Thư Viện Hoa Sen

06. Vào Phật Học Viện

21/03/20239:13 SA(Xem: 3002)
06. Vào Phật Học Viện
TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM
Nguyên tác TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH
Thích Nữ Hạnh Đoan lược dịch
Nhà xuất bản Phương Đông

Chương 6:
VÀO PHẬT HỌC VIỆN

Mặc dù Đại Thánh Tự rất cần tôi tụng đám để có thêm thu nhập, nhưng năm 1947 sư ông Lãng Huệ cho tôi đến học tại Phật học viện Tĩnh An Tự. Có thể nói được đi học lại lần này, lòng tôi rất hưng phấn; nhất là được vào trường Phật giáo học chính thức, đàng hoàng.

Phật học viện Tĩnh An Tự đương nhiên có khác; trong trường, chỗ ngồi được chỉ định sẵn, hai người một bàn. Bởi vì tôi cận thị, cho nên được sắp ngồi phía trước, nhưng bàn và ghế đều rất thấp; tôi chẳng thể nào viết được: Mắt tôi thì nhỏ, cúi đầu nhìn “mơ huyền”, ngẩng đầu, chỉ thấy tấm bảng đen mịt và thầy giáo! – Xong buổi học, cái cổ tôi đau quá trời!.

Tĩnh An Tự có đàn dương cầm, chúng tôi học ca khúc Phật giáo với vị thầy âm nhạc người nước ngoài. Trong trường không có thư viện, nhưng ở một góc lớp có cái giá sách mấy tầng, chứa các tạp chí và kỳ san Phật giáo phổ thông cùng các loại sách báo văn học rất hay.

chúng tôi học rất ít, nhưng luôn được nhắc nhở là phải chú tâm vào nội khóa, không được đọc các sách báo bên ngoài. Thậm chí chúng tôi cũng không có được một cuốn Tự Điển Phật Giáo.

Trong lớp, một số bạn cảm thấy nhàm chán, bởi vì họ từng tốt nghiệp từ các học viện khác, đối với chương trình dạy này đã quá am hiểu. Nên khi thầy giảng bài, bọn họ lén đọc sách phía dưới.

Tất nhiên là các thầy giáo phản ứng gay gắt đối với các học sinh này. Nhưng tôi thích các thầy ấy, bởi vì họ giúp chúng tôi học tập. Lúc tốt nghiệp, mấy người bạn đó đã xé bỏ văn bằng, họ nói chứng chỉ này vô dụng, họ ở trường khác từng lấy được mấy mảnh bằng, nếu dùng chứng chỉ này họ chẳng thể nào tìm được việc tốt.

Chúng tôi học các tác phẩm Phật giáo Trung Quốc quan trọng như: Kinh Viên Giác, Đại Thừa Khởi Tín Luận, Duy Thức, Trung Quán, Hoa Nghiêmgiáo lý các Tông phái… Đây đều nằm trong lời dạy của Phật, bao hàm tư tưởng nòng cốt Phật giáo. Ở Lang Sơn tôi từng được học giáo lý căn bản từ cuốn “Thiền Môn Nhật Tụng”, tôi là đệ tử Phật, một lòng trung thành, tôi cảm thấy mình cần phải học, phải hiểu, để biết mà tuân theo, vâng hành. Cuốn nhật tụng hồi ấy đã giúp tôi hiểu rằng: Các hòa thượng Đại Thánh Tự làm không đúng pháp, hành vi chẳng giống tu sĩ chút nào!

Tôi theo khóa trình Phật học viện, tâm ý hoàn toàn khác họ; dốc lòng tiếp thu giáo lý, cung kính tuân hành.

Phật học viện này do Đại sư Thái Hư lãnh đạo, cùng nhiều người sáng lập nên. Đại sư Thái Hư là bậc vĩ nhân có công phục hưng Phật giáo Trung Quốc đương thời. Ngài đầu tư, dốc lòng kiến lập Phật học viện, nỗ lực cực kỳ, ngài cho xây dựng Phật học viện ở khắp nơi trong nước.

Đề xướng giáo dục theo Phật giáo cũng là mục tiêuniềm tin cả đời tôi. Viện trưởng Phật học viện Tĩnh An từng học Đại Học Cao Dã Sơn ở Nhật. Sau chiến tranh Trung-Nhật, khoảng năm 1944 – 1945, ông sáng lập Viện chuyên ngành cho đại chúng đến học Phật.

Xem lướt qua rừng giáo lý quãng đại, phức tạpthâm áo rồi, tôi bắt đầu hiểu được các pháp phái và sự truyền thừa lâu đời của chư tổ. Đạo phong thiết thạch là tôn chỉ, là quy định tu hành tại Lang Sơn. Phật học viện Tĩnh An không phải là một trung tâm giáo dục cho phép ta được tìm hiểu hay biện luận. Chúng tôi được dạy theo phương pháp truyền thống của Trung Quốc, nghĩa là phải học thuộc lòng, còn các thái độ phê bình, tư duy, phân tích… đều không được khuyến khích. Chúng tôi phải học thuộc, ghi nhớ từng danh tướng đặc biệt của mỗi tông phái, việc nghiên cứu, học kinh cũng vậy. Các thầy giáo cho rằng chúng tôi chỉ cần ráng nhồi nhét, học thuộc; rồi sau này rảnh rỗi, sẽ tự hiểu.

Họ nói đúng, tôi học thuộc, ghi nhớ rất nhiều, đến khi trình độ tương đối khá rồi, tôi bắt đầu nghiền ngẫm lại những gì mình đã học, và bản thân có thể tự liễu giải theo phương thức sáng tạo mới mẻ.

Nhưng mọi việc không phải mới bắt đầu là được vậy liền. Thoạt tiên, vào lớp tôi hoàn toàn mù tịt, không hiểu khóa dạy nói gì? Tôi ráng lắng nghe từng lời giảng vá cách biểu hiện tâm ý của các lão sư mà chẳng thể nào suy đoán hay hiểu nổi. Tôi chỉ còn biết nhìn chăm chăm vào những hàng chữ viết chi chít trên tấm bảng đen, rồi đành tìm bạn đồng học thảo luận. Nhờ có vài vị đã học qua tại Phật học viện khác, cho nên họ hiểu rõ. Nhờ thảo luận mà tôi sáng trí, liễu giảitiếp thu được. Trong các buổi thi lý giải khoa văn và khảo hạch, tôi đều làm rất tốt. Mặc dù lúc mới vào học, tôi luôn đứng ở sau người, nhưng tới hồi thi tốt nghiệp thì danh tôi đề đầu bảng, hơn nữa còn được tuyển thẳng vào Viện Nghiên Cứu.

Trừ học Phật phápgiới luật ra, chúng tôi cũng học Anh văn, toán và văn học cổ điển Trung Quốc, do các giáo sư Cao Trung và các Giảng sư Đại Học khác tới dạy. Phật học viện cũng chú trọng thể dục, chúng tôi được học Thái Cực Quyền và Thiếu Lâm Quyền với một võ sư Thiếu Lâm Tự lừng danh.

Phật học viện Tĩnh An rất chú trọng pháp môn tu hành sám hối. Chúng tôi cũng ngồi thiền, nhưng không được chỉ dạy đúng đắn phương pháp đả tọa, nên thực hành rất khó, chẳng được đắc lực trong lúc tu. Tôi biết vài hành giả bên cạnh mình có kinh nghiệm tu rất sâu, cũng có người trải qua kinh nghiệm khai ngộ. Họ chưa từng giải thích hoặc diễn tả kinh nghiệm của mình. Khi họ thảo luận cùng nhau thì nội dung đàm thoại có nhiều kỳ đặc, ý nghĩa rất khó nắm bắt. Tôi hỏi thăm các sư huynh niên trưởng đã từng tĩnh tọa mấy năm tại Thiền đường. Khi tôi thỉnh giáo thì họ bảo:

– Rất đơn giản, lúc ngồi tĩnh tọa, đến bao giờ bắp đùi chú không đau nữa, thì thành thôi.

Thỉnh thoảng, có người cũng được ban cho một công án để tham khán; nhưng nói chung, chẳng có hệ thống huấn luyện tọa thiền gì.

Có lần, tôi tham gia khóa Thiền tu tại học viện. Chúng tôi có một câu: – Phải ngồi đến “thùng sơn lủng đáy” (hắc tất dũng để thóat lạc) nhưng tôi từ lúc tĩnh tọa cho đến ra ngoài kinh hành, không ai bảo tôi phải làm gì, hoặc ban cho lời hướng dẫn ra sao. Có lúc tôi ngồi và nghĩ thầm: “Rốt cuộc tôi phải làm gì đây? Niệm Phật? Hay làm gì khác? Ngồi thiền rốt ráo là việc như thế nào?”… Tôi không ngừng tự hỏi mình, mãi đến khi những thắc mắc ấy biến thành khối nghi lớn, tạo áp lực âm thầm tích tụ trong tâm. Tôi bị khối nghi này vây khổn rất nhiều năm, Lòng thật bất an, thậm chí khổ não như bị sóng nhồi vật.

Trôi theo dòng xoáy.

Bất hạnh lại xảy ra, việc học của tôi một lần nữa bị đứt đoạn. Vì chúng tôi đang đứng trước trận đại nạn tôn giáo (do bị những phần tử cực đoan xâm hại, hủy hoại). Bản thân tôi không có gì (vô nhất vật) nên tôi chẳng sợ những vị quyền thế thỉnh thoảng đến chùa. Thấy họ cũng thân thiệntỏ ra rất hứng thú đối với Phật giáo, họ còn mời thỉnh chúng tôi đi xem họ làm gì, sinh hoạt ra sao. Họ nói: Dưới sự thống trị của Đảng Quốc Dân, nước nhà sẽ biến thành hủ bại, tụt lùi; Quốc Dân Đảng mà nắm chính quyền, thì quốc gia của chúng ta sẽ không có chút sinh khí, ngửa nghiêng bại hoại…

Mấy vị đồng học của tôi bị lôi cuốn gia nhập theo họ, còn quay về Tĩnh An Tự thuyết phục thêm người khác. Sau đó, toàn Thượng Hải bị chiếm, nằm dưới quyền cai trị của của quân cách mạng.
Quốc Dân Đảng bắt được vài đối thủ liền đem ra xử bắn. Các đảng phái thường đến chùa tuyên truyền, tôi thắc mắc nên cũng bí mật đọc sách họ để tìm hiểu các luận thuyết ấy ra sao, Tất nhiên lý luận nào không phù hợp với lời Phật dạy, thì tôi bỏ qua một bên. Việc âm thầm tìm hiểu này của tôi, nếu bị Quốc Dân Đảng phát hiện, ắt tôi cũng sẽ bị bắt, xử tử.

Thời cuộc bắt đầu lâm vào cảnh dầu sôi lửa bỏng, Phật giáo bị bức hại, tăng chúng bị ép phải ly khai tự viện, hoàn tục; phải đi tùng quân, làm việc, sản xuất…

Tôi xem xét các đảng phái, thấy rằng mặc dù Quốc Dân Đảng bị nói là hủ bại; song thủ lãnh là ông Tưởng, tuy theo đạo Cơ Đốc, nhưng không hề phản đối Phật giáo. Vì thân mẫu ông là tín đồ Phật giáo thuần thành, cho nên ông không thể nào hủy tôn giáo.

Các bạn đồng học của tôi, người thì gia nhập đảng này, kẻ vào đảng kia; bởi vì họ đối với Phật pháp không có lòng tin kiên cố. Do không có mục đích lý tưởng cao, nên gặp gió to là bị cuốn…
Những ngày cuối cùng biến động, tôi nhớ thành phố Thượng Hải chất đầy bao cát, gọi là rào phòng vệ. Nhưng đây thật ra là chỉ là bày cho có mà thôi, quân cách mạng tiến vào không hề xảy ra chiến đấu, cả thành phố Thượng Hải đổi chính phủ dễ dàng.

Không ai ngạc nhiên. Chúng tôi biết chính phủ mới nhất định thành công. Mặc dù Đảng Quốc Dân đang giữ Thượng Hải, nhưng họ đối với việc phòng thủ không có lòng tin.

Còn các tu sĩ chúng tôi ai cũng biết rõ, hoàn tục là chuyện sớm muộn mà thôi, chẳng làm sao tránh khỏi. Đây thật sự là bi kịchchúng tôi chẳng còn chút hi vọng gì.

Khoảng cuối năm 1948 – 1949, nhiều bạn đồng học của tôi đi Hương Cảng, Quảng Đông và Đài Loan. Sư phụ bọn họ có tiền, lo cho họ xuất ngoại.

Tôi hỏi Sư tổ: – Mình có đi không? Ông đáp:

Các thầy lớn không sợ, chú là nhóc con thì sợ cái gì? Xem ra chẳng ai muốn rời Đại Lục. Nhưng Viện trưởng Phật học viện Tĩnh An là pháp sư Thủ Thành, ông đã đến Đài Loan và viết thư cho tôi, hỏi tôi có muốn qua đó hay không? Ông muốn tôi gởi cho mấy tấm hình, để làm giấy tờ nhập cảnh Đài Loan giùm tôi. Nhưng do ông ở quá xa, tôi không liên lạc được. Vả lại tôi cũng không có tiền. Từ Thượng Hải sang Đài Loan giá rất đắt, tôi làm sao có thể đi nổi?

Một cơ hội đi miễn phí đang mở ra, có một danh tướng thời chiến tranh Trung-Nhật, là Tôn Lập Nhân, ông hiện trú đóng tại Đài Loan. Lúc đó ở Đại Lục, quân đội ông ta đang tuyển tân binh. Tôn Lập Nhân là vị tướng cực kỳ nổi danh, rất được người dân quý trọng. Ông tốt nghiệp quân sự ở Mỹ, lúc quân đội Trung-Mỹ liên hợp tác chiến, ông đóng tại Miến Điện, từng đánh bại quân Nhật

Vào lúc đó, ở Phật Học Viện Tĩnh An, chúng tôi nhận được thư mời gia nhập đội lính trẻ của Tướng Tôn Lập Nhân.

Một người bạn tôi đến xin nhập ngũ. Khi về, anh mách chúng tôi việc này, chúng tôiấn tượng rất sâu. Tôi và hai pháp lữ khác trực tiếp đi đến trung tâm tuyển quân, hỏi kỹ rằng: – Đây có phải là binh đoàn Lục quân của tướng Tôn Lập Nhân hay không? Thì được xác nhận đúng. Thế là chúng tôi đăng ký nhập ngũ. Tôi đem theo hành lý đơn giản, hai mươi cuốn kinh sách Phật giáo, một cây bút lông, mấy áo thun, cùng một thẻ chứng minh.

Nhưng khi sang tới Đài Loan, chúng tôi mới phát hiện ra đội quân 207 của mình mặc dù từng được tướng Tôn Lập Nhân thống lãnh, nhưng ông đã được điều sang đội ngũ khác rồi.
Trước đó anh tôi ở tại Thượng Hải đang làm cho một tiệm tạp hóa, công việc không phát nên anh chuyển qua bán đậu tương, sống qua ngày. Tôi đến tìm anh, báo cho anh biết tôi sắp đi tùng quân, tôi không giải thích nguyên nhân. Anh mua một chén đậu, mời tôi. Thật sự anh quá nghèo, không có cách gì giúp cho tôi. Tôi đưa anh một rương gỗ, nhờ anh cất giùm, đợi sau này tôi về thì giao lại tôi. Đến năm 1988 khi tôi về đến Đại Lục, tôi hỏi anh còn giữ cái rương đó không? Anh vỗ đầu một cái, nói là sớm đã làm lạc mất rồi. Khi chính phủ mới tiếp thu Đại Lục, anh phải dời đổi, di chuyển nhiều, nên không biết đã bỏ cái rương ở đâu.

Cuối tháng 5 năm 1949, tôi rời Thượng Hải, có vài pháp lữ đến tiễn, lúc đó Đại Thánh Tự vẫn là một ngôi tự viện. Nhưng sau này, tôi nghe nói tăng chúng ở đó đều bị ép hoàn tục, bao gồm cả sư phụsư tổ tôi. Người tuổi trẻ thì kết hôn, người già thì về với cát bụi.

Năm 1988 tôi về đến Thượng Hải, nghe nói Đại Thánh Tự trong thời kỳ cải cách đã biến thành một gian công xưởng, cơ hồ chẳng cách chi tưởng tượng được đó từng là một ngôi chùa. Những tượng Phật hiện có cũng bị tiêu hủy từ năm 1976. Đến năm 1978 chính sách mở rộng, Đại Thánh Tự cần có người đến chùa kinh doanh, nên các vị từng là hòa thượng, được vào tự miếu đó tham gia kinh doanh.

Tôi là một tu sĩ trẻ, tha thiết, nhiệt tình. Để rời xa Thượng Hải, tôi nhập ngũ: “Cởi tăng bào, đổi thành quân trang”. Lựa chọn này quả không dễ dàng. Chẳng qua tôi cùng đường, hết lối thoát.

Trước khi nhập ngũ mấy tiếng, tôi phát thệ trước Phật: “Mục đích của con không phải là làm lính cả đời, con muốn phục hưng đạo pháp đang suy vi và sống vì đạo pháp”…

Mùa xuân năm 1949, Trung Quốc nơi nơi loạn động, tiếng súng rền vang, tôi làm cuộc hành trình dài vượt biển, tiến về Nam, trôi theo tương lai mịt mù.

Tạo bài viết
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: