QUÁN TÁNH KHÔNG NHƯ MỘNG,
NHƯ HUYỄN, NHƯ HÓA
Nguyễn Thế Đăng
Bồ tát là người tu tánh Không, ở trong tánh Không nhưng có lòng bi khi thấy chúng sanh vì không biết tánh Không nên điên đảo vọng tưởng mà chấp các hiện tượng, các pháp là thật có và sai khác nhau, từ đó tạo ra các nghiệp sai khác nhau rồi sanh vào sáu đường sanh tử khác biệt.
“Này Tu Bồ Đề! Bởi chúng sanh thật chẳng biết các pháp tự tướng Không nên chẳng thoát được sáu đường sanh tử.
Bồ tát ấy ở chỗ chư Phật nghe các pháp là tự tướng Không, phát tâm cầu Giác ngộ Vô thượng.
Này Tu Bồ Đề! Các pháp chẳng phải như các phàm phu chấp trước. Các chúng sanh ấy ở trong pháp vô sở hữu (không chỗ có, không có gì) lại điên đảo vọng tưởng có pháp để được.
Không có chúng sanh lại tưởng có chúng sanh, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức lại tưởng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến tất cả pháp hữu vi đều vô sở hữu, lại dùng tâm điên đảo vọng tưởng gây tạo các nghiệp thân, miệng, ý nên qua lại sáu đường sanh tử chẳng thoát được” (Phẩm Bốn Đế, thứ 84, Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa, bản Hán dịch của Pháp sư Cưu Ma La Thập).
“Này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã ba la mật, Bồ tát dùng lực phương tiện thấy chúng sanh do điên đảo chấp trước nơi chỗ vô sở hữu. Bồ tát do dùng sức phương tiện ở trong chỗ vô sở hữu cứu thoát chúng sanh.
Này Tu Bồ Đề! Chỗ người phàm phu đắm trước phát khởi ra các nghiệp thật ra không có chút gì nhỏ như lông tóc mà có thật, nhưng chỉ cho điên đảo nên thấy có” (Phẩm Bảy Thí Dụ, thứ 85).
Khi thực hành trí huệ soi thấy tánh Không, Bồ tát thấy tất cả hiện hữu con người, từ thân tâm cho đến những đối tượng theo đuổi hoặc từ bỏ, những hoạt động tốt xấu của nó thực ra là không có hiện hữu nội tại (vô tự tánh), không có thật (vô sở hữu), không thể nắm bắt để có được (bất khả đắc) … mà chỉ do điên đảo vọng tưởng phân biệt bám giữ để tự trói buộc của họ mà thành. Thấy sự mê lầm này đã tạo ra sanh tử khổ đau trói buộc cho họ, lòng thương xót, lòng bi khởi lên nơi Bồ tát, nên vừa thực hành thật tướng của tất cả mọi sự là tánh Không, vừa ở trong chính tánh Không để thức tỉnh họ khỏi cơn mê lầm điên đảo chính họ tạo ra. Thế nên Bồ tát ở trong chỗ vô sở hữu mà cứu thoát chúng sanh khỏi giấc mộng điên đảo của họ. Như thế Bồ tát là người sống và làm việc theo trí huệ soi thấy tánh Không và lòng bi cứu thoát chúng sanh do mê lầm bám chấp thấy là thật có, từ đó có khổ đau do mình tự tạo.
Tiếp theo, Đức Phật dạy quán thấy tánh Không theo bảy thí dụ (phẩm Bảy Thí Dụ, thứ 85) để cho Bồ tát đi sâu vào thật tướng của các pháp là tánh Không và để cho Bồ tát theo đó mà chỉ bày lại cho chúng sanh.
“Phật bảo Tu Bồ Đề: Nay ta vì ông nói thí dụ. Người trí do thí dụ mà được hiểu.
- Này Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như trong mộng thấy có người hưởng thọ năm dục, thật có nơi chốn chăng?
- Bạch Thế Tôn! Mộng còn hư vọng, bất khả đắc, huống là ở trong mộng mà có thật việc hưởng thọ năm dục!
- Này Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Các pháp hoặc hữu lậu vô lậu, hoặc hữu vi vô vi, lại có pháp nào không như mộng chăng?
- Bạch Thế Tôn! Các pháp hoặc hữu lậu vô lậu, hoặc hữu vi vô vi, không có cái gì chẳng như mộng.
- Này Tu Bồ Đề! Trong mộng có sáu đường sanh tử và sự qua lại trong đó chăng?
- Bạch Thế Tôn! Không có.
- Này Tu Bồ Đề! Trong mộng có tu đạo, do sự tu đạo ấy có hoặc dính dơ hoặc được sạch chăng?
- Bạch Thế Tôn! Không có. Vì sao thế? Vì mộng không có sự thật, chẳng thể nói là dơ là sạch được”.
Thí dụ thứ nhất là mộng. Mộng là do những thói quen (tập khí) và những phiền não tham, sân, si, kiêu mạn, đố kỵ… tồn đọng trong tâm thức mà biến hóa ra. Đó chỉ là những vọng tưởng điên đảo phân biệt phóng chiếu ra trong chỗ vô sở hữu, trong tánh Không.
Những cái thấy, những kinh nghiệm ban ngày khi thức cũng như vậy, do những thói quen, phiền não, những ý tưởng của quá khứ và hướng về tương lai và sự đặt tên cho sự vật làm cho mọi sự có vẻ thật, có vẻ cứng đặc, cụ thể, phóng chiếu ra trong chỗ vô sở hữu. Hóa ra, người ta theo đuổi, nắm bắt không phải những thực thể, mà là những vọng tưởng điên đảo phân biệt được đặt tên do chính người ta phóng chiếu ra.
Trong mộng có đủ thứ xuất hiện, gia đình, bạn bè, nhà cửa, cảnh vật và những cảm xúc được mất, lo buồn, vui sướng, khổ đau… nhưng tất cả mọi xuất hiện trong mộng đều bất khả đắc, vô sở hữu vì vô tự tánh, và rốt ráo là vô sanh (vô sanh là một chữ đồng nghĩa với tánh Không).
Quán sát điều này lâu ngày, người ta sẽ dần dần nhận ra mình đang sống trong một giấc mộng tự mình phóng chiếu. Tin điều đó và tiếp tục thực hành cho đến khi thực sự thấy như mộng tức là thấy tánh Không. Khi ấy người ta được tự do vì thoát khỏi giấc mộng của chính mình.
Sự quán chiếu cần liên tục và đến mức vi tế: mỗi hạt bụi tạo nên thế giới bên ngoài và mỗi khoảnh khắc trong dòng một ý nghĩ đều là mộng. Như thế với sự quán như mộng này người ta sẽ phá sụp đổ thế giới sanh tử cả ở bên ngoài và bên trong. Hễ một phần quán như mộng là một phần sanh tử bên ngoài và bên trong sụp đổ, và một phần tánh Không vô sở hữu hiển hiện.
“Ý ông thế nào? Hình tượng trong gương có phải là sự có thật chăng? Có thể khởi nghiệp nhân duyên, do nghiệp nhân duyên ấy mà đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc người hoặc trời, trời Tứ thiên vương xứ cho đến trời phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Các hình tượng ấy không có sự gì thật, chỉ lừa gạt trẻ nhỏ mà thôi. Các sự ấy làm sao sẽ có được nghiệp nhân duyên, rồi do nghiệp nhân duyên ấy sẽ đọa địa ngục cho đến sanh trong phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ?
- Ý ông thế nào? Hình tượng trong gương ấy có tu đạo, do tu đạo ấy mà bị dính dơ hay được sạch chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Vì sao thế? Vì hình tượng ấy rỗng không, không có thật sự vật, nên chẳng thể nói là dơ hay sạch”.
Các hình tượng trong gương là những bóng dáng, không thể cầm nắm, chúng có xuất hiện nhưng không có thật. Tu hành tánh Không là thấy tất cả những xuất hiện thân tâm, thế giới, chúng sanh từ Dục giới, Sắc giới, cho đến phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ (phi tưởng phi phi tưởng xứ) là tầng thiền cao nhất trong tám thiền định, đều là những hình bóng xuất hiện trong gương, vô tự tánh, bất khả đắc, vô sở hữu.
Tấm gương này là tấm gương tâm, Đại viên cảnh trí (trí như tấm gương lớn tròn sáng), trong đó xuất hiện tất cả những hình bóng của thế gian. Tấm gương tâm luôn luôn trong sáng nên tất cả mọi hình bóng xuất hiện của thế gian đều in bóng vào đó, nhưng không thể dính chặt vào nó. Nó luôn luôn trong sáng và không bị ô nhiễm. Như thế đối với tấm gương Đại viên cảnh trí, tất cả thế giới chúng sanh đều như huyễn như mộng, kể cả những nghiệp nhân duyên của chúng sanh đều chẳng hề dính dáng với nó.
Tu hành trí huệ Bát nhã, trí huệ tánh Không là thấy được tấm gương tâm này và an trụ trong đó. Khi ấy Bồ tát có lòng bi vì vẫn chấp nhận chúng sanh xuất hiện trong gương tâm như thế mới cứu thoát họ được, đồng thời có trí huệ để thấy chúng sanh và nghiệp của họ là như huyễn như bóng trong gương.
Kinh Kim Cương nói: “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng. Thấy các tướng chẳng phải là tướng, tức thấy Như Lai”. Chẳng phải tướng là không thật, như huyễn, như mộng. Và khi thấy các hình bóng xuất hiện trong tấm gương là không thật, như huyễn thì người ta thấy ra tấm gương hằng sáng.
- “Ý ông thế nào? Như trong khe núi sâu có tiếng vang. Tiếng vang ấy có nghiệp nhân duyên, rồi do nghiệp nhân duyên ấy mà hoặc đọa địa ngục cho đến sanh phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Sự ấy rỗng không, không có thật âm thanh thì làm sao sẽ có nghiệp nhân duyên, rồi do nghiệp nhân duyên ấy mà đọa địa ngục cho đến sanh phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ.
- Ý ông thế nào? Tiếng vang ấy lại có tu đạo, do tu đạo ấy mà hoặc dính dơ, hoặc được sạch chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Sự ấy không thật, chẳng thể nói là dơ là sạch”.
Nếu như bóng trong gương là một sự vật không thật được thấy bằng mắt thì tiếng vang là một sự vật không thật được kinh nghiệm bằng tai. Trong một hẻm núi khi nghe một tiếng vang xảy ra sau tiếng động một thời gian và dội qua các vách núi, chúng ta không biết tiếng vang đó là gì, tiếng suối, tiếng gió, tiếng người, tiếng sấm, hay tiếng kêu của thú và nguồn phát ra tiếng vang ấy ở đâu. Lời nói của một người, xét cho cùng, cũng chỉ là một tiếng vang vì do nhiều yếu tố hoạt động hợp thành: hơi từ cổ, lưỡi, răng, môi, ngôn ngữ được dùng, những ý tưởng riêng của người ấy... Rồi tiếng vang ấy để đến cái hiểu của người nghe thì còn phải qua nhiều vách ngăn của thành kiến, kiến thức, cảm xúc của người nghe khiến còn bị vang dội, khúc xạ nhiều hơn nữa. Cho tiếng vang là một âm thanh thật, phát ra từ một nơi chốn xác định, là một lầm lẫn.
Một cách cụ thể, những ý nghĩ về quá khứ thật ra là những tiếng vang khi quá khứ ấy không còn nữa, không lập lại nữa. Chúng không thật, chúng là những tiếng vang. Nhưng chạy theo chúng, buồn vui với chúng là một sai lầm vô ích.
- “Ý ông thế nào? Sóng nắng dợn chẳng phải tướng nước, chẳng phải tướng sông. Sóng nắng ấy lại có nghiệp nhân duyên, do nghiệp nhân duyên ấy mà đoạ địa ngục cho đến sanh phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Nước trong sóng nắng rốt ráo chẳng thể có được, chỉ lừa dối mắt người vô trí thì làm sao có được nghiệp nhân duyên, rồi do nghiệp ấy mà đọa địa ngục cho đến sanh phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ.
- Ý ông thế nào? Sóng nắng ấy có tu đạo, do tu đạo ấy mà dính dơ hay được sạch chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Sóng nắng ấy không có sự thật, chẳng thể nói là dơ hay sạch”.
Sóng nắng là những dợn nắng thấy trên cát nóng hay trên mặt đường. Nó chẳng phải là nước, chẳng phải là sông, nhưng với người đang khát nước cùng cực thì ảo ảnh này trở thành có thực.
Cái thấy của mỗi người về chung quanh, về người khác về thế giới cũng thế. Nó bị giới hạn bởi giác quan của con người, bởi những ấn tượng thói quen riêng, bởi chỗ đứng, bởi góc nhìn, bởi hoàn cảnh. Xét cho cùng những nhận thức, những quan điểm của chúng ta về đời sống là không khách quan, chúng là những ảo ảnh của thân phận giới hạn do nghiệp của chúng ta tạo thành. Chẳng hạn cuộc đời là vô thường nhưng chúng ta vẫn cho nó là thường, đến khi gặp vô thường chúng ta mới ngạc nhiên, đau khổ.
Như thế cái thấy của chúng ta về mọi sự chỉ là một ảo ảnh lừa dối, nhưng chúng ta cứ chấp chặt nó hoàn toàn là thật nên tạo ra đủ thứ xung đột, với người khác, với chung quanh.
Để giải trừ sự mê lầm tự trói mình trong cái thấy sai lầm, chúng ta phải can đảm cho nó là ảo ảnh và giải trừ ảo ảnh ấy bằng cách quán các pháp tự tướng Không, vô tự tánh, bất khả đắc, vô sở hữu.
- “Ý ông thế nào? Như thành Càn Thát Bà, khi mặt trời mọc thấy thành Càn Thát Bà, người vô trí ở chỗ không có thành mà tưởng có thành, chỗ không có nhà quán mà tưởng có nhà quán, chỗ không có vườn mà tưởng có vườn. Thành Càn Thát Bà ấy lại có nghiệp nhân duyên, do nghiệp nhân duyên ấy mà đọa địa ngục cho đến sanh phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Thành Càn Thát Bà ấy rốt ráo chẳng thể đắc, chỉ lừa dối mắt người ngu, làm sao có được nghiệp nhân duyên, rồi do nghiệp nhân duyên ấy mà đọa địa ngục cho đến sanh phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ.
- Ý ông thế nào? Thành Càn Thát Bà ấy có tu đạo, do tu đạo ấy hoặc nhiễm dơ hoặc được sạch chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Thành Càn Thát Bà ấy không có sự gì thật, chẳng thể nói dơ sạch”.
Khi mặt trời mọc thấy trong không gian có những bóng sáng rồi tưởng đó là thành Càn Thát Bà, với đầy đủ nhà cửa vườn tược, chúng sanh. Chỗ không có gì mà tưởng là một thành phố, đó là một ảo tưởng.
Cuộc đời con người đang sống, thành phố, nhà cửa, người khác… cũng chỉ là một ảo tưởng. “Các pháp chẳng phải như các phàm phu chấp trước. Các chúng sanh ấy ở trong chỗ vô sở hữu lại điên đảo vọng tưởng có pháp để được. Bởi vì chúng sanh thật chẳng biết các pháp tự tướng Không nên chẳng thoát được sáu đường sanh tử”.
Những gì đời người kinh nghiệm chỉ là do sắc, thọ, tưởng, hành, thức của riêng họ mà thành, nhưng năm uẩn ấy không thật. Sắc thọ tưởng hành thức là Không, vô tự tánh, bất khả đắc, vô sở hữu. Cho nên tất cả những gì người ta thấy, kinh nghiệm đều như thành Càn Thát Bà, một ảo tưởng giữa không gian.
Tưởng đó là thật, cho đó là thật bèn có nghiệp, nghiệp của ta, nghiệp của người, cọng nghiệp của chúng ta, và những hoạt động làm tăng thêm nghiệp. Khi đã có nghiệp riêng và chung thì sanh về một cõi trong sáu cõi hợp với nghiệp ấy. Khi thấy không thật, thấy tự tướng Không, thì nghiệp cũ thành vô hiệu, nghiệp mới riêng và chung không tạo nữa. Chính cái thấy tánh Không giải thoát chúng ta khỏi các cõi sanh tử luân hồi.
- “Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Nhà huyễn thuật huyễn làm ra đủ các sự vật, hoặc voi hoặc ngựa, hoặc bò hoặc dê, hoặc nam hoặc nữ. Ý ông thế nào? Huyễn ấy có nghiệp nhân duyên, rồi do nghiệp nhân duyên ấy mà đọa địa ngục cho đến sanh phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Pháp huyễn ấy trống không, không có sự gì thật, làm sao sẽ có nghiệp nhân duyên, rồi do nghiệp nhân duyên ấy mà đọa địa ngục cho đến sanh phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ.
- Ý ông thế nào? Huyễn ấy có tu đạo, rồi do tu đạo ấy, hoặc dính dơ hoặc được sạch chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Pháp huyễn ấy không có sự gì thật, chẳng thể nói là dơ hay sạch”.
Thế gian này, tất cả những gì được thấy, được nghe, được kinh nghiệm đều như do một nhà huyễn thuật biến hóa ra. Nhà huyễn thuật ấy chính là tâm. Tâm là nhà huyễn thuật biến hóa ra tất cả: “Ba cõi duy chỉ là tâm, muôn pháp duy chỉ là thức”.
Qua những thí dụ trên, chúng ta thấy Kinh Đại Bát Nhã đã phát sanh ra Không tông hay Trung đạo (Madhyamaka) của Bồ tát Long Thọ (thế kỷ thứ 2) và Duy thức tông hay Du già hành tông (Yogacara) của Bồ tát Thế Thân và Vô Trước (thế kỷ thứ 5). Hai tông phái chánh yếu của Đại thừa này đã khai thác Kinh chú trọng theo hai mặt khác nhau, một thì tánh Không của các pháp, một thì tánh Không của tâm. Cả hai bổ túc lẫn nhau, chứ không chống trái nhau như một số học giả đã nghĩ.
Mọi sự, mọi chuyển động của các giác quan và ý thức cảm nhận, đều như huyễn vì do những phiền não tập khí sanh ra. Một sự kiện, một con người trước mắt, nhưng mỗi người nhận xét khác nhau tùy từng người. Tùy theo chỗ đứng, hoàn cảnh, tùy theo kinh nghiệm sống khác nhau, tùy theo kiến thức được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, tùy theo sở thích, thương ghét khác nhau…, cuối cùng sự việc ấy, con người ấy chỉ còn là một danh tướng khác biệt tùy theo mỗi người. Cái nhìn méo mó về một sự kiện, một con người ấy là một thí dụ thô sơ về như huyễn. Chúng ta chỉ thấy được những phóng chiếu của chúng ta lên sự kiện, lên con người ấy.
Càng chấp chặt cho những nhận xét, những thấy biết của riêng chúng ta là đúng, đó là sự bắt đầu của tranh chấp, cãi cọ, bất đồng, thường thấy trong đời sống hàng ngày. Nếu biết đời sống chỉ là sự khúc xạ của tâm thức riêng biệt của mỗi người, người ta bắt đầu thoát khỏi cái trung tâm phóng chiếu những sai lầm, những thành kiến hạn hẹp là “cái tôi và cái của tôi”.
Kinh Viên Giác nói: “Thiện nam tử! Nơi chúng sanh kia do huyễn thân diệt nên huyễn trần cũng diệt. Do huyễn trần diệt nên sự việc ‘huyễn diệt’ cũng diệt. Sự việc ‘huyễn diệt’ diệt nhưng cái chẳng phải huyễn (tánh Viên Giác) chẳng diệt. Thí như lau gương, bợn nhơ hết thì ánh sáng hiện.
Thiện nam tử! Phải biết thân tâm đều là bợn nhơ như huyễn, tướng nhơ vĩnh viễn diệt thì mười phương đều thanh tịnh” (Chương Phổ Nhãn).
“Tu Bồ Đề! Ý ông thế nào? Như người do Phật biến hóa ra, người do biến hóa ấy có nghiệp nhân duyên, do nghiệp nhân duyên ấy mà đọa địa ngục cho đến sanh phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Người hóa ấy không có sự gì là thật, làm sao sẽ có nghiệp nhân duyên, do nghiệp nhân duyên ấy mà đọa địa ngục cho đến sanh phi hữu tưởng phi vô tưởng xứ.
- Ý ông thế nào? Người hóa ấy có tu đạo, do tu đạo ấy mà hoặc nhiễm dơ, hoặc được sạch chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Sự ấy không có thật, không thể nói là dơ là sạch.
Phật bảo Tu Bồ Đề: Ý ông thế nào? Ở trong tướng trống không ấy có người dơ, có người sạch chăng?
- Bạch Thế Tôn! Chẳng phải. Trong ấy không có gì (vô sở hữu), không có người nhiễm dơ, không có người được sạch.
- Tu Bồ Đề! Như không có người nhiễm dơ, vì thế nên cũng không có dơ sạch. Tại sao thế? Vì trụ vào cái ta và cái của ta nên chúng sanh có dơ có sạch; người thật thấy thì chẳng dơ chẳng sạch. Như người thật thấy chẳng dơ chẳng sạch, như thế cũng không có dơ sạch”.
Như người do Phật biến hóa ra, trong đó không có cái ta và cái của ta cho nên không có dơ sạch, không đi đến những cõi dơ hay cõi sạch. Tại sao “cái ta và cái của ta” là do biến hóa? Vì tìm kiếm chúng rốt ráo thì sẽ không thấy chúng ở đâu cả, chúng không có thật, chỉ là một ảo tưởng.
Chúng sanh vì vô minh không biết rằng tất cả đều là biến hóa mà lầm chấp vào cái ta và cái của ta là thật. Do đó mà thấy có thật sự phân cách với những chúng sanh khác và với thế giới từ đó cái nghiệp phân biệt khiến làm chúng sanh bắt đầu và tiếp tục không dứt. Cho nên phải quán thấy, phải thật thấy cái ta và cái của ta là biến hóa, là tánh Không thì tất cả mọi vấn đề của chúng sanh chấm dứt.
Thật hành trí huệ Bát nhã là quán thấy, thật thấy mọi hiện tượng đều là biến hóa, do đó mọi hiện tượng của sanh tử đều chấm dứt. Đó là giải thoát, đó là tự do.
Khi thấy tất cả các hiện tướng ta, người, chúng sanh, thế giới đều như mộng, như huyễn, như hóa thì ánh sáng trí huệ vốn có, ánh sáng trí huệ Bát nhã hiện ra, bao trùm khắp và chuyển hóa tất cả mọi hiện tướng thành sự biến hóa vô hại của chính ánh sáng trí huệ vốn sẳn ấy. Như khi các bóng trong gương không còn ám ảnh, làm hoa mắt thì mặt gương sáng hiện ra, bao la, trùm khắp. Khi ấy tất cả là ánh sáng trí huệ, tất cả là tấm gương sáng.
“Ngài Xá Lợi Phất thưa: Bạch Thế Tôn! Bát nhã ba la mật thường chiếu sáng tất cả pháp, vì rốt ráo thanh tịnh vậy.
Bạch Thế Tôn! Bát nhã ba la mật trừ các sự tối tăm, vì tất cả phiền não kiến chấp đều được dứt trừ vậy.
Bạch Thế Tôn! Bát nhã ba la mật thường đem lại ánh sáng, vì trang nghiêm với năm nhãn vậy.
Bạch Thế Tôn! Bát nhã ba la mật là Trí nhất thiết chủng, vì tất cả phiền não và tập khí đều dứt diệt vậy.
Bạch Thế Tôn! Bát nhã ba la mật là mẹ của chư đại Bồ tát, vì thường xuất sanh các Phật pháp vậy” (Phẩm Chiếu Minh, thứ 40).