Phái Sau Văn Bản Đời Người

31/08/201312:00 SA(Xem: 16601)
Phái Sau Văn Bản Đời Người

PHÍA SAU VĂN BẢN ĐỜI NGƯỜI
Nhụy Nguyên

Phật pháp - ngôi nhà chung của nhân loại được dở bỏ, dựng thành những ngôi nhà nhỏ tự bao giờ? Thực tế ngôi nhà chung ấy còn, Thời mạt Pháp, Pháp không mạt. Chỉ là nó vô hình với ai vẫn còn chạy theo cuộc sống tạm bợ trần ai, và phải đợi đến lúc thân mạng tơ tướp không còn biết nương nhờ vào đâu mới chịu vào an ngụ. Đạo Phật quy tụ tất thảy kiến thức nhân loại đủ sống trọn đời mà không mảy may sai biệt với dòng đời. Nhưng. Một bài viết có chêm chút giáo lý nhẹ nhàng, người đọc [chưa học Phật] tạm gật đầu; hơn chút về thuyết nhân quả luân hồi người đọc hoài nghi; sâu thêm vào các tầng trời cõi Phật, về Tam giới lập tức họ chối. Cũng như một người bỗng đâu ai đó ngồi bên tỉ tê nghiệp quả phước báo, nghe chút thì vui vui gật gật, thêm nữa tức khắc vò đầu bịt tai kêu đủ rồi!

Cuộc sống vật chất luôn tích tụ trường nghiệp lực dày đặc che lấp phần minh tuệ nhất. Ấy nên Jesus mới phản tỉnh: Người giàu muốn vào nước Chúa cũng khó như con lạc đà chui qua lỗ kim. Phật thì đã giảng bài này trước đó nữa. Nói vậy dễ bị quy kết là con người không phát triển, xã hội không phát triển. Về con người, hãy làm một phép so sánh về quan hệ thầy trò, mối quan hệ họ hàng làng xóm ngày xưa với đời nay thì rõ phát triển như thế nào. Về mặt xã hội, người ta cũng sẽ bảo Tây Tạng là một đất nước lạc hậu chậm tiến. Lạy Phật, sự lạc hậu chậm tiến đó nay cả nền khoa học triết học thế giới đổ về nghiên cứu khám phá, để học hỏi và… học theo.

Tâm lý học Phật giáoDuy thức học do ngài Vô TrướcThế Thân đặt nền móng đã giải phẫu học con người đến Tâm lý học và cả Y học hiện đại cũng cúi đầu. Kiếp trước kiếp sau cũng là sự hiển nhiên từ lời Phật dạy. Thời điểm cuốn Tử Thư Tây Tạng ra đời từ thế kỷ thứ VIII, nó “giấu mặt” suốt 6 trăm năm để người đời đủ thời gian tỉnh táo tiếp nhận. Nhưng tác giả cũng không ngờ là cho đến nay, khi được dịch ra nhiều thứ tiếng nó vẫn nằm lăn lóc bụi bặm ở các quầy sách lớn nhất thế giới. Người ta hoài nghi, e dè kiêng kị, sợ chạm vào nó kiểu như sợ chạm vào xác người. Mà đâu có ai tránh được sự chết. Ngay cả đến tỉ phú đủ tiền mua một thành phố, vẫn chết rất trẻ. Nhưng tất cả không dừng lại ở đó. Khi cái chết chiếm lấy thân người, giống như ta [không hay] được trang bị thở bình ô xi rồi nước dâng lên quá đầu… ta mới à lên thì ra sự sống vẫn tiếp diễn. Muộn! Sự tu tập sẽ có cơ may sau khi người ấy trải qua bao loài trong các nẻo. Nếu phủ nhận Đạo Phật, phủ nhận hành trì tâm linh, dẫu anh là thiên tài trên trần gian, chết đi “thiên tai” sẽ phủ trắng những gì anh có. Trôi lăn khổ não trong kiếp luân hồi; anh phải ăn mày từng câu kinh mong được siêu thăng. Người ta vẫn xây lăng mộ cho người thân và xem đó là ơn đức. Ngược lại thì có. Thay vì xây lăng mộ, phải biết dùng tiền đó phóng sanh hành thiện may ra người thân bên kia mới như cánh diều được cắt dây. Ngược lại họ chỉ chia sẻ nghiệp từ việc phung phí tiền của vào lăng mộ cho mình mà thôi. Nhiều nhà ngoại cảm ra nghĩa trang thấy vô vàn người đứng ngồi san sát. Hầu hết đều còn bị nghiệp trì níu. Trong cảnh giới đó dường như không có không-thời gian. [Linh hồn] ấy là vô vàn những quả bóng. Việc cứu chuộc họ không đơn giản dùng kim chích vào cho nổ tan. Họ chỉ biết mình đang chịu nghiệp [đứng đó], không biết bao giờ mới được độ nếu người thân của họ không ngày đêm tích phước hồi hướng. Người ta lại sẽ thốt lên, trời ơi xưa xa đến nay ông bà tổ tiên nội ngoại bao người đã sống và chết đi có ảnh hưởng gì đến cuộc sống? Xin hỏi: bạn có biết và có tìm hiểu những người đã mất họ giờ ở đâu, là ai? Là con gì không? Hẳn bạn không dám biết? Phật pháp với lòng tư bi vô hạn đã giấu giùm bạn đấy. Hãy soi lại mình trong tấm gương Đạo Phật. Không ai tu chân chính yêu thương con vật mà trước hết họ chưa yêu thương con người. Họ cũng đâu có đặt con vật lên ngồi ăn cùng mâm với con người. Mới chỉ đưa ra chút so sánh cùng là động vật thôi, đối tượng đã nổi sân đùng đùng, hỏi sao chặt được vô vàn sợi xích quanh mình mà nhẹ nhàng siêu thoát?

Người Ai Cập linh cảm được “điều gì đó” sau cuộc đời nên xem cõi này tạm bợ, mới xây Kim tự tháp (dĩ nhiên đây lại là một bước sai lầm nghiêm trọng, bởi để chuẩn bị cho kiếp sau chỉ xây cho mình một nấm mộ vĩ đại thì ấy xem như đơn giản). Dân gian mình cũng có câu “sống gửi thác về”; thực tế đây cũng là lời Phật diễn theo ngôn ngữ phổ thông. Thần Chết là một mãnh hổ từ nhỏ sống trong rừng sâu địa thẳm, sa bẫy rồi được con người thuần dưỡng. Người ta do vật chất che mờ nên không biết Thần Chết ấy đã được thuần dưỡng nên chẳng bao giờ dám thân cận vuốt ve. Người ta nhìn Thần Chết với ánh mắt căm hận lạnh lùng, để rồi Thần Chết khô kiệt năng lượng tình người, ác tâm dần dần hồi phục… Nếu con người không vỗ về ôm ấp Thần Chết, sẽ một ngày Thần Chết từ đâu trong bụi rậm nhảy ra cắm cổ hóa kiếp.

Sống trong vòng tay của Đạo, con người sẽ không phải tích lũy vẫn an bình tự tại. Còn nếu cứ chấp trước cố dùng vật chất che chắn chẳng khác ta tự nhốt tù cuộc sống của mình. Từ cái mũ bảo hiểm nhỏ, người ta kiếm cho bằng được tiền tậu cái “mũ bảo hiểm lớn”. Mà không biết rằng mũ bảo hiểm an toàn tuyệt đối là bầu trời Phật pháp; ấy là khi tiểu ngã của con người hòa vào đại ngã của vũ trụ. Đại ngã của vũ trụ chứ không phải đại ngã của con người. Nếu con ngườiđại ngã thì trên đầu họ không phải bầu trời mà là cái vung! Việc sắm sửa tiện nghi quá thái luôn dẫn đến điều nghiêm trọng, nói đúng hơn là bước thoái lùi trong phát triển vận mệnh. Ai cũng có quyền hưởng thụ. [Có tiền]; ai cũng có quyền ăn uống xả láng nếu trên hành tinh xanh này không còn vô vàn người chết đói; ai cũng có quyền xả nước sạch ào ào, tắm bồn hàng ngày nếu trên trái đất này như ở vùng châu Phi không còn người dật dờ bước hàng chục km để được uống một hớp nước; ai cũng có quyền thắp ánh sáng suốt đêm [mà chẳng để làm gì] và phung phí các thiết bị xài điện vô ích khác nếu như một phần của trái đất vẫn chìm trong tăm tối. Nếu như những vùng nghèo đói thiếu điện thiếu lương thực thiếu nước, thiếu đủ thứ trên đời ấy được dời đến gần thành phố chúng ta… Không cần ống nhòm hay kính viễn vọng, hãy nhìn bằng con mắt của Đạo, tất cả nỗi đau đều bên cạnh chúng ta.

Sự tích nghiệp dường như vô tình và nằm ngoài sự kiểm soát của ta sẽ khiến con người cõng đá bước trong đầm lầy ở bên kia núi. Hay nghiệp ấy sẽ là trùng trùng đất đá tấp lên thân xác của Ngộ Không... Ví cái chết như thay áo, chưa đủ. Ta tích nghiệp ít, thì kiểu như một con rắn oằn oại lột da. Quá nặng nghiệp thì gần như chính ta lột da mình. Cái đau rên xiết ấy sẽ thấm dài vô tận nữa. Người đời vẫn dạy con cháu sống cho xong kiếp này hẵng tính đến kiếp sau. Có thể ví sự sống như một viên kim cương luôn bất ly thân, và rồi tên trộm (là thần chết) sẽ nhón đi bất cứ lúc nào bạn lơ đễnh. Nếu có ông thầy bói cực giỏi xem chính xác số mạng, ai đó liệu có dám đối diện với thông tin kinh hoàng đó. Tức, ai cũng “muốn” cái chết đến thình lình.

Dĩ nhiên, cái chết dẫu đến bất ngờ chăng nữa, thì nó cũng không quan trọng nhiều nếu như phía sau đó là số không. Tính nghiêm trọng của cái chết ở chỗ này. Hãy tưởng tượng cái chết đến với ta... hay ngược lại cái chết đến với người thân; ta tiễn họ lên một con tàu về vô xứ. Họ không có gì mang theo, trong lúc ta chẳng có một đồng dúi vào tay họ; ứa nước mắt tưởng đến cảnh họ [hay chính ta] lầm lụi trong mù mịt, vừa lê bước vừa xin ăn, rồi bao tai ương chướng ngại như thác lũ... Thầy Drakpa Gyaltsen có nói: “Loài người trải qua suốt cả đời để chuẩn bị hết việc này tới việc khác chỉ để thình lình bắt gặp đời sau mà họ hoàn toàn không chuẩn bị”. Nếu biết tin sau sự sống này là một sự sống khác vô tận với biết bao trầm luân, với biết bao kiếp nữa phải kinh qua hẳn con người đã không chạy theo xa hoa. Nếu an tu tự tại, một bữa ăn đạm bạc vài món rau cỏ, người ta vẫn vui so với bữa đại tiệc mà kẻ dự phần vẫn thấy món này nấu chưa đạt, món kia còn thiếu một vài hương vị... Nhiều người băn khoăn sao nhà sư phải tự rước khổ hạnh, đâu biết họ đang rất hoan hỉ với lối sống đạm bạc thanh cảnh. Vật chất không thể là thước đo an lạc. Thật nghịch lý khi cha mẹ tích trử tiền bạc đến cả đời con sống vương giả thỏa thuê. Những đứa trẻ đó sẽ chỉ chú tâm vào việc tiêu tiền và tích nghiệp. Kho tàng mà chúng ta để lại cho con cháu không nên là vàng bạc châu báu mà nên phải là kho tàng tâm. Từ nhỏ một đứa trẻ đã bị gánh nghiệp. Với một gia đình có mức sống khá thôi, trong dăm năm đầu chúng đã không thiếu thứ gì, nhất là khoản ăn uống. Từ nhỏ chúng đã không nếm khổ. Đủ loại cá thịt được tống vào dạ dày, mà phải là tươi nhất. Nhiều cha nhiều mẹ còn ép con dùng thịt và hải sản thay cơm. Chúng sẽ chịu hai loại nghiệp: (1) về tâm linh là nghiệp sát sinh do ăn mặn (ăn mặn từ nguyên ủy là ăn mạng; ăn mạng tương đương với việc mình gieo nhân mạng ấy vào kiếp sau); (2) về khoa học chúng sẽ mang bệnh gút nan y. Bệnh là do nghiệp tích tụ trong tâm. Tâm là ngọn đèn của thân. Đèn sáng thì tâm vô nhiễm, đèn yếu khắc thân bệnh. Rồi sự chiều chuộng, vun vén vị kỷ... tất cả do cha mẹ làm hại con. Cha mẹ mà cũng làm hại con ư?! Đúng vậy, bởi họ không biết mình đang bơi ngược dòng Đạo.

Phật pháp không phải là miếng mồi giơ ra để con người nổi tham chụp lấy. Phải đòi hỏi thức ngộ, ai thấy tánh thì tự theo. Phật pháp cũng không thể hiện bày người thân của ta chết đi, do nghiệp ác phải đội sừng mọc lông và chính mình lại giết lại ăn thịt [người thân] mà chẳng hay. Những ai soi thấy chân tâm không ăn chay đơn giản họ không biết người thân của mình chết đi hiện là con gì và ở đâu. Nếu nói chỉ tin khoa học, sao khoa học [chuyên biệt và liên quan đến tâm linh] chứng minh ăn mặn không bao giờ tốt hơn ăn chay, lại phớt lờ. Khoa học chứng minh trước nền văn minh chúng ta từng có những nền văn minh tột đỉnh khác đã hủy diệt. Khoa học với nhiều minh chứng cho thấy loài người tiến hóa từ khỉ là phi lý; sao trong đầu ta lúc nào cũng mặc con khỉ nhảy múa trêu đùa?! Đại diện của khoa học đến như nhà bác học vĩ đại Albert Einstein chứng nghiệm thành tựu trọn đời phát biểu chỉ với mấy dòng ngắn ngủi: "Tôn giáo tương lai sẽ là tôn giáo của toàn cầu, vượt lên mọi thần linh, giáo điềuthần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát sinh từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trên trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng một cách đầy đủ các điều kiện ấy"; sao quá nhiều người vẫn ơ hờ?!

Con người hiện hữu trên trái đất nhỏ bé này do duyên nghiệp từ các kiếp trước. Đức còn, nghiệp chưa sờ đến. Đức vơi, từ tướng mạo đến tâm bắt đầu mất dần sắc khí, ấy là lúc nghiệp đánh hơi. Nhiều người tiền bạc phủ phê; cũng như các dòng tộc sống ác đạo vẫn còn chút bình an là tại bởi phước họ quá nhiều, một đời xài chưa hết. Dấn thêm vào đời sau hoặc sau nữa họ sẽ lâm vào lục đạo có khi đến nghìn vạn kiếp chưa thấy được mặt trời. Tất cả những điều này nói ra sẽ là viễn vông đối với những ai không tin Đức Phật là một người đại trí huệ. Nếu ta vẫn xua đuổi Phật pháp thì thân người uổng phí biết bao. Người Tây Tạngnghi lễ: vẽ bức tranh tuyệt mỹ bằng một dạng màu như cát. Ba người vẽ trong chánh niệm, trong cõi thiền tuyệt tĩnh mất hàng tuần mới xong. Là đỉnh cao nghệ thuật. Mê hồn. Song vừa lúc bức họa hoàn thành, họ liền xóa đi. Đời một người như vậy đó. Cứ bòn rút thời gian tô vẽ trau chuốt mình, đẹp như bức tranh kia cũng trong một giây thôi... Có thông điệp nào cao siêu đến vậy. Nếu ghìm mình lại, nhận diện cuộc đời hết sức tạm bợ, tôi sẽ không bò lết trong mù lòa si ám. Tử thư Tây Tạng, xem là chìa khóa mở cánh cửa quan trọng để mỗi người có thể bước trên đường Đạo. Để nhận chân sự hiện hữu của chúng ta mong manh như mây mùa thu (lời Phật). Để biết mình sẽ phải đi về đâu. Để biết Đạo Phật đã thấm vào căn cốt của người Tây Tạng từ hàng chục thế kỷ trước nhưng vẫn còn ngoài tầm với chúng ta.

Tạng thư sống chết của Sogyal Rinpoche, vài đoạn trích ra dưới đây với tôi là dòng tin báo động đỏ:

“Nếu ước muốn sâu xa nhất của chúng ta quả là sống và tiếp tục sống, thì tại sao ta lại cả quyết một cách mù quáng rằng chết là hết chứ? Ít nhất cũng nên thử thám hiểm xem có thể có đời sau hay không đã chứ? Nếu quả thực chúng ta có óc thực nghiệm như ta tuyên bố, thì tại sao ta không khởi sự tự đặt câu hỏi cho mình một cách nghiêm chỉnh: “Tương lai thực sự của ta nằm ở đâu?” Chung quy, chẳng có mấy ai sống lâu trên trăm tuổi. Và sau thời gian đó là cả một thời gian vô tận trải dài, không được giải thích...”.

“Nếu bây giờ chúng ta không chịu chấp nhận cái chết trong lúc ta đang sống, thì chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt suốt cuộc đời, vào lúc chết, và sau khi chết. Hậu quả sẽ là, ta tàn phá cả cuộc đời này và tất cả những đời sắp tới. Ta sẽ không thể sống cuộc đời mình một cách viên mãn, ta sẽ cứ bị giam hãm trong cái phần phải chết của ta. Sự vô minh này sẽ cướp đi của ta cái căn bản của cuộc hành trình tiến đến giác ngộ”.

Biết về sự sống sau cái chết, chắc chắn ai cũng lo chuẩn bị cho cái chết. Tức hành trang về cõi chết luôn sẵn trong tâm. Nhiều người suốt đời chuẩn bị cho cái chết vẫn chưa đủ tự tin để chết, huống hồ chỉ lo đến tờ di chúc và những gì bày biện dưới cái rạp tang. Trong 84 ngàn pháp môn làm phương tiện cho người thoát bể khổ, Tịnh độ tông chủ trương niệm "A Di Đà Phật", khi chết sẽ được về Cực lạc, bất thối chuyển ngoại trừ ta tự nguyện xuống lại cõi trần cứu độ. Nhưng ai đã niệm Phật như vậy mới biết để đạt đến bất loạn, tâm phải được trui rèn trong hạnh thiện. Không dưng một người tâm chưa hề gội rửa lại có thể ngồi vào niệm Phật không pha tạp niệm. Tương đương với việc cuộc sống của họ phải như nhiên không hề nhúng tay vào cấu uế, và trong đầu hễ không phải lo việc thế gian thì luôn luôn "A Đi Đà Phật" đến mất ăn mất ngủ, lúc ngủ bỗng choàng tỉnh lại tiếp tục niệm... Họ phải luôn có "A Di Đà Phật" trong đầu, để nếu cái chết đột ngột viếng thăm thì xem như nắm được vạt áo của Đức Quán Thế Âm hay Bồ tát Đại Thế Chí tiếp dẫn vĩnh viễn ra khỏi lục đạo về Tây phương thế giới. Chuẩn bị cho cái chết, nó đâu ảnh hưởng gì đến cuộc sống của ta. Nó chỉ “cướp đi” sự ích kỉ hẹp hòi trong mỗi ta thôi. Phú quý sinh lễ nghĩa. Chúng ta quá sa đà vào lễ nghĩa. Lễ dành cho cái chết thật ra chỉ quan trọng khoảng một giờ trước lúc người ta tắt thở và sau đó khoảng 9 tiếng. Phải yên tĩnh, ngoại trừ lời khai thị để họ bước qua cánh cửa màu đỏ. Sau đó cái xác... vô dụng. Thế nên ở Tây Tạng mới có tục Thiên táng (để xác trên núi cao "cúng dường" cho lũ kền kền có được bữa no)...

 Hiểu Đạo Phật không khó. Người lo chuyện bếp núc như Huệ Năng còn được tổ Hoằng Nhẫn trao y bát... Cái chính là ta học Phật mà không hành, không mang thai nghi tình nên chẳng thể nào khai phóng bản thể. Học Phật rồi khi hành sẽ thấy những điều mình học không còn đúng nữa. Ví như ta hiểu thiền là meditation (suy tư mặc tưởng...), lúc hành thiền sẽ nhận ra ngôn ngữ không thể diễn đạt linh nghĩa Thiền và diệu lý của Tịnh. Lời Phật vang đến ngàn sau: "Cái thế giới của sinh tử mà ta đang sống là một biển khổ vô biên không thể nào chịu nổi. Chỉ có một con đường duy nhất ra khỏi vòng sống chết bất tận đó là con đường giải thoát. 49 năm thuyết pháp, trước lúc nhập diệt Phật Thích Ca lại bảo “Ta chưa nói điều gì”. Là sao? Bởi: (1) Ngài bảo ta chỉ hoàn toàn thuật lại lời dạy cổ Phật (như Khổng Tử nhận mình nói lại lời cổ thánh không thêm bớt không sáng tạo); (2) Lời Phật như thuốc trị bệnh; Ngài sợ đời sau chấp văn tựchân lý - như uống nhầm thuốc, nên “ngón tay chỉ trăng” phải rụng; (3) Theo lý Bát nhã, mọi lời nói của Phật đều tuôn chảy từ Tự Tánh, nên nói mà không nói, ấy là nghĩa Vô Trụ; ai chấp lời nói thành ra Có Trụ mất rồi; (4) Một lời trong kinh điển gồm vô lượng nghĩa. Đời sau dựa trên mặt ngữ nghĩa diễn dịch theo ý mình thì đã phần nào sai biệt (Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, ly kinh nhất tự tức đồng ma thuyết); (5) Phật muốn mỗi người “hãy tự thắp đuốc mà đi, đừng dựa vào ai khác; hãy dựa vào chánh pháp” soi đường về Cực lạc. Mục Kiền Liên thần thông quảng đại cũng đâu cứu mẹ mình thoát địa ngục. Nếu ta không tự đập bức tường ngăn giữa hai cõi sống-chết; nếu ta không tin lời Phật dạy, ban phát tâm từ lên mọi sinh linh sống một đời Đạo Hạnh thì sẽ không ai cứu được. Dẫu Phật ngậm tiếng hàm oan bỏ mặc muôn loài.

N.N

(CÙNG TÁC GIẢ)

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2013(Xem: 48562)
24/04/2012(Xem: 122103)
21/04/2014(Xem: 14449)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.