Giác ngộ, hay Thành đạo là vấn đề quan trọng nhất trong đạo Phật. Đó cũng chính là mục tiêu mà mọi người tu, xuất gia hay tại gia phải hướng đến để không bị lạc lối trên con đường tâm linh của mỗi người. Điều đó được thể hiện qua nhiều nội dung phát nguyện và hồi hướng được hành trì hàng ngày trong các thời khóa tu tập tụng niệm ở chốn thiền môn, cũng như tại tư gia người Phật tử.
Thành đạo hay giác ngộ, giải thoát hoàn toàn không phải là một sự kiện bất ngờ, mà là một tiến trình, tuần tự theo một lộ trình nhất định, không hề có sự nhảy vọt, một lần có thể vượt qua nhiều cấp bậc. Sự thật đó đã được chính Đức Thế Tôn nói lại và nhấn mạnh trong nhiều kinh điển.
Tiến trình chứng ngộ luôn đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu vượt qua nhiều chướng duyên, đòi hỏi sự chuyên tâm cao độ, kiên trì lâu dài và bền bỉ, khác xa với những hình tượng văn học thường được lãng mạn hóa trong sách thiền (hoát nhiên đại ngộ).
Trên con đường thực hành tâm linh, kinh nghiệm giác ngộ là chất liệu để có được sự an lạc, tự tại giữa các ràng buộc của cuộc đời. Chính chất liệu đó làm nên một thái độ sống tích cực, đem lại phẩm chất trong mọi việc làm mà chúng ta thường gọi là Phật sự.
Như đã nói, giác ngộ, giải thoát hay thành đạo là một tiến trình từ thấp đến cao, tuần tự đòi hỏi sự tự thân nỗ lực, liên tục, kiên trì lâu dài và bền bỉ. Do đó, giác ngộ hay giải thoát cũng có nhiều cấp độ khác nhau.
Giữa cuộc đời tương đối với nhiều mối tương quan này, trên con đường tu tập, người học Phật nếu không thường nhớ nghĩ đến mục tiêu đó thì rất dễ bị lạc lối, chệch hướng lúc nào không biết.
Ngoài mục tiêu đó, người học Phật cần học tập để có nhận thức đúng về giáo lý và cần dấn thân thực hành những giáo lý đó trong đời sống hàng ngày, tỉnh thức để vượt lên những cám dỗ, những tác động của thất tình lục dục, những bám víu, lo sợ trước các hiện tượng của cuộc đời.
Luôn nhớ nghĩ về mục tiêu đó làm cho con đường của người học Phật trở nên thênh thang, không bị giới hạn bởi mọi thứ khác, kể cả cái chết. Nhớ nghĩ để thực hành Phật pháp chính là cách để có được sự an lạc, thảnh thơi; nói cách khác, đó là lối sống đem lại sự tự tin trong ứng xử của người học Phật ở mọi hoàn cảnh, mọi tình huống xảy đến hoặc liên quan tới chúng ta.
Thích Tâm Hải (Giác Ngộ)