Thư Viện Hoa Sen

Bài 46 - Tam bảo

29/07/20219:54 SA(Xem: 5172)
Bài 46 - Tam bảo

LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI BỒ-TÁT
The Bodhisattva Ideal

***
Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ

  

Chương VII

Các Cấp Bậc Của Người Bồ Tát

 

Bài 46

Tam Bảo

 

           

(Tam bảo là một từ gốc tiếng Hán, nhưng đã trở thành quen thuộc trong Phật giáo Việt Nam, nghĩa từ chương là "Ba viên ngọc quý", tiếng Phạn là Triratna, tri có nghĩa là ba, ratna có nghĩa là vật quý giá, viên ngọc, hay kho tàng. Ba viên ngọc quý biểu trưng cho Đức PhậtDharma hay Giáo huấn của Ngài và Tập thể những người xuất gia cùng bước theo nền Giáo huấn đó, và họ được xem là những người có khả năng hướng dẫn kẻ khác.

                                         

             Tam bảo (Triratna) là nền tảng của toàn bộ Phật giáo. Trong kinh Mahaparinibbana Sutta / Đại bát Niết-bàn Kinh, cho biết Đức Phật trước khi tịch diệt có đưa ra một lời dặn dò như sau : "Ta nhắn bảo với tất cả là sau khi ta ra đi thì hãy xem Dhamma (Dharma) và tập thể các Đệ tử của ta là Thầy mình".  Đấy chính là cách mà Đức Phật thiết đặt nền móng cho toàn bộ Giáo lý của Ngài mà ngày nay chúng ta gọi là Đạo Phật. Dưới đây nhà sư Sangharakshita sẽ giải thích về ý nghĩa của Tam bảo theo truyền thống của Kim Cương thừa)

 

            Mỗi viên bảo châu đều biểu trưng cho một khía cạnh bí truyền (chữ bí truyền / esoteric ở đây có nghĩa là sự truyền thụ mang tính cách giới hạn. Phép truyền thụ đó diễn ra giữa một vị thầy và một hay vài đệ tử của vị thầy ấy, tất cả tùy theo khả năng, trình độ, xu hướng và cá tính của mỗi đệ tử. Xin lưu ý trong Kim cương thừa không có gì là bí mật cả. Chữ "Mật tông" là do người Trung quốc đặt ra để gọi một học phái ảnh hưởng bởi Kim Cương thừa, được hình thành dưới thời nhà Đường), khái niệm này vô cùng quan trọng trong Kim Cương thừa. Tinh cách bí truyền của khái niệm đó vô cùng thiết thực và hữu hiệu. Những người tu tập theo Kim Cương thừa cho rằng sự Giác ngộ của Đức Phật, Giáo lý về sự thật do Ngài khám phá và Tập thể các đệ tử đã đạt được giác ngộ, là ba viên bảo châu, và cả ba viên bảo châu đó đã được mọi người tôn kính từ những thời kỳ xa xưa suốt trên dòng lịch sử của Phật giáo. Nếu chúng ta không tạo dịp để tiếp xúc với Tam bảo thì chúng ta sẽ không thể nào tiếp nhận được ảnh hưởng trực tiếp của Tam bảo. Thế nhưng thật ra trên thực tế chính chúng ta phải tự mình khám phá ra ba viên bảo châu ấy cho mình. Vậy thì ba viên bảo châu ấy ở đâu để mà tìm kiếm?  

 

            Câu trả lời là theo Kim Cương thừa thì chúng ta phải xem người thuyết giảng Dharma, là vị guru của mình (guru là tiếng Phạn, có nghĩa là người giám hộ, người thầy hay người hướng dẫn tâm linh, đôi khi chữ guru cũng được dịch là "pháp sư"), chẳng hạn như trường hợp Đức Phật (là một vị Thầy), là vị biểu trưng cho sự Giác ngộ,  

 

            Cũng vậy, trong khi thiền định chúng ta cũng phải xem vị yidam - dưới hình thức một vị Phật hay một vị bồ-tát nào đó - là hiện thân của chính sự thật.

 

            (Yidam là tiếng Tây Tạng, tiếng Phạn là istadevada, ista có nghĩa là yêu quý, tôn kính, devada có nghĩa là thiên nhân hay đấng thiêng liêng. Yidam có thể là một vị Phật hay một vị đại bồ-tát nào đó làm đối tượng cho phép thiền định quán tưởng. Người hành thiền tự nhận diện mình xuyên qua vị thiêng liêng ấy để quán thấy Phật tính - buddhahood /buddhatva hay buddhabhava - của vị ấy để đồng hóa Phật tính của vị ấy với Phật tính của mình bên trong chính mình, hầu tạo ra một "hiện thực" chung. Sau đó thì người hành thiền sẽ phá vỡ cái "hiện thực" đó để quán thấy sự kiện đó cũng chỉ là một ảo giác mà thôi, không hề hàm chứa một sự hiện hữu tự tại nào cả, mà chỉ là một sự trống không. Tóm lại yidam không phải là một đấng thiêng liêng mang tính cách cụ thể nào cả mà chỉ đơn giản là một sức mạnh, một thể dạng biến hóa - còn gọi là "hóa thân" / emanation) - của tâm thức người hành thiền. Phép thiền định quán tưởng đó cần phải có một vị lạt-ma (vị thầy trong Phật giáo Tây Tạng) hướng dẫn)    

 

            Hình thức quy y Tam bảo mang tính cách bí truyền là một sự gia nhập với các vị dakini (là các vị nữ thần đã đạt được sự giác ngộ hoàn hảo, họ có thể hiển hiện dưới hinh thức nhân dạng hay bất cứ một thể dạng nào khác của sự giác ngộ), theo Kim Cương thừa thì chúng ta có thể tiếp xúc một cách cụ thể với các vị ấy.    

 

            Trong lãnh vực cá nhân (tức là đối với mỗi người tu tập) thì vị guru là vị thay mặt Đức Phật để giảng dạy cho mình, và đặc biệt hơn nữa là theo truyền thống Tantra thì vị guru cũng chính là Đức Phật

 

            Ngoài ra cũng có một cách hiểu khác về câu châm ngôn của nhà sư Gampopa (xin xem lại bài 45 về câu "châm ngôn" này nếu cần. Ý nghĩa đại cương trong câu châm ngôn đó là nên xem người bạn đạo - đạo hữu, bạn đồng tu - là một vị Phật. Cũng xin mượn dịp này để tạ lỗi với độc giả vì trong bài 45 trước đây tên của vị sư này bị viết sai là Gamposa thay vì là Gampopa), cho rằng mỗi người trong tất cả chúng ta đều hàm chứa tiềm năng của một vị Phật. Hơn nữa theo một số học phái thì chỉ cần suy nghĩ thêm một chút thì chúng ta cũng sẽ hiểu rằng là con người thì chúng ta đều là Phật, dù đã thật sự trở thành hay chưa cũng vậy. Vì thế trong trường hợp đối với một người bạn tâm linh (kalyana-mitra, bạn đạo, đạo hữu, người bạn đồng tu với mình), thì dù chỉ mới thực hiện được một phần rất nhỏ của một vị Phật đi nữa, thế nhưng cũng đủ để mình trông thấy được nơi người bạn ấy bản chất của một vị Phật, một bản chất mà tất cả chúng ta đều có.    

 

            Hơn nữa nhà sư Gampopa còn khuyên chúng ta không những chỉ biết giúp đỡ các người bạn tâm linh của mình (bạn đạo, đạo hữu, những người cùng tu tập với mình) mà còn phải mang lại niềm vui sướng cho họ. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải bộc lộ như thế nào để họ hiểu rằng niềm vui sướng mà mình mang lại cho họ thật chính đáng đối với các phẩm tính mà họ nhận thấy đang hiển lộ và phát triển bên trong chính mình. Nếu bạn mang lại niềm vui sướng cho một người bạn tâm linhđồng thời họ cũng mang lại cho bạn một niềm vui sướng, thì cả hai đều mang lại cho nhau một niềm hân hoan thật hài hòa, và đó cũng chính là mudita (là tiếng Pali và tiếng Phạn có nghĩa là sự vui thích, niềm vui sướng, hân hoanthích thú), và nhờ đó sự trao đổi (communication / sự cảm thông, tương giao) giữa nhau sẽ trở nên tự nhiên hơn. Người bạn ấy sẽ giảng dạy cho bạn dễ dàng hơn, và bạn cũng sẽ học hỏi được nhiều hơn. Mang lại niềm vui cho một người bạn tâm linh sẽ khiến cho sự trao đổi hữu hiệu hơn, trái lại sự nghi kỵ sẽ dựng lên một tấm rào cản ngăn chận mọi sự cảm thông. Mang lại niềm vui cho người bạn đạo của mình không có nghĩa là làm hài lòng cái tôi của người bạn ấy mà là để tạo ra một sự nối kết cởi mở, thoải mái, chân thật và nhiệt tình hơn, nói lên metta (tình thương yêu, lòng từ tâm), niềm vui mừng và cả sự thoải mái (equanimity) nơi phẩm tính của nhau. Nếu mang lại được niềm vui sướng cho những người bạn đạo của mình thì đấy sẽ là cách giúp họ trao đổi với mình dễ dàng hơn, điều đó sẽ giúp họ bộc lộ bản chất đích thật của họ và cũng nhờ đó chính bạn cũng sẽ học hỏi được nhiều hơn (tất cả mọi người dù ở cấp bậc nào cũng đều có một cái gì đó để mình học hỏi). Dù tôi nêu lên những người ở cấp bậc "cao hơn" và những người ở cấp bậc "thấp hơn", thế nhưng điều đó không có nghĩa là một sự phân loại bất di dịch.

 

            Nếu chúng ta tức khắc tập trung ngay sự suy nghĩ của mình hướng vào kẻ khác qua các cấp cao hơn hay thấp hơn của họ, thì điều đó sẽ cho thấy là mình chẳng hiểu gì cả về ý nghĩa của hệ thống phân chia thứ bậc trong lãnh vực tâm linh. Tất cả mọi hình thức xúc cảm phải xảy ra thật tự nhiên và tự phát (spontaneous), dù cho các xúc cảm ấy là sự tôn kính, lòng từ bi hay tình thương yêu (metta), và dù cho mình đang đứng trước bất cứ một người nào cũng vậy. Đấy là các thứ xúc cảm thật tự nhiên tạo ra các thứ bậc trong lãnh vực tâm linh, chẳng hạn như cảm tính tôn kính đột nhiên hiện lên khi mình tiếp xúc với một cái gì đó cao cả hơn mình (một pho tượng Phật hay một vị sư già có các cử chỉ và một phong thái thật đáng kính), hoặc một sự tuôn trào thật tự nhiên của cảm tính từ bi khi gặp phải cảnh khốn cùng hay không lối thoát của kẻ khác, hoặc sự dâng trào tình thương yêu và sự thân thiện khi tiếp xúc với những người ngang hàng với mình. Các xúc cảm đó phải thấm nhuần toàn bộ sự sinh hoạt của tất cả những người bước theo con đường Phật giáo. Tất cả mọi người trong tập thể đó cũng tương tự như những cánh hoa hồng sinh ra từ một gốc hồng duy nhất, trong số đó có những đóa hoa còn búp nhưng cũng có những đóa hoa nở rộ, hoặc cũng có thể xem tất cả các thành phần đó đều thuộc chung trong một gia đình tâm linh duy nhất mà người chủ gia đìnhĐức Phật, và những người bồ-tát đều là anh chị em với nhau. Trong một gia đình như vậy, tất cả mọi người đều nhận được những gì mà mình mong muốn, bời vì tất cả đều hiến dâng những gì mình có, và nhờ đó toàn thể gia đình sẽ thấm đượm niềm hân hoan, sự thoải mái, lòng nhiệt tình, tạo ra một bầu không khí chan hòa ánh sáng. Trong trường hợp đó, hệ thống thứ bậc của người bồ-tát sẽ thu nhỏ lại để trở thành một điểm duy nhất, nói lên một sức mạnh rạng ngời. 

 

            Kinh sách cho biết sự hiển lộ tuần tự của bodhicitta (tiền ngữ bodhi trong chữ bodhicitta có nghĩa là giác ngộ, citta là tâm thức, bodhicitta do đó có nghĩa là "tâm thức giác ngộ", kinh sách Hán ngữ gọi là bồ-đề tâm) xuyên qua các bhumi (các địa giới hay các cấp bậc thăng tiến tuần tự của người bồ-tát) cũng tương tự như tình trạng vàng ròng còn bị pha lẫn với các cặn khoáng (slag / scorie), vàng ở thể dạng pha lẫn đó phải được tinh lọc dần dần bằng phương pháp nung chảy, trước khi có thể tạo ra một trang sức thật đẹp, chẳng hạn như chiếc vương miện của một vị đế vương. Vàng ròng chính là bodhicitta, luôn hiện hữu nơi mỗi con người trong chúng ta, thế nhưng chỉ là dưới các hình thức giả tạo (lệch lạc, méo mó), bị tràn ngập và phủ lấp bởi đủ mọi thứ ô nhiễm và bấn loạn. Vàng ròng tự nó tinh khiết một cách tự nhiên, thế nhưng đối với các chất cặn bã pha lẫn với nó thì phải tuần tự loại bỏ (theo mười cấp bậc hay mười địa giới của người bồ-tát) hầu giúp cho bodhicitta (tâm thức giác ngộ) phát lộ được bản chất tinh anh của nó.

 

                                                                                    Bures-Sur-Yvette, 11.09.21

                                                                                     Hoang Phong chuyển ngữ

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: