng lành, gây tạo nghiệp dữ…”. Ngay khi Phật tỉnh táo lại, sửng sốt thấy cái “Pháp thân vô tướng” của mình, đã xuống sông Ni Liên Thiền tắm táp rồi lên dựa gốc cây Bồ đề mà hít thở nhẹ nhàng như ngày xưa ngồi dưới bóng cây trâm ở cánh đồng nơi lễ Hạ Điền của vua cha. Suốt 49 ngày sau đó, Phật nhận định, xuất địnhsuy tưởng một phương pháp tiếp cận mới sao cho mọi người có thể chấp nhận từng bước mà thay đổi nhận thức, hành vi để đạt tới An vui, Hạnh phúc.   

 

18.  Chuyển “Bánh xe pháp”  

 

Khi vừa giác ngộ, Phật đã nghĩ đến chuyện nhập Niết bàn cho rồi, bởi nói ra điều mình đã giác ngộ, đã thấy biết, sống được trong vô tướng thực tướng, thì chẳng ai tin. Suốt 49 ngày suy nghĩ cách tiếp cận bằng “Tứ diệu đế”  Khổ Tập Diệt Đạohợp lý nhất. Bởi ai mà chẳng Khổ? Ai cũng thấy khổ. Đời là bể khổ. Nước mắt chúng sanh nhiều hơn bốn biển! Vậy, phải làm sao hết khổ, diệt khổ? Đó là mục tiêu gần gũi nhất. Ai cũng mong vậy. Muốn vậy phải biết nguyên nhân của khổ: Đó là Tập. Rồi tìm cách để diệt khổ: Đó là Đạo. Con đường đó là con đường từ chẩn đoán triệu chứng, dấu chứng đến nguyên nhân và chữa trị. Cho nên Phật được xưng tụng là Bậc Y vương. Vua của thầy thuốc. Và Phật “chế” ra rất nhiều thuốc: nào Dược sư nào Dược vương, Dược thượng, các thứ dược thảo… Từ đó, có Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên để dần dần xóa bỏ Tham sân si của kiếp người. Phải Giới, tu dưỡng đạo đức trước hết để dẹp bỏ lòng Tham, gốc của mọi sự khổ đau. Rồi có Định để cắt đứt lòng sân hận, oán thú. Trí tuệ sẽ bừng sáng khi không còn Tham sân. Dĩ nhiên phải đi từng bước, kiên trì từng bước và có sự “hợp tác” của “bệnh nhân”. Thuốc mạnh quá cũng hỏng. Thuốc chữa được bệnh cũng là thuốc độc. Vì thế mà con đường “điều trị” cái Khổ có lúc phải quanh co, lúc chữa triệu chứng, lúc chữa nguyên nhân

“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc như vậy, Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc mạng minh”. Và từ đó, tam minh, lục thông khi trời vừa ửng sáng. Gotama dã thành Phật. Ngài đã giác ngộ và bước vào đời với tấm lòng đại bi, chia sẻ đầu tiên với mấy bạn cùng tu khổ hạnh một thời với mình.                               

 

19.  Con đường độc nhất (trực tiếp)

 

 Con đường độc nhất (trực tiếp) “dẫn tới thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng đắc Niết bàn” chính là Thiền Định

Thiền định thì có lẽ đã có từ xa xưa, từ lúc có loài người, nên có vô số cách thức tùy mỗi nền văn hóa. Phật chọn một con đường Thiền Định đơn giảnhiệu quả: Tứ Niệm Xứ (Satipatthana). Đặt “Niệm” vào 4 xứ (nơi): Thân,Thọ,Tâm,Pháp mà các vị Tổ sau này gút gọn cho dễ nhớ là Thân bất tịnh, Thọ thị khổ, Tâm vô thường, Pháp vô ngã. Thiệt ra không hề đơn giản như vậy. Bởi sau này, trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Phật nói rõ về Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Chỉ vì “điên đảo” như người say rượu mà nói Vô thường, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh đó thôi.  

 

Thiền mà bị phân tích, xếp loại, đánh giá… sẽ làm cho thiền tiêu vong, không tìm đâu được cái thanh tịnh, hồn nhiên nữa. Do đè nén, ráng tiêu diệt cái tâm “không thiện”, tiêu diệt cái thân “bất tịnh” ghê tởm thì chỉ dẫn tới sự tự diệt theo con đường sai lầm của Cồ Đàm (Gotama). Diệt thân để cầu “tâm” thanh tịnh là một sai lầm lớn! Thiền nêu cao “Tức tâm tức Phật” (Thiền tông), mà quên “Tức thân thành Phật” (Mật tông). Không có thân sao có tâm? Không có thân sao có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp?  Cái cách đánh giá, lên lớp, gắn nhãn thật đáng sợ, làm cho con người muốn an tịnh không được mà ngày càng căng thẳng bức xúc, lòng tham ngày càng phát triển, cái ngã ngày càng to đùng, chỉ muốn chống lại với thiên nhiên! Dĩ nhiên trong trường lớp, trong tu viện dành cho các vị xuất gia thì phải theo đúng giáo pháp, từng bước từng bậc. Huệ Năng nhờ không theo trường lớp nào mà chỉ nghe một câu kinh trong Kim

Cang mà ngộ. Nhưng từ “ngộ” đến “nhập” là cả con đường dài của chính Huệ Năng.  

Thiền là con đường duy nhất để Giác ngộ, nghĩa là để “thấy biết” kiếp sống của con người từ lúc còn trong bào thai mẹ đến khi trở về với bào thai Như Lai, với Như Lai tạng, để hình thành cuộc trường sinh bất tử, hay cũng gọi là “vô sinh”. Khi “thấy biết” trọn vẹn con đường quanh co đó, thì không có cái gì sinh cái gì diệt cả. Bất sinh bất diệt. Nó phải vậy, nó cứ vậy. 

 

20.  Phật nhập Niết-bàn                               

 

Đức Phật bảo Thuần-Đà: “Đã phải giờ… Như-Lai sẽ nhập Niết-bàn.”

Thuần-Đà nghe Đức Phật dạy như vậy, bất giác nghẹn ngào khóc than nức nở:

“ Khổ thay! Khổ thay! Thế gian sẽ trống rỗng.” “Chúng ta phải đồng tha-thiết đảnh lễ cầu Đức Phật đừng nhập Niết-bàn.”

Đức Thế-Tôn lại bảo Thuần-Đà : “Ông chớ nên khóc than tiều-tụy như vậy. Ông phải quán sát thân này như cây chuối, như ánh nắng, như bọt nước, như huyễn-hóa, như thành Càn-thát-bà, như đồ gốm chưa hầm, như làn chớp, như hình vẽ trên nước. Như tù sắp hành hình, như trái muồi, như cục thịt, như bức dệt đã hết khổ, như chày giã lên xuống. Phải quán sát các hành-pháp như món ăn lẫn chất độc.”

Thuần-Đà bạch Phật:” Thật đúng như lời Thế-Tôn dạy. Mặc dầu con vốn biết Đức Như-Lai phương tiện thị-hiện nhập Niết-bàn, nhưng con không làm sao ngăn sự buồn thảm được. Giờ đây tự suy xét, con lại sanh lòng vui mừng.”

Phật khen Thuần-Đa: “Lành thay! Lành thay! Ông có thể rõ biết Như-Lai thị-hiện đồng với chúng sanhphương tiện nhập Niết-bàn. 

(Đại Bát Niết-Bàn, Thích Trí Tịnh dịch).

Rõ rồi đó nhé. Phật chỉ “phương tiện thị hiện” để qua đó, giáo dục chúng sanh biết thế nào cũng… chết mà lo thay đổi hành vi lối sống, giảm tham giảm sân đi cho an nhàn. Phật mà còn chết huống chi ta! Nhưng nhớ, thân Như Lai của Phật thì trường tồn bất diệt vì từ Như Lai tạng, từ Pháp thân mà có. Ta cũng có Phật tánh, có pháp thân, cũng từ Như Lai tạng đó thôi thì ta việc gì phải lo sợ khổ đau vì cái “sanh, bệnh, lão, tử” cơ chứ?

 

21.  Thường, Lạc, Ngã, Tịnh

 

Lâu nay, ta đã quen sống trong, sống với Vô Thường, Khổ, Vô Ngã, Bất tịnh rồi…đột nhiên nghe Phật nói lúc sắp nhập diệt trong kinh Đại Bát Niết Bàn rằng không có chuyện Vô thường, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh gì cả mà là Thường Lạc Ngã Tịnh… đó thôi, chẳng qua vì con người sống trong “điên đảo” như người say rượu mới thấy trời đất lăn quay mà tưởng tượng ra. Vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh là những hiện tượng của đời sống thường ngày ở “cõi người ta” mà ai cũng thấy biết và đã vất vả tìm đường “tu tập” để vượt qua, để được thanh tịnh, an vui. Nhưng thực ra đó chỉ là cái “thấy biết” trước mắt của phàm phu ta thôi, chớ Phật thấy khác. Có điều, ngay lúc ban đầu vừa giác ngộ mà Phật nói toạc ra thì cũng chẳng ai tin, chẳng ai hiểu, nên phải tiếp cận bằng con đường vòng dễ chấp nhận, từ đó mà chịu khó tu tậpCho đến khi tình thế đã chín muồi, trong kinh Pháp Hoa, Phật mới phải “khai thị” cho chúng sanh mở to con mắt mà thấy biết cái “tri kiến” Phật, để từ đó mà “ngộ nhập” vào chốn an vui, tịch tĩnh. Thấy biết cái gì? Cái Như Lai, cái Như Lai tạng, vô tướng thực tướng. Chúng sanh cũng có đủ Phật tánh thì cũng phải thấy biết như Phật chớ. Vậy mà cái hôm dưới chân núi Linh Thứu, trước ngàn vạn đại Thanh Văn, đại Bồ- tát, Phật “khui” ra cái bí mật bấy lâu giấu giếm này, đã có năm ngàn đệ tử bỏ đi, cho rằng Phật nói lúc này lúc khác. Phật phải đính chánh nhiều lần: Lúc đầu, lúc giữa, lúc cuối ta chỉ nói một lời đó thôi. Thì cũng như thầy thuốc, chẩn đoán bệnh xong thì cho bệnh nhân thuốc chữa triệu chứng cho đỡ đau đỡ khổ trước, rồi sau mới chữa trị nguyên nhân gần xa. Thuốc chữa được bệnh cũng là thuốc độc, nhiều side-effects phải hết sức thận trọng thôi. 

 

Còn nhớ Thầy Phước Hậu (1862-1949) khi ngộ ra Như Lai đã viết:

“Kinh điển lưu truyền tám vạn tư

Học hành không thiếu cũng không dư

Đến nay nghĩ lại chừng quên hết

Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ.”

 

thường, Khổ, Vô ngã xưa nay được coi là “Tam pháp ấn”, pháp nào không có tam pháp ấn là sai, là không phải Phật. Trong Đại Bát Niết Bàn, trước giờ nhập Niết bàn, Phật bảo đó chỉ là các “danh tự” chưa phải là “thật nghĩa”, chỉ vì chúng sanh khởi tâm điên đảonghĩ tưởng như vậy thôi!  

“Như người say rượu thấy nhà cửa núi sông vốn thiệt không xoay lộn, mà tưởng cho là xoay lộn. Cũng vậy, bị những phiền não vô minh trùm đậy nên chúng sanh khởi tâm điên đảo: ngã cho là vô ngã, thường cho là vô thường, tịnh cho là bất tịnh, lạc cho là khổ. Nghĩ tưởng như vậy mà không thấu rõ thật nghĩa…”.

                                     (Phẩm Tánh Như Lai, kinh Đại Bát Niết Bàn).

 

Thế nhưng, ta vốn lâu nay đã quen với Vô thường, khoái vô thường… của cõi đời thú vị biết bao sao lại tìm đến cái Thường của Như Lai làm chi? Cũng vậy, ta vốn quen với Khổ, thấy khổ cũng… vui, vì tưởng khổ hóa vui, tưởng vui hóa khổ… Vậy thì khi nhập vào tạng Như Lai là “bị” nhập chớ ta đâu có muốn phải không? 

 

Rồi Phật nói:

Nay ta sẽ giảng rõ sự thể nhập vào tạng Như Lai:

  “ Ngã” chính là thật nghĩa của “Phật”; “Thường” chính là thật nghĩa của “Pháp thân”, (của Phật tánh, của Như Lai tạng).“Lạc” là thật nghĩa của “Niết-bàn”, “Tịnh” là thật nghĩa của “Pháp”.   Vì để độ tất cả chúng sanh nên dạy tu pháp vô ngã. Nhờ tu pháp đó dứt hẳn tâm chấp ngã, được nhập cõi

thanh tịnh, an lạc (trước mắt).  

Nếu ngã là có, thời là pháp chẳng rời nơi khổ. 

Nếu không có ngã, thời tu hạnh thanh tịnh không được lợi ích gì.

Do nghĩ này, nên người tu các pháp khổ đều gọi là chẳng lành, người tu các pháp lạc, thời gọi là lành. Người tu các pháp vô ngã, thời thuộc về phiền não, người tu các pháp thường, thời gọi là tạng Như-Lai. (Đại Bát Niết Bàn).

 

Nghĩa là nếu có Ngã thì chẳng thể tu dứt hẳn tâm chấp ngã để mà lìa sự khổ, sẽ vẫn phải khổ dài dài! Còn nếu không có Ngã thì tu hành cực khổ mong thanh tịnh chẳng được lợi ích gì! Phải hiểu Ngã đây là thật nghĩa của Phật (chân Ngã), không phải thứ Ngã của phàm phu ta

 

Trong thân chúng sanh vốn có Phật tánh, tức Như Lai tạng, cũng đã thấy biết Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Hãy tự quy y chỗ “tam quy chân thật” này, chẳng cần tìm kiếm đâu xa.

 

 Phật bảo Ca Diếp (một vị Bồ-tát trẻ, thắc mắc tại sao Phật  mà cũng chết): "Này Ca Diếp! Thân Như Lai là thân thường trụ, thân bất hoại, thân kim cang chẳng phải là thân tạp thực. Chính là pháp thân". "Ông nên biết thân của Như Lai chẳng phải thân mà là thân, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng tập chẳng tu, vô lượng vô biên, không có dấu vết, vô tri vô hình, rốt ráo thanh tịnh, không có lay động, không phải thọ hành, chẳng phải hữu vi, chẳng phải nghiệp, chẳng phải quả, chẳng phải dời chẳng phải diệt, chẳng phải tâm vương tâm sở, chẳng thể nghĩ bàn… Nếu nói vô minh làm nhơn duyên mà có các hành, người phàm phu liền phân biệt tưởng rằng có hai pháp: “minh” và “vô minh”. Người trí rõ biết tánh đó vốn

không có hai. Tánh không hai (bất nhị) đó tức là thật tánh”.

Cho nên Tâm Kinh viết: “Vô vô minh diệc vô vô minh tận”. Không có vô minh mà cũng chẳng bao giờ hết… vô minh! Khoái thật! 

Trong kinh Duy Ma Cật, khi các vị Bồ tát có mặt đều nói về “Bất nhị” theo sự hiểu biết của mình, thì cuối cùng Văn Thù xin Duy Ma Cật cho ý kiến riêng ông, Duy Ma Cật làm thinh, chẳng nói chẳng rằng. Trong lúc mọi người đang ngơ ngác, tưởng Duy Ma Cật bí, thì Văn Thù vỗ tay khen: “Đó mới thật đúng là Bất Nhị!”. Bởi, Bất Nhị thì “ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt”, còn nói năng suy nghĩ gì nữa! 

 

22.  Thở và Thiền định

 

Tôi là một thầy thuốc, một bác sĩ y khoa, tốt nghiệp năm 1969 tại Y khoa Đại học đường Saigon, nhiều năm làm ở khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi Đồng rồi phụ trách Giáo dục sức khỏe, tham gia giảng dạy, viết sách, báo v.v… làm việc như điên, cho đến một hôm người ta phải đưa tôi vào bệnh viện để mổ sọ não vì tai biến (1997). Từ lúc mê man đến lúc tỉnh dậy ở phòng hồi sức… hình như tôi đã trải qua một kiếp sống khác! Nhìn ánh nắng mặt trời thấy lạ lẫm. Nhìn bóng lá lắt lay thấy lạ lẫm. Nhìn những hòn sỏi ngoài sân thấy lạ lẫm. Khi bước đi được những bước đầu tiên lẫm đẫm như một em bé trên nền đất, tôi thấy quả là một phép lạ. Tôi nhìn tôi trong gương với cái đầu trọc lóc thấy tức cười, thấy dễ thương. Tôi đó ư? Đồng nghiệp cho thật nhiều thuốc. Tôi chỉ chọn dùng một thứ duy nhất bởi biết bệnh mình không thể chữa bằng thuốc. Phải đi tìm một con đường khác. Rồi một người bạn tặng cuốn Tâm Kinh (bản photocopy loè nhoè lúc bấy giờ): “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách…”. Những câu kinh xưa mịt mờ giờ đây bỗng sáng rõ với tôi. Phải rồi. Phải “Tự tại” thôi. Phải dựa vào chính mình thôi. Phải thực hành thôi. Tôi vừa tìm hiểu kinh thư vừa lục toang đống sách y khoa đã học từ mấy chục năm trước để tìm kiếm. Thì ra có sẵn một con đường mà bấy lâu mình xa lạ. Thiền Quán Niệm Hơi Thở (Anapanasati, An-ban thủ ý, Nhập tức xuất tức niệm). “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra….” Chỉ có vậy thôi sao? Tin được không? Tìm hiểu thấu đáo, thực hành “miên mật” thì quả là có cơ sở để tin.

Gần đây ngày càng nhiều nhà y sinh học, tâm lý học, hợp tác cùng các nhà sư, dùng những kỹ thuật mới như EEG, PET, fMRI…  hy vọng khám phá những “bí

nhiệm” của Thiền thì “thiền” nở rộ như nấm gặp mưa, đến nỗi gây ra không ít hoang mang, ngờ vực! Thực ra, đưa kỹ thuật vào khảo sát thiền chỉ có thể thấy được một góc cạnh nào đó thôi, vì đằng sau còn biết bao điều “bất khả thuyết”!

 Có tới 40 đề mục để thiền quán, tôi chỉ chọn một, Hơi thở, theo lời Phật dạy trong kinh Anapanasati. Câu hỏi đặt ra là tại sao chọn hơi thở làm đối tượng thiền? Tại sao không chọn một đối tượng nào khác? Vì, hơi thở dễ thấy nhất. Nó nằm ngay trước mũi mình, ngay trước mắt mình! Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu cũng phải thở. Mỗi phút thở cả chục lần nên dễ có cơ hội quán sát  hơn. Thở lúc mau lúc chậm. Lúc ngắn lúc dài. Lúc phì phò lúc êm dịu, luôn thay đổi. Khi thở chỉ mình mình biết, chỉ mình mình hay, chẳng “làm phiền” ai!

Thở vô thức. Lúc ngủ say vẫn thở. Trung khu hô hấp nằm ở hành não, cầu não, bên dưới và bên ngoài vỏ não. Thở không cần ta. Thở ở ngoài ta. 

Thở là cầu nối giữa thân với tâm. Lúc sợ hãi, thở hổn hển. Lúc sảng khoái, thở lâng lâng. Lúc mệt, thở đứt hơi. Lúc khỏe, thở khoan thai. 

Thở luôn trong thì hiện tại, ở đây và bây giờ, không có thở của hôm qua hay của ngày mai.

Và, đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Lúc chào đời hít mạnh một hơi vào phổi để rồi khi lìa đời, thở hắt ra một cái: trả lại những gì mình đã vay mượn tạm! 

 

Nói đến thở, ta nghĩ ngay đến ngực. Thiệt ra, thở ở bụng chớ không phải ở ngực. Thở bụng (abdominal breathing) hay còn gọi là thở cơ hoành (diaphragmatic breathing) là cách thở sinh lý nhất. Nhìn một em bé ngủ say thì biết. Nhìn con ếch, con thằn lằn thì biết.

Hô hấp thật sự không xảy ra ở phổi mà ở trong từng tế bào. Phổi chỉ là một cái máy bơm hơi. Do vậy mà khi ta

có cách nào đó điều chỉnh được lượng khí ra vào, hiệu ứng sẽ tác động đến từng tế bào riêng lẻ. 

 Bộ não chỉ chiếm có 2% thể trọng mà tiêu hao Oxy đến 25-30%, phần lớn cho những chuyện “nhảm nhí” vô bổ. Nếu “chánh niệm” được vào hơi thở thì những thứ tham, sân, nghi, lăng xăng, bực dọc kia… sẽ âm thầm lặn đi rồi… biến mất!

Khi vào sâu trong thiền (thường gọi tứ thiền), hành giả sẽ không cảm nhận mình còn thở nữa. Hơi thở như ngưng bặt. An tịnh. Hòa tan. Tan biến. Đó chính là “quãng lặng” ở cuối thì thở ra – thường kéo dài, thong dong, nhẹ nhàng, yên tĩnh, vì không tốn năng lượng. Như chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe ngon trớn chạy ở số không, không tốn nhiên liệu! Tôi gọi đó là giai đoạn “Prana”. Pra có nghĩa là trước và Ana là thở vào (trước thì thở vào cũng có nghĩa là sau thì thở ra). Quãng lặng ngày càng dài ra, mênh mông ra như không còn biên giới, như hòa tan vào hư không, lắng đọng, thanh thoát. Lúc đó sẽ không còn ý niệm về không gian, thời gian, về ta, về người…

 “Buông xả” cả Niệm, vì Niệm vẫn còn là Nhớ là Nghĩ. Phải vượt qua, vượt qua Chánh niệm. Cho nên tứ thiền gọi là Xả niệm thanh tịnh. Xả bỏ cái Niệm (nhớ, nghĩ) đó đi thì mới thanh tịnh được. Nhưng chưa đủ, vì vẫn còn cái tâm “biết” ở đó quấn quít, muốn phân tích, muốn đánh giá, muốn so sánh… Cái “biết” lúc đó thật tai hại. Tuy thoát cái tham sân si nhưng vẫn còn muốn biết, muốn dõi theo, muốn đáng giá… Tóm lại, ở đây cần một sự “vô tâm” tuyệt đối. Không chỉ “vô tâm” đối với cảnh bên ngoài (đối cảnh vô tâm) mà “vô tâm” cả với cái tâm ham hiểu, ham biết ở bên trong ta. 

Thiền Định mà cũng phải bày ra những tầng bậc để đánh giá và… ấn chứng ư? Ai trình pháp, ai duyệt, ai chứng để cho lên cấp v.v… Đã có nhiều vị A-la-hán không đi vào bậc “thánh” nào cả đó thôi. Gặp Phật tình cờ, Phật nói vài câu, tức khắc thành A-la-hán! Có vị sắp chết, Phật đến thăm, nói một câu: cái thấy chỉ là cái thấy, cái nghe chỉ là cái nghe… Chỉ có vậy, tức khắc ngộ đạo, trở thành A-la-hán.  

Theo tôi, yếu tố rất quyết định trong Thiền địnhthả lỏng toàn thân – như thả trôi theo dòng nước hay treo thân trên móc áo. Thả lỏng toàn thân là làm cho toàn thân như rũ xuống, xẹp xuống, bình bồng, không còn căng cứng nữa! Tiêu hao năng lượng cho trương lực cơ (tonus musculaire) rất cao (khoảng 40% Oxy), nên thả lỏng là giúp giảm đáng kể tiêu hao năng lượng do căng cơ.

Khi cơ thể đã chùng xuống, khi tiêu hao năng lượng đã giảm một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ bớt nhu cầu phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn! Ăn ít mà vẫn đáp ứng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc. Các nghiên cứu trên sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thấy sống lâu hơn và trẻ lâu hơn! 

Ai có thể thở giùm ai? Ai có thể thiền giùm ai? Cho nên chỉ có thể nương tựa vào chính mình thôi.

Khi thiền vào sâu (gọi là Tứ thiền) thì hành giả đã ngưng thở, không cần thở nữa, không còn thở nữa. Thiệt ra họ vẫn thở với sự nhúc nhích rất nhẹ gần như không thấy của cơ hoành. Mỗi di động (nhúc nhích cơ hoành 1cm, đã có 250ml không khí vào ra), bấy giờ họ chỉ cần rất ít Oxy. Các tế bào đều được nghỉ ngơi, không hùng hục vất vả sản xuất năng lượng chi cho mệt. Số lượng khí thừa, tồn đọng trong phế quản đủ để

duy trì sự sống, dưới dạng hypoxia (thiếu dưỡng khí). Ở thiền giả thực hành lâu năm, đây là hiện tượng thiếu Oxy kinh niên (chronic hypoxia). Ở tình trạng chronic hypoxia thì cơ thể sẽ tạo ra các hormones như dopamine, serotonine, endorpphine, oxytocine, giúp thấy sảng khoái, dễ chịu, lâng lâng, gia tăng trí nhớ, giảm đau… Đó có thể chính là trạng thái “thiền duyệt” vậy.  

 

23.  Cận tử nghiệp

 

Một sự xúc chạm gần gũi với cái chết có thể đem lại một sự tỉnh thức thực sự, một sự chuyển hóa trong toàn bộ nhân sinh quan của ta. Có lẽ một trong những khải thị quan trọng nhất của nó đã chuyển hóa con người trải qua kinh nghiệm ấy như thế nào. Những nhà nghiên cứu đã lưu ý một số hậu quảbiến đổi đáng ngạc nhiên nơi những người ấy: Đó là họ bớt sợ hãi và biết chấp nhận sự chết; họ quan tâm đến việc giúp đỡ người khác nhiều hơn, họ càng thấy rõ tầm quan trọng của yêu thương, họ ít quan tâm đến những theo đuổi vật chất, họ càng tin tưởng vào chiều hướng tâm linhý nghĩa cuộc đời, và dĩ nhiên họ càng mở rộng niềm tin về đời sau

 

Có người sau “cận tử” đã chuyển hóa từ một con người lạc lõng lang thang không mục đích, không thiết gì trong đời ngoài tài sản vật chất, đến một người có định hướng, có động cơ sâu xa, có một mục đích trong cuộc đời, và một niềm tin mãnh liệt rằng sẽ có một quả báo vào cuối cuộc đời

 

Có người sau kinh nghiệm cận tử cảm thấy có một ý thức cao về tình yêu, khả năng cảm thông, khả năng tìm thấy niềm vui và lạc thú trong những việc nhỏ nhặt tầm thường nhất quanh mình... Có lòng thấu cảm đối với người bệnh và người sắp chết, và hết sức mong sao cho họ biết và ý thức được rằng tiến trình chết chỉ là một sự nối dài của đời sống

 

Một khải thị có tính cách cá nhân, hoàn toàn không thể đặt tên, cho thấy ta là gì, tại sao ta ở đây, ta phải làm thế nào... Điều này cuối cùng, không khác gì một đời sống mới mẻ, một cuộc phục sinh. (The Tibetan

Book of Living and Dying, Sogyal Rinpoche, 1992, Trí Hải dịch)

 

Các nghiên cứu cho thấy khi tim ngừng đập, não không chết cùng lúctrái lại bắt đầu hoạt động với tốc độ rất nhanh. Hormone dopamine tiết ra làm khả năng nhận thức tăng lên nhiều lần và có cảm giác bình yên… Hormone serotonin cũng tăng lên, kích hoạt các mối liên kết với ảo giác thị giác, nhớ lại toàn bộ các sự kiện trong đời. Các nghiên cứu cho rằng trải nghiệm cận tử có thể do não đang bị thiếu oxy.  

Trong thời kỳ bệnh Covid 19, có những bệnh nhân bị Covid được gọi là “happy hypoxia” hay “silent hypoxia” vì lượng oxygen xuống rất thấp trong máu mà không bị mệt, không bị khó thở như đa số các bệnh nhân khác.

Bình thường lượng Oxy trong máu người khỏe là hơn 95%, trong khi những bệnh nhân này lượng Oxy có thể dưới 40% mà không có triệu chứng thiếu Oxy khiến bác sĩ kinh ngạc, họ như người bình thường, dù vẫn có ho, thở nhanh, tim nhanh hay chậm…Phải chăng những bệnh nhân này là những người quen thiền, quen với tinh trạng thiếu Oxy kinh niên (chronic hypoxia)?

Ta thấy các thiền sư thường tìm lên núi cao để dễ tu tập vì không khí loãng, tỷ lệ Oxy thấp. Trong tứ thiền, giai đoạn gọi là “Xả niệm thanh tịnh” thiền giả gần như đã ngưng thở như ta biết.                            

 

24.  Vài kinh nghiệm riêng

 

Tứ Niệm Xứ, phương pháp căn bản của Thiền gồm “Thân thọ tâm pháp” thiệt ra theo tôi chỉ cần Một. Bởi có thân mới có thọ, có thọ mới có tâm và có tâm mới có pháp. Pháp thì từ tâm mà sanh ra. Vô tâm, vô niệm thì pháp không tồn tại. Ta khổ, ta phiền não là vì “pháp”. Ta không thanh tịnh được là vì pháp. Vạn pháp đều do tâm sanh, tâm vẽ vời ra đó thôi. Không có thọ thì cũng không có tưởng. Tưởng là vua sanh sự. Gì cũng do tưởng mà sanh ra. Thọ thì từ xúc. Xúc mới có thọ, ái, thủ, hữu, đi vào vòng quay “sanh, lão tử”.  Các giác quanthanh tịnh được thì hết chuyện! Khi Thức chuyển thành Trí thì mọi thứ yên ắng, lặng lẽ, thanh tịnh ngay. Tám thức mà chuyển thành 4 Trí thì hết chuyện! Tứ niệm xứ Thân thọ tâm pháp thì Thân chính là cửa ngõ, giúp ta được “thanh tịnh”, không còn phiền não khổ ưu gì nữa và “chứng đắc Niết-bàn”.  Có một vị Phật tên gọi “Bất Không thành tựu Như Lai”- chẳng gì chẳng thành tựu- chỉ nhờ đã tu tập chuyển hóa được các giác quan từ Tiền ngũ thức thành Trí. (Tiền ngũ thức: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân đã chuyển thành Diệu quan sát Trí). 

Ta khổ sở quẩn quanh vì bị ràng buộc, vì tham, vì sân… chẳng qua vì ta “tưởng thiệt” mà “trụ” vào đó, nào bằng cấp, nào danh vọng, tiền bạc, khen chê, hơn thua… các thứ. Thiền dạy buông xả. Mục tiêu của Thiền Định là Xả. Chánh niệm hơi thở để dần dần xả… hơi thở, để đạt đến chánh Định. À mà hơi thở nó tự buông xả, chớ không phải do ta cố gắng, ráng sức.   

« Thả lỏng toàn thân thả lỏng chưa? » là một câu “chú”, một “đà-la-ni” của riêng tôi mỗi buổi sáng sớm khi ngồi xuống… “diện bích”! Tôi nói diện bích vì chỗ tôi ngồi… thiền cách vách tường chưa tới một mét. Dĩ

nhiên thiền không cứ phải ngồi. Đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền được. Nhưng ngồi thì… vui hơn, có lý hơn ! Tôi không ngồi được kiết già, bán già như truyền thống thì ngồi kiểu của… tôi, cũng như có kiểu ngồi của Tây Tạng, kiểu ngồi của Nhật Bản và kiểu ngồi của người Tây phương… Kiểu nào cũng tốt cả ! Từ hai mươi lăm năm nay, sáng nào tôi cũng ngồi “cái gọi là thiền” của mình – vì không theo một trường phái nào cả, không theo một vị thầy nào cả, mà chỉ nắm nguyên tắc thiền Anapanasati mà Phật đã dạy từ thuở ban đầu chừng 30-40 phút, sau đó kết hợp với các động tác  thể dục nhẹ chừng 30 phút nữa mà tôi coi là một thứ thiền « động », một cách « xả thiền ». Mỗi động tác thể dục đều tác động trên từng « cơ, xương, khớp » của thân.  Tôi thấy sức khỏe mình có tốt hơn lên, sức làm việc bền bĩ hơn, trí nhớ có phần tốt hơn… Hôm nào không ngồi thiền và tập thể dục như vậy thì thấy uể oải. Lâu ngày tôi thấy mình như «ghiền » vậy. Tôi viết một bài vè để giúp trí nhớ cho riêng mình: 

Thả lòng toàn thân thân/ như treo móc áo/ ngồi xếp bằng tròn/ vai ngang lưng sổ/ dõi theo hơi thở/ như mượn từ xa/ khi vào khi ra/ khi sâu khi cạn/ chú tâm quãng lặng/ pranasati/ hơi thở xẹp xì/ thân tâm an tịnh/ không còn ý tưởng/ chẳng có thời gian/ hạt bụi lang thang/ dính vào hơi thở/ duyên sinh vô ngã/ ngũ uẩn giai không/ từ đó thong dong/ thõng tay vào chợ…. 

 

Động tác thả lỏng toàn thân rất quyết định trước khi vào thiền. Vào thiền mà còn căng cứng thì hỏng bét. Cho nên phải nhắc mình “thả lỏng toàn thân thả lỏng chưa?” là vậy. Khi thả lỏng toàn thân như vậy, ta đã bềnh bồng trôi đi, không còn có ta có người có chúng sanhthọ giả gì nữa… Nếu thực sự thả lỏng được thì tức khắc ta đã giảm thiểu tiêu hao năng lượng một cách đáng kể

Ngay hơi thở đầu tiên đã có thể vào Định. Thiệt ư? Thiệt. Ngồi xuống nhẹ nhàng, giữ lưng  thẳng đứng, hít nhẹ một hơi vào rồi buông lỏng toàn thân, từ từ buông luôn hơi thở, không cần đếm, không cần quán sát, dõi theo gì nữa. Ta rơi vào một khoảng trống, lặng, khi hơi nhẹ nhàng thoát ra ở mũi, và kéo dài cho đến hết, trước khi có một hơi thở vào nhẹ nhàng tiếp theo. Nó tự biết, không cần ta quan tâm!  Khi áp suất dương (+) thì hơi trong phổi “xì ra”, khi áp suất âm (-) thì hơi được hút vào. Quãng lặng là khi áp suất bằng Zero (0), hơi không vào không ra gì nữa. Người quen rồi thì cứ thả hơi tự động, không hề có một sự cố gắng, gắng sức ở đây. Nếu có cố gắng, ráng sức thì… sẽ thất bại. Tôi viết mấy câu thơ để tự nhắc mình: 

Chắt ra cho hết/ Giọt hơi cuối cùng/ Thả mình như lá/ Rơi vào hư không/ Tràn vào khắp nẽo/ Đất trời mênh mông/ Nhẹ như không có/ Có mà như không…  (Có Không).

 

Không nhẫn nhục thì dễ bỏ cuộc. Ai cười mặc, cứ “lì” là xong! Ngồi xếp bằng còn giống cái tháp. Tháp báu. Ở trong tháp báu đó có Như Lai Đa Bảo của mình đang tủm tỉm cười chờ đón mình. Như Lai Đa Bảo là một cái xác khô, gồm toàn đất, nước, gió, lửa (Carbon, Hydrogen, Oxygen, Nitrogen) và các nguyên tố đồng, chì, sắt, kẽm, mangan, ma-nhê, phospho, vôi vữa các thứ… Tháp (Stupa), nguyên nghĩa là nấm mồ.  Trong kinh Pháp Hoa, Phật gõ cửa chui vào Tháp báu cùng Như Lai Đa Bảo tay bắt mặt mừng, trò chuyện thiệt vui.

 

Anapanasati (Quán niệm hơi thở, An-ban thủ ý; Nhập tức xuất tức niệm) là phương pháp Thiền định rất khoa học, dễ thực hành, ai cũng học được, không sợ “tẩu hỏa nhập ma”, gồm cả Thiền chỉ (Samatha) và Thiền quán

(Vipassana), từ đó dẫn tới Định mà không cần phải qua các tầng cấp phức tạp của thiền sắc và vô sắc v.v… 

Khi hiểu rõ hơn về cơ thể học, sinh lý học, tâm lý học… của thiền Anapanasati, tôi nghĩ Phật còn để dành cho ta “tự phát hiện” một điều “bí nhiệm” khác để có thể nhanh chóng vào tam muội Phổ Hiền: Dó là đặt niệm vào khoảng trống giữa hai hơi thở. Có thể coi đó một bardo, trung gian giữa 2 hơi thở vào và hơi thở ra. Ở đó, ta có quãng lặng, không thở, ngưng thở, một “quãng chết” ngắn. Đó là cách “tập chết” hiệu quả mỗi ngày mà có lẽ các hành giả Mật thừa trải nghiệm quá trình sự chết, học tập sự chết, làm quen với “Tử ma”, thân thiết với tử ma.  Prana cũng được người xưa coi là “Nguồn sống” ấy là cõi không thở, cõi trước khi thở… Đây cũng chính là giai đoạn người ta đã sống trong bào thai mẹ, hay trở về  bào thai Như Lai, Như Lai tạng

 Khi còn ý, khi còn tưởng thì tức khắc còn sanh sự. Và tức khắc có sự nhộn nhạo. Nhưng coi vậy mà rất khó để dứt ý tưởng lăng xăng. Phật mà còn bị Ma vương quấy nhiễu, bao nhiêu hình bóng chập chờn, xua đi không dễ ! Cho nên khi thấy những ý tưởng nọ kia xuất hiện cũng là chuyện bình thường thôi. Cứ để tự nhiên. Nó đến rồi nó đi. Đừng có xua đuổi. Càng xua đuổi càng dính mắc, “phan duyên” (dây mơ rễ má, sinh sự sự sinh). 

Khi thân tâm an tịnh, có thể cảm nhận một sự nhẹ nhàng, sảng khoái (thiền duyệt)… như đã biết. 

 

25.  “Chất lượng cuộc chết” 

 

Ngày nay người ta không chỉ nghĩ đến “Chất lượng cuộc sống” (AOL, Quality of life) mà còn nghĩ đến “Chất lượng cuộc chết” (Quality of dying and death, QODD), nghĩa là có một cái chết tốt (Good death). 

“Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) định nghĩa Chất lượng cuộc sống  là những cảm nhận của các cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ. Chất lượng cuộc sống như vậy đặt trọng tâm trên cảm nhận chủ quan của cá nhân, cho thấy có cái nhìn khác xưa đối với bệnh tật và sức khỏe vốn lâu nay chủ yếu dựa vào “cảm nhận” của thầy thuốc và sự “mách bảo” của máy móc xét nghiệm!”

Khảo sát về “chất lượng cuộc chết” ở gần 30 quốc gia gần đây cho thấy Anh quốc và Úc là nơi “chết tốt” nhất, Mỹ, Canada đứng hạng thứ 9. Trung quốc hạng 37 và Ấn Độ hạng 40. Dựa chủ yếu vào hệ thống chăm sóc giảm nhẹ (thuốc giảm đau).

Có 11 yếu tố đánh giá cái “chết chất lượng”: nhân phẩm, thành tựu của cuộc đời, chất lượng cuộc sống đã trải qua, không đau đớn, gia đình êm ấm, gần gũi người thân, bạn bè; đạo đứctâm linh (tín ngưỡng, tôn giáo), sở thích trong điều trị, mối quan hệ với nhân viên y tế.  

 

Cận tử nghiệp là nghiệp được tạo tác bằng tư tưởng trước lúc sắp chết. Ý nghiệp này rất mạnh và vô cùng quan trọng vì nó quyết định hướng tái sinh

 Sống thế nào thì đã được đánh giá qua “Chất lượng cuộc sống”… còn chết thế nào chả lẽ không cần biết tới sao? Bởi ai mà chẳng chết, bởi nó chính là một thành phần tất yếu của cuộc sống mà! Và từ đó người ta đề ra định nghĩa, đề ra các thành tố để đo lường thế nào là  “Chất lượng cuộc chết”, giai đoạn cận tử của một con người. Có điều người ta không thể hỏi han một nhân vật đã chết về sự “cảm nhận” của họ thoải mái, hân hoan, an lạc, hạnh phúc thế nào, nhưng người ta có thể đánh giá trên nhiều thành tố qua quan sátthăm dò ở những người trong gia đình, bạn bè, nhân viên y tế, rằng theo họ, người chết có được “chết tốt” (Good death) hay không? Thí dụ trong giai đoạn cận tử, họ có quằn quại đau đớn vì các triệu chứng sinh học về thể chất không? Nếu bị đau đớn vì bệnh tật, họ có đủ thuốc chống đau, thuốc giảm đau không…? Nhân viên y tế chăm sóc cho họ có dễ thương không? Có tử tế với họ không? Có làm đúng “ước muốn” của họ không? Họ có được chết ở nơi họ thích không? Bên cạnh người thân thiết, bạn bè của họ không? Có được hướng dẫn tâm linh (tôn giáo) để họ thấy tâm an lạc, nhẹ nhàng, sẵn sàng với cái chết của họ không? Họ có được giữ trọn nhân cách, được tôn trọng, tự hào với những thành tựu đã thực hiện tốt đẹp trong cuộc đời mình, không còn những hối hận, khắc khoải lo âu khi từ biệt, không gây tốn kém nợ nần?... Dĩ nhiên tất cả đều nằm trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đã sống…      

Qua cái sống sót sau cơn thập tử nhất sanh do mổ sọ não như vậy, tôi thấy có nhiều cái lạ. Đời đáng sống. Sống nên vui và nên hạnh phúc. Không cần phải khổ đau. Một bữa ăn thiếu thốn cũng được, nghĩ như mình đang ở hoang đảo… Tôi thấy đã đến lúc học Phật coi Phật sống cách nào, có gì hay để học hỏi. Học Phật mà thấy thương. Hết bị ném đá, tới bị voi chặn đường, rồi

người ganh tị, rồi bị đủ hạng người tìm tới gạn hỏi tranh đua… Lúc này mới thấy nhờ 6 năm khổ hạnh mà Phật có được sự nhẫn nhục, nhớ lúc nằm ngủ trong nghĩa địa bị bọn chăn bò nhổ nước bọt vào mặt, lúc kiếm vải thừa trong tang ma làm áo… Cái khổ hạnh đó đã rèn luyện cho một cách sống lúc nào cũng “kham nhẫn, tri túc”. Tôi cũng nhớ lại tuổi thơ khổ sở của mình, suốt 7 năm ở rừng, từ 5 đến 12 tuổi, bệnh tật triền miên, sốt rét, kiết lỵ, suy dinh dưỡng, thiếu ăn thiếu mặc, ở những vùng có cọp thường ra bắt người ăn thịt ban đêm hay giữa rừng vắng, có voi xuống phá rẫy phá nhà. Có lúc phải uống nước đọng dưới gốc bụi tre hoặc trong lỗ chân trâu. Các bữa cơm dưới ngọn đèn chai (dầu rái), chỉ với cá khô, mắm muối. Nhiều bữa khoai, bắp thay cơm. Khi ở tuổi 10,11, đi học ở Gò Ông Nồm hàng ngày chỉ với chiếc mo cau ép nắm cơm với con cá khô nướng, ngồi ăn trên cành cây bên cạnh hầm trú ẩn chữ U chữ V để sẵn sàng nhảy xuống tránh bom khi có máy bay. Tôi thấy bây giờ cái gì cũng sướng quá rồi. Thấy tội nghiệp Phật, lúc sắp nhập Niết bàn, cứ phải giải thích nhắc đi nhắc lại rằng cái chết này chỉ là cái chết của tấm thân nuôi dưỡng bằng thức ăn (tạp thực) chớ cái thân Như Laithân kim cang, thân bất hoại, thân vô lượng thọ. Các đệ tử Phật sau khi khóc than ỏm tỏi đã hiểu ra và cười… Mà thật, Phật đâu có chết, có mất. Mấy ngàn năm sau mỗi ngày mỗi mới mẻ hơn thôi, mỗi gần gũi với cuộc sống hơn thôi. Dĩ nhiên, các giống loài cũng đều có Phật riêng nó chớ, cá, ếch nhái, bò sát, chim, loài có vú… mỗi loài cũng có Phật, kẻ giác ngộ của nó chớ!

 

26.  Tôi bây giờ

 

Buổi tối nghĩ gì, định làm gì vào ngày mai thì phải ghi ra giấy, vì nếu không, mai quên tuốt. Giấy để cả ở đầu giường, ở cầu tiêu, bàn ăn, những nơi dễ có nhiều ý tưởng hay nhất. Bịnh hay quên ở người già thì gọi là senile dementia, quên chuyện mới thôi, chuyện xưa năm bảy chục năm thì còn nhớ như mới hôm qua. Khi quên cả chuyện xưa thì đã là bị Alzheimer rồi! Mau quên là dấu hiệu rõ nhất, mau thấy nhất ở tuổi này, bên cạnh chuyện tai nghễnh ngãng, mắt lòe nhòe… cho nên, nói cho cùng, không cần tu tập gì cũng bỏ hết, buông hết, nên nói không muốn giác cũng giác, không muốn ngộ cũng ngộ là vậy! Người tu hành trầy vi tróc vẩy chỉ mong được quên, được buông bỏ, mong được hiểu biết “cái thấy chỉ là cái thấy, cái nghe chỉ là cái nghe”, không bình phẩm, không phê phán, vậy chẳng phải già như mình đã… giác ngộ rồi ư? Đến một hôm, thấy mình đang sống trong cõi vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh đầy sôi nổi hào hứng với người ta bỗng nhiên sắp thành “Thường Lạc Ngã Tịnh”! Cho nên bảo ai biết sống với Như Lai, sống trong Như Lai tạng, trong Pháp thân thì không cần phải tu hành chi cho rắc rối! Khi Bồ-tát Ca Diếp (một vị Bồ-tát trẻ) hỏi Phật vì sao Phật mà cũng chết như mọi người, Phật nói thân Phật khác thân Như Lai: “Ông nên biết thân của Như Lai chẳng phải thân mà là thân, chẳng sanh chẳng diệt, chẳng tập chẳng tu, vô lượng vô biên, không có dấu vết, vô tri vô hình, rốt ráo thanh tịnh…”(Đại Bát Niết Bàn).

 

 “Pháp” nó vậy là nó vậy. Nó cứ sanh trụ dị diệt, cứ đến rồi cứ đi, việc gì phải xua đuổi, phải né tránh, phải sợ hãi, lo âu? Nó chẳng phải là ta, chẳng phải của ta, chẳng phải là tự ngã của ta. Nó bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm mà. Không có Phật cũng có Pháp. Nó do duyên sanh, do trùng trùng duyên khởi, không mà có, có mà không. Ta cứ thuận pháp mà sống, hồn nhiên như nhiên.

Kinh điển lưu hành tám vạn tư/ Học hành không thiếu cũng không dư/ Đến nay ngẫm lại chừng quên hết/ Chỉ nhớ trên đầu một chữ Như (Thiền sư Phước Hậu).

Sống với “chữ Như” là sống trong từng giây phút một. Mỗi khoảnh khắc, mỗi sát na, là vô tận. Bởi, không có thời gian chẳng có không gian. Không gian làm bằng thời gian. Thời gian thì do ta làm ra. Chờ đợi thì dài. Ước mong thì ngắn. Trẻ thấy lâu. Già thấy mau. 

Sống trong sát-na thì không có không gian, thời gian nữa. Hiện tại. Ở đây và Bây giờ.

Sống trong từng sát-na, là sống với Như Lai, sống cùng Như Lai, sống trong Như Lai… với Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Từ Như Lai tạng mà đến, rồi về với Như Lai tạng, với bào thai Như Lai, bào thai Mẹ. Vậy thôi.

Chuyện gì cũng chỉ xảy ra một lần thôi. Hy vọng gặp lại không có đâu. Một lần thôi. Lần đầu cũng là lần cuối. Hãy sống lúc đó.

 

Tôi chỉ học lõm bõm ít kinh Phật do duyên gì đưa đẩy không biết, và cũng chỉ học lấy cái “cốt lõi”. Hình như mọi thứ nó xảy ra cho tôi theo một trình tự kỳ lạ, một sự xếp đặt kỳ lạ. Khi tôi trải qua cuộc phẫu thuật, tưởng đã qua một kiếp khác, tỉnh lại, bỗng có người tặng cho cuốn Tâm Kinh. Tôi thấy như mọi thứ vỡ ra. Tôi học một chữ thôi: chữ “Không”. Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát Nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách. Mặc cho các nhà

nghiên cứu Phật học, các triết gia, các nhà khảo cổ chui vào hàng đống sách vở, vào các hang động tìm kiếm, cãi vã, tranh luận chí choé, triền miên… thì tôi biết ngay đó là sự thật! Và hiểu ngay Không đây không phải là không có mà do duyên sanh, duyên khởi, không có tự tính riêng biệt. Chữ Không (Sunyata) như trả lời tôi câu hỏi “Tại sao” (Why?), thắc mắc bấy nay về kiếp người. Tại sao có ta? Ta từ đâu đến? Đến để làm gì…? Ba mẹ ta mà không gặp nhau thì ta là ai? Ông bà nội ngoại không gặp nhau thì ta là ai?  Thì ra là do… duyên sinh vậy! Nhưng cái gì làm cho… duyên hào hứng sinh đủ thứ chuyện vậy? Thì ra là do Nghiệp. Nghiệp dẫn dắt… Ái dà, thú vị. Nhưng thú vị nữa là Quán Tự Tại Bồ-tát kia lại chính là Quán Thế Âm. Quen thân quá. Hồi nhỏ 12 tuổi ở chùa đã nghe bà Cô tôi khấn vái khi có pháo kích đùng đùng: Nam mô Đại từ Đại bi Quan Thế Âm Bồ-tát Ma ha tát… Tôi thì cứ êm ái ngủ khò bên cạnh đống gạch chất cao. Sau này mới biết muốn làm Quán Thế Âm thì phải là Quán Tự Tại. Nói khác đi, muốn nghe được “tiếng kêu của trần thế”, muốn giúp đỡ được cho mọi người bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu thì bản thân mình phải “Tự Tại” cái đã. Câu hỏi tiếp theo “Cách nào” (How?) thì ngộ thay, có kinh Kim Cang xuất hiện. Thì phải vào Thiền Định thôi. Không cách nào khác. Chỉ với một câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà Huệ Năng tỉnh ngộ, đã thấy ra “bổn lai vô nhất vật” (xưa nay không một vật) trong khi ta thì còn mãi dính mắc tùm lum sao? Khi hiểu “tức phi/ thị danh” (không phải/ tạm gọi), nói vậy mà không phải vậy, không phải vậy mà vậy trong kinh Kim Cang chẳng thú vị sao? Để ý một chút coi, đã bao lâu cái gì ta cũng cứ “tưởng thiệt”, bị gạt gẫm bao phen mà vẫn cứ ngây thơ! Nếu vượt qua được cái tướng, cái biểu kiến, cái trình hiện bên ngoài gạt gẫm kia, thì ta chẳng phải đã được giải thoát ư? Thiền định giúp ta có “Chánh Kiến”, thấy

đúng, từ đó mà Suy nghĩ đúng (Chánh Tư-duy), Sống đúng, mới có thể ung dung tự tại. Cho nên phải vào Thiền định. Mà thiền sai, thiền bậy rất dễ bị “tẩu hoả nhập ma”, cũng do bị gạt nữa. Phải học trên chính mình thôi. Và tôi, nhờ cái vốn y học, đã tìm trong Cơ thể học, Sinh lý học, Thần kinh học, Tâm lý học… từ đó mà thấy con đường rất khoa học Phật đã dạy trong Thiền Định: Anapanasati, Quán niệm hơi thở (An-ban thủ ý, Nhâp tức xuất tức niệm). Từ đó, tôi nghiền ngẫm thực hành và đặt một từ cho riêng mình: Pranasati: đặt Niệm vào khoảng trống ở giữa 2 hơi thở vào và hơi thở ra. Khi vào Định thì không còn “nhớ nghĩ” gì đến hơi thở nữa. Thiền Định làm sao mà phải cắt đoạn, phân tầng, đánh giá… các thứ được chứ!  Thất bại trong thiền chủ yếu là do “ham muốn” quá, do tham lam quá đó mà thôi. Nhớ ngày còn thơ, Cồ Đàm ngồi chơi nơi cánh đồng, dưới bóng cây, lim dim… coi vua cha và mọi người làm lễ Hạ điền, đã vào “thiền” lúc nào không hay. Lúc đó có ai nói là vào Sơ thiền, nhị thiền rồi thiền Vô sắc… với phi tưởng phi phi tưởng xứ… gì gì phức tạp đâu! Sau này, vì nghe bày đặt, bày vẽ, Cồ Đàm tập thiền đủ kiển nào nín thở nào nhịn đói suýt chết. 

Rồi như để trả lời câu hỏi Cái gì (What?) của tôi thì kinh Diệu Pháp Liên Hoa lại hiện ra với ngàn cánh sen xanh biếc. Xanh biếc? Ấy là hình ảnh của Diệu Âm Bồ-tát xinh đẹp, hiện ra giữa ngàn cánh sen bay vèo vèo từ cõi vô tướng đến thăm… Thích Ca rồi vọt đi ngay. Thiệt khác với Quán Thế Âm vất vả lo toan đủ thứ chuyện trên đời! Ở Pháp Hoa, tôi học một câu thôi. “ Vô tướng ở đây là vô tướng mà chẳng phải vô tướng, chẳng phải vô tướngvô tướng nên gọi là thực tướng!”. Thì ra cái “tướng” mà ta đang sống đầy khổ đau đây với “vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh” chẳng qua chỉ là cái thấy biết vì “điên đảo mộng tưởng”,

không có thiệt, bởi nó chỉ là “thực tướng” ảo. Ai tưởng thiệt, khổ đau ráng chịu! Cái đó chính là Như Lai, từ trong Như Lai tạng vô tướng mà “hiện tướng” chơi chút thôi, khiến ta tưởng vô thường, vô ngã... đáng đời!

Kinh Hoa Nghiêmkinh đầu tiên Phật thuyết dưới cội Bồ đề, không ai hiểu. Phải mất 49 ngày nghiền ngẫm, tìm kiếm một cách tiếp cận mới, Phật mới thuyết lần thứ hai ở vườn Lộc Uyển vơi Tứ Diệu Đế và từ đó, suốt 45 năm nói đi nói lại, để rồi cuối cùng dặn đệ tử: Xưa nay ta chưa hề nói điều chi, chưa hề dạy ai điều chi. Tuyệt vời! Phật biết sau này có internet, có AI… thiên hạ nói tùm lum rồi đổ thừa Phật! Thiệt ra, trong mỗi chúng sanh đã sẵn có Phật tính và phải tự mình tìm thấy, như viên ngọc quý sẵn có trong chéo áo của người cùng tử.

Tôi sớm biết Phật là Như Lai nhưng Như Lai không phải Phật. Khóm cây ngọn cỏ cũng là Như Lai, con ong cái kiến… cũng là Như Lai… Và ta cũng là Như Lai đó thôi, bởi cũng từ Như Lai tạng, có cùng Phật tính, Pháp thân với Phật, chẳng qua ta chưa… giác ngộ đó thôi! Và khi biết sống trong “thực tướng” với chân khôngdiệu hữu thì ta có thể cười một mình được rồi đó. Ta mới hiểu tại sao Phật cứ tủm tỉm cười hoài, chẳng qua là tự cười chính mình đó thôi. Ở Pháp Hoa còn học được nhiều hạnh Bồ-tát thiệt hay, ứng dụng vào đời sống hiệu quả với các hạnh như tôn trọng (Thường Bất Khinh), hạnh chân thành (Dược Vương- nhất thiết chúng sanh hỷ kiến, ai thấy cũng vui, ai gặp cũng mừng); hạnh thấu cảm (Quán Thế Âm). Cứ ứng dụng vào đời sống đi rồi biết. Đến để mà thấy. Đừng vội tin. Rồi từ cái chân Không kia vì sao lại có diệu Hữu, vui biết bao, với cả một cõi đời như hoa như gấm (thế giới hoa tạng) trình hiện cho ta thưởng thức, cho ta sướng vui, an lạc. Nếu ta vào được Tam muội Phổ Hiền thì có

dịp thấy “ông Phật” đang “vặn mình” bước ra từ bào thai Như Lai, từ vô tướnghiện tướng như đứa bé sơ sinh vặn mình thoát ra khỏi lòng mẹ. Thì ra tất cả các vị Phật đều xuất thân từ Như Lai tạng cả, như đất sét được nặn ra bao thứ trên cõi đời! Ta nhớ lại lúc Phật Thích Ca mở cửa chui vào Tháp báu, gặp Như Lai Đa Bảo đang ngồi đợi, tay bắt mặt mừng, hai người bạn thiết đã lâu không gặp, lẽ nào ta lại sợ hãi Như Lai Đa Bảo của ta hay sao? Lúc tôi hơi băn khoăn thì Duy Ma Cật xuất hiện. Thiệt là sảng khoái. Một ông Bồ-tát tại gia, “chịu chơi”, dám đặt lại các vấn đề từ xuất gia đến thiền định, khất thực, đạo tràng, thuyết pháp… rồi với phương pháp “tiếp cận dựa vào cộng đồng” ông đưa Phật đạo vào đời sống: Cư trần lạc đạo.     

Tôi học lõm  bõm là vậy. Chỉ chọn lấy cái cốt lõi mà học. Và hành. Phật học mênh mông thiên kinh vạn quyển, học nhiều đời nhiều kiếp chưa hết, để cuối cùng chỉ “Còn nhớ trên đầu một chữ Như” là đủ. Tôi cho rằng nhờ có Định mà ta có Chánh kiến, Chánh tư duy… từ đó mà có nhận thức đúng, hành vi, lối sống đúng. 

Thân thể rã rời ư? Nó phải vậy. Xài lâu, quá date rồi. Ngũ uẩn chừng muốn ai về chỗ nấy, không thèm dính mắc chằng chịt nhau nữa ư? Thì kệ nó. Tốt thôi. Khớp cũng lỏng rồi ư? Hết dầu mỡ hết dây chằng buộc rịt rồi ư? Thì kệ nó. Có phải lỗi tại ta đâu. Ta có muốn vậy đâu. “Nó” cho mượn tạm nay tới hồi phải trả. Những cơn đau nhức hẳn là phần lời phải trả, bù cho lúc ta xài phí quá. Cái đó chắc là do “nghiệp”. Nó vậy. Ráng chịu. Tốt hay xấu có lẽ do nhiều đời nhiều kiếp trước. Ai nói gì không biết chớ tôi tin có kiếp trước kiếp sau. Phải có, mới tạo sự công bằng, hoàn hảo chứ!

 

Từ lúc bước vào tuổi 80, tôi ghi lại mấy cảm nghĩ rời thành cuốn Về Thu Xếp Lại. Bản thảo, khó tin, tôi đã sửa từ dưới chân núi Hy mã Lạp sơn! Lúc đó, tôi đang

ở Nepal, chân Hy Mã Lạp Sơn, gần Tây Tạng, hàng ngày nhìn Núi tuyết trước mặt. Ngày ngày lang thang quanh Bảo tháp Boudhanath ở Kathmandu… tối về sửa morasse cuốn Về Thu Xếp Lại. Tức cười mà chuyện có thật. Người làm ở nhà xuất bản gởi bản thảo từng đoạn cho tôi qua email, tôi sửa rồi chuyển về, rồi chỉnh sửa, cứ thế. Lần hồi cũng xong cuốn sách. Đó là một dịp may mắn mà tôi được hít thở cái không khí tĩnh lặng của núi tuyết Himalaya trong lúc sửa cuốn sách mới của mình, cũng là dịp tôi đến được Lâm-tỳ-ni chiêm ngưỡng nơi đức Phật đản sanh và thành Ca-tỳ-la-vệ nơi Thái tử Cồ Đàm rời bỏ kinh thành lên đường tìm đạo. Tiếp đó, tôi tập hợp các bài văn rời rạc mà mình thích lâu nay, có lúc định thôi, bỏ, để làm gì? Rồi lại tiếc. Thế mà rốt cuộc in cuốn lấy tựa Để làm gì sau đó. Thì để chuẩn bị chớ gì. Chuẩn bị cho một chuyến ra đi. Để làm chút kỷ niệm. Sẵn trớn, gom góp một số bài viết của bạn bè về thơ mình, in tập Như không thôi đi được. Dù sao thì đến giờ tôi cũng đã có được 7 tập thơ rồi chứ ít gì. Mê thơ từ nhỏ. Từ tập Tình Người 1967 đến Thơ Ngắn Đỗ Nghê 2017 đã 50 năm chẳn. Thơ tôi viết từ cảm xúc thật của mình, tôi không coi thơ là trò chơi chữ nghĩa. Thơ thiệt thà chơn chất vậy mà cũng có người khóc, người cười, người nhớ, người thuộc… Hoá ra chỉ có sự chân thành, từ một tấm lòng mới đến được với tấm lòng. Các bài thơ như Thư cho bé sơ sinh , viết năm 1965 tại Bệnh viện Từ Dũ;  Mới hôm qua thôi viết 1993 ở Montreal và Bông hồng cho mẹ, viết 2012 khi mẹ mất… có lẽ sẽ còn được nhiều người chia sẻ.

Còn chuyện lõm bõm học Phật, tôi cũng gom góp, sắp xếp, bổ sung làm thành một “tuyển tập” Tôi Học Phật để thỉnh thoảng đọc lại cho đỡ quên và chia sẻ cùng bè bạn để có dịp cùng trao đổi thêm. Rồi, ngẫm nghĩ thế nào, tôi tập hợp một số bài viết về những nhân vật thân quen, in thành tập Áo xưa dù nhàu như một lời tri ơn…

Tóm lại, nhắc lại những “thành tựu” giai đoạn này cũng bởi chính đó là một trong những yếu tố của “Chất lượng cuộc chết” đó mà thôi. Dù chỉ tình cờ, chưa có ý “chuẩn bị” chi, nhưng rồi có vẻ như tôi đã làm điều gì đó ở tuổi ngoài 80 của mình, một vòng tròn chữ Không gần khép kín.  Tôi nghĩ, có thể xem cũng là một “thành tựu” trong nghề nghiệp của mình với 12 năm làm ở Cấp cứu Nhi khoa, 25 năm làm Giáo dục sức khoẻ, đó cũng là thời gian viết những cuốn sách phổ cập về sức khoẻ từ chăm sóc trẻ sơ sinh (Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng) đến tuổi mới lớn (Khi người ta lớn), tuổi trung niên với “Gió heo may đã về” và  tuổi già  với “Già sao cho sướng?”… Khi thực hiện nghề nghiệp y khoa của mình, tôi chú trọng về phòng bệnh, khuyên sống gần gũi thiên nhiên và ít dùng đến thuốc men. Tôi thực hiện Chương trình Săn sóc Sức khoẻ Ban đầu cho trẻ em, cho người lớn, và về sau  tham gia đào tạo, góp phần hình thành Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, là người sáng lập và làm trưởng Bộ môn Y đức, Khoa học hành vi và Giáo dục sức khoẻ cho trường, cùng giảng dạy Nhi khoa ở Đại học Y dược v.v…  Nhìn chung, đến nay với hơn 60 “đầu sách” trên cả 3 lãnh vực: Y, Văn và Phật. Ở lãnh vực nào hình như tôi cũng đều “say mê” tuy càng về già thì càng gần gũi với Phật hơn. 

 

Những năm tháng sau này, có tuổi, tôi thích tìm về chốn xưa. Lạ, giống nhiều sinh vật khác, như con cá hồi chẳng hạn, cứ 4 năm lại lội ngược dòng về chốn cũ... Tôi nhớ nơi mình sinh là dưới chân cầu sắt bắc qua sông Cà Ty (Mường Mán) Phan Thiết. Mẹ tôi kể tôi đẻ ra nhỏ xíu, đen nhẻm, cô Mụ đặt cho tôi cái tên là “thằng Hai Hòn” (Hòn đây là đảo Phú Quý, Phan Thiết, dân biển, gầy ốm, đen đúa). Rồi ít lâu sau về ở vườn nhà ngoại đầy dừa, cau, chuối, cam quít … dưới chân núi Tà Cú, nơi có chùa Linh Sơn Trường Thọ Tự, mà

hồi 4, 5 tuổi tôi thường theo Ba Má, Cậu, Dì lên núi chơi. Lớn chút, thì về nhà ở Lagi, gần cửa  biển. Nghĩa là, sông, núi, ruộng, vườn… gì cũng đều rất quen thân với tôi. Cá khô mắm muối vốn là món tôi ưa thích. Tôi có vẻ xa lạ, lúng túng với những gì hào nhoáng, xa hoa, sang trọng. Nhà quê thứ thiệt. 

Tôi cũng thường về thăm khu Rừng nguyên sinh ở Láng Găng, Bình Châu, Xuyên Mộc, nơi tôi sống tản cư theo Ba tôi những năm từ 5-8 tuổi, rồi về Hiệp Nghĩa, ở Bàu Lời, học trường Gò Ông Nồm. Đến 12 tuổi, cha chết tôi mới theo mẹ về Phan Thiết với 3 đứa em nhỏ xíu, sống với Cô Hai tôi (có chồng người Hoa) trong một ngôi chùa Tàu nhỏ. Giờ về Phan Thiết, bao giờ tôi cũng ghé thăm chùa, thăm mấy gốc me to tướng và mấy cây điệp cao nghệu. Khi vào học trường Bạch Vân cũng lại học ở trong Chùa Bà Đức Sanh Hội, rồi trường Phan Bội Châu (cũ). Về lại Lagi thì học 2 năm ở một trường trong Nhà thờ. Như vậy là chùa, nhà thờ gì tôi cũng thân quen. Khi về Saigon, ở trọ ăn cơm tháng trong khu xóm nghèo Bàn Cờ, di chuyển chỗ ở đến 5,7 lần. Nói chung, lang bang rừng núi sông hồ… Mỗi lần về quê cảm xúc rất khác. Những ngày ở Bàu Lời đi bắt còng nhịp, đi xin ruốc tươi về đạp ruốc làm nước mắm, làm vườn trồng khoai bắp lúc lên 10-12 tuổi với mẹ. Phan Thiết khi ở chùa, công việc tôi là phơi lá buông… Tóm lại, có lẽ nhờ có một thời tuổi nhỏ gian khó như vậy, tôi chịu khổ khá giỏi sau này! Có vẻ như đã học được “kham nhẫn, tri túc”. Bây giờ về thăm chốn xưa, cảnh cũ, đầy những ngậm ngùi…  không còn ai, đâu còn ai… 

 

Bạn bè bây giờ hay hỏi tôi khỏe không? Tôi nói không biết. Hỏi có bệnh gì không? Tôi nói không biết.  Không phải nói cho qua. Mà nói thiệt. Bởi vì “khỏe” là một trạng thái hoàn toàn sảng khoái (well being) về thể chất, tâm thần, và xã hội. Rõ ràng là còn lâu mới đạt được.


 

“One Day… Reaching the Other Shore”
(WELL-BEING and WELL-DYING)
Dr Do Hong Ngoc, MD
Saigon, June 2023
(Manuscript – write for myself aged U90)

 

It is really sad that the majority of us just begin enjoying the taste of life once we are on the verge of death. 

( Padmasambhava)

One day reaching the other shore?

What shore? This shore or the other shore? Reaching the other shore? Yearn to come to that shore? Does that mean the other shore is far better than and more beautiful than this shore? Why know? Has anyone said that? Has any turtle roaming from sea to land informed where is more livable yet? 

Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté… is the great mantra of great magic, unexcelled mantra, the mantra equal to the unequalled, which heals all the suffering and is true, not false? (Pine 3)1 The people recite it, the mantra in Heart Sutra, extensively everywhere, they still feel miserable, even so miserable, they just wish to soon reach the “land of overjoy”, be reborn to the other place or the other shore. So strange! Seemingly everyone wants to remain longer, even indefinite longevity without death, in this world, “the land of over-sorrow”? Why? 

1Translated by Red Pine 

I am writing down this thought at the age of U90, writing for self-reading, little by little reading until unable to read! And obviously able to share with our close friends who are “at the same generation by the sky of turbulence” in order to gossip!

Hope well-being and well-dying as well!

Dr Do Hong Ngoc, MD

(June 2023)

………………………..

Dalai Lama, Tibetan Book of Living and Dying’s foreword 

-We assume we are exempted from impermanence so we postpone the spiritual practice, having time to spare. As soon as the time comes out, the only thing we can carry along is regret. We must set sail to practice right awayin order to get ready no matter how soon the death happens. 

- If you meditate about the death and impermanence, you will start making your life meaningful- When you reflect on the certainty of death and the impermanence of its coming time, you are supposed to make every attempt to prepare for the future. 

- every day, the Tantric practitioners experience death in insight, which is like going through the death in mind. As getting used to it, they are totally ready to confront the real death. Owing to the regular practice of death in meditation, a meditator can achieve the great spiritual realization. It is the reason why the experienced practitioners generally enter a meditative statewhen they die. 

- According to Buddhism, living and dying are seen as wholeness, here death is just a beginning of a  new chapter. Death is a mirror reflecting all life’s meaning. In the magnificent teachings, we find both living and dying presented simultaneouslyas a long series of transient reality which changes all the times. 

- Meditation is the only way to provide us a limited view, then gradually a clear sight todwell at the natural mind. 

1. Funny to think

On Earth, Suddenly come we. We naturally emerge to be “form” from “formlessness”, though unreal and makeshift, it is useful for the time being. Parents meet each other, only one of the billions of sperms encounters egg as if they had dated since numerous past lifetimes, then all sorts of things are set to be molded in order to become a babywho is wriggling, squeaking, crying, sucking, demanding to eat, rolling over, then able to sit, creep, stand, walk, climb, run, jump until the pointrecurring from climbing, running to standing still, tumbling and gradually lying down. Everything seems to be reclaimed after assembling for temporary use over a period of time. Do not know why. During this process, there is a period that we are relentless to find the egg and inseminate in favor of racial preservation. Either frog or fowl, each has its own type, is ecstatic after fighting jealously and exhaustedly and finally ready to die once the mission accomplished. The male mantis dies right at the sexual intercourse session. His deceased body is taken by the female partner to feed the offspring. The blind termites noisily produced the blind racial so as to eat wood and give birth…; the rats squeak in the trunk whereas butterflies and bees intensively find food and intercourse to propagate species in multiple forms excitingly as well as exhilaratingly… In short, even if back-to-back ties interwoven, things are very clear. Is it because of genes, DNA, or RNA?Viruses and bacteriathat are in a bustle search of food multiplicate, one eat one another. Unicellular and multicellular ones are set in an array even if they intend to mess it up. No matter what the smart humans do to transplant the things in the hope of producing new creatures, all go in vain. Who says plants have no pain and rocks are not sad upon being set apart from the other rocks? It is the fact that misery or anxiety produces the chemical called Hormone enabling the creature to feel joyful. Until a point, all is in an apple-pie order, well-planned and complete. Lend it and then reclaim it without hesitation or mercy. Either natural bond or pre-determined factor. Who creates all such silly things? everything has a particular order, filtering and plan that are perfect. Stefan Hawking says it is certain that there is a marvellous design from a virus to a dinosaur without a designer. Nonetheless, I believe there is something,called by any name, that creates this game and observes it interestingly. Just a piece of

clay is molded to the shape of a human or a marble by a child, this child must be so creative.  Even the Buddha-Embryo (Sanskrit: Tathagatagarbha), there must be an artist sketching and molding to form it and responsible for it. 

2. Self-reflection 

Where coming from? The factors of parents, ancestors, and numerous other factors of earth, water, air, fire (C,H,O,N…) make up and reinforce everything, colouring it. The substances constituting flesh, bones, tendons, 60 chemical elements such as copper, lead, iron, zinc, Mangan, magnesium, phosphorus and so on accumulate to become functional organs on the basis of single cells. These organs undergo the process of metabolism that material retribution and spiritual retribution intertwine, originate and vanish upon the disintegration of conditions. As we see, the bone formation cell (osteoblast) work hard to turn all needed elements to be a bone while the bone degradation cells (osteoclast) turn it to be various kinds and integrate the bone frame joining by a number of ligament, flesh, nerve, blood vessel. It seems all is designed and built up to be a prototype before execution and examination. There is a beauty, there is Thi No (a grotesque).there must be something cooking up by means of the profession ofthe creator One Who Thus Come, it looks unfair but seem reasonable. When exiting, it made up a beauty. Thi No is created when sleepy. It looks like that but not really. The beauty usually lives in sorrow, Thi No in joy as the compensation. To form bone, calcium is in need but where is it from? From the broken bones of various past species. The pass-over of the preceding one is useful for the formation of the succeeding one, red corpuscles in body are constituted from the elements lasting for  three months only. No more useful because of aging, it unable to move oxygen to other cells. Thus it is cleared, being replaced by another red corpuscle at once. The dismantled old elements which do not disappear are collected to the “grave of red corpuscles” in spleen in favour of reuse. Thus millions and billions of humans become ash and dust after they complete the mission and go useless. Still, such the ash and dust are suppose to be reused, awaiting for conditioned arising. Not only human bones but also animal bones include calcium, it is bone regardless of what kind. Therefore it is undistinguishable when mixing up. We blindly distinguish things,  is whichridiculous to The One Who Thus Come? It is weird that everything is regulated by the genome structured by the clusters of material specified species according to the allotment. Chimpanzee’s genome 99% matches that of humans, the rat’s one 97%, the banyans 70%, the flies 60%, bok choy 26%... it is not unusual that plants have erotic relation, the rat squeaks in the trunk, “you walk gently or hit the bed, waking mum up”! Nevertheless, gene is not the ultimate phase of The One Who Thus Come. Both quantum and wave have been unveiled, shortly afterwards, it is vocalized like Hui Neng: “Originallythere is no single thing”. 

3. Is there an afterlife? 

I have no idea but I believe beforelife does exist. why know? Unless there is beforelife, how I come into existence in this life? It is obvious that there must be a past lifetime so the current lifetime emerges. As for the afterlife, I do not know. Is it the same betweenmyself in my previous life and that of this current life? I am not really sure, probably inasmuch as alike owing to the karma I am bearing. Karma is my inheritance so I have to bring it. Yet I don’t really know if I was either an ant or an ox in the previous life. Each species have its own karma. The

beecarries pollen from a mango’s flower to another one, hardly does it mistake to any sour or sweet starfruit, even so fruit will not be born. What does it help the bee fly miles away in order to couple with mango? Today the people transplant the gene, inventing weird fruits differing its own seeds, in spite of the enhancement ofharvesting productivity, it is not as tasty as it was. Sketch artists like to draw a pretty girl with her hair down standing nearby an upright forelock horse. It does not mean a horse-headed human, it implies the girl is as nice as the horse. The people invented the kind of seedless tomatoes that is able to bear thousands of fruits, which means unreproductive. The today watermelons are seedless, where is An Tiem?

A recent study of Southampton about near-death discovers that consciousness still remains even heart stops beating, certifying the existence of life after death. 

4. Four kinds of dear friends

They surround us since we were born. It isdemon of affliction, demon of five aggregate, demon of death and demon of heaven who are around, befriend and even protect us. Buddha says all the four demons are our “attendants” who are close and provide us aid as well. 

Isn’t that so? How can the wandering mind infused with illusion, craving and hatred, which is “desire has no end/ breaking the old mirror to catch image”, is free from affliction?Is the disorder of five cling-aggregates referred to a demon annoying our body? Demon of heaven is someone from heaven, but it is the illthought in terms of arrogance, boasting and deception leading us straight to hell. As for demon of death, a dear friend indeed, is associated with us since the early days.He is not an evil as assumed. By contrast, he is such a well-behaved man reminding us in every moment. Thanks to that, we can keep awaya great deal of miseries. 

Let's befriend the four demons, having fun with them. Taking a closer observation, we find them adorable and obedient. Do not raise conflict with them. They help clear our view in order to see the reality. Does a dangerous disease wake me up from a illusion? Sickness does not exempt anyone. Virus or bacteria is always fair-minded and unbiased as well. 

5. Karma

What is karma? No idea. It clings to us, demanding debt payment or “retribution payment”. Pay in what means? No idea, either. Can karma be converted? Probably yes. When the father’s generation eats salty food, the heir’s generation is thirst for water. What a pity! Karma originates from “body, mouth and mind”. From attitude, behaviour, speech and thought emerges karma. All in all, that is the way of life. Optional. Karma of thought is not behaviour but that is the driving force. “Mind drives all experiences”, is it true? Thing is done if all three types of karma is purified. 

Where is memory reserved so that it turns to karma passing from life to life? The neural science deliver a response: the hippocampus in brainand limbic system save up the memory. They both can take charge of emotion and behaviour owing to the flexibility of synapse (the connecting point of neuron). When the body decomposes, hippocampus and the entire limbic system are no more. Is that “apart from the physical  mechanism of memory, there is the engagement of a non-material factor, not always consciousness, serving as the foundation to approach the concern of

accumulating karma, until the afterlife it is involved to process the fruit differing from its cause” (Tue Sy). 

Karma is transmitted by means of not only genes but also environment (Epigenetic). Earlier it is misconceived that DNA and RNA were assumed to be fundamental elements of genes which are fixed and invariable.Instead, in addition to the pathology of genes employed to diagnose and then interfere fetus, today we are clear that gene is adjustable according to the external environment. This study is known as epigenetic. In this regard, the concern of material retribution and spiritual retribution mentioned by Buddhism is accurate. 

The diet, disease, addiction, and lifestyle are the mechanism of material retribution (epigenetic mechanism) that has impact on and regulates the activities of gene. 

6. is there a self?

Buddha said: “there is karma generated, the changeable retribution received, but nobody generated, nobody received”. Buddhism does not believe in self, minor self, great self, soul but it has faith in a “carrying karma” to pay retribution. What bring karma along? Consciousness of rebirth, the cycle of birth? 

Scientists says: “a design without  designer”. The brain is a highly assigned system in which many functions appear simultaneously and there is no moderator. Neither designer nor moderator? But how can a dove can fly thousands of miles to send mail, a salmon every four year return to the old place to give birth and die? Today the creatures from a bean to mouse, bug, chimpanzee are intervened to their genes in order to create the modified results or unexpected effects, known as transgenic, is it also a karma? 

Descartes stated: “I think therefore I am”. So I do not think, I am not… myself? Is it “no thought” equivalent to “no self”? yes, in samadhi see no self accurately, it dissolved into the formlessness of Tathāgata. Thus, seeing all things and creatures by the sight of “as real” gets to know that it is both formless and formative. On one hand, it is “true empty”. On the other hand,  “magnificent existence”. It is because of conditioned arising, overlapped conditions to arise. we become unstoppable in not only theory by also real life. Everything unstoppable only if we are unattached. Then it is free hand to go to market, establishing a spiritual base there. 

We can say as simply as: “I breathe, so I am”. It means if I do not take breath, I will not be there. However, while I was in mother’s womb, I did not breathe but I was there. Accordingly, it is inferred that when I no longer breathe or stop breathing, I still exist there. Why not? Then I have to return to mother’s womb. I have to carry the karma so as to pay retribution. 

7. Buddha is old and sick also

While Buddha was doing a raining retreat in the Baluva village, a serious disease brought about to him. Too much pain, almost dead. Nevertheless, the Blessed One maintained mindfulness and alert. He succumbed the gruesome pain without any exclamation. 

“Ananda, I am now old, worn out, venerable, one who has traversed life’s path. I have reached the term of life, which is 80. Just as an old cart is made to go by being held together with straps,

so theTathagata’s body is kept going by being strapped up. It is only when the Tathagata withdraws his attention from outward signs, and by the cessation of certain feelings, enter into the signlessconcentration of mind, that his body knows comfort” (translated into English by Alexander Duncan)2

2https://palisuttas.wordpress.com/2015/02/01/mahaparinibbana-sutta-dn-16/

3A fictional character in the Chinese  novel “Journey to the West”

Buddha has to undergo sickness, aging and death as a man but Tathagatha does not. In Mahaparinibbana Sutta, a young Boddhisatta named Kassapa doubtfully asked Buddha why he also pass away as everybody else. 

Buddha replied: “dear good man! Tathagtha’s body stays permanent and unbreakable, as strong as a diamond. The body is not formed by food and drink. That is Dharmakaya (Dharma-Bodhy)”. 

Dharmakaya is the Tathagatha’s body, permanent and long-lasting. Hence Buddha is Tathagatha but Tathagatha is not Buddha. Tathagatha is himself. 

Buddha’s manifestation endures the pain of sickness because he aims to subjugate the living beings. “Subjugation” has the meaning of reminding and instructing. Manifestation is the appearance to be visible. Overall, everyone comes to old age, sickness and death in the end so clinging to greed, hatred, and ignorance is troublesome. It is Buddha who is bound to get aging, sickness and death. Let’s stay in the everlasting Dharmakaya.

The young Bodhisatta continued asking: “Buddha achieved Dharmakaya by what conditions?”. 

“Long ago, I protected Dharma so now I attain the Diamond body, immutable and permanent…”, which implies the true practice of  Dharma. On reflection, ascetic Gotama applied wrong method by undertaking austerity in a period of six years. 

8. Buddha is Tathāgatha… 

Buddha once asked Vimalakīrti: “if you want to see Tathagata, then how can you reflect on Tathāgatha?”. He did not say: “if you want to see Buddha, then how can you reflect on Buddha?”. Instead, he said how to reflect on Tathagata. Vimalakīrti replied: “Reflecting on Tathagata by introspecting the true form of our body, so does reflecting on Buddha”. In other words, seeing the “true form” prompts the realization of Tathāgata, Buddha and even living beings. All sorts of the things originally originating from Buddha embryo will be merged with Buddha embryo one day. 

Buddha is Tathāgataas he always liveswithin Tathāgata. In other words, Buddha lives in his own Dharmakaya, i.e. “true form of formlessness”. 

By means of brassy sound and glimmering light, one is not only obscured from seeing Tathāgata but also referred to step on evil path by Tathāgata because he is formless. Tam Tang3pays homage to the false Buddha innumerable times on his journey to receive Buddhist canon. It is

fortunate that his disciple, Ton Ngo Khong4, opens the magical third eye to spot the devils, wielding the golden-banded staff to throw a beat on them. 

4 Tam Tang’s disciple. He is a monkey-man who possesses the great skill of fighting and an amazing superpower. He often wields a golden-banded staff as a weapon. 

5Tram and Qua Nhan are the honorific titles used by emperors in ancient China and Viet Nam.

Samantabhadra Bodhisattva told to pay homage when seeing Buddha. As for Tathāgata, only applause to him is needed, which means praising, commenting, admiring, nodding head without postulation. According to Lotus Sutra, those who intend to become a preacher of Dharma have to “enter Tathāgata’s house, put on Tathāgata’s robe, sit on Tathāgata’s throne” instead of “entering Buddha’s house, put on Buddha’s robe, sit on Buddha’s throne”. So do “the lifespan of Tathāgata and the Superpower of Tathāgata” instead of “the lifespan of Buddha and the superpower of Buddha”. 

9.But Tathāgata (Nhu Lai in Vietnamese) is not Buddha

Nhu means Thus, Lai come. Thus comes it. That’s it regardless of personal desire. No sooner does it turn sour, green,fairly ripe, plump, and odourous than it is. Likewise, it was not until it goesoverripe, rotten, patchy and spoiled in the end that it has to be. It is impossible to prevent it. Tathagata is Pali term, Sanskrit Tathāgata, “One who is thus gone”, another equivalent term Tathā-āgata, “one who has thus come” i.e. Thusness, Suchness, Thus Come One…

Buddha proclaimed himself Tathāgata because no other alternatives can be used. Buddha cannot self-proclaim “I”, “Tram”,“Qua Nhan”5, “worshipped one” or “master of humans and gods”. As he proclaimed Tathāgata, we mistake Buddha is Tathāgata. Tathāgata is water, air, earth, fire, flower petal, bee, butterfly etc. 

Buddha is the one who realizes that. Enlightenment. Awakening. Illumination. Oh, that’s it. Buddha chuckles. Understand each other thoroughly, and see everything clearly. Don’t deceive one another. That is Buddha’s insight. He does not either conceal or outwit. He tells the truth. All the living beings possess such kind of insight i.e. Buddha’s nature. Everyone is going-to-be Buddha. 

10. One is all

Phan Rang has a craft village, Bau Truc.All kinds of forms such as nymph Apsara, Bodhisattvas, Arahants, Buddhas, God, deities and even pans, saucepans, flower vases, some bowls, whatsoever, possibly created by the hand of a craftsman. Where come from? From clay. After molding all statues as wish, the craftsman gets them dried under sunshine in order to use. From soft to hard, as hard as unexpected. If we bake it in raw flame, wood flame or burning charcoal, we will get special colours really nice. All from where? From clay also. Each craftsman, owing to lifestyle (culture), produces very different statues (conditioned-arising). If bowl and pot in need, ready. The same to bakery, utensils, even God, Buddha, Bodhisattvas, Deities. Placing them all on the altar along with burning incense, it goes sacred. Obviously, all is made from clay. Clay is a storage. From one we have all. Until one day, all things, forms are dismantled into clay.

Is that one is all and all one? True emptiness but magnificent existence? Hence it is said that “true form” is “formlessness” but not “formlessness”, not formlessness but formlessness, which is accurate. If we look at a form without attachment, then we know Tathāgata(seeing form but as not as form, that is to see Tathāgatha, Diamond Sutra). 

“I use be a clay craftsman once upon a time. I am fantastic with this job. Do you understand how to mold a piece of clay to become the favorite thing? Oh, you turn the table around and the clay rotate as a magic while you crouch towards it and say: “I will make a pot, a plate, a lamp or thing like that, who know it? it is what we called to be a human: freedom” (Alexis Zorba)

According to śrīmālādevī-sūtra, “Buddha embryo is beyond the effort action. That is permanent and indestructible. Thus Buddha embryo is the maintenance, the establishment”. 

11. There is Dharma without Buddha

What is not Dharma? A blossoming flower, a cloud around the mountain top, a river flow, a water stream, a young lady, a man, a bee, a butterfly, a worm in a heap of dung, or a dry nearly-fallen leaf is such a Dharma. Even you and me are Dharma. For long time we do not know, expecting, craving, building, training all the dullness. It is Dharma that does not need us at all. It is not us or owned by us. It undergoes formation, existence, destruction and ending. It is both impermanent and selfless. It rises and falls at once. Sometimes it looks like firefly, lightning, sometimes like a mountain or a river. Only if looking at it by the eyes of a thousand years or even a million years, we see the flow of rising and falling. A lot of current cities and mountain were under ocean tens of thousands of years ago. The shell, and fishbone that are discovered in Himalayas indicate the area used to be sea. That’s it. It is leisure. It makes a joke with itself. Unborn Dharma. We are Dharma, we are not born, either. On account of ignorance, we endure suffering by haphazard bondage. 

“Dharma eye” is the sight of “as reality”. As reality? Yes, because the form manifested explicitly is just an embodiment, it quickly disintegrates. Seeing as reality is that of “true form”. True form is … formlessness, but not formless; not formless but it is formless”. Is that true? Our seeing is the combination of both true emptiness and magnificent existence. It is the seeing that ourself is included in the impermanence and selflessness of all phenomena, existence and creatures. The fragrant mango was originally born from the flower. The petal comes from a bud formed by pollen carried by a bee thousands of miles away. Getting it touch, and then earth, air, water etc. together produce a tiny mango. Thereafter, it grows succulent, then sweet-scented, almost ripe. Unless it is picked for sale in the market or got fallen by children that share later on, it will be rotten and smelly. Then where does it go? It will compost the other mango trees, waiting for another naughty bee. Hence, seeing the true form insofar as realize the “as reality”, actually it is formless from Buddha embryo. 

12. Opening eyes to enter the awakening 

One day, Buddha’s backache is relieved. After drinking a cup of tea, he summons Bodhisattva disciples around him and states: “I am already old, I am near to entering Nirvana, don’t let your doubt in your mind, you should present it at once!”. For a long time you follow me, do you think

I would not die? Not sick? Not frustrated? otherwise I do not advise people to be patient, meditative etc. Otherwise I encourage to attain wisdom, though it is “no wisdom as well as no achievement”. 

It is unexpected that the Bodhisattva noisily asks if there is a shortcut to quickly attain Buddhahood. Buddha is assumed to get irritated but in fact he smiles joyfully. He replies: “yes, there is. It is so easy and quick. That is to enter “samadhi of endless meaning field” so as to realize it. 

What is endless-meaning field? What is samadhi? That is samadhi (concentration) lying in endless meaning field, not human, and all sentient and non-sentient beings. In a grass, a flower, a bird swings, in all livings lies such a “field”. In the endless meaning field, we can see as Hu nan: “fundamentally there is no a single thing”. There is nothing until now. Even quantum or wave is empty, to create the material is empty. Why is duck different from hen, rose from chrysanthemum? Why is the huge Sumeru mountain comprised of a mustard seed? Why are four massive oceans inserted in a pore? Why is each pore contain innumerable Buddhas, Bodhisattva? It means entering the samadhi, realizing the method of “endless meaning field” having only one i.e. formlessness. Those who want to enter such samadhi have to sacrifice body and life on a daily basis as many as the sands in Ganga river while the number of sands is indefinite and unboundary. Where are that many lives? Yes, there are. It is not difficult to enter the emptiness. Then, we have “unrestriction” thanks to Prajna, true emptiness. 

13. Where do conditions arise? 

If ending at the seeing of complete emptiness, then it would be so charmless.  Buddha does not intend to lead us to disenchantment. Instead, he aims at enchantment. The enchantment must emerge. If so, there so many things ensue. Hence Buddha would like to recall the past issue. We dwell at the samadhi of endless meaning field, having fun with Tathāgata but later on, we are pushed out to take a form of a Buddha. That is just a “false form”. We embody as Tathāgata, we are not Tathāgata, though. Before preaching, we dwell at meditation, occationally coming out to have a gossip. In other words, we live in “true form”. Please keep in mind Tathāgata is formless but formlessness here is not only no form but also no formless, nor no form but that is formless! “true form” means we are have both form and no form. No form because we understand Prajna and true emptiness. Having form because we comprehend the conditioned-arising with numerous embodiments i.e. magnificent existence (Avataṃsaka). Therefore it is boundless existence. Existence but emptiness, emptiness but existence, so great! The Moon’s reflection in the river. We leisurely fly with no attachment. Relaxation, tranquility, and equilibrium. That’s it so. But for us, flowers either blossom or wither. We enjoy the life in every minute, and every moment.

14. true emptiness Prajna, magnificent existence Avataṃsa. 

What if asking where to learn Prajna, Manjuri would reply. Theory is there. As for existence, Samantabhadra teaches conditioned-arising which is the fact. Both theory and fact are identical in terms of nature. Both are boundless and unified. Both have interacted mutually for generations. Prajna is supposed to be learned while Avataṃsaka practiced. Until a point, that we see everything unstoppable is done. 

However, how can enter Samantabhadra Samadhi? Once entering Samntabhadra samadhi, we get to know Tathāgata embodies as a Buddha that children sing: “a Buddha comes out, three demons disappear! The demons of craving, hatred and ignorance. 

The purpose of Avataṃsaka’sexistentalizationaims to help us live a peaceful and equanimous life right now and here. A “world of flowers”, splendid and glorious, would be accomplished according to our mind. Therefore those who are capable of ruling themselves, knowing to live equanimously are the rulers of the world who are not gods coming from elsewhere. 

Learning Avaṃtaka is to find theory and factuality unstoppable in order to attain the boundlessness in all sorts of things. 

Boundlessness is unrestricted, unhidden, undivided, and undistinguished. That’s transparent on account of the realization of inter-dependence in rising and falling. In the net of overlapping conditioned-arising see the existentalization comes from emptiness (Prajna). 

Theoretically, the giant Sumeru mountain is comprised of a mustard seed, water in the four massive oceans can be contained in a pore. Prajna shows us the true emptiness and formlessness. Nonetheless, emptiness here is not interpreted as nothing. As for the existence, it is only conditioned-arisen so it is magnificent existence, what a marvelous existence! Sometimes it comes into existence in just a quick moment and then vanishes, which leaves us bewildered. Only with the sight of true form as Buddha taught in Lotus Sutra, one can enter the Buddha’s insight. 

How  the “true form” is! It comes into existence on the basis of formlessness; birth, stay, decay, and death that dwell in the existential world in a fleeting moment return the formlessness. Diamond sutra says, “all the conditioned phenomena, are like dreams, illusions, bubbles, shadows, like dew drops and lightnings, thus you consider”. All things and phenomena in the world (the conditioned) are like dreams, illusions, bubbles, hallucinations, dew drops, lightning etc. Let do contemplate like that. Do not attach and pursue illusion. 

A flower flickering in the wind, a colourful butterfly moving slowly, a bee pollinating, a peacock dancing, a lion roaring and so on come from an embryo that really is Buddha embryo (Tathāgata-garbha). All the dharma world of Buddhas and even gods, humans, hungry ghosts, is rooted in Buddha embryo. Samantabhadra Bodhisattva in samadhi observes clearly: “all Buddhas take the body of Vairocana Tathāgata”. In other words, the bodies of Buddhas are Vairocana, all of them emerging from Buddha embryo. 

One time Buddha asked Vimalakirti: “how do you contemplate Tathāgata?”. Vimalakirti answered: “I contemplate the Dharma body of Tathāgataas I do so to Buddha’s body and mine, no difference!”. 

It is special that Buddha owing to karma in endless generations has attained enlightenment with 32good signs and 80 characteristics of beauty, and I …am merely called a “home-resided  Bodhisattva” in Vaishaly, I have to practice spirituality for more lifetimes”. Buddha smiled: “I already become a Buddha, you are going-to-be Buddha! Because everybody has Buddha nature intrinsically, everybody possesses the Dharma body and everybody comes from Buddha embryo. 

As so, why does Tathāgata who is originally formless manifest as a Buddha? To eradicate the sorrows of all living beings so he is known as venerable, master of gods and humans. The original disease of the living beings is craving-hatred-ignorance. If the three of them are eliminated, then here is Nirvana. How? That’s easy. Four noble truth, Eightfold noble path, twelve causes… step by step moves up to the formless Tathāgata, seeing the Buddha embryo and looking at everything as its true form. Since then, it becomes leisure, tranquil and unstoppable. That is a path Buddha taught step by step after his enlightenment and it took him a period of time to search for a new approach so that living beings can accept it. 

Buddha dwells in meditation all the time, rarely does he come out. Thanks to the preaching of his two attendants, brilliant Manjuri Bodhisattva riding a lion and compassionateSamantabhadra Bodhisattva riding six-tusked elephant, on Buddha’s behalf, Buddha sits still and smile without  speaking. Before entering Nirvana, Buddha told his disciples: “so far I have not said a single word, I have not instructed anything”. It might be because Buddha foresaw the inventions of AI and the internet which will link their statements to Buddha. 

15. Austere way of ascetic Gotama. 

Maha Saccaka sutta describes the Gotama’s attribute of great effort as wrong as: 

Ascetic Gotama thinks:

“Suppose that I, clenching my teeth and pressing my tongue against the roof of my mouth, were to beat down, constrain, and crush my mind with my awareness”6. 

6Translated by ThanissaroBikkhu, https://www.accesstoinsight.org/tipitaka/mn/mn.036.than.html

“Suppose that I, clenching my teeth and pressing my tongue against the roof of my mouth, were to contain and get rid of evil mind by noble mind. As I did so, sweat poured from my armpits . . . Just as a strong man, seizing a weaker man by the head or the throat or the shoulders, would beat him down, constrain, and crush him…”

“And although tireless persistence was aroused in me, and unmuddled mindfulness established, my body was aroused and uncalm because of the painful exertion…”

After that, the ascetic came up with: “Suppose I were to become absorbed in the trance of non-breathing”. 

“So I stopped the in-breaths & out-breaths in my nose & mouth. As I did so, there was a loud roaring of winds coming out my earholes, just like the loud roar of winds coming out of a smith's bellows”. 

 “And although tireless persistence was aroused in me, and unmuddled mindfulness established, my body was aroused & uncalm because of the painful exertion”.

“So I stopped the in-breaths & out-breaths in my nose & mouth & ears. As I did so, extreme forces sliced through my head, just as if a strong man were slicing my head open with a sharp sword...”

“Extreme pains arose in my head, just as if a strong man were tightening a turban made of tough leather straps around my head”

“Extreme forces carved up my stomach cavity, just as if a butcher or his apprentice were to carve up the stomach cavity of an ox... “

“There was an extreme burning in my body, just as if two strong men, grabbing a weaker man by the arms, were to roast & broil him over a pit of hot embers.”

Ascetic Gotama thought: 

“'Suppose I were to take only a little food at a time, only a handful at a time of bean soup, lentil soup, vetch soup, or pea soup”

“So I took only a little food at a time, only a handful at a time of bean soup, lentil soup, vetch soup, or pea soup. My body became extremely emaciated. Simply from my eating so little, my limbs became like the jointed segments of vine stems or bamboo stems... My backside became like a camel's hoof... My spine stood out like a string of beads... My ribs jutted out like the jutting rafters of an old, run-down barn... The gleam of my eyes appeared to be sunk deep in my eye sockets like the gleam of water deep in a well... My scalp shriveledand withered like a green bitter gourd, shriveled& withered in the heat & the wind... The skin of my belly became so stuck to my spine that when I thought of touching my belly, I grabbed hold of my spine as well; and when I thought of touching my spine, I grabbed hold of the skin of my belly as well... If I urinated or defecated, I fell over on my face right there... Simply from my eating so little, if I tried to ease my body by rubbing my limbs with my hands, the hair — rotted at its roots — fell from my body as I rubbed, simply from eating so little”. 

Practice austerity in various forms, ascetic Gotama gained nothing but exhaustion. Blood ran out, tendon contracted, flesh shrank, eyes got blurred. He remained just as living skeleton. However, the death was near. ( Buddha and His Teachings, Narada). 

16. Middle Path 

After six years of self-experience, ascetic Gotama firmly believed that extremeausterity does not benefit at all even though contemporary philosophers and ascetics assured its inevitability as a way to liberation. Aware of the intellectual and spiritual disadvantage caused by asceticism, he abandoned that kind of practice at once. 

Recalling to the childhood, on the occasion of rice ploughing festival, while the father king and everyone else were engaging to festive activities, he was sitting still under a Jammu tree, meditating, entering samadhi and attaining the First Level of Samadhi. 

That is truly the path to enlightenment!

He considered that a malnourished bodycould not prompt a complete illumination, or a well-adapted fitness is essential for spiritual progress. Therefore he decided to consume raw food instead of starving. 

Sitting under the tree shadow encompassed by a cool paddy field and unattached with the rice ploughing festival, at the time, he was totally unaware of meditation, concentration, four or eight levels of meditation since he was a very young innocent boy. But he discarded the craving, inquiry (vitarka), and investigation (vicāra) to enter the realm of  tranquillity known as “contentment” and achieve true purity. Later on, the people did analysis to categorise from the first to the four level of meditation, and to the state of neither thinking nor not thinking, which just complicated the thing. If remaining innocent as a child, leisurely and purely, one has already enteredSamantabhadra’s samadhi. 

It is a mistake that one practices relentlesslyclinging to plenty of desires. Consequently, the ego keeps growing by means of giant statues, huge temples, promotion to high ranking that all look so ridiculous, then threatening living beings in pursuit of self-honour and wealth. That is no longer the Dharma practice. 

17. Enlightenment 

Extreme austerity does not bring any results. Considering body polluted prompts to eradicate it to salvation but it leads to near-death state. At the time Buddha is assumed to have almost died, little to little of the milk porridge of Lady Sujata helped him retrieve awareness. He decided to opt for a new path i.e. Middle Path. I personally think I was not until the moment of near-death, the formlessness originated from Tathāgata embryo, awareness from his own Dharma body. Actually, everybody possesses this kind of body too and are able to be enlightened as him, why still sinking into ignorance and sorrows? Since then Buddha viewed all living beings with egalitarianism that everyone is capable of becoming Buddha. Just being covered by craving, it occurred. Lotus Sutra clarifies the formlessness and true form: “all phenomena are as tranquil as emptiness ever since; birth, stay, change, death occurred constantly while its nature remains thus unchanged; permanent stay: it is formless”. Nature-form has been empty and quiet ever since. Because the humans conduct wrong thinking, the evil misconception arises, leading to evil acts…”. Once Buddha regained consciousness, he was startled to see his own “formless Dharma body)”. He descended to Niganjana river to take a bath and then sat by Bodhi tree, taking a subtle breath as he had done under Jammnu tree in a field on the occasion of rice ploughing festive held by  the father king. During the next 49 days, Buddha entered samadhi, exited samadhi, contemplated a new approach receptive gradually to everyone in order to adjust the views and behaviours in favour of balanced joy. 

18. Turning Dharma-wheel

Upon attaining enlightenment, Buddha intended to enter Nirvana as nobody would believe his insight of formlessness and true form. During 49 days of contemplation, he came up with “four noble truths” (Dukkha, Samudaya, Nirodha, Marga) as the greatest means of approaching. Who does not endure  dukkha (suffering)? everyone sees suffering. Life is an ocean of sorrow. The tear of living beings is greater than the combined water of four oceans. Thus, how to erase suffering? That is the nearest purpose. Everyone like that. To get it, one has to know the cause of suffering: Samudaya. Then looking for the path to end it: Marga. Altogether that is the way stretching from diagnosing symptoms, to investigating cause to cure. Therefore Buddha is

revered as “the King of Medicine” or “the king of physicians”. Buddha invented so many kinds of medicine such as King of herbs, Medicine Risen, other herbs so on and so forth. On that base emerges Four Noble Truths, Eightfold Noble Path, Twelve Conditions so as to erase craving, the root of all sorrows. Next, there is Samadhi in order to cut hatred, anger. Without craving and hatred, wisdom is unveiled. It is obvious that one has to move step by step with persistence and “the collaboration of the patient”. So strong a medication would bring adverse effect. The curable medicine might be toxic. Hence the way to end suffering sometimes needs to be tortuous, sometimes dealing with symptoms or causes. 

“The tranquil pure and shining mind that is unattached with affliction goes subtle, usable and impenetrable, in this respect, I leads my mind to “the insight of my past lives”. Then Three Insights and Six Penetrations took place at dawn. Gotama became Buddha. He attained enlightenment and engaged in the world with great compassion, first sharing with his former ascetic mates. 

19. The Only Path

 The only path leading to “purity for living beings, cessation of suffering, attainment of ultimate wisdom, entering Nirvana” is meditation. Meditation possibly came into existence from ancient time, when the mankind was there, so there have been innumerable methods according to cultural contexts. Buddha opted for a simply but efficient way of meditation: Four areas of contemplation (Satipathana). Placing thought (sati) in four areas: body, sensation, mind, dharma that later masters touched upon for easy to memorize: impurified body, unpleasant sensations, transient mind and selfless dharma. In fact, it is not as simple as that. Because Buddha afterwards mentioned in Mahaparinirvana Sutta: “permanence, pleasure, self, purity”. Owing to the wrong view as a drunk man, one says impermanence, suffering, non-self and impurity.

That meditation is classified, analysed, and evaluated will make meditation fall. There cannot find the pure and innocent. Any attempts to suppress and eradicate the evil minds will lead to  the mistake as Gotama did. Destroying the body in search of a pure mind is a such a great mistake. 

Zen school highlights “mind as Buddha” regardless “body as Buddha” (Tantric school). No mind without body. If no body, where are 32 good signs and 80 characteristics of body? The manner of assessment, teaching, labelling is so scary that humans fail to attain tranquillity. They increasingly get caught to tension, their craving grows more and more, their ego keeps expanded to against the nature. Absolutely, in the monastic sphere, the monks have to keep the right track step by step according to true Dharma. Huineng stood out on unfollowing the conventional way so he got enlightened by overhearing a sentence in Diamon sutra. However, it is such a long way between “enlightenment” and “entering” of Huineng himself. 

Meditation is the only path to get enlightened, which indicates the insight of human life from an embryo in mother’s womb to return to Tathāgata’s womb. From Buddha embryo begins the eternal journey or known as “no birth”. Upon insight of the tortuous way, there won’t be birth or death. No birth, no death. It must be, thus is it. 

20. Buddha entered Nirvana

Buddha told Cunda: “time has come. Tathāgata is going to enter Nirvana”. 

On hearing those words, Cunda suddenly burst into tears: “So sad! Heartbroken! The world would be empty. We have to unanimously and sincerely request Buddha not to enter Nirvana”. Buddha again told Cunda: “you should weep as grievingly as that. Let you contemplate the body like a banana trunk, a sun ray, a bubble, illusion, Gandhara’s citadel, unbaked pottery, a lightning, a drawing on water surface, a death-row inmate, an overripe fruit, a meat, an oversized embroidery, and the stamping of pestle into mortar. Let see the phenomena like both food and toxicant”. 

Cunda replied: “ it is true as Buddha has said. Even though I know your Nirvana entering is manifested contrivance, I can’t bear my grief. Now on retrospection, I feel pacified”.

Buddha commented Cunda: “That’s good! That’s good! Now you know Buddha’s manifestation that is analogous to living beings exercise contrivance to enter Nirvana”. 

So it is clear. Buddha only exercises contrivance to manifest, through which shows living beings anyhow death will come. Therefore they should cultivate behaviours and eradicate craving, hatred, and ignorance to get relaxed. Buddha has to die so we are not exempted. Nevertheless, keep in mind that Tathāgata’s body is long-lasting eternally because it comes from Buddha embryo or Dharma body. We have Buddha nature, Dharma body coming from Buddha embryo too so why we are afraid of “birth, sickness, aging, death”. 

21. Permanence, pleasure, self, purity

Ever since we are used to living with impermanence, suffering, non-self, and impurity. Suddenly at the moment of passing away, Buddha stated in the Mahaparinirvana sutra that there are  no such things as impermanence, suffering, non-self, impurity but permanence, pleasure, self, purity. It is because the humans live in “upside down” as a drunken man so perceiving the universe invertedly. Impermanence, suffering, non-self, impurity are common things in everyday life in the realm of humans that everyone knows and attempts to overcome so as to attain happiness. As a matter of fact, that is just the shortsighted sight of common people, Budha doesn’t. it is noticed that if Buddhadelivered teaching straightforward right after his enlightenment, nobody would understand. Consequently he had to take a torturous route for better reception then it would be practice with attentively. No sooner was the situation appropriate than Buddha opened the eyes of living beings for them to enter Buddha’s insight as mentioned in Lotus Sutra. Since then “penetrating to the realm of peace and joy. Seeing what? Tathāgata, Buddha embryo, formless and true form. Living beings who own Buddha nature must have the same insight as Buddha. Nonetheless, one day, at the foot of Griddhrakūta, in face of Arhats and Bodhisattvas, Buddha revealed  a secret hidden for so long, then five thousand disciples left, saying that Buddha went back on. Buddha had to justify many times: in the beginning, in between, in the end, I just say one word. As a physician,after diagnosing, prescribes medicine to relieve pain, then going on to cure the root of disease. Curable medicine is also toxic with many side-effects, so must be cautious. 

it is reminiscent of Venerable Phuoc Hau (1862-1949) wrote afterrealizing Tathāgata:

Canons remain in the eighty four thousand words

Neither surplus nor deficit in studying

Now reflect, forgetting all

On the head remains the word “thus”. 

Ever since impermanence, suffering, non-self are referred to “three seals of Dharma”, what teaching excluding the three seals is not  Buddha’s. In Mahaparinirvana sutta, prior to the moment of Nirvana, Buddha said they are only “formative words” not “true meaning”, because the living beings perceive upside down, leading to such thought. “As a drunk man sees houses, mountains, rivers head over heels but if fact they don’t. Likewise, covered by ignorance and affliction, the living beings come up with the wrong view: self is assumed to be non-self, permanence impermanence, purity impurity, pleasure suffering. Thinking like that but not really clear about that …” 

However, we are used to impermanence.We are fascinated with it in our thrilling world, why we look for the impermanence of Tathāgata? Likewise, we are familiar with suffering, we find it also happy, mistaking suffering as joy and vice versa. Therefore coming to the Buddha's embryo is a passive process i.e. being put into it. It is not our intent, isn’t it?

Then  Buddha said:

“now I am going to elaborate the “entering to Buddha’s embryo:

Self actually is the real meaning of Buddha. Permanence is the real meaning of Dharma body( of Buddha nature or of Buddha’s embryo). Pleasure is the real meaning of Nirvana, purityis the real meaning of Dharma. 

To rescue the entire living beings, so instructing to practice non-self. On account of that kind of practice eradicatedthe mind of self-attachment, entering  the realm of purity and pleasure (in the meantime). 

If self exists, then Dharma does not decouple with suffering. 

If self does not exist, then there is no point in practicing noble deeds. 

By thinking so, those who cultivate the suffering are referred to unfortunate, those who practice pleasure are referred to fortunate. Those who cultivate non-self are referred to affliction, those who practice permanence are referred to Buddha’s embryo (Mahaparinirvana sutra)

It indicates that as long as there is self, then cannot get rid of the mind of attachment so as to erase suffering, continuing to bear suffering longer. Without self, hazardous cultivation in search of tranquillity goes in vain. One must know that self is the true meaning of Buddha (true self) rather than the common self of ours. 

In living beings’ bodies lies Buddha’s nature i.e. Buddha’s embryo, also understand permanence, pleasure, self, purity. Let's take refuge to “three actual refuge”, do not find it elsewhere. 

Buddha told Kassapa ( a young Bodhisattva asking why Buddha also dies): “OhKassapa! Tathāgata’s body is long-lasting, indestructible, a diamond body distinctive from a common flesh body. That is Dharma body. You should know Tathāgata’s body is not body but body, neither birth nor death, neither accumulation nor practice, infinite, unmarked, neither perception nor form, absolute, immovable, neither sensation nor mental activity, unconditioned, not karma, not retribution, neither go nor pass, neither functioning mind nor its mental actions, unconceivable…

If  saying ignorance triggers mental activities (Sankara), the common people will prompt to distinguish two phenomena: wisdom and ignorance. The wise people clearly know thatthe phenomenon originally has no duality. Non-duality is the true phenomenon

Hence Heart Sutra says: “no ignorance, no end of ignorance”. There is not only no ignorance but also its endlessness! So great!

In Vimalakirti Sutra, while the present Bodhisattvas discuss “non-duality” as their own insight, in the end, Manjuri requests Vimalakirti for his own opinion. He kept silent without speaking. Amidst the perplexity of everyone, Vamalkiti appears to be stuck, then Manjuri applause: “that is really non-duality!”. Because non-duality is “cutting words, erasing mind, action and conceptual world”, no longer talking or thinking. 

22. Respiration and meditation

I am a medical doctor who graduated from the University of Medicine and Pharmacy – Saigon in 1969. For so many years, I worked relentlessly in the Emergency Department of Children’s Hospital and then in charge of Health Education, involvingteaching, writing etc. Until one day, I was admitted to hospital for brain operation as a result of stroke (1997). From unconscious to awake in ICU, seemingly I have passed to a new life. The sunshine looked different.The wind-blowing leaves feel strange. The pebbles in the courtyard seemed not the same. When able to take the very first steps clumsily as a toddle, I felt it was really a miracle. I find it adorable as well as funny to see my image in mirror. Is it me? My colleagues prescribed a lot of medicine. I selected solely one because I know my disease cannot be cured by medicine. Have to find another way. The a friend gifted me a copy of Heart Sutra (a blurred duplicated copy): “Avalokiteshvara Bodhisattva, when in deep practice of Prajnaparamita, saw the emptiness of five skandhas ( aggregate) and sundered the bonds that caused the suffering”. The canonical words that were previously ambiguous suddenly became comprehensive to me. Oh, yeah. Must be “uncontrollable”. Must count on ourselves. Must do practice. I both studied Buddhist canon and looked for in heap of medical scriptures that I had learned tens of  years ago. There is a ready-made path that I have beenunfamiliar for so long. “The meditation of observing breath” (Anapanasati, mindful the inhale and exhale). “Know breath in when breathing in, know breath out when breathing out…. There is only that. Is it credible? Looking for it thoroughly, practising continuously, then there is a base of belief. 

Recently, more and more physiologists and psychologists in collaboration with monks applied the cutting edge technology such as EEG, PET, fMRI and more in the hope of finding out the “mystery” of meditation, then meditation thrives as much as it brings about confusion and doubt. In fact, the application of technology in observing meditation just partly deal with the concern, because behind it are numerable “unspeakable things”!

There are as many as forty areas of  meditation, I just pick one, breath, as Buddha taught in Anapanasati sutta. It may pose a question why I choose breath as the object of meditation. Why not the others? Since breath is the most observable. It is right before the nose and the eyes. Breathe every time and everywhere. We take breath ten times every minute so it is easy to observe. Sometimes it is fast or slow, short or long. Sometimes it is soft or strong, varying all the time. When in breathe, we are the only ones to know it, not disturb anyone. 

Breathe unconsciously. In deep sleep is still breathing. The respiratory centre lies in medulla oblongata, below and outside of the cerebral cortex. Breath does not need us, it is outside of us. 

Breath is the connection between mind and body. In case of fear, we gasp. In case of exhilaration, we take a soft breath. Breath dwells in the present, here and now, neither yesterday nor tomorrow. So life in fact is only a breath. Taking a deep breath in at birth and a breath out in death, i.e. returning what we borrow temporarily!

As far as breath is concerned, we come up with chest. However, breath happens at abdomen rather than chest. Abdominal breathing which is also known as diaphragmatic breathing is the psychological way. To know that, let take a look at a sleeping child, a frog or a lizard. 

Respiration takes place not only at lungs but also at each cell. Lungs work as an air pump. Hence, if we somehow regulate the intake and outtake of air, its effect will happen to every cell. 

The brain makes up only 2 per cent of total weight but consumesup to 25 – 30 per cent of oxygen. A large part of that is spent on nonsense things. If mindfulness is applied to each breath, craving, hatred, ignorance, resentment etc. will gradually go away and finally disappear. 

When in deep meditation ( commonly known as fourth level of meditation), the practitioner seems breathless. The breath appears to stop. Tranquil, dissolved, disintegrated. That is the “stage of stillness” at the end of breath – usually lasting long, quietly, calmly, tranquilly since less energy consumption. As a flying birth without lifting wings or a smooth-moving car at neutral gear with high fuel economy, I call it stage “Prana”. Pra means prior to while Ana breath in (prior to breath-in also indicates following breath-out). The stage of stillness gets longer continuously as much as it goes borderless, vanishing into air, quietly and delicately. Then there is no such mind of space, time, self, otherness etc. 

“Relinquish” even the thought, because thought is still related to recall or think. Have to overcome mindfulness. So the fourth level of meditation is to “clear thought tranquilly”. Clearing the thought (recalling or thinking) paves the way for tranquillity. But that is not all because there exists the mind of knowing supposed to analyse, evaluate and compare. That knowing is detrimental. Still, it is unattached to craving, hatred, ignorance, it tends to know, follow, evaluate. In short, here requires an absolute “thoughtlessness”. It is thoughtless to not

only the outside world (seeing without generating thought) but also the tendency of knowing of the inner world. 

Why is meditation referred to hierarchy for evaluation and acknowledgement? Who presents the attainment, who certifies it, who confers the rank etc. There have been many arhats who did not step on the “hierarchy of sainthood”. They came across Buddha, listened to him a few words, and then attained the arhat at once. Somebody whowas coming close to death are visited by Buddha. Buddha said one sentence: “the seeing is the seeing, the hearing is the hearing”. Owing to only that, the one got enlightenment right away, becoming an arhat. 

To mind my, the determined factor in meditation is to “unwind the whole body” like flowing downstream or hanging the body on the hanger. Unwinding the whole body is to make the body soft, contracting, adrift, unstressed. Tonus musculature ends up energy extensively (roughly 40 percent), so relaxation is attributed to a considerable reducing energy consumption 

The body releases and the energy consumption drops considerably, which results in the lesser need of nutrition by means of food supply. Eat less but it is still sufficient. The body will work less hard, the cells will not work relentlessly. The research conducted on starving creatures shows that they live longer and younger. 

Who can breathe for whom? Who can do meditation for whom? So let's count on ourselves only. 

When going to deeper stage of meditation (fourth level), the practitioners put the breath on ease, there is no point taking breath, no more breath. Actually, they still breathe as lightly as untouchable by diaphragm. Every light movement of the diaphragm to 1 cm leads to 250ml of air flowing to and fro. The oxygen is needed very little then. All the cells are restingand pausing to work hard. The remaining air in the bronchial is sufficient to maintain the life in the form of hypoxia. For multiyear-long meditator practitioners, this is the phenomenon of persistent lacking of oxygen (chronic hypoxia). At the stage of chronic hypoxia). In the situation of Chronic Hypoxia, body will discrete the hormones like dopamine, serotonine, endorphine, oxytocine that is linked to relaxation, comfort, improving memory, pain relief etc. That is the delight of meditation, too. 

23. Near-death  karma

A close encounter with death can bring a realawakening, a transformation in our whole approach to life. (Sogyal 29)

Perhaps oneof its most important revelations is how it transforms the livesof those who have been through it. Researchers have noted astartling range of aftereffects and changes: a reduced fear anddeeper acceptance of death; an increased concern for helpingothers; an enhanced vision of the importance of love; lessinterest in materialistic pursuits; a growing belief in a spiritualdimension and the spiritual meaning of life; and, of course, agreater openness to belief in the afterlife. (Sogyal 29)

I was transformed from a man who was lost and wandering aimlessly, with no goal in life other than a desire for material wealth,to someone who had a deep motivation, a purpose in life, a

definite direction, and an overpowering conviction that there would bea reward at the end of life. (Sogyal 29)

I felt slowly were a very heightened sense of love, the ability to communicate love, the ability to find joy and pleasures in the smallest and most insignificant things about me ... I developed a great compassion for people that were ill and facing death and I wanted so much to let them know, to somehow make them aware that the dying process was nothing more than an extension of one's life (Sogyal 30). 

A personal, utterly non-conceptual revelation of what we are, why we are here, and how we should act, which amounts in the end to nothing less than a new life, a new birth, almost, you could say, a resurrection (Sogyal 40 – 41). 

The research shows when heart stops beating, brain is not dead yet right away. By contrast, it continues working with high speed. The secreted hormone enhances the awareness ability and feeling of peace. Hormone serotonine also increases, which activates the link with sight illusion. It helps recollect all previous events in life. The researches indicates near-death experience probably caused by shortage of oxygen at brain.

During Covid 19, some patients were referred to “happy hypoxia” or “silent hypoxia” because the volume of oxygen in their blood reached low. Still, they did not feel fatigued or short of breath like the majority of patients. 

Normally, the ratio of oxygen in the blood of healthy people is 95 percent while that of these patients reaches below 40 percent without the symptom of oxygen shortage, which surprised doctors. They are like normal people, they still have coughs, rapid breathing, fast or slow beating heart. Whether the patients are accustomed to meditation or the state of lacking oxygen (chronic hypoxia)?

We have seen the zen masters seek a place to practice in the high mountains due to rarefied atmosphere and low Oxygen. In the fourth level of meditation, the stage of “relinquishing peacefully”, the meditators seem to stop breathing. 

24. Personal experiences. 

Cattara-Satpattana(four areas of contemplation) is fundamental technique of meditation including “body, sensation, mind, dharma”. To my mind, there actually is only one. Because body foregrounds sensations, without sensations mind would not come to existence, and no mind there would be no dharma. Dharma originates from mind. No mind, no thought, dharma ceases to exist. We suffer because of Dharma. We cannot get tranquil because of dharma, too. All dharma are the product of mind, the mind triggers all. But for sensations,  perceptions would stop to be. Perceptions is the troublemaker. All issues spark from it. Sensations are from touching. Touch ensues sensations, craving, attachment, existence, going to the circle of “birth, aging, death”. That all the senses get tranquil would end the issues. When consciousness turns to wisdom, all sorts of things would get purified. As eight kinds of consciousness transform into four kinds of wisdom, things would get done. Four areas of contemplation i.e. body, sensations, mind, Dharma in which body is the gateway to getting rid of afflictions and attaining tranquillity.

It leads to Nirvana. There is Buddha named “Completing no emptiness”, nothing impossible to complete, only by practice to transform five preliminary sensational consciousness to wisdom (five preliminary sensational consciousness: sight, hearing, smelling, tasting, touch get transformed to wonderful wisdom of observation)

We are suffered because of the bonds of craving, hatred etc. it is the fact that we perceive it as real that we dwell on things like certificates, fame, wealth, compliments, competition and more. The meditation teaches renouncement. the purpose of meditation is renouncement, too. Mindful of breath is to relinquish the breath gradually in order to attain Samadhi. As a matter  of fact, the breath itself gets unravelled not by our attempt. 

“does body get released yet?” is a mantra, a Dharani of my own in every morning when sitting facing the wall. I said facing the wall because my seat is one meter away the wall. Obviously, meditation is confined to sitting. Walking, standing, lying, and sitting all are meditation. Still, sitting has more fun and make sense. I cannot sit in either full-lotus position or half-lotus position as tradition, so I sit by my own like the Tibetan style, Japanese style and Western style. Whatever is fine. For 25 years, in the morning, I do meditation in my own way since it is not in line with a particular sect or a master. I just follow the teachings of Anapanasati as Buddha taught in about 30 to 40 minutes, then combine with light exercise in another about 30 minutes that I see it as a kind of “active meditation”, a kind of “exiting meditation”. Each gesture of exercise affects every “muscle, bone, joint” of the body. I find my health better, my workforce more persistent, my memory shaper. Some days if I do not practice meditation and do exercise like that, I feel tired. Gradually I seem to addict to that. I write a verse for my self: “release the whole body, like being hung on the hanger, sitting in a round position, Shoulders as wide as the back, observe the breath, like getting from away, coming in and going out, deep and shallow, keep mind on pausing, pranasati, breath expandingly and contractingly, body mind are tranquil, no more thought, no more time, a wandering dust, attaching to breath, conditioned arising selflessly, five aggregates are empty, so it is leisure, free hands to market”, 

The gesture of releasing the body is significant to enter meditation. It would be a failure if the body is still very hard upon meditation. Thus, it is reminded that if the body releases?  When releasing the body like that, we are like floating, there would not be living beings, sensations or things like that. If we really release the body at once, we can reduce the energy consumption considerably. 

It is possible to enter samadhi at the first breath. Really? Yes, it is. Sit quietly, keep the back straight, take a soft breath and then release the whole body. Gradually detach the breath, no need to count, observe or follow it. We dive into a state of tranquillity and emptiness when a soft breath outflows before the next soft breath-in. It knows itself regardless our concern. Upon positive pressure, the air flows out. By contrast, the air flows in. The state of tranquillity happens when pressure is zero. Those who are familiar with that will let the air move passively without any effort. Otherwise, if there is some attempts, it will go in vain. I write some poetic lines for to keep myself alert: “let everything out/ the last air/ float like a flowing air/ dive into emptiness/ pervade every corner/ immense sky and earth/ as soft as nothing/ exist like nothing (yes or no).

There will be abandonment but for persistence. Regardless of all mockery, let be “resolute”. Sit cross-legged like a precious stupa. A precious stupa. In the stupa sit PrabhūtaratnaBuddha (Many Treasures) who is smiling to welcome us. It is Prabhūratana Buddha who actually is a dead body constituting of soil, water, fire, wind (Carbon, Hydrogen, Oxygen, Nitrogen) and other elements like copper, lead, iron, zinc, Mangan, Magnesium, phosphorate, carbonate and whatsoever. Stupa originally means a tomb. In Lotus sutra, Buddha enter the stupa to meet Prabhūratana Buddha with so much joy. 

Anapanasati (Observe the breath) is the meditation technique scientific, so easy that everyone can practice without fear of “mental disorder”. It includes Tranquil Meditation (Samatha) and Insight meditation (Vipassana), which lead to Samadhi regardless of complex levels of rupaloka and arūpaloka meditative state. 

When knowing more about anatomy, physiology, psychology etc. of Anapanasati, I personally think Buddha let us discover another secret so as to quickly enter the Samantabhadra Samadhi, which is to keep the mind in the state of emptiness between two breaths. It might be considered a Bardo, the intermediary between breath-in and breath-out. There we have a period of tranquility, no breath, stop breathing, a short “death state”. That is “the effective practice of death” on a daily basis that Tantric practitioners try to experience the death, study the death, be used to and get along with the Ghosh of death. Prana that the ancient people regarded as “source of living” is the state of breathlessness, the state prior to breath. It is the stage we are in mother’s wombs or retreat to Buddha’s embryo. 

When having mind or perception, it will spark issues at once. And there will be chaos right away. However, it is very so hard to erase the wandering mind. It is Buddha who even was disturbed by Mara with illusionary images, not easy to get rid of. Hence it is usual that such thoughts come and go. Let it be. It will come and then go. Do not try to banish it. The more banish, the more attached, “gone with the outside” (bonded by bonded, evoke so issue sparks). 

When the body and mind get calm, we can feel tranquil and comfortable as we know. 

25. Quality of Death

Today people care for not only “quality of life” but also “the quality of dying and death”, which indicates a “good death”. 

World Health Organization (WHO) defines “quality of life”as an individual's perception of their position in life in the context of the culture and value systems in which they live and in relation to their goals, expectations, standards and concerns” 7. Quality of life, thus, emphasizes the subjective sensation of individuals, which shows the new approach shifting from traditional method which is mostly based on the physicians’ evaluation and results of diagnosing facility. 

7https://www.who.int/tools/whoqol.

The survey of “quality of death” in nearly 30 countries shows that England and Australia are the best places of death, America and Cana rank 30th, China 37th and India 40th. Generally, it grounds on the system of relief ( pain relief medicine ). 

 There are 11 indicators to measure the “quality of death”: personal qualities, life achievements, quality of experienced life, no pain, happy family, close-knit, friends, morality, spirituality (faith and religion), interest in treatment, and relationship with health workers. 

Near-death karma is the karma generated by the thought upon dying. This kind of cognitive karma is so strong and crucial that it determines the intention of rebirth. 

How to live is evaluated by “quality of life” but is it necessary to touch the death? As who will not die? As that is an inevitable part of life. Since then, many have suggested a definition, some indicators to measure the “quality of death”, the near-death period of an individual. It is noted that no one examines the experience of a particular dead person about how joyful he is. Instead, the examination can be done in terms of multiple factors by observing and inquiring the family members, friends, and health workers whether the late people had a good death. For example, in the near-death stage, do the people succumb to the physiological symptoms? In case of pain, is there sufficient pain relief medicine? What about the kindness of the health workers who give care to them? Does the care meet their demand? Do they take the last breath in their favourite place? Are there their loved ones nearby at the last moment? Do they receive the spiritual guide (religion) in order to be pacified in face of the death? Do they maintain personal qualities? Do they get respect and take pride in their life’s accomplishments without regrets, anxiety or fear of  debt at the last moment? Obviously, it is in accordance with the cultural context and social norms prevailing in their society. 

Staying alive afterthe moment within an inch of my life due to brain operation, I discover a lot of miracles. Life is liveable. Life must be happy and joyful. There is no point in feeling suffered. It is fine with an insufficient meal, let think we are on an isolated island. I posit it is time to learn how Buddha lived and do the same. The more we know Buddha, the more we admire him. He was stoned, was attacked by an elephant, was envied, and was competed by all kinds of people.  Then it is clear that owing to six years of asceticism Buddha acquired patience. While falling asleep in a grave, he was spit to face by the shepherds. He had to search for the leftover clothsat the funeral. The ascetic life renders the person for the lifestyle of “patience and knowing enough”. I am reminiscent of my poor childhood. Seven years in forest, from the age of 5 to 12, I was sick continually such as malaria, dysentery, malnutrition, lack of food and clothing. In some places lived tigers and they used to attack humans in forest at night. Moreover, elephants destroyed the people’s residences as well as their farms. I even sometimes took the water remaining in the buffalo’s footprints or bamboo roots. Sometimes I had food with only dried fish, fermented fish beside the oiled-tube lamp. Very often only sweet potatoes and corn were in place of rice. At the age of 10 or 11,I went to school in Go Ong Nom.Every day I brought rice ball wrapped in a spathe with baked fish, sitting to eat on the a tree branch next to a U-shaped shelter in order to get ready to hide in case of bombing. Now I find everything very happy.  I admire Buddha since he reiterated death which is in fact the end of afood-raised body. Tathāgata’s body is of diamond that is indestructible and long-lived. His disciples, after sobbing, got to know so they burst into laughter. As a matter of fact, Buddha did not die or pass. Thousands of years later, he gets younger and younger every day, closer to human life. Needless

to say, every species has its own Buddha. Fish, frogs, reptiles, birds, mammals etc. have Buddha or the awaken one of their own.

26. Now myself

I have to note down on paper my intention to do the next day. Otherwise, I will forget all. Paper is ready at the top of the bed, in the toilet, on the dining table where the ideas often spark in mind. The absent-mind of the elder is known as Senile dementia but only forgetting what just happens. What happened sixty or seventy years ago still remains as if it just occurred the last day. If forgetting all the past, that is Alzheimer. Quick forgetting is a clear sign of this age beside bad hearing, bad seeing. Hence, most of all, no need to practice also brings about the renouncement, inferring that no desire to be enlightened is enlightenment. The spiritual practitioners undergo great hardship in the hope of  forgetting, renouncing and realizing “seeing as seeing, hearing as hearing”, no evaluation, no criticism. Thus, does it make sense to equate old age to enlightenment? One day, we get to know that we are used to living in the realm of “impermanence, suffering, non-self, impurity” enthusiastically ever since. Suddenly now it turns to “permanence, pleasure, self, purity”. Therefore, those who dwell with Tathāgata, in Tathāgata, in Dharma body do not need torelentlessly practice spirituality. Kassapa Bodhisattva approached to ask Buddha why he would die like ordinary people. Buddha made distinction between Buddha and Tathāgata: “ you should know Tathāgata’s body is not body but it is a body, neither death nor birth, neither do nor practice, indefinity, boundlessness, no mark, neither knowing nor form, absolutely pure…” (Mahaparinirvana).

Dharma is thus. It goes through birth, staying, change, death, coming and going. Why have to get it away, avoid it, fear, worry? It is not ourselves, not ours, not our ego. It is above of birth and death, purity and impurity, adding and diminishing. There is neither Buddha nor Dharma. It is dependent origination, overlap of condition, emptiness but existence, existence but emptiness. Let’s stay in accordance with Dharma, innocently as naturally. 

Canons remain in the eighty four thousand words

Neither surplus nor deficit in studying

Now reflect, forgetting all

On the head remains the word “thus”. 

(Venerable Phuoc Hau)

Living with “thus” is to live in every second, every minute. Each moment or eachksana8is endless. Because time and space are not existential. Space is made of time that is a product of ours. Waiting is long but wish short. The  youngsters feel slow, the elders fleet. Living is each ksana is free from the time and space. Now and here. Living in each ksana is to live with Tathāgata, in Tathāgata, with “permeance, pleasure, self, purity”. From Tathāgata comes it, and then set to return to Buddha’s embryo. That’s it. 

8A Buddhist term refers to a moment as short as a thought. 

Anything just happens once. It’s useless hoping to meet again. Ony once. This is the first and the last time, as well. Let live at the moment. 

I just study a little of Buddha’s teachings owing to unknown conditions. I only try to get its essence. Seemingly everything happens to me in an unusual arrangement. After the operation, I felt I turned to the next life. After awaking, I was gifted a copy of Heart Sutra. It seemed to me that everything burst. I just learned a word: emptiness. “Avalokiteshvara Bodhisattva, when in deep practice of Prajnaparamita, saw the emptiness of five skandhas (aggregate) and sundered the bonds that caused the suffering”.  regardless of the heated debate among scholars, philosophers, and archaeologists based on a huge amount of materials, I believe it is true. It is emptiness that does not mean nothing but it implies dependent origination and non-self. The word Emptiness (Sunyata) seems to rely mesuch the question of why about human life. why we are? Where we come from? What we come for? Unless our parents had met, where we would be now? Without our grandparents’ union, who we are? Thus, it is because of dependent origination. However, what triggers the intensive origination? It is karma that works as the leading factor. Oh, it is so fascinated. It is interesting that “the one of observation to be equanimous” is identified with “the one of world sound perception”
9. It sounds so familiar. At the age of twelve, I heard my aunt’s prayer upon bombardment: “Nam mô Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ tát Ma ha tát” 10. I quietly fell asleep next to the heap of bricks. Then I got to know that being “the one of observation” foregrounds “the one of world sound perception”. In other words, to hear the cries of the world, to help others anytime and anywhere, we must be “equanimous” first. The next question is how? It is unusual that the words in the Diamon Sutra come up: “dwelling in nowhere generates mind”. So it is essential to enter Samadhi. There are no other ways.On account of the statement “dwelling in nowhere generates mind”, Huinengrealized “fundamentally there is not a single thing” while we are still attached endlessly. Upon knowing “to be but not to be”, saying that but in fact not like that, unlike that but it is as mentioned in Diamon Sutra, so interesting! If we take gentle notice, how long have we mistaken the truth but still naïve? Provided that we extend beyond the form, the manifestation or the outside embodiment, is it referred to the liberation? Meditation renders us the mindfulness and right view which leads to right thinking and right living in need of a equanimous life. Therefore, one need enter Nirvana. It is a fact that wrong meditation is prone to “madness”, another deception. One has to learn through oneself. As far as I am concerned, thanks to medical knowledge such as anatomy, physiology, neurology, psychology etc. i found Buddha’s teaching of Anapanasati meditation (breath-in and breath-out) really scientific. Since then, I concentrate on the practice and coin my own term: “Pranasati, keeping mind on the pause between two breaths”. As I enter Samadhi, the thought of breath is erased. It’s not worth classifying, hierarchizing, assessing meditation. The failure of meditation is the result of the great desire. As a child, Gautam sat for joy under a tree in a field, entering Samadhi while watching his father at the “farming festival”. No one can define the Samadhi as first level, second level or whatsoever. Thereafter, Gautam was drawn by other techniques of doing starving or breathlessness so he was prone to death. 

9 Both are translations of Avalokitesvara. 

10 The Vietnamese chanting offered to Avalokitesvara. 

To answer my inquiry of why, the Lotus Sutra comes up as magnificent as a thousand-blue petal lotus. Blue? That is the amazing image of Gadgadasvara Bodhisattva between thousand lotuses coming from the formless realm. He paid a visit to Gautam Buddha and then departed right away, which is contrary to Avalokitesvara who has massive care. In Lotus sutra, I learn one statement: “Formlessness here is of no form but non-formless, non-formless but formless is truly formlessness”. Actually, the form we are living with and the “impermanence, suffering, non-self and impurity” is produced by “an inverted view of illusion”. It is not real as it is just anillusive form. Whoever perceives it real will succumb to suffering. It is Tathāgatha that originates from Buddha’s embryo and embodies for a while, which cause our perception of impermanence and non-self. 

Avataṃsakasūtra which is the first teachings of Buddha after enlightenment cannot be comprehensive to anyone. It took Budha 49 days to look for an alternative approach. Then Buddha delivered another sermon of the Four Noble Truths at Sarnath. After 45 years of preaching the Dharma, Buddha finally told his disciples: “I have never said any words”. So great! Buddha might have foreseen the coming of the internet, AI etc. so he might be attributed to falsified words. In fact, every living being has an intrinsic Buddha’s nature and one they are subject to find by themselves as the invaluable gem hidden in the pocket of the marginalized man. 

For ages I have known that Buddha is TathāgatawhereasTathāgatais not Buddha. A bunch of trees, a grass blade, a bee or an ant is Tathāgata. We are Tathāgata, too because we come from the Buddha’s embryo. We have the same Buddha’s nature, Dharma Body as Buddha but the distinction is… non-awaken. As long as we live in true form with “true emptiness and magnificent existence”, we are able to giggle with ourselves. We get to know why Buddha keeps smiling, in fact, he smiles to himself. Through the Lotus sutra, we learn a number of Boddhisattva’s amazing deeds that are applicable to life usefully, namely, respect (Sadāparibhūta, never-disrespect), honest (Bhaisajyarāja or Sarvasattvapriyadarśana, whoever gets joy on seeing him), understanding (Avalokiteshvara). Let’s apply it and see the result. Come to see, not hurry to put faith in. On the ground of “true emptiness”, where “magnificent existence” emerges with a realm full of splendour (Padma-garbha-loka-dhàtu) exhibited, which brings us joy and peace. It is supposed that if we entered Samantabhadra’s Samadhi, there would be a chance to come across the Buddha twisting his body to emerge from the mother’s womb, on the formlessness comes a “formative baby”. Thus, every Buddha undertakes embodiment from Buddha’s embryo as clay shapescountless things. It is recollected that Gautam Buddha opened the Stupa seeing Prabhūtaratna Buddha awaiting. Both burst into joy and exchanged the heartfelt welcome as if two old friends had not met each other for ages. Does it make sense to scare of our own Prabhūtaratna? Amid the perplexion, Vimalakirti shows up. How great it is! A lay Bodhisattva boldly take challenge by raise concerns from being monks to meditation, begging alms food, practice spirituality, preaching and so on. Then on the basis of “community approach”, he take Buddhism rooted in ordinary life: living a temporal life with the joy of Dharma. 

I tried to study a little like that, selecting the fundamental teachings to get and practice. How immense the Dharma is with thousands of scriptures. In spite of lifetimes of learning, one is not able to know all. Eventually, only “on the head remains the word thus” is sufficient. I personally believe meditation foregrounds right view, right thinking etc. which leads to true cognition as well as approved behaviours. 

Would the body disintegrate? It must be so. Long-use so it gets outdated. Do Five aggregates intend to dispatch beings to their origin, unattached to complicated bonds? Let it be. That’s alright. Joints become loose. Is there out of lubricant? Let it be. That is not our fault. it  is not our intention. “It” renders for use for the moment and now it is time to take back. The pain or tingling must be the “interest” paid for the overuse. It might be karma. That’s it. Try to bear it. Positives or negatives are linked to happening in past lives. Whatever said, for myself, I have faith in the previous and after lives. Because of that, the fairness is undertaken. 

Since turning 80, I have recorded some thoughts to compile “Ve Thu Xep Lai”. It is unbelievable that I edited the manuscript at the foot of Himalayas. Then I was in the Himalayas near Nepal – Tibet border. Every day I gazed at Snow Mountains in front of me. At day, I wandered around the Boudhanath Stupa in Kathmandu. At night, I made corrections of Ve Thu Xep Lai. It is funny but true. The staff in the Publishing house emailed each part of the manuscript to me. I continued to edit it and then resent it. The process kept on until the book was complete. That is a fortunate occasion that I had a chance to take the fresh air in the Himalayas while editing the new book. In such occasion, I also got to visit Lumbini where Buddha was born and Kapilavastu from which Prince Siddhartha departed for his spiritual emancipation. Thereafter, I collated my favourite writings, sometimes, I tended to leave because of no use. But I felt regretful. Eventually, I did a printout entitled “ĐểLàmGì” (What for). For preparation. To prepare for a departure. To keep some memories. On that flow, I went on to collect my friends’ writings about my poems to compile “Như Không Thôi Đi Được”. Anyway, now I have had as many as seven poetic collections so far. I have been fond of poetry since childhood. From the first collection “ Tinh Nguoi” (1967) to “ Đỗ Nghê’s short poems”(2017), it is roughly 50 years. My poems sproutedfrom my honest feeling. I do not regard my poems as a game of speech. Such the straightforward poems trigger readers to cry, laugh, miss, memorize etc. It is amazing that only the honesty from the bottom of the heart is transmitted mutually. The poems such as “Thư Cho Bé Sơ Sinh” written in 1965 at Tu Du hospital, “Mới Hôm Qua Thôi” in 1993 in Montreal, “Bông Hồng Cho Mẹ” in 2002 on my mother’s death etc. are likely to be widely popularized. As for my humble study of Buddhism, I try to collect, arrange, and get it modified to compile “Toi Học Phật” in order to read sometimes and share with my mates. Then, somehow, I gathered the writings of theacquantains to compile “ÁoXưaDùNhàu” as a gratitude. In short, recalling the “achievements of this stage” because they partly are attributed to the “quality of death”. By accident, having no intent to prepare anything, I still do something in my eighties like a closed cycle of emptiness. I see it as an achievement in my career with 12 years in paediatrics ICU, and 25 years in Health education. That is the time I wrote to pass the health know-how from childbearing (Viếtchocácbàmẹsinh con đầulòng), adolescents (Khi Người ta Lớn), the middle-ages (Gio Heo May Da Ve) and the elder (Gia Sao Cho Suong). As far as my medical career is concerned, I highlight the major factors ofillness prevention, nature-based living and less

consumption of medicine. I was in charge of the project “health care at early phase” for children, adults and then got engaged in training, contributing to the establishment of Pham Ngoc Thach Medical University as the founder of the Department of Medical ethics, Behavioural Sciences and health education. Besides, I was involved in teaching paediatrics at University of Medicine and Pharmacy. Overall, so far there have been 60 published books encompassing three areas: medicine, literature and Buddhism. I draw fascination in any area but in fact when I grows older, I am closer to Buddhism. 

In recent years, as getting old, I am interested in coming back the old places like other species such as salmons go downstream up to the original place every four year. Bizzare! I recall my birthplace is the foot of iron bridge crossing over Ca Ty river (Muong Man), Phan Thiet. My mom told me that I was born with very dark skin. The midwife named me Thằng Hai Hòn11(two island guy, Phu Quy island and Phan Thiet island where the people have dark skin and thin figure). Shortly after, I went to my maternal hometown with a garden full of multiple plants such as coconuts, palm, banana, orange etc. at the foot of Mount Ta Cu where Linh Son Truong Tho temple is located. When aged four or five, I used to be in company with my aunts and uncles to visit there. Growing up a little, I went back home in Lagi near sea. It means all such of things like rivers, mountains, paddy fields, gardens are famililar with me. Dried fish and fermented fish draw my attraction. I seem to feel puzzled with luxury and splendour. Such a really rustic man!

11 Two island guy 

I also like to visit primeval forests in Lang Gang, Binh Chau, Xuyen Moc where I took refuge with my dad at the age of 5 to 6. Subsequently, I went to Go Ong Nom School in Hiep Nghia, Bau Loi. Up to 12 years old, following my father’s death, I returned to live  with my mother and three little siblings. We stay with my big aunt (married to a Chinese) at a Chinese temple. Whenever I get back to Phan Thiet, I pay a visit to that temple, seeing tamarin trees and Golden sema trees. As going to Bach Van school, I also lived in Ba Duc Sanh Hoi temple. Then Phan Boi Chau school. Back to Lagi after two years, I went to school in a church. Hence, I am used to both temples and churches. After arriving back to Saigon, I took a shelter and monthly food consumption in a backward quarter in Ban Co, shifting place for five or seven times. In general, I was wandering so many places. Every time back to my hometown, I feel differently. The days in Bau Loi, I  went to catch crap, asked for fermented shrimp paste to make fish sauce, cultivated garden with my mother when aged 10 to 12. Living in the temple in Phan Thiet, my work is to dry palm leaf. It might be thanks to my arduous childhood, I am able to overcome challenges subsequently. I probably learn to keep patience and self-satisfy. Now coming back to see the old places, and old landscapes, I am immersed in the nostalgia, nobody there. 

My friends regularly inquire about my health. I say I have no idea. They asked whether I have disease. I reply I do not know, either. It is not a phoney response but the truth. Because well-being is the state that both body, mind and the society where one lives are completely freed. Without a doubt, there is such a long way ahead to get all three areas perfect. Arethere any health issues? There must be. It is not possible to keep away from all the problems caused by old age. Birth, old age, sickness and death are so. I do not what kind of disease as I have undergone a lot of sickness for ages. As a child living in the forest, I was infected with malaria, dysentery,

serious malnutrition. it is unusual to recall to recall the childhood, passing the trembling of malaria was followed by the great pleasure. It is perhaps because of the deficit of red blood cells, I fell into the state of chronic hypoxia (chronic lack of oxygen) whereas the so-called “happy hormone” continued to be released. I do not know why. At the age of 12, coming back to Phan Thiet from the refuge zone, I weighed only 25 kg. How pale I was. My spleen swept up, all fours were too thin, severe malnutrition. turning 30, as a doctor, while working at Children hospital, I was hit by a gastrointestinal bleeding and was admitted to ICU at Cho Ray hospital (1971). I used to have a terrible painat lumbar spine as much as that I had to be bed-confined, then another pain at cervical vertebrae made me not able to turn round. In my 50, the glaucoma made me go through emergency operation whose evidence remains till this day. Aged 57, I was hit by a stroke that I was admitted to ICU again. In short, that’s enough. Since my 60s, I just got a little sick. Let it be. I am not in favour of any diagnosis and taking medicine, advertised supplements in particular. To my mind, they are not as good as stewed fish, baked dried fish, boiled veggies, sweet potatoes, corn, sweet soup and so on. When back to Phan Thiet, apart from visiting my old schools, old  friends, I always go to the beach to takecoconut juice locally known as “dừabanhát” (three cuts), have lunch with grilled chicken, boiled chicken along with green chilly, or bánh canhchảcá, or dinner with bánh cănreminiscent of eating for full. Last but not least, it is chèđậuxanh. 

These days my sleep is not so sound. The older I get, the more I woke up at night. It must happen becaue of the expansion of prostate. Let it be. Now 9-hour-sleep is needed every evening. The elderly take longer sleep like old batteries need long charging. I dream every day. Scarcely do I not dream. It is frustrated at first as I wanted to have a sound sleep with no dreams. Then I found dreaming quite interesting. The dreams enable us to live another lives, reuniting with old friends who are apparently no longer. 

Hence, it is the preparation for a good death and happy near-death? A friend of mine told me that I wrote “Gia Sao Cho Suong”12 at 75 and it should be followed by “Chet Sao Cho Vui” as the next. I suddenly came  up with “well-being”, the happy and healthy state of the body, then why not “well-dying”? earlier when I learn the Buddhist term “Anapanasati”, I came up with my own “pranasati”, which means to keep mindful in the middle stage between breath-in and breath-out. It is the pause-stage, rest or “bardo” between two breaths, between living and death, and rebirth. That is also the transition stage to embark on a new journey. It is time to carry the baggage or karma. whether it is heavy or light up to our choice as we are the heir of karma. 

12Enjoy the Old Age

Enlightenment should be best perceived as the understanding of essential and inevitable death which is part of life. So far wehave lived a temporal life with an illusionary form rising from Buddha’s embryo by the skilful hand of a so-called weird midwife.Let’suUnderstand and practice the death, get accustomed to that, and associate with that as soon as possible. 

And let be well-being and well-dying!

Saigon, June 2023

 

Dr Do Hong Ngoc MD. 

 

..................................................................

 

Author’s introduction 

Doctor  Do Hong Ngoc, also known as his pen name Do Nghe, was born in Phan Thiet, Binh Thuan, Viet Nam in 1940. 

Graduated Doctor of Medicine, Saigon Univeristy of Medicine in 1969, he specializes in Pediatrics. He attended the refresher course at Harvard University ( USA) in 1993 and a course of Health Education in CFES, France in 1997. Moreover, he was a guest faculty at Saigon University of Medicine and Pharmacy and Head of  Department of Behavioural sciences – Health Education at Pham Ngoc Thach University of Medicine. 

Apart from a doctor and an instructor, he is also a renowned poet and writer. His writings encompass multiple fields and are popular with readers. In particular, he writes intensively about Buddhism and Zen with a gentle style but pursuasive, including knowledge of both Western and Eastern traditions  and his spiritual experiences. Doctor Do Hong Ngoc studies, understands and practices Buddhism in a pragmatic manner. 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


.
 

Tạo bài viết
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…