TÁNH KHÔNG VÀ ĐỒNG THỂ ĐẠI BI
Nguyễn Thế Đăng
Người đi con đường Bồ tát thì cần thấy hiểu “tự tánh của các pháp”, hành các hạnh Bồ tát tương ưng với “tự tánh của các pháp” để đến chỗ giác ngộ hoàn toàn “tự tánh của các pháp” như một vị Phật. Tự tánh của các pháp là “pháp tánh”, là “tánh Không”, là “pháp giới”, là “kho báu Phật pháp”…
Trong bài này, chúng ta sẽ trích một số đoạn trong Kinh Bồ tát Đại Hư Không Tạng thưa hỏi, quyển 3 (bản Hán dịch của Tam tạng Sa môn Bất Không, đời Đường) để tìm hiểu hai chủ đề quan trọng nhất của Bồ tát đạo là Tánh Không và Từ Bi.
“Phật bảo Bồ tát Đại Hư Không Tạng:
Lại nữa, này thiện nam! Như chư Phật giác ngộ tự tánh của các pháp, Bồ tát hãy thọ trì pháp tánh như vậy. Thế nào gọi là tự tánh của các pháp chư Như Lai đã giác ngộ?
Nghĩa là biết tự tánh của các pháp thảy đều như huyễn, nên chẳng có tướng thành tựu; thảy đều như mộng, nên không có tướng cảnh giới; đều như sóng nắng, nên rốt ráo không có tướng sanh; đều như bóng sáng nên không có tướng di động; cũng như hình bóng (trong gương), nên không có tướng tự tánh. Biết tự tánh Không, rốt ráo như sương; biết tự tánh Vô tướng nên không phân biệt; biết tự tánh Vô nguyện, nên tâm không trụ; biết tự tánh lìa dục nên xa lìa tất cả tham dục; biết tự tánh vô vi nên vượt khỏi các tướng về số lượng.
Này thiện nam! Nói lời như vậy để người khác phân biệt rõ ràng. Như Lai đã hiện chứng tự tánh của pháp ấy, nhưng tánh tướng của pháp ấy không thể nói bày. Nếu Bồ tát muốn họ trì tạng pháp của chư Phật, hãy nên biết rõ tự tánh các pháp như Như Lai hiện chứng biết, rồi dùng ngôn ngữ văn tự mà vì các chúng sanh thuyết pháp như vậy. Đó là Bồ tát có thể giữ gìn kho báu chánh pháp của chư Phật”.
Tự tánh của các pháp là như huyễn, như mộng, như sóng nắng (mà tưởng là nước), như bóng sáng, như hình bóng trong gương. Đây là những thí dụ về sự không thật của các pháp, tức là những thí dụ về tánh Không. Tánh Không gồm trong ba giải thoát môn: Không, Vô tướng, Vô nguyện.
Bồ tát thực hành Trí huệ “biết rõ tự tánh của các pháp là tánh Không” rồi vì “các chúng sanh mà thuyết pháp tánh Không cho họ để họ được giải thoát. Đây là Bồ đề tâm: thấu đạt tánh Không để giải thoát cho chúng sanh vô minh.
Giữ gìn kho báu chánh pháp của chư Phật, kho báu ấy chính là Bồ đề tâm, trí huệ tánh Không và đại từ đại bi cứu giúp chúng sanh. Nên ở trước, trong quyển 1, Kinh có lời dạy của Phật Nhất Bảo Trang Nghiêm: “Chỉ dùng tâm đại Bồ đề mà làm ngọc báu”.
“Này thiện nam! Thế nào là Bồ tát khéo biết hữu tình vốn xưa nay thanh tịnh mà thành thục cho họ? Thiện nam tử! Cõi giới chúng sanh xưa nay thanh tịnh, nhưng họ không thể đạt được tánh căn bản của mình. Nếu Bồ tát muốn thành thục cho các chúng sanh ấy nên biết rõ tánh căn bản của chúng sanh thanh tịnh như vậy. Lại nên nhớ nghĩ họ không có ngã kiến, không có chúng sanh kiến, không có thọ mạng kiến.
Lại nữa, chỗ nói tên gọi chúng sanh chỉ là do cái thấy điên đảo vô minh ái dục trói buộc, do các phiền não phân biệt hư vọng mà sanh, không có thật tánh. Bồ tát ấy hãy nên đoạn trừ tất cả phiền não điên đảo hư vọng mà vì chúng sanh nói pháp như vậy, không làm hư hoại thật tánh ấy, khiến họ rõ biết chúng sanh là không có, chúng sanh là lìa. Hãy nên thành thục cho chúng sanh như vậy. Này thiện nam! Đó gọi là Bồ tát khéo biết chúng sanh vốn xưa nay thanh tịnh mà thành thục cho họ”.
Chúng sanh vốn xưa nay thanh tịnh, là không thật có (vô) là lìa (ly). Không có, lìa là những từ để nói về tánh Không. Chúng sanh vốn xưa nay thanh tịnh vì chúng sanh vốn là tánh Không, còn cái thấy có ngã kiến, có chúng sanh kiến, có thọ mạng kiến, thấy chúng sanh không phải là tánh Không thanh tịnh là do phiền não điên đảo phân biệt hư vọng mà sanh, rồi đặt tên cho tánh Không vốn thanh tịnh ấy là “chúng sanh”.
Bồ tát thấy tánh căn bản của chúng sanh vốn là tánh Không thanh tịnh, nhưng vì họ vô minh phiền não điên đảo phân biệt hư vọng mà thấy chính mình là chúng sanh nên lòng bi tự nhiên sanh khởi mà nói pháp cho họ, khiến cho họ thấy biết thật tánh thanh tịnh của chính họ. Càng thấy rõ thật tánh của chúng sanh chừng nào, càng thấy cái vô minh phiền não phân biệt hư vọng của chúng sanh gây ra khổ đau chừng nào, lòng bi của Bồ tát càng lớn chừng ấy để vì chúng sanh mà khai thị sự thật cho họ.
“Này thiện nam! Thế nào là Bồ tát nhập vào nghĩa lý sâu xa của pháp giới, thấy tất cả pháp và các pháp giới dung thông khắp cả, bình đẳng một tánh? Pháp giới cũng gọi là cõi giới lìa dục, vì lìa hết thảy trần tướng; cũng gọi là cõi giới bất sanh vì không có tụ tập; cõi giới không trái nghịch nhau, vì vốn vô sanh; cõi giới không có đi vì không có gì ngang bằng; cõi giới không có đến vì không có gì ngăn ngại; cõi giới không có trụ vì không có sanh khởi; cõi giới như như vì ba đời bình đẳng; cõi giới không có ngã vì xưa nay thanh tịnh; cõi giới không có thọ mạng vì giống như nghĩa đệ nhất; cõi giới không có phân biệt vì không có chỗ trụ; cõi giới không có A-lại-da (tàng thức) vì không có nhiễm ô; cõi giới không có sanh khởi vì tánh bất biến; cõi giới như hư không vì tánh thanh tịnh; như cõi giới Niết bàn vì không có hý luận. Đó gọi là nhập vào nghĩa lý của pháp giới.
Nếu Bồ tát nhập vào nghĩa lý như vậy thì mọi lời giảng nói đều cùng nghĩa lý pháp giới dung thông khắp cả. Tức là biết cõi giới dục và pháp giới là không hai không khác. Lại nữa, tánh dục và pháp giới, tánh sân và pháp giới là không hai; tánh sân và pháp giới, tánh si và pháp giới là không hai; tánh si và pháp giới, tánh phiền não và pháp giới là không hai; tánh phiền não và pháp giới, tánh dục giới và pháp giới là không hai; tánh dục giới và pháp giới, tánh sắc giới và pháp giới là không hai; tánh sắc giới và pháp giới; tánh vô sắc giới và pháp giới là không hai; tánh vô sắc giới và pháp giới, tánh Không và pháp giới là không hai; tánh Không và pháp giới, tánh nhãn giới là không hai; tánh nhãn giới và pháp giới, tánh sắc và pháp giới là không hai; tánh sắc và pháp giới, tánh nhãn thức giới và pháp giới là không hai; tánh nhãn thức giới và pháp giới cho đến tánh ý giới và pháp giới là không hai; tánh ý giới và pháp giới, tánh ý thức giới và pháp giới là không hai; tánh ý thức giới và pháp giới, tánh uẩn giới và pháp giới là không hai; tánh uẩn giới và pháp giới, tánh địa, thủy, hỏa, phong giới và pháp giới là không hai; tánh địa, thủy, hỏa, phong giới và pháp giới, tánh Không và pháp giới là không hai; cho đến hành uẩn của tám vạn bốn ngàn pháp, tất cả pháp và pháp giới là không hai. Đó là tất cả pháp và pháp giới đồng một tánh.
Nếu Bồ tát do trí bình đẳng nhập vào pháp giới như vậy thì có thể thấy ý nghĩa của tánh bình đẳng của tất cả pháp. Này thiện nam! Đây là Bồ tát nhập vào nghĩa lý của pháp giới”.
