Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh - Quyển 9

09/11/201012:00 SA(Xem: 64881)
Đại Phương Quảng Hoa Nghiêm Kinh - Quyển 9

Lời nói đầu

Phẩm “Công Đức của Bồ-tát sơ phát tâm” này được trích từ Kinh Hoa Nghiêm bộ 60 quyển, còn phần giảng giải thì được trích từ quyển Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký của ngài Hiền Thủ.

Trong quá trình dịch thuật từ Hán sang Việt, chúng tôi rất cố gắng để bản dịch được tương đối nhất, nhưng nhất định không tránh được thiếu sót. Những câu dịch nào, bản thân chúng tôi thấy nghi ngại trong quá trình dịch thuật cũng như chưa hiểu được ý nghĩa của nó, chúng tôi đều có ghi chú văn Hán của bản gốc, hy vọng ai có nhân duyên đọc qua, góp được ý nào cho thì xin giúp giùm. Địa chỉ email : chanhientam@yahoo.com.vn (Dạ phải có chữ vn thì chúng tôi mới nhận được thư)

Xin chân thành cám ơn rất nhiều. Chân Hiền Tâm

ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG HOA NGHIÊM KINH
Quyển 9

Phẩm XIII:
CÔNG ĐỨC CỦA BỒ-TÁT SƠ PHÁT TÂM


Lúc đó, Thiên Đế Thích bạch với Bồ-tát Pháp Tuệ rằng: “Thưa Phật tử! Bồ-tát sơ phát tâm phải thành tựu bao nhiêu công đức tạng?”.

Pháp Tuệ đáp rằng: “Thưa Phật tử! Chỗ này thậm thâm, khó biết, khó tin, khó hiểu, khó nói, khó thông, khó phân biệt. Tuy nhiên tôi sẽ nương vào thần lực của Phật diễn nói đầy đủ. Thưa Phật tử! Giả như có người cúng dường tất cả vật dụng ưa thích cho chúng sinh trong a-tăng-kỳ thế giới ở phương đông đến một kiếp. Sau đó, dạy họ tịnh tu Ngũ giới. Với phương tây, phương bắc, phương nam, phương trên, phương dưới và bốn phương góc cũng đều như thế. Thưa Phật tử ! Ý Phật tử thế nào? Công đức người kia có nhiều chăng?”

Đế Thích đáp: “Thưa Phật tử! Trừ chư Như Lai, còn lại tất cả đều không thể lường được công đức của người ấy”.

Bồ-tát Pháp Tuệ nói với Đế Thích rằng: “Thưa Phật tử! Công đức tạng của Bồ-tát sơ phát tâm, trăm phần công đức của người kia chẳng bằng một. Ngàn phần, trăm ngàn phần, ức phần, trăm ức phần, ngàn ức phần, trăm ngàn ức phần, trăm na-do-tha phần, ngàn na-do-tha phần, trăm ngàn na-do-tha phần, ức na-do-tha phần, trăm ức na-do-tha phần, ngàn ức na-do-tha phần, trăm ngàn ức na-do-tha phần cho đến phần công đức không thể tính, không thể thí dụ, không thể nói của người đó cũng chẳng bằng một.

“Thưa Phật tử! Lại có thí dụ như vầy : Giả như có người cúng dường tất cả vật dụng ưa thích cho chúng sinh trong mười a-tăng-kỳ thế giớimười phương đến trăm kiếp. Sau đó, dạy họ tịnh tu Thập thiện. Dạy tu Thập thiện rồi, lại cúng dường tất cả vật dụng ưa thích đến ngàn kiếp. Sau đó dạy họ tịnh tu Tứ thiền. Dạy Tứ thiền rồi, lại cúng dường tất cả vật dụng ưa thích đến trăm ngàn kiếp. Sau đó dạy họ hành Tứ vô lượng tâm. Lại cúng dường tất cả vật dụng ưa thích đến ức kiếp. Sau đó dạy họ hành Tứ vô sắc định. Lại cúng dường tất cả vật dụng ưa thích đến trăm ngàn kiếp. Sau đó dạy khiến họ được quả Tu-đà-hoàn. Lại cúng dường tất cả vật dụng ưa thích đến ngàn ức kiếp. Sau đó dạy khiến họ được quả Tư-đà-hàm. Lại cúng dường tất cả vật dụng ưa thích đến trăm ngàn ức kiếp. Sau đó dạy khiến họ được quả A-na-hàm. Lại cúng dường tất cả vật dụng ưa thích đến ức na-do-tha kiếp. Sau đó dạy khiến họ được quả A-la-hán. Lại cúng dường tất cả vật dụng ưa thích đến ngàn ức na-do-tha kiếp. Sau đó dạy họ thành hết Duyên giác. Thưa Phật tử! Ý Phật tử thế nào? Công đức của người đó có nhiều chăng?”

Đế Thích đáp rằng: “Thưa Phật tử ! Công đức của người đó, chỉ trừ chư Phật, còn lại tất cả đều không thể biết”.

Pháp Tuệ nói: “Thưa Phật tử! Tạng công đức của Bồ tát sơ phát tâm, trăm phần, ngàn phần, cho đến phần công đức không thể tính, không thể thí dụ, không thể nói của người đó cũng chẳng bằng một. Vì sao? Thưa Phật tử! Vì thời sơ phát tâm của chư Phật, không vì cúng dường tất cả vật dụng ưa thích cho chúng sinh trong mười a-tăng-kỳ thế giới thuộc mười phương, trong trăm kiếp cho đến ngàn ức na-do-tha kiếp mà xuất hiện ở đời ; Cũng không vì dạy chúng sinh tịnh tu Ngũ giới, Thập thiện, Tứ thiền, Tứ vô lượng tâm, Tứ vô sắc định, quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, đạo Bích-chi-phật mà xuất hiện ở đời. Thưa Phật tử! Vì muốn Phật chủng không đoạn nên phát tâm bồ-đề. Vì muốn đầy khắp tất cả mười phương giới nên phát tâm bồ-đề. Vì muốn độ thoát tất cả chúng sinh nên phát tâm bồ-đề. Vì muốn biết hết tất cả thành hoại của thế giới nên phát tâm bồ-đề. Vì muốn biết hết sự sinh khởi tịnh nhiễm của chúng sinh trong tất cả thế giới nên phát tâm bồ-đề. Vì muốn biết tự tánh thanh tịnh của tất cả thế giới nên phát tâm bồ-đề. Vì muốn biết phiền não tập khí hư vọng của tất cả quần sinh nên phát tâm bồ-đề. Vì muốn biết hết tất cả chúng sinh chết đây sinh kia nên phát tâm bồ-đề. Vì muốn biết các căn phương tiện của tất cả chúng sinh nên phát tâm bồ-đề. Vì muốn biết hết tâm tâm sở niệm của tất cả chúng sinh nên phát tâm bồ-đề. Vì muốn phân biệt hết tất cả chúng sinh trong ba đời nên phát tâm bồ-đề. Vì muốn biết hết cảnh giới bình đẳng của tất cả chư Phật nên phát tâm bồ-đề”.

“Thưa Phật tử! Lại có thí dụ như vầy : Giả như có người, trong khoảng một niệm, có thể qua khỏi vô lượng thế giới ở phương đông. Người ấy dùng thần lực tự tại đó, từ phương đông này đi hết vô lượng a-tăng-kỳ kiếp, vẫn không đến được biên tế của thế giới. Lại, thần lực tự tại của người thứ hai, trong khoảng một niệm, có thể đi hơn người trước vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp các thế giới người kia đã đi. Người thứ hai này, từ phương đông đi hết vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp vẫn không đến được biên tế của thế giới. Lại, thần lực của người thứ ba, trong khoảng một niệm, có thể đi hơn người thứ hai vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp thế giới người thứ hai đã đi. Lại, thần lực của người thứ tư, trong khoảng một niệm, có thể đi hơn người thứ ba vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp thế giới người thứ ba đã đi. Lại, thần lực của người thứ năm, trong khoảng một niệm, có thể đi hơn người thứ tư vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp thế giới người thứ tư đã đi. Lại, thần lực của người thứ sáu, trong khoảng một niệm, có thể đi hơn người thứ năm vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp thế giới người thứ năm đã đi. Lại, thần lực của người thứ bảy, trong khoảng một niệm, có thể đi hơn người thứ sáu vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp thế giới người thứ sáu đã đi. Lại, thần lực của người thứ tám, trong khoảng một niệm, có thể đi hơn người thứ bảy vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp thế giới người thứ bảy đã đi. Lại, thần lực của người thứ chín, trong khoảng một niệm, có thể đi hơn người thứ tám vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp thế giới người thứ tám đã đi. Lại, thần lực của người thứ mười, trong khoảng một niệm, có thể đi hơn người thứ chín vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp thế giới người thứ chín đã đi. Người thứ mười đó, dùng thần lực tự tại tối thắng này, từ phương đông đi hết vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp, vẫn chẳng đến được biên tế của thế giới. Mười phương thế giới cũng lại như thế. Cứ lần lượt vậy cho đến người thứ một trăm. Người ấy cũng dùng thần lực tự tại tối thắng, trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp đến khắp mười phương, còn có thể liễu tri được biên tế của thế giới, nhưng với tạng công đức của Bồ-tát sơ phát tâm thì không thể biết. Vì sao? Vì tạng công đức của Bồ-tát sơ phát tâm không vì giới hạn trong thế giới chúng sinh này mà phát tâm bồ-đề. Đều vì tất cả thế giới chúng sinh ở mươi phương, vì muốn độ tất cả chúng sinh, vì muốn phân biệt biết tất cả thế giớiphát tâm bồ-đề. Vì muốn biết thế giới vi tế tức là đại thế giới, biết đại thế giới tức là thế giới vi tế, biết ít thế giới tức là nhiều thế giới, biết nhiều thế giới tức là ít thế giới, biết thế giới rộng tức là thế giới hẹp, biết thế giới hẹp tức là thế giới rộng, biết một thế giới tức là vô lượng vô biên thế giới, biết vô lượng vô biên thế giới tức là một thế giới, biết vô lượng vô biên thế giới nhập một thế giới, biết một thế giới nhập vô lượng vô biên thế giới, biết uế thế giới tức là tịnh thế giới, biết tịnh thế giới tức là uế thế giới, ở trong một lỗ lông đều phân biệt biết tất cả thế giới, ở trong tất cả thế giới đều phân biệt biết tánh một lỗ lông, biết tất cả thế giới xuất sinh tất cả thế giới, biết tất cả thế giới giống như hư không, vì muốn trong một niệm biết hết tất cả thế giới đều không sót mà phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ-đề”.

“Thưa Phật tử! Lại có thí dụ như vầy: Giả như có người đối với vô lượng vô biên a-tăng-kỳ thế giới ở phương đông, trong khoảng một niệm, đều phân biệt biết số thành bại. Người này phương tiện tinh cần, niệm niệm thứ lớp trong vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp, muốn tính biết hết số thế giới thành bại ở phương đông, vẫn không thể biết. Lại, người thứ hai, đối với số thế giới thành bại trong vô lượng vô số a-tăng-kỳ kiếp của người thứ nhất, trong khoảng một niệm đã có thể biết rõ. Người này phương tiện tinh cần, niệm niệm thứ lớp trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, vẫn chưa biết hết số thế giới thành bại ở phương đông. Cứ như thế lần lượt cho đến người thứ mười. Người thứ mười đó, đối với số thế giới thành bại trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp của người thứ chín, trong khoảng một niệm, đã có thể biết rõ. Người này phương tiện tinh cần, niệm niệm thứ lớp trong vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, vẫn chưa thể biết hết số thế giới thành bại ở phương đông, cho đến mười phương cũng lại như thế. Song số thành bại của vô lượng vô biên thế giớimười phương còn có thể biết, tạng công đức của Bồ-tát sơ phát tâm, không thể biết được. Vì sao? Vì công đức của đại Bồ-tát sơ phát tâm không vì giới hạn trong việc muốn biết kiếp số thành bại của thế giới này mà phát tâm bồ-đề. Đại Bồ-tát vì muốn biết hết kiếp số thành bại của tất cả thế giới nên phát tâm bồ-đề. Vì muốn biết trường kiếp tức là đoản kiếp, đoản kiếp tức là trường kiếp ; Biết một kiếp tức là bất khả số a-tăng-kì kiếp, bất khả số a-tăng-kì kiếp tức là một kiếp ; Biết tất cả kiếp có Phật, biết tất cả kiếp không Phật ; Biết trong một Phật kiếp có vô lượng Phật, biết trong vô lượng Phật kiếp có một Phật ; Biết trong dị kiếp có vô dị kiếp, biết trong vô dị kiếp có dị kiếp ; Biết hữu tận kiếp là vô tận kiếp, biết vô tận kiếp là hữu tận kiếp ; Biết vô lượng kiếp tức là nhất niệm, biết nhất niệm tức là vô lượng kiếp ; Biết tất cả kiếp nhập vào không kiếp, biết không kiếp nhập vào tất cả kiếp ; Vì muốn biết hết biên tế của quá khứ, vị lai cùng với kiếp số thành bại của tất cả thế giới trong hiện tại, nên phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ-đề. Đây gọi là sơ đại thệ nguyện trang nghiêm của Bồ-tát. Đó là trí tuệ chiếu minh đều biết tất cả kiếp”.

“Thưa Phật tử! Lại có thí dụ như vầy : Giả như có người, trong khoảng một niệm, đều biết mọi thứ dục lạc của chúng sinh trong vô lượng vô số a-tăng-kì thế giới. Người này phương tiện tinh cần niệm niệm thứ lớp trong vô lượng vô số a-tăng-kì kiếp, chẳng thể biết hết mọi thứ dục lạc của chúng sinh trong các thế giới ở phương đông. Như vậy lần lượt cho đến người thứ mười. Người thứ mười này, đối với phương tiện tinh cần biết mọi thứ dục lạc của chúng sinh trong vô lượng vô số a-tăng-kì kiếp của người thứ chín, trong khoảng một niệm, thảy đều biết rõ. Người thứ mười đó, phương tiện tinh cần như thế, niệm niệm thứ lớp trong vô lượng vô số a-tăng-kì kiếp, vẫn chẳng thể biết hết mọi thứ dục lạc của chúng sinh trong tất cả thế giới ở phương đông. Cho đến mười phương cũng lại như vậy. Đối với mọi thứ dục lạc của chúng sinh trong vô lượng vô biên a-tăng-kì thế giớimười phương còn có thể biết hết, nhưng tạng công đức của Bồ-tát sơ phát tâm không thể biết được. Vì sao? Thưa Phật tử! Vì công đức của đại Bồ-tát sơ phát tâm không vì giới hạn trong việc muốn biết mọi thứ dục lạc trong thế giới chúng sinh này mà phát tâm bồ-đề. Vì muốn biết hết mọi thứ dục lạc trong tất cả thế giới chúng sinhmười phươngphát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ-đề. Vì muốn biết vô lượng mọi thứ dục lạc tức là một dục lạc mà cũng không hoại tất cả dục tánh ; Muốn biết hết tất cả dục lạc hải của chúng sinh ; Muốn biết dục lạc của một chúng sinh tức là dục lạc của tất cả chúng sinh ; Muốn biết hết mọi thứ dục lạcquá khứ, hiện tạivị lai của tất cả chúng sinh ; Muốn biết hết dục tương tợ và dục không tương tợ ; Muốn biết tất cả dục tức là một dục, một dục tức là tất cả dục ; Muốn được đầy đủ lực của mọi dục lạcNhư Lai có ; Muốn biết hữu thượng dục, vô thượng dục ; Hữu dư dục, vô dư dục ; Đẳng dục, bất đẳng dục ; Hữu sở y dục, vô sở y dục ; Cộng dục, bất cộng dục ; Hữu biên dục, vô biên dục ; Thiện dục, bất thiện dục ; Thế gian dục, xuất thế gian dục ; Đại trí dục ; Tịnh dục ; Thắng dục ; Vô ngại trí dục ; Vô ngại trí Phật giải thoát dục ; Thanh tịnh dục, không thanh tịnh dục ; Dục rộng, dục hẹp ; Tế dục, thô dục mà phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ-đề. Vì muốn biết hết tất cả chúng sinh mỗi một chúng sinh có 10 loại dục là : Nhân khổ sinh dục, phương tiện dục, hy vọng dục, trước vị dục, tùy nhân sinh dục, tùy duyên sinh dục, tận dục, nhất thiết dục. Đại bồ-tát sơ phát tâm vì muốn phân biệt rõ biết hết lưới dục này, nên phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ-đề”.

“Thưa Phật tử ! Lại có thí dụ như vầy: Giả như có người, trong khoảng một niệm đều biết mọi thứ căn dục của chúng sinh trong vô lượng vô biên a-tăng-kì thế giới, rồi dùng phương tiện trí tuệ tinh cần đó, niệm niệm thứ lớp trong vô lượng vô số a-tăng-kì kiếp, chẳng thể biết hết mọi thứ căn của chúng sinh trong tất cả thế giới ở phương đông. Nói rộng cho đến … đều biết tất cả chúng sinh, mỗi chúng sinh đều có 10 loại căn”.

“Thưa Phật tử! Lại có thí dụ như vầy: Giả như có người, trong khoảng một niệm đều biết mọi thứ hy vọng của chúng sinh trong vô lượng vô biên a-tăng-kì thế giới ở phương đông. Nói rộng cho đến … đều biết tất cả chúng sinh, mỗi chúng sinh đều có 10 loại hy vọng”.

“Thưa Phật tử! Lại có thí dụ như vầy: Giả như có người, trong khoảng một niệm đều biết mọi thứ phương tiện của chúng sinh trong vô lượng vô biên a-tăng-kì thế giới. Nói rộng cho đến … đều biết tất cả chúng sinh. Mỗi chúng sinh đều có 10 loại phương tiện”.

“Thưa Phật tử! Lại có thí dụ như vầy: Giả như có người, trong khoảng một niệm đều biết niệm niệm tâm ý của chúng sinh trong vô lượng vô biên a-tăng-kì thế giới. Nói rộng cho đến … đều biết tất cả chúng sinh, mỗi chúng sinh đều có 10 loại tâm”.

“Thưa Phật tử! Lại có thí dụ như vầy: Giả như có người, trong khoảng một niệm đều biết mọi thứ nghiệp của chúng sinh trong vô lượng vô biên a-tăng-kì thế giới. Nói rộng cho đến … đều biết tất cả chúng sinh, mỗi chúng sinh đều có 10 loại nghiệp”.

“Thưa Phật tử! Lại có thí dụ như vầy: Giả như có người, trong khoảng một niệm đều biết mọi thứ phiền não của chúng sinh trong vô lượng vô biên a-tăng-kì thế giới ở phương đông. Người này tinh cần phương tiện, niệm niệm thứ lớp trong vô lượng vô số a-tăng-kì kiếp còn chẳng thể biết mọi thứ phiền não của tất cả chúng sinh ở phương đông. Lần lượt như vậy cho đến người thứ mười. Người thứ mười này, đối với chỗ biết của người thứ chín về mọi thứ phiền não của chúng sinh trong vô lượng vô số a-tăng-kì kiếp, trong khoảng một niệm đều phân biệt biết. Người này tinh cần phương tiện, niệm niệm thứ lớp trong vô lượng vô số a-tăng-kì kiếp, còn chẳng thể biết hết mọi thứ phiền não của tất cả chúng sinh, cho đến mười phương cũng lại như thế. Mọi thứ phiền não của tất cả chúng sinh thuộc thế giới của ông còn có thể biết được, tạng công đức của Bồ-tát sơ phát tâm không thể biết được. Vì sao? Thưa Phật tử! Vì công đức của Bồ-tát sơ phát tâm không vì giới hạn trong việc muốn biết mọi thứ phiền não của chúng sinh trong thế giới này mà phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ-đề. Vì muốn phân biệt biết hết mọi thứ phiền não của tất cả chúng sinhphát tâm bồ-đề. Đó là muốn biết phiền não nhẹ, phiền não nặng, phiền não kiết sử, phiền não triền, vô lượng phiền não của tất cả chúng sinh, mọi thứ giác quán phiền não của tất cả chúng sinh, y nơi vô minh phiền não, ái tương ưng phiền não, tham dục bất thiện căn phiền não, sân nhuế bất thiện căn phiền não, ngu si bất thiện căn phiền não, đẳng phần phiền não, tất cả phiền não, căn bản phiền não, ngã ngã sở phiền não, ngã mạn phiền não, tà ức niệm hư vọng sinh phiền não, nhân thân kiến sinh sáu mươi hai kiến v.v… các phiền não, cái phiền não, chướng ngại phiền não. Vì muốn biết rõ lưới hoặc phiền não của tất cả chúng sinh, đầy đủ đại từ bi và đại Nhất thiết chủng trí nên phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ-đề”.

“Thưa Phật tử! Lại có thí dụ như vầy : Giả như có người, trong khoảng một niệm đều thấy chư Phật hiện tại cùng với tất cả chúng sinh của họ trong vô lượng vô biên thế giới ở phương đông. Người này đều có thể cung kính, lễ bái, tôn trọng, tán thán, nhất tâm quán sát vô lượng thượng vị của mọi thứ cúng dường, hào cỗ, thức ăn, thức uống, hương hoa, anh lạc, tơ lụa, cờ lọng, cung điện thượng diệu nghiêm sức bằng màn, trướng, lưới báu và tòa sư tử được nghiêm sức bằng các thứ báu. Người này tinh cần phương tiện, niệm niệm thứ lớp dùng các vật cúng dường vi diệu như thế cúng dường chư Phật trong vô lượng vô số a-tăng-kì kiếp, cũng lại khuyên dạy các chúng sinh của họ dùng các vật cúng dường vi diệu như thế cúng dường chư Phật trong vô lượng vô số a-tăng-kì kiếp. Các Như Lai đó nhập niết bàn rồi, lại cũng vì tất cả chư Như Lai đó mà dùng vô lượng thứ báu xây tháp cúng dường. Tháp đó cao rộng mỗi mỗi đầy khắp vô lượng vô biên thế giới. Lại lấy các báu thượng diệu mà trang nghiêm nó. Trong mỗi một tháp có vô lượng vô số hình tượng Như Lai. Các hình tượng đó, quang minh chiếu khắp vô lượng vô biên thế giới của chư Phật. Cũng lại khuyên tất cả chúng sinh của họ, vì chư Như Lai mà xây các tháp báu nghiêm hảo như trên. Mười phương thế giới cũng lại như thế. Thưa Phật tử! Ý ông thế nào? Công đức của người đó có nhiều chăng?”

Đế Thích đáp rằng : “Công đức của người đó chỉ có Phật mới biết, còn lại đều không thể biết”.

Pháp Tuệ đáp rằng : “Thưa Phật tử! Tạng công đức của Đại Bồ-tát sơ phát tâm, trăm phần, ngàn phần cho đến phần công đức không thể tính, không thể thí dụ, không thể nói của người đó chẳng bằng một”.

“Thưa Phật tử! Giả như có người, đối với người thứ nhất và phương tiện khuyên chúng sinh tinh cần của người ấy, niệm niệm thứ lớp trong vô lượng vô số a tăng kì kiếp, công đức được tạo ra từ việc cúng dường vật dụng trong khoảng một niệm đều có thể nói. Người này tinh cần phương tiện như thế, niệm niệm thứ lớp, trong vô lượng vô số a tăng kỳ kiếp, công đức cúng dường nói rộng như trên, lần lượt như thế cho đến người thứ mười, nói rộng cũng như trên, thì tạng công đức của Đại Bồ-tát sơ phát tâm, trăm phần, ngàn phần, cho đến phần công đức không thể tính, không thể thí dụ, không thể nói của người đó cũng chẳng bằng một. Vì sao? Thưa Phật tử! Vì công đức của Bồ-tát đó không vì giới hạn trong việc cúng dường Như Lai đó mà phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ-đề. Vì muốn cúng dường ba đời chư Phật ở mười phương thế giới như pháp giới, hư không giới v.v… mà phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ-đề”.

“Phát tâm này rồi, biết được Vô chướng ngại trí của chư Phật hết thời quá khứ, tin được công đức của chư Phật hết thời vị lai, biết được trí tuệ mà tất cả chư Phật đã nói hết thời hiện tại. Tất cả công đức của ba đời chư Phật đó, Đại Bồ-tát này đều tin hướng, thọ trì, tu tập, đắc chứng, thân chứng, đều đồng với tất cả công đức của chư Phật. Vì sao? Vì Đại Bồ-tát sơ phát tâm muốn không đoạn tánh của tất cả chư Phật nên phát tâm bồ-đề, vì muốn khiến tâm từ bi đầy khắp tất cả thế giới chúng sinh đều không sót, vì muốn độ thoát tất cả chúng sinh, vì muốn biết tất cả thế giới thành bại, vì muốn biết cấu tịnh khởi của chúng sinh trong tất cả thế giới, vì muốn khiến chúng sinh trong ba cõi đều được thanh tịnh, vì muốn biết tâm niệm và tập phiền não của tất cả chúng sinh, vì muốn biết hết tất cả chúng sinh chết đây sinh kia, vì muốn biết hết các căn phương tiện của tất cả chúng sinh, vì muốn biết hết tâm tâm hạnh của tất cả chúng sinh, vì muốn biết tất cả chúng sinh trong ba đời ; Vì muốn biết hết công đức đầy đủ của ba đời chư Phật, vì muốn biết hết bồ-đề vô thượng của chư Phật, vì muốn biết hết tịnh pháp đầy đủ của ba đời chư Phật, vì muốn biết hết tướng pháp bình đẳng của ba đời chư Phật, vì muốn biết hết trí tuệ vô thượngnhân duyên thanh tịnh của ba đời chư Phật, vì muốn biết hết lực trí tuệ trưởng dưỡng ba đời chư Phật, vì muốn đầy đủ pháp vô úy của ba đời chư Phật, vì muốn trang nghiêm đầy đủ pháp bất cộng, vì muốn được hết pháp giới đẳng đồng vô lượng vô biên trí tuệ bình đẳng của ba đời chư Phật nên phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ-đề. Vì sao? Vì Bồ-tát sơ phát tâm chính là Phật,[1] đều bình đẳng với tam thế Phật, cũng bình đẳng với tam thế Phật cảnh giới, đều bình đẳng với tam thế Phật chánh pháp, được nhất thânvô lượng thân Như Lai cùng với trí tuệ bình đẳng của ba đời chư Phật. Chúng sinh giáo hóa cũng đồng. Đều có thể chấn động tất cả thế giới, đều có thể chiếu khắp tất cả thế giới, đều có thể ngưng dứt các ác đạo khổ của tất cả thế giới, đều có thể nghiêm tịnh tất cả thế giới, ở nơi tất cả thế giới đều thị hiện thành Phật, đều khiến tất cả chúng sinh đều được hoan hỉ, đều khiến tất cả chúng sinh hiểu sâu pháp giới, đều có thể hộ trì chủng tánh của chư Phật, đều được trí tuệ quang minh của chư Phật. Đại Bồ-tát sơ phát tâm này thường chẳêng xa lìa chư Phật, chư Phật pháp, tất cả Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn, pháp mà họ đã hành, pháp thế gian, xuất thế gian, chúng sinh, pháp chúng sinh, chuyên cầu trí tuệ bồ-đề vô ngại.

Lúc ấy, do thần lực của Phật, do nói về lực tạng công đức của Bồ-tát sơ phát tâm, mười phương đều có vạn Phật sát trần số sáu loại chấn động, mưa các thiên hoa, thiên hương, thiên mạt hương, thiên kế, thiên bảo, thiên vật dụng trang nghiêm, tự nhiên diễn xuất lạc thanh vi diệu, âm sư tử cũng rống động, phóng đại quang minh chiếu khắp mười phương.

Lúc ấy, qua khỏi thập Phật sát trần số thế giớimười phươngvạn Phật sát trần số chư Phật đều tên là Pháp Tuệ, thảy đều hiện thân chỉ Bồ-tát Pháp Tuệ mà nói rằng: “Lành thay! Lành thay! Phật tử khéo thuyết tạng công đức của Bồ-tát sơ phát tâm. Chúng ta, vạn Phật sát trần số Như Lai cũng đều diễn thuyết tạng công đức của Bồ-tát phát tâm. Tất cả chư Phật ở mười phương thế giới cũng lại như thế. Này Bồ-tát Pháp Tuệ! Khi thuyết tạng công đức của Bồ-tát phát tâm này thì vạn Phật thế giới trần số chúng sinh đều được tạng công đức của Bồ-tát sơ phát tâm, phát tâm A-nậu-đa-la tam-miệu tam bồ-đề. Chúng ta nay đều thọ ký cho họ, trong đời vị lai, đều ở mười phương đồng thời thành Phật, đồng có hiệu Tịnh Tâm Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác. Chúng ta đều sẽ hộ trì pháp này, đều vì các Bồ-tát vị lai. Như vậy, trong thế giới Sa-bà, Tứ thiên hạ, Diêm-phù-đề, dưới cây bồ-đề, trên điện Diệu Thắng ở đỉnh núi Tu-di đều diễn bày pháp này giáo hóa chúng sinh. Trong ngàn ức na-do-tha, không thể lường, không thể tính, không thể suy nghĩ, không có bờ mé, không thể nói các thế giới như pháp giới, hư không giới v.v… ở mười phương thế giới cũng thuyết pháp này giáo hóa chúng sinh. Người thuyết pháp đó đều có tên là Pháp Tuệ. Vì do thần lực của Phật, do bản nguyện lực của Phật, do hiển thị Phật pháp, do quang minh trí tuệ chiếu khắp, do hiểu đệ nhất nghĩa, do pháp như vậy, do các Bồ-tát hoan hỉ, do tán thán công đức của chư Phật, do đều biết chư Phật bình đẳng, do hiểu pháp giới không hai.

Lúc ấy Bồ-tát Pháp Tuệ quán khắp mười phương, quán khắp tất cả đại chúng, quán hư không giới, quán thành tựu chúng sinh giới, không trái nghiệp báo thanh tịnh như hư không giới, muốn bạt cấu uế cho chúng sinhba cõi, muốn khiến chúng sinh được đại giải thoát, muốn biết chủng chủng các căn v.v… , quán chánh thú niết bàn ba đời, cho đến hiện các công đức thanh tịnh thậm thâm của tự thân, nương uy thần lực của Phật mà nói kệ rằng :

Tâm đại từ đại bi
Đầy khắp mười phương giới
Phân biệt các Phật sát
Phật pháptam thế (1)

Muốn đủ Phật công đức
Bồ-tát pháp tạng hải
Nhiêu ích các chúng sinh
phát bồ đề tâm (2)

Muốn đều phân biệt biết
Hư không cùng pháp giới
Tất cả loại quần sinh
Chư Phật và Phật pháp (3)

Muốn được tất cả Phật
Các đạo chí xứ lực
Thành tựu bất thối chuyển
Nhiêu ích các quần sinh (4)

Trong tất cả chúng sinh
Thường khởi đại từ bi
Viễn ly niệm sân nhuế
Tu tập tâm nhiêu ích (5)

Từ quang chiếu mười phương
Vì chúng làm qui y
Chư Phật đều hộ niệm
Công đức khó nghĩ bàn (6)

Muốn đều phân biệt biết
Tất cả chư Phật sát
Diệu pháp thân Như Lai
Thậm thâm khó nghĩ bàn (7)

Vô lượng công đức tạng
Trí tuệ rất sâu rộng
Nhân là Sơ phát tâm
Chuyên cầu bồ-đề Phật (8)

Muốn đều phân biệt biết
Tất cả loài chúng sinh
Trong mười phương thế giới
Trí tuệ không chướng ngại (9)

Thô tế các thế giới
Hoặc rộng hẹp vô lượng
Trong tất cả biết một
Trong một biết tất cả (10)

Bồ-tát nơi hạnh ấy
Tinh cần chẳng phóng dật
Khổ vui không chán chấp
Vì muốn độ chúng sinh (11)

Tất cả Phật hiện tiền
Thích quán không chán đủ
Đều nhập pháp thậm thâm
Vô lượng công đức hải (12)

Quần sinh ở năm đường
Thương họ như con một
Khiến trừ các cấu uế
Đầy đủ pháp thanh tịnh (13)

Muốn khiến các Phật chủng
Rốt ráo chẳng đoạn tuyệt
Hàng phục tất cả ma
Tìm diệt không bỏ sót (14)

Bình đẳng quán Như Lai
Các pháp tướng ba đời
Pháp vi diệu thậm thâm
Thường tu không phóng dật (15)

Bồ-tát thường ưa quán
Tất cả cảnh giới Phật
Cho nên chư Như Lai
Cam lồ tuệ rưới đỉnh (16)

Tín tâm chẳng thể hoại
Kiên cố như kim cang
Ở chỗ chư Như Lai
Biết ân mà báo ân (17)

Cảnh giớitối thắng
Vô lượng trí tuệ quang
Tự ngộ chẳng do ai
Bồ-tát sơ phát tâm (18)

Đều hay phân biệt biết
Dục chúng sinh năm đường
Mọi thứ các nghiệp báo
Tất cả tâm sở hành (19)

Biết các căn lợi độn
Vô lượng vô số tánh
Tất cả thắng cảnh giới
Bồ-tát sơ phát tâm (20)

Tâm bồ-đề vô lượng
Pháp giới thanh tịnh đồng
Không trước không sở y
Không nhiễm, như hư không (21)

Thành tựu Phật trí tuệ
Tâm ấy không chướng ngại
Biết chắc bờ chân thật
Tịch diệt lìa hư vọng (22)

Liễu đạt tâm chúng sinh
Mà không chúng sinh tưởng
Phương tiện phân biệt pháp
Rốt ráo đến bờ kia (23)

Vô lượng vô số kiếp
Đều hay phân biệt biết
Đi đến các cõi Phật
Hiểu rõ pháp thậm thâm (24)

Nếu hay phân biệt biết
Vô lượng các Phật pháp
Pháp giới tạng thanh tịnh
Biết chắc không nghi hoặc (25)

Hiểu sâu chúng sinh căn
Rốt ráo đến bờ kia
Bình đẳng thấy các pháp
Thì cùng Như Lai đồng (26)

Vô lượng tâm thanh tịnh
Thường ở trước chư Phật
Cung kínhtôn trọng
Cúng dường Nhân sư tử (27)

Thân cận tất cả Phật
Ưa thấy không chán đủ
Thì chư Như Lai đó
Hộ niệm Bồ-tát này (28)

Với các pháp thâm diệu
Phân biệt không chướng ngại
Không trước không sở y
Tâm tịnh như hư không (29)

Người biết Nhân sư tử
Trí tuệ hải sâu rộng
Tịch nhiên vào chánh thọ
Ba đời thấy không ngại (30)

Kiên cố không trở ngại
Tất cả không thể hoại
Chuyên tâm đạo vô thượng
Chưa từng có đoạn tuyệt (31)

Lìa ám hướng minh chánh
Chí học các thiện pháp
Thường thích quán tịch diệt
Đầy đủ tánh chân thật (32)

Đường ngôn ngữ tịch mặc
Bình đẳng thấy không khác
Với pháp chẳng phân biệt
Đó là từ ‘như’ sinh (33)

Đều hay phân biệt biết
Cảnh chư Phật sâu xa
Tịch nhiên nhập chánh thọ
Tam đạt không chướng ngại (34)

Trong mười phương thế giới
Tất cả các cõi Phật
Lực Bồ-tát tự tại
Nhất niệm đều chu khắp (35)

Vô lượng không thể đếm
Phương tiện đều đầy đủ
Đi khắp mười phương giới
Đó gọi chân phật tử (36)

Đầy đủ tâm đại bi
Thanh lương trừ khát ái
Đại từ niệm tất cả
Vô ngại như hư không (37)

Với các loài chúng sinh
Không sinh tưởng chúng sinh
Đều đã lìa hư vọng
Thanh tịnh dạo mười phương (38)

Với các quần sinh ấy
Thường thí, dùng vô úy
Như hạnh chân thật ấy
Đó là đồng Như Lai (39)

Thường thuyết pháp thậm thâm
Thanh tịnh không chấp trước
Cho nên mười phương Phật
Tất cả đều hộ niệm (40)

Thời quá khứ vị lai
Vô lượng vô số kiếp
Thứ lớp đều nhớ nghĩ
Đầy đủ phân biệt biết (41)

Bồ-tát nơi hiện tại
Tất cả mười phương giới
Đều có thể đầy khắp
Tế độ các mầm sinh (42)

Thâm trí chánh quán xét
Hiểu rõ không chướng ngại
Đều biết nhân duyên hợp
Mài diệt không kiên cố (43)

Tất cả loài chúng sinh
Các cõi, kẻ nghi nan
Bồ-tát đều trừ diệt
An trụ trong pháp tánh (44)

Lực vô úy Bồ-tát
Hàng phục tất cả ma
Đều hay vì chúng sinh
Diệt trừ ngu si ám (45)

Thế giới nếu thành bại
Thảy đều phân biệt biết
Nếu hay như vậy quán
Phật cảnh không nghi hoặc (46)

Quán xét pháp ba đời
Lưới nghi hẳn đã trừ
Tất cả chỗ Như Lai
Tịnh tín chẳng thể hoại (47)

Tín lực trụ an ổn
Trí tuệ lực thành tựu
trí tuệ thanh tịnh
Quyết định hiểu chân thật (48)

Tận đến mé vị lai
nhiêu ích chúng sinh
Muốn khiến tất cả chúng
Rốt ráo được giải thoát (49)

Trong sinh tử vô hạn
Tinh cần chẳng chán mệt
Nơi tất cả địa ngục
Thọ khổ vì chúng sinh (50)

Công đức trí tuệ tạng
Đầy đủ đều thành tựu
Đều hay khéo phân biệt
Tất cả chúng sinh căn (51)

Lại hay phân biệt biết
Chúng sinh mọi thứ nghiệp
Tùy nghiệp ấy đối trị
Bồ-tát vì họ thuyết (52)

Dùng tâm đại từ bi
Tùy thuận hạnh thế gian
Đối với tất cả pháp
Thấu đạt không, vô ngã (53)

Trong mỗi thứ âm thanh
Diễn thuyết vô lượng giáo (53.5)

Bồ-tát phóng đại quang
Các thứ sắc vi diệu
Chiếu khắp mười phương giới
Trừ diệt tất cả ám (54)

Mỗi một đầu quang minh
Tòa bảo hoa thanh tịnh
Bồ-tát đều ở trên
Vì chúng diễn thuyết pháp (55)

Ở trong một lỗ lông
Đều thấy mười phương cõi
Cõi ấy diệu trang nghiêm
Chư Phật Bồ-tát hội (56)

Hết thảy chỗ Như Lai
Vô lượng chúng vây quanh
Trí tuệ diệu thanh tịnh
Hiểu rõ tâm chúng sinh (57)

Trong mười phương thế giới
Vô lượng các Phật độ
Bồ-tát, lực thần thông
Nhất niệm đều đến khắp (58)

Cung kính cúng dường Phật
nhiêu ích chúng sinh
Nơi tất cả đạo sư
Hỏi rõ nghĩa thậm thâm (59)

Đều nơi các Thế Tôn
Trước khởi tưởng từ phụ
nhiêu ích chúng sinh
Phân biệt hạnh Bồ-tát (60)

Lợi trí tuệ minh tịnh
Liễu đạt thâm pháp tạng
Xuất sinh vô lượng trí
Phật pháp không chướng ngại (63)

Vô lượng vô số kiếp
Phân biệt nói pháp giới
Kiếp số được rốt ráo
Pháp giới vô cùng tận (62)
Bình đẳng quán các pháp
Tâm người ấy không nhiễm
Không chán sinh tử khổ
Trí tuệ không chướng ngại (63)

Chủng tánh Phật vô thượng
Vương gia tam thế pháp
Tất cả pháp Như Lai
Bồ tát do đây sinh (64)

Diệu pháp thân thanh tịnh
Ứng hiện mọi thứ hình
Giống như đại huyễn sư
Sở thích thảy đều thấy (65)

Hoặc ở làm chúng sinh
Hạnh Bồ-tát rốt ráo
Hoặc lại hiện sơ sinh
Hạnh xuất gia học đạo (66)

Hoặc ở dưới thọ vương
Tự nhiên thành chánh giác
Hoặc ở làm chúng sinh
Thị hiện nhập niết bàn (67)

Hiện trụ thậm thâm diệu
Vô lượng pháp tự tại
Thanh văn Bích Chi Phật
Tất cả không thể lường (68)

Thân khẩu ý Bồ-tát
Tịch diệt không sinh tướng
Ứng khắp tất cả thế
Phương tiện thảy đều hiện (69)

Chân Phật tử như thế
Cảnh giới rất thậm thâm
Chúng sinh nếu nghĩ bàn
Mệ loạn tâm phát cuồng (70)

Tất cả đều đầy đủ
An trụ trí vô ngại
Hiện khắp các Như Lai
Vô lượng lực tự tại (71)

Tạng công đức Bồ-tát
Thế gian không gì bằng
Hà huống Tối thắng tôn
Vô lượng khó nghĩ bàn (72)

Bồ-tát tuy chưa được
Đầy đủ tất cả trí
Vô lượng các pháp môn
Rốt ráo đến bờ kia (73)

Tất cả pháp thắng diệu
Thảy đều đã đầy đủ
Một lòng cầu Bồ đề
Đạo Nhất thừa rốt ráo (74)

Đối với các quần sinh
Khéo biết thời phi thời
Vì muốn lợi ích họ
Thị hiện đại thần lực (75)

Một thân đều đầy khắp
Tất cả các cõi Phật
Diễn xuất tịnh quang minh
Sáng chói không gì bằng (76)

Chiếu khắp mười phương giới
Trừ diệt tất cả tối
Giáng khắp mưa diệu pháp
Như hải đại Long vương (77)

Quán sát tất cả pháp
Hư vọng giống như huyễn
phiền não nghiệp lực
Sinh tử thường luân chuyển (78)

Dùng tâm đại từ bi
Che khắp các quần sinh
Diệu phương tiện thanh tịnh
Độ thoát vô lượng chúng (79)
Lực công đức Bồ-tát
Cùng với các Như Lai
Vô lượng trí tuệ hải
Thanh tịnh như hư không (80)

Vô lượng vô số kiếp
Tu đủ hạnh Bồ-tát
Tinh tấn cần phương tiện
Muốn độ tất cả chúng (81)

Chúng sinh, các thứ hạnh
Đều hay phân biệt biết
Khiến tu tinh tấn nghiệp
Chí cầu đạo vô thượng (82)

Bồ-tát ma-ha-tát
Hành các diệu pháp này
Quyết định không thối chuyển
Nhất thiết trí quán chắc (83)
Tất cả các thế giới
Vô lượng khó nghĩ bàn
Bồ-tát ở nơi đó
Nhất niệm đều bao quát (84)

Lìa xa tưởng hư vọng
Tâm ấy như hư không
Pháp thân thanh tịnh, một
Ứng khắp tất cả thế (85)

Trạm nhiên thường bất động
Mười phương thảy đều hiện
Phân biệt tất cả pháp
Chẳng thủ các pháp tướng (86)

Liễu đạt tất cả pháp
Tâm ấy không chỗ nhiễm
Tế độ tất cả chúng
Mà không người giải thoát (87)

Tất cả quần sinh loại
Mọi thứ các hy vọng
Pháp thiện ác vô ký
Tịch diệt như hư không (88)

Tùy thuận cả mọi loài
Các thứ tướng dục lạc
Vô lượng lực tự tại
Thảy đều ứng hóa đó (89)

Giống như công huyễn sư
Hay hiện các thứ thân
Lực Bồ-tát tự tại
Đầy khắp mười phương giới (90)

Tịnh pháp thân Bồ-tát
Vô lượng đồng hư không
Tùy dục lạc của chúng
Tất cả thảy đều hiện (91)

Tâm ấy không chỗ nhiễm
Chân thật không hư vọng
Pháp thanh tịnh phiền não
Thảy đều vô sở hữu (92)

Giải thoát, không giải thoát
Tâm ấy không chỗ nhiễm
Thí khắp chúng sinh khổ
Lạc vô thượng niết bàn (93)

Đều ở các thế gian
Trí tuệ không sợ hãi
Đầy đủ các tướng hảo
Đạo vô thượng rốt ráo (94)

Nhất niệm đều phân biệt
Tất cả các pháp tướng
Đời khứ, lai, hiện tại
Tìm cầu vô sở hữu (95)

Bồ-tát quán tiền tế
Liễu đạt đời quá khứ
Phân biệt tướng hậu tế
Cứu cánh cũng như vậy (96)

Tất cả Phật thế giới
Phân biệt đều biết hết
Trừ diệt các phiền não
Đầy đủ các công đức (97)

Thường thích quán tịch tĩnh
Rốt ráo hướng niết bàn
Thích vô tránh tam muội
Tâm ấy không y tựa (98)

Bồ-tát đồng chân tế
Tất cả không gì bằng
Hạnh kiên cố rốt ráo
Quyết định không thối chuyển (99)

Kia tu các thắng hạnh
Tịch diệt không y tựa
Tâm ấy thường an trụ
Bất động như Di Lặc (100)

Hạnh Bồ-tát tịnh diệu
Đầy khắp các pháp giới
Chư Phật và Bồ-tát
Thảy đều phân biệt biết (101)

Muốn cầu tuệ Đạo sư
Đạo rốt ráo tối thắng
Nhất thiết trí thậm thâm
Vua giải thoát vô tận (102)

Dũng mãnh cần tinh tấn
Chóng phát tâm bồ-đề
Muốn cầu lạc tối thắng
Cần chóng đoạn các lậu (103)

Bồ tát ma-ha-tát
Tâm sơ phát thanh tịnh
Tạng công đức tâm ấy
Nói mãi không thể tận (104)

nhiêu ích chúng sinh
Tán thán hạnh Như lai
Nhất tâm khéo lắng nghe
Đạo sở hành tối thắng (105)

Vô lượng các Phật độ
Đều tán làm vi trần
Nhất trần và nhất độ
Thảy đều phân biệt biết (106)

Trong các quốc độ này
Tất cả các Như Lai
Nói tạng đức Sơ phát
Còn chẳng thể cùng tận (107)

Khéo phân biệt chúng sinh
không tưởng chúng sinh
Khéo hiểu tất cả ngữ
không tưởng ngôn ngữ (108)

Trí vô ngại thậm thâm
Phân biệt các thế giới
Khéo hiểu kiếp thành bại
không tưởng thành bại (109)

Tâm thanh tịnh quảng đại
Giống như tánh hư không
Hiểu rõ tam thế pháp
Tất cả các thế gian (110)

Trừ diệt các phiền não
Hết hẳn chẳng còn dư
Quán vô ngại tịch diệt
Đó là chánh pháp Phật (111)

Trong mười phương thế giới
Tất cả chỗ Như Lai
Nhất niệm thảy đến khắp
Tâm ấy không chỗ nhiễm (112)

Khéo hiểu pháp vô sinh
Như như chân thật tế
Tất cả các thứ tướng
Thảy đều không chân thật (113)

Vô lượng không thể tính
Tất cả các Như Lai
Cùng quyến thuộc thanh tịnh
Đều đến lễ cúng dường (114)

Thường thích hỏi Như Lai
Pháp vi diệu thậm thâm
Tất cả các Bồ-tát
Thệ nguyện hạnh thanh tịnh (115)

Trong mười phương thế giới
Tất cả các Đạo sư
Nhất niệm đều thấy gặp
tâm không y tựa (116)

Trong tất cả ba cõi
Diệu công đức tối thắng
Lấy hạnh thanh tịnh này
Trang nghiêm các Phật độ (117)

Tuệ nhãn không chướng ngại
Khéo hiểu tất cả sinh
Phân biệt vô sở hữu
Xa lìa không nhiễm trước (118)

Khéo hiểu căn chúng sinh
Phiền nãotập khí
Các thứ dục chúng sinh
Liễu đạt không nghĩ bàn (119)

Bồ-tát ma-ha-tát
Trước, biết tâm chúng sinh
Tùy chỗ ứng độ đó
Vì người trí thuyết pháp (120)

Khéo biết thời phi thời
Hạnh chúng sinh tịnh uế
Dần khiến kia thanh tịnh
Rốt ráo được giải thoát (121)

Vô lượng na-do-tha
Các tam muội thậm thâm
Bồ tát lực tự tại
Nhất niệm đều nhập vào (122)

Tam muội khởi trụ tướng
Đều khéo phân biệt biết
Vô lượng các cảnh giới
Khéo hiểu duyên trụ khởi (123)

Các trí tuệ như thế
Thảy đều đã đầy đủ
Không lâu, được bồ-đề
Tất cả không chướng ngại (124)

Thường vì lợi chúng sinh
Chánh hướng trí tuệ quang
Bồ-tát cho chúng sinh
Pháp trượng phu vô thượng (125)

Đều hay khéo phân biệt
Tất cả kiếp ngắn dài
Ngày đêm và năm tháng
Cũng là khéo quán sát (126)

Chánh niệm không phóng dật
Khéo hiểu các thế gian
Phân biệt các cõi Phật
Chân thật không sai biệt (127)

Hay khéo phân biệt biết
Tất cả các thế giới
Quốc độ mười phương đó
Không có tưởng phân biệt (128)

Như vậy chánh quán sát
Mười phương các thế giới
Tất cả nước thanh tịnh
tâm không chấp trước (129)

Thành tựu lực trí tuệ
Đồng với các Như Lai
Lực thị xứ phi xứ
Phân biệt biết chúng sinh (130)

Đều biết loài chúng sinh
Các nghiệp báo thiện ác
Đời quá khứ vị lai
Thông rõ không chướng ngại (131)

Tất cả các thế giới
Mọi thứ tánh chúng sinh
Ở trong ba cõi đó
Đều hay phân biệt biết (132)

Tất cả loài quần sinh
Các căn thượng trung hạ
Bồ-tát ma-ha-tát
Đều hay phân biệt biết (133)

Tất cả loài chúng sinh
Dục lạc thượng trung hạ
Thanh tịnh chẳng thanh tịnh
Đều hay phân biệt biết (134)

Phân biệt biết chúng sinh
Tất cả đến đạo xứ
Lìa hẳn duyên tương tục
Rốt ráo lìa ba cõi (135)

Tất cả các tam muội
Chánh thọ thiền giải thoát
Cấu uế thanh tịnh khởi
Đều hay phân biệt biết (136)

Thứ lớp biết túc mạng
Tùy chỗ thọ khổ lạc
Người phân biệt như thế
Đó là lực Như Lai (137)

Tất cả thiện bất thiện
Chúng sinh nghiệp phiền não
Phân biệt năm đường sinh
Rốt ráo được niết bàn (138)

Các lậu nếu chưa hết
Hướng vào các đường sinh
Phiền não tập đã diệt
Đạo rốt ráo vô thượng (139)

Phương tiện độ chúng sinh
Diệt cấu đủ đạo tịnh
Người trí hay phân biệt
Là kẻ mạnh loài người (140)

Đầy đủ mười thứ lực
Tuệ quang trừ các tối
An trụ lực tối thắng
Nghi hoặc rốt ráo diệt (141)

Trong tất cả lỗ lông
Vô lượng các Phật độ
Bố-tát ma-ha-tát
Tất cả thảy đều thấy (142)

Uế trọc hay thanh tịnh
Các thứ diệu trang nghiêm
Tùy theo hạnh nghiệp đó
Thảy đều phân biệt biết (143)

Trong tất cả vi trần
Tất cả các Phật độ
Chư Phật và Bồ-tát
Phật tử thảy đều thấy (144)

Các cõi không tích tụ
Chẳng loạn chẳng bức ép
Tất cả nhập một cõi
Mà cũng không chỗ nhập (145)

Mười phương các quốc độ
Hư khôngpháp giới
Ở trong một lỗ lông
Phân biệt biết đầy đủ (146)

Thấy khắp mười phương giới
Tất cả các tối thắng
Vi diệu tịnh trang nghiêm
Tất cả các Phật độ (147)

Tất cả các Như Lai
quốc độ nghiêm tịnh
Ở trong một lỗ lông
Người trí thảy đều thấy (148)

Tướng tam thế sai biệt
Tất cả các pháp giới
Thời tiết năm tương tục
Phân biệt được giải thoát (149)

Chân Phật tử như thế
Đầy đủ không sợ hãi
Là kẻ mạnh trong người
Người trí tuệ minh đạt (150)

Pháp môn sâu như thế
Người trí đều phân biệt
Kia ở chỗ Như Lai
Cung kính vui vô lượng (151)

Vô lượng vô số kiếp
Trưởng dưỡng công đức tạng
Cúng dường tất cả Phật
Để độ thoát chúng sinh (152)

Vô lượng lực tự tại
Mọi thứ hay thị hiện
Cảnh giới trí tuệ đó
Đồng với chư Như Lai (153)

Chỗ vô lượng chư Phật
Chỗ học đều thành tựu
Tịch tịnh thâm pháp tạng
Đều thích không chán đủ (154)

Tất cả chỗ Đạo sư
Tâm cung kính tôn trọng
Kia tu Bồ-tát hạnh
Thường uống pháp cam lộ (155)

Đều hay khéo phân biệt
Trưởng dưỡng pháp trí tuệ
Bồ-đề biện vô ngại
Các tam muội thậm thâm (156)

Tín tâm không thể động
Giống như núi Tu-di
Trưởng dưỡng các chúng sinh
Tất cả tạng công đức (157)

Bồ-tát ma-ha-tát
Đại từ bi vô lượng
Đều niệm tất cả chúng
Tâm ấy không chấp trước (158)

Nhất thiết chủng trí lạc
Huệ thí các chúng sinh
Đều muốn cầu thế gian
Xa lìa phiền não cấu (159)

Bồ-tát ma-ha-tát
Tâm đại bi vô lượng
Phật và chúng sinh mình
Bình đẳng quán không khác (160)

Thích quán tướng tịch diệt
Các pháp như hư không
Người trí quán như thế
Tất cả tánh chân thật (161)

Bồ-tát sơ phát tâm
Tạng công đức thậm thâm
Vô lượng vô số kiếp
Thuyết nó không thể tận (162)

Xuất sinh các Như Lai
Duyên giác nhàn tĩnh lạc
Chúng Thanh văn tự tại
Và tất cả hiền thánh (163)

Trong mười phương thế giới
Vô biên các Phật độ
Loài chúng sinh đã có
Cúng dường vô lượng kiếp (164)

Cũng dạy tu Ngũ giới
Thập thiệnTứ thiền
Tứ đẳng vô sắc định
Tịch diệt các giải thoát (165)

Cũng trong vô lượng kiếp
Cúng thí đồ ưa thích
Lại cũng dạy chuyển thắng
Lậu tận thành La-hán (166)

Các công đức như vậy
Vẫn còn xưng lường được
Tạng công đức phát tâm
Không ví dụ nói được (167)

Cũng dạy vô lượng chúng
Đều thành Bích Chi Phật
Tam-ma-đề tịch tĩnh
Các công đức thậm thâm (168)

Công đức tụ người ấy
So tạng Sơ phát tâm
Trăm phần chẳng bằng một
Cho đến không thể nói (169)

Vô lượng không giới hạn
Vi trần đồng Phật độ
Giả như người thần lực
Nhất niệm đều hay qua (170)

Lực thần túc như thế
Đi trong vô lượng kiếp
Cõi đó còn thể tính
Tạng phát tâm khó biết (171)

Kiếp khứ lai hiện tại
Vô lượng không giới hạn
Các kiếp nhiều như thế
Còn có thể tính biết (172)

Bồ-tát sơ phát tâm
Vô lượng tạng công đức
Giống như hư không giới
Phần hạn không thể biết (173)

Đời khứ, lai, hiện tại
Tất cả các kiếp số
Bồ-tát trong nhất niệm
Thảy đều phân biệt biết (174)

Bồ-tát phát tâm báu
Muốn thông khứ, lai, hiện
Nhất niệm đều biết rõ
Vì lợi ích chúng sinh (175)

Trong mười phương thế giới
Vô lượng cõi chúng sinh
Dục hy vọng đã có
Nhất niệm thảy đều biết (176)

Biết các căn phương tiện
Niệm niệm tâm sở hành
Hư không còn thể lường
Tâm bồ-đề khó biết (177)

Sở dĩ không thể lường
đại bi vô lượng
Thí khắp tất cả lạc
Đầy khắp mười phương giới (178)

Muốn khiến đều được Phật
Pháp tạng giải thoát lạc
Tạng tâm báu sơ phát
Lực công đức vô lượng (179)

Dục hy vọng của chúng
Phương tiện tưởng nguyện cầu
Tùy các thứ căn đó
Chỗ hành thân, khẩu, ý (180)

Có thể trong nhất niệm
Người đó đều giác biết
Muốn được tất cả trí
Phát tâm nguyện bồ-đề (181)

Tất cả loài chúng sinh
Vô lượng nghiệp phiền não
Do các kết nghiệp đó
Lần lượt nhận các cõi (182)

Báo kết nghiệp như vậy
Còn biết được biên tế
Tạng công đức phát tâm
Không thể nghĩ bàn được (183)

Sở dĩ chẳng thể nghĩ
phát nguyện vô thượng
Cúng dường tất cả Phật
Lìa hẳn các phiền não (184)

Trừ luôn nghiệp phiền não
Của mọi loài quần sinh
Tế bạt tam thế khổ
Tâm đại bi rốt ráo (185)

Mười phương các thế giới
Vô lượng vô số Phật
Nhất niệm đều cúng dường
Lấy đó khuyên chúng sinh (186)

Xông ướp hương thắng diệu
Tràng báu các cờ lọng
Thiên y trân diệu cỗ
Nước cam lộ thượng vị (187)

Tùy thời các cung quán
Giường nằm đồ trang nghiêm
Đất kinh hành thanh tịnh
An thân tâm thuận đạo (188)

Các chúng cúng đồ dùng
Vô lượng báu trang nghiêm
Ma-ni phát sáng chói
Đều là nhân khoái lạc (189)

Cúng dường Phật như thế
Lấy đó khuyên chúng sinh
Kiếp số khó nghĩ bàn
Thường hành cúng dường này (190)

Các công đức như thế
Còn nói rốt ráo được
Tạng công đức phát tâm
Không thể làm ví dụ (191)

Tất cả các thí dụ
Như trước phân biệt rộng
Muốn so tâm sơ phát
Vô lượng chẳng bằng một (192)

Tôn trong tam thế nhân
Tất cả công đức nghiệp
Quả bồ-đề vô thượng
Đều do Sơ phát tâm (193)

Trong vô số ức kiếp
Tu hành đạo vô thượng
Vô số không có lượng
Vượt qua tất cả lượng (194)

Nhất thiết trí rốt ráo
Lực đó không thể lường
Đến bờ bồ-đề kia
Siêu độ quần sinh thú (195)

Tâm Bồ-tát sơ phát
Rộng lớn như hư không
Xuất sinh các công đức
Tướng đó đồng pháp giới (196)

Đẳng quán các pháp tánh
Như thật không dị tướng
Lìa hẳn tất cả cõi
Tánh đồng kẻ kiên cố (197)

Chân pháp tánh thậm thâm
Diệu trí tùy thuận nhập
Vô biên các Phật độ
Nhất niệm đều trùm khắp (198)

Trí của Nhất thiết trí
Quán sát đều trùm khắp
Vô lượng cảnh giới Phật
Thông đạt không chướng ngại (199)

Thường tu diệu công đức
Tất cả không gì bằng
Giới vi diệu đầy đủ
Thanh tịnh không tì uế (200)

Nội ngoại tất cả thí
Bình tâm thí tất cả
Tất cả thời thường thí
Tinh cần không thối chuyển (201)

Chuyên niệm tu chánh thọ
Các thiền công đức tạng
Thường tập trí vi diệu
Sâu rộng không bờ đáy (202)

Nơi đất tối thắng này
Thành tựu chân phật tử
Lập được trí như thật
Hạnh thậm thâm bình đẳng (203)

Đời hiện tai, khứ, lai
Tất cả các Như Lai
Dùng uy thần hộ niệm
Tâm bồ-đề sơ phát (204)

Các tam muội thậm thâm
Vô lượng đà-la-ni
Lực tự tại chư Phật
Trang nghiêm Sơ phát tâm (205)

Tất cả các thế gian
Không thể nào đo lường
Vô lượng không giới hạn
Giống như hư không giới (206)

Tâm bồ-đề sơ phát
Vô lượng không giới hạn
Sư tử trong loài người
Đều do Sơ phát tâm (207)

Mười lực của Như Lai
Tứ biện vô sở úy
Vô lượng các công đức
Đều do Sơ phát tâm (208)

Tất cả các Đạo sư
Thập bát bất cộng pháp
Các tuệ thù thắng đó
Đều do Sơ phát tâm (209)

Diệu sắc thân chư Phật
Mọi thứ tướng trang nghiêm
Rốt ráo lìa hư vọng
Chân pháp thân thanh tịnh (210)

Chỗ Trời Người nên cúng
Trí vô ngại thậm thâm
Các công đức như thế
Đều do Sơ phát tâm (211)

Tất cả Bích Chi Phật
Vô lượng chúng Thanh văn
Các chư hiền thánh đó
Đều do Sơ phát tâm (212)

Tứ thiền Định vô sắc
Các tam muội thậm thâm
Vô lượng lạc như thế
Đều do Sơ phát âm (213)

Khứ, lai, hiện tại đây
Trời người ở mười phương
Trong tất cả thế giới
Lần lượt nhận sinh lạc (214)

Phương tiện cần tinh tấn
Các căn đều điều phục
Vô lượng lạc như thế
Đều do Sơ phát âm (215)

Vì sao lại như thế?
Vì Bồ-tát ma-ha
Nhân nơi Sơ phát tâm
Đủ sáu ba-la-mật (216)

Dạy các loài quần sinh
Bỏ tà vào chánh đạo
Có thể khiến tam giới
Nhận được mọi thứ lạc (217)

Trí Bồ-tát thâm diệu
Thông đạt không chướng ngại
Khai đạo các chúng sinh
Tịnh tu nghiệp thù thắng (218)

Diệt trừ các phiền não
Tất cả hạnh bất thiện
Tu tập đạo niết bàn
Độ thoát tất cả chúng (219)

Vô lượng trí tuệ sáng
Như ánh mặt trời trong
Đầy đủ hạnh thanh bạch
Thí như trăng tròn đầy (220)

Vô biên tạng công đức
Giống như mười phương hải
Vô cấu không chỗ nhiễm
Thanh tịnh như hư không (221)

Bồ-tát sơ phát tâm
Xưng tán không thể hết
Đều khiến các chúng sinh
Nhận đủ tất cả lạc (222)

Vô lượng vô số kiếp
Rộng tu các đại nguyện
Thường tập nghiệp công đức
Để điều phục chúng sinh (223)

Vô lượng không có số
Tịnh nguyện khó nghĩ bàn
Thảy đều đầy đủ khắp
Khiến chúng được thanh tịnh (224)

Phổ quán tất cả pháp
Đều không, vô tướng nguyện
Do lực hoằng thệ nguyện
Tâm tịnh không sợ hãi (225)

Biết tánh pháp chân thật
Thanh tịnh như hư không
Định loạn đều bình đẳng
Tịch diệt vô sở hữu (226)

Các diệu pháp thậm thâm
Vô lượng khó nghĩ bàn
Thường vì đại chúng thuyết
Tâm ấy không nhiễm trước (227)

Trong mười phương thế giới
Tất cả các Như Lai
Chư Phật thường tán thán
Bồ-tát sơ phát tâm (228)

Vô lượng diệu công đức
Trang nghiêm Sơ phát tâm
Đến bờ thanh tịnh đó
Tánh đồng các Như Lai (229)

Tất cả loài chúng sinh
Vô lượng vô số kiếp
Xưng tán Sơ phát tâm
Công đức không thể tận (230)

Tạng công đức chư Phật
Bồ-tát do đây sinh
Ở trong cả ba cõi
Tối thắng không thể bì (231)

Muốn được đèn trí tuệ
Tịnh sáng của chư Phật
Cần lập hoằng thệ nguyện
Chóng phát tâm bồ-đề (232)

Trong tất cả công đức
Tâm bồ-đề là nhất
Đắc được trí vô ngại
Từ Phật pháp hóa sinh (233)

Tất cả tâm chúng sinh
Thảy đều phân biệt biết
Mọi quốc độ vi trần
Còn có thể tính số (234)

Mười phương hư không giới
Một lông còn thể tính
Bồ-tát sơ phát tâm
Rốt ráo không thể lường (235)

Nhân tâm sơ bồ-đề
Xuất sinh tam thế Phật
Mọi thứ lạc diệu thượng
Của tất cả chúng sinh (236)

Công đứcPhật tán
Nhân đây đều đầy đủ
Ở trong cảnh giới Phật
Tâm đó không nghi hoặc (237)

Nếu hay chóng lìa hẳn
Tất cả các nghi hoặc
thể diệt vô lượng
Chướng ngại của chúng sinh (238)

Nhân tâm sơ bồ-đề
Nghiêm tịnh các Phật quốc
Đều khiến tất cả chúng
Đầy đủ trí vi diệu (239)

Muốn thấy mười phương cõi
Tất cả tam thế Phật
Lại muốn được vô lượng
Tạng công đức thậm thâm (240)

Nếu muốn diệt vô lượng
Sinh tử khổ chúng sinh
Cần lập kiên thệ nguyện
Chóng phát tâm bồ-đề (241)

[1] Bản hán 80 quyển dịch là : “Bồ-tát sơ phát tâm sẽ thành Phật”. Đây là tùy vào cái nhìn thuộc Tam thừa hay Nhất thừa của chư vị mà bản dịch thấy như khác, nhưng thực là không khác.

 

Xem phần giảng giải (được trích từ quyển Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký của ngài Hiền Thủ).

HOA NGHIÊM KINH THÁM HUYỀN KÝ Quyển 5 Phẩm XIII: CÔNG ĐỨC CỦA BỒ-TÁT SƠ PHÁT TÂM

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.