10. Bái Sư

21/03/20239:14 SA(Xem: 2437)
10. Bái Sư
TỰ TRUYỆN THÁNH NGHIÊM
Nguyên tác TUYẾT TRUNG TÚC TÍCH
Thích Nữ Hạnh Đoan lược dịch
Nhà xuất bản Phương Đông

Chương 10
 BÁI SƯ


Trước khi gởi bài đến tạp chí Nhân Sinh, tôi đã gặp qua Đông Sơ lão nhân. Khi đó tôi còn phục vụ trong quân ngũ, ông ở Trung Quốc rất nổi danh, là phương trượng của chùa Định Huệ tại Tiều Sơn.

Chùa Định Huệ là ngôi thiền tự trứ danhTrung Quốc, thuộc (tỉnh Trấn Giang) Giang Tô, Tiều Sơn. Chùa được xây vào khoảng 194-195 trước công nguyên, đã nhiều lần đổi tên, tới triều Thanh thì được đặt là chùa Định Huệ.

Chùa tọa lạc tại một tiểu đảo của sông Trường Giang, trên đỉnh Phù Ngọc Sơn cao mấy trăm thước.

Lúc tôi còn học ở Thượng Hải, Đông Sơ lão nhân hay đến tham dự hội nghị Phật học viện Tĩnh An. Các học sinh thường gọi ông là “Đông đại pháo”, bởi ông hay rầy la người; lúc quở mắng thì âm thanh vang như sấm sét. Ông là người có tư tưởng tiên tiến, nên thường bị những người có tư tưởng bảo thủ phê bình đả kích. Nhiều học sinh sợ ông, phải chuyển tới Tĩnh An để học.Đông Sơ lão nhân cho tôi một ấn tượng rất sâu, ông có gương mặt uy nghiêmthân thể cường tráng, cử chỉ hành nghi giống như tổ sư. Dù ông mới 40 tuổi, nhưng lúc đi thì giống như tuớng quân, oai phong lẫm lẫm; đường bệ dị thường. Hạng tiểu bối cỡ chúng tôi chẳng dám trò chuyện cùng ông.

Thời gian Đông Sơ lão nhân đến Đài Loan sớm hơn tôi, nhưng tôi không nhớ đã gặp ông; bởi vì những tu sĩ tự Đại Lục đến Đài Loan, rất nhiều. Bạn đồng học của tôi là Pháp sư Tính Như (chủ biên tạp chí Nhân Sinh tại Thượng Hải), mời tôi viết bài, nhân đó tôi dùng bút danh “Tỉnh Thế Tướng Quân” viết những truyện ngắn, thơ và đoản văn. Dần dần nổi tiếng, hễ được nhuận bút từ tạp chí Nhân Sinh, là tôi bỏ vào quỹ tiền lương. Sau này tôi thường viết bài, nhưng tuyệt không có cơ hội gặp Đông Sơ lão nhân. Mãi đến ngày Lễ Phật Đản, nhờ Tính Như giới thiệu, hai bên mới gặp nhau. Sau khi chào hỏi xong, tôi dự lễ tắm Phật (múc nước rưới lên đầu Ngài), nghi thức này cảnh tỉnh tôi; khiến tâm bồ đề, mỗi phút mỗi giây đều hiện hữu trong tâm, càng khiến tôi muốn tu thành Phật.

– Anh muốn gặp Đông Sơ lão nhân hả? – Chủ biên sốt sắng hỏi tôi – Ông ta ở bên trong đấy, để tôi dẫn anh đi gặp ông.

Tôi đáp:

– Ông ta không nói là muốn gặp tôi.

– Có mà! Ông ấy bảo nếu có dịp, rất mong gặp anh.

Chủ biên giới thiệu tôi với Đông Sơ: – Đây là “Tỉnh Thế Tướng Quân” …

Tôi thưa: – Con đã gặp qua ngài, nhưng chắc ngài không nhớ con.

Đông Sơ lão nhân chẳng tỏ vẻ hoan hỉ gì, chỉ bảo:

– Rảnh thì ngồi chơi!

Một tuần sau, tôi đến “Trung Hoa Phật giáo Văn Hóa Quán” (do ông sáng lập), thăm ông. Chỉ thấy chung quanh trưng bày sách đầy, tôi thật hi vọng có thể được đọc mấy cuốn ấy. Vào thời buổi đó, có được nhiều sách Phật giáo như vậy là điều rất khó. Nhất là các bộ Đại Tạng Kinh, Phật Giáo Tam Tạng Bảo Điển, Lời Phật dạy, Luật, Giới Luật Oai Nghi, và Kinh, Luận, v.v… trên giá còn có Trung Quốc 25 năm sử, cả đến những sách về các tông phái, Triết học, thư họa…

Đông Sơ lão nhân cử chỉ ung dung ưu nhã, có vẻ hơi lãnh đạm. Ông tiếp đón tôi khá thân thiệnhỏi thăm về cuộc sống trong quân trại. Khi tôi từ giã; ông cho tôi một bao lì xì, lòng tôi đầy cảm kích. Trông ông thờ ơ lạnh nhạt, nhưng lại cho tôi khá nhiều tiền.

Ông nói: – Anh nghỉ phép thì cứ đến đây chơi, tôi không có thức ăn hay thú vui để tiêu khiển, nhưng ở đây có sách, lúc nào cũng hoan nghênh anh đến.

Sau đó, tôi thường đến thăm Đông Sơ lão nhân, còn viết bài gởi cho tạp chí, chúng tôi không nói gì về tương lai, nhưng tôi cảm thấy ông đang dò xét tôi.

Tôi thưa với Đông Sơ lão nhân là sau khi thoái ngũ rồi, tôi rất muốn được làm tăng trở lại.

Ông nói: – Điều đó rất tốt!

Tôi thưa: – Nhưng con không biết phải đến đâu?

Ông đáp: – Ta không biết! Đó là lựa chọn của anh.

Vì vậy, ông tạo cho tôi ấn tượng là không hề muốn thu nhận tôi làm đệ tử. Thế nên tôi đi tham bái khắp các trưởng lão mình biết (trừ Nam Đình lão nhân ra), các vị kia đều sẵn lòng nhận tôi làm đồ đệ. Nam Đình lão nhân và Đông Sơhuynh đệ chung thầy. Nam Đình lão nhân nói:

– Ta hiện có một đồ tôn, niên kỷ lớn hơn chú. Đạo tràng này quá nhỏ, mà đồ tôn của ta thì đã là pháp sư ra giảng dạy rồi. Nếu mà ta thu nhận chú, thì y phải đối đãi với chú làm sao, vì chú sẽ lớn hơn hắn một bậc .

Tôi thưa: -Vậy con phải đi đến đâu để xuất gia?

Ông đáp: – Chú thật khờ quá! Đông Sơ lão nhân từng giúp đỡ chú rất nhiều, phải biết ân chứ. Hãy đến tìm ông ta xin làm đồ đệ đi!

Đông Sơ lão nhân tuyệt không có nói muốn thu con làm đệ tử.

– Chú phải thỉnh cầu, xin ông ấy tiếp nhận chứ! Hãy quỳ xuống mà năn nỉ…

Khi tôi đến chỗ Đông Sơ lão nhân, tôi không biết phải mở miệng như thế nào. Cảm giác này giống hệt giây phút đầu tiên rời nhà đến Lang Sơn và lúc lên đường đi Thượng Hải, khi tôi đứng đón gió nơi đầu thuyền; lòng ngỗn ngang bao nỗi niềm vì không biết những gì sẽ xảy ra…

Vừa vào đề, toàn thân căng thẳng, tôi ấp úng:

Đông Sơ lão nhân, con đến đây xin thầy nhận con làm đồ đệ…

Đông Sơ lão nhân vẫn thái độ uy nghi; không biểu lộ một chút cảm xúc, chăm chăm ngó tôi; không nói lấy một tiếng.

Tôi biết mình cần cố gắng hơn nữa để khơi gợi tấm lòng từ của ông. Tôi nhớ lại ông đã quan tâm, cho tiền, giúp đỡ tôi như thế nào, ráng tự phấn chấn mình; quỳ xuống dập đầu, xin ông thu mình làm đồ đệ; giúp tôi hồi phục lại thân phận tu sĩ. Nguyện ước đó hòa cùng bao cảm xúc dào dạt trong lòng, tôi cảm thấy cuộc đời tôi sẽ thay đổi ngay trong khoảnh khắc này. Lòng đầy khát vọng muốn được xuất gia, tôi dập đầu xuống đất, khẩn thiết cầu xin…

Đông Sơ lão nhân bảo tôi:

– Đứng dậy! đứng dậy đi!

Nhưng ông chẳng nói là sẽ nhận tôi làm đệ tử, vì vậy tôi vẫn quỳ và thưa:

Cảm ân ngài đã giúp con. Bởi vì thời gian con đến đạo tràng này quá nhiều nên đã rất thân quen với ngài!

Cuối cùng, Đông Sơ lão nhân hỏi tôi:

– Vậy anh xuất gia lại rồi sẽ đi đâu? Nơi này quá nhỏ!

– Con không có chỗ để đi.

Ông bảo: – Nếu như anh không ngại nơi này chật hẹp, thì có thể ngụ lại đây thử.

Nhưng tôi để ý, thấy ông không chịu nói là sẽ cho tôi xuất gia dưới trướng của ông; vì chưa xác nhận quan hệ sư đồ, nên tôi tiến thêm bước nữa, nói:

– Con thật rất hi vọng có thể sớm khôi phục được thân phận tu sĩ.

Lúc đó tôi cảm thấy thật là tuyệt vọng, chẳng còn đường để đi. Vì vậy, tôi cứ quỳ ở đấy. Muốn vượt lên để xoay chuyển vận mệnh mình trong gang tấc quả không dễ!

Đông Sơ lão nhân đã gật đầu, bảo:

– Thôi được, ta sẽ chọn ngày thí phát cho chú.

Tôi xúc động, lòng tràn đầy niềm biết ân, đứng dậy hướng ông cung kính bái tạ.

Lúc đó là tháng 12, năm 1959.

Đông Sơ lão nhân chủ trì một trường Phật thất, thỉnh nhiều vị pháp sư từ ngoài tới cầm pháp khí. Một ngày trước khi pháp hội kết thúc, ông bảo tôi:

– Ngày mai ta sẽ cạo tóc cho chú.

Tôi thưa:

– Ngày mai ư? Con ngay cả tăng bào cũng chưa có!

– Tăng bào gì? Lúc chúng ta làm tăng, chúng ta phải đi kiếm y hư cũ của người mà mặc kìa!

Ông bảo các pháp sư khác, ai có tăng bào cũ thì cho tôi. Những tu sĩ này đều biết “Tỉnh Thế Tướng Quân” là tôi, trong số họ có mấy người còn là bạn đồng học từ Đại Lục. Họ nói:

Chúng tôi sẽ ráng hết mình để kiếm y phục giúp anh.

Tối đó họ ra về và hôm sau quay trở lại với các bộ y phục cho tôi thử. Đa số đều quá rộng hoặc quá ngắn,

Tôi thưa với sư phụ: – Những bộ đồ này không vừa với con.

Ông nói: – Người xuất gia thời xưa đều mặc đồ cũ của người khác. Nều như sửa được thì họ đã sửa rồi. Còn không sửa được thì gặp gì mặc đó. Vào thời đức Phật Thích-ca, người xuất gia còn phải mặc y phấn tảo (lượm vải của mấy cái xác chết ở nghĩa địa mà dùng), chú có được quần áo như vậy là tốt lắm rồi.

Tôi hiểu ra, cầm lấy mớ y phục cũ. Chúng quá ngắn, nhưng tôi vẫn cứ mặc.

Khi các tín đồ tham gia pháp hội đều ra về cả, chỉ còn lại vài tu sĩ, thì Đông Sơ lão nhân nói:

– Bây giờ, ta cạo tóc cho chú.

Tôi thắc mắc: – Sao thầy không giữ một vài vị ở lại đạo tràng để chứng minh và dự lễ xuất gia?

Đông Sơ lão nhân nghiêm mặt, trừng mắt nhìn tôi:

– Ta đã biết là chú không tốt mà! – Tự phụ quá đi! Đây là lần xuất gia thứ hai của chú, hơn nữa chú đã ba mươi tuổi rồi! Hồi bằng tuổi chú, ta đã là phương trượng!

Tôi thật hết lời để nói. Ngày mồng 6 tháng giêng 1960, Đông Sơ lão nhân cạo tóc cho tôi, ban cho pháp danhHuệ Không Thánh Nghiêm.

Lễ thế phát chỉ có vài người tham gia, khách mời chỉ có một vị là pháp sư Liên Hàng.

Kể từ đó cuộc huấn luyện tôi bắt đầu. Trước khi thế độ, Đông Sơ lão nhân chưa từng rầy la quở mắng tôi. Nhưng từ lúc ông thu nhận tôi rồi thì chuyện quở mắng xảy ra thường như cơm bữa, hơn nữa cường độ rất mạnh và rất nhiều.

Tôi dời vào ở gian phòng thứ ba (nhỏ nhất) trong Viện Văn Hóa. Mấy ngày sau, khi tôi đã sắp xếp đồ đạc đâu đó xong xuôi, thì Đông Sơ lão nhân bảo tôi hãy đổi chỗ, dời qua gian phòng lớn.

Ông nói:

– Chú ưa sáng tác đọc sách, cần có một không gian rộng để duyệt đọc và sáng tác.

Tôi mừng rỡ đem hành lý của mình qua phòng lớn. Nhưng hôm sau Đông Sơ lão nhân lại bảo:

– Chú thiệt nghiệp chướng quá nặng. E là chú không đủ phúc đức để ở trong phòng lớn. Ta nghĩ chú nên dọn về căn phòng nhỏ ở thì tốt hơn.

Tôi hơi có chút phiền, vì mới vừa dọn dồ qua đây, nhưng Đông Sơ lão nhân nêu lý do như vậy nên tôi đành thuận theo.

Mấy ngày sau, Đông Sơ lão nhân lại tìm tôi, bảo:

– Chú biết không? Chú phải dọn về phòng lớn. Là chú đúng! Chú rất cần có chỗ đễ chưng sách và một không gian đủ cho mình viết lách.

Tôi thưa:

Sư phụ không phải nhọc tâm. Con có thể ở trong phòng nhỏ này, chẳng cần dời đi nữa.

Lập tức ông nghiêm mặc, quắc mắt nhìn tôi, nói:

– Đây là lịnh, chú phải dời qua phòng lớn.

Rồi ông quày quả bước đi, uy phong như tướng trận.

Tôi phải dời đi. Nhưng tôi dọn đi chưa được nửa ngày, thì Đông Sơ lão nhân xuất hiện trước cửa phòng nói:

– Chú có lý. Chú ở lại phòng nhỏ thì tốt hơn. Chú không cần phải đem đồ đạc đi, chỉ cần qua đó ngủ thôi.

Được mấy ngày, ông lại bảo tôi phải ôm hành lý sang hết bên phòng nhỏ. Phải dời rất nhiều đồ, lãng phí cả thời gian dài.

Vài ngày sau, chúng tôi có một vị khách. Hôm đó đã rất khuya. Đông Sơ lão nhân bỗng tới gõ cửa phòng tôi, nói:

– Để khách ở phòng nhỏ bàn chuyện tiện hơn, vậy tối nay chú qua phòng lớn ngủ nhé?

Một chốc sau, ông lại tới truyền lịnh: – Để phòng nhỏ trống, làm phòng khách sẽ thích hợp hơn!… và ông buộc tôi phải dọn hết đồ sang phòng lớn. Lúc này, tôi đâm cáu, nói:

– Vì sao thầy cứ một mực bắt con dọn qua dọn lại? Con đã dọn tới lui năm lần!- Không dời nữa!

Vị tướng có thân hình như quả núi này, từng nổi danh là “đại pháo” ở Đại Lục liền “nả đạn”:

– Đây là mệnh lệnh của ta! Ta muốn chú dời thì chú phải nghe theo!

Tôi sợ hãi đi ra và bắt đầu công việc di dời khó kháng cự. Tôi không có quyền chọn lựa, đây là luân lý giữa sư đồ, đệ tử phải tuân lệnh thầy.

Đông Sơ lão nhân vẫn bắt tôi dời tới dời lui như trước, bộ não ngu xuẩn của tôi cuối cùng cũng sáng ra, đây là một phần trong quá trình huấn luyện tôi; cho nên tôi không thể kháng cự và phải làm theo. Khi tôi thay đổi, chỉ có tuân hành, chẳng cự tuyệt, không cãi cọ và không tỏ thái độ chán nản… thì Đông Sơ lão nhân để tôi ở yên, không bắt dời tới dời lui gì nữa.

Tôi hòa nhập với sinh hoạt thường ngày ở Viện Văn Hóa rất mau. Mỗi ngày, sớm chiều đều có tọa thiền. Sau thời khóa buổi sáng, trước khi dùng chiều, chúng tôi đều phải làm công tác tại vườn rau, gồm Đông Sơ lão nhân, hai sư ni Giám Tâm và Định Tâm (cũng trụ trong Viện Văn Hóa).

Chúng tôi bỏ gốc rau, vỏ quả, lá già vào hầm nhà xí ở bên ngoài, cho trộn chung với các chất bài tiết; dùng làm phân bón. Nói theo tiêu chuẩn bây giờ thì làm vậy chẳng hợp vệ sinh; nhưng các cây rau trong vườn đều phát tốt, mập mạp; cung cấp đủ thức ăn cho chúng tôi. Nhiều năm sau, khi tôi khai khẩn rẫy rau và vườn cây ăn trái rộng lớn tại Nông Thiền Tự, thì vườn rau của Đông

Sơ lão nhân vẫn còn lưu ấn tượng sâu sắc trong trí tôi.

Chúng tôi sống rất đơn giản. Đậu hũ, đậu phọng, là những món tối sang. Buổi điểm tâm sáng có cháo. Mỗi tuần chúng tôi đều có mua đậu hũ được ép thành miếng mỏng; mỗi người ăn một miếng vuông nhỏ, Đông Sơ lão nhân cũng vậy. Ông còn ăn đậu phọng rang, mỗi bữa chỉ ăn bảy hột. Tôi hỏi vì sao? Ông nói con số bảy rất có ý nghĩa.

Sau khi Tính Như từ bỏ tạp chí Nhân Sinh rồi, thì tôi phải tiếp quản thay. Lo viết bình luận, đoản văn; xử lý thư độc giả, nhận bản thảo, hiệu đính, thiết kế và trình bày ấn phẩm… tôi khởi sự làm và học tập từ những việc vụn vặt. Tôi không rành sắp xếp các loại chữ có hình thể lớn nhỏ bất đồng, mà nhân viên công ty in ấn cũng giúp không nổi; họ không biết hiệu chỉnh. Trong số họ còn có mấy người mù chữ. Mỗi lần trình bày một trang, tôi phải chỉnh sửa đến ba lần, nhưng vẫn không tránh được lỗi.

Khi tạp chí in tốt rồi, tôi còn phải phụ trách gởi cho người đặt mua. Chúng tôi thường miễn phí ký gởi cho các đoàn thể Phật giáo. Lương tháng của tôi là 200 đồng đài tệ (tương đương 5 USD), lại còn phải chi cho các phí tổn chuyên chở, ăn uống, ký gởi… và các phí linh tinh khác.

Có người nhiệt tình khuyên tôi:

– Đừng có lãnh việc chủ biên tạp chí giùm cho sư phụ của anh, một tháng lương ổng trả anh – chỉ bằng một ngày lương của thợ mộc, thợ hồ thôi à! –

Thường có người đến khuyên tôi nên đi tụng đám giúp cho người mất, chỉ một ngày thôi cũng có thể kiếm được 200 đồng! Nhưng tôi đã quá rõ (vì từng có kinh nghiệm chua cay trong quá khứ).

Khi bạn không có thời gian tu hành mà trong tay có tiền tiêu xài tha hồ, thì rất dễ bị nhấn chìm trong thói hư tật xấu. Những cố gắng của tôi lúc đó gặp phải rất nhiều dèm chê. Ai cũng nói: – Anh là người có giáo dục, nhưng lại không có tiền! Anh làm tạp chí cả tháng mới lãnh được 200. Hơn nữa, tiền này anh đâu có được hưởng hết! Tôi thuật lại những lời nhạo ấy cho Đông Sơ lão nhân nghe. Ông bảo: – Nếu một người xuất gia mà chỉ biết có tiền, thì không phải là người xuất gia. Người tu thì phải làm những việc phụng hiến!

Đông Sơ lão nhân khuyến khích tôi nên xem nhiều kinh sách và viết bài hòa nhập vào xã hội dân chúng. Ông nói: – Muốn hoằng dương đạo, chú phải hiểu Phật pháp sâu. Nếu như chỉ biết loanh quanh nội trong tự viện, là quá tiêu cực.

Người các đạo tràng lúc đó không nhiều, tại Đài Loan hầu như không có ai giảng Phật pháp. Đông Sơ lão nhân muốn tôi đem kinh Phật đi tới bến xe công cộng, giảng giải kinh Phật với dân chúng, chia sẻ tạp chí Nhân Sinh cùng bá tính trên đường và công khai diễn giảng. Về cơ bản, ông muốn tôi học theo cách truyền đạo của Cơ đốc giáo. Bởi vì họ hành sự rất thành công, thậm chí họ còn có thể tới chùa truyền bá kinh Phúc Âm.

Đông Sơ lão nhân dùng đủ phương cách để thử thách tôi, mài luyện không ngừng (Sau này tôi mới rõ). Khi sai tôi đi mua gạo, dầu… ông cho tiền chỉ đủ mua đồ, không đủ đi xe. Một bao gạo đối với tôi mà nói, thật quá nặng, tôi không thể khuân về. Đành năn nỉ anh tài xế xe tải tiện đường chở giúp dùm. Khi sư phụ biết việc này, ông bảo:

– Phải rồi! Chú tạo cơ hội cho mấy người đó có dịp làm công đức!

Tôi nghĩ: “Làm công đức gì chứ? Họ chỉ giúp tôi một lần, sau này họ đâu thể cứ xuất hiện hoài?”… Nhưng tôi đã học được là không nên nghịch với lão nhân, nên tôi không nói gì.

Khi cử tôi đi làm việc ở nơi xa như Đài Trung, Đông Sơ lão nhân chỉ cho tôi một nửa tiền xe. Tôi thưa: – Tiền không đủ!

Ông mắng tôi: -Mi thật ngốc! Tiền này đủ cho mi mua vé đi nửa tuyến đường, rồi khi lên xe buýt hay hỏa xa; mi cứ làm bộ nhắm mắt ngủ, như vậy là có thể đi tới đích.

Đông Sơ lão nhân muốn tiết kiệm tiền, hơn nữa cũng muốn xem tôi xử lý tình huống ra làm sao? Có lần, do tiền xe không đủ, tôi bị tống cổ xuống xe (thật là một kinh nghiệm mất mặt)! Sau đó, tôi phải khẩn cầu các hành khách trên xe, vui lòng giúp tôi trả món tiền thiếu. Thật ra cũng không có nhiều gì.

Cách xử lý này khiến Đông Sơ lão nhân chịu lắm, ông nói: – Chú giúp cho người ta gieo duyên với Phật pháp!

Đông Sơ lão nhân không có nhiều tiền, chỉ nhờ vào cúng dường ít ỏi của tín đồlợi nhuận khiêm tốn của việc ấn hành ít kinh sách. Cuối cùng tôi hiểu ra; ông thường sai tôi đi làm việc mà không cho đủ tiền, cũng là một cách huấn luyện. Giống như kiểu nuôi ong mật – chứ không phải nuôi chim. Vì nuôi chim thì cho nó ở trong lồng, tiếp mồi cho ăn; chúng không thể sinh tồn độc lập. Còn nuôi ong thì chẳng cần cho ăn, ong có thể đi hút mật hoa. Như thế, con ong không những tự kiếm thức ăn cho mình, mà còn có thể giúp người ta bán mật lấy tiền.

Ngày nọ, sư phụ bảo tôi đi lễ Phật, mấy ngày sau, ông đến quở: – Đây là gian học viện Phật giáo, mà chú thì không biết công hiến gì ráo, đi viết văn đi!

Nhưng nội dung bài ông muốn tôi viết, thảy đều là mạ người. Tôi nói: – Nếu như con phải mạ người, thì họ sẽ… xử lý con.

– Mi có thể lấy bút danh, dù sao mi cũng là kẻ mới xuất gia. Phải biết lên tiếng chủ trì chính nghĩa chứ!

Thế là tôi viết văn… mạ người. Ông xem xong, nói:

– Viết bậy bạ quá! Rõ là không biết thân biết phận! – Ông chẳng thèm đăng bài nào mà còn “nả pháo”:

– Ngươi mạ biết bao người như thế, tạo khẩu nghiệp quá nặng, hãy mau đi lễ Phật sám hối đi!

Tôi đến lễ Phật. Một hôm, ông tới trước tôi hét to:

– Mi thật lãng phí thời gian, cứ hướng tượng gỗ này mà lễ vùi, lễ miết; một chút hữu dụng cũng không! Mi phải đi xem kinh sách cho nhiều vào.

Rồi ông căn dặn tôi nên xem các bộ kinh lớn, không được xem mấy cuốn nhỏ. Kinh Hoa Nghiêm có 80 quyển, Đại Niết Bàn có 40 quyển, Kinh Đại Phẩm Bát Nhã có 600 quyển… Tôi bắt đầu xem

Kinh Đại Phẩm Bát Nhã.

Mấy ngày sau, Đông Sơ lão nhân đến hỏi tôi:

– Xem được bao nhiêu quyển rồi?

Tôi thưa:

– Dạ, 30 quyển – (Tôi là người xem kinh rất chậm).

Ông hét:

– Mi thật lù đù trì độn! Nghiệp chướng quá nặng mà! Cái kiểu xem kinh của mi chậm rì hệt con ốc sên, chẳng có hay ho gì ráo. Mau mau đến lễ Phật đi, hầu có được chút trí huệ!

Thế là tôi đi lễ Phật. Mấy ngày sau, Đông Sơ lão nhân lại đến nhiếc móc tôi:

-Thánh Nghiêm! Xem mi kìa! Mi làm như thế chẳng có chút lợi ích gì. Phải biết làm những việc thực tế, biến mình thành hữu dụng chứ? Cái kiểu lễ bái này của mi, thiệt là giống hệt… con chó ăn phân (cẩu ngật thỉ)!

Tôi hỏi: – Thế con phải làm gì?

Ông đưa tay chỉ tay vào một đống gạch vụn, bị dính hồ, đất bẩn, chèm nhèm. Ông nói:

– Mỗi một viên gạch này đều là của tín thí quyên tặng. Giờ bị chất đống dồn cục ở đó. Thật là lãng phí hết sức. Mi hãy đem mớ gạch này tẩy sạch, sửa sang, làm mới, sắp cho tề chỉnh lại!

Tôi cẩn thận lựa gạch ra, làm y theo lời lão nhân dạy, rồi sắp lại ngay ngắn chỉnh tề, để ông có thể tùy ý dùng khi cần. Phải mấy ngày tôi mới làm xong công việc này, cảm thấy kết quả rất tốt.

Nhưng khi Đông Sơ lão nhân đến xem, ông thét mắng tôi:

Ta kêu mi chỉnh lý gạch, nhưng mi thật là vô dụng! Mấy viên gạch này vốn đã tốt sẵn, nhưng mi lại làm cho nó nát vụn, giờ hãy gắn mớ vụn này dính lại cho ta.

Tôi nhìn đống gạch nghĩ thầm: “Gay go rồi đây! Làm vậy đâu có ích gì, thật quá phiền phức… Căn bản là chẳng cách chi ráp dính những vụn vỡ này lại được. Tôi kháng nghị:

– Con không thể, không biết làm sao kết dính nó lại…

Đông Sơ lão nhân thân hình cực lớn, khoanh hai tay vòng quanh ngực, dùng thái độ gay gắt không chút nhân nhượng, chằm chằm nhìn tôi, mắng:

– Mi thật vô dụng, có từng nghe nói “Mò kim đáy biển” chưa hả? Nếu mà ta ép mi làm vậy, thì mới là không thể… Vì sao lại không có cách kết dính mớ gạch vụn này, để ngày sau có mà dùng?

Từ đó trở đi, Đông Sơ lão nhân chẳng kêu tôi lễ Phật, viết văn hay xem kinh gì. Nghĩa là tôi bắt buộc phải dán mớ gạch vụn này lại. Tôi cảm thấy làm vậy thật là lãng phí thời gian. Cuối cùng tôi thu hết can đảm, đến gặp Đông Sơ lão nhân, hỏi:

– Có thật là con… phải bỏ ra những thời khắc quý giá để gắn mớ gạch vụn này lại?

Ông đáp: -Thời gian của anh đáng bao nhiêu tiền, hử?… Anh ở trong đây ăn không, ở không! Có vấn đề gì hả? Mau đi dán mớ gạch vụn đó lại, đừng để lãng phí tài vật!

Đây chính là mệnh lệnh sư phụ, tôi đành phải tuân theo. Ban đầu tôi bó tay hết cách. Sau đó động não riết, tôi cũng làm được dễ dàng; tôi bỏ ra một ngày để kết dính ba cục gạch, phải 15 ngày mới xong. Tôi không hiểu khi mình kết dính chúng lại rồi, sư phụ sẽ dùng như thế nào? Nhưng thôi, cứ theo ý ông.

Khi tôi hoàn tất công việc, sư phụ bảo:

– Bây giờ, đem nó xếp ngay ngắn trở lại.

Tôi thưa: – Làm thế sao được? Những viên gạch này từng bị vỡ, hỏng, chẳng thể nào trụ vững.

Nhưng sư phụ khăng khăng truyền lịnh, tôi không biết làm sao cho ổn; đành đi ra ngoài nghỉ mệt một chút. Trong lúc đang đi, tôi nhìn thấy một đám lá khoai môn. Thế là một ý tưởng nẩy lên. Tôi liền đem mấy viên gạch đặt trên một phiến lá, rồi trên lá lại chất gạch, cứ thế mà xếp nối tiếp nhau. Cuối cùng tôi có thể chất gạch lại thành từng lớp, từng lớp, mà chúng không bị ngã. Phải mất một tháng tôi mới làm xong công việc này.

Ngày nào tôi cũng chán nản, khởi niệm muốn bỏ đi; bởi công việc này dễ khiến người ta bực bội: nó quá nhảm nhí, tầm ruồng!

Khi đống gạch đã sắp xếp mỹ mãn, Đông Sơ lão nhân mới lộ vẽ hân hoan hiếm thấy, ông cười thật to, nói:

– Ngươi bị ta đùa bỡn rồi! Ha! Ha! Ha!

Ông có vẻ rất tự đắc và khoái chí, nói:

– Vì mớ gạch vô dụng này, ngươi chắc chắn rất là phiền bực đối với ta!

Tôi hậm hực nói:

– Con thực sự có giận…

Ông nói:

– Nhưng mà ngươi không sai! Ngươi quả thật rất có lòng kiên nhẫn…

Có lẽ do tôi hiển lộ tính kiên trì chịu khó, nên Đông Sơ lão nhân để tôi sống yên được mấy tháng.

Ba viên gạch

Một ngày nọ, Đông Sơ lão nhân chỉ vào chỗ vách tường gạch men nơi nhà bếp đang bị khuyết mất mấy miếng, bảo tôi:

– Thánh Nghiêm! Ngươi nên sửa lại chỗ này. Hãy ra cửa hàng xây dựng mua loại gạch men giống y như vầy đem về, để gắn vào đây.

Thật may! Công tác ông sai lần này ngó bộ đơn giản, không gian nan như trước đây. Vì tôi thường bị sai làm những việc không ra đâu vào đâu, và hoàn toàn không biết trò đùa bỡn nào đang trút xuống đầu mình.

Tôi quan sát kỹ lưỡng màu sắc gạch men trên tường, mặc dù gạch tôi mới mua về nhìn tương tự gạch cũ. Nhưng chúng không thể nào giống y được. Nếu nhìn kỹ thì sẽ phát hiện ra điểm khác biệt. Nhưng khác biệt một chút có ăn nhằm gì đâu? Tôi chỉ cần giải thích là xong! Nhưng vừa nhìn thấy nét mặt Đông Sơ lão nhân; thì tôi tịt lời, hé môi hết nổi. Tôi chỉ còn nước quay lại cửa hàng.

Người ta rất vui khi nhìn thấy tôi. Tôi chỉ mua có ba viên gạch, bây giờ lại mò tới đổi… nên họ từ chối giúp tôi tìm gạch. Tất nhiên, tôi đã lường trước kết quả không tốt này rồi, nhưng tôi biết làm gì hơn? Tôi về thưa với Đông Sơ lão nhân:

Sư phụ, con tìm không được loại gạch giống hệt tường nhà bếp!

– Tại sao tìm không được? – Ông hỏi –

– Chỉ có ba viên gạch, người bán hàng từ chối tìm giúp.

– Như vậy ngươi bỏ cuộc à? Đúng là đồ đầu ngu, não ngốc! Hãy đến xưởng sản xuất gạch mà kiếm chứ!

Tôi đi khắp các cửa hàng vật liệu trong thành, hỏi thăm vấn đề kỳ cục này, mà hễ nghe tôi nói: “Cần có ba viên gạch” là gian hàng nào cũng không thèm dòm đến tôi. Chẳng ai muốn tiếp chuyện. Đây là điều tôi đã tiên liệu được. Nhưng tôi phải đi tìm xưởng gạch và bắt đầu cảm thấy cùng quẩn, song tôi vẫn ráng thu hết can đảm đi tìm tiếp. Tôi gặp một công nhân xưởng gạch; mặc dù ông không xác định được loại gạch họ tạo có giống hay không, nhưng ông chỉ giúp tôi địa điểm sản xuất gạch.

Tôi đến tận xưởng, trên tường chưng bày đủ loại gạch men, nhưng tôi hoàn toàn tìm không ra loại gạch tương đồng; tôi hỏi người ở xưởng là có loại gạch giống vậy hay không? Họ hỏi tôi cần nhiều ít? Tôi nói: – Ba viên!

Họ xẵng giọng: – Chúng tôi kinh doanh lớn, không thể chế tạo ba viên cho thầy!

Tôi nài nỉ, nói: – Xin hãy làm ơn giúp tôi. Đông Sơ lão nhân nhất định bắt tôi phải tìm cho ra loại gạch giống y như vậy để gắn nhà bếp.

Họ giải thích: – Mỗi một lô gạch sản xuất ra, màu sắc luôn có chút khác biệt. Thầy không cách chi tìm được loại gạch tương đồng đâu. Rồi nhân viên của hàng đó mách giúp tôi:

– Có một xưởng gạch khác ở cách đây rất xa.

Tôi hỏi: -Tôi có thể đến đó tìm loại gạch tương đồng không?

Họ đáp: – Chúng tôi làm sao biết được?

Tôi cảm thấy tuyệt vọng, quay về thưa với Đông Sơ lão nhân, đây là nhiệm vụ “bất khả thi”. Tôi giải thích: – Mỗi lô gạch sản xuất đều có chút khác biệt. Việc này hoàn toàn không thể…

Ông nói: – Đêm qua ta đã tính và đoán biết những viên gạch như thế này ở đâu rồi.

– Vậy con phải làm sao để đến đó?

– Ngươi thiệt ngốc, cứ đi trên đường, hỏi thăm người ta miết thì tới chứ sao!

Địa phương này thật hẻo lánh, lại rất xa. Tôi phải mất gần cả ngày. Trên đường, tôi mua vé xe, năn nỉ người chỉ giùm và lội bộ đi khắp nơi kiếm… cuối cùng cũng tìm tới chỗ. Khi tôi hỏi về những viên gạch men, người phụ trách nói:

Chúng tôi đã sản xuất vô số lô hàng. Làm sao biết được lố gạch ấy có phải là của chúng tôi làm hay không? Anh cần bao nhiêu?

Tôi nói: – Ba viên!

Họ nhìn tôi (như thể tôi đang bị bịnh tâm thần), họ bảo:

– Anh một mực tìm tới chỗ này là vì ba viên gạch ư? Chúng tôi bận lắm, không có thời giờ mà bán cho anh ba viên! Hãy đến cửa hàng khác đi!

Tôi quay về. Gì cũng không mua được. Còn bị người ta cho là mình khùng nữa chứ!? Trên đường về, tôi luôn nghĩ: “ Sư phụ mình mới là bị bịnh, toàn đòi những chuyện vô lý!”…

Tôi thưa với Đông Sơ lão nhân:

– Bọn họ chẳng chịu bán cho con ba viên gạch.

– Chết tiệt cái đầu của ngươi đi! Ngươi chỉ cần hỏi ở cửa hàng nào có bán loại gạch này rồi sau đó tìm tới, mua về là được… có đến xưởng gạch men, thì cũng phải hỏi cho rõ ràng, rồi sau lại đến mua về, cần chi phải thỏa thuận trước? Làm vậy chẳng phải rất dễ hay sao? Và ta đâu cần nói nhiều làm gì?

Tôi cảm thấy mệt mỏi, chán nản và buồn bực đến tột độ: – “Chỉ có mấy viên gạch!… Ba mươi tuổi – Nhưng sao tôi thấy mình giống hệt đứa con nít. Trời ạ! Tôi là sĩ quan trong quân đội, từng là tác giả của nhà xuất bản, vậy mà bây giờ phải đi khắp nơi, lục tung khắp thành phố Đài Loan để tìm cho ra… ba viên gạch men??…

– Vì sao con không thể mua ba viên gạch có màu sắc hơi khác một chút? Chỉ là gạch men nhà bếp thôi mà…?

Đông Sơ lão nhân nói: – Ngươi đang lẩm bẩm cái gì đó? Nếu như ta đem hai miếng ni lông dán trên má ngươi, rồi để trên đó luôn, được không??

Tôi chẳng nói được câu nào, chỉ trợn tròn mắt nhìn. Đông Sơ lão nhân lại ra lịnh, buộc tôi phải đi tìm gạch tiếp. Tôi bôn ba tìm kiếm khắp nơi, cũng không chỗ nào có. Tôi nghĩ là Đông Sơ lão nhân yêu cầu quá vô lý. Tôi hạ quyết tâm, lần này nhất định sẽ rời bỏ đạo tràng của ông.

Khi về đến chùa, tôi đi thẳng vào phòng mình, chán nản đến tột cùng. Tôi ngồi cứng đờ như khúc gỗ vô tri giác. Đông Sơ lão nhân bước vào hỏi:

– Cả ngày nay ngươi đi tới đâu rồi?

Tôi chẳng phản ứng gì.

Ông đi ra. Sau đó cầm ba viên gạch men vào. Kêu lên:

– Nè! Chúng ta thật may mắn đó… Ta tìm được ba viên gạch hồi xưa xây nhà bếp còn cất để dành, có thể đem nó gắn lên tường…

Rồi ông nhìn tôi, phá lên cười:

– Ha! Ha! Ha! Ngươi bị lừa nữa rồi. Ngươi là hòa thượng, sao có thể giận dữ như vậy? Bị ta bắt tại trận rồi nhé! Thật là vui, vui hết sức! Ha! Ha! Ha!

Cười nhạo xong, ông bỏ đi.

Tôi thật là… hỏa bốc ba trượng!… Nhưng kỳ quái là: chán nản trong lòng tôi bỗng biến mất tiêu!

Đông Sơ lão nhân đi rồi, còn mình tôi ngồi lại trong phòng, cảm giác thật bình an, yên tĩnh. Tất cả vọng niệm đều được quét sạch, rỗng rang. Tôi hiểu rõ là mình không hề muốn rời bỏ Đông Sơ lão nhân. Chuyện tìm gạch men chỉ là một cách mài luyện của ông!

Dưới gậy xuất hiếu tử

Đông Sơ lão nhân đối với tôi hiểu rõ như nhìn lòng bàn tay, ông chìu theo những thay đổi trong tâm tôi. Hôm sau, ông đối xử với tôi thật tử tế. Có khách đến thăm, tặng cho xấp vải Phi Luật Tân.

Ông nói:

Thánh nghiêm này, con xuất gia đã một thời gian rồi, ta không có cho con gì cả… Giờ xấp vải này con hãy lấy mà may đồ nhé. Và ông mời người tới đo kích thước cho tôi. Tôi cảm nhận được sự yêu thương quan tâm chăm lo của ông. Làm sao tôi có thể khởi niệm lìa bỏ ông? Vì sao tôi có thể chán nản và phiền giận đến thế chứ?

Tới bây giờ (45 năm sau) tôi vẫn còn giữ bộ y phục đó.

Khi tôi bắt đầu tiếp nhận huấn luyện của sư phụ, tôi nghĩ rằng ông có hai tính cách. Về sau tôi mới hiểu. Đấy chính là một kiểu huấn luyện học sinh. Lúc ở Phật học viện Tiều Sơn, ông đã từng đối với các học sinh y như đối với tôi, đó là lý do vì sao bọn họ đều sợ ông. Ông cho rằng người xuất gia phải bị áp chế, dồn ép… Xưa ông cũng từng bị sư phụ mình huấn luyện như thế. Người Trung Quốc tin rằng: “Dưới gậy xuất hiếu tử, dưới bê[ Gậy đánh cảnh tỉnh khi hành giả ngồi thiền ngủ gục.
] xuất tổ sư”

Đây là một kiểu mài luyện tự ngã bạn, và kích phát áp lực dần đến mức đối phương khó thể tuân theo được nữa, sau đó sẽ giúp tự ngã triệt tiêu.

Thời cổ đại, các thiền sư đều dùng chiêu thức này đối với các đệ tử có tiềm năng. Còn những môn sinh không có tiềm năng gì thì được nới lõng, nương tay hơn. Tại Nhật, các viên chức đều phải trải qua màn “huấn luyện quỷ quái”, mới trở thành viên chức tốt.

Mặc dù Đông Sơ lão nhân mài giũa tôi (nhưng không phải là từ sáng đến tối ông luôn chèn ép như vậy), ông vẫn hoan hỉ, cười đùa. Ở trước mặt ông thì ngồi phải có tướng hẳn hòi; sống lưng phải thẳng, hai tay đặt lên nhau. Khi đứng thì, đầu tay buông thõng xuống. Từ đầu tới cuối tôi khó mà hiểu chỉ thị của ông là căn bản hay hồ náo, tôi không dám chống trái ông.

Nhưng ông thường nhắc nhở tôi, lúc ở bên cạnh ông, không nên cảm thấy sợ hãi.

Bây giờ tôi cũng giáo hóa đồ đệ mình như thế, tôi không muốn rằng khi tôi vắng mặt thì họ phóng túng bản thân, rồi khi ở trước mặt tôi thì họ vì sợ hãicung kính chắp tay…

Thông qua huấn luyện của Đông Sơ lão nhân, tôi đối với bản thân, hiểu được rất nhiều. Tôi có một đặc tính: hay kháng cự lại những gì tôi cho là bất công, những việc tôi cho là vô lý và dấy khởi phiền não.

Nếm trải bao huấn luyện của sư phụ, tôi tiêu hẳn thói quen ấy. Điều này thực sự giúp tôi, khi đối diện với cuộc sống không còn cho mình là trung tâm. Tôi thường tìm hiểu sự tình: Vì sao phát sinh như thế? nhưng không hề để mình bị nó vây khốn, gây ưu phiền; cũng không cảm thấy quá mất thể diện. Hồi đầu, lúc mới bị người đuổi xuống xe, tôi thật sự cảm thấy rất xấu hổmất mặt. Nhưng trải qua bao huấn luyện, tôi đã biết biến những tình huống đó thành cơ duyên học tập, xem như là một cách để tu hành.

Khi tôi theo Đông Sơ lão nhân được hai năm, tôi quyết định vào núi bế quan. Tôi cho rằng bế quan sẽ giúp tôi, trong tương lai có thể tận lực cống hiến cho Phật giáo. Tôi phát thệ nguyện: “Không dùng tâm ích kỷ tu hành, không vì cầu giải thoát cho mình”. Tôi tuân theo tôn chỉ đại thừa Phật giáo.

Tôi thưa với sư phụ:

– Con sẽ nỗ lực tu hành, không cô phụ Phật pháp.

Ông bảo: – Quan trọng là không nên có lỗi với bản thân mình.

Tôi chưa hiểu ý ông. Những lời này khiến tôi suy nghĩ rất lâu. Về sau mới minh bạch. Mặc dù tôi thệ nguyệntha nhân, nhưng Đông Sơ lão nhân lại thấy rõ tôi toàn là vì mình. Ông cho rằng tôi lìa tục xuất giathệ nguyện độ chúng sinh, chẳng qua là nói suông trên đầu môi. Ông buộc tôi phải có trách nhiệm với bản thân mình, phải hiểu rõ sứ mệnh của người xuất gia. Nếu như tôi không thực hiện đủ trách nhiệm mình và làm những việc cần làm, thì tôi có lỗi với bản thân. Đây là ý của ông.

Ông muốn tôi trải qua một đời sống xuất gia chân chánh: Trì giới, tu định, trưởng dưỡng trí huệ, lòng từ và cả đến lòng kiên nhẫn… Ông không muốn tôi phát nguyện suông; mà muốn tôi minh bạch rõ ràng bản nguyện sơ tâm của mình.

Tại Trung Quốc, trong nhà thiền có một câu như thế này: “Gót chân không dính đất mà hành tẩu bốn phương là nguy hiểm” (Cước cân bất trước địa nhi hành tẩu tứ phương, thị nguy hiểm đích)

Chưa đạt đến chỗ chân thật mà đi khắp nơi là nguy.

Đông Sơ lão nhân cảnh báo rất đúng.

Vì vậy, khi tôi huấn luyện đệ tử, tôi không mong dạy họ thành một vị Đại thiền sư, Đại pháp sư, hay một người xuất gia thành đạt. Tôi muốn họ làm ba việc:

Một, phải trưởng dưỡng, hoàn thành tâm hạnh đúng đắn của người xuất gia. Hai, oai nghi cử chỉ phải xứng đáng với người xuất gia: từ phong cách thái độ, hình dung và tư thế của người xuất gia – biểu hiện phải khác người tại gia. Ba, lời nói phải ôn hòa, chân thật, xứng đáng (đạt thể). Người xuất gia không nói lời thô ác, không bàn chuyện thị phi, không nói nhảm nhí, tầm phào.

Chúng tôi không nói lời trau chuốt, không nói như thế tục, không nói lời tạp vô nghĩa.

Xuất gia thì mọi cử chỉ, oai nghi đều phải phù hợp – Chính là ý nghĩa câu sư phụ tôi nói “Đừng làm gì có lỗi với bản thân mình”. Có thể phải mất thời gian mười năm mới rèn thành. Các bậc trưởng thượng thường nói: “Xuất gia mười năm đầu, nằm ngủ chưa rõ mình là người xuất gia hay tại gia, trong mộng còn làm những việc giống như người tại gia. Nhưng mười năm sau, cho dù nằm mộng, quý vị cũng không được quên mình là người xuất gia!”…

Thời kỳ đầu mới thành lập Đông Sơ Tự. Tại Nữu Ước, tôi có một nữ đệ tử muốn xuất gia, cô ngụ lại đó hơn một năm. Một hôm cô đến gặp tôi, thưa rằng cô không thể tiếp tục đi trên con đường xuất gia.

Tôi hỏi:

– Vì sao không thể?

Cô nói:

– Việc này thật khó, con nghĩ không nên nói ra.

– Vì sao? Cô làm việc gì xấu ư?

– Trong mộng, con mơ thấy cùng bạn trai ở bên nhau tâm tình, hơn nữa còn phát sinh lăng nhăng… Như thế thì con làm sao có thể thành người xuất gia đây?

Tôi bảo:

– Chỉ cần cô không phải ở ban ngày cùng bạn trai phát sinh lộn xộn, thì không có vấn đề gì. Ban ngày cô có thể khống chế mình, trong mộng cô vẫn chưa khống chế mình, bởi vì cô chưa thọ qua huấn luyện đủ.

Tôi hỏi: – Cô còn muốn trở thành người xuất gia chăng? Cô đáp:

– Để con thử xem.

Mấy ngày sau, cô đến thưa với tôi là vẫn nằm mộng thấy như trước.

Tôi bảo:

– Sau khi xuất gia rồi, có lẽ nó vẫn còn kéo dài. Cô phải trải qua một thời gian mới có thể tiêu trừ tập khí và và tâm thái thế tục.

Đây là những lời dạy về tâm thái xuất gia, điều này tuyệt không dễ dàng. Chỉ có thông qua tu hành và xoay chuyển tâm niệm mới đạt thành, mới có thể xác lập và khẳng định mình là người xuất gia. Bằng không, cho dù ở trong đạo tràngtu học Phật pháp cả trăm năm; trong mộng, bạn vẫn là người tại gia như cũ!


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2013(Xem: 48784)
24/04/2012(Xem: 122306)
21/04/2014(Xem: 14595)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.