Ngày Thứ 27 PHÁP THOẠI 24

13/12/20153:59 SA(Xem: 9806)
Ngày Thứ 27 PHÁP THOẠI 24

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)

Nhà xuất bản Văn Học

Ngày Thứ Hai Mươi Bảy 
PHÁP THOẠI 24 (Tối ngày 13/7/ÂL)

 

Theo truyền thống, mốt là ngày Vu Lan rồi. Có một số các thầy, các chú từ Bắc tông sang, có lẽ đang thắc mắc là đã đến đại lễ Vu Lan mà chùa chỉ làm xanh sạch đẹp vườn cảnh, chẳng thấy chuẩn bị lễ lạc cờ đèn gì hết.

Nhân tiện để thầy giải thích cho rõ.

Đại lễ Vu Lan – ngày Rằm tháng 7, đã trở thành truyền thống tôn giáo của các quốc gia theo Phật giáo Đại thừa như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản; nó là một nét đẹp văn hoá nội hàm nhiều ý nghĩagiá trị nhân văn:

- Noi gương đức Đại hiếu Mục Kiền Liên, con cháu những gia đình Phật tử đến chùa vào dịp chư tăng ni mãn hạ An Cư, làm phước cúng dường tứ sự lễ phẩm đến quý ngài để hồi hướng phước báu cho ông bà cha mẹ, bà con quyến thuộc trong nhiều đời.

- Chùa nào cũng làm lễ, nói đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và nhắc nhở người con Phật sống theo đạo hiếu.

- Nếu mẹ còn tại tiền thì được gắn một bông hồng đỏ, tượng trưng cho tình yêu thiêng liêng còn tươi thắm, là hạnh phúc cho những ai còn mẹ cần phải biết yêu quý, giữ gìn, trân trọng.

- Nếu mẹ đã mất thì ta chỉ nhận được một bông hồng trắng. Cũng là bông hồng tượng trưng cho tình yêu nhưng là bông hồng màu trắng, nói lên sự xót thương tang tóc cho những ai trên đời không còn mẹ.

Những biểu tượng hồng đỏ, hồng trắng ở trên mang ý nghĩa thiêng liêng rất đẹp, nhưng thật ra được du nhập từ Nhật Bản qua tác phẩm “Bông hồng cài áo” của Thiền sư Làng Mai. Nó tồn tại một tình cảm thiếu hụt không đáng có: Vu Lan là mùa báo hiếu Cha Mẹ nhiều đời, kể cả hiện kiếp, nhưng sao chỉ cổ suý báo hiếu Mẹ mà không có báo hiếu Cha? Tại sao chỉ có Lễ Mẹ mà không có Lễ Cha: “Công Cha như núi Thái Sơn; nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra!” Thật đáng tiếc! Nó tạo nên nỗi tiếc thương bùi ngùi không đáng có đối với những người không còn Mẹ trong ngày đại lễ nầy.

Cách đây chừng khoảng 30 về trước, tại chùa Huyền Không, thầy là người đầu tiên đã mạnh dạn loại bỏ yếu tố văn hoá Nhật Bản trong ngày Lễ Mẹ ấy, đã “trung hoà” quan niệm đỏ-trắng-lưỡng-cực, bên còn bên mất ấy, qua thi phẩm: “Bông hồng vàng cửa Phật” (Gồm 100 bài thơ, 50 bài về Cha, 50 bài về Mẹ gồm lục bát tứ tuyệt và ngũ ngôn tứ tuyệt). Thầy không dùng bông hồng đỏ trắng chia biệt, chỉ sử dụng bông hồng vàng cài lên áo cho cả người còn Cha Mẹ hay đã mất Cha Mẹ trong ngày lễ báo hiếu Vu Lan .

Phật giáo Nam tông không có tên lễ Vu Lan, nhưng vẫn có nội dung tương tự, là sau ngày chư tăng mãn hạ, từ 16/9 đến 16/10 ÂL hằng năm. Biết là ngày Rằm tháng 7 không phải là lễ của PGNT, nhưng do cùng chảy trong một dòng văn hoá; lại nữa đa phần tín đồ cũng từ Bắc tông sang nên năm nào tại chùa Huyền Không cũng có tổ chức lễ Vu Lan thiết thựcthiêng liêng: Phật tử cúng dường đặt bát hội cho chư tăng để hồi hướng phước đến cho Cha Mẹ nhiều đời. Tụng kệ báo hiếu cha mẹ. Cài hoa hồng vàng. Phóng sanh đăng trên sông Hương...

Riêng chùa HKST, do ở núi rừng xa xôi, suốt 25 năm qua không tổ chức lễ Vu Lan và cả không sử dụng cụm từ Vu Lan mà chỉ sử dụng cụm từ Mùa Báo Hiếu (lý do tại sao sẽ được nói chuyện đầy đủ vào buổi tối mai).

Tại chỗ này, thầy khuyên các con sau này, nếu có tiếp thu nét văn hoá nào vào trong sinh hoạt của Phật giáo thì phải cân phân lựa chọn; đừng thấy người ta làm thì bắt chước làm theo mà không suy xét chu đáo. Còn nữa, nếu có tổ chức lễ lạc gì thì đừng có màu mè, phô trương hình thức mà nên đơn sơ, thanh giản. Mình là tu sĩ, đừng bao giờ bỏ quên mục đích Phạm hạnh. Đừng chạy theo nhu cầu phương tiện gọi là “lợi sinh”, đến một lúc nào đó, chùa chiền chỉ còn tồn tại những lễ hội ồn ào, huyên náo, nhuốm màu sắc tín ngưỡng dân gian.

Chỉ có tu không thôi đã là báo hiếu Cha Mẹ nhiều đời rồi, đủ để cúng dường chư Phật rồi. Thuở Phật còn tại tiền, ngài đã phá bỏ tiếu tế, trung tế, đại tế; và cuối cùng, ngài nói: “Cái cúng tế cao thượng nhất là thọ trì tam quy, ngũ giới” đó sao!

Tuy nhiên, báo hiếu Mẹ đã trở thành truyền thống văn hoá, tôn giáo. Nhưng nếu tôn giả Mahā Moggallāna (Mục Kiền Liên) là bậc đại hiếu – thì tôn giả Sāriputta (Xá Lợi Phất) lại còn đại hiếu hơn. Tại sao vậy? Vì tôn giả Mục Kiền Liên chỉ đưa Mẹ đến cõi trời, trong lúc đó, tôn giả Xá Lợi Phất lại đưa mẹ ngài đến tầng thánh quả (Tất cả mọi người có thể tìm đọc thêm trên trang mạng thuvienhoasen.org, huyenkhongsonthuong.net hay Huyền Không Sơn Thượng FB - thầy có viết hành trạng đại hiếu của cả hai vị).

Còn sau đây là 2 bài kệ về Cha Mẹmọi người nên đọc tụng:

1- Sám Phụ Mẫu kệ

Kính thưa cha mẹ tường tri

Nghĩ ra mới biết lỗi nghì ơn trên

Từ khi hình thể có nên

Mẹ cha bảo dưỡng, kề bên không rời

Nặng nề cực nhọc lắm ôi

Công cha, nghĩa mẹ kể thôi sao cùng

Con xin đảnh lễ cúc cung

Nghiêng mình phủ phục mong dung tội rày

Si mê, u tối chẳng hay

Mẹ cha sầu khổ tháng ngày héo hon

Hiếu tâm, hiếu hạnh không tròn

Ấu thơ đã lỗi, lớn khôn cũng lầm

Mẹ cha ơn trọng, tình thâm

Nắng mưa dầu dãi, gian truân nhọc nhằn

Hy sinh hạnh phúc bản thân

Chỉ mong con trẻ thành nhân, thành hiền

Mẹ cha là Phật tại tiền

Là Thầy trước nhất, Phạm thiên trong nhà

Nuôi con tóc bạc màu hoa

Quý con hơn cả ngọc ngà tư riêng

Tình thương xuôi chảy một miền

Nhưng con nào biết giữ niềm kính yêu

Đôi khi phạm thượng lắm điều

Nuôi cha dưỡng mẹ ít nhiều kể công

Mẹ cha lượng cả bao dong

Cho con sám hối, trọn lòng ăn năn

Tội con bất hiếu muôn ngàn

Mẹ cha duỗi cánh tay vàng xá cho

Tình thương, giọt nước cam lồ

Giúp con thoát khỏi khổ đồ lầm mê

Từ nay con trẻ quay về

Sống đời hiếu tử vẹn bề nhân luân

Mẹ cha sáng suốt tinh thần

Đạo vàng quy ngưỡng, chuyên cần tấn tu

Một lạy, cầu đấng Đại Từ

Mẹ cha trường thọ, công phu trọn lành

Hai lạy cầu đấng sinh thành

Sống theo Chánh Pháp, quang minh một niềm

Ba lạy chúng con xin nguyền

Trọn đời sống đạo, gieo duyên Niết-bàn.

2- Kệ Niệm Ân

Báo Hiếu Hiền Mẫu

(Bài kệ này có thể tụng thường nhật

để nhắc nhở sự hiếu đạo cho Phật tử)

Kính lạy mẹ: Nguồn ân cao cả

Dẫu muôn thân, vạn thuở khôn đền

Từ ấu thơ lầm lỗi gây nên

Nay khôn lớn, chưa tròn hiếu tử

Ơn nghĩa nặng, thịt xương huyết nhũ

Công sâu dày chín tháng cưu mang

Dưỡng bào nhi ăn uống kiêng khem

Lúc đi đứng, trái trời trở tiết

Nỗi thống khổ làm sao kể xiết

Tự chống chèo vượt cạn qua sông

Trào lệ vui, tiếng khóc bên lòng

Yêu con trẻ, nâng như trứng mỏng

Kính lạy mẹ: Nguồn sâu vô tận

Suối cam lồ tắm mát đời con

Ráo con lăn, bên ướt mẹ nằm

Bao dơ uế, nhọc nhằn cam chịu

Nuốt mặn, đắng, chua cay, tủi hận

Ôi! Suốt đời hiền mẫu lo toan

Mới cảm đau gió máy se mình

Mẹ hớt hải đảo trời, khấn Phật

Tình thương mẹ, thấm dòng sữa mật

Nuôi đời con đến lúc thành người

Lúc khó khăn, khô nhạt cầm hơi

Miếng ngon ngọt dành phần con trẻ

Năm canh đêm thức chừng con ngủ

Sáu khắc ngày tần tảo ngược xuôi

Đủ áo cơm nở mặt với đời

Cho ăn học đua đòi sĩ diện.

Kính lạy mẹ: Ơn thiêng hiển hiện

Suối bi từ vô lượng nhân gian

Nhiều khi con ngỗ nghịch hoang đàng

Lắm lúc lại hỗn hào tai ngược

Mẹ quay mặt, dao bào cắt ruột

Đánh con đau, lòng mẹ thêm đau

Ôi! Huyết nhục thâm ân, giáo dưỡng sâu mầu

Đèn sách sáng, lòng con chưa đủ sáng

Nay nhờ Phật, tâm minh trí rạng

Đuốc thiên lương Phật đạo soi đường

Mẹ là liên trì tỏa ngát nguồn hương

Là thanh nhạc chim trời Đao Lợi

bảy báu, phúc đời cao vợi

Niềm trong lành thường lạc, thường vui

Mẹ: Tình thương muôn thuở về xuôi

Là biển rộng, sông dài, núi cả

Phụng dưỡng mẹ áo cơm đầy đủ

Phải cúc cung hết dạ sớm hôm

Khi ốm đau cơm cháo bên giường

Lo xuôi ngược thuốc thầy tận tuỵ

Giữ mát mẻ, cháu con hòa khí

Tạo niềm vui thuận thảo gia đường

Giúp mẹ đức tin, bố thí, cúng dường

Khuyên giữ giới, tham thiền, niệm Phật.

Kính lạy mẹ: Vị thầy trước nhất

tiên nhân từ ái ngự trong nhà

Con nghiêm cung phủ phục thiết tha

Sám hối mẹ, ăn năn sợ hãi

Nếu mẹ đã vội vàng khuất núi

Biết làm sao hiếu hạnh chu toàn?

Noi tích xưa, đức Mục Kiền Liên

Gương đại hiếu, vầng trăng bất diệt

Xót thấy mẹ khổ đồ rên xiết

Lòng chí thành, kính thỉnh thập phương Tăng

Lễ vật, hương hoa, cơm bánh cúng dường

Tâm thanh tịnh các ngài chú nguyện

Uy lực Tăng: Vô biên Thánh điển

Mẹ hoá sanh Dục giới chư thiên

Đến muôn sau, kinh sử còn truyền

Cách báo hiếu, báo đền cúc dục

Lại tưởng nhớ mẹ ngài Xá Lợi Phất

Đã trọn đời chẳng thích sa-môn

Vì Gotama, bà phải lìa con

Nên thành kiến ăn sâu phế phủ

Quán thấy mẹ căn duyên sẵn đủ

Căn nhà xưa chọn chỗ Niết-bàn

Suốt ba canh sáng rực hào quang

Tiên sáu cõi tới lui hầu hạ

Đại Phạm thiên, vị thần cao cả

Cũng hiện bên giường cung kỉnh chắp tay

Oai con bà, sợ hãi lắm thay

Huống Đức Phật, Tôn Sư Vô Thượng

Nhờ ngưỡng phục, tâm bà thanh tịnh

Ngay sát-na chứng quả Dự Lưu

Cảm kích xiết bao thánh vị sâu mầu

Cách báo hiếu của hai ngài Như Lai trưởng tử

Đã trọn vẹn cù lao chín chữ

Lại trời, người thảy thảy thấm nhuần ân

Đệ tử hôm nay hội đủ duyên phần

Hiếu và Đạo nguyện thành viên mãn

Vầng tuệ nhật tam thiên xán lạn

Vẹt vô minh hôn ám bao đời

Cầu cho sanh loại muôn nơi

Thọ trì thắng hạnh rạng ngời nhân luân.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2013(Xem: 48432)
24/04/2012(Xem: 121953)
21/04/2014(Xem: 14373)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.