Thưa tất cả Tăng Ni và Phật tử, bài pháp hôm nay rất khó hiểu, quí vị chú ý mới có thể tiếp nhận được, đó là bài Tánh không duyên khởi, chân không diệu hữu. Lâu nay nhiều người thắc mắc hai điều này, nhất là giới học giả. Vì sao nhà Phật nói sắc tức không, không tức sắc, nghe khó hiểu, khó nhận định được. Xưa nay chúng ta sống theo mê lầm nên những gì mình nói mình làm mình nghĩ đều theo hướng mê lầm, do đó khi được chỉ thẳng lẽ thật, ta khó nhận ra. Đức Phật là bậc giác ngộ, Ngài thấy và nói trái hẳn với cái nhìn mê lầm của chúng sanh. Vì vậy chân lý Phật dạy rất khó nhận. Tại sao gọi Tánh không duyên khởi? Nhà Phật nói tất cả pháp Tánh không, do duyên hợp thành các pháp. Chữ tánh là chỉ cho cái có sẵn. Từ cái đã có sẵn đó theo duyên hợp mà thành. Ví dụ ngôi nhà trước khi chúng ta xây cất nó không có. Từ chỗ trống không do duyên hợp, đủ các vật liệu kết hợp thợ thầy, nhiều phương tiện mới xây dựng thành cái nhà. Từ chỗ trống không do duyên hợp thành nên nói ngôi nhà Tánh không. Từ cái nhà chúng ta qui ra muôn pháp đều như thế. Sự vật, con người v.v… có mặt trong một thời gian ngắn tạm bợ thì không thể nói nó thật được. Nói Tánh không duyên khởi thì biết các pháp đều hư dối, không thật. Đi thẳng vào con người, chúng ta có phải từ không duyên hợp thành có chăng? Ai cũng bằng lòng như thế, nhưng bây giờ nói mình giả, quí vị chịu không? Không chịu. Từ thấy mình thật nên muốn ăn ngon, mặc đẹp, thụ hưởng tất cả những gì thế gian có. Một khi muốn thụ hưởng mà bị ngăn trở thì vui không? Nổi nóng lên liền. Phật gọi đó là si mê. Từ si mê sanh ra tham lam, từ tham lam sanh ra nóng giận. Người học Phật phải có trí tuệ, phải giác ngộ mới thấy đúng như thật. Khi biết thân mình duyên hợp hư dối, chúng ta sẽ có cái nhìn thế nào với cuộc đời? Thân này là giả, nếu ai khen đẹp mình cũng cười, ai chê xấu hoặc khinh miệt mình cũng cười. Biết nó là đồ giả có gì quan trọng để vui hay buồn. Do đó nghe khen không mừng, chê không giận. Rõ ràng tu giỏi là từ trí tuệ thấy đúng như thật mà ra. Không si nên không tham, không tham nên không sân. Các vị Bồ-tát hi sinh thân mạng để cứu muôn loài. Chúng ta nghe nói hi sinh thân mình liền hoảng sợ, làm sao dám hi sinh. Các ngài dám hi sinh vì thấy rõ nó giả, không quan trọng. Chúng ta thấy thân mình thật, thân mình quan trọng nên hi sinh không được. Ai hi sinh cho mình thì được, còn mình hi sinh cho người khác thì không được. Đó là lý do chúng ta bị bệnh chấp ngã rồi ích kỷ, tham lam. Cho nên người tu Phật phải có Trí tuệ Bát-nhã, nhìn thấu suốt được lẽ thật từ con người cho tới muôn vật. Chúng ta thấy đúng như thật rồi thì việc tu hành rất thuận tiện, rất dễ dàng. Còn thấy theo mê tình thì sự tu hành rất trở ngại. Tôi hỏi một trăm Phật tử “quí vị tu khó không”, một trăm người đều nói khó. Tại sao khó? Vì tu là làm những điều trái ngược với thói quen của mình, thói quen hay buồn, hay giận, hay thương, hay ghét. Vì vậy luôn luôn thấy sự tu khó khăn. Đi sâu hơn chút nữa, chúng ta thấy thân này từ không, do duyên cha mẹ tụ lại nên có thân. Từ đó nhờ sữa mẹ hoặc sữa bò nuôi dưỡng thân, lần lần chúng ta lớn khôn trưởng thành. Như vậy gốc ban đầu để thành người nguyên từ Tánh không, duyên hợp mà có. Bởi duyên hợp nên đủ duyên nó còn, thiếu duyên nó mất. Thân ta do đất, nước, gió, lửa tụ lại, thiếu một trong bốn thứ ấy thì chúng ta không còn tồn tại. Các pháp cho đến con người và muôn loài có hợp ắt có tan, chỉ là tan sớm hay tan muộn thôi. Ví dụ những loài vật nhỏ sống một, hai ngày rồi chết, chúng ta cho nó là giả tạm, còn con người sống mấy chục năm mới chết nên ngầm tưởng là thật. Duyên hợp thì xấu rã sớm, tốt rã chậm thôi, sớm chầy gì cũng phải rã, phải tan. Đừng nghĩ tan rã sớm là giả, tan rã muộn là thật. Quan niệm như thế không đúng. Chúng ta phải hiểu thấu ý nghĩa của đạo Phật nói, tất cả pháp do duyên hợp mà thành. Đã duyên hợp thành thì các pháp không thật. Đó là chân lý. Ở thế gian luôn luôn hỏi “cái này thật hay giả”, nếu cái nào không đúng tiêu chuẩn gọi là giả, còn đúng tiêu chuẩn gọi là thật. Phân biệt giả thật như vậy có đúng chân lý chưa? Chưa, nó đều là tạm bợ hết, không có gì do duyên hợp mà gọi là thật cả. Khi hiểu được lý Bát-nhã, chúng ta tu hết sức gần với Phật. Trong kinh Kim Cang, Phật nói phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai, nghĩa là các pháp có tướng đều hư giả, nếu thấy các tướng biết nó hư giả, đó là chúng ta thấy Phật. Phật ở đâu? Phật là thấy Tánh giác của mình luôn hiện hữu, nhưng phải giác mới nhận ra được, còn mê thì không nhận được, bởi vì Phật là giác. Nếu thấy các pháp hư giả, không thật đó là chúng ta có trí tuệ, sẽ gần với giác ngộ. Khi thấy tất cả sự vật bên ngoài và thân mình đều là giả, tâm quí vị có rối loạn, có tham sân si không? Không tham sân si, như vậy gần Thánh chưa? Không tham sân si thì thành Thánh rồi. Thánh với phàm cách nhau bao xa? Chỉ đổi một cái nhìn. Thấy thân này thật, chấp đuổi theo nên có tham sân si. Thấy thân này giả thì hết si, hết tham, hết sân. Ai cũng sợ tham, sân, si mà cứ nuôi si hoài làm sao hết tham, hết sân được. Đức Phật nhắm thẳng cái gốc chỉ cho chúng ta tu. Người thấy đúng lẽ thật sẽ thấy Phật. Như vậy Phật ở gần hay xa? Hết sức gần. Vậy mà bao nhiêu năm chúng ta đi tìm kiếm, không ngờ Phật ở bên cạnh mình mà lại bỏ quên. Ngày nay chúng ta học Phật, học giáo lý chân thật thì phải soi thấy năm uẩn đều không. Năm uẩn là Sắc uẩn tức thân tứ đại, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn. Thọ là cảm giác, tưởng là suy tưởng, hành là suy tư, thức là tâm phân biệt. Những thứ đó sanh diệt, không thật mà chúng ta ngỡ nó thật. Từ chấp thân thật nên giành nhau vật chất, chấp tâm suy nghĩ của mình thật nên chống đối, giành phần đúng về mình. Do đó mà thế gian đau khổ tràn trề. Bây giờ biết thân không thật, tâm suy nghĩ cũng không thật thì qua hết khổ nạn. Lời Phật nói đâu phải suông mà Phật tử không làm tới nơi nên vẫn còn khổ hoài. Tụng Bát-nhã thuộc lòng, nhưng ý nghĩa trong kinh không biết, cứ nghĩ tụng nhiều biến sẽ có phước. Tu như thế không được lợi ích gì cả. Tu là cốt làm sao thấy được lẽ thật của Phật dạy, chớ không phải đọc tụng kinh ngoài môi. Kinh Bát-nhã có chia ra ba phần: Văn tự Bát-nhã, Chiếu kiến Bát-nhã và Thật tướng Bát-nhã. Văn tự Bát-nhã là chữ nghĩa văn kinh, Chiếu kiến Bát-nhã là y lời Phật dạy, dùng trí tuệ soi xét thân năm uẩn không thật. Từ Chiếu kiến Bát-nhã mới đi đến Thật tướng Bát-nhã. Cho nên soi thấy năm uẩn đều không thì qua hết khổ nạn. Kinh Kim Cang nói thấy tất cả pháp không thật là thấy được Phật, tức lên đến bờ giác. Chỉ một bài kinh ngắn, nếu chúng ta sống đúng, tu đúng thì đã giác ngộ rồi. Ngày nay người tu học kinh thật nhiều, hết bộ này đến bộ kia, mỗi đêm tụng một, hai phẩm, liên miên như vậy mà khổ vẫn cứ khổ hoài. Vì chúng ta tu bằng văn tự chớ không tu bằng trí tuệ soi xét. Đó là chỗ sai lầm. Bây giờ trở lại vấn đề Tánh không. Cái nhà khi chưa xây dựng, đó là một khoảng đất trống, cái trống sẵn đó gọi là Tánh không. Khi xây dựng cái nhà rồi nó trở thành có. Có là duyên hợp nhưng trong cái có đó vẫn có cái không. Căn nhà sử dụng được là nhờ nó trống ở trong. Nếu xây bít hết thì không thành nhà. Cái trống này cũng là không. Cái trống sẵn ở trước gọi là Tánh không, cái trống này là đối với vách, đối với cột, đối với mái. Mái nhà, vách nhà, cột nhà có tướng, chỗ này không có tướng nên gọi là không. Chữ Tướng không trong Bát-nhã là Thật tướng. Thật tướng thì không sanh không diệt. Còn Tánh không là chỉ cho cái không sẵn, do duyên hợp tạm có muôn vật. Thật tướng là Tướng không, cái không này trùm khắp tất cả. Trong căn nhà có cái không, trong con người chúng ta cũng có cái không. Cái không ở đâu? Lỗ mũi không trống chắc chúng ta chết ngạt. Như vậy trong con người cũng không, nếu dùng kính hiển vi rọi vào sẽ thấy lỗ chân lông trống không. Cả thân người chúng ta đều có cái không lẫn trong đó. Nếu không có cái không thì con người không thể sống được. Thân này có cái không chúng ta mới sống được, tất cả sự vật đều như vậy hết. Như vậy trước khi có nhà nó là không, trong khi có nhà nó cũng có cái không, sau khi nhà tan hoại nó cũng trở về không. Quá khứ không, hiện tại cũng có không, vị lai hoàn toàn không, như vậy cái nhà thật không? Nếu trước có cho tới muôn đời thì vật đó mới gọi là thật. Trước không, do duyên hợp tạm có, trong khi tạm có cũng chứa cái không ở trong, rồi rã tan cũng thành không nữa. Như vậy trước không, sau không, giữa cũng có không, cái không trùm hết. Rõ ràng những gì chúng ta ngỡ là thật đều giả cả. Thế thì chúng ta nên trọn đời cung phụng cái giả hay chỉ mượn nó để tu cho giải thoát sanh tử? Tôi thường ví dụ, như người qua biển lỡ chìm thuyền, bấy giờ gặp khúc gỗ mục, người ấy ôm khúc gỗ mục tạm sống chờ cầu cứu hoặc bơi vô bờ, đó là người khôn. Nếu nghĩ nhờ ôm khúc gỗ mục nên không chết đuối, rồi ráng đeo cứng nó không chịu bơi, không chịu kêu cứu thì người đó khôn không? Không khôn. Chúng ta kiểm lại xem mình thuộc loại nào? Thân này như khúc gỗ mục vậy, nó rã lúc nào không biết mà cứ bám vào nó luôn. Không lo bơi vô bờ, không lo kêu cầu cứu, cứ ghì nó mãi, chờ ngày nó rã. Đó là việc làm thật không sáng suốt chút nào hết. Chúng ta có đang hài lòng với khúc gỗ mục này không? Đang hài lòng với nó, nên không lo gì hết. Đó là điểm yếu dở của chúng ta. Người tu phải biết dựa vào thân nhưng cũng biết rõ bản chất nó tạm bợ hư dối. Chỉ nương nó để tìm một lối hướng thượng, vượt thoát chết chìm trong biển sanh tử thôi. Người tu sớm cầu thoát khỏi sanh tử là người khôn ngoan. Phật nói các pháp hư giả, thân này hư giả v.v… như vậy có bi quan không? Nói thật mới hăng làm, còn giả thì làm chi cho mệt. Đó là cái nhìn của thế thường, người hiểu Phật không nhìn như thế. Người đời cứ lầm thân thật nên tranh hơn, tranh thua, làm khổ cho nhau. Phật tử hiểu đạo rồi có thể ngồi yên nhìn người khác khổ không? Hay phải khuyên giải cho họ biết, đừng lầm nữa. Chúng ta phải nhận ra cái cao thượng, quí báu hơn để dẫn dắt kẻ mê ra khỏi sai lạc đó. Đạo Phật nói giả mà chư Bồ-tát cứ lăn xả vào đời cứu độ chúng sanh. Tinh thần của Bồ-tát đạo là biết giả nhưng vẫn thương chúng sanh và hết lòng cứu độ chúng sanh. Phật dạy: “Khổ bị thiêu đốt trong địa ngục chưa phải là khổ, khổ làm ngạ quỉ đói khát chưa phải là khổ, khổ làm súc sanh mang ách kéo cày, kéo xe chưa phải là khổ, chỉ si mê không biết lối đi mới là khổ.” Như vậy Phật cho nỗi khổ lớn nhất là si mê. Bởi vì tạo tội đọa địa ngục, khi hết tội được trở lên làm người, ngạ quỉ súc sanh cũng thế. Chỉ có si mê, cứ lao mình đi sâu trong mê lầm không biết chừng nào ra được, đời này kiếp nọ liên miên không dừng, mới là đáng sợ nhất. Chúng ta hiện giờ sợ cái không đáng sợ. Sợ địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh mà không sợ si mê. Trong khi chính si mê là nguồn gốc đưa mình vào sanh tử liên miên không dừng. Phật dạy các pháp Tánh không duyên khởi, vậy chúng ta phải nhìn nó thế nào mới đúng? Những gì do nhân duyên hòa hợp mà thành thì đều tạm bợ, hư giả. Phật dạy “tất cả các pháp do nhân duyên sanh”, đã do nhân duyên sanh thì phải thấy nó huyễn hóa, không thật. Chúng ta có bệnh chấp thật. Cái đó thật hay không? Trả lời thật hoặc không thiên hạ chịu, chớ nói giả họ không chịu. Nhưng cuộc sống này không thật hẳn, cũng không phải không ngơ. Hiện tại chúng ta đang có mà chỉ có tạm thôi. Nên trong kinh thường dùng ví dụ như đêm rằm trăng sáng, một người đứng cạnh hồ nước trong, thấy dưới hồ có trăng. Nếu hỏi mặt trăng có thật không thì trả lời sao cho đúng chân lý? Thật có hay không? Nếu nói không thì rõ ràng mắt thấy, nếu nói có sao đưa tay vớt không được. Nên trả lời đúng nhất là mặt trăng dưới hồ không thật, cũng không phải không, chỉ là bóng tạm bợ, hư dối thôi. Đủ duyên, trên có mặt trăng dưới có hồ nước trong thì bóng mặt trăng tạm có. Bóng đó giả có, không phải thật có cũng không phải không có. Thân chúng ta cũng vậy, bây giờ đâu thể nói không ngơ được. Có ăn, có mặc, có nói năng đủ thứ, không phải không nhưng đừng ngỡ thật có. Không biết nó giả ngỡ là thật có thì thấy sai lẽ thật, thấy sai lẽ thật là si mê. Chúng ta học Phật là học trí tuệ, trí tuệ không cho phép chúng ta thấy sai lầm. Vậy chúng ta phải thấy tất cả sự vật trên thế gian này sao cho đúng? Kinh Kim Cang, Phật nói kệ: Nhất thiết hữu vi pháp, Tức là các pháp có sanh, có diệt trên thế gian này chỉ như giấc mộng, như vật huyễn hóa, như bọt nước, như làn chớp v.v… nó không có thật. Chúng ta luôn luôn thấy đúng như vậy là thấy đúng lẽ thật, thấy đúng chân lý. Thấy ngược lại thì không đúng lẽ thật. Trong kinh Kim Cang, Phật thường nói giả sử có người đem bảy báu nhiều bằng núi Tu-di để bố thí, phước không bằng người tụng bốn câu trên. Tại sao? Vì của báu bố thí đó đối với thế gian rất nhiều, nhưng Phật thấy nó tạm bợ, có rồi mất. Còn bốn câu kinh Kim Cang là trí tuệ thấy đúng như thật, đây mới là phước lâu dài, đúng với ý nghĩa thoát khỏi mê lầm. Chúng ta học kinh, hiểu kinh phải thấy đúng lẽ thật. Nhiều Phật tử tụng kinh Kim Cang nghi ngờ, bố thí thân này nhiều như số cát sông Hằng sao không bằng người trì tụng kinh Kim Cang, vô lý quá? Thật tình chúng ta bỏ bao nhiêu thân mạng này mà vẫn còn ở trong mê, thì vẫn còn phải bỏ không biết bao nhiêu lần nữa. Nếu hiểu thấu được bốn câu kinh Kim Cang, biết rõ các pháp hư dối, thân này tạm bợ, đó là trí tuệ đưa mình ra khỏi sanh tử, cứu mình muôn đời. Chúng ta thấy việc hết sức khó làm là bố thí thân, đã thế Phật còn bảo vô số lần bố thí thân như vậy không bằng trì bốn câu kinh Kim Cang. Mới nghe ai cũng hoảng hốt, kinh gì mà giá trị lắm vậy? Thật ra đó là trí tuệ chân thật. Bốn câu kinh Kim Cang thâm nhập được là chúng ta có trí tuệ, hết mê lầm, hết sanh tử, không giá trị sao được. Còn bố thí, cúng dường bao nhiêu đi nữa đều là sanh diệt, tạm được rồi mất, không phải chân lý cứu kính. Vì vậy chúng ta tu phải thâm nhập được lẽ thật của Phật dạy là Trí tuệ Bát-nhã. Hiểu thế rồi cuộc đời tu hành của ta nhẹ nhàng, thảnh thơi mà kết quả rất tốt. Ngược lại không hiểu như vậy, chúng ta tốn không biết bao nhiêu công phu mà kết quả chẳng có bao nhiêu. Chúng ta phải thấy được gốc của mê lầm để chuyển thành giác ngộ. Phật giác ngộ nên Ngài nói đúng lẽ thật. Song lẽ thật ấy khác với phàm tình nên ai cũng cho rằng sách Phật khó hiểu quá. Vì sao khó? Vì ngược với cái nhìn của thế gian. Biết các pháp Tánh không duyên khởi chúng ta bớt được tham sân si. Bớt tham sân si mới tiến tới giải thoát. Nếu không biết như vậy, dù dụng công phu bao nhiêu cũng không thể nào giải thoát nổi. Nói Tánh không là nói cái không sẵn có từ trước, từ không do duyên hợp giả có. Các pháp do duyên hợp giả có đều không thật, khi tan hoại cũng sẽ trở về Tánh không ban đầu. Đó là nói về Tánh không duyên khởi. Như vậy Tánh không duyên khởi với Chư pháp không tướng trong kinh Bát-nhã khác nhau không? Không thì không khác, nhưng cái không sẵn và cái không đối đãi với có. Cái khoảng không này đối với có là không tướng. Còn Tánh không là từ không mà xây dựng thành cái nhà, không này là cái không trước, có sẵn nên gọi là Tánh không. Còn đối với tướng có vẫn hàm chứa cái không ở trong, cái không đó gọi là tướng không của các pháp. Khi hiểu được các pháp Tánh không do duyên khởi mà có, chúng ta thấy thế nào? Thấy nó như mộng, như huyễn, như bọt, như bóng. Cuộc sống năm, bảy mươi năm như giấc mộng, có gì đâu. Khi đang nằm mộng, chúng ta cứ ngỡ mộng là thật trăm phần trăm, nhưng vừa tỉnh lại liền biết mộng là giả. Cũng vậy, khi đang say với cuộc sống mê lầm này, chúng ta thấy nó thật trăm phần trăm, nhưng thức tỉnh được rồi liền biết nó giả. Một khi biết nó giả thì mọi đam mê, mọi giành giật đều tan hết. Vậy biết các pháp duyên hợp hư giả chúng ta hết si, hết si thì hết tham, hết tham thì hết sân. Tham sân si hết là Thánh rồi. Những người bị nói nặng liền nổi giận là tại sao? Tại cho mình thật, lời nói thật nên bị xúc phạm danh dự thì nổi nóng. Bây giờ biết mình không thật, lời nói không thật, có gì xúc phạm, danh dự chỗ nào? Trên đầu hay lỗ tai? Thật ra con người tự tưởng tượng đặt ra, rồi tranh hơn tranh thua, giận hờn thù oán đủ thứ hết. Đó là nguyên nhân của đau khổ. Bây giờ biết rõ tất cả đều không thật thì chấm dứt các thứ hơn thua thù oán. Như vậy dễ tu không? Rất dễ, chỉ một mấu chốt ấy thôi. Nhìn thấy thân thật, sự vật thật đổi lại thấy thân giả, sự vật giả, cái đổi đó tốn bao nhiêu thời gian? Chỉ đổi cái nhìn thật thành giả, không tốn tí nào hết. Vậy mà chúng ta không chịu đổi, bám cái nhìn cũ hoài. Cái nhìn cũ là mê lầm, bám vào cái mê mà đòi tu thành Phật sao được? Bây giờ phải chuyển từ mê thành giác, cuối cùng mới thành Phật được chứ! Bát-nhã không phải nói Tánh không, Tướng không để biết suông mà nói để chúng ta nhận rõ thân này giả, cảnh đời giả, thấy giả rồi tiêu hết tham sân si. Đó là bước nhảy vọt của người tu. Ngược lại, nếu ôm nó cho là thật dù trì tụng Bát-nhã mấy chục năm, mấy trăm năm rồi cũng đi tuốt, chớ có ở đây hoài đâu. Còn cái thật của mình đó mà mình không chịu thấy, không chịu biết mới là thiệt thòi lớn lao. Bây giờ bước sang phần thứ hai, nói về Chân không diệu hữu. Chúng ta thường nghe từ Chân không diệu hữu, vậy Chân không là gì? Tôi dẫn bài kệ Lục tổ Huệ Năng trình với Ngũ Tổ, đối chiếu với bài kệ của ngài Thần Tú: Bồ-đề bản vô thọ, Dịch: Bồ-đề vốn không cây, Ngũ Tổ chịu câu bản lai vô nhất vật. Bản là xưa, lai là nay, bản lai vô nhất vật là xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi bặm mà lau chùi? Câu này có giá trị như thế nào? Chúng ta tu niệm Phật hoặc tọa thiền, đòi hỏi phải nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn là chỉ còn một tâm, không còn nghĩ tưởng lăng xăng nữa. Lâu nay chúng ta cho nghĩ tưởng lăng xăng là tâm mình, tôi nghĩ thế này, tôi tưởng thế kia, tôi phân biệt thế nọ v.v… cho nghĩ suy, phân biệt, thương ghét v.v… là tâm mình. Như vậy từ khi cha mẹ sanh ra cho tới ngày nhắm mắt mình là một hay nhiều? Là một. Nếu là một tại sao thương cũng mình, ghét cũng mình, giận cũng mình, oán thù cũng mình v.v… có bao nhiêu thứ mình? Chẳng lẽ mình là một lố tạp nhạp? Cho nên nói những nghĩ suy buồn thương, giận ghét là mình thật sai lầm. Những suy nghĩ đó là tướng sanh diệt, nó sanh diệt còn mau hơn sự sanh diệt của thân nữa, làm sao thật được! Bây giờ muốn hết chấp phải biết những thứ ấy hư dối, vọng tưởng bỏ đi, chừng nào không còn một niệm mới được. Không còn suy nghĩ, lúc đó hết mình hay còn mình? Khi không còn niệm nghĩ suy thì hết vọng tưởng chớ không phải hết mình. Quí vị thử nghiệm chừng một, hai phút ngồi chơi, không một niệm nào trong đầu hết, lúc đó gió thổi nghe mát không, chim kêu nghe tiếng không, người đi ngang thấy không? Thấy là biết, nghe là biết thì mình hiện tiền, đâu phải có nghĩ mới có mình. Vậy mà lâu nay chúng ta lầm mê, cho suy nghĩ là mình rồi bỏ quên cái biết hiện tiền luôn luôn ở bên mình. Niệm suy nghĩ là tướng sanh diệt liên miên, tạm bợ mà cho nó là mình, còn cái không suy nghĩ luôn biết hiện tiền từ khi có thân này cho đến ngày nhắm mắt lại không nhận ra. Thế nên Phật dạy chúng ta tu để dừng những suy nghĩ sanh diệt, đừng nhận nó là mình nữa. Ngồi thiền với mục đích định các loạn tưởng, định được rồi trí tuệ chân thật mới hiện ra. Nếu chưa định thì trí tuệ không thể hiện được, vì các loạn tưởng phủ che hết. Nghĩ suy là vọng tưởng hư dối không thật, đừng chạy theo nó. Quở rầy riết nó lặng, lặng đến bao giờ không còn một niệm nào hết gọi là định. Định rồi thì Tâm thể chân thật hiện tròn đủ. Chỗ này Lục Tổ nói xưa nay không một vật. Tại sao? Vì nó nguyên vẹn, không một niệm, không một suy nghĩ nào hết. Một niệm, một nghĩ là một vết nhơ. Cho nên ngài Thần Tú bảo phải chùi tấm gương tâm cho những niệm nhơ ấy hết. Lục Tổ nói tấm gương đó vốn trong suốt, còn những thứ phủ che không thật. Nếu biết thể trong suốt không có gì che phủ được, thì rõ bản lai vô nhất vật, tức xưa nay không một vật, không cần phải lau chùi. Ngài Thần Tú nói lau gương thì gương mới sáng. Chúng ta thấy mặt gương bị dơ thì nói gương dơ, phải lau cho nó sáng. Nói lau gương mà không ngờ là lau bụi. Nguyên gương đã sáng rồi, do bụi phủ nên tối, bây giờ muốn sáng phải lau bụi. Bụi phủ lấp gương nên gương tối, nói như thế đúng lẽ thật chưa? Ai bảo đúng là bà con với ngài Thần Tú. Lục Tổ không như thế. Bụi phủ mấy lớp cũng được, nếu biết thể gương vốn sáng thì lau là lau bụi chớ không phải lau gương. Lau sạch bụi tự nhiên gương sáng. Cái sáng ấy có từ thuở nào, chính khi bụi phủ nó cũng sáng, nhưng do bụi che nên ta không thấy sáng. Nói gương tối là sai nên Ngũ Tổ không chịu, phải lau mới sáng thì không được. Bản chất gương là sáng, Lục Tổ thấy được như thế nên Ngũ Tổ nhận liền. Tâm thể chúng ta vốn trong sáng, do những nghĩ suy lăng xăng buồn vui, giận ghét che phủ nên mờ tối. Cho nên tu là dừng nghĩ suy, dừng bằng cách nào? Phật dạy nhìn lại thấy nó giả thì đừng theo, không theo là dừng rồi. Tâm lăng xăng làm khổ chúng ta biết bao nhiêu đời rồi. Nó tạo nghiệp dẫn đi luân hồi sanh tử, bây giờ muốn dứt luân hồi sanh tử phải dừng nó lại. Không còn một mảy may lăng xăng nào chen lẫn, thì bản lai vô nhất vật hiện ra, đó mới là cái thật mình. Gốc của sự tu là chỗ đó. Chúng ta tu là trở về cái thật muôn đời của chính mình, chớ không phải ở đâu mang lại. Vì vậy Phật nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức tánh Phật sẵn có nơi tất cả mọi người. Ngài là Phật đã thành, còn chúng ta là Phật sẽ thành. Nếu chúng ta biết dừng lặng hết những lăng xăng thì trí tuệ chân thật hiện ra, đó chính là ông Phật sẵn nơi mình. Chúng ta theo đuổi cái bóng mà bỏ quên cái thật. Theo đuổi mãi càng ngày càng giàu hơn, đến một ngày đầy ngập, muốn ngủ ngủ không được, nó cứ tràn ra hoài. Những cái bóng ấy sẽ tạo nghiệp. Thương thì tạo nghiệp ái, ghét thì tạo nghiệp sân. Cứ như vậy, thương ghét buồn giận cột nhau, trói nhau dẫn đi sanh nơi này nơi kia trong lục đạo không ngừng. Cho nên dừng hết những niệm buồn thương, giận ghét, chỉ còn một thể trong lặng sáng suốt, chừng đó mới giải thoát sanh tử. Còn những niệm lăng xăng lôi kéo thì khỏi mong cầu giải thoát. Giác ngộ thấy được thân hư dối, tâm hư dối không bị nó lừa gạt nữa, dần dần chúng ta bỏ được nó. Bỏ đến bao giờ đi, đứng, nằm, ngồi không còn một niệm thì được nhất tâm hay được định. Như vậy thiền định hay nhất tâm của niệm Phật không khác. Đó là lý đạo chúng ta phải thâm nhập, phải hiểu thấu. Phật Di-đà là Vô lượng thọ, Vô lượng quang, tức ánh sáng vô lượng và tuổi thọ vô lượng. Tánh giác của chúng ta không sanh không diệt, sáng suốt vô lượng, nên không khác với Phật Di-đà. Hiểu như vậy, tu pháp môn nào cũng đưa đến giác ngộ giải thoát. Chúng ta tu buông hết vọng tưởng, lúc đó có ngu không? Không tính hơn tính thua, không nghĩ phải nghĩ quấy gì hết, không ngu sao được. Cho nên các Thiền sư thường hay dùng câu “như ngây như ngu”. Như ngu chớ không phải ngu thật. Đừng nghe nói như ngây như ngu rồi cho rằng ngu thật. Khi không có niệm phân biệt hơn thua, phải quấy, nghe ai nói phải quấy ta không dính mắc, nên gương mặt có vẻ ngây ngô, không quan tâm gì cả. Thật sự lúc đó mình rất tỉnh sáng, người không hiểu cho là ngu. Nhất là trong gia đình cha mẹ, anh em họp lại bàn tán phải quấy, mình cứ lặng yên không có ý kiến gì hết, họ nói mình ngu. Đối với thế gian mình là kẻ ngu, nhưng lại không thật ngu. Còn những kẻ đeo đuổi vọng tưởng thấy như khôn nhưng thật ra lại không khôn. Khôn để tạo nghiệp sanh tử, ngu để giải thoát sanh tử, như vậy không biết ai khôn, ai ngu? Quí vị nhận biết thật rõ điều này để trên đường tu không bị lầm. Nói đến đạo Phật là nói đến sự giác ngộ, giải thoát. Nếu muốn giác ngộ giải thoát thì phải thấy đúng như thật, phải dừng hết niệm sanh diệt. Còn niệm sanh diệt tức còn tạo nghiệp, mà còn tạo nghiệp thì còn luân hồi. Cho nên nói tới tu Phật, chúng ta cần phải biết rõ lối dạy nào đúng chánh pháp, lối dạy nào không đúng chánh pháp. Không hiểu vậy, nghe ai nói cái gì linh thiêng, mầu nhiệm, quí vị ham quá chạy theo là hỏng cả đời hoặc nhiều đời. Phật tử nên nhớ không có thần Thánh nào thay mình được. Bỏ vọng tưởng là ta bỏ chớ không ai bỏ thế mình cả. Tu là gạn bỏ từ từ những sai lầm, khi sai lầm hết thì cái chân thật hiện ra, không do ai đem đến cho mình. Chúng ta đang có Tánh giác hiện tiền mà bỏ quên, có của báu mà không giữ, để cho bọn lăng xăng lộn xộn vô làm khuất mất đi, có đáng thương không? Rất đáng thương. Trong kinh Viên Giác, ngài Văn-thù hỏi Phật: “Thế nào là vô minh?” Phật trả lời: “Nếu đối thân tứ đại cho là thật, tâm đối đãi lăng xăng cho là thật, đó là vô minh.” Quí vị có vô