11. Bồ Tát Hành

10/04/20163:53 SA(Xem: 9023)
11. Bồ Tát Hành

CÕI PHẬT ĐÂU XA 
THẤP THOÁNG LỜI KINH DUY MA CẬT 
(Viết về kinh Duy Ma Cật
Nhà xuất bản Văn Học 2016 
Đỗ Hồng Ngọc

11. Bồ Tát Hành

 

Lúc ấy, Phật đang thuyết pháp trong vườn cây Am-la. Cảnh đất ấy bỗng nhiên trở nên rộng lớn, nghiêm đẹp. Tất cả chúng hội đều ánh lên màu vàng ròng.
A-nan bạch Phật: “Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà có điềm lành ứng hiện: Cảnh này bỗng trở nên rộng lớn, nghiêm đẹp. Tất cả chúng hội đều ánh lên màu vàng ròng?
Phật bảo“Ấy là Duy-ma-cật và Văn-thù với đại chúng muốn đến đây, cho nên ứng hiện ra điềm lành ấy.”

Thì ra, Duy-ma-cật và Văn Thù cùng đại chúng đã thực hiện xong buổi huấn luyện đặc biệt về Bồ-tát đạo tại căn thất trống của Duy-ma-cật sắp trở lại vườn xoài bái kiến Phật để được nghe dặn dò, giao nhiệm vụ cụ thể…

Đối tượng đích vẫn là các Bồ-tát tại gia tương lai, gồm Bảo Tích và năm trăm vị vương tôn công tử, thiếu gia, con nhà trưởng giả đã phát tâm Bồ đề nhưng còn nhiều ưu tư, nên Phật đã giao cho Văn Thù, Xá-lợi-phất cùng Duy- ma-cật mở một lớp huấn luyện đặc biệt với phương pháp giáo dục chủ động cho thấy một mô hình thực tế sống động tại Tỳ-da-ly hôm ấy. Bấy giờ lớp học đã xong phần… lý thuyết, đã trang bị đầy đủ kiến thứcthái độ, nay xin đến bái kiến Phật để được chỉ dạy thêm và giao nhiệm vụ cụ thể để thực hành con đường Bồ-tát hướng về Phật đạo đầy cam go trước mặt.

Bây giờ thì họ đã nắm vững thế nào là Phật đạo, Bồ-tát đạo, đã được trang bị nào pháp môn giải thoát bất khả tư nghì, sự sự vô ngại, nào pháp môn bất nhị, bình đẳng không hai, nào từ bi hỷ xả, nào bố thí ái ngữ lợi hành đồng sự… Họ cũng đã rõ biết những thứ bệnh thường gặp của Bồ-tát để tránh là bệnh chấp không, bệnh đại bi ái kiến, biết rõ thế nào là huệ và phương tiện  để sử dụng sao cho hiệu quả, đúng chánh pháp. Đặc biệt, họ đã học được pháp tu rèn giới đức để có được hương thơm lan tỏa từ chút cơm thơm nơi cõi Chúng Hương mang về…

Bấy giờ cái nhìn họ đã khác, cái thấy cái nghe cái nghĩ của họ cũng đã khác. Bấy giờ đất tâm của họ đã rộng lớn bao la, mảnh đất tâm đã được cày xới, bón phân , gieo hạt, chờ đơm hoa kết trái. Họ náo nức muốn được bái kiến Phật để được giao nhiệm vụ phải làm khi vào đời với lời ước nguyện: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ / Phật đạo vô lượng thệ nguyện thành…

Cảnh đất ấy bỗng nhiên trở nên rộng lớn, nghiêm đẹp. Tất cả chúng hội đều ánh lên màu vàng ròng… là vì thế.

Nhớ lại, có lần Xá-lợi-phất từng làm bộ hỏi: “…tôi thấy cõi này toàn là gò nỗng, hầm hố, gai góc, sỏi sạn, núi đất, núi đá dẫy đầy mọi nhơ nhóp xấu xa…” thì Phạm vương Loa-kế đã bảo: Ấy vì lòng của nhân giả có cao có thấp, chẳng y theo huệ Phật…Nếu ông giữ lẽ Bình đẳng, lòng dạ sâu vững thanh tịnh… ắt thấy cõi này thanh tịnh!

Gò nỗng, hầm hố, gai góc, sỏi sạn, núi đá dẫy đầy mọi nhơ nhóp xấu xa mà bỗng trở nên rộng lớn, nghiêm đẹp, ánh lên màu vàng ròng… không có gì là lạ! Mọi thứ không phải tự cõi đất mà tự cõi tâm đó vậy!

Duy-ma-cật bảo Văn-thù: “Chúng ta nên cùng đến viếng Phật, cùng với chư Bồ-tát lễ kínhcúng dường Phật.”
“Lành thay! Nên đi lắm, nay đã phải lúc lắm vậy.” Văn-thù đáp.

Duy-ma-cật liền dùng sức thần nâng hết cả đại chúng với tòa sư tử của mỗi vị, đặt lên lòng bàn tay phải của mình, rồi đi đến chỗ Phật ngự…

Phật bảo Xá-lợi-phất: “Ông có thấy Bồ-tát Đại sĩ hiện sức thần tự tại chăng?”. “Dạ, con đã thấy. Thật vượt quá sức tưởng tượng, vượt ngoài sự đo lường của con.” Xá-lợi-phất thưa.

“Bồ-tát Đại sĩ” đây là chỉ Duy-ma-cật. Một lời khen dành cho vị Bồ-tát tại gia, cũng nhằm động viên khuyến khích tất cả các vị Bồ-tát tại gia tương lai kia!

Với pháp giải thoát bất khả tư nghì, sự sự vô ngại thì “nhét núi Tu di cao lớn vào trong một hột cải; đem hết nước bốn biển mà để vào trong một lỗ chân lông…; bứt lấy cõi thế gian Tam thiên đại thiên cũng như người ta bứt cái vòng của thợ lò gốm, đặt cõi ấy trong lòng bàn tay, ném nó ra khỏi các cõi thế giới nhiều như cát sông Hằng…” thì có khó gì!

Với cái thấy biết Vô tướng thực tướng, Không, Duyên sinh… thì núi Tu di với hạt cải có gì ngăn ngại nhau? Ở một cõi không có thời gian, chẳng có không gian, một là tất cả, tất cả là một, thì còn tính đếm, đo lường nữa mà chi!

 

Lúc ấy, A-nan bạch Phật: “Thế Tôn! Nay có một hương thơm chưa từng có. Đó là hương thơm gì vậy?”
Phật bảo: “Ấy là hương thơm nơi lỗ chân lông của các vị Bồ-tát kia tỏa ra.”
Xá-lợi-phất bảo A-nan: “Từ nơi các lỗ chân lông của chúng tôi, giờ cũng phát ra mùi thơm ấy.

Thế mới biết, người ta dễ được “thơm lây” khi gần người đức hạnh! Thế mới biết vì sao nên gần gũi thiện tri thức. Giới đứccăn bản trên đường tu tập. Giới đức mới mang lại hương thơm, một thứ hương thơm bay cao, bay xa, bay ngược chiều gió. Nhưng giới đức không thôi chưa đủ, còn cần phải có định, có huệ. Chỉ hương thơm không thôi dễ tự mãn. Cho nên khi các vị Bồ-tát cõi Chúng Hương xin xuống Ta-bà “thực địa” một phen thì Phật Hương Tích đã phải dặn kỹ: Thu mình nhỏ lại, khiêm tốn, giảm bớt… mùi thơm, nói lời ái ngữ, lợi hành và đồng sự với chúng sanh ở cõi Ta-bà, đừng có khinh dễ, đừng có ngạo mạn!

Chính các vị Bồ-tát từ cõi Chúng Hương sau này đã chắp tay bạch Phật: “Thế Tôn! Khi mới thấy cõi này, chúng con có ý cho là thấp kém. Bây giờ chúng con tự hối trách, lìa bỏ ý nghĩ ấy. Tại sao vậy? Pháp môn phương tiện của chư Phật là không thể nghĩ bàn. Vì độ chúng sanh, cho nên các ngài tùy theo chỗ thích hợp của họ mà hiện ra các nước Phật khác nhau”.

Phật từng dạy: “Các loài chúng sanhcõi Phật của Bồ-tát. Bồ-tát tùy theo chỗ giáo hóa chúng sanh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy theo chỗ điều phục chúng sanh mà giữ lấy cõi Phật. Tùy các chúng sanh muốn dùng cõi nước nào để vào trí huệ Phật mà giữ lấy cõi Phật. Tùy các chúng sanh muốn dùng cõi nước nào để phát khởi căn Bồ-tát mà giữ lấy cõi Phật”.

Khi các vị Bồ-tát phương xa xin “ra tay nghĩa hiệp” nơi cõi Ta-bà ngũ trược này thì Phật đã bảo: Thôi đi! Xin cám ơn! Và ngay đó, vô số Bồ-tát “tùng địa dũng xuất” đã xuất hiện (Pháp Hoa).  Bồ- tát xuất thân từ cộng đồng thì quen phong tục tập quán, ngôn ngữ địa phương, nhờ vậy mà họ dễ giao tiếp, dễ hướng dẫn, làm gương… Đó chính là  phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng ( Community-based approach) như đã nói mới mang lại hiệu quả bền vững.

Mùi thơm được mang về từ cõi Chúng Hương, vốn xin từ một thứ thức ăn, chút cơm dư của Phật Hương Tích, về làm “Phật sự” ở căn thất Duy-ma-cật.

 

A-nan bạch Phật: “Chưa từng có vậy! Thế Tôn, như thứ cơm ấy mà có thể làm Phật sự chăng?”.

Thực ra A-nan đâu có lạ gì chuyện “Phật sự”! Hỏi chẳng qua là hỏi để các vị Bồ-tát tại gia tương lai kia mở rộng tầm mắt! Họ vốn là các bậc vương tôn công tử, thiếu gia, con nhà trưởng giả thường vẫn nghĩ rằng làm “Phật sự” hẳn phải làm những việc gì to lớn, vĩ đại, như xây chùa thật to, đúc chuông thật lớn, dựng tượng thật uy nghi, sơn son thếp vàng rực rỡ…!

Phật dạy: “Đúng vậy, đúng vậy! A-nan, hoặc có cõi Phật dùng ánh sáng quang minh của Phật mà làm Phật sự… Có cõi dùng cây Bồ-đề mà làm Phật sự. Có cõi dùng y phục, cơm và đồ ăn của Phật mà làm Phật sự. Có cõi dùng vườn hoa, rừng cây, đền đài mà làm Phật sự…  Có cõi dùng hư khônglàm Phật sự, chúng sinh muốn nương theo duyên ấy mà vào luật hạnh. Có cõi dùng những ví dụ, như: chiêm bao, ảo hóa, bóng dáng, tiếng dội, hình lộ trong gương, mặt trăng dưới nước, dợn sóng khi trời nắng… mà làm Phật sự. Có cõi dùng âm thanh, lời nói, văn tựlàm Phật sự. Hoặc có cõi Phật thanh tịnh dùng những việc: tịch mịch, không lời, không thuyết, không chỉ, không ghi, không làm, vô vilàm Phật sự. A-nan! Như vậy đó, mọi cách đi đứng, nằm ngồi, tới lui của Phật, thảy thảy hành vi, không chi chẳng là Phật sự”.

Thì ra vậy! Nhất thiết pháp giai thị Phật pháp. Một cái quơ roi, một tiếng hét, một chiếc lá rụng, một tiếng ngói vỡ, một ánh mắt nhìn hay một sự im lặng… cũng làm Phật sự được quá chớ!

A-nan! Có bốn thứ ma, tám muôn bốn ngàn thứ phiền não, làm cho chúng sinh phải nhọc nhằn mệt mỏi. Chư Phật liền dùng những pháp ấy mà làm Phật sự. Đó gọi là vào pháp môn của tất cả chư Phật”.

Hóa ra ngay các thứ ma, các thứ phiền não… cũng đều có thể làm Phật sự. Những gì người đời sợ hãi, buồn khổ, lo âu… thì với các vị Bồ-tát, đều là cơ hội để làm Phật sự, thành tựu chúng sanh. Cho nên mới nói Phiền não là Bồ-đề, hoa sen mọc trong biển lửa.

Công đức của chư Phật Như Lai vẫn là bình đẳng, nhưng vì giáo hóa chúng sanh nên các ngài hiện ra những cõi Phật khác nhau. Các nước Phật, đất đai nhiều thứ khác nhau, nhưng hư không chẳng có nhiều thứ. Cũng như vậy, chư Phật sắc thân nhiều dạng khác nhau, nhưng cái huệ vô ngại của các ngài thì chẳng khác nhau”.

“…giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, đại từ, đại bi, các sở hành oai nghi như đi, đứng, nằm, ngồi, thuyết pháp giáo hóa, thành tựu chúng sinh, làm cho trong sạch cõi Phật, đầy đủ các Phật pháp, thời chư Phật đều bình đẳng như nhau. Cho nên gọi các ngài là Tam-miệu Tam-phật-đà, cũng gọi là Đa-đà-a-già-độ, cũng gọi là Phật-đà”.

Tam-miệu Tam-phật-đà là Chánh biến tri; Đa-đà-a-già-độ là Tathagata, Như Lai. Cho nên chư Phật còn được gọi là Như Lai, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiên nhân sư, Điều ngự trượng phu v.v…

 

Lúc ấy, các vị Bồ-tát từ thế giới Chúng Hương đồng chắp tay: “Dạ, kính bạch Thế Tôn! Xin ngài ban cho chút ít Phật pháp. Khi trở về, chúng con sẽ nhớ tưởng Như Lai.

Phật dạy: “Có pháp môn giải thoát gọi là Tận Vô Tận, các ông nên tu học. Sao gọi là Tận? Ấy là pháp hữu vi. Sao gọi là Vô Tận? Ấy pháp vô vi. Bồ-tát thì phải “Chẳng dứt hữu vi, chẳng trụ vô vi” (Bất tận hữu vi, bất trụ vô vi).

“Các ông nên tu học” ở đây Phật không chỉ nói đến các vị Bồ-tát đến từ cõi Chúng Hương mà cho toàn thể đại chúng, các vị Bồ-tát, các Đại đệ tử, nhất là các Bồ-tát tại gia tương lai, nhằm nhắc nhở nhiệm vụ chủ yếu của Bồ-tát là “Bất tận hữu vi, bất trụ vô vi”.

Khuynh hướng của người tu học khi “chứng ngộ” dễ thấy “phạm hạnh đã tròn đầy”, muốn “đặt gánh nặng xuống”, bước vào cõi “Vô sanh”, Niết bàn tịch diệt. Phần khác cũng ngại con đường tu học quá khó, quá ngược, không chắc chúng sanh hiểu được, làm được.

Ngay cả Phật khi đắc đạo dưới cội Bồ-đề cũng nghĩ: “Giáo PhápNhư Lai đã chứng ngộ quả thật thâm sâu huyền diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ còn bậc thiện trí mới thấu hiểu”.

Người còn mang nặng tham áisân hận không dễ gì thấu triệt. Người tham ái chìm đắm trong đêm tối, không thấy được Giáo Pháp, vì lòng tham ái bao phủ như đám mây mờ đen nghịt, vì Giáo Pháp đi ngược dòng với tham ái. Giáo Pháp sâu kín, thâm diệu, khó nhận thức và rất tế nhị”.

Ba lần Phạm thiên khẩn khoản đức Thế Tôn mới dùng thiên nhãn quan sát thế gian, nhận thấy chúng sanh kẻ ít người nhiều đều có bụi trong mắt, người thông minh sáng suốt, kẻ ngu muội tối tăm…như trong đầm sen, sen xanh, đỏ, trắng lẫn lộn,có những cây mọc từ trong nước, trưởng thành trong nước, có cây ló dạng trên mặt nước, có cây vượt lên khỏi mặt nước, không vướng chút bùn nhơ..

Đức Phật bấy giờ tuyên bốCửa Vô Sanh Bất Diệt đã rộng mở cho chúng sanh. Hãy để cho ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin tưởng…” (Đức PhậtPhật pháp, Narada).

Pháp hữu-vi sao gọi là Tận? Bởi vì pháp hữu-vi là pháp còn tạo tác, còn hành vi  tạo nghiệp, còn sanh diệt, tái diễn trong Tam giới. Pháp hữu vi là… vô thường, như mộng, huyễn, bào ảnh… trước sau gì cũng dứt, cũng tận! Pháp hữu vi do duyên mà sanh, hết duyên thì dứt.  Nó chỉ là “giả tạm”, vốn hư vọng: “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”! Cho nên kinh Kim Cang khuyên: “Ưng tác như thị quán”! Thấy rõ nó vậy, vô thường, khổ, không, vô ngã thì không nên đeo bám, không nên dính mắc, nên xa lìa, nên nhàm chán thì mới được… giải thoát!

Nhưng đó là dạy cho chúng sanh chớ với Bồ-tát thì khác! Bồ-tát là chúng sanh đã giác ngộ, nguyện cứu độ vô biên chúng sanh khác còn đang ngụp lặn trong cõi Ta bà ô trược nên…Bồ-tát thì không từ bỏ hữu vi, vẫn “đeo bám” hữu vi để giúp đời!

Bồ-tát thì đã “Phát khởi sâu vững tâm Nhất thiết trí, không hề xao lãng đối với chí quyết thành Phật”, “chẳng lìa đức đại từ, chẳng bỏ đức đại bi…”

Nên Bồ-tát phải có nhiệm vụ “Giáo hóa chúng sanh chẳng hề mệt chán. Thường xét nghĩ việc tùy thuận thi hành bốn pháp thâu nhiếp. Hộ trì chánh pháp chẳng tiếc thân mạng. Gieo trồng các căn lành chẳng hề mệt chán. Tâm trí thường được an ổn, vững chãi, đem phương tiện hướng về Phật quả. Cầu pháp chẳng biếng nhác. Thuyết pháp chẳng hiểm tiếc. Vào chốn sinh tử nhưng không sợ sệt chi cả. Đối với sự vinh nhục lòng không lo buồn, không mừng vui. Chẳng khinh kẻ chưa tu học…”.

“Tại các cảnh thiền định, tưởng đó như các tầng địa ngục. Đối với cuộc sinh tử luân hồi, tưởng đó như vườn cảnh điện đài. Không đắm mê thiền duyệt mà quên nhiệm vụ, coi sáu nẻo luân hồi thênh thang “một cõi đi về”!

Bồ tát thực hành lục độ ba-la-mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, thiền định, trí huệ: Thí xả những vật sở hữu của mình, đủ đầy cái tâm tưởng cầu quả vị của đấng Nhất thiết trí. Thấy kẻ phá hủy giới cấm, khởi lên cái tư tưởng cứu hộ. Đối với các ba-la-mật, tưởng như cha mẹ. Đối với các pháp đạo phẩm, tưởng như quyến thuộc. Nảy nở các căn lành, không hề có giới hạn. Lấy những việc nghiêm sức cõi nước trong sạch để thành tựu cõi Phật của mình. Trừ bỏ mọi việc xấu ác, giữ sạch thân, miệng, ý. Trải vô số lần sinh tử, tâm ý vẫn dũng mãnh.

” … Thường cầu đức tánh vô niệm, trí huệ thật tướng. Thi hành lẽ biết đủ, ít tham cầu, nhưng chẳng bỏ pháp thế gian. Chẳng chê bỏ oai nghi cốt cách, nhưng có thể tùy tục mà khởi ra huệ thần thông, dìu dắt chúng sinh”…” Tu bốn tâm vô lượng (Từ bi hỷ xả),  Tâm ý không phóng dật, chẳng bỏ mất các việc lành”.

Tri túc, kham nhẫn, không phóng dật, thấy biết chân khôngdiệu hữu, tùy tục mà khởi huệ thần thông, dìu dắt chúng sanh… đó là vai trò của Bồ-tát.

“Thi hành những pháp như vậy, gọi là Bồ Tát “bất tận hữu vi”.

 

Pháp vô-vi sao gọi là Vô tận? Bởi pháp vô vipháp thanh tịnh, vắng lặng, bất  động, niết bàn, diệt tuyệt nhân quả, dứt hẳn phiền não, thoát ly Tam giới, chấm dứt sanh tử luân hồi.

“Sao gọi là Bồ Tát chẳng trụ vô vi? Đó là, tu học lẽ không, nhưng chẳng lấy lẽ không làm chứng đắc. Vì nếu lấy lẽ không làm chứng đắc thì sẽ mắc thứ bệnh nặng của Bồ-tát: bệnh chấp không!

Tu học vô tướng, vô tác, nhưng chẳng lấy vô tướng, vô tác làm chứng đắc.

Bồ-tát thấy chân khôngdiệu hữu. Thực tướng nằm sau giả tướng. Tướng như thị, tánh như thị, thể như thị, lực như thị…!

Quán lẽ vô thường, nhưng chẳng chán cội lành. Quán những nỗi khổ thế gian, nhưng chẳng ghét việc sinh tử. Quán lẽ vô ngã, nhưng dạy người chẳng chán. Quán lẽ tịch diệt, nhưng chẳng tịch diệt mãi mãi. Quán lẽ xa lìa, nhưng thân tâm tu thiện. Quán lẽ không có chỗ về, nhưng quay về các pháp lành. Quán lẽ không sinh, nhưng đem việc sinh sống mà gánh vác tất cả chúng sinh.

Quán lẽ không có phiền não, nhưng chẳng đoạn tuyệt các phiền não! Nói khác đi, Bồ-tát phải biết sống với phiền não, nhờ đó biết “thấu cảm” với nhân sinh, nếu không, dễ thành kẻ “vô cảm”! Sống với phiền não nhưng không bị dính mắc với phiền não!

“Tu các pháp như vậy, gọi là Bồ Tát “bất trụ vô vi”…

Rồi Phật khẳng định: “Lại nữa, nhờ có đủ phước đức, nên Bồ Tát chẳng trụ vô vi. Nhờ có đủ trí huệ, nên chẳng rời hữu vi. Nhờ đại từ bi, nên chẳng trụ vô vi.

Nhờ tròn bổn nguyện, nên chẳng rời hữu vi. Nhờ tụ hội các phương thuốc pháp, nên chẳng trụ vô vi. Nhờ khéo tùy bệnh mà cho thuốc, nên chẳng rời hữu vi.

Nhờ biết bệnh của chúng sinh, nên chẳng trụ vô vi. Nhờ trị dứt bệnh của chúng sinh, nên chẳng rời hữu vi. Các vị Bồ-tát, khi đã tu xong các pháp ấy thì chẳng muốn rời “hữu vi”, chẳng muốn trụ “vô vi”. Đó là pháp môn giải thoát Tận Bất tận. Các ông nên tu học pháp môn ấy.”

Các vị Bồ Tát cõi Chúng Hương nghe Phật thuyết thời pháp ấy rồi, đều rất hoan hỷ, đảnh lễ nơi chân Phật, khen là chưa từng có, và nói rằng: “Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã có thể ở cõi này mà thực hành phương tiện một cách khéo léo.”

A-nan khi ngộ được chơn tâm mầu nhiệm cũng đã phát nguyện:
Đời ác trựơc tôi thề vào trước
Còn một chúng sanh chưa thành Phật
Thì tôi không nhận hưởng Niết Bàn !
Ai bảo A-nan không là một Đại Bồ-tát?

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2013(Xem: 48561)
24/04/2012(Xem: 122100)
21/04/2014(Xem: 14449)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.