Chương Hai Những Gì Không Phải Là Thiền?

29/09/201012:00 SA(Xem: 54344)
Chương Hai Những Gì Không Phải Là Thiền?

CHÍNH NIM - THC TP THIN QUÁN
Nguyễn Duy Nhiên dịch,
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Nhà xuất bản: Thanh Hóa 2009

Chương Hai
Những gì không phải là thiền?


Thiền là một danh từ. Chắc bạn cũng đã nghe nói về nó rồi, nếu không thì có lẽ bạn đã không cầm đến quyển sách này. Chữ “thiền” ngày nay đã được dùng trong đủ mọi lĩnh vực, và nói lên nhiều quan niệm khác nhau. Có những cái đúng, và cũng có những cái hoàn toàn không đúng. Có những quan niệm có thể đúng đối với những hệ thống thiền tập khác, nhưng chúng không liên quan gì đến phương pháp thiền quán vipassana. Trước khi bắt đầu, tôi nghĩ là chúng ta nên gạn lọc hết những ý niệm sai lầm về thiền quán ra khỏi đầu, để có thể tiếp nhận những cái mới. Và bây giờ, chúng ta hãy bắt đầu với những sai lầm rõ rệt nhất.

Tôi sẽ không dạy bạn ngồi suy tưởng về cái bụng của mình hay tụng những âm thanh bí mật nào đó. Bạn cũng không cần phải hàng phục ác quỷ hay là kiểm soát những năng lượng vô hình. Bạn không cần phải đeo đai màu, cũng không cần phải cạo đầu hay quấn tóc. Bạn không cần cho hết tài sản của mình và đi vào sống trong một tu viện. Thật ra, bạn có thể bắt đầu ngay từ bây giờ để cải thiện cuộc sống của mình, trừ khi là bạn đang sống một cuộc sống bất lương hoặc quá nhiều biến động. Nghe ra thật khích lệ đối với hầu hết mọi người, bạn có thấy vậy không?

Có rất nhiều sách viết về thiền. Đa số được trình bày theo một quan điểm hoàn toàn thuộc về một tôn giáo, hoặc một truyền thống đặc biệt nào đó. Nhưng nhiều khi tác giả không nói rõ cho đọc giả biết điều ấy. Họ có những lời tuyên bố về thiền như đó là một sự thật chung cho tất cả mọi phương pháp thiền, trong khi thật ra nó chỉ là những tính chất riêng, theo truyền thống đặc biệt của họ mà thôi. Và nhiều khi những lý thuyết, những lời giải thích ấy lại rất mâu thuẫn với nhau. Kết quả là một sự hỗn loạnlầm lẫn lớn: có trăm ý kiến trái ngược được hỗ trợ bởi ngàn dữ kiện khác nhau.

Quyển sách này rất là riêng biệt. Chúng tôi chỉ trình bày duy nhất phương pháp thiền quán vipassana mà thôi. Tôi sẽ hướng dẫn cho bạn phương cách nhìn, theo dõi những hoạt động của tâm ý mình, một cách khách quan và tĩnh lặng, để ta có thể có tuệ giác về những hành động của chính mình. Mục đích của ta là phát triển chính niệm, một ý thức mãnh liệt, sáng tỏtinh tế, giúp ta có thể thấy được thẩm thấu tự tính của mọi hiện tượng.

Tôi thấy có một số quan niệm sai lầm chung về thiền. Những vấn đề này thường xuyên được nêu lên bởi các thiền sinh mới. Vì chúng là những quan niệm sai lầm, nên có thể có ảnh hưởng đến sự thực tập của ta. Tôi nghĩ, chúng ta cần nên mang những sự hiểu lầm ấy ra từng cái một, và hóa giải chúng:

1. Thiền chỉ là một phương pháp nghỉ ngơi?


Sai lầm trong quan điểm này nằm ở chữ “chỉ là”. Nghỉ ngơi là một phần chính yếu của thiền tập, nhưng trong thiền quán vipassana, chúng ta còn nhắm đến một mục tiêu khác cao thượng hơn. Câu ấy có thể đúng với một số phương pháp thiền tập khác. Tất cả những pháp môn thiền đều nhấn mạnh đến việc tập trung tư tưởng, đem tâm ý về một đề mục, một điểm duy nhất.

