Thư Viện Hoa Sen

1 Phẩm Tựa

23/05/201012:00 SA(Xem: 12257)
1 Phẩm Tựa

PHÁP HOA HUYỀN NGHĨA
(SADDHARMA PUNDARIKA SUTRA)
Chánh Trí Mai Thọ Truyền
Hội Phật Học Nam Việt - Chùa Xá Lợi 1962

 

PHẨM THỨ NHẤT

 

TỰ(Le sujet)

Một lúc nọ Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật (Gridhraku^ta), tức núi Linh-Thứu (Pic du Vautour). Tụ-họp xung quanh Phật có 12.000 Đại Tỳ-khưu và Đại A-la-hán, 2.000 bậc hữu-học và vô-học,6.000 Tỳ-khưu-ni, 80.000 Bồ-tát, 20.000 chư Thiên, 8 Long-vương và quyến-thuộc, Vua A-Xà-Thế và tuỳ tùng.

Sau khi “tứ chúng” cúng dườngxưng tán Phật xong, Phật nói Kinh “Vô-Lượng-Nghĩa” rồi nhập vào chánh-định “Vô lượng-nghĩa xứ”, thân tâm không lay động.

Kế đó, từ chòm lông trắng ở giữa đôi mày, Phật phóng một luồng hào-quang chiếu khắp một muôn tám ngàn thế-giới ở phương Đông, dưới thấu địa-ngục A-tỳ, trên suốt Cõi trời Sắc cứu-cánh.

Toàn pháp-hội đều trông thấy ở các thế-giới đó:

-6 loại chúng-sanh (thiên, nhân, a-tu-la, địa-ngục, ngạ-quỷ, súc-sanh)

-Các đức Phật đang nói Pháp và tứ-chúng

-Các vị Bồ-tát đang hành hạnh Bồ-tát

-Lúc Phật nhập Niết-bàn

-Lúc Phật nhập Niết-bàn xong, việc xây tháp phụng thờ xá-lợi.

Bồ-tát Di-Lặc và tứ-chúng đều lấy làm lạ điềm lành này. Thay mặt cho tất cả, Di-Lặc xin Bồ-tát Văn-Thù là bậc xuất chúng, giải thích cho hiểu.

Văn-Thù đáp: Theo chỗ tôi biết thì Thế-Tôn sắp diễn một ”pháp lớn”. Rồi Văn-Thù thuật lại một chuyện xưa như sau: Ở vô số kiếp xa xưa, có 2 muôn đức Phật nối nhau, đồng một hiệu là NHẬT-NGUYỆT ĐĂNG-MINH, và đồng một họ là PHẢ-LA-ĐỌA, mỗi Ngài đều đầy đủ “Mười hiệu” và pháp của các Ngài nói ra từ đoạn đầu, đến đoạn giữa và đoạn chót đều lành như nhau

Đức Phật NHẬT-NGUYỆT ĐĂNG-MINH chót, lúc chưa xuất gia, có 8 vương-tử tên là HỮU-Ý, THIỆN-Ý, VÔ-LƯỢNG-Ý, BẢO-Ý, TĂNG-Ý, TRỪ-NGHI-Ý, HƯỞNG-Ý và PHÁP-Ý. Nghe vua cha xuất giathành đạo, 8 con đều xuất gia theo, phát tâm Đại-thừa tu hạnh thanh-tịnh.

Lúc đó. đức Phật NHẬT-NGUYỆT ĐĂNG-MINH cũng như đức Thích-Ca bây giờ, nói Kinh VÔ-LƯỢNG-NGHĨA và nhập chánh-định VÔ-LƯỢNG-NGHĨA-XỨ. Xong, Ngài cũng phóng quang chiếu một muôn tám ngàn thế-giới phương Đông, rồi từ chánh-định dậy, Ngài nói Kinh DIỆU-PHÁP LIÊN-HOA cho Bồ-tát Diệu-Quang nghe, trải qua 60 tiểu kiếp không rời chỗ ngồi. Người trong pháp-hội cũng ngồi một chỗ mà nghe cho đến 60 tiểu kiếp, thân tâm đều không lay động, nhưng xem thời-gian ấy mau như bữa ăn, không ai thất thân tâm lười mỏi.

Sau 60 tiểu kiếp, đức Phật Nhật-Nguyệt Đăng-Minh tuyên bố: “ Hôm nay, vào lúc nửa đêm, Như-Lai sẽ nhập Niết-bàn”. Và đúng như thế, Ngài đã nhập Niết-bàn sau khi thọ ký cho Bồ-tát Đức-Tạng, về sau sẽ thành Phật TỊNH-THÂN NHƯ-LAI.

Bồ-tát Diệu-Quang trì Kinh DIỆU-PHÁP trải 80 tiểu kiếp và vì người diễn nói, và dạy bảo cho 8 vương-tử ở vững trong đường “Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác”. Tất cả 8 vị đều lần lượt thành Phật và vị chót hiệu là NHIÊN-ĐĂNG.

Trong 800 đệ-tử của Bồ-tát Diệu-Quang, có một người tên là Cầu-Danh. Sở dĩ người này có cái tên ấy, vì còn tham ưa danh ưa lợi, tuy đọc tụng kinh-điển rất nhiều nhưng chẳng thuộc rành. Dầu vậy, đó cũng là một ”căn lành”.

Sau khi nhắc lại câu chuyện trên, Bồ-tát Văn-Thù kết luận: Hôm nay đức Thích-Ca ra điềm lạ là cũng để nói Kinh Đại-thừa DIỆU-PHÁP LIÊN-HOA.

Huyền nghĩa:

Trước khi nói Kinh Diệu-Pháp, tức là truyền trao giáo pháp tột cùng, cái Chân-lý tuyệt đối, đức Phật nói Kinh Vô-lượng-Nghĩa, nhập chánh-định Vô-lượng-nghĩa-xứ, rồi lại phóng quang hiện cảnh, ba điều mà xưa nay Phật chưa từng làm trước khi nói các kinh khác.

Tuyệt đối là Vô-cùng, Vô-cực, Vô-lượng. Phải hiểu thế nào là Vô-lượng 

( l' incommensurable), mới hiểu được thâm lý của Diệu-pháp. Đó là huyền nghĩa của việc Phật nói Kinh Vô-Lượng-Nghĩa.

Hiểu được thế nào là Vô-lượng, nhưng chỉ hiểu sơ qua và không sống mãi trong cái nghĩa Vô-lượng, cũng không được. Vì vậy, nói kinh rồi, Phật nhập vào “vô-lượng-nghĩa” và định ở đó.

Hiểu nghĩa của cái “Vô-lượng”, định được trong cái “Vô-lượng”, sẽ có một cái thấy lạ lùng, thông suốt từ cõi trời “Sắc cứu-cánh” đến địa-ngục A-tỳ. tức là thông suốt ba cõi: Dục-giới, Sắc-giới và Vô-sắc-giới, hay nói một cách khác, thấy rõ tất cả vũ-trụ luôn hai mặt hữu-hình và vô-hình.

Thấy được như thế là thấy được cái thực-tướng của Chân-cảnh, là thấy toàn-thể pháp-giới (vũ-trụ hữu-hình và vô-hình) là Một, một cái Một chân-thật chớ không phải giả-dối như cảnh thế-gian. Vì là Một cho nên cái Một ấy “bình đẳng”, nghĩa là luôn luôn như vậy, không dời, không đổi, không tăng không giảm ( L'Univers Unréel et identique à soi-même = Nhất chân bình-đẳng pháp-giới).

Theo cái thấy của chúng-sanh thì có hai cảnh-giới: cảnh-giới của chúng sanh và cảnh-giới của chư Phật và Bồ-tát, nói tóm là cảnh-giới của thiện và cảnh-giới của ác, cảnh-giới của triền-phược và cảnh-giới của giải-thoát, cảnh-giới của vô-minh và cảnh-giới của giác-ngộ, cảnh-giới của sanh-tử biến dịch và cảnh-giới của Niết-bàn thường hằng.

Sự thật không phải thế: không có hai cảnh riêng biệt, và chúng sanh tuy sống trong “động loạn, căn trần, thức giới”, vẫn cùng chư Phật, Bồ-tát ở trong Một cái duy nhất, cái đó là “Phổ-quang minh-trí”

“Động loạn, căn trần, thức giới” chỉ là cảnh thế-gian, của chúng-sanh, là thế-giới hiện-tượng, của hiện-tượng (monde manifesté, monde des manifestations). Đã là hiện-tượng thì phải động loạn (en mouvement, en perpétuel devenir), sanh ra, rồi trụ, rồi dị, rồi diệt. Và cảnh ấy, thế-giới ấy không phải là thế-giới chân thật, mà là một thế-giới do căn, trần và thức hỗ tương chi-phối mà thành có (monde conditionné par les organes des sens, les objets des sens et la conscience)..

Vạn vật trên thế-giới trăm ngàn sai biệt,, nhưng không ngoài sáu loại:

1. Loại có hình có tướng (sắc)

2. Loại tiếng (thanh)

3. Loại mùi (hương)

4. Loại vị (vị)

5. Loại rờ đụng được (xúc)

6. Loại suy nghĩ, quan niệm, khái niệm (pháp).

Biết được có 6 loại “trần” ấy là nhờ chúng-sanh có 6 cái khí-cụ (căn) để thâu nhận: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Có trần mà không có căn, cũng như trong xứ có đài phát thanh mà nhà mình không có máy thâu-thanh.

Nhưng có phát-thanh, có máy thâu-thanh mà không có người ngồi vặn máy thâu-thanh và nghe, thì hai cái trước dầu có cũng như không. Vậy vạn vật trên thế-gian được biết là có, cái “có” ấy do ba điều-kiện căn, trần, thức tương quan chi phối, dung hòa mà thành. Nếu một trong ba điều kiện ấy thiếu hoặc đổi tánh-cách thì cái “có” kia cũng đổi theo. Thí dụ tất cả chúng-sanh đều điếc hết thì chúng-sanh sẽ bảo nhau rằng thế-giới này có 5 loại “trần” mà thôi, trong khi các thứ tiếng (âm) chưa hẵn là không có. Vậy quả thế-giới này không phải là thế-giới “chân thật”, vì hễ chân-thật thì không tùng điều-kiện nào cả.

Thế-giới chân-thật là thế-giới của Thể, căn-bản, nguồn cội của vạn vật, là luồng điện duy nhất và vô hình ứng hiện ra trong nhiều cái hữu-hình khác nhau như đèn sáng, quạt quay, tủ lạnh…

Điện thì trước sau như một, chỉ có một tánh, hôm nay thế này mà mai cũng thế , không suy không giảm, còn đèn, quạt, tủ thì có mới, cũ, hư (sanh, dị, diệt).

Có thể lấy đèn và quạt thí dụ Phật và chúng-sanh, một cái sáng, một cái không sáng. Nhưng trong hai cái sai khác đó, có một cái chung là điện. Vì vậy Phật và chúng-sanh không khác nhau, không sai biệt, về mặt Thể, và Thể đó cũng gọi là Tâm- một danh-từ tạm dùng vậy thôi. Bởi lẽ này, Kinh Phật dạy: Tâm, Phật, chúng-sanh, tam vô sai biệt (Tâm. Phật và chúng-sanh là ba, nhưng không sai khác nhau).

Chúng-sanh lại “mù-quáng”, thấy có sự sai khác giữa chúng-sanh và Phật, thấy có hạng thấp, hạng cao (dualité), cho nên lúc đầu thuyết giáo, Phật phải nương theo đó mà tạm nói có ba đường giải-thoát: Thanh-văn, Duyên- giác và Bồ-tát. Nay, phần đông các đệ-tử đã tiến được nhiều, sự thật có thể phanh phui. Phật mới đem ra nói.

Nói mà vẫn còn ngại, cho nên phải trước nói Kinh Vô-Lượng-Nghĩa để chỉ rằng từ trước tới nay Phật mới đề cập đến cái “Hữu-lượng” (limité), mà chưa nói đến cái”Vô-lượng” (l'illimité, l'Incommensurable), tức là Chân-lý tuyệt-đối.

Biết được Chân-lý tuyệt-đối rồi phải sống mãi (định) trong đó. Ấy là nghĩa của việc nhập chánh-định “Vô-lượng-nghĩa” như đã nói.

Vì Chân-lý tuyệt-đối trước sau như một cho nên 2 muôn đức Phật Nhật-Nguyệt Đăng-Minh đều nói Kinh Pháp-Hoa, và giáo-pháp của các Ngài đều lành như nhau, Nhật-Nguyệt Đăng-Minh là thí dụ cho Trí-tuệ đầy đủ của các bậc đã giác-ngộ, đã thành Phật, nghĩa là đã trở về với nguồn Ánh-sáng như đèn trời đèn trăng sẵn có nơi mình, Nhật-Nguyệt Đăng-Minh Như-Lai chính là nguồn Ánh-sáng ấy.

Thêm vào việc nói Kinh Vô-Lượng-nghĩa và nhập định Vô-lượng-nghĩa, Phật còn phóng quang để cho chúng-sanh sáng mắt thấy ba cõi tuy khác, nhưng đều chung ở trong một nguồn ánh sáng tượng trưng ở đây bằng luồng hào-quang từ giữa đôi mày phóng ra. Nguồn Ánh-sáng ấy là Thể, là Tâm. Do đây mà có câu: “Nhất thế do tâm tạo”.

Cho chúng-sanh thấy để dễ tin lời Phật sắp nói. Đoạn chót bài trùng-tuyên của Văn-Thù có câu: “Kim Phật phóng quang-minh, trợ phát thực tướng nghĩa”[1] là nghĩa đó.

Thực-tướng là chân-cảnh, mà chân-cảnh là Chân-lý tuyệt đối vậy.

Lấy cái biết của thế-nhân mà muốn biết cảnh này, không sao biết được ( phi tâm-thức khả tri). Mà không phải người trí cũng không hiểu được (phi trí bất nhập).

Vậy muốn học Kinh Diệu-Pháp phải “triệt lục căn tứ đại chướng ngại”[2]. Còn 8 vương-tử phải theo cha xuất gia, nghĩa là kiến Tánh chưa đủ, phải sửa 8 thức theo Tánh mới được: Tánh quy, Thức quy.

Phẩm đầu lấy tên là Phẩm Tự mà E. Burnouf dịch là: Le sujet (đề tài).

Vậy đề tài của Kinh Diệu-Pháp như thế nào?

Đề tài ấy là: Chỉ Thật-tướng Chân-cảnh (montrer le monde de la Réalité) và cảnh đó là cảnh của thân Tâm vậy.

 

[1] Nay Phật phóng hào-quang sáng, là để giúp sự khai phát nghĩa của Thực-tướng.

[2] Phải xô ngã những chướng ngại do 6 căn của thân”tứ đại” dựng lên.
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 59334)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: