Thư Viện Hoa Sen

Bài 49 - Người bồ-tát dưới hình thức Pháp thân.

29/07/20219:55 SA(Xem: 4767)
Bài 49 - Người bồ-tát dưới hình thức Pháp thân.

LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI BỒ-TÁT
The Bodhisattva Ideal

***
Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ

  

Chương VII

Các Cấp Bậc Của Người Bồ Tát

 

Bài 49

Người bồ-tát dưới hình thức Pháp thân.  

 

     

Cấp bậc thứ tư và cũng là cấp bậc cao nhất trong hệ thống thứ bậc là người bồ-tát ở thể dạng dharmakaya (tiền ngữ dharma trong trường hợp này có nghĩa là "Giáo lý" hay "Giáo huấn" của Đức Phật, hậu ngữ kaya có nghĩa là thân thể, thân xác hay hình tướng. Kinh sách Hán ngữ dịch chữ dharmakaya là "pháp thân", nhưng cũng có thể dịch là "thân đạo pháp", gần với tiếng Việt hơn chăng). Thật hết sức khó mô tả cấp bậc này của người bồ-tát, bởi vì cấp bậc này vượt lên trên mọi cách diễn đạt bằng tư duyngôn từ. Điều này quả hết sức lạ lùng, bởi vì các thuật ngữ Phật giáo dùng vào việc mô tả hiện thực tối hậu rất phong phú. Trong tiếng Anh chúng ta có các chữ như "reality" (hiện thực), "truth" (sự thật), "absolute" (sự tuyệt đối), và cũng chỉ có thế. Trong khi đó, trong tiếng Pali và tiếng Phạn lại có rất nhiều thuật ngữ khác nhau dùng để nói lên hiện thực, mỗi thuật ngữ mang một ý nghĩa và một sắc thái riêng. Chữ dharmakaya là một trong số các thuật ngữ phong phú đó (dharmakaya - thân đạo pháp - là một thuật ngữ đặc thù, mang ý nghĩa rất đa dạng và bao quát, thuộc chung trong toàn thể nền tư tưởngvăn hóa Ấn độ. Chữ dharma trong chữ dharmakaya cũng vậy, cũng là một chữ không thể nào dịch được một cách trung thực sang các ngôn ngữ khác. Vì lý do đó kinh sách Tây phương dùng thẳng thuật này bằng tiếng Phạn, hoặc bằng tiếng Pali là dhamma, sau khi các thuật ngữ này được viết bằng ngữ tự La tinh.  Thế nhưng tiếng Hán với ngữ tự tượng hình và độc âm không thể nào trực tiếp thu nạp được tiếng Phạn và tiếng Pali đa âm với chữ viết ngoằn ngoèo gọi là devanagari trong tiếng Phạn và brahmi trong tiếng Pali. Do đó kinh sách Hán ngữ bắt buộc phải dịch nghĩa hoặc dịch âm tất cả các từ tiếng Phạn và tiếng Pali sang tiếng Hán, dù đó là các danh từ riêng, chẳng hạn như các từ về địa lý, tên người, hoặc các thuật ngữ chuyên biệt không có từ nào tương đương trong tiếng Hán. Trong trường hợp của thuật ngữ dharma / dhamma thì chữ này được dịch nghĩa sang tiếng Hán là "pháp" (), với ý nghĩa gốc là pháp luật, hoàn toàn xa lạ với ý nghĩa của chữ dharma. Tuy nhiên cũng thấy các chữ dharma / dhamma được dịch âm sang tiếng Hán là "Đạt-ma" ( 達磨) , "Đàm-ma" (曇摩) hay "Đàm-mô" (曇無), thế nhưng các từ dịch âm này không mấy khi thấy được sử dụng). Người ta thường dịch chữ dharmakaya (thân đạo pháp hay pháp thân) sang tiếng Anh là "Truth Body" (và nếu dịch chữ này sang tiếng Pháp thì sẽ là "Corps de Vérité", và sang tiếng Việt là "Thân Sự thật". Đôi khi chữ dharmakaya cũng thấy được dịch sang tiếng Anh là "Absolute Body" / "Thân tuyệt đối", thế nhưng các từ này cũng như từ tiếng Hán là "Pháp thân" không nói lên được ý nghĩa của chữ dharmakaya), chữ này ("Truth Body") không có gì liên hệ với ý nghĩa đích thật của chữ dharmakaya trong tiếng Phạn. Dầu sao thì các thuật ngữ Tây phương cũng chỉ có bấy nhiêu đó (không có một từ nào có thể nói lên được ý nghĩa của chữ dharmakaya). Qua một cách nhìn nào đó, chữ dharmakaya cũng có thể tạm hiểu là "hiện thực tối hậu" (ultimate reality), tức là một cái gì đó tương tự như là thành phần tinh anh làm hiện lên Phật tính (buddhabhava), tức là bản thể của người bồ-tát, hay cội nguồn đưa đến sự hình thành của một chúng sinh giác ngộ, hay thực tính (personality / bản tính, bản thể, thực thể) của sự giác ngộ, và từ các thể dạng đó (dharmakaya) sẽ làm phát sinh ra vô số chư Phật và chư bồ-tát. Trong chương VIII (tiếp theo chương này) chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về ý nghĩa của chữ dharmakaya đối với giáo lý Đại thừa, qua một khái niệm chung gọi là trikaya (tam thân).   

            Người bồ-tát dưới thể dạng dharmakaya (thân đạo pháp, pháp thân) gồm có hai thể loại khác nhau (xin lưu ý về một điểm đã được nói đến trên đây là ở cấp bậc cao nhất của người bồ-tát sẽ không còn có một ý niệm nào hay một ngôn từ nào có thể hình dung hay mô tả được sự hiện hữu của họ qua vô số các thể dạng biến hóa khác nhau, nói một cách khác là người bồ-tát ở thể dạng dharmakaya có thể hiện lên với chúng ta qua đủ mọi hình thức khác nhau. Các hình thức hiển hiện đó được xếp theo hai thể loại khác nhau). Thể loại thứ nhất là những người bồ-tát sau khi thành Phật vẫn tiếp tục giữ nguyên hình tướng của một người bồ-tát để có thể tiếp tục thực hiện các lời nguyện ước của mình trong thế giới. Ít ra thì đấy cũng là một cách nhìn vào vấn đề trên đây qua một khung cảnh huyền thoại (exoteric / mầu nhiệm, huyền bí) Chẳng hạn như theo Phật giáo Tây Tạng thì Đức Phật Sakyamuni (Thích Ca) từng hiện ra dưới thể dạng Avalokitesvara (Quán Thế Âm) nhằm tiếp tục thực hiện công trình của mình trong thế giới. Điều đó không có nghĩa là Avalokitesvara (Quán Thế Âm) chỉ hiện ra sau khi Đức Phật Sakyamuni tịch diệt, mà đúng hơn những gì mà chúng ta gọi là Avalokitesvara (Quán Thế Âm) đã bắt đầu hiện hữu từ bên trong Đức Phật ngay từ khi Ngài vừa đạt được Giác ngộ. Trong giây phút parinirvana (đại-bát niết-bàn / sự nhập diệt) chỉ có thân xác vật chất của Đức Phật là nằm xuống, nhưng thành phần Avalokitesvara (lòng từ bi dưới thể dạng Quán thế âm) bên trong Ngài vẫn tiếp tục tồn tại, nếu có thể nói như vậy. Nói chung những gì nêu lên trên đây là quan điểm của Đại thừa (Phật giáo Theravada không nêu lên Phật tính, Bồ-tát Quán-thế-âm, v.v., mà chỉ nói đến parinirvana / đại-bát niết bàn hay sự nhập diệt của Đức Phật. Cũng xin nhắc thêm là các pho tượng điêu khắc biểu trưng cho Bồ-tát Avalokitesvara chỉ bắt đầu được tìm thấy vào hậu bán thế kỷ thứ II, cùng lúc với các pho tượng đầu tiên biểu trưng cho Đức Phật Sakyamuni. Các pho tượng này đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ nghệ thuật tạc tượng của Hy Lạp ; Bồ-tát Avalokitesvara cũng là vị bồ-tát quan trọng nhất và cũng được thờ phượng nhiều nhất trong Phật giáo Đại thừa. Trong Kim Cương thừa, Bồ-tát Avalokitesvara thường được xem là một vị yidam, một vị thần linh trong phép thiền định quán tưởng). Thể loại thứ hai của các vị bồ-tát ở thể dạng dharmakaya là các sự hiển hiện emanation / biến hóa, hóa thân) trực tiếp phát sinh từ dharmakaya và không còn giữ nguyên sự hiện hữu trước đây dưới hình thức một nhân vật có thật nào cả (mà có thể chỉ là bóng mát của một cội cây, một chiếc cầu hay một con đò "hiện ra" với một người lữ hành lỡ bước). Tất cả các sự hiển hiện siêu việttuyệt vời đó là các hiện thân dưới thể dạng này hay thể dạng khác của Phật tính (buddhatta / buddhabhava...) ; và các thể dạng biến hóa đó nhiểu vô kể. Chẳng hạn có một số phương pháp thiền định giúp các bạn quán tưởng một bầu trời mênh mông và xanh biếc, trong đó có hàng trăm mandala, (mandala / mạn-đà-la là tiếng Phạn, nguyên nghĩa là một vòng tròn, ý nghĩa mở rộng là một bầu không gian hay một môi trường gợi lên một khung cảnh thiêng liêng. Mandala là một khái niệm bắt nguồn từ Ấn giáo, ảnh hưởng đến Phật giáo qua Kim Cương thừa). Trong các mandala đó sẽ hiện lên hàng ngàn và hàng ngàn các vị bồ-tát, chiếm toàn thể bầu trời vô tận đó (Mandala là một khái niệm và cũng là một phép tu tập đặc thù của Ấn giáo. Nói chung trong thung lũng sông Hằng, Kim Cương thừaPhật giáo Đại thừa chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Ấn giáo, trái lại Phật giáo tại Trung quốc, ít nhất là dưới các hình thức tu tập đại chúng, chịu ảnh hưởng khá đậm nét từ Khổng giáoLão giáo. Mặc dù hoàn toàn khác biệt với các tín ngưỡng và các nền tư tưởng tại các nơi này, thế nhưng sự phát triển của Phật giáo cũng không hoàn toàn tách ra khỏi các bối cảnh đó. Nhìn vào Phật giáo ngày nay tại phương Tây chúng ta cũng không khỏi trông thấy các đường nét khoa học và duy lý của nền văn minh Tây phương, ảnh hưởng đến Phật giáo, khoác lên cho Phật giáo một chiếc áo duy lý, khoa học và triết học thật sâu sắc. Dầu sao giữ được sự tinh anh của một tín ngưỡng lâu đời và cũng là một trong số những nền tư tưởng quan trọng nhất của nhân loại là một việc thật hết sức khó khăn và tế nhị). 

            Các vị bồ-tát ở thể dạng dharmakaya nói đến trên đây là các vị bồ-tát thuộc vào cấp bậc cao nhất trong hệ thống thứ bậc của người bồ-tát. Hầu hết trong số họ, dù là nam hay nữ giới cũng vậy, hầu hết đều có dáng vẻ dịu dàng, khả ái, tóc dài và mượt, đeo nhiều trang sức bằng vàng, bằng bạc, v.v. Các chi tiết này là nhằm mục đích làm gia tăng thêm vẻ đẹp bên ngoài cũng như sự giàu có của họ, thế nhưng đồng thời cùng là một cách nói lên các sự biểu lộ vô cùng phong phú qua nhiều thể dạng biến hóa khác nhau (Bồ-tát Quán Thế Âm cũng thường được biểu trưng bởi một người phụ nữ).

  

Bồ-tát Padmapani, một tên gọi khác của Bồ-tát Avalokitesvara (Quán Thế Âm). Tranh trên vách động Ajanta - Ấn độ. Các hang động Ajanta được đục trong vách núi vào các thế kỷ thứ II và thứ I trước Tây lịch,). Dù là nam giới thế nhưng chân dung trên đây (ảnh chi tiết) của Bồ-tát Avalokitesvara có dáng vẻ rất phụ nữ, trang sức trên người cũng là các trang sức phụ nữ (hình internet, do người chuyển ngữ ghép thêm, hình này cũng đã được ghép vào bài 22, chương IV)

 

            Sau khi phân tích và tìm hiểu cẩn thận thì các thứ ấy (dáng vẻ khả ái và dịu dàng của người phụ nữ cùng các trang sức của họ) cũng chỉ là các thể dạng tâm thức của chính mình, một tâm thức hoàn toàn giác ngộ, và cũng là tâm thức của chính Đức Phật tiềm tàng bên trong con người của mỗi chúng ta. Tất cả các cách hình dung khác biệt đó cũng chỉ là để nói lên các khía cạnh khác nhau của một người bồ-tát duy nhất, gộp chung vào một quyền năng tâm linh duy nhất, với chủ đích thực hiện ý nguyện của người bồ-tát trong vũ trụ. Trên nguyên tắc, nếu trong các nước mang truyền thống Phật giáo từ xưa có nhiều vị bồ-tát từng xuất hiện - và vẫn còn tiếp tục xuất hiện -, thì không có lý do gì trong khung cảnh Phật giáo Tây phương ngày nay lại không có các hình thức (thể loại, khuôn mẫu) bồ-tát khác xuất hiện.

 

            (Trong thời đại của Đức Phật có những vị "bồ-tát" vô cùng quyết tâmlỗi lạc, chẳng hạn như vị đệ tử thân cận của Đức Phật là Ananda, và sau đó trong thung lũng sông Hằng vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch là vua Azoka / A-dục. Sau đó khi Đại thừa được hình thành vào thế kỷ thứ I trước Tây lịch thì trên đất Ấn có các nhà sư Nagarjuna / Long Thụ (thế kỷ thứ II), Asanga / Vô Trước (thế kỷ thứ IV) , Vasubandhu / Thế Thân (thế kỷ thứ IV), Santideva / Tịch Thiên (thế kỷ thứ VII-VIII); tại Trung quốcnhà sư Huyền Trang (thế kỷ thứ VII), trên quê hương Tây Tạng có các vị Padmasambhava (gốc người Ấn, thế kỷ thứ VIII), Millarepa / Mật-lặc Nhật-ba (thế kỷ XI-XII), tại Nhật có nhà sư Dogen / Đạo Nguyên (thế kỷ XIII)... Ngày nay tại Mỹ có nhà sư Thanissaro Bhikkhu, tại Pháp có nhà sư  Matthieu Ricard, là những vị bồ-tát tiêu biểuchân chính nhất trong khung cảnh Phật giáo Tây phương,. Ngoài ra chúng ta cũng thấy có một người tu hành khiêm tốn gốc Phương đông, tuy đánh mất quê hương nhưng đã trở thành một vị bồ-tát của toàn thể thế giới. Vị bồ-tát đó chính là Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV, một vị bồ-tát đã đạt được tất cả sáu paramita của Đại thừa, tức là sự hoàn hảo và tròn đầy của thể dạng dharmakaya, và đã trở thành một vị Phật sống giữa thế giới đảo điên của chúng ta ngày nay).

 

            Thật vậy, người ta có đầy đủ lý do để chờ đợi sự xuất hiện của các vị bồ-tát qua các thể dạng mới lạ hơn trong thế giới Tây phương, bởi vì người ta (người Tây phương) sẽ nhìn vào họ qua các cảm nhận (các góc nhìn) khác hơn (người Tây phương thừa hưởng một nền văn hóa, giáo dụcxã hội khác với Đông phương, vì vậy cách nhìn của họ vào người bồ-tát cũng sẽ phải khác hơn. Ngoài nhà sư Thanissaro Bhikkhu và nhà sư Matthieu Ricard nói đến trên đây, thì nhà sư người Anh Sangharakshita (1918-2018), tác giả của quyển sách này cũng có thể được xem là thượng thặng trong thế giới Tây phương. Thế nhưng tất cả ba vị đó dường như cũng mang cùng các khía cạnh lý tưởng khá "cổ điển" của người bồ-tát trong Phật giáo nói chung). Chúng ta (người Tây phương) phải dựa vào các sự cảm nhận của riêng mình để thiết lập hay sáng tạo ra một hình thức mới, kể cả tạo dựng một nguyên tắc khác hơn, quy định cho người bồ-tát nói chung (trong khi đó tại Phương đông, nhất là trong các nước theo truyền thống Đại thừa, những người tu hành đôi khi dường như bị rơi vào vết bánh xe lâu đời của một nền Phật giáo đại chúng, loanh quanh với các việc lễ lạc và quên mất lý tưởng cao đẹp của người bồ-tát mà mình đã chọn).

 

            Những người bồ-tát ở thể dạng dharmakaya biểu trưng cho một mục đích thật cao cả, thật khó cho chúng ta với tới.  Tất cả những gì mà chúng ta có thể làm được là gợi lên cho mình một sự kiên quyết không lay chuyển, giúp mình thu ngắn và vượt hết được khoảng cách vô tận, phân cách mình với các thể dạng rạng ngời đó. Sự quyết tâm đó sẽ biến chúng ta trở thành các sa-di bồ-tát, và sau đó cũng có thể sẽ thúc đẩy chúng chính thứccông khai tiếp nhận một nghi lễ thụ phong để trở thành một người bồ-tát đích thật. Nghi lễ đó sẽ gồm có các lời nguyện của người bồ-tát - chủ yếu nhất là bốn lời nguyện trọng đại (1- tôi nguyện sẽ giải thoát cho tất cả chúng sinh, dù chúng sinh nhiều vô tận; 2- tôi nguyện sẽ chiến thắng mọi ảo giác, dù ảo giác thật mênh mông; 3- tôi nguyện sẽ cố gắng học hỏi tất cả những lời giảng dạy, dù những lời giảng dạy đó nhiều vô kể; 4- tôi nguyện sẽ đạt được thể dạng của Phật, dù thể dạng đó không có bất cứ một thứ gì cao siêu hơn) -chấp nhận tuân thủ các giới luật quy định cho người bồ-tát. Lý tưởng nhất là nghi thức thụ phong đó là hiện thân của sự biểu lộ tự nhiên của lòng thiết tha mong cầu đạt được sự giác ngộ, thuộc vào cấp bậc địa giới (bhumi) thứ nhất (có nghĩa là người tiếp nhận nghi lễ thụ phong đã phát động được lòng mong cầu đạt được sự giác ngộ vì sự tốt lành của tất cả chúng sinh trước khi tiếp nhận lễ thụ phong). Tuy nhiên chúng ta cũng có thể tiếp nhận nghi lễ đó sớm hơn, tức là trước khi phát động được sự ước mong đó, bởi vì các nghi thức thụ phong cũng là một cách tạo điều kiện giúp cho việc phát huy bodhicitta (tâm thức giác ngộ / bồ-đề tâm) được dễ dàng hơn. 

 

                Ngoài ra cũng phải nhấn mạnh thêm một điều nữa là phép thụ phong bồ-tát không phải là một cách chứng nhận (ban tặng) một cương vị (status / cấp bậc, địa vị, tước vị) nào cả trên phương diện tâm linh (lễ thụ phong chỉ là một nghi thức "chứng nhận" một người bước theo con đường Phật giáo, nhưng không có nghĩa là "thừa nhận" người ấy đã đạt được một cấp bậc tâm linh nào cả). Một cuơng vị tâm linh (trình độ tu tập) thật ra không thể nào ban tặng được (cương vị hay tước vị và trình độ tu tập là hai thứ khác nhau, chẳng hạn như trường hợp của người đệ tử thân cận của Đức Phật là Ananda, sau khi Đức Phật tịch diệt vẫn chưa đạt được cấp bậc a-la-hán, vả đã phải biệt tu và cố gắng thật nhiều để trở thành một vị a-la-hán với đầy đủ ý nghĩa của nó, hầu hội đủ điều kiện cần thiết để tham dự Đại hội kết tập Đạo pháp lần thứ nhất). Phép thụ phong bồ-tát chỉ là một cách chứng nhận công khai - có nghĩa là trước sự chứng kiến của tập thể những người tu tập (tăng đoàn) - quyết tâm của mình sẽ làm tất cả những gì mà mình có thể làm được để xứng đáng với lý tưởng của người bồ-tát. Phép thụ phong cũng không xác nhận người được thụ phong đương nhiên sẽ đạt được bodhicitta (tâm thức giác ngộ / bồ-đề tâm) vào một lúc nào đó trên đường tu tập của mình. Thật hết sức khó có thể biết được bodhicitta sẽ hiện lên hay không hiện lên với một người tu tập nào đó. Dù cho bodhicitta đã hiện lên hay chưa hiện lên với mình, hoặc dù mình nghĩ rằng mình đã sẵn sàng hay chưa sẵn sàng tiếp nhận phép thụ phong của người bồ-tát, hoặc dù tự nhận mình đã là một người sa-di bồ-tát hay không, thì trong bất cứ trường hợp nào cũng vậy, tất cả chúng ta đều không khỏi cảm phục - kể cả cảm thấy mình vẫn còn cách biệt thật xa - trước sự rạng ngời của các vị bồ-tát dù là ở cấp bậc nào trong hệ thống thứ bậc quy định cho họ.

 

 

                                                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 12.10.21

                                                                                                                                 Hoang Phong chuyển ngữ

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: