CHÍNH NIỆM - THỰC TẬP THIỀN QUÁN
Nguyễn Duy Nhiên dịch,
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Nhà xuất bản: Thanh Hóa 2009
Chương
Bảy
Phương pháp điều tâm
Phương pháp thiền tập chúng ta học ở đây là thiền quán. Như tôi đã nói, có rất
nhiều đối tượng thiền tập, và trong hàng ngàn năm qua đã có vô số đối tượng
được các hành giả sử dụng. Ngay cả trong truyền thống thiền quán vipassana cũng
có những khác biệt về đối tượng thiền tập. Có vị thầy dạy học trò mình theo dõi
hơi thở bằng cách quán sát sự phồng xẹp ở bụng. Có vị thầy khuyên học trò chú ý
vào những xúc chạm của thân trên tọa cụ, hoặc bàn tay chạm trên bàn tay, hoặc
cảm giác của hai chân để lên nhau...
Và phương pháp chúng ta trình bày ở đây được xem như là chính thống nhất, có lẽ
chính là phương pháp mà đức Phật Thích-ca đã hướng dẫn cho các đệ tử của ngài.
Kinh Tứ niệm xứ (Bốn lĩnh vực quán niệm - Satipatthana Sutta) là bản kinh cơ
bản trong đó đức Phật thuyết giảng về chính niệm. Kinh này dạy chúng ta trước
hết phải tập trung sự chú ý của mình vào hơi thở, và từ đó ghi nhận tất cả
những hiện tượng vật lý và tâm lý nào sinh khởi.
Chúng ta ngồi, theo dõi hơi thở ra vào nơi mũi. Mới nhìn qua có vẻ như đây là
một công việc rất kỳ cục và vô ích. Nhưng trước khi đi vào chi tiết, chúng ta
hãy tìm hiểu lý do nằm phía sau việc ấy. Câu hỏi đầu tiên ta có thể đặt ra là
tại sao phải tập trung tâm ý để làm gì? Sự thực tập của chúng ta là để phát
triển chính niệm mà! Tại sao ta không chỉ ngồi xuống và tập có ý thức về bất cứ
điều gì đang có mặt trong tâm mình? Thật ra thì cũng có những phương pháp thiền
giống như vậy, đôi khi được gọi là phương pháp thiền quán không đề mục. Nhưng
sự thực tập như vậy rất khó. Tâm ta nó tinh ranh lắm. Tư tưởng là một tiến
trình vô cùng phức tạp. Có nghĩa là lúc nào ta cũng bị mắc kẹt, dính mắc và lôi
cuốn vào sự suy nghĩ của mình. Một tư tưởng sẽ kéo theo một tư tưởng, lại kéo
theo một tư tưởng khác, lại thêm một cái nữa, và một cái nữa, rồi cứ tiếp tục
mãi... Mười lăm phút sau, ta giật mình thức dậy và thấy rằng từ nãy giờ mình
chỉ ngồi đó mơ mộng viển vông, và lo lắng về tiền nhà, tiền chợ, đủ mọi chuyện
trên đời...
Khi ta ý thức về một tư tưởng, điều đó khác với khi ta suy nghĩ một tư tưởng.
Sự khác biệt này rất vi tế. Trước hết, đó là vấn đề cảm xúc hay kết cấu. Một tư
tưởng được nhận diện đơn thuần tạo cảm giác kết cấu rất nhẹ nhàng, có thể cảm
nhận được như là có một khoảng cách giữa tư tưởng ấy và sự tỉnh thức nhận biết
nó. Nó khởi lên nhẹ nhàng như một bong bóng nước, và rồi diệt đi mà không nhất
thiết phải làm sinh khởi một tư tưởng nào kế tiếp. Còn tư tưởng trong cách suy
nghĩ thông thường có một kết cấu nặng nề hơn. Nó chậm chạp, độc tài và ép buộc.
Nó lôi cuốn ta vào và bắt buộc ta phải tuân phục. Tự tính của nó rất là độc
đoán, nó dẫn ta hết tư tưởng này lập tức sang ngay tư tưởng khác, không để một
khoảng trống nào ở giữa.
Sự suy nghĩ tạo nên những căng thẳng tương ứng trong thân, như là sự co rút của
các bắp thịt, hoặc là nhịp đập nhanh của tim. Nhưng thường thì ta không cảm nhận
được những đổi thay đó, cho đến khi nào chúng trở thành một cơn đau thật sự. Vì
sự suy nghĩ lúc nào cũng rất tham lam. Nó nắm bắt tất cả mọi sự chú ý của ta,
không còn lại gì để chú ý đến hậu quả của nó. Sự khác biệt giữa việc ý thức một
tư tưởng và suy nghĩ một tư tưởng là rất thực. Nhưng nó rất tinh tế và khó nhận
biết. Và định lực là một trong những phương tiện cần thiết giúp ta thấy được sự
khác biệt ấy.
Định lực thâm sâu có công năng làm chậm lại tiến trình của tư tưởng, và gia
tăng sự quán sát của hành giả. Kết quả là ta có thể theo dõi quá trình của tư
tưởng dễ dàng hơn. Định lực là một chiếc kính hiển vi giúp ta nhìn thấy được
những trạng thái vi tế trong tâm thức. Chúng ta tập trung sự chú ý để tâm mình
đạt đến trạng thái nhất tâm cùng với một sự tỉnh thức và tĩnh lặng. Nếu không
có được sự nhất tâm như một chiếc neo để nương tựa, chúng ta sẽ bị trôi dạt
khắp nơi bởi những làn sóng xô đẩy nhau bất tận trong tâm thức.
Chúng ta dùng hơi thở làm một điểm tập trung tâm ý. Nó là điểm chủ yếu, mỗi khi
tâm ta đi lang thang sẽ được mang trở về điểm ấy. Sự xao lãng không thể được
nhận biết nếu ta không có một điểm chính nhất định nào để làm điểm gốc. Ta cần
một khung nhất định để làm cái mốc chuẩn, để có thể dựa vào đó mà quán sát
những chuyển động và biến đổi không ngừng của tư tưởng.
Kinh điển Pali thường so sánh thiền tập với việc huấn luyện một con voi rừng.
Ngày xưa, người ta cột con voi rừng hung dữ mới bắt được vào cây cột bằng một
sợi dây thừng thật chắc. Con thú lúc ấy rất là bực tức. Nó vùng vẫy, kêu rống
và giựt kéo sợi dây cả ngày. Cho đến một lúc nó hiểu rằng mình chẳng thể đi đâu
được hết, và chịu đứng yên. Khi ấy, ta có thể cho nó ăn và bắt đầu huấn luyện
nó. Sau cùng, ta sẽ không cần đến sợi dây thừng và cây cột nữa, và ta có thể
dạy cho con voi ấy làm những công việc khác nhau. Bây giờ ta có được một con
voi thuần phục, có thể giúp ta làm những công việc ích lợi. Trong tỷ dụ ấy, con
voi rừng hung dữ chính là tâm ý của ta, sợi dây thừng là chính niệm, và cây cột
chính là đối tượng của chính niệm, tức hơi thở. Một con voi thuần phục tượng
trưng cho một tâm ý an tĩnh, tập trung, có thể giúp ta chọc thủng được hết
những tầng lớp mê mờ che phủ thực tại. Thiền tập sẽ thuần hóa được tâm ý ta.
Câu hỏi kế tiếp ta có thể đặt ra là: Tại sao lại chọn hơi thở làm đề mục chính
của thiền tập? Sao ta không chọn một đề mục nào khác thú vị hơn? Thật ra, có
rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Một đề mục thiền quán tốt phải có tác
dụng làm phát huy chính niệm, có thể mang đến đâu cũng được, có thể dễ dàng tìm
thấy và không tốn kém. Và nó cũng không làm ta rối loạn, trói buộc ta vào những
trạng thái khổ đau, như là tham, sân, si. Hơi thở đáp ứng được tất cả những
điều kiện ấy, và còn nhiều hơn thế nữa! Hơi thