CHƯƠNG TRÌNH HỘI THẢO
PHẬT GIÁO TRONG THỜI ĐẠI MỚI
CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Do Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức
PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỜI HIỆN ĐẠI
NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
TS. Trần Hồng Liên, Viện KHXH Miền Nam, TPHCM
Ra đời tại Ấn Độ hơn 2500 năm trước, Phật giáo đã nhanh chóng lan toả sang nhiều nước trên thế giới từ trên những yếu tố tích cực của đạo đóng góp vào trong đời sống hàng ngày cho người dân. Có mặt tại Việt Nam hơn 2.000 năm, Phật giáo cũng đã có những đóng góp nhất định vào nền văn hoá dân tộc, đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong từng triều đại. Tuy nhiên, không phải lúc nào Phật giáo cũng giữ được vai trò và vị trí vàng son đó. Điều này còn tuỳ thuộc vào nhiều nguyên nhân khác nhau : từ sự vận dụng tinh thần Phật giáo của các thiền sư, của các vì vua, của chính quyền, đến việc từng người dân tiếp nhận tinh thần Phật giáo vào trong đời sống của chính mình như thế nào … cũng góp phần đưa lại một vị trí và vai trò nhất định cho Phật giáo Việt Nam.
Đặc biệt, trong những thập niên gần đây, Phật giáo Việt Nam chuyển mình bươc vào một vận hội mới. Những thuận lợi, cơ duyên đã có trong bản thân sự chuyển biến nội lực của tổ chức Phật giáo Việt Nam, cũng như những nhân tố từ bên ngoài đưa vào đã tạo cho Phật giáo Việt Nam một cơ hội mới. Đồng thời với những yếu tố ấy, Phật giáo Việt Nam cũng đang phải đối đầu với nhiều thách thức đặt ra từ hai phía: nội lực và ngoại sinh.
Để có thể thấy rõ được vị trí và vai trò của Phật giáo Việt Nam thời hiện đại, Phật giáo đóng góp gì vào công cuộc xây dựng một cuộc sống an bình, hạnh phúc và tạo ra một đời sống tâm linh phong phú, cần tìm hiểu những cơ hội và thách thức đang đặt ra cho Phật giáo Việt Nam.
1. Những cơ hội mới của Phật giáo Việt Nam
Những nhân tố nội lực
Thế kỷ 21 đang đến, Phật giáo thế giới cũng như Phật giáo Việt Nam bước vào một vận hội mới. Về phía bản thân Phật giáo Việt Nam (PGVN) cũng có được nhiều thuận lợi cơ bản. Trước hết, đó chính là việc hình thành một tổ chức Giáo hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN). Có một tổ chức giáo hội thống nhất, PGVN mới có cơ duyên thực hiện được việc thống nhất tổ chức và lãnh đạo, thống nhất tư tưởng và hành động. Chính sự thành lập này đã đem lại trước hết cho PGVN một vận hội mới về sự đoàn kết, hoà hợp trong bản thân Phật giáo, tạo sức mạnh nội lực để GHPGVN thực hiện tiếp tục nhiều hoạt động phật sự.
Trên cơ sở sự hình thành một tổ chức thống nhất, mọi hoạt động có liên quan hữu cơ thúc đẩy quá trình phát triển PGVN mới có cơ hội thực hiện. Từ việc thiết lập tổ chức GHPGVN, mối tương quan mật thiết giữa ba hệ phái được củng cố, trên cơ sở giữ vững nét đặc thù riêng có của từng hệ phái nhưng cũng làm phong phú, đa dạng hơn văn hoá truyền thống PGVN.
Trước vận hội mới của một tổ chức Phật giáo duy nhất, PGVN có cơ duyên bảo tồn và phát huy được những nét tinh tuý trong văn hoá truyền thống Phật giáo vào thời đại mới. Nét tinh tuý đó chính là tư tưởng nhập thế của PGVN, là nét son tô đậm trong quá trình phát triển của PGVN. Xuất phát từ hệ tư tưởng của đạo Phật quan niệm về con người, về vũ trụ trong đó con người sinh sống, đạo Phật đề cao lối sống thực nghiệm, đưa nội dung giaó lý siêu việt ấy đi vào cuộc sống đời thường, dùng nó như một phương thuốc chữa lành vết thương cho những con người đang gặp nhiều nỗi đau thương mất mát, đang có quá nhiều sự sợ hãi và đau khổ… Tinh thần nhập thế của PGVN trải suốt hơn 2.000 năm qua tuy có lúc được thể hiện rõ nét, có lúc chưa được làm sáng tỏ, nhưng điều quan trọng là nó vẫn liên tục phát triển từng nơi từng lúc và trở thành sợi chỉ xuyên suốt quá trình hoạt động của PGVN. Tinh thần ấy càng được củng cố trong suốt thời kỳ chống ngoại xâm, đem lại nét đặc thù riêng có của PGVN.
Ngày nay, trước xu thế mới của lịch sử dân tộc, tinh thần nhập thế này lại được các thiền sư làm sống lại, khơi gợi lên và nhân rộng ra để tinh thần ấy có thể đến với từng người mến mộ đạo Phật, sử dụng nó như một phương tiện làm phát khởi trí huệ, mang lại an lạc cho mình và cho người.
Thành tựu của tinh thần này được biểu hiện nhiều vẻ, dưới nhiều góc độ khác nhau. Có thể thấy điều này trên thành quả của hàng trăm phòng phát thuốc, hàng chục Tuệ Tĩnh đường, các lớp học Tình Thương, trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật, trung tâm tư vấn, giúp đở người bị HIV/AIDS; nhà ở cho người có công với nước, Quỹ Khuyến học cho những trẻ em nghèo hiếu học, chăm lo cho người già neo đơn, những trẻ mồ côi không người nuôi dưỡng…
Song song với những thuận lợi có tính nội tại của PGVN, đạo Phật lại được sự hỗ trợ, hưởng ứng của chính quyền. Những người lãnh đạo ý thức rõ rằng Phật giáo gắn với dân tộc, đạo Phật đã góp phần cùng chính quyền mang lại niềm an lạc cho người dân, với phương châm vì Đạo Pháp và vì Dân tộc.
Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, có tính nội tại ấy, PGVN cũng đang đứng trước những làn sóng vũ bảo của nhiều chuyển biến tích cực trên thế giới.
Những nhân tố ngoại sinh
Nhiều năm trước, một số người tu hành theo đạo là những chư sơn thiền đức, ở trên non cao, xa cách cuộc đời. Dường như mọi đổi thay trên thế giới, trong khu vực, không can hệ gì đến cuộc sống tu vốn thâm trầm, tĩnh lặng của họ. Mối quan hệ xã hội, mạng lưới xã hội của các tu sĩ xưa kia vì vậy trở nên khá hạn hẹp. Không kể đến một số tu sĩ đặc biệt như ngài Minh Tịnh, một mình đi sang Tây Tạng, không kể đến một vài thiền sư vượt ra khỏi phạm vi đất nước, sang nước ngoài học hỏi, thu thập thêm kiến thức mới như Hoà thượng TS. Thích Minh Châu, như Hoà thượng TS. Thích Trí Quảng, như GS.TS Thích Thiện Siêu… và một số tu sĩ được đào tạo đại học Phật giáo trong nước, thì còn không ít tu sĩ chưa quan tâm nhiều đến những thay đổi bên ngoài, chỉ lo tu Tịnh. Điều này có đối lập với tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam hay không ? Hay khi nước nhà suy vong, người tu đứng lên ra trận, còn thời thanh bình thì trở lại chốn thiền môn?
Trong thời đại ngày nay, những phát minh về khoa học, công nghệ thông tin, những phát hiện mới về khảo cổ học, về những văn bản gốc có liên quan đến Phật giáo như tấm bia đá do vua Asoka xây dựng tại Tây Nam Nepal được phát hiện gần đây; như cuốn kinh Mật tông (Bardothodol) đã được chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới… đã mở ra chân trời mới, giúp tiếp cận với Phật giáo một cách sâu sắc, chính xác và phong phú hơn. Nhiều mạng thông tin (website) của Phật giáo đã mở ra nhận thức mới, cung cấp tầm nhìn rộng và sâu về Phật giáo thế giới. Và như vậy, theo một lý giải lô gích, chỉ có thể hiểu rõ được PGVN trên cơ sở hiểu rõ Phật giáo thế giới. Càng hiểu rõ, có mối dây liên hệ mật thiết với thế giới, thì việc thúc đẩy PGVN phát triển mới được thuận lợi và có tính khả thi. Chủ trương hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước được thúc đẩy tốt nếu như việc hiểu biết để hội nhập của Phật giáo VN với các nước cận kề trong khu vực sau đó với thế giới được thực hiện.
Như vậy, cùng với xu thế chung của thời đại, vận hội mới đã và đang mở ra cho PGVN một thuận lợi lớn: hội nhập Phật giáo khu vực và thế giới trên cơ sở của xu thế hội nhập và toàn cầu hoá. Xu thế ấy càng được nhanh chóng phát triển nếu xét trên bản chất của đạo Phật, vốn là một tôn giáo mang tính hoà hợp, dễ thích nghi theo dân tộc, theo từng quốc gia. Từ lâu tại khu vực Đông Nam Á đạo Phật đã chẳng từng là chất keo đoàn kết các quốc gia trong khu vực vì một nền hoà bình thịnh vượng đó sao? Riêng đối với PGVN, xu thế này càng được thuận lợi vì Việt Nam có cả 3 hệ phái Phật giáo.
Những tương đồng trong văn hoá, trong nghi lễ… đã nối kết các quốc gia theo đạo với nhau, cùng nhau ngồi lại trong những Hội nghị Thượng đỉnh, bàn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Phật giáo đối với nhiều vấn đề, từ môi trường đến đạo đức, từ tâm lý đến giáo dục… Đại hội Hội Liên Hữu Phật giáo Thế giới (WFB) lần thứ 23, Hội Liên Hữu Thanh niên Phật giáo Thế giới (WFBY) lần thứ 14 và Hội đồng Phật giáo thế giới (WBU) lần thứ 6 đã khai mạc gần đây tại Đài Loan cho thấy có sự xích lại gần nhau của những người theo đạo vì một nền hoà bình và thịnh vượng cho người dân trên hành tinh. Đó cũng là một điều gợi cho PGVN một hướng hợp tác mới.
2. Những thách thức đặt ra cho PGVN
Song song với những thuận lợi vừa kể, PGVN trong thời hiện đại không phải là không gặp khó khăn. Những hạn chế và thách thức này đặt ra cho chính Giáo hội PGVN. Đó là những vấn đề có tính thời đại. Sự phát triển vũ bảo của khoa học-kỹ thuật làm chuyển đổi cuộc sống, sinh hoạt đời thường, trong đó có sinh hoạt của những tu sĩ. Biến đổi nhanh làm cho việc đào tạo con người thích ứng theo những chuyển đổi ấy còn khá chậm.
Xét về nguồn nhân lực, PGVN tuy hiện nay đã có hàng trăm tu sĩ đi sang các nước tiếp thu kiến thức mới, phù hợp với đà phát triển trong thời đại mới, đã lần lượt trở về và hàng trăm tu sĩ trẻ tốt nghiệp học viện Phật giáo trong nước mỗi năm, nhưng số lượng ấy chưa thể gọi là nhiều, và chưa đủ để có thể trở thành hạt nhân nòng cốt cho tất cả các mạng lưới hoạt động phật sự của từng địa phương thời gian tới. Mặt khác, sự chuyển đổi nếp sinh hoạt, số thời khoá thực hiện nghi lễ, cũng như việc tăng cường một số hoạt động có tính mở rộng mạng lưới sinh hoạt cộng đồng, tăng cường mối quan hệ giữa những người tu sĩ vơi thanh thiếu niên có đạo cũng như chưa vào đạo, cũng có làm cho một số tu sĩ chưa thật sự đồng tình với nếp sinh hoạt mới. Điều đó đặt ra trong bản thân giáo hội PGVN một thách thức mới cả về việc nâng cao năng lực bồi dưỡng, hoằng pháp lẫn về mặt tổ chức.
Một vấn đề đặt ra trong giai đoạn có sự chuyển đổi trên nhiều lĩnh vực, đối với tất cả các tôn giáo, đó chính là xu hướng thế tục hoá. Khá nhiều bài nghiên cứu trong và ngoài nước đã đề cập đến hiện tượng này (1), coi đó như là một trong những vấn đề có tính thời đại, diễn ra trong các tôn giáo khác nhau. Đối với Phật giáo, khá nhiều công trình cũng đề cập đến vấn đề Phật giáo nhập thế (Engaged Buddhism) và Phật giáo thế tục hoá (Secularization of Buddhism) hay phong trào Phật giáo mới (the new Buddhism) (2)…
Đứng trước những hiện tượng này, PGVN cũng cần vận dụng những đặc thù trong truyền thống để làm sáng tỏ khái niệm Phật giáo nhập thế, vốn mang tính tích cực, để phân biệt với xu hương thế tục hoá, vốn mang tính tiêu cực và thể hiện bản chất không tốt đẹp.
Thách thức lớn do thời đại đặt ra đối với tu sĩ PGVN còn là những hạn chế về thông tin, hoạt động của Phật giáo thế giới. Điều này cũng làm hạn chế tầm nhìn, nếp nghĩ, trong việc đặt quan hệ đối tác, hợp tác tổ chức những hội thảo về Phật giáo nhằm góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình hội nhập với Phật giáo thế giới. Khá nhiều mạng thông tin điện tử (website) Phật giáo như Đạo Phật ngày nay, Thư viện Hoa sen, Trang nhà Quảng Đức… cung cấp nhiều nguồn tin tức mới về Phật giáo trên thế giới, nhưng số người đọc nó chưa phải là nhiều, đặc biệt là đối với những tu sĩ có tuổi. Không kể một số tu sĩ trẻ có trình độ ngoại ngữ và vi tính thông thạo, một số khác chưa quan tâm nhiều đến việc cập nhật thông tin qua mạng và chưa cảm thấy cần thiết phải có trình độ ngoại ngữ để đọc thêm sách báo nước ngoài.
Vài năm gần đây, số lượng tu sĩ được đào tạo bậc đại học, sau đại học Phật giáo đã có nhiều đóng góp đáng kể vào hoạt động phật sự của PGVN. Nhiều công trình sách được xuất bản mang dấu ấn của việc trở về với nét đặc thù riêng có của Phật giáo Việt Nam mà các tác giả là những tu sĩ trẻ, có hoài bảo và năng lực, như các tác phẩm : Phật Việt Nam, Dân tộc Việt Nam (3) ; Tâm lý học Phật giáo (4)… Tuy nhiên, cũng chính từ những thành quả ấy mà thách thức đặt ra cho thế hệ tu sĩ trẻ càng cao, đòi hỏi sức phấn đấu vươn lên trong hoằng pháp cũng như trong việc nâng cao nhận thức, để làm thế nào xứng đáng với vai trò là những người thầy, là cầu nối của đức Phật với những người phật tử. Thách thức đó đặt ra không phải một sớm một chiều có thể đáp ứng được.
Bởi vì ngoài áp lực của việc phải nhanh chóng nâng cao tầm nhìn, còn là những trở ngại khó vượt qua của muôn vàn điều kiện cần và đủ khác, như yêu cầu về trình độ ngoại ngữ và vi tính để có thể tiếp cận thông tin và xử lý thông tin, truyền đạt thông tin qua nhận thức từng cá nhân, kết hợp với một tấm lòng yêu thương sâu sắc đất nước, đạo pháp và dân tộc. Mặt khác, khó khăn lớn nhất đặt ra cho những người tu sĩ, nhân tố quan trọng nhất của việc tiếp cận với vận hội mới và thách thức mới, không chỉ những thiếu sót vừa nêu, mà chính là nhận thức về các vấn đề này. Một số người có thể vẫn mang tư tưởng cho rằng có cần thiết hay không để dành thời gian cho những điều như vậy? Những điều này thực sự có ý nghĩa và giúp cho người tu sĩ tiến tới giải thoát hay không? Chính những trăn trở ấy, những băn khoăn ấy là thách thức lớn đặt ra trong giai đoạn hiện nay cho GHPGVN.
3. Một số giải pháp
Trước hết, để có thể có lời đáp thoả đáng cho nhiều vấn đề mang tính thời đại của Phật giáo, cần thiết có nhiều buổi toạ đàm, hội thảo quốc gia và quốc tế, những sê-mi-nar bàn về các vấn đề trên. Chỉ có trong những hội thảo ấy, nhiều thách thức mới được nêu ra, được bàn bạc, trao đổi và đi đến cùng nhau giải quyết.
Cũng cần nhận rõ hơn trong những yếu tố nội lực tạo tiền đề cho nhiều cơ hội mới và những thách thức mới thì yếu tố con người là quan trọng nhất. Việc gấp rút nâng cao nhận thức, tầm nhìn, đào tạo năng lực cho một thế hệ tu sĩ trẻ, đủ sức gánh vác nhiệm vụ mà thời đại đặt ra cho GHPGVN là việc làm có tính cấp thiết.
Trong đào tạo nguồn nhân lực, cũng đòi hỏi việc chuẩn bị lại giáo trình, nội dung các môn học, phương pháp tiếp cận … sao cho nền giáo dục phật giáo thực sự mang ý nghĩa vì một đạo Phật Việt Nam, lấy sự tu chứng và quá trình thực nghiệm làm căn bản.
Song song với việc chuẩn bị tốt giáo trình giảng dạy, cũng cần nắm bắt được những cốt lõi, những đặc điểm của PGVN, để trên con đường các tu sĩ trẻ được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, từ nhiều nước khác nhau, vẫn luôn tâm niệm rằng chính là để phục vụ cho đạo Phật Việt Nam, cho giáo hội Phật giáo Việt Nam và con người Việt Nam. Ý thức điều này, người được đào tạo sẽ vững tin đi trên con đường mà phương châm GHPGVN đã đề ra. Đó là những người tu sĩ hành sử nhiệm vụ của mình vì đạo pháp và cho dân tộc.
Tóm lại, trước sự vận hành mới của cuộc sống, đứng trước những vận hội mới và những thách thức mới đặt ra cho GHPGVN, những người tu sĩ cần dấn thân, trang bị tinh thần nhập thế, vì cuộc sống an lạc cho người dân và vì một đất nước Việt Nam hùng cường, thái bình, vì một đạo Phật Việt Nam có bề dầy lịch sử hơn 2.000 năm mà tiến bước. Ý thức và hành động như vậy chính là đã góp phần hữu hiệu vào quá trình đưa Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới, trong xu thế toàn cầu hóa.
Chú thích
1. Nguyễn Xuân Nghĩa, Tôn giáo trong thời hiện đại: Thế tục hoá hay phi thế tục hoá?
2. Ken Jonh, The social face of Buddhism: An approach to political and Social Activsm; David W. Chappell. Engaged Buddhism in a global Society: Who is Being Liberated? Socially Engaged Buddhism for the New Millannnium: Essay in honor of the Ven. Phra Dhammapitaka on his 60 th Birthday anniversary. Sathirakose nagapradipa Foundation and Foundatin for Children, 1999; Cung Tuấn. (GS. Đại học Trung Sơn) Thích ứng và phản kháng , thảo luận từ hai dẫn chứng về mối quan hệ giữa Phật giáo truyền thống với chính trị Đông Á thời kỳ cận đại. (Bản thảo) 2005.
3. Giác Dũng, 2003. Phật Việt Nam, Dân tộc Việt Nam. Nxb Tôn giáo, Hà Nội ;
4. Thích Tâm Thiện,1998.Tâm lý học Phật giáo. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
Tài liệu tham khảo
- Cung Tuấn 2005, Thích ứng và phản kháng. Thảo luận từ hai dẫn chứng về mối quan hệ giữa Phật giáo truyền thống với chính trị Đông Á thời kỳ cận đại. Bản thảo tham luận hội thảo. Trần Anh Đào dịch.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bản tin, Hội nghị kỳ 4-khoá V. Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 3-4/1/2006.
- Nguyễn Xuân Nghĩa, Tôn giáo trong thời hiện đại: Thế tục hoá hay phi thế tục hoá? T/c Nghiên cứu tôn giáo số 2-2003.
- Trần Văn Trình, Chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước và sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. T/c Nghiên cứu tôn giáo số 4-2003.