4. Bồ-đề tâm hành (phẩm 4 Bồ-tát)

10/04/20163:31 SA(Xem: 9503)
4. Bồ-đề tâm hành (phẩm 4 Bồ-tát)

CÕI PHẬT ĐÂU XA 
THẤP THOÁNG LỜI KINH DUY MA CẬT 
(Viết về kinh Duy Ma Cật
Nhà xuất bản Văn Học 2016 
Đỗ Hồng Ngọc

4. Bồ-đề tâm hành (phẩm 4 Bồ-tát)

 

Nhắc lại Duy-ma-cật “dùng phương tiện hiện ra thân mình có bệnh”, nhân lúc có “các hàng vua quan, trưởng giả, cư sĩ, bà-la-môn, vương tôn công tử…” kéo đến thăm đã thuyết giảng: “Các nhân giả! Thân này đáng lo, đáng chán, mà nên ưa thích thân Phật. Tại sao vậy? Thân Phật tức là Pháp thân”. “Các nhân giả! Muốn được thân Phật dứt hết các bệnh của chúng sinh, nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.”.

Như vậy tức là xuất gia, như vậy tức là đầy đủ”.

 

Thực ra “đầy” thì có đầy mà đủ thì chưa ”đủ”! Mới là điều kiện “Ắt có”, điều kiện tiên quyếtBồ-đề tâm nguyện- còn phải có Bồ đề tâm hành nữa! Con đường ”Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” không dễ chút nào!

 

Bấy giờ, Phật  bảo Bồ Tát Di-lặc: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”
Bồ Tát Di-lặc bạch: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, con vì vị Thiên vương ở cung trời Đâu-suất cùng quyến thuộc của người mà giảng thuyết công hạnh của địa vị Bất thối chuyển. Bấy giờ, Duy-ma-cật đến bảo con rằng: ‘Thưa Bồ Tát Di-lặc! Đức Thế Tônthọ ký cho nhân giả: Một đời nữa, ngài sẽ đắc quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Do đời sống nào mà được sự thọ ký ấy? Đời quá khứ chăng? Đời vị lai chăng? Đời hiện tại chăng? (…) Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”

 

Phật quay sang bảo Đồng tử Quang Nghiêm: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.
Quang Nghiêm bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, con đi ra ngoài thành lớn Tỳ-da-ly. Bấy giờ, Duy-ma-cật mới vừa đi vào thành. Con liền làm lễ ông ấy và hỏi rằng: ‘Cư sĩ từ đâu lại đây?’. ‘Tôi từ đạo tràng lại đây.’Duy-ma-cật đáp. “Con ngạc nhiên hỏi: ‘Đạo tràng nào? Đạo tràng ấy là ở đâu?’(…).

Nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến đó thăm bệnh ông ấy.

 

Phật quay lại bảo Bồ Tát Trì Thế: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”
Bồ Tát Trì Thế bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này. Con còn nhớ lúc trước, khi con trụ nơi tĩnh thất, lúc ấy, ma Ba-tuần hóa hình hệt như Đế-thích, có một muôn hai ngàn thiên nữ theo hầu, có cả tiếng âm nhạc, đàn địch ca xướng, đi lại chỗ con (…)

“Vậy nên con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy.”

 

Phật phán với Thiện Đức, con nhà trưởng giả: “Ông hãy đến nhà Duy-ma-cật mà thăm hỏi bệnh ông ấy.”
Thiện Đức bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Con chẳng đủ sức đảm nhận việc đến thăm bệnh ông ấy. Nguyên do là thế này (…) .

 

 Giữa pháp hội Vườn Xoài hôm ấy có vô số các vị Đại Bồ-tát thượng thủ nhưng Phật chỉ gọi bốn vị là Bồ-tát Di Lặc, đồng tử Quang Nghiêm, Bồ-tát Trí Thế và Thiện Đức, con nhà trưởng giả… đi thăm Duy-ma-cật bệnh hẳn phải có lý do nào đó, một thông điệp nào đó chăng?

 

* Thì ra Bồ-tát Di Lặc, Maitreya, A Dật Đa (Ajita), Vô Năng Thắng… là một vị Bồ tát “Nhất sinh bổ xứ“ được thọ ký sẽ thành Phật tương lai, ở cung trời Đâu-suất, chuyên gia về “Duy thức học“, chính danhTừ Thị – chữ Từ trong Từ, Bi, Hỷ, Xả! “Từ“ này  do hạt giống Như Lai “mọc“ ra, tự nhiên mà có. “Từ“ ở đây là “thương“, nhưng là một thứ thương không điều kiện, thương “vô duyên“, không cần một lý do nào cả, nên còn gọi là “vô duyên từ“.

 

Một thứ “thương vô duyên“, thương bao la rộng lớn, không phân biệt như vậy mà cũng chia chẽ ra “đời quá khứ, đời vị lai, đời hiện tại“ nữa hay sao? Thì vẫn có thứ tình thương chia chẽ đó, tức là tình thương có “điều kiện“. Hôm qua “đẹp“ thì thương, mai xấu, hết thương. Hôm qua “giàu“ thì thương, mai nghèo, hết thương. Cái đó gọi là tình thương “ái kiến“. Tình thương mà có “ái kiến“ thì sinh mệt mỏi! Kinh nói thế. Tóm lại, có thứ tình thương “mệt mỏi“ và thứ tình thương “sảng khoái“. Tình thương sảng khoái là thứ vô duyên từ, khi đã “thấy biết“ tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều do duyên sanh, đều có Pháp thân Phật, thân Như Lai, chỉ vì lâu nay chưa nhận ra mà đành ngụp lặn trong khổ đau, trong “luân hồi sanh tử“ đó thôi.

Tất cả chúng sinh đều là Như. Tất cả các pháp cũng là Như. Các vị thánh hiền cũng là Như. Cho đến Di-lặc cũng là Như. Nếu là Như, thì chẳng hai, chẳng khác (…). 
Bồ đề hành với tâm Từhạt giống của Như Lai- thì “Bồ-đề ấy, không thể dùng thân mà được, không thể dùng tâm mà được“. Dùng “thân“ là bày vẻ, là tô son trét phấn cho tình thương, dùng “tâm“ là hì hục, ráng sức mà thương… Cái thương có sự phân biệt, chia chẽ, hì hục, ráng sức… nên “mệt mỏi“ là phải!

‘Tịch diệt là Bồ-đề, vì dứt hết các tướng… Chẳng hai (Bất nhị) là Bồ-đề, vì lìa ý và pháp. Bình đẳng là Bồ-đề, vì bình đẳng như hư không. Vô vi là Bồ-đề, vì không có những sự: sinh, trụ, diệt…

Krishnamurti nói „Tình thương không phải là quá trình của tư tưởng. Ta không thể “nghĩ” đến tình thương, không thể vun trồng, không thể tập luyện được. Tập thương, tập rung động trong niềm tương thân tương ái vẫn còn trong vòng ràng buộc của khối óc, nên đó chẳng phải là tình thương. Chỉ khi nào các thứ ấy dứt đi thì tình thương hiển hiện, và lúc ấy ta mới biết thế nào là tình thương. Tình thương không phải ở phẩm mà cũng chẳng phải ở lượng.

Khi tâm rỗng hết mọi vật của trí, khi trí rỗng hết mọi suy tư thì có tình thương. Chỉ có cái không mới là vô tận. (Trúc Thiên dịch).

 

 

* Đó là Di-Lặc, Từ Thị, “vô duyên từ“ còn Quang Nghiêm thì sao? Quang Nghiêm là một đồng tử, hẳn là một vị tu sĩ trẻ, nhưng cũng có thể là một vị Bồ tát đã thành tựu nhưng có đời sống hồn nhiên, trong sáng. Đó là một đồng tử nghiêm trangtrí tuệ, tu tập tinh cần trong bốn bức tường của đạo tràng, tinh tấn, kham nhẫn, tri túc, phòng hộ các căn… Lúc trên đường từ đạo tràng về thì tình cờ gặp Cư sĩ Duy-ma-cật đang đi vào thành, ‘Cư sĩ từ đâu lại đây?’Quang Nghiêm kính cẩn chào hỏi.
 ‘Tôi từ đạo tràng lại đây.’ Duy-ma-cật đáp.
 ‘Đạo tràng ư? Đạo tràng nào vậy? Đạo tràng đó là ở đâu?’Quang Nghiêm ngạc nhiên.

 Vì đồng tử Quang Nghiêm chỉ biết có mỗi một thứ đạo tràng mà ông thường xuyên lui tới để tu luyện.

Duy-ma-cật cũng ngạc nhiên: Ô hay! Đạo tràng thì chỗ nào mà chẳng là đạo tràng. Chỗ nào có chúng sanh thì hẳn có đạo tràng chứ. Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ ! Chỗ nào có phiền não thì hẳn có đạo tràng chứ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Nơi nào càng có nhiều chúng sanh, càng có nhiều phiền não thì nơi đó càng cần nhiều đạo tràng mới phải chứ! Như vậy mới là lòng Bi rộng lớn, “đồng thể đại Bi” một khi đã nhận ra Pháp thân Phật, thân Như Lai trong tất cả chúng sanh.

“Các phiền nãođạo tràng, vì biết hết thảy như thật. Chúng sanhđạo tràng, vì biết rằng đó là vô ngã”.

Duy-ma-cật giải thích thêm:

“Lòng ngay thẳng là đạo tràng, vì không có sự hư dối”.

Lòng ngay thẳng, “trực tâm” là sự bình đẳng, là không phân biệt đối xử (non-discremianation), ở đó  không có sự hư dối, ở đó là sự chân thành, thân khẩu ý nhất quán, không phải nói một đàng, nghĩ một nẻo kiểu “bề ngoài thơn thớt nói cười”!

Khởi làm là đạo tràng, vì có thể biện biệt được sự việc. Phải xắn tay vào việc. Vừa làm vừa học. Tu không thể là tu mù, cũng không thể là đãy sách. Tu phải hành.

Bố thíđạo tràng, Trì giớiđạo tràng, Nhẫn nhụcđạo tràngTinh tấnđạo tràngThiền địnhđạo tràng, Trí huệ là đạo tràng… Từ là đạo tràng, Bi là đạo tràng, Hỷ là đạo tràng,  Xả là đạo trường….

Tóm lại thực hành Lục độ Balamat ở đâu thì ở đó là đạo tràng, thực hành Từ Bi Hỷ Xả ở đâu thì ở đó là đạo tràng.

 

Trong một giây nghĩ, biết hết tất cả các pháp, đó là đạo tràng, vì thành tựu được cái trí biết tất cả. Cái trí biết tất cả là Nhất thiết chủng trí, có được, một khi Mạt-na thức đã trở thành Bình đẳng chánh trí.

Như vậy đó, thiện nam tử! Nếu Bồ Tát dùng các ba-la-mật mà giáo hóa chúng sinh, nên biết rằng mọi việc làm của mình, cho đến những cử động nhỏ như nhấc chân, hạ chân, đều từ đạo trường mà lại, trụ nơi Phật Pháp.
* Thật là sai lầm khi cho rằng Phật giáo tiêu cực, chỉ thấy đời là bể khổ, muốn giải thoát bản thân, muốn rời bỏ thế gian. Nếu vậy thì đã không có Bồ-tát Trì Thế xuất hiện ở đây. Trì là giữ gìn, Thế là thế gian. Trì Thế vì vậy là vị Bồ-tát có trách nhiệm bảo trợ, giữ gìn, làm cho thế gian được an vui, hỷ lạc, hạnh phúc. Bên cạnh Bồ-tát này còn có sự giúp đỡ của các vị thiên vươngbốn hướng đông tây nam bắc: Trì Quốc Thiên Vương (giúp giữ nước), Tăng Trưởng Thiên Vương (giúp phát triển). Quảng Mục Thiên Vương (giúp có tầm nhìn xa), Đa Văn Thiên Vương (giúp học nhiều biết rộng). Có thể nói Bồ-tát Trì Thế mang đến Hỷ lạc, hạnh phúc cho cõi Ta-bà và nhờ đó có thể biến Ta-bà thành cõi Phật.

 

Nói đến thế gian, không thể không có người nữ. Cho nên ma Ba tuần mới đem mười hai ngàn thiên nữ đến dâng cho Trì Thế Bồ-tát. “Xin ngài thâu nhận mười hai ngàn thiên nữ này, các nàng có thể lo việc quét tước giặt rửa.’
Bồ tát Trì Thế hoảng hốt:“Kiều-thi-ca! Tôi là sa-môn Thích tử, ông đừng yêu cầu tôi nhận những thứ không đúng với pháp tu hành. Điều đó là trái với nghi luật của tôi.’
Thế gian nhiều “ma“ lắm! Ma bên ngoài và ma bên trong. Khi Phật còn ngồi thiền dưới cội Bồ đề mà ma còn dám đến quấy rầy, toàn những ma chân dài, ỏng ẹo, uốn éo vây quanh. Phật nói: Ta không cần mấy cái túi da này đâu! thì “ma“ mới biến mất!

Duy-ma-cật đến đúng lúc: ‘Chẳng phải Đế-thích đâu! Đó là ma đến quấy rối ngài đó.’
Rồi quay sang nói với ma Ba tuần rằng: ‘Các nàng này có thể tặng cho ta. Ta bằng lòng thâu nhận.’ Duy-ma-cật sẵn lòng.
Ma Ba tuần miễn cưỡng giao các nàng cho Duy-ma-cật. Ông liền “tùy theo chỗ thích hợpthuyết pháp với các nàng, khiến cho tất cả đều phát đạo ý“. Rồi nói: ‘ Nay các nàng nên phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Có những điều vui theo đúng pháp để cho tự vui lấy, chẳng nên vui với năm dục nữa.’

Tự vui ấy là cái vui sâu thẳm bên trong. Tâm hoan hỷ đến khi rời bỏ các dục, ly dục. Dục thì có năm thứ (ngũ dục): danh, tài, sắc, thực, thụy.: danh tiếng, tiền tài, sắc đẹp, cái ăn, cái ngủ. Những thứ dục đó đều mang đến ưu phiềnsợ hãi. “Dục ái sinh sầu ưu, Dục ái sinh sợ hãi…”. (Pháp Cú).

Phật dạy:”Ham muốn cái danh tiếng thường tình mà không lo học đạo chỉ uổng công mệt sức mà thôi. Giống như đốt hương, khi người ta ngửi được mùi thơm, thì cây hương đã tàn rồi. Tiền tài và sắc đẹp đối với con người giống như chút mật trên lưỡi dao… đứa trẻ liếm vào thì đứt lưỡi” (kinh 42 chương).

Các thiên nữ nhao nhao hỏi: ‘Những gì là vui theo đúng pháp?
Đáp: ‘Vui thường tin Phật, vui muốn nghe Pháp, vui cúng dường Tăng. Vui lìa năm dục, vui quán năm ấm như bọn oán tặc, vui quán bốn đại như rắn độc…

Tam quy ngũ giới, thọ bát quan trai, hiểu tứ đại ngũ uẩn vô thường, khổ, vô ngã, chừng ấy đủ mang lại hạnh phúc thế gian.

 

Vui làm việc bố thí rộng lớn. Vui giữ bền giới hạnh. Vui nhẫn nhục nhu hòa. Vui siêng góp căn lành. Vui thiền định chẳng loạn. Vui lìa cấu nhiễm, tỏ sáng trí huệ. Vui mở rộng tâm Bồ-đề. Vui hàng phục chúng ma. Vui cắt đứt các phiền não…“
Chúng tôi sẽ làm gì khi ở nơi chốn cung ma?’ Các nàng hỏi.

“Duy-ma-cật nói: ‘Này các cô, có một phép tu gọi là Đèn không dứt (Vô tận đăng). Các cô nên học phép tu ấy. Đèn không dứt có nghĩa là, như từ một ngọn đèn, mồi ánh sáng ra trăm ngàn ngọn đèn liên tiếp. Những chỗ tối đều trở nên sáng, mà ánh sáng không hề dứt. (…) Các cô tuy ở nơi cung ma, hãy dùng phép tu Đèn không dứt này mà làm cho vô số thiên tửthiên nữ đều phát tâm A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề.’

Tùy hỷthực hiện được thì như một suối nguồn tươi mát chảy mãi trong tâm hồn. “Vui gần bạn đồng học. Vui giữa nhóm người chẳng đồng học, lòng không ngăn ngại. Vui hộ trì những kẻ quen biết xấu. Vui gần gũi những người quen biết tốt“ .

Kinh Pháp Hoa đã dành cả một phẩm cho Tùy Hỷ, dành hẳn một đoạn mô tả kẻ tùy hỷ thì « mặt sáng, mắt trong, miệng tươi, môi thơm… » tức là “thành tựu tướng hảo“  như Duy-ma-cật khẳng định. Các nàng thiên nữ từ nay không cần dùng mỹ phẩm, cũng chẳng cần giải phẫu thẩm mỹ làm chi!

* Thiện Đức là một Bồ tát tại gia, thường tổ chức  Hội bố thí, cúng dường cho tất cả sa-môn, bà-la-môn, các thầy ngoại đạo và những kẻ bần cùng, hạ tiện, cô độc, hành khất… Duy-ma-cật vào trong hội, bảo rằng: ‘Chàng con nhà trưởng giả! Nếu là hội bố thí, chẳng nên tổ chức theo như đang làm đây. Nên mở hội thí pháp, cần gì mở hội thí tài như vậy?’ 
“Sao gọi là Hội thí pháp?’ Thiện Đức hỏi. “Hội thí pháp là không thí cho kẻ trước người sau. Trong một lúc, cúng dường tất cả chúng sanh. Đó gọi là hội thí pháp.’ Duy-ma-cật đáp.
Nhân vì Bồ-đề, phát khởi lòng Từ. Nhân vì cứu độ chúng sinh, phát khởi tâm đại Bi. Nhân vì giữ gìn Chánh pháp, phát khởi tâm Hỷ. Nhân vì nhiếp thâu trí huệ, thi hành pháp Xả… Vì giáo hóa chúng sinh, mà khởi ra lẽ không. Vì chẳng bỏ pháp hữu vi, mà khởi lẽ vô tướng. Vì thị hiện thọ sinh, mà khởi lẽ vô tác. Do hộ trì Chánh pháp, bèn khởi sức phương tiện…

Đó là hội thí pháp. Nếu Bồ Tát trụ ở hội thí pháp ấy, đó là đại thí chủ, cũng là ruộng phước của tất cả thế gian.’.

****

Bồ đề tâm nguyện phải đi đôi với Bồ đề tâm hành. Đó là lúc vào đời, là lúc dấn thân, ngay cả khi chưa “thành tựu” bản thân. Rồi qua kết nối, qua tương tác, qua duyên sinh, con đường thênh thang sẽ ngày càng rộng mở và dĩ nhiên đòi hỏi ở đó một nghị lực không thoái hóa, không lay chuyển. “Thõng tay vào chợ” là một lý tưởng, một mơ ước, nhưng liệu sau đó có bị “chợ hóa” đi không? Trải qua giai đoạn tu thân cam go và khổ hạnh, bây giờ là lúc “xuống núi”, “hành hiệp giang hồ”, cần phải trang bị tâm thế như thế nào để không bị lạc bước, phải trang bị những “sức phương tiện”, kiến thức, kỹ năng nào để “thành tựu chúng sanh” và “thành tựu” chính mình.

Di-Lặc Bồ tát, Đồng tử Quang Nghiêm, Bồ-tát Trì Thế, Thiện Đức… Bốn vị Bồ tát đã truyền đi một thông điệp: Từ, Bi, Hỷ, Xả trên con đường thực hành Bồ-tát đạo vậy.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2013(Xem: 48735)
24/04/2012(Xem: 122264)
21/04/2014(Xem: 14547)
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?