- Lời Giới Thiệu
- Chương Một Vì Sao Phải Quan Tâm Đến Thiền?
- Chương Hai Những Gì Không Phải Là Thiền?
- Chương Ba Thiền Là Gì?
- Chương Bốn Thái Độ
- Chương Năm Sự Thực Tập
- Chương Sáu Phương Cách Điều Thân
- Chương Bảy Phương Pháp Điều Tâm
- Chương Tám Ngồi Thiền
- Chương Chín Chuẩn Bị Trước Khi Ngồi Thiền
- Chương Mười Những Khó Khăn Trong Lúc Ngồi Thiền
- Chương Mười Một Đối Trị Với Sự Xao Lãng - Phần I
- Chương Mười Hai Đối Trị Với Sự Xao Lãng - Phần Ii
- Chương Mười Ba Chính Niệm (Sati)
- Chương Mười Bốn Niệm Và Định
- Chương Mười Lăm Thiền Tập Trong Đời Sống Hằng Ngày
- Chương Mười Sáu Được Gì Cho Ta?
- Lời Kết Năng Lực Của Tâm Từ
CHÍNH NIỆM - THỰC TẬP THIỀN QUÁN
Nguyễn Duy Nhiên dịch,
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Nhà xuất bản: Thanh Hóa 2009
Chương
Mười
Những khó khăn trong lúc ngồi thiền
Trong khi ngồi thiền, bạn sẽ gặp một số những khó khăn. Thiền sinh nào cũng
vậy. Những khó khăn sẽ đến dưới mọi hình thức, đủ mọi mức độ. Điều duy nhất bạn
có thể biết chắc là thế nào bạn cũng sẽ gặp một số khó khăn nào đó. Cách khôn
ngoan nhất để đối trị những chướng ngại này là có một thái độ thích đáng. Khó
khăn là một phần không thể tách rời khỏi sự thực tập. Chúng không phải là những
gì ta cần tránh né, mà chính là những điều hữu ích. Những khó khăn ấy có thể
mang lại cho ta những bài học vô giá.
Lý do chúng ta bị sa lầy trong bùn lầy khổ đau của cuộc đời là vì ta không
ngừng chạy trốn những khó khăn, và đeo đuổi theo những ham muốn của mình. Thiền
tập giúp cho ta có cơ hội dừng lại, tạo một môi trường thuận lợi để xét lại căn
bệnh này. Và rồi có thể tìm ra một phương cách để đối trị nó. Những khó khăn và
trở ngại bất ngờ khởi lên trong lúc ngồi thiền đều là những nguyên liệu cần
thiết cho sự thực tập của ta. Chúng là những nguyên liệu mà ta cần phải chế
biến. Không có một sự vui thú nào mà không có một mức độ đau đớn trong đó. Và
cũng không có một đớn đau nào mà không có một chút vui thú. Sự sống là một tập
hợp của hạnh phúc và khổ đau. Chúng nắm tay cùng đi chung với nhau. Trong thiền
tập cũng vậy. Bạn sẽ trải nghiệm qua những lúc thăng trầm, những an vui thâm
sâu và những cơn sợ hãi lấn áp.
Vì vậy, bạn cũng đừng ngạc nhiên khi thỉnh thoảng mình có những kinh nghiệm
giống như va vào một bức tường đá kiên cố. Đừng cho rằng vì mình đặc biệt hơn
mọi kẻ khác. Tất cả những thiền sinh lâu năm đều đã gặp những bức tường riêng
của họ. Chúng thỉnh thoảng lại xuất hiện. Hãy chuẩn bị và sẵn sàng đối phó. Và khả
năng đối phó ấy nằm ngay thái độ của mình. Nếu bạn xem những trở ngại ấy như là
những cơ hội giúp ta tiến triển trên con đường tu tập, bạn sẽ tiến bộ. Khả năng
đối trị với những khó khăn trong lúc ngồi thiền, sẽ ảnh hưởng đến đời sống hằng
ngày của ta, nó giúp ta đối phó với những vấn đề khác được dễ dàng hơn. Còn nếu
bạn cứ tránh né những xấu xa khởi lên trong giờ ngồi thiền, bạn chỉ vô tình
củng cố thêm cái thói quen trốn tránh đã gây nhiều khổ đau cho đời mình.
Chúng ta cần phải học biết cách đối mặt với những khía cạnh không mấy dễ chịu
của cuộc sống. Là một thiền sinh, ta phải biết kiên nhẫn với chính mình, nhìn
lại mình một cách không thành kiến, không thiên vị, ôm trọn hết những buồn
phiền cũng như những thiếu sót của chính mình. Ta phải biết đối xử tốt với
chính mình. Kéo dài mãi sự trốn tránh những khó chịu là một hành động rất không
tốt với chính mình. Nếu biết thương mình, ta phải học cách đối diện với những
khó khăn khi chúng khởi lên.
Thông thường, khi có những vấn đề khó khăn khởi lên, người ta tìm cách tự dối
mình rằng đó là điều dễ chịu thay vì là khó chịu. Nhưng phương pháp của đức
Phật thì khác, hoàn toàn ngược lại. Thay vì che giấu hoặc cải trang vấn đề, đức
Phật bắt ta phải xem xét, khảo sát nó cho tận gốc rễ.
Đạo Phật khuyên ta đừng bao giờ nên nhồi vào những tình cảm nào mà mình thật sự
không có, hoặc tránh những tình cảm nào mà mình thật có. Nếu bạn khổ cực thì
bạn khổ cực, sự thật là vậy, đó là những gì đang xảy ra, hãy đối diện với nó.
Nhìn ngay vào mặt nó mà không hề nao núng. Khi bạn gặp một khó khăn, hãy xem
xét kinh nghiệm ấy, quán sát nó trong chính niệm, nghiên cứu cho kỹ, và học
biết cơ chế hoạt động của nó. Phương cách để thoát ra khỏi một cái bẫy là
nghiên cứu nó, học biết cách cấu tạo của nó. Ta làm được việc ấy bằng cách tháo
gỡ nó ra từng mảnh nhỏ. Chiếc bẫy sẽ không thể nào giam giữ được bạn nếu nó bị
tháo ra từng mảnh. Kết quả là một sự tự do.
Đây là một điểm rất chủ yếu, nhưng nó lại là điểm bị hiểu lầm nhiều nhất trong
đạo Phật. Những ai học Phật một cách nông cạn, hời hợt sẽ vội vàng kết luận đạo
Phật là một đạo yếm thế, lúc nào cũng nhắc đi, nhắc lại những chuyện khổ đau,
cứ bắt ta phải đối diện với những sự thật về đau đớn, già, bệnh và chết. Nhưng
thật ra, những nhà học Phật không bao giờ tự cho mình là kẻ yếm thế, chán đời -
mà ngược lại. Khổ đau bao giờ cũng hiện hữu trên cuộc đời, và có những khổ đau
ta không thể nào tránh được. Học cách để đối phó với nó không phải là yếm thế,
nhưng ngược lại, đó là một hình thức lạc quan rất thiết thực.
Ta sẽ đối phó với cái chết của vợ hay chồng của mình ra sao? Nếu ngày mai đây
mẹ của bạn qua đời, bạn sẽ cảm thấy thế nào? Hay là anh, chị, em hoặc một người
bạn thân nhất của mình? Giả sử, bạn bị mất việc, mất hết tiền của, và không còn
sử dụng đôi chân mình được nữa, tất cả xảy ra trong cùng một ngày, bạn có thể
đối diện được với viễn tượng là mình sẽ sống cả đời còn lại trên một chiếc xe
lăn không? Làm sao bạn có thể đương đầu với cơn đau của bệnh ung thư, và bạn sẽ
đối phó với cái chết gần kề của mình như thế nào? Bạn có thể tránh được đa số
những bất hạnh ấy, nhưng bạn không thể nào thoát khỏi tất cả! Phần lớn chúng
ta, ai cũng đã từng mất đi những người thân, những người bạn, trong cuộc đời.
Chúng ta ai cũng thỉnh thoảng ngã bệnh, và tất cả chúng ta một ngày nào đó rồi sẽ
chết. Bạn có thể chọn cách che giấu nó và khổ đau chịu đựng khi nó xảy ra, hoặc
bạn có thể cởi mở và đối diện trực tiếp với nó. Sự lựa chọn là của bạn.
Ta không thể nào tránh được cái đau, nhưng cái khổ thì tránh được. Đau và khổ
là hai việc khác nhau. Nếu có một thảm kịch nào xảy ra trong giờ phút này, chắc
chắn bạn sẽ khổ. Vì thói quen phản ứng của tâm bạn trong giờ phút này, sẽ nhốt
chặt bạn vào trong cái khổ ấy, không một lối thoát. Và bạn cần tìm một phương
cách khác hơn là những phản ứng có điều kiện ấy. Đa số chúng ta bỏ hết thì giờ
và năng lượng của mình ra để tìm cách làm gia tăng những thú vui và giảm bớt
những đau đớn. Đạo Phật không bao giờ khuyên bạn nên chấm dứt và đừng làm những
việc ấy. Tiền bạc và sự an ổn cũng tốt. Tránh được đau đớn chừng nào tốt chừng
ấy. Không ai khuyên bạn nên cho hết tài sản của mình, hoặc đi tìm những sự đau
đớn không cần thiết. Nhưng đạo Phật khuyên bạn nên bỏ thì giờ và năng lượng vào
việc học cách đối phó với những sự khó chịu, vì có những cái đau ta sẽ không
thể nào tránh được. Khi bạn nhìn thấy một chiếc xe tải lao về hướng mình, bằng
mọi cách hãy tránh qua một bên. Nhưng bạn cũng nên bỏ chút thời giờ vào việc
ngồi thiền. Học cách đối phó với những bất an là phương pháp duy nhất để bạn có
thể sẵn sàng đối diện với những chiếc xe tải mà bạn không hề thấy trước!
Những vấn đề khó khăn sẽ khởi lên trong lúc ta thực tập. Có những khó khăn về
thể xác, có những khó khăn về tình cảm, và cũng có những khó khăn thuộc về thái
độ. Nhưng tất cả đều có thể đối trị được và mỗi cái đều có một phương cách đáp
ứng riêng. Tất cả đều là những cơ hội để giúp ta giải thoát.
1. Đau
Không ai thích bị đau hết, nhưng bất cứ ai cũng phải trải qua. Đau là một trong
những kinh nghiệm phổ biến nhất trong cuộc sống, và trong thiền tập nó sẽ khởi
lên qua một hình thức này hoặc hình thức khác.
Điều trị cái đau là một phương pháp gồm hai giai đoạn. Trước hết, ta phải làm
cho mình hết đau, nếu có thể, bằng không thì phải làm giảm được càng nhiều càng
tốt. Rồi từ đó, nếu cơn đau vẫn còn có mặt, biến nó thành một đối tượng của
thiền quán. Bước đầu tiên là giải quyết về mặt thể chất. Cái đau có thể do một
cơn bệnh nào đó, nhức đầu, lên cơn sốt, vết bầm, hoặc một nguyên nhân nào
khác... Trong trường hợp này, ta cần phải áp dụng những phương cách điều trị
thông thường của y khoa trước khi ngồi thiền: uống thuốc, xoa bóp dầu, áp dụng
những phương thức trị liệu thông thường.
Và có những cái đau đặc biệt là do tư thế ngồi. Nếu bạn chưa quen ngồi xếp bằng
trên sàn nhà, bạn cần có một thời gian để điều chỉnh. Có những sự khó chịu gần
như là không ai tránh được. Nhưng tùy theo cái đau ở nơi nào mà ta có phương
thuốc riêng cho nó. Nếu đau ở chân hay đầu gối, xem lại quần của bạn đang mặc.
Nếu chật quá hoặc làm bằng một thứ vải dày, đó có thể là nguyên nhân. Thay một
cái khác rộng hơn. Xem lại độ dày của gối ngồi, phải còn khoảng ba phân sau khi
đã ngồi lên. Nếu thấy đau quanh bụng, bạn nên nới lỏng dây nịt ra. Nếu cần thì
mở cả dây thắt lưng ra. Nếu bạn cảm thấy đau ở phần dưới lưng, đó có thể là do
tư thế ngồi không ngay ngắn. Xét lại xem lưng bạn có bị cong về phía trước
không, hãy điều chỉnh cho nó thẳng lên. Không gồng hoặc cứng ngắt quá, nhưng
phải giữ cho cột xương sống thật thẳng. Còn đau nơi cổ hoặc phần lưng phía trên
có thể do nhiều nguyên nhân. Một nguyên nhân là do vị trí không đúng của hai
bàn tay. Hai bàn tay của bạn phải được đặt yên, nghỉ ngơi trên lòng chân. Đừng
kéo nó lên cao ngang bụng. Buông thư hai cánh tay và những bắp thịt ở cổ. Đừng
để đầu gục về phía trước, phải giữ cho thẳng và ngay hàng với cột sống.
Sau khi bạn đã điều chỉnh lại y phục và tư thế rồi, có thể vẫn còn đau. Nếu
vậy, bạn nên tiến sang bước thứ hai: Biến cái đau ấy trở thành đề mục thiền
quán của mình. Đừng nhảy dựng lên và cũng đừng mất bình tĩnh. Hãy quán sát cái
đau trong chính niệm. Khi cái đau tăng cường độ lên, bạn sẽ thấy nó kéo hết sự
chú ý của mình ra khỏi hơi thở. Đừng chống lại. Hãy để cho sự chú ý của mình
nhẹ nhàng lướt sang và trụ vào đối tượng cảm thụ mới này. Thật sự tiếp xúc với
cái đau ấy. Đừng ngăn chặn trạng thái đó. Khảo sát tỉ mỉ cảm xúc ấy. Hãy vượt
qua phản ứng muốn tránh né của ta, và đi thẳng vào cái cảm giác thuần túy nằm
ngay ở phía dưới cái đau.
Bạn sẽ khám phá rằng thật ra là có hai sự kiện xảy ra. Sự kiện thứ nhất là một
cảm xúc đơn giản - cái đau. Sự kiện thứ hai là sự chống cự với cảm xúc ấy. Phản
ứng chống cự này có một phần là tâm lý và một phần là vật lý. Phần vật lý gồm
có những bắp thịt căng thẳng, gồng lại ngay bên trong và chung quanh chỗ bị
đau. Hãy buông thư những bắp thịt ấy. Tiếp xúc với chúng từng cái một, và buông
thư mỗi cái cho thật hoàn toàn. Chỉ trong mỗi một bước này thôi, bạn cũng đã có
thể làm giảm cơn đau của mình rất nhiều. Sau đó, bạn tiếp tục sang phần tâm lý
của sự chống cự. Cũng giống như những bắp thịt vật lý, bạn cũng đang gồng cứng trong
tâm mình. Tâm bạn đóng chặt lại chung quanh cảm giác của cái đau, cố gắng loại
trừ, vất bỏ nó ra khỏi nhận thức của mình. Sự phản ứng không lời ấy có nghĩa là
“Tôi không ưa cảm giác này” hoặc là “hãy cút đi”... Nó rất là vi tế. Nhưng nó
thật sự có mặt ở nơi ấy, và bạn sẽ thấy ngay nếu bạn chịu khó tìm. Hãy xác định
vị trí của nó, và buông thư nó luôn.
Phần thứ hai về tâm lý, hơi khó hiểu hơn một chút. Vì nó tinh tế hơn. Thật ra,
ta khó mà có thể dùng ngôn từ để giải thích cho dễ dàng được. Cách hay nhất là
ta so sánh những điểm tương tự của nó. Hãy quán sát cách ta làm thư giãn các
bắp thịt căng thẳng ở thân, và chuyển những hành động ấy sang thế giới tâm lý.
Ta thư giãn tâm cũng cùng một cách giống như ta thư giãn thân. Đạo Phật ghi
nhận có một sự liên hệ rất mật thiết giữa thân và tâm. Sự thật, có một số người
không nghĩ rằng đây là một phương pháp có hai giai đoạn. Đối với họ, thư giãn
thân cũng là thư giãn tâm, và ngược lại. Họ kinh nghiệm sự buông thư, tâm lý và
vật lý, như là cùng một tiến trình duy nhất. Nhưng dù sao đi nữa, bạn hãy thư
giãn hết tất cả, hoàn toàn, cho đến khi nào ý thức của mình chậm lại, vượt qua
được bức tường đề kháng ấy, và hoà nhập vào một cảm giác đơn thuần nằm bên dưới
cái đau. Bức tường chống cự ấy, thật ra là do chính mình dựng lên. Nó là một
khoảng hở, một cảm giác cách biệt giữa ta và người khác. Nó là một đường ranh
giới giữa “tôi” và “cái đau”. Phá hủy được bức tường ấy rồi, mọi sự cách biệt
sẽ tự nhiên biến mất. Bạn chậm lại, đi vào trong biển cảm xúc, và hòa nhập với
cái đau. Bạn trở thành cái đau. Bạn nhìn thấy những sự thăng trầm, lên xuống
của nó, rồi đột nhiên có một sự kiện rất lạ xảy ra. Nó không còn đau đớn nữa.
Cái khổ biến mất. Chỉ có cái đau có mặt, một kinh nghiệm thôi, và không gì khác
hơn thế. Cái “tôi” khổ đau bây giờ đã biến mất. Kết quả là ta được tự tại,
không còn đau đớn nữa!
Đây là một quá trình tăng trưởng dần dần. Lúc đầu, bạn có thể thành công đối
với những cái đau nhỏ và thất bại trước những cái đau lớn. Cũng giống như mọi
khả năng khác, nó sẽ tăng trưởng theo sự thực tập của mình. Càng thực tập, bạn
càng có khả năng đối phó với những cái đau lớn hơn. Nhưng tôi xin bạn nhớ một
điều quan trọng này: chúng ta không bao giờ tán thành hoặc chủ trương việc tìm
thú vui trong những cơn đau. Vấn đề không phải là để tự hành xác. Đây là một sự
thực tập chính niệm, chứ không phải để hành hạ mình. Nếu bị cơn đau đớn dày
xéo, không còn chịu nổi, bạn hãy cứ việc cử động, nhưng nhớ làm chậm chạp và
trong chính niệm. Theo dõi những cử động của mình. Quán sát những cảm giác
trong mỗi cử động. Xem nó có ảnh hưởng gì đối với cái đau. Quán sát cái đau từ
từ giảm bớt đi. Nhưng nhớ đừng di động nhiều quá. Di động ít chừng nào, ta càng
dễ duy trì được chính niệm nhiều chừng ấy. Những thiền sinh mới thường nói rằng
họ cảm thấy khó giữ được chính niệm khi có một cơn đau. Vấn đề ấy bắt nguồn từ
một sự hiểu lầm. Những thiền sinh đó nghĩ rằng, chính niệm là một cái gì hoàn
toàn riêng biệt với cái đau. Không phải vậy. Chính niệm không thể nào tự nó có
mặt. Chính niệm cần phải có một đối tượng nào đó, và bất cứ đối tượng nào cũng
đều tốt như nhau. Cái đau là một trạng thái của tâm. Bạn có thể có chính niệm
về cái đau giống hệt như là bạn có chính niệm về hơi thở vậy.
Những phương cách đã trình bày trong chương 4 có thể được áp dụng với cái đau,
cũng như đối với bất cứ một trạng thái tâm thức nào khác. Nhưng bạn nên nhớ cẩn
thận đừng đi xa hơn những cảm xúc, và cũng đừng để thiếu hụt. Đừng cộng thêm
một cái gì dư thừa vào đó, và cũng đừng bỏ sót một cái gì. Đừng làm mờ đục đi
cái kinh nghiệm thuần túy của mình bằng hình ảnh, ý niệm hoặc những ý nghĩ lan
man. Giữ chính niệm ngay trong giờ phút hiện tại, ngay cả với cái đau, để ta
thấy được trọn vẹn từ đầu đến cuối. Khi cái đau không được nhìn dưới ánh sáng
chính niệm sẽ làm khởi lên những phản ứng như là sợ hãi, bất an hoặc là giận
dữ. Nếu chúng ta biết quán chiếu cho đúng, ta sẽ không có những phản ứng ấy. Nó
sẽ chỉ là một cảm giác, một năng lượng mà thôi. Và khi bạn học được phương pháp
này rồi, bạn có thể đem áp dụng vào mọi khía cạnh khác của đời sống. Bạn có thể
áp dụng nó vào bất cứ một cảm giác khó chịu nào. Nó có hiệu quả đối với cái
đau, và cũng sẽ có hiệu quả đối với những bất an và luôn cả chứng bệnh trầm cảm
nữa. Phương pháp này là một trong những kỹ thuật có lợi ích và dễ ứng dụng
nhất. Nó là sự kiên trì.
2. Tê chân
Một vấn đề rất phổ thông cho những thiền sinh mới là chân họ bị tê trong khi
ngồi thiền. Họ chưa quen với cách ngồi tréo chân trên sàn nhà. Có nhiều người
rất lo lắng về việc này. Họ cảm thấy mình cần phải đứng dậy và đi vòng vòng một
chút cho đỡ. Một số lại tin rằng họ sẽ bị hư chân vì máu không lưu thông đến
được. Thật ra, vấn đề tê chân không có gì phải lo sợ hết. Nó gây ra bởi dây
thần kinh bị đè ấn, chứ không phải vì thiếu sự lưu thông của máu. Ta không thể
nào làm hư hại các mô tế bào ở chân chỉ bằng cách ngồi. Đừng lo! Khi chân bạn
bị tê trong lúc ngồi thiền, hãy quán sát nó trong chính niệm. Khảo sát xem cảm
giác đó là như thế nào. Có thể đó là cảm giác hơi khó chịu, nhưng không đau,
chỉ trừ khi nào bạn gồng lên. Hãy cứ bình tĩnh và quán sát. Nếu chân bạn bị tê
trong suốt thời gian ngồi thiền, việc ấy cũng không sao hết. Sau một thời gian
thực tập, cái tê đó sẽ dần dần biến mất. Cơ thể bạn sẽ được điều chỉnh và bắt
đầu quen với sự thực tập hằng ngày. Lúc đó, bạn sẽ có thể ngồi rất lâu mà không
hề cảm thấy tê hoặc đau chân.
3. Những cảm giác lạ
Người ta kinh nghiệm đủ mọi hiện tượng khác nhau trong khi ngồi thiền. Có người
bị ngứa. Có người cảm thấy như có kiến bò, hoặc cảm thấy được thư giãn rất sâu,
hoặc cảm thấy nhẹ nhàng như muốn bay bổng. Bạn cũng có thể cảm thấy mình bị nhỏ
lại hoặc lớn ra, hoặc bay bổng lên khỏi mặt đất. Những thiền sinh mới thường
rất hồi hộp trước những cảm giác này. Đừng lo, bạn chưa thể bay lên được đâu!
Khi ta hoàn toàn thư giãn, hệ thống thần kinh của ta sẽ có khả năng tiếp nhận
những tín hiệu của giác quan hữu hiệu hơn. Một số lớn những dữ kiện trước kia
bị ngăn chặn giờ đây có thể chảy tuôn vào, làm khởi lên đủ hết những cảm xúc
đặc biệt. Nhưng chúng không hề biểu trưng cho một điều gì đặc biệt hết. Chúng
chỉ là những cảm giác mà thôi. Vì vậy bạn cứ áp dụng những phương cách đã học.
Quán sát chúng khởi lên, rồi diệt đi, và đừng để bị lôi cuốn vào!
4. Buồn ngủ
Cảm giác buồn ngủ hay hôn trầm trong lúc ngồi thiền là một chuyện rất thường
gặp. Khi ngồi thiền, bạn trở nên tĩnh lặng và thư giãn. Điều đó là hoàn toàn
đúng theo tiến trình thực tập. Điều không may là ta thường có những cảm giác dễ
chịu này khi muốn đi ngủ mà thôi, và vì thế ta liên kết hai việc ấy lại với
nhau. Và do đó mà khi ta có cảm giác dễ chịu này, ta tự nhiên thấy buồn ngủ.
Khi việc này xảy ra, bạn nên áp dụng chính niệm vào trạng thái buồn ngủ ấy.
Buồn ngủ có một số đặc tính rất cá biệt. Nó gây ảnh hưởng nhất định đối với sự
suy nghĩ của ta. Hãy tìm xem những ảnh hưởng đó là gì. Nó cũng kèm theo những
cảm thụ nhất định của thân. Hãy nhận diện chúng.
Ý thức tìm kiếm này là một trạng thái hoàn toàn nghịch lại với sự buồn ngủ, và sẽ hóa giải nó. Nếu hóa giải không được, thì sự buồn ngủ có thể là do một nguyên nhân vật lý nào đó. Hãy tìm và điều trị nó. Nếu bạn vừa mới ăn no, đó có thể là nguyên nhân. Cách tốt nhất là ta không nên ăn nhiều trước giờ ngồi thiền. Hoặc là nghỉ ít nhất một giờ sau bữa ăn no. Và cũng đừng quên những lý do rõ ràng trước mắt. Nếu bạn cả ngày khuân vác nặng nhọc, tự nhiên bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Cũng thế, nếu cả đêm qua bạn chỉ được ngủ có vài tiếng đồng hồ. Hãy chăm sóc cho cơ thể bạn trước. Rồi ngồi thiền. Đừng để cho sự buồn ngủ khuất phục mình. Tỉnh thức và giữ chính niệm. Ngủ và thiền định là hai trạng thái hoàn toàn đối chọi nhau. Bạn sẽ không bao giờ có được tuệ giác bằng giấc ngủ, chỉ có qua thiền tập. Nếu bạn cảm thấy buồn ngủ quá, hãy thở vào một hơi thật sâu, và nín hơi lại, càng lâu càng tốt. Xong rồi thở ra thật chậm. Thở vào một hơi sâu nữa, rồi giữ lại đến khi nào không còn giữ được nữa, và từ từ thở ra chậm rãi. Lặp lại bài tập này cho đến khi nào cơ thể bạn nóng lên và cơn buồn ngủ tan biến mất. Và rồi trở về với hơi thở của mình.
5. Không tập trung được
Chúng ta ai cũng đã từng kinh nghiệm một trạng thái lăng xăng, khi sự chú ý của
mình không đứng yên được, cứ phóng nhảy khắp nơi. Vấn đề này có thể được đối
trị bằng những phương pháp sẽ trình bày trong chương kế tiếp, bàn về sự xao
lãng. Nhưng bạn cũng nên biết rằng, có những nguyên nhân bên ngoài góp phần tạo
ra hiện tượng này. Và cách hay nhất là chỉ đơn giản điều chỉnh lại chương trình
của mình.
Hình ảnh là một thực thể có rất nhiều quyền lực. Chúng có thể có mặt và sống
trong tâm thức ta trong một thời gian rất lâu. Tất cả những nghệ thuật kể
truyện đều trực tiếp sử dụng khéo léo các hình ảnh. Và nếu người kể có tài, họ
có thể để cho những hình ảnh và các nhân vật có một ảnh hưởng rất lâu dài và
sâu sắc trong tâm thức người nghe. Sau khi bạn đi xem một cuốn phim hay, giờ
ngồi thiền của bạn tiếp theo sẽ toàn là những hình ảnh trong cuốn phim ấy. Nếu
bạn đang đọc dở dang một cuốn truyện kinh dị, giờ ngồi thiền của bạn sẽ đầy
những con quái thú! Vì vậy, bạn nên khéo léo đổi ngược lại thứ tự của những
việc ấy. Ngồi thiền trước. Rồi sau đó mới đọc truyện hoặc đi xem hát.
Một yếu tố có ảnh hưởng quan trọng khác nữa là tâm trạng. Nếu đời sống bạn đang
gặp mâu thuẫn, những khó khăn ấy sẽ được mang vào trong giờ ngồi thiền. Nếu
được, bạn hãy cố gắng giải quyết hết những khó khăn hằng ngày trước khi ngồi
thiền. Cuộc đời bạn sẽ trôi chảy suôn sẻ hơn, và bạn không phải suy nghĩ vô ích
trong giờ thiền tập. Nhưng đừng lợi dụng lời khuyên này như một cái cớ để trốn
ngồi thiền. Nhiều khi ta không thể giải quyết được hết mọi vấn đề trước giờ
ngồi thiền. Cứ ngồi. Hãy dùng thiền tập để buông bỏ hết mọi thái độ chấp ngã
hằng giam giữ ta trong những quan niệm nhỏ nhoi, cố chấp. Nhờ đó mà những vấn
đề của ta sẽ được giải quyết dễ dàng hơn. Và cũng có những ngày mà dường như
tâm ta không thể nào đứng yên, và ta cũng không xác định được nguyên nhân của
nó. Bạn còn nhớ tôi có trình bày về một vòng quay thay đổi trước đây không?
Thiền tập cũng đi theo những vòng xoay tròn. Ta có những ngày tốt, và ta cũng
có những ngày xấu!
Thiền quán vipassana chủ yếu là sự luyện tập chính niệm. Làm cho tâm ta được
trống rỗng không quan trọng bằng có chính niệm về những gì đang xảy ra trong
tâm ta. Nếu trong lòng bạn đang rối bời và không thể làm gì để yên xuống được,
hãy cứ quán sát nó. Tất cả đều nằm trong ta! Kết quả là bạn sẽ tiến thêm được
một bước nữa trên hành trình tự khám phá chính mình. Điều quan trọng là đừng
bao giờ bực dọc về sự lăng xăng của tâm ý. Chúng cũng chỉ là thêm một đối tượng
chính niệm cho ta mà thôi.
6. Nhàm chán
Thật khó tưởng tượng được còn có gì nhàm chán hơn là ngồi yên trong vòng một
tiếng đồng hồ và không làm gì hết, chỉ theo dõi hơi thở ra vào nơi đầu lỗ mũi!
Trong những giờ ngồi thiền bạn sẽ rất thường xuyên rơi vào tâm trạng nhàm chán.
Ai cũng vậy. Nhàm chán là một trạng thái tâm lý, và cần phải được đối xử như
vậy. Dưới đây là một vài phương cách giúp bạn đối trị:
a. Thiết lập lại chính niệm thật sự
Nếu bạn cảm thấy hơi thở dường như rất là vô vị và buồn tẻ, không có gì lạ để
theo dõi, bạn nên tin chắc một điều này: Bạn đã không còn theo dõi hơi thở với
một năng lượng chính niệm đúng đắn nữa. Dưới ánh sáng của chính niệm, không có
một cái gì là nhàm chán cả. Hãy nhìn lại đi. Đừng tự cho rằng mình đã biết hơi
thở là gì rồi. Đừng chấp nhận một cách dễ dãi rằng mình đã thấy và đã biết hết
tất cả mọi việc. Vì làm như thế là bạn đã đóng khung lại nhận thức của mình.
Bạn không còn quán sát thực tại linh động của nó nữa. Khi bạn có chính niệm rõ
ràng về hơi thở hay bất cứ một đối tượng nào, điều đó không thể nhàm chán.
Chính niệm nhìn mọi vật bằng ánh mắt của một trẻ thơ, thấy điều gì cũng kỳ
diệu. Chính niệm nhìn mỗi giây phút như là một giây phút đầu tiên và là duy
nhất trong vũ trụ này. Vì vậy, bạn hãy nhìn lại một lần nữa đi!
b. Quán sát tâm trạng
Hãy nhìn lại trạng thái nhàm chán của mình trong chính niệm. Nhàm chán là gì?
Nhàm chán nằm ở đâu? Nó có cảm giác như thế nào? Nó có những đặc tính gì? Nó có
một cảm thụ vật lý nào không? Nó ảnh hưởng đến tư tưởng ta ra sao? Hãy xét lại
sự nhàm chán đó với một cái nhìn mới, như là ta chưa từng biết nó là gì.
7. Sợ hãi
Đôi khi, trong lúc ngồi thiền sẽ có những cảm giác sợ hãi khởi lên mà không có
một lý do nào rõ rệt. Đó là một hiện tượng rất thông thường, và có thể do nhiều
nguyên nhân khác nhau. Có thể bạn đang trải qua phản ứng của một vấn đề gì bị
đè nén từ lâu. Nên nhớ, tư tưởng phát khởi trước hết từ trong tiềm thức của ta.
Phần tình cảm của một tư tưởng thường được hiển lộ trên tâm thức ta rất lâu
trước khi tư tưởng ấy xuất hiện. Nếu bạn ngồi yên với nỗi sợ ấy, những ký ức về
nó cuối cùng sẽ hiển lộ, giúp cho ta có thể chịu đựng được.
Nguyên do thứ hai là có thể bạn đang trực tiếp đối diện với một nỗi sợ chung
của tất cả chúng ta: “sợ cái mình không biết”. Có một lúc trên con đường tu
tập, bạn sẽ đột nhiên ý thức được tính chất nghiêm trọng của chuyện mình đang
làm. Bạn đang phá đổ bức tường ảo tưởng đã từng bảo vệ bạn khỏi ngọn lửa đỏ của
thực tại, và đã được bạn dùng để giải thích ý nghĩa của cuộc đời. Bạn sắp sửa
được nhìn tận mặt sự thật. Điều ấy rất đáng sợ. Nhưng cuối cùng thế nào rồi bạn
cũng phải đối diện với nó. Đừng ngại, cứ việc lao thẳng vào đi.
Và nguyên nhân thứ ba là: nỗi sợ ấy có thể do chính mình tạo nên. Nó có thể
phát sinh do một sự tập trung thiếu khôn khéo của ta. Có thể bạn đã có sẵn một
chương trình trong tiềm thức của mình để “khảo sát bất cứ một điều gì khởi
lên”. Và khi có một hình ảnh tưởng tượng sợ hãi nào khởi lên, bạn tập trung vào
nó, và nỗi sợ hãi ấy lại lấy nhiên liệu từ năng lượng của sự tập trung, và tăng
trưởng lên. Vấn đề chính ở đây là vì chính niệm của ta yếu đuối. Nếu như chính
niệm của bạn vững mạnh, nó sẽ ghi nhận được ngay sự chú tâm thiếu khôn khéo ấy,
và đối phó với tình trạng này như mọi thứ khác.
Không cần biết nỗi sợ của bạn là do nguyên cớ gì, chính niệm bao giờ cũng là
phương thuốc. Hãy quán sát nỗi sợ như nó thật sự đang hiện hữu. Đừng bám víu
vào nó, chỉ theo dõi một cách khách quan sự sinh khởi và tăng trưởng của nó.
Đối xử với tất cả như một người ngoài cuộc quan tâm đến vấn đề. Điều quan trọng
nhất là đừng cố chống lại tình trạng ấy. Đừng cố gắng trấn áp những ký ức,
những cảm thụ hoặc những tưởng tượng khởi lên. Chỉ việc đứng qua một bên, để
cho nó sôi sục lên và rồi sẽ tan biến mất. Nó không thể làm hại gì được ta. Nó
chỉ là ký ức. Nó chỉ là một sự tưởng tượng. Không có gì hơn mà chỉ là một nỗi
sợ!
Một khi ta để cho nỗi sợ diễn ra theo tiến trình tự nhiên trên bình diện ý
thức, nó sẽ không còn rơi vào trong tiềm thức. Nó sẽ không còn trở lại và đe
dọa ta nữa. Nỗi sợ ấy sẽ biến mất mãi mãi!
8. Kích động bất an
Những bất an thường là sự che đậy cho những vấn đề đang còn nằm sâu kín trong
tiềm thức. Con người chúng ta rất giỏi đè nén mọi việc! Thay vì đối diện với
những tư tưởng hoặc kinh nghiệm khó chịu, chúng ta thường chôn giấu chúng đi để
khỏi phải nhìn thấy. Không may là việc làm ấy không bao giờ thành công! Chúng
ta cố gắng chôn giấu những tư tưởng của mình, nhưng những năng lượng của chúng
vẫn còn có mặt đó, và cứ sôi sùng sục. Và kết quả là ta cảm thấy có một cảm
giác kích động và bất an. Ta không thể xác định được vấn đề nằm ở chỗ nào.
Nhưng ta không cảm thấy an ổn. Ta không thể nghỉ ngơi được!
Trong lúc ngồi thiền, nếu có cảm giác này, bạn hãy cứ quán sát nó. Đừng để cho
nó làm chủ mình. Đừng đứng dậy và bỏ chạy. Cũng đừng chống cự lại hoặc cố gắng
xô đuổi nó đi. Hãy cứ để cho nó có mặt và theo dõi cho thật chặt chẽ. Cuối
cùng, những vấn đề bị chôn sâu sẽ từ từ hiển lộ, và ta thật sự biết được những
gì làm cho mình lo nghĩ.
Những kinh nghiệm khó khăn mà ta muốn tránh né đó, có thể là bất cứ một cái gì:
một mặc cảm tội lỗi, tham lam, hay một khó khăn nào đó. Nó có thể là một cái
đau ngấm ngầm, một chứng bệnh tinh tế, hoặc một cơn bệnh mới bắt đầu. Cho dầu
nó là gì đi nữa, hãy cứ để cho nó hiển lộ lên và quán sát bằng chính niệm. Nếu
bạn ngồi yên và theo dõi những kích động và bất an của mình, chúng sẽ tự động
biến mất. Ngồi yên và đối diện được với những bất an của mình là một bước tiến
lớn trên hành trình tu tập. Ta sẽ học được rất nhiều. Ta sẽ khám phá được rằng
những kích động và bất an ấy thật ra là một trạng thái rất nông cạn. Nó không
lâu dài và rất là phù du. Nó đến rồi đi. Và không có một quyền lực gì đối với
ta cả!
9. Cố gắng quá sức
Những thiền sinh kỳ cựu thường là những người rất vui tính. Họ có một đức tính
rất quý, đó là biết khôi hài. Nhưng đó không phải là một sự đối đáp khôn lanh,
giả tạo của các nhân vật trình diễn trên sân khấu. Đó là tính khôi hài chân
thật. Họ có thể bật cười trước những lỗi lầm của chính họ. Họ cũng có thể mỉm
cười với những tai họa xảy đến. Còn những thiền sinh mới bắt đầu đôi khi thường
nghiêm trang quá mức. Bạn nên học giữ cho mình được thoải mái và thư thả trong
lúc ngồi thiền. Điều ấy rất quan trọng. Bạn cần học nhìn bất cứ điều gì xảy ra
bằng một ánh mắt khách quan. Bạn không thể làm được việc ấy nếu bạn căng thẳng
và cố gắng quá độ. Đừng coi một việc gì là nghiêm trọng quá.
Những thiền sinh mới thường hay quan trọng hóa vấn đề kết quả. Họ có những kỳ
vọng to tát và bị thổi phồng. Họ nhảy vào thực tập, và lập tức muốn có những
kết quả vĩ đại ngay. Họ thúc đẩy. Họ căng thẳng. Họ dụng công toát mồ hôi, rất
quyết liệt và nghiêm khắc. Nhưng đó là một thái độ hoàn toàn đối nghịch lại với
chính niệm. Lẽ dĩ nhiên, họ sẽ không đạt được kết quả tốt! Và rồi họ đổ thừa
cho phương pháp thực tập là không có hiệu quả, không đem lại được những gì họ mong
đợi. Họ coi thường và gác nó sang một bên. Ở đây, tôi muốn nói rõ điều này:
Chúng ta học thiền bằng cách hành thiền. Chúng ta học biết thiền là gì, và nó
sẽ dẫn ta về đâu, bằng một cách duy nhất là trực tiếp trải nghiệm nó. Vì vậy,
các thiền sinh mới không biết mình đang đi về đâu vì họ chưa có nhiều kinh
nghiệm qua sự thực tập của mình.
Lẽ dĩ nhiên, những kỳ vọng của các thiền sinh mới bắt đầu thường không thực tế
vì thiếu hiểu biết. Họ hy vọng những điều không đúng và không mang lại một ích
lợi nào cả. Đôi khi chúng còn trở thành chướng ngại nữa. Cố gắng quá mức sẽ dẫn
đến những sự cứng rắn, khắt khe, buồn bực, và còn mang lại cho ta những mặc cảm
tội lỗi, thua sút. Khi chúng ta dụng công quá độ, sự cố gắng của ta sẽ trở nên
máy móc, và đó không còn là chính niệm! Bạn nên buông bỏ đi. Hãy buông bỏ hết
những kỳ vọng và sự căng thẳng. Công phu bằng một sự cố gắng bền bỉ và quân
bình. Hãy có được hạnh phúc trong lúc thiền tập và đừng tự đè nặng mình bằng
những nỗ lực của mồ hôi và nước mắt. Chỉ cần có chính niệm. Thiền tập tự nó sẽ
chăm sóc cho tương lai của ta.
10. Nản lòng
Kết quả của sự cố gắng quá độ là sự thất vọng. Bạn ở trong một trạng thái căng
thẳng và không tiến đến đâu cả. Và khi thấy mình không tiến bộ như đã hy vọng,
bạn đâm ra nản lòng. Bạn cảm thấy mình là người thất bại. Thật ra, đó là một
hậu quả tự nhiên mà ta hoàn toàn có thể tránh được. Nguyên nhân là vì ta đã đặt
những kỳ vọng không thực tế. Nhưng dù sao, đó cũng là một hiện tượng chung cho
tất cả chúng ta. Dầu đã biết rồi đi chăng nữa, nó vẫn có thể xảy đến cho chính
mình. Có một giải pháp. Nếu bạn cảm thấy chán nản hoặc thối chí, hãy quán sát
tâm trạng ấy cho kỹ. Nhớ đừng cộng thêm vào đó bất cứ một điều gì. Chỉ theo dõi
nó. Cảm giác chán nản ấy cũng chỉ là một phản ứng tạm thời và ngắn ngủi mà
thôi. Nếu bạn vướng mắc vào, nó sẽ dùng chính năng lượng của bạn và trở nên
mạnh mẽ hơn. Nếu bạn chỉ hoàn toàn khách quan theo dõi nó, nó sẽ qua đi.
Nếu bạn cảm thấy chán nản vì nghĩ rằng mình đã thất bại trong việc thiền tập,
việc ấy cũng dễ đối trị. Bạn thất bại là vì đã quên giữ chính niệm. Hãy có
chính niệm về cảm giác thất bại ấy. Chỉ bằng một hành động đó, ta đã thiết lập
lại được chính niệm của mình! Thật ra không bao giờ có chuyện thất bại trong
việc thiền tập. Chỉ có những khó khăn và vấp ngã. Nhưng không bao giờ có vấn đề
thất bại, chỉ trừ khi nào ta hoàn toàn bỏ cuộc mà thôi. Cho dù bạn có bỏ ra hai
mươi năm trời và cảm thấy không đi đến đâu hết, bạn vẫn có thể thiết lập lại
chính niệm trong bất cứ một giây phút nào bạn muốn. Tùy bạn quyết định. Hối hận
chỉ là một trong những việc làm của sự thất niệm. Ngay khi ta ý thức được rằng
mình không có chính niệm, thì chính giây phút ấy là giây phút của chính niệm.
Vì vậy, cứ tiếp tục con đường mình đi. Đừng để bị lạc hướng chỉ vì một phản ứng
của cảm xúc.
11. Không muốn thực tập
Sẽ có những lúc bạn cảm thấy mình không muốn ngồi thiền chút nào. Chỉ cần nghĩ
đến việc ấy thôi cũng đủ làm bạn cảm thấy khó chịu. Thật ra, bỏ lỡ một buổi
ngồi thiền cũng không có gì quan trọng, nhưng chúng dễ trở thành một thói quen.
Vì vậy, chúng ta nên khôn ngoan vượt qua sự “không muốn” đó.
Cứ việc đi ngồi thiền. Quán sát cảm giác “không muốn” ấy trong tâm. Trong hầu
hết trường hợp, đây chỉ là một cảm xúc tạm thời, đến và đi, biến mất ngay trước
mắt ta. Sau khi bạn ngồi xuống, chỉ chừng năm phút là nó đã biến mất. Trong
những trường hợp khác, khi nguyên nhân là tâm trạng không tốt trong ngày hôm
ấy, cảm giác “không muốn” sẽ tồn tại lâu hơn một chút, nhưng chắc chắn rồi cũng
sẽ qua. Dầu sao thì việc ngồi thiền trong hai, ba mươi phút để loại bỏ cảm giác
ấy vẫn tốt hơn là mang theo nó trong lòng và phá hỏng toàn bộ thời gian còn lại
trong ngày.
Trong vài trường hợp, cảm giác không muốn ngồi thiền có thể là do những khó
khăn bạn đang gặp phải trong việc thực tập. Bạn có thể biết hoặc không biết gì
về những khó khăn ấy. Nếu bạn biết được khó khăn đó là gì, hãy sử dụng một
trong những phương cách được trình bày trong sách này để đối trị. Khi bạn hóa
giải được nó rồi thì cảm giác không muốn ngồi thiền cũng sẽ tự nhiên biến mất.
Còn nếu bạn không biết được vấn đề là gì, bạn cần chịu khó đương đầu với nó.
Hãy ngồi thiền với cảm xúc “không muốn” ấy và quán sát nó trong chính niệm. Rồi
nó sẽ trôi qua. Và những nguyên nhân sinh khởi của nó rồi sẽ hiển lộ, và từ đó
bạn sẽ có thể đối trị.
Nếu cảm giác không muốn ngồi thiền xảy ra rất thường xuyên, thì bạn nên xem xét
lại cho kỹ thái độ thực tập của mình. Ngồi thiền không phải là một hình thức lễ
nghi. Nó cũng không phải là một bài thực tập nhiều đau đớn, hoặc một thời gian
dài nhàm chán. Và nó cũng không phải là một bổn phận hoặc trách nhiệm nặng nề.
Thiền tập là chính niệm. Nó là một cách nhìn mới và cũng là một hình thức vui
chơi. Thiền tập là một người bạn. Hãy xem nó đúng như vậy, và mọi cảm giác phản
kháng đối với việc ngồi thiền sẽ tan biến như sương khói dưới ánh nắng mặt trời
trong buổi sớm mai.
Và nếu bạn đã thử qua hết những đề nghị trên rồi nhưng vẫn còn cảm thấy không
muốn ngồi thiền, có thể là bạn đang gặp phải vấn đề. Có thể có một vài trở ngại
liên quan đến vấn đề siêu hình không được đề cập trong phạm vi của sách này.
Thông thường thì rất hiếm khi những thiền sinh mới lại gặp những trở ngại này,
nhưng điều đó vẫn có thể xảy ra. Đừng bỏ cuộc. Hãy tìm người giúp đỡ. Hãy tìm
đến những vị thầy giỏi và có kinh nghiệm về phương pháp thiền quán vipassana,
nhờ họ giúp đỡ bạn vượt qua những trở ngại ấy. Những bậc thầy như thế hiện hữu
trên đời này chính là để giúp đỡ bạn!
12. Trạng thái đờ đẫn hoặc đê mê
Chúng ta có bàn qua về vấn đề buồn ngủ hay hôn trầm. Nhưng có một con đường đặc
biệt dẫn ta đến trạng thái ấy, và bạn cần nên để ý. Trạng thái đờ đẫn hoặc đê
mê này có thể là một hệ quả phụ của định lực khi nó bắt đầu được sâu sắc. Khi
sự thư giản của ta thâm sâu, các bắp thịt trong người sẽ buông thư, và những
tín hiệu truyền trong hệ thống thần kinh của ta cũng bắt đầu thay đổi. Việc này
sẽ tạo nên một cảm giác rất an tĩnh và nhẹ nhàng. Bạn cảm thấy rất yên, và
dường như tách lìa khỏi thân xác mình vậy. Đây là một cảm giác vô cùng dễ chịu.
Vào lúc đầu, sự tập trung của bạn vẫn còn vững mạnh, vẫn còn chú ý vào hơi thở.
Một thời gian sau, khi cảm giác dễ chịu ấy tăng trưởng, chúng sẽ làm xao lãng
sự tập trung vào hơi thở. Bạn bắt đầu cảm thấy thích thú với trạng thái ấy, và
chính niệm sẽ giảm sút rất nhanh. Cuối cùng, định lực của bạn bị tản mác khắp
mọi nơi, trôi dạt trong đám mây mù của một cảm giác lâng lâng. Và kết quả là sự
thất niệm, cũng tương tự với một trạng thái đê mê đờ đẫn. Lẽ dĩ nhiên, phương
thuốc chữa trị bao giờ cũng vẫn là chính niệm. Hãy quán sát những hiện tượng
này trong chính niệm, và nó sẽ tự nhiên tiêu tán mất. Khi có một trạng thái đê
mê phát khởi lên, chấp nhận nó. Ta không cần phải tránh né nó, nhưng cũng đừng
để nó trói buộc. Đây chỉ là một cảm thụ vật lý, và hãy quán sát nó đúng như
vậy. Quán sát cảm thụ như là cảm thụ. Quán sát sự đê mê như là sự đê mê. Nhìn
chúng sinh khởi và nhìn chúng diệt mất đi. Đừng vướng mắc vào!
Bạn sẽ gặp phải những khó khăn trong sự thực tập của mình. Ai cũng vậy. Bạn có
thể xem chúng là những khổ não hay là những thử thách cần phải vượt qua. Nếu
xem chúng như là những gánh nặng, sẽ chỉ làm cho khổ đau của ta tăng trưởng mà
thôi. Và nếu biết xem chúng như là những cơ hội giúp ta học hỏi và trưởng
thành, triển vọng tâm linh của ta sẽ là vô giới hạn!