Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh U Tán

04/12/20191:00 SA(Xem: 10735)
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh U Tán

BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA TÂM KINH U TÁN
般若波羅蜜多心經幽贊
Prajñāpāramitā-hṛdaya-sūtra-vyākhyana
A Comprehensive Commentary on the Prajñāpāramitā Heart Sūtra
(Taishō Volume 33, Number 1710)
Đại sư Khuy Cơ biên soạn | Quảng Minh dịch & chú giải

Con thành kính hiến cúng dịch phẩm này dâng lên
Đại sĩ Thích Trí Quang
như lời tri ân giáo thọ

 

DẪN NHẬP

 

Duc Phat tren la boiBát-nhã ba-la-mật-đa Tâm kinh u tán (般若波羅蜜多心經幽贊), gồm 2 quyển: thượng và hạ, gọi tắt là Tâm kinh u tán, do ngài Khuy Cơ đời Đường soạn, thu vào Đại chánh tạng, tập 33, số 1710.

 

Khuy Cơ (窺基, 632-682) là người Kinh Triệu, Trường An, đời nhà Đường, là bậc cao Tăng nổi tiếng, khai sơn tổ sư của Duy thức Pháp tướng tông, họ là Uất Trì, tự Hồng Đạo, còn được gọi là Linh Cơ, Thừa Cơ, Đại Thừa Cơ, thầy Cơ, hoặc gọi tắt là Cơ, pháp danh Khuy Cơ, được tôn xưng là đại sư Từ Ân, pháp sư Từ Ân. Sư có tướng mạo khôi ngô, bẩm tánh thông tuệ, xuất gia lúc 15 tuổi, phụng sắc làm đệ tử của Huyền Trang (602-664), vào ở chùa Hoằng Phước, sau chuyển đến chùa Đại Từ Ân, theo Huyền Trang học Phạn văn và kinh luận Phật giáo. Năm 25 tuổi, Sư tham gia dịch kinh, đến năm thứ 4, niên hiệu Hiển Khánh (659), khi Huyền Trang dịch bộ Duy thức luận, Sư cùng với ba vị Thần Phưởng, Gia Thượng, Phổ Quang, cùng hiệu đính văn phong, nghĩa lý của bộ luận này. Huyền Trang còn sai Sư diễn thuyết về Nhân minh chánh lý môn luậnDu-già sư địa luận của Trần Na, vì vậy Sư rất thông đạt tông pháp của Nhân minhNgũ tánh. Vào năm đầu niên hiệu Long Sóc (661), những bộ luận do Huyền Trang chủ dịch như Biện trung biên luận, Nhị thập Duy thức luận, Dị bộ tông luân luận, A-tỳ-đạt-ma Giới thân túc luận, đều được Sư chấp bút; và ngoại trừ A-tỳ-đạt-ma Giới thân túc luận, Sư đều soạn thuật ký cho các bộ luận này. Về sau, Sư ngao du Ngũ đài sơn, tuyên giảng đại pháp, rồi trở về chùa Từ Ân truyền thọ giáo nghĩa của thầy mình. Trước tác của ông rất nhiều cho nên người đương thời gọi ông là Bách bản sớ chủ hay Bách bản luận sư. Sư lấy Duy thức luận làm tông chỉ, nên còn được gọi là Duy thức pháp sư. Vào năm đầu niên hiệu Vĩnh Thuần (682), Sư thị tịch tại viện Phiên Kinh của chùa Từ Ân, hưởng thọ 51 tuổi, an táng ở thôn Phiền, bên cạnh mộ tháp Tam tạng pháp sư Huyền Trang.

 

Trước tác của Sư gồm có: Thành duy thức luận thuật ký, Đại thừa Pháp uyển nghĩa lâm chương, Du-già sư địa luận lược toản, Đại thừa Bách pháp minh môn luận giải, Nhân minh nhập chánh lý luận sớ, Nhiếp Đại thừa luận sao, Đối Pháp luận sao, Thắng tông thập cú nghĩa chương, Diệu pháp liên hoa kinh huyền tán, A Di Đà kinh thông tán sớ, Quán Di Lặc thượng sanh Đâu suất thiên kinh tán, Kim Cương Bát-nhã kinh tán thuật, Thuyết Vô Cấu Xưng kinh sớ, Đại Bát-nhã Ba-lamật-đa kinh Bát-nhã lý thú phần thuật tán, Duy thức nhị thập luận thuật ký, Thành duy thức luận chưởng trung xu yếu, Biện trung biên luận thuật ký, A Di Đà kinh sớ, Kim cương Bát-nhã luận hội thích, Tây phương yếu quyết thích nghi thông 4 quy, Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh u tán, Tạp tập luận thuật ký. Khi còn sanh tiền, Sư là người có chí khí mạnh mẽ, tạo tượng Di-lặc và hàng ngày ở trước tượng tụng một thiên Bồ-tát giới, nguyện sanh Đâu-suất, cảm được tượng phát ra hào quang toàn thân rực rỡ. Sau đó, Sư đến Ngũ đài sơn tạo tượng Bồ-tát Văn-thù bằng ngọc thạch, đồng thời viết kinh Bát-nhã bằng nhũ vàng, khi hoàn thành cũng có phát thần quang. Những đệ tử kế thừa đều lấy Sư làm chuẩn tắc và xem như ngài Huyền Trang lúc còn sống.

 

Kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật-đa (T.5-7.220), 600 quyển, được ngài Huyền Trang và những người cộng sự chuyển dịch từ ngày 16 tháng 2 năm 660, cho đến 25 tháng 11 năm 663, khoảng thời giansức khỏe của ngài Huyền Trang suy giảm. Đây là dịch phẩm trọng đại cuối cùng, và ngài Huyền Trang đã viên tịch một năm sau khi hoàn thành nó. Bát-nhã Tâm kinh (T.8.251) được chuyển dịch năm 649, cùng năm ngài Huyền Trang hoàn thành mười một dịch phẩm khác, bao gồm Phật địa kinh luận (T.26.1530). Đại thừa chưởng trân luận (T.30.1578), Nhiếp Đại thừa luận bản (T.31.1594).

 

Về phần chú sớ của Tâm kinh thì có rất nhiều bản, trong đó quan trọng nhất là Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh u tán của Khuy Cơ, Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh tán của Viên Trắc (圓測, 613-696), Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh lược sớ của Pháp Tạng (法藏, 643-712), và Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh sớ của Tuệ Tịnh (慧淨, 578-?), Bát-nhã Tâm kinh bí kiện (: Secret key to the Heart Sũtra ) của Không Hải (空海, 774-835), v.v…

 

Bát-nhã ba-la-mật-đa Tâm kinh u tán là sách chú giải sớm nhất về Bát nhã Tâm kinh. U, là u tịch, ẩn tàng sâu kín. Tán, là tán dương, suy diễn để hiển lộ nghĩa lý khó hiểu. U tán, là tán dương nghĩa lý thâm trầm, sâu kín. Toàn sách nương theo ý nghĩa của Pháp tướng duy thức, rồi theo văn mà giải thích nội dung của Tâm kinh. Trước hết, dẫn ba thời giáo phán của kinh Giải thâm mật, và kệ tụng trong phẩm Biện tướng của luận Biện trung biên để tán thán nghĩa lý Trung đạo. Kế đến, giải thích tên kinh, và trình bày ý nghĩa của năm loại bát-nhã và bảy thứ tối thắng. Sau cùng, giải bày nghĩa của văn kinh. Các bản chú sớ về sách này thì có: Bát-nhã Tâm kinh u tán Không đồng ký (般若心經幽贊崆峒記), 3 quyển, Thủ Thiên (守千), đời Tống, soạn tập; Bát-nhã Tâm kinh u tán Giải tiết ký (般若心經幽贊解節記), 6 quyển, Hộ Mệnh (護命) biên soạn.

 

Kinh Giải thâm mật đề cập đến ba chuyển pháp luân: “Bấy giờ đại bồ tát Thắng nghĩa sinh lại thưa Phật: bạch đức Thế tôn, xưa kia, trong thời kỳ đầu tiên, khi ở trong rừng Ban cho loài nai, chỗ tiên nhân Ba la niệt tư sa xuống, đức Thế tôn chỉ vì những vị xu hướng Thanh văn thừa, căn cứ đạo lý tứ đếchuyển pháp luân, tuy rất lạ, rất hiếm, bao nhiêu người trời trong thế giới không ai chuyển được đúng cách, nhưng pháp luân được chuyển trong thời kỳ này vẫn có cái trên nữa, vẫn chịu đựng đả phá, là nghĩa lý chưa hoàn hảo, là nơi đặt chân của sự tranh luận. Kế đó, trong thời kỳ thứ hai, đức Thế tôn chỉ vì những vị xu hướng Đại thừa, căn cứ đạo lý "các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn", dùng sự ẩn mậtchuyển pháp luân, tuy càng rất lạ, càng rất hiếm, nhưng pháp luân được chuyển trong thời kỳ này vẫn còn có cái trên nữa, vẫn còn chịu đựng đả phá, vẫn là nghĩa lý chưa hoàn hảo, vẫn là nơi đặt chân của sự tranh luận. Còn nay, trong thời kỳ thứ ba, đức Thế tôn khắp vì các vị xu hướng Nhất thế thừa, căn cứ đạo lý "do ba vô tánh nên các pháp toàn không, không sinh không diệt, bản lai vắng bặt, tự tánh niết bàn", dùng sự minh bạchchuyển pháp luân, càng rất lạ nhất, càng rất hiếm nhất, và pháp luân được chuyển hiện nay không còn có cái gì trên nữa, không còn chịu đựng sự đả phá nào nữa, nghĩa lý đích thực hoàn hảo, không còn là nơi đặt chân của sự tranh luận.”1

 

Theo đại sư Khuy Cơđại sư Viên Trắc2 , Tâm kinh hiển thị cho phương tiện của sự Chuyển pháp luân thứ hai, nó giải thích vì sao Tâm kinh nhấn mạnh đến tánh Không (空) và sự không hiện hữu (無). Theo lý thuyết về Ba chuyển pháp luân trong kinh Giải thâm mật và những kinh khác, sự nhấn mạnh ấy là sự đáp trả về sự thật căn bản của hiện hữu (有) được khẳng định trong sự Chuyển pháp luân thứ nhất. Đại sư Khuy Cơđại sư Viên Trắc đều liên kết sự Chuyển pháp luân thứ hai với giáo lý Trung đạo, nhưng qua cách thức khác nhau. Sự Chuyển pháp luân thứ hai, mà có thể khích lệ quan điểm đối kháng của sự đoạn diệt, cũng cần được thay thế bởi sự Chuyển pháp luân thứ ba, mà đại diệntư tưởng Duy thức, để minh giải tường tận mọi mặt từ sự tướng đến lý tánh, từ tự thể đến tổng thể, giữa tồn tạikhông tồn tại. Đại sư Khuy Cơđại sư Viên Trắc đều trích dẫn kệ tụng trong luận Biện trung biên để giải thích quan điểm Duy thức:

 

Phân biệt hư vọng
Ở đây hai đều không
Trong đây chỉ có không
Ở kia cũng có đây.
Nên nói tất cả pháp
Chẳng không, chẳng bất không
Vì có, không, và có
Chính khế hợp Trung đạo.

____________ 

1 Kinh Giải thâm mật, phẩm Vô tự tánh, H.T Thích Trí Quang dịch. 2 Đại sư Khuy Cơđại sư Viên Trắc là anh em đồng môn, đệ tử của ngài Huyền Trang, cả hai sóng đôi mà khá mâu thuẩn trong nhiều tư tưởng Duy thức.  

Đại sư Viên Trắc bày tỏ sự dung hòa trong mối tương quan giữa Trung đạoDuy thức, ngang qua sự tranh luận giữa Thanh BiệnHộ Pháp. Theo Viên Trắc, hai vị Bồ-tát ấy thiết lập hai tôn chỉ không và hữu, thấy như trái nghịch nhau, nhưng cùng thuận theo Phật ý: “Bồ-tát Thanh Biện thì chấp ‘không’, bài bác ‘hữu’, để trừ chấp hữu. Bồ-tát Hộ Pháp thiết lập hữu, bài bác ‘không’, để trừ chấp không. Thế thì, các pháp tự thành, vì ‘không’ chẳng trái lý ‘hữu tức không’, vì ‘phi vô’ chẳng trái thuyết ‘không tức sắc’; ‘cũng không cũng hữu’ thì thuận thành nhị đế; ‘phi không phi hữu’ thì khế hội Trung đạo.” 3

 

Trong Tâm kinh u tán, Đại sư Khuy Cơ dùng học thuyết Duy thức để giải thích ‘hữu – không’:

 

Đứng về mặt học thuyết [Duy thức] mà nói, ‘Không’ là ba vô tánh: (1) Kế sở chấp tánh: Bản thể chẳng có, tướng vô tự tánh, vì vậy gọi là Không; (2) Y tha khởi tánh: sắc như chùm bọt nổi, thọ như bong bong nước, tưởng giống như quáng nắng, hành như thân cây chuối, thức là pháp huyễn hóa, không như cái được chấp, không có tánh tự nhiên sanh, cho nên cũng gọi là Không. (3) Viên thành thật tánh: nhờ quán ‘sở chấp’ là không vô, mới chứng [thật tánh của Không], cho nên gọi là ‘chân tánh không như sở chấp kia’. Thắng nghĩa vô tánh cũng được gọi là Không. Dựa theo sự thật, ba tự tánh là chẳng phải ‘Không’, chẳng phải ‘bất Không’. Vì để đối phá sự chấp ‘có’ mà ngầm nói là Không, chẳng phải hai tánh sau đều ‘không có’ mà gọi là Không. Nói ‘Tất cả đều Không’, là mật ý của Phật. Đối với ‘có và không’, nói chung là Không. Như đức Thế Tôn dạy:

 

Vô tự tánh: tướng, sanh, thắng nghĩa
Như vậy Ta đều đã nói rõ
Nếu không biết mật ý của Phật
Mất chánh đạo, không đi đến đâu.”

 

Có thể nhận thấy dễ dàng là, đại sư Khuy Cơ luôn cung cấp cho người đọc hai quan điểm của hai trường phái: Trung quánDuy thức, và đặt chúng trong bối cảnh tranh luận, chứ không phải như những giải thích trái ngược.
________________________
3 Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh tán, No. 1711, tr. 544a20.

 

Trong lời mở đầu, đại sư Khuy Cơ đã giải thích mục đích của Tâm kinh đầy triết lý và thiết tha. Giáo lý của Phật đà thích ứng mọi căn cơ, và Tâm kinh chủ yếu là khích lệ sự thực hành giáo lý ấy. Nếu Bồ-tát Quán Tự Tạithể đạt được những gì cần đạt được, dù phải trải năm giai vị, qua ba vô số kiếp, thì chúng ta cũng không nên sanh tâm thoái lui: “Bồ-tát Quán Tự Tại kia, khi xưa mới phát ý, có đủ các phiền não, ở trong cái vỏ bọc vô minhkiến lập tâm thù thắng, xả thân mạng tài sản, cầu trí tuệ Phật, khởi tâm đại dũng mãnh mà thành Đẳng Giác. Ta cũng nên như vậy để khích lệ chính mình tu hành tăng tiến, không nên tự khinh mà sanh tâm thoái lui, khuất phục.” Bồ-tát Quán Tự Tạitôn giả Xá-lợi tử là những hành giả đích thật để chúng ta noi theo trên hành trình ‘đến bờ bến kia’, và hành trình ấy phải có có đủ bảy thứ tối thắng: 1. An trú chủng tánh Bồ-tát; 2. Y chỉ tâm đại Bồ-đề; 3. Bi mẫn tất cả hữu tình; 4. Hành đủ tất cả sự nghiệp; 5. Nhiếp thọ bởi trí vô tướng; 6. Hồi hướng Vô thượng Bồ-đề; 7. Không bị hai chướng xen tạp.

 

Sự tu hành được nhấn mạnh trong Tâm kinh u tán. Ngay câu đầu tiên của Tâm kinh, ‘hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời’, đại sư Khuy Cơ tập trung vào một thuật ngữ mà các nhà chú giải khác thường bỏ qua, đó là chữ ‘hành’. Văn bản U tán trải dài trên các trang 523b13 đến 542c11, tập 33, của Đại chánh tạng. Sự giải thích cho chữ ‘hành’ bắt đầu từ trang 524c14 cho đến trang 535b09. Đại sư Khuy Cơ dành hơn nửa văn bản, 11 trang trên tổng số 19 trang, để trình bày chi tiết về sự tu hành, bao gồm các chủ đề: ba sự luyện mài tâm chí; năm giai vị để ngộ nhập Duy thức; sự lược tu hành qua cảnh, hành, quả; sự quảng tu hành qua xứ được học, pháp được học và biết tu học; sự thực hành sáu ba-la-mật; mười ba Bồtát trú. Các chủ đề này chánh yếu là trích dẫn từ Bồ-tát địa của luận Du-già sư địa, và các kinh luận khác như kinh Đại Bát-nhã, kinh Thập địa, kinh Giải thâm mật, kinh Hậu nghiêm, luận Thành duy thức, luận Biện trung biên, luận Nhiếp đại thừa, luận Đại trí độ. Những trích dẫn trong luận Du-già sư địa đều khái lược, nhiều chỗ tối giản, cho nên khi chuyển dịch, chúng được đối chiếu với luận bản để mở rộng sao cho rõ nghĩa.4 Đại sư Khuy Cơ muốn nhắc nhở chúng ta rằng, tuệ giác về tánh Không của Bồ-tát Quán Tự Tại có được là từ sự thực hành và ngay khi thực hành Bồ-tát đia. Để chỉ ra điều này, đại sư Khuy Cơ đã tổng hợp sơ lược nhưng toàn diện về các giai đoạn tu tập được nói trong luận Du-già sư địa. Rõ ràng, để có được tuệ giác ‘chiếu kiến ngũ uẩn giai Không’ là không dễ dàng.

 ____________
4 Những đoạn kinh văn trích dẫn khác, như từ kinh Đại Bát-nhã, thường rất chính xác

Trong câu ‘chiếu kiến ngũ uẩn đẳng giai Không’ và ‘thọ, tưởng, hành, thức, đẳng diệc phục như thị’, đại sư Khuy Cơ dường như cố ý đưa vào và mặc nhiên thừa nhận chữ ‘đẳng’5 , vốn không có trong nguyên bản Tâm kinh. Trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh tán, đại sư Viên Trắc cũng thừa nhận chữ ‘đẳng’ này, nói thêm rằng, có một văn bản khác ngoài bản Tâm kinh do Huyền Trang dịch: “Hoặc có bản chép ‘chiếu kiến ngũ uẩn đẳng giai không’. Tuy có hai bản, nhưng bản sau là chính xác. Đối chiếu, tra xét thì Phạn bản có chữ ‘đẳng’. Thế nên, bản sau có nói chữ ‘đẳng’ là căn cứ theo đây.” “Thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị: Đây là phần thứ hai giải thích bốn uẩn, chúng đều có bốn câu. Nên biết, bốn câu tương tức thì căn cứ theo trên. Lại hiểu kinh này tự có hai bản: một bản thì như trên; và một bản kinh chép rằng, ‘thọ, tưởng, hành, thức đẳng diệc phục như thị’. Nói chữ ‘đẳng’, là căn cứ kinh văn ở bản sau, có sáu thứ thiện xảo: uẩn, xứ, giới, duyên sanh, tứ đế và Bồ-đề Niết-bàn. Nay chỉ nêu bốn uẩn còn lại, năm môn (: thiện xảo) còn lại đều có bốn câu, cho nên nói ‘đẳng’.” “Hoặc có bản chép rằng, ‘viễn ly nhất thiết điên đảo mộng tưởng’6 . Tuy có hai bản, nhưng bản sau thì tốt hơn.” 7 Xem xét các Quảng bản và Lược bản Tâm kinh có trong Đại chánh tạng, thì dễ dàng thấy các bản ấy đều không có thêm hai chữ ‘đẳng’. Phải chăng có một Phạn bản Tâm kinh, chính là bản mà đại sư Khuy Cơ chú giải? Hay đại sư Viên Trắc dựa vào bản dịch có thêm chữ ‘đẳng’ của đại sư Khuy Cơgiải thích như vậy?

 

Bản tiếng Anh của Tâm kinh u tán có tên là A Comprehensive Commentary on the Heart Sutra, được chuyển dịch bởi Heng-ching Shih (釋恆清) và Dan Lusthaus, năm 2001, Numata Center for Buddhist Translation and Research, Berkeley.

 

Tâm kinh, một tác phẩm kinh điển của Phật giáo, một bản kinh được phổ biến nhất trong truyền thống Phật giáo Bắc truyền, chỉ bao gồm trong 260 từ của bản dịch chữ Hán, nhưng lại chứa đựng tinh túy của kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mậtđa, thậm chí là toàn bộ giáo lý của Đại thừa. Tâm kinh được chuyển dịch sang các ngôn ngữ khác nhau từ khi nó xuất hiện, và có hàng trăm bình luận, chú sớ, diễn giải Tâm kinh, dựa trên các hệ thống giáo lý Phật giáo khác nhau. Ngang qua tư tưởng Duy thức, xuyên suốt tác phẩm Tâm kinh u tán, đại sư Khuy Cơ đã trích dẫn rất nhiều văn bản để chú giải ý nghĩa của từng đoạn văn và thuật ngữ cụ thể. Để hiểu tường tận phần chú giải, đòi hỏi người đọc phải tìm hiểu thêm những văn bản liên quan như: Du-già sư địa luận, Duy thức nhị thập luận, Biện trung biên luận, Phật địa kinh luận.
________________

 5 Theo đại sư Khuy Cơđại sư Viên Trắc, có sáu thiện xảo về uẩn, xứ, giới, duyên khởi, tứ đế và Bồ-đề Niết-bàn. Chữ ‘đẳng’ chỉ cho ‘xứ, giới, duyên khởi, tứ đế và Bồ-đề Niết-bàn’. Theo luận Hiển dương Thánh giáo, có bảy thiện xảo về uẩn, xứ, giới, duyên khởi, xứ phi xứ, căn và đế. Theo luận Biện trung biên, có mười thiện xảo: uẩn, xứ, giới, duyên khởi và xứ phi xứ, căn, đế, thế, thừa, hữu vivô vi. Tất cả đối tượng của những thiện xảo trên đều là các pháp sở tri, và đều là Không. 6 Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật đại minh chú kinh, No. 250, Cưu-ma-la-thập dịch, tr. 847c22: “Ly nhất thiết điên đảo khổ não, cứu cánh Niết-bàn”. Phạn bản Tâm kinh này có thể là ‘văn bản cũ hơn’ mà đại sư Viên Trắc đề cập. 7 Bát-nhã ba-la-mật-đa-Tâm kinh tán, No. 1711, tr. 544c12, 546a12 và 548c12.

Sáu độ muôn hạnh tương ứng với diệu tuệ, có khả năng thành tựu thực tướng Bát-nhã, là quyến thuộc của tuệ tánh quán chiếu Bát-nhã, được đại sư Khuy Cơ giải thích chi tiết qua văn tự Bát-nhã, để chỉ rõ lý u tịch của Không, siêu việt sanh diệt tăng giảm; cảnh thâm sâu của trí, viễn ly ngôn ngữ tâm hành, như nước trong trăng hiện, như trống trời tự kêu. Tứ cú đã dứt, bách phi đã trừ, chân tục không hai, các pháp thường tự vắng lặng, Bồ-tát đi đường đi của Phật đà, yếu chỉ diệu huyền của Bát-nhã đều được hiển thị trong Tâm kinh u tán vậy.

 

3/12/2019

Quảng Minh kính ghi

Xem tiếp nội dung kinh: bản PDF: 177 trang

pdf_download_2
Bat-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh u tán



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.