Pháp giới là vũ trụ, chứa tất cả mọi cõi thánh phàm. Phàm thì chưa thấy thật tánh của pháp giới, mặc dầu vẫn sống trong đó. Thánh tức là Bồ tát thì nhập vào nghĩa lý, tức tánh không hai, của tất cả pháp giới.
Pháp giới thì “lìa hết thảy trần tướng, là bất sanh, là vô sanh, là vô ngại, là vô trụ, là xưa nay thanh tịnh…”. Pháp giới là tánh Không.
Tất cả các pháp, sắc thọ tưởng hành thức, mắt tai mũi lưỡi thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp, đất, nước, lửa, gió, cho đến cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc và tất cả các loại chúng sanh sống trong đó và tất cả phiền não tham dục, sân, si đều cùng với pháp giới là “một tánh bình đẳng, đó là tánh Không thanh tịnh vì vô sanh, tánh không hai dung thông khắp cả, bình đẳng một tánh”.
“Tánh phiền não và pháp giới, tánh dục giới và pháp giới là không hai; tánh sắc và pháp giới, tánh nhãn thức giới cho đến tánh ý thức giới và pháp giới là không hai”, như thế trong pháp giới tánh Không, không có phiền não, không có chúng sanh, không có sanh tử. Tất cả đều là pháp giới tánh Không.
Thấy như vậy và thể nhập tánh không hai của pháp giới bao gồm tất cả các pháp, đó là sự thực hành Cái Thấy, Thiền Định, và Hạnh của Bồ tát. Đó là “thọ trì pháp tánh, pháp tạng của chư Phật, rồi vì chúng sanh mà thuyết pháp ấy cho họ”. Cũng chính do thể nhập tánh không hai của sanh tử gồm chúng sanh và pháp giới mà Bồ tát có thể sống trong sanh tử để giáo hóa cho họ được giải thoát.
Tánh Không không hai này cũng là Chân Như:
“Này thiện nam! Thế nào là Bồ tát dùng Như Lai ấn của trí thiện xảo không gián đoạn để ấn thành Chân Như?
Này thiện nam! Ấn của Như Lai để ấn là ấn không gián đoạn, vô sanh, không chuyển, không có chỗ nắm giữ, không có động, không có chỗ bị động. Ấn Như Lai là ấn rốt ráo chẳng sanh, ấn tánh Không rốt ráo, ấn Vô tướng rốt ráo, ấn Vô nguyện rốt ráo, ấn không tạo tác rốt ráo, ấn lìa dục rốt ráo, ấn Chân Như rốt ráo, ấn thật tế rốt ráo, ấn hư không rốt ráo…”
Tất cả các pháp, thanh tịnh và nhiễm ô, và toàn thể pháp giới, chúng sanh đều dung thông khắp cả, bình đẳng một tánh là tánh không hai thanh tịnh, đều cùng một bản tánh là tánh Không, Vô tướng, Vô nguyện, đều được đóng ấn của Như Lai là ấn Chân Như.
Bồ tát thực hành trí huệ thiện xảo không gián đoạn để thấy và sống trong thật tánh của tất cả các pháp như vậy để giúp đỡ, cứu thoát chúng sanh còn mê mờ tánh căn bản của mình chính là pháp giới tánh Không – Chân Như nên còn chìm đắm trong sanh tử do họ vọng thấy.
“Bồ tát quán thấy các pháp là vô sanh, vì để hoàn thành bổn nguyện ở trong sanh tử nên thọ sanh, quán sát các chúng sanh nên khởi tâm đại từ, dùng định đại bi quán sát các pháp như huyễn hóa, biết tất cả các pháp là chẳng sanh chẳng diệt, quán sát như thật chẳng hư vọng các pháp, pháp có tánh như mộng, được oai thần của Phật Thế Tôn gia hộ nên thị hiện trong sanh tử mà chẳng nhiễm sanh tử”.
Bồ tát quán thấy các pháp là vô sanh, mọi tướng xuất hiện là sanh tử và chúng sanh đều chẳng sanh chẳng diệt, như huyễn như mộng, đây là Bồ tát thấy và sống trong pháp giới tánh Không. Nhưng vì không bỏ bổn nguyện độ thoát cho chúng sanh, nên chính trong pháp giới tánh Không này khởi tâm đại từ đại bi. Đại từ đại bi này tương ưng với “bản tánh căn bản thanh tịnh của chúng sanh”, “định đại bi quán sát các pháp như huyễn hóa, chẳng sanh chẳng diệt”. Như thế đại từ đại bi của Bồ tát không lìa khỏi và luôn luôn tương ưng với pháp giới tánh Không.
Đại từ đại bi của Bồ tát dần dần tỏa khắp xuyên qua các hình tướng của sanh tử và chúng sanh. Sở dĩ xuyên qua được, vô ngại với tất cả các hình tướng của sanh tử và chúng sanh bởi vì nhờ trí huệ mà thấy sanh tử và chúng sanh là không có tự tánh, là tánh Không. Như vậy đại từ đại bi hợp nhất với pháp giới tánh Không để cùng pháp giới tánh Không “bình đẳng một tánh”. Đại từ đại bi trở thành bản tánh của pháp giới, trở thành “tự tánh của tất cả các pháp”. Trí huệ thấu suốt tánh Không và đại từ đại bi thành một, một tánh bình đẳng.
“Này thiện nam! Thế nào là Bồ tát tích tập vô lượng phước đức tư lương, làm nơi nương tựa cho các chúng sanh?
Này thiện nam! Nếu Bồ tát khởi tâm Đại Bi Đồng Thể với tất cả chúng sanh, an trụ trong thiền định, thấy người đến cầu xin thảy đều cho đi. Dùng bàn tay quý báu phước đức vô tận khiến họ thọ dụng, ý vui thanh tịnh. Tâm như đất bằng phẳng, lìa phân biệt cao thấp, mong muốn cho tất cả chúng sanh đều được lợi ích. Vì giữ giới thanh tịnh nên tâm không vướng mắc, khéo hộ trì các căn, lại có thể thành tựu tất cả bố thí, được đà la ni, thành tựu biện tài. Đem những tích tập thiện căn như thế hồi hướng cho Giác ngộ và chúng sanh. Như bốn đại bên ngoài là chỗ nương tựa của tất cả thế gian, bốn đại bên trong là chỗ nương tựa của tất cả chúng sanh. Bồ tát suy nghĩ như vầy: Tất cả những thiện căn, pháp, trí thiện xảo ta đã tích tập, không có một pháp nào mà không cho chúng sanh làm nơi nương tựa.
Đó là Bồ tát có được vô lượng phước đức tư lương, vì các chúng sanh mà làm nơi nương tựa”.
Vị Bồ tát đã chứng được phần nào “pháp giới bình đẳng một tánh” thì tâm đại bi của vị ấy thành Đồng thể Đại bi. Đồng thể Đại bi là đại bi đồng thể với “pháp giới bình đẳng một tánh”. Vì đã ở trong pháp giới bình đẳng một tánh, pháp giới này là vô tận nên Bồ tát có “bàn tay quý báu phước đức vô tận”. Dĩ nhiên vì Bồ tát này chưa chứng trọn vẹn Pháp thân, chưa chứng trọn vẹn pháp giới một tánh là tánh Không, nên đồng thể đại bi này còn giới hạn trong phần pháp giới tánh Không đã chứng. Chỉ có đức Phật chứng hoàn toàn Pháp thân, chứng hoàn toàn pháp giới một tánh, thì đại bi đồng thể mới hoàn toàn trọn vẹn được.
Khi chứng được vài phần của đồng thể đại bi thì hai sự tích tập của Bồ tát, tích tập phước đức và tích tập trí huệ có thể ảnh hưởng trực tiếp, rộng lớn đến chúng sanh, “đem những tích tập thiện căn như thế hồi hướng cho Giác ngộ và chúng sanh”. Khi ấy Giác ngộ và chúng sanh không còn là hai đường phân biệt, vì Giác ngộ và chúng sanh đều nằm trong pháp giới bình đẳng một tánh.
Hơn thế nữa hai sự tích tập phước đức và trí huệ của Bồ tát tiếp xúc, giao thoa, tương ưng và có thể nương tựa vào hai sự tích tập phước đức và trí huệ đã trọn vẹn của chư đại Bồ tát, chư Phật nên hiệu quả rất lớn lao; có thể làm chỗ nương tựa cho chúng sanh, vì đã có “bàn tay quý báu phước đức vô tận”:
“Như bốn đại bên ngoài là chỗ nương tựa của tất cả thế gian, bốn đại bên trong là chỗ nương tựa của tất cả chúng sanh, tất cả những thiện căn ta đã tích tập, không có một pháp nào mà không cho chúng sanh làm chỗ nương tựa”.
Đại Bi đồng thể là đại bi đồng thể với pháp giới tánh Không.
- Từ khóa :
- Tánh Không
- ,
- Đồng Thể
- ,
- đại bi