KINH TRUNG BỘ CHỮ PALI
HT. Thích Minh Châu (1961)
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1998)
Nguyên tác: Bhiksu Thich Minh Chau (1961),
"A Comparative Study of the Chinese Madhyama Agama
and the Pali Majjhima Nikaya", Ph.D. Thesis, Bihar University, India
Phần Hai - Những điểm đồng và dị giữa bản Hán tạng và bản Pàli
CHƯƠNG IX: PHẦN KẾT CÁC KINH
Cuối mỗi bài kinh trong bản C hay P thường thường có một phần kết để chứng tỏ bản kinh đã chấm dứt và để diễn tả sự vui mừng của những người lắng nghe bài kinh do Phật nói hay do một trong những đệ tử của Ngài nói. Một nghiên cứu tỷ giảo về phần kết trong 98 kinh cho thấy những điểm sau đây:
1) 36 kinh có phần kết giống nhau;
2) 26 kinh có phần kết hơi khác, trong đó bản C có thêm các Tỳ-kheo hoặc vài đệ tử hoặc vài nhân vật;
3) 13 kinh có phần kết không giống nhau;
4) 23 kinh trong bản P không có phần kết.
1. 36 kinh có phần kết giống nhau:
Những nghiên cứu tỷ giảo sau đây cho thấy các bản kinh có phần kết giống nhau:
NC 2, 5, 8, 9, 10, 12, 13, 14, từ 16-19, 21, 24, 26-29, 32-34, 44, 47, 49, 58, 65, 70, 71, 73-75, 84, 91-93, 95.
Trong NC2, phần kết như sau:
C10: Đức Phật nói như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe lời đức Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
P2: Đức Thế Tôn nói như vậy, các Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Trong NC12, chính Tôn giả Mục-liền-liên giảng pháp và các Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Mục-liền-liên.
Trong NC21, chính Tôn giả Xá-lợi-tử nói và các Tỳ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Xá-lợi-tử.
2. 26 kinh có phần kết hơi khác:
Những NC sau đây có phần kết hơi khác:
7, 11, 15, 22, 25, 40, 42, 43, 45, 50, 53, 55, 57, 60, 66, 67, 72, 76, 77, 80, 81, 83, 86, 87, 88 và 90.
Trong những kinh này, trong số những người vui mừng về lời dạy của Phật hay của một đệ tử Ngài, bản C thêm "những Tỳ-kheo ấy" hoặc một vài nhân vật. Như trong NC67, bản P chỉ nói Mahàcundo vui mừng về lời dạy của Phật, nhưng trong bản C tương đương, ngoài Tôn giả Đại Chu Na còn có các Tỳ-kheo khác nữa. Trong NC25, bản P chỉ nói Dìgho parajano yakkho vui mừng về lời dạy của đức Thế Tôn, bản C ngoài Trường Khổ Hạnh còn thêm "ba thiện gia nam tử". Trong NC57, bản P chỉ nói những Tỳ-kheo ấy, nhưng bản C thêm tên Tôn giả A Nan. Trong NC60, bản P chỉ nói những Tỳ-kheo ấy, bản C thêm Phạm Ma. Điều này hơi lạ, vì Phạm Ma đã được nói đã chết trong đoạn trước. Trong NC83, P nói chỉ có mình Tôn giả A Na Luật Đà hoan hỷ lời Thế Tôn, nhưng bản C thêm các Trưởng lão Nan Đề và Kim Tỳ La.
3. 13 kinh không có phần kết giống nhau:
Các NC sau đây: 1, 3, 4, 20, 30, 31, 41, 78, 85, 94, 96, 97, 98.
Trong NC1, Phần kết như sau:
C106: Đức Phật dạy như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
P1: Đức Thế Tôn dạy như vậy; các Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn (theo bản in Roman script).
Nhận xét: Theo truyền thống Tích Lan, và bản kinh Tích Lan, các Tỳ-kheo không hoan hỷ với bản kinh này, Na te bhikkhù Bhagavato bhàsitam abhinandunti. Bản kinh Miến Điện ấn hành trong kỳ kết tập thứ sáu cũng theo truyền thống Tích Lan. Kinh sớ (M.A.ii, 46 ff) nói 500 Tỳ-kheo không hoan hỷ khi nghe kinh này. Khi nhận thấy điều này, Phật đã giảng cho họ truyện tiền thân Mùlapariyàya jàtaka (Căn bản pháp môn). Nhờ vậy sự kiêu mạn của họ tiêu tan, và họ xin đức Thế Tôn một đề tài thiền quán. Về sau khi Phật ở Gotamacetiya tại Tỳ Xá Ly, Ngài giảng cho họ kinh Gotamakasuttam và họ đắc quả A-la-hán (D.P.P.N. ii, p.649).
Nhưng bản in của hội Văn bản Pàli và bản Hoa ngữ thì theo phần kết thông thường, đều nói các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Từ phần kết bất thường của bài kinh này, sự phân biệt giữa Như lai và A-la-hán, và tư tưởng không nên thủ trước cả đến Niết-bàn, phải chăng ta có thể xem kinh này, một bản kinh mang ít nhiều tinh thần đại thừa, là một trong những bản kinh hiếm hoi đã thoát khỏi sự xoi mói của các nhà biên tập thuộc truyền thống Thượng tọa bộ, và đã được đặt vào tạng Pàli có lẽ chỉ do sơ ý. Có thể đã có thêm chữ Na để đánh dấu loại bỏ kinh ấy ra khỏi tạng Pàli, nhưng những nhà biên tập kinh Pàli về sau đã quên làm việc này.
Trong NC3, bản C nói Tôn giả Xá-lợi-tử hoan hỷ chấp nhận lời dạy của Thế Tôn, nhưng trong bản P nói những Tỳ-kheo hoan hỷ chấp nhận lời dạy của Tôn giả Xá Lợi Phất. Sự khác biệt này là do bản C có thêm một đoạn trong đó đức Phật khen Tôn giả Xá-lợi-tử và kết thúc bài kinh, trong khi ở bản P, chính Tôn giả Xá Lợi Phất kết thúc bản kinh.
Trong NC4, hai đoạn kết như sau:
C87: Hai vị Tôn giả ấy sau khi luận thuyết và ca tụng nhau, đã từ chỗ ngồi đứng dậy. Tôn giả Xá-lợi-tử đã nói như vậy, Tôn giả Đại Mục-liền-liên cùng các Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ những lời Tôn giả Xá-lợi-tử đã nói.
P5: Như vậy hai vị đại long tượng ấy cùng nhau vui mừng về sự biện thuyết của họ.
Trong NC20, những đoạn kết như sau:
C9: Như vậy hai Tôn giả cùng nhau thảo luận, và sau khi ca tụng lẫn nhau, họ hoan hỷ tín thọ. Rồi họ đứng lên khỏi chỗ ngồi và trở về chỗ trú.
P24: Như vậy hai vị đại long tượng cùng nhau hoan hỷ về bài pháp.
Trong NC30, sự khác nhau giữa hai đoạn kết như sau:
C211: Như vậy hai vị Tôn giả ca tụng lẫn nhau, nói: "lành thay, lành thay", họ cùng nhau hoan hỷ tín thọ. Rồi họ từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
P43: Tôn giả Xá Lợi Phất đã nói như vậy. Tôn giả Ma Ha Câu Thi La hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Xá Lợi Phất nói.
Trong NC31, bản C nói đến Tỳ-kheo ni Pháp Lạc và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy; còn bản P lại nói cư sĩ Visàkha hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Sự khác nhau này là do trong bản C, Tỳ-kheo ni Pháp Lạc thuật lại với đức Phật cuộc đàm thoại, còn trong bản P, nam cư sĩ Visàkha đi đến đức Thế Tôn.
Trong NC41, trong bản C, những Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, còn trong P, Tôn giả Man Đồng Tử hoan hỷ lời Thế Tôn dạy.
Trong NC78, Tôn giả A Nan và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, còn trong P, phần cuối của bài kinh là do Tôn giả A Nan thuyết nên các Tỳ-kheo hoan hỷ lời của Tôn giả A Nan.
Trong NC85, trong bản C, các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn, trong khi ở bản C, bài kinh được chấm dứt bằng một bài kệ do đức đạo sư đọc lên, không có phần kết như thường lệ.
Trong NC94, trong bản C, Tôn giả Fu-chia-lo-so-li hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, còn trong bản P, các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy.
Trong NC96, bản C nói Tôn giả A Nan và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy; trong bản P, đức Thế Tôn tụng lên một bài kệ để kết thúc kinh.
Trong NC97, theo bản C, các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, theo bản P, chính là Tôn giả A Nan.
Trong NC98, bản C nói Tôn giả A Nan và các Tỳ-kheo trẻ hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, trong khi bản P chỉ nói các Tỳ-kheo. Bản P thêm rằng trong khi kinh này được giảng, có 60 Tỳ-kheo đạt đến sự giải thoát lậu hoặc, không còn chấp thủ.
4. 23 kinh bản P thiếu phần kết:
Đó là các kinh số 6, 23, 35, 36, 37, 38, 39, 46, 48, 51, 52, 54, 56, 59, từ 61-64, 68, 69 ,79 ,82 ,89.
Như trong NC6, bản C nói Bà-la-môn Hảo Thủ Thủy Tịnh và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, nhưng bản P chấm dứt ngang, với việc Bà-la-môn đắc quả A-la-hán.
Trong NC23, bản C nói, Bà-la-môn Sheng-wen và người thuộc ngoại đạo tên Pilu hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, còn bản P bỏ phần kết sau khi Bà-la-môn Jànussonì xin quy y Tam bảo, làm một cư sĩ.
Trong NC35, Bà-la-môn và tùy tùng hoan hỷ lời Thế Tôn dạy.
Trong NC36, bản C nói ác ma hoan hỷ lời Tôn giả Mục-liền-liên. Điều này khá lạ lùng, khi ma mà lại hoan hỷ bài pháp của Đại Mục-liền-liên, vì bài giảng của Tôn giả cốt để hàng phục ma. Lại nữa trong bài kinh này, trước đấy đã nói là ác ma đã biến mất. Sự im lặng trong bản P về vấn đề này có lý, và cho thấy sự kết tập bản kinh P có nhiều chính xác hơn.
Trong NC39, theo bản C, Ưu Ba Ly hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, còn trong bản P, chỉ nói Ni Kiền Tử bị thổ huyết.
Trong NC59, trong bản C, vua Ba Tư Nặc, Tôn giả A Nan và hội chúng hoan hỷ lời Thế Tôn dạy; nhưng trong bản P, vua Ba Tư Nặc hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, đứng lên khỏi chỗ, đảnh lễ đức Thế Tôn, nhiễu quanh Ngài rồi ra đi.
Trong NC63, bản C nói Tôn giả Xá-lợi-tử và vô số trăm ngàn người trong chúng hội hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Nhưng bản P chỉ nói đức Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất rằng Bà-la-môn Đà Nhiên đã chết và được sinh lên Phạm thiên giới.
Trong NC79, bản C nói ngoại đạo và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Tôn giả Bạc Câu La. Nhưng không có phần kết trong bản kinh P, nói rằng Tôn giả Bạc Câu La trong khi ngồi giữa chúng hội đã nhập Niết-bàn.
Trong NC89, bản C nói thanh niên Anh Vũ, con trai của Đô Đề và vô số người trong chúng hội hoan hỷ lời Thế Tôn dạy; nhưng bản P bỏ qua phần kết và chỉ nói Todeyyaputta xin đức Thế Tôn nhận ông làm một đệ tử cư sĩ.
Nhận xét: Như vậy một cuộc nghiên cứu tỷ giảo về phần kết của 98 kinh tương đương cho thấy rằng những nhà biên tập kinh C hơi quá theo hệ thống khi biên tập kinh, vì trong 222 kinh không có một kinh nào là không có phần kết; trong khi bản P có 23 kinh không có phần kết; 36 kinh có kết luận gần giống nhau; 26 kinh có kết luận hơi khác, đã cho thấy có một nguồn gốc chung, từ đó các nhà biên tập hai tạng kinh thu thập tài liệu. Nhưng sự bỏ bớt phần kết trong một số kinh P chứng tỏ bản P có độ đáng tin cậy khá cao. Như vậy, thật khá lạ lùng khi ác ma hoan hỷ lời Tôn giả Mục-liền-liên như được thấy trong NC36; và chúng ta cũng không kém ngạc nhiên khi bản C thêm Phạm Ma hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, khi ông ta được báo cáo là đã chết trong đoạn trước như đã thấy trong NC60. Chúng ta cũng thấy bản C đã nói trong NC63 rằng có đến vô số trăm ngàn người trong chúng hội hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Điều này dường như mang màu sắc tư tưởng Đại thừa, và chứng tỏ đây là một sự biên tập khá muộn. Nhưng chúng ta phải nhận rằng, có thể những nhà biên tập về sau đã thêm phần kết để đem lại tính đồng nhất cho toàn thể tạng kinh A-hàm, do đó khiến cho một vài bất ổn len lỏi vào.