minh không? Biết là vô minh phải bỏ chứ! Trong Mười hai nhân duyên, vô minh đi đầu. Manh mối của sanh tử là vô minh. Thân giả dối tưởng thật, tâm lăng xăng sanh diệt tưởng tâm thật, hai cái đó là vô minh. Ngược lại thấy thân giả dối không thật, tâm lăng xăng sanh diệt bỏ đi thì hết vô minh, hết vô minh thì hết sanh tử, được giải thoát. Như vậy giải thoát thuộc quyền của ai? Quyền của chúng ta. Vậy mà quí vị cứ cầu thần Thánh hoài, làm sao hết khổ, hết nghiệp được. Còn suy nghĩ là còn tạo nghiệp, vì nghĩ thiện nghĩ ác, nghĩ tốt nghĩ xấu thì có thương, có ghét, có tạo nghiệp. Tu là tự đưa mình tới chỗ hoàn toàn thanh tịnh, từ đó mới được giác ngộ. Lục tổ Huệ Năng nói “bản lai vô nhất vật” được Ngũ Tổ thừa nhận cho vô thất. Đến khi nghe kinh Kim Cang, tới câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” Ngài liền đại ngộ. Đi, đứng, nằm, ngồi không dính mắc với sáu trần, đó là trụ tâm Bồ-đề, trụ tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Chúng ta tu là ở trong hàng phục tâm bằng cách không chấp ngã, ở ngoài đối với sáu trần không vướng mắc. Lúc đó còn cái gì che đậy tâm của mình không? Hoàn toàn trong sạch. Nghe đến đây Lục Tổ giác ngộ, liền thốt lên rằng: “Đâu ngờ tánh mình vốn tự thanh tịnh, đâu ngờ tánh mình vốn không sanh diệt, đâu ngờ tánh mình vốn tự đầy đủ, đâu ngờ tánh mình vốn không dao động, đâu ngờ tánh mình hay sanh muôn pháp.” Cái chân thật ấy không sanh không diệt mà lại hay sanh muôn pháp. Đó là để chỉ cho chân không mà diệu hữu. Chân không là không tất cả niệm che đậy, hay sanh muôn pháp là diệu hữu. Diệu hữu là gì? Là khi đạt được thể chân không rồi, từ đó phát sanh ra rất nhiều diệu dụng, làm lợi ích vô lượng chúng sanh, Lục Tổ gọi là hay sanh muôn pháp. Phật có ba thân: Pháp thân, Báo thân, Hóa thân hay Ứng thân. Người tu thể nhập được Pháp thân liền đủ ba thân, có những thần thông diệu dụng, Tam minh, Lục thông, Tứ vô sở uý, Thập bát bất cộng v.v… nhiều vô số. Như vậy vào được thể chân không sẽ có diệu hữu, chớ không phải tới đó hết trơn. Đừng lo buông hết, mình ngu ngu khờ khờ, không biết gì cả. Tới đó có đủ ba thân, trí tuệ và diệu dụng vượt cả thế gian. Trong mười mục chăn trâu, mục thứ tám là trâu và chăn đều mất. Thằng chăn là trí tuệ thấy các pháp hư giả. Con trâu là niệm hơn thua, phải quấy, tốt xấu. Những niệm đó chạy cuồng loạn giống như trâu điên, nên phải tìm đủ cách cột nó, điều phục được rồi từ từ nó thuần, đến lúc thảnh thơi cũng chưa xong. Khi trâu mất hẳn tức niệm không còn nữa, thì thằng chăn còn được không? Thằng chăn là để giữ trâu, trâu hết thằng chăn cũng phải hết. Trí tuệ Bát-nhã dùng để ruồng phá các mê lầm, mê lầm hết thì trí tuệ cũng buông luôn. Lúc đó mới thể nhập Pháp thân gọi là chim bay về tổ, lá rụng về cội. Thể nhập Pháp thân rồi liền có Ứng thân để đi độ chúng sanh. Đó là hình ảnh ông già bụng bự cầm cá chép, xách bầu rượu vô xóm. Thấy như vậy chúng ta mới biết được cái cao siêu của đạo Phật. Khi tu hành thuần thục, đến chỗ dứt hết nhân ngã mới có thể tự tại, liền biết không còn nghi ngờ nữa, đó là diệu hữu. Từ chân không đi đến diệu hữu, nếu chưa nhập được thể chân không, thì thần thông chỉ là trò đùa, không bao giờ có. Như vậy muốn được diệu hữu trước phải có chân không. Quí vị nghe, hiểu cho thấu đáo rồi tu hành, không thôi cứ ngờ vực, tu không tiến nổi. Đó là tôi tạm nói về Tánh không duyên khởi và Chân không diệu hữu. Mong tất cả nắm vững và ứng dụng tu cho đúng, để đến được chỗ giải thoát an vui, lợi mình lợi người viên mãn. |