Khi ta có thể thực hiện được việc ấy một cách thuần thục, ta sẽ đạt đến một trạng thái hỷ lạc và an nghỉ, gọi là Jhana, hay là các tầng định. Trong trạng thái tĩnh lặng ấy, ta sẽ cảm nhận được một sự hỷ lạc rất lớn, một cảm giác hạnh phúc sâu sắc mà ta không thể nào kinh nghiệm được với một tâm thức bình thường. Và đa số những pháp môn thiền đều dừng lại ở chỗ này. Jhana, hay các tầng định, là mục tiêu của họ. Và khi ta đã đạt được nó rồi thì sự tu tập của ta là cứ tiếp tục lặp lại những kinh nghiệm ấy suốt đời mình.

Nhưng thiền quán vipassana thì khác, vì nó hướng đến một mục tiêu khác: sự tỉnh giác. Sự tập trung và nghỉ ngơi chỉ là những yếu tố đi kèm theo sự tỉnh giác mà thôi. Chúng là những yếu tố quan trọng đi trước, những công cụ cần thiết và là những phó sản kỳ diệu. Nhưng chúng không phải là mục tiêu chính. Mục tiêu chính là tuệ giác. Thiền quán là một pháp môn tu tập nhiệm mầu, nhắm đến một mục tiêu duy nhất là làm thanh tịnhchuyển hóa cuộc sống hằng ngày của ta. Trong một chương sau, chúng ta sẽ có dịp nói sâu hơn về sự khác biệt giữa thiền định (concentration) và thiền quán (insight).

2. Thiền là đi vào một trạng thái xuất thần?


Cũng vậy, quan điểm này có thể đúng với một pháp môn thiền tập đặc biệt nào khác, nhưng nó không phải là thiền quán. Thiền quán không phải là một hình thức thôi miên. Chúng ta không bao giờ cố gắng khóa kín tâm thức mình lại để không còn biết gì cả, hoặc biến ta trở thành một thứ cỏ cây, gỗ đá vô tri giác. Ngược lại, thiền quán sẽ giúp ta trở thành bén nhạy hơn, hòa điệu hơn với những biến đổi trong tình cảm của mình. Chúng ta sẽ hiểu được mình một cách rõ rệt hơn và chính xác hơn.

Trong sự thực tập, sẽ có những lúc có những trạng thái mà đối với người đứng ngoài có vẻ như là hành giả đang xuất thần. Nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại. Trong trạng thái xuất thần của thôi miên, hành giả hoàn toàn bị kiểm soát bởi người bên ngoài; còn trong trạng thái định, hành giả hoàn toàn giữ được sự tự chủ. Cả hai chỉ giống nhau ở vẻ ngoài mà thôi. Nhưng dầu sao đi nữa thì những trạng thái này vẫn không bao giờ là mục tiêu của thiền quán. Như ta đã nói, các tầng định này chỉ là những phương tiện, những bước chuyển tiếp trên con đường đi đến tuệ giác cao hơn mà thôi. Vipassana, thiền quán, tự nó có nghĩa là một sự đào luyện chính niệmtuệ giác. Vì vậy, nếu như trong khi ngồi thiền mà bạn cảm thấy mình trở nên không còn hay biết gì nữa, thì lúc đó bạn không không phải là ngồi thiền theo ý nghĩa của vipassana.

3. Thiền là huyền bí không thể hiểu được?


Điều ấy cũng là gần đúng, nhưng chưa đúng. Thiền có liên quan đến những mức độ tâm thức sâu kín hơn những tư tưởng bình thường của ta. Vì vậy, có một số kinh nghiệm trong thiền tập chúng ta không thể nào giải thích bằng lời được. Nhưng điều ấy không có nghĩa rằng thiền là một cái gì đó huyền bí không thể hiểu được.

Có nhiều cách để ta hiểu sâu sắc một vấn đề gì đó mà không cần dùng đến ngôn ngữ. Bạn hiểu được đi bộ là như thế nào, phải không? Nhưng có thể bạn không giải thích được những sợi thần kinh và những bắp thịt của ta hoạt động chung với nhau như thế nào. Nhưng bạn biết cách thực hành. Thiền tập cũng cần được hiểu theo cách đó - bằng sự thực hành. Ta không thể hiểu thiền qua những lý thuyết trừu tượng, hoặc chỉ bàn luận suông. Ta phải trải nghiệm được nó. Thiền không phải là một công thức máy móc, lúc nào cũng đem lại những kết quả tự động và có thể đoán trước được. Trong giờ thiền tập, ta sẽ không bao giờ có thể đoán chính xác được việc gì sẽ xảy ra. Mỗi lần thiền tập là một tiến trình khám phá, một cuộc thí nghiệm và là một chuyến phiêu lưu. Thật ra, nếu như sự thực tập của bạn đi đến một giai đoạn mà bạn có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra, tất cả đều lặp lại giống như nhau, thì đó là dấu hiệu bạn đã đi sai đường và sự tu tập đang bị đình trệ. Học nhìn mỗi giây phút này như là một giây phút đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời mình, đó chính là tinh hoa của thiền quán.

4. Mục đích của thiền là đạt thần thông?


Không phải vậy! Mục đích của thiền là để phát triển sự tỉnh giác. Biết được tương lai hoặc đọc được ý nghĩ của kẻ khác không phải là mục đích của thiền. Bay bổng khỏi mặt đất không phải là mục đích của thiền. Mục tiêu của thiền là giải thoát. Có một sự liên hệ giữa những hiện tượng phi thường với thiền tập, nhưng sự liên hệ ấy rất phức tạp. Trong những giai đoạn đầu của thiền tập, những hiện tượng này có thể xảy ra hoặc không xảy ra. Có người kinh nghiệm được những trực giác khác thường, hoặc nhớ lại quá khứ trong một tiền kiếp nào đó; và cũng có người không thấy gì hết. Thật ra, những hiện tượng này không nên được coi như là một khả năng siêu phàm, đáng tin cậy, hoặc sự chứng nhận cho trình độ tu tập của mình. Chúng ta đừng bao giờ dành cho chúng một sự quan tâm quá đáng. Thật ra, những loại hiện tượng ấy rất nguy hiểm đối với những thiền sinh mới, vì chúng rất cám dỗ. Chúng có thể là những cái bẫy của tự ngã, lừa gạt chúng ta đi lạc hướng. Cách hay nhất là đừng bao giờ xem những điều đó là quan trọng. Chúng có xảy ra hay không cũng không thành vấn đề. Sẽ có một giai đoạn trên con đường tu tập, hành giả có thể cần phải thực hành để phát triển một số quyền năng nào đó. Nhưng việc đó còn lâu lắm mới xảy ra. Chỉ khi nào hành giả đã đạt đến một tầng định, jhana, rất cao, họ mới có thể tiếp xúc được với những năng lượng này mà không sợ nguy hiểm, không sợ bị chúng kiểm soátchiếm hữu luôn đời mình. Những quyền năng ấy bao giờ cũng chỉ được dùng để phục vụ và giúp đỡ kẻ khác mà thôi. Thường thường thì giai đoạn này chỉ đến đối với những hành giả nào đã có hàng chục năm tu tập tinh chuyên. Bạn đừng lo lắng gì hết! Chỉ nên cố gắng thực tập phát triển chính niệm cho mỗi ngày một thêm vững mạnh. Giả sử như có hình ảnh hoặc âm thanh nào lạ hiện lên, bạn chỉ cần ghi nhận chúng rồi buông bỏ đi. Đừng vướng mắc vào chúng.

5. Thiền rất nguy hiểm và nên tránh xa?


Tất cả mọi việc đều nguy hiểm. Khi băng qua đường bạn có thể bị xe đụng. Khi vào buồng tắm bạn có thể trượt chân té gãy xương. Khi ngồi thiền bạn có thể khơi lên những vấn đề xấu xa hoặc rắc rối trong quá khứ của mình. Những điều đã được chôn vùi sâu kín qua biết bao năm tháng ấy, chúng có thể rất đáng sợ. Nhưng khám phátìm hiểu chúng sẽ mang lại cho ta những lợi ích rất lớn. Không có một hành động nào mà không kèm theo những sự may rủi, nhưng điều ấy không có nghĩa là ta nên nằm yên co rút trong cái tổ kén của mình! Đó không phải là sống mà là một cái chết khi đang sống. Phương cách để ta đối diện với những nguy hiểm là ý thức được cường độ của nó, biết nó nằm ở đâu, và biết cách đối phó mỗi khi nó khởi lên. Và đó cũng chính là mục đích của quyển sách thực hành này.

Thiền quán, vipassana, là sự phát triển của chính niệmtỉnh giác. Không có gì là nguy hiểm trong sự thực tập ấy. Ngược lại, chính niệm còn là một sự che chở, bảo vệ ta tránh khỏi những hiểm nguy. Nếu ta thực hành đúng, thiền tập là một tiến trình rất từ tốn và nhẹ nhàng. Cứ thực hành thong thả, sự tiến triểnchuyển hóa sẽ xảy ra một cách rất tự nhiên. Không nên thúc bách bất cứ điều gì. Và sau này, khi bạn đã sẵn sàng, dưới sự hướng dẫn và tuệ giác của một vị thầy có khả năng, bạn có thể gia tăng tốc độ tiến triển của mình bằng cách tham dự những khóa thiền nghiêm túc nhiều ngày hơn. Nhưng trong giai đoạn đầu, bạn hãy thực hành cho thoải mái. Từ tốn mà thực tập, mọi việc sẽ tốt đẹp.

6. Thiền chỉ dành riêng cho các bậc thánh?


Thái độ này thường thấy rất nhiều ở các nước châu Á, trong những nền văn hóa mà các vị sư, tu sĩ rất được tôn thờ và kính nể. Điều này cũng giống như thái độ của người phương Tây đối với những thần tượng ca sĩ, tài tử, và những anh hùng thể thao của họ vậy. Những nhân vật ấy được thiên hạ đóng khung, đặt lên trên thật cao để chiêm ngưỡng, và rồi họ được gán cho những cá tính mà ít có một người nào có thể sống đúng theo được. Và chúng ta cũng có những thái độ tương tự đối với thiền tập. Chúng ta cho rằng thiền giả là một nhân vật rất tôn kính, nơi họ ngồi một chiếc lá cũng không dám rơi. Nhưng chỉ cần tiếp xúc với họ trong vài giây phút là những ảo vọng của ta sẽ tự động tan vỡ hết. Thật ra họ chỉ là những người biết tinh tiến, có một sự ham thích mãnh liệt, và sống đời mình với một nghị lực lớn.

Lẽ dĩ nhiênđa số những bậc thánh nhân, đạo sư đều có hành thiền, nhưng không phải họ hành thiền bởi vì họ là thánh nhân. Mà ngược lại, họ là thánh nhân bởi vì họ hành thiền; nhờ thiền tập mà họ trở thành thánh nhân. Họ bắt đầu tập thiền trước khi trở thành một thánh nhân, nếu không họ đã không thể nào thánh thiện được! Đó là điểm quan trọng. Có một số thiền sinh quan niệm rằng trước tiên cần phải hoàn toàn trong sạch và có đạo đức rồi mới có thể học thiền. Nhưng việc đó không bao giờ có thể xảy ra. Vì vấn đề đạo đức đòi hỏi ta phải có khả năng kiểm soát được tâm ý mình đến một mức độ nào đó. Ta không thể nào tuân theo giới luật được nếu ta không có một chút gì tự chủ. Mà nếu tâm ta cứ chạy vòng quanh, bất an mãi, thì đâu thể gọi là có tự chủ được? Điều trước tiên chúng ta cần phải có là một số vốn liếng tâm linh.


Thiền tập trong đạo Phật gồm có ba yếu tố chính là giới, định và tuệ. Ba yếu tố ấy cùng phát triển với nhau khi sự tu tập của ta mỗi ngày được thâm sâu hơn. Yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hai yếu tố kia, vì vậy lúc nào chúng ta cũng trau giồi cả ba cùng lúc chứ không riêng rẽ. Khi bạn có tuệ giác để thấy rõ được vấn đề, tự nhiên bạn sẽ có tình thương đối với tất cả những người đang bị kẹt trong hoàn cảnh ấy, và tâm từ tự nhiên thúc đẩy bạn kiềm chế tư tưởng, lời nói và hành động của mình, không làm những gì có thể gây thêm khổ đau cho mình và kẻ khác. Vì vậy, hành động của bạn tự nhiên sẽ có đạo đức. Chỉ khi nào không hiểu biết ta mới gây ra vấn đề. Khi ta không nhìn thấy được hậu quả chuyện mình làm, ta sẽ hành xử rất dại dột. Nếu ta cứ chờ cho mình thật trong sạch, thật đạo đức rồi mới bắt đầu học thiền, thì ta sẽ phải chờ suốt đời, vì chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra! Người xưa nói việc ấy cũng giống như một người đứng chờ cho biển lặng, sóng yên rồi mới xuống tắm.

Để hiểu rõ hơn về mối liên hệ này, chúng ta hãy ý thức rằng vấn đề đạo đức, hay giới luật có những cấp bậc khác nhau. Trình độ thấp nhất là tuân hành theo những quy tắc, điều luật do một người nào đó đặt ra. Người ấy có thể là vị giáo chủ của bạn, và cũng có thể là người có quyền hạn, vị tộc trưởng, hoặc cha mẹ... Không cần biết người đặt ra là ai, ở cấp bậc này thì chúng ta chỉ cần nhớ và làm đúng theo luật lệ là đủ. Một người máy cũng làm được chuyện đó. Một con khỉ được huấn luyện cũng có thể làm được, nếu những điều luật tương đối đơn giản, và thỉnh thoảng ta cứ đánh nó vài roi mỗi khi nó phạm luật. Ở trình độ này thì chúng ta không cần gì đến thiền tập. Chúng ta chỉ cần những điều luật rõ rệt và có người cầm roi đứng kế bên là đủ.

Một trình độ giới luật cao hơn là ta vẫn tuân theo bấy nhiêu đó quy luật, cho dù không có ai đứng kế bên để phạt. Ta giữ giới luật vì chúng đã thâm nhập vào mình. Ta tự phạt lấy, mỗi khi ta phạm một giới gì. Ở trình độ này thì nó đòi hỏi ta cần phải có một chút tập luyện tâm ý nào đó. Vì khi tư tưởng ta bất an thì hành động của ta cũng sẽ bị bấn loạn theo. Tập luyện tâm ý sẽ giúp ta được an ổn hơn.

Và một trình độ cao nhất của giới luật, cấp bậc thứ ba, mà ta có thể gọi là “đạo đức”. Trình độ này là một bước nhảy vọt rất xa so với hai trình độ vừa kể, nó là một cái nhìn hoàn toàn khác biệt. Ở trình độ của đạo đức thì một người không nhất thiết cần phải cứng ngắt tuân theo những luật lệ đã được đặt ra, bởi bất cứ một uy quyền nào. Người ấy chỉ chọn tuân theo con đường được hướng dẫn bởi chính niệm, tuệ giáctừ bi. Trình độ này đòi hỏi ta phải có một trí thông minh, một khả năng nhận xét, thấy được hết tất cả những yếu tố trong mọi hoàn cảnh, và lúc nào cũng đi đến những phản ứng sáng suốt. Và hơn nữa, ta phải có khả năng bước ra ngoài cái tầm nhìn nhỏ bé của mình. Ta phải thấy được hoàn cảnh dưới một ánh mắt khách quan, xem những nhu cầu của người khác cũng quan trọng như của chính mình. Nói một cách khác, ta phải thoát ra được khỏi sự kiềm chế của tham lam, sân hậnganh tỵ, và mọi thứ ích kỷ, nhỏ nhen khác của riêng mình, để còn nhìn thấy được những vấn đề của người kia. Chỉ chừng ấy, ta mới có thể thật sự chọn lựa được những hành động nào là thích ứng cho hoàn cảnh đang có mặt. Và trình độ này, chắc chắn đòi hỏi ta cần phải có một sự thực tập thiền quán, trừ khi sinh ra ta đã là một vị thánh. Ngoài ra, không còn có một phương cách nào khác hơn nữa. Tiến trình này đòi hỏi ta cần có một khả năng phân lọc rất lớn, ta phải biết phân tách và chọn lọc những gì đang xảy ra trong mọi hoàn cảnh. Nhưng tâm thức bình thường của ta không thể nào làm hết được những việc ấy. Nếu như tâm trí của ta cứ phải phân tách, suy xét hết tất cả những gì đang xảy ra, thì chắc chúng ta sẽ không còn thì giờ để làm gì khác được nữa hết. Cũng như một người làm trò múa rối không thiện nghệ, ta không thể nào thảy bấy nhiêu những trái banh và giữ chúng trên không trung cùng một lúc được. Nhưng may mắn thay, ở một mức độ tâm thức thâm sâu hơn, ta có thể làm được việc đó. Thiền quán có thể giúp ta thực hiện được tiến trình phân tách và chọn lọc ấy. Đó là một chuyện hơi lạ, nhưng sự thật là vậy.

Có một ngày kia bạn gặp một vấn đề - ví dụ như là chú Ba sắp sửa ly dị. Hoàn cảnh của chú Ba dường như không còn có lối thoát, dẫu như Trạng Trình tái sinh có muốn giúp cũng không thể có lời khuyên gì được. Ngày hôm sau, trong khi bạn đang đứng rửa chén, và trong đầu đang suy nghĩ về một chuyện đâu đâu nào đó, tự nhiên có một giải pháp lại hiện ra rất rõ ràng. Từ đâu đó sâu xa trong tâm thức, câu trả lời khởi lên và mọi khó khăn đều được giải quyết. Những sự kiện trực giác này chỉ xảy ra khi nào bạn biết tạm gác qua một bên những suy luận, tính toán bình thường của mình, và để cho phần sâu hơn của tâm thức có cơ hội để ôm ấp vấn đề. Nhiều khi, cái đầu óc suy luận hằng ngày của ta có thể là một chướng ngại. Thiền tập dạy cho ta một phương cách để tự tháo gỡ mình ra khỏi cái tiến trình suy nghĩ ấy. Nó là một nghệ thuật tự tránh qua một bên, để cho chính mình có thể bước tới. Đó là một nghệ thuật rất có ích lợi trong cuộc sống hằng ngày.

Thiền tập không bao giờ là một pháp môn đặc biệt chỉ dành riêng cho những nhà ẩn sĩ, những nhà tu khổ hạnh. Nó là một pháp mônliên hệ trực tiếp đến những vấn đề trong đời sống hằng ngày, và có thể áp dụng ngay vào cuộc sống của chính chúng ta. Thiền không phải là để dành riêng cho một “thế giới khác”.

Nhưng không may là sự thật này có thể làm cho một số thiền sinh bị thất vọng. Họ bước chân vào thiền với hy vọng sẽ có được những khám phá lớn lao và tức thì, cùng với tiếng thiên thần ca hát vang trời. Nhưng cái mà họ học được là một phương cách làm sao để mang rác ra trước nhà được hữu hiệu hơn, làm sao để giúp chú Ba được nhiều kết quả tốt đẹp hơn... Nhưng thật ra họ cũng đừng nên vội thất vọng. Vấn đề đem rác ra thì bao giờ cũng cần được giải quyết trước tiên, tiếng ca hát của thiên thần thì phải mất thời gian lâu hơn một chút.

7. Thiền tập là sự trốn tránh thực tại?


Hoàn toàn sai! Thiền tập có nghĩa là đi tìm thực tại. Thiền tập không tách rời chúng ta với những nỗi đau của cuộc đời. Ngược lại, nó giúp ta tiếp xúc sâu sắc với mọi khía cạnh của sự sống, giúp ta có thể đi xuyên qua những bức tường khổ đau và vượt thoát ra ngoài. Thiền quán là một phương phápmục đích duy nhấttiếp xúc với thực tại, trải nghiệm cuộc sống đúng thật như nó đang hiện hữu, và ứng xử một cách chính xác với những gì ta thấy. Thiền tập giúp ta phá tan đi những ảo tưởng, thoát ra những điều giả tạo, những lời dối trá hay đẹp mà ta thường dùng với chính mình. Cái gì có mặt thì đang có mặt. Bản thân ta ra sao thì sẽ là như vậy. Khi ta tự dối mình về những yếu đuối, về những động lực thúc đẩy của mình là ta chỉ tự trói buộc vào chúng chặt hơn mà thôi. Thiền quán không phải là một cách để tự quên mình và che giấu đi những vấn đề của ta. Thiền quán là học cách tự nhìn lại cho thật chính xác, thấy được những gì đang thật sự có mặt và chấp nhận chúng. Và chỉ từ đó ta mới có thể chuyển hóa được chúng mà thôi.

8. Thiền tập là một cách đạt đến khoái cảm?


Quan điểm này có phần đúng nhưng cũng có phần sai. Thiền tập đôi khi có mang lại cho ta một cảm giác lâng lâng, thích thú. Nhưng đó không phải là mục đích của thiền, và cũng không phải lúc nào nó cũng xảy ra. Hơn nữa, nếu bạn ngồi thiền với mục đích để có được những khoái cảm ấy, nó sẽ lại càng ít khi nào xảy ra, hơn là những khi bạn chỉ ngồi thiền với một mục đích phát triển chính niệm. Cảm giác hỷ lạc phát sinh từ một sự nghỉ ngơi, và sự nghỉ ngơi là kết quả của sự buông thư hết những căng thẳng trong ta. Nếu như trong thiền tập, ta cố gắng tìm kiếm một cảm giác hỷ lạc, tức là ta đã tạo nên một sự căng thẳng trong ta, và lẽ dĩ nhiên lúc ấy ta sẽ không thể nào buông thư được. Nó ngộ như vậy, ta chỉ có thể có được sự hỷ lạc nếu ta không tìm kiếm và đeo đuổi nó. Vừa đưa tay nắm bắt là nó sẽ biến mất ngay. Nhưng bạn nên nhớ rằng sự khoái lạc không phải là mục tiêu của thiền tập. Nó sẽ khởi lên rất thường, nhưng ta nên nhớ chúng chỉ là những ảnh hưởng phụ thuộc mà thôi. Dù sao thì đây cũng là một hiệu ứng phụ rất dễ chịu, và khi ta càng thiền tập lâu ngày bao nhiêu, chúng sẽ lại càng xảy ra thường xuyên hơn bấy nhiêu. Tôi tin rằng bạn sẽ không bao giờ nghe một thiền giả nhiều kinh nghiệm nào mà lại không đồng ý việc này.

9. Thiền là ích kỷ?


Có lẽ nhìn bề ngoài thì người khác thấy là như vậy. Một thiền sinh nhắm mắt ngồi yên trên tọa cụ. Có phải anh hay chị ta đang cho máu chăng? Không phải! Thế thì anh hay chị đó đang giúp các nạn nhân bị thiên tai chăng? Cũng không phải! Ta hãy thử tìm hiểu xem động cơ nào thúc đẩy một thiền sinh ngồi yên đó. Mục đích của một thiền sinh là làm sao để loại được những sân hận, thành kiến và ghét bỏ ra khỏi tâm ý của mình, cũng như những tham lam, sự căng thẳngthái độ vô tình của ta. Những yếu tố nào mà đã từng ngăn trở lòng từ bi và tình thương của họ đối với mọi người chung quanh. Và chỉ trừ khi nào những chướng ngại đó không còn nữa, bất cứ những việc làm tốt lành nào của họ cũng sẽ chỉ là một sự biểu lộ của tự ngã mà thôi, và nó sẽ không mang lại một ích lợi lâu dài nào hết.

Gây thương đau cho cuộc sống dưới danh nghĩa cứu đời là một trong những trò xa xưa nhất. Những cuộc thánh chiến và tôn giáo pháp đình vào thời trung cổ ở châu Âu là một ví dụ. Những cuộc thiêu sống các phù thủy ở Salem dưới danh nghĩa “vì lợi ích chung” cũng thế. Bạn hãy nhìn lại cuộc đời của những thiền giả nhiều kinh nghiệm, đa số họ là những người có tham gia vào các việc làm xã hội. Nhưng bạn sẽ không bao giờ thấy họ hy sinh bất cứ một cá nhân nào cho lý tưởng của họ, dầu cao thượng đến đâu. Sự thậtchúng ta ích kỷ và nhỏ nhen hơn mình tưởng. Bản ngã của ta có khả năng biến những việc làm cao thượng thành những thứ rác rưởi thấp hèn nếu ta buông thả nó hoàn toàn. Nhờ thiền tậpchúng ta ý thức được con người thật của mình, bằng cách thấy được những hành động thúc đẩy bởi lòng vị kỷ. Và nhờ đó mà ta mới có thể thật sự trở thành hoàn toàn vị tha. Chuyển hóa hoàn toàn lòng ích kỷ của mình, đó không phải là một hành động ích kỷ.

10. Thiền là ngồi nghĩ đến những ý tưởng cao thượng?


Điều đó không đúng! Có những truyền thống thiền tập khác làm như vậy. Nhưng đó không phải là thiền quán vipassana. Thiền quán là một sự thực tập chính niệm, tỉnh giác, có ý thức rõ ràng về những gì đang có mặt, cho dù đó là một chân lý tuyệt vời hay chỉ là một cọng rác nhỏ. Cái gì có mặt thì nó có mặt.

Lẽ dĩ nhiên, trong thiền tập cũng có lúc những tư tưởng cao thượng sẽ khởi lên. Ta không cần phải tránh né chúng. Và ta cũng không cần phải tìm kiếm chúng. Chúng chỉ là những phản ứng dễ chịu của thiền tập. Thiền quán là một phương pháp thực tập rất đơn giản. Nó bao gồm sự trải nghiệm những sự kiện trong đời sống một cách trực tiếp, không để tâm ưa thích và cũng không thêm thắt vào đó bất cứ một hình ảnh hay ý tưởng nào khác. Thiền quán có nghĩa là nhìn sự sống mình khai mở ra trong mỗi giây mỗi phút, không thiên vị. Việc gì đến sẽ đến. Rất đơn giản như vậy thôi!

11. Sau vài tuần thiền tập, mọi khó khăn sẽ biến mất?


Rất tiếc, thiền tập không phải là một thứ thần dược nhanh chóng trừ được tất cả mọi căn bệnh. Tuy bạn có thể thấy được những thay đổi ngay từ bước đầu, nhưng những hiệu quả sâu sắc sẽ phải cần đến nhiều năm dài. Đó cũng cách cấu thành của cả vũ trụ này. Không một điều gì có giá trị lại có thể đạt được một cách quá nhanh chóng!

Xét theo một vài khía cạnh thì thiền tập là rất khó khăn. Nó đòi hỏi tính kỷ luật kiên trì và đôi khi là cả quá trình rèn luyện vất vả. Sau mỗi lần ngồi thiền, bạn sẽ có được những kết quả chuyển hóa, nhưng những kết quả ấy thường là rất vi tế. Chúng xảy ra trong chiều sâu thẳm của tâm thức và chỉ biểu hiện ra sau đó khá lâu. Và nếu bạn ngồi thiền với tâm ý luôn mong đợi những thay đổi lớn lao ngay tức thì, bạn sẽ không có được ngay cả những chuyển hóa rất vi tế đó. Rồi bạn sẽ thất vọng, từ bỏ và nguyền rủa rằng thiền tập không mang lại bất cứ kết quả nào. Sự kiên nhẫn là chìa khóa của vấn đề. Hãy kiên nhẫn. Cho dù bạn không học được gì khác qua thiền tập, bạn cũng học được sự kiên nhẫn. Và đó chính là bài học giá trị nhất luôn sẵn dành cho bạn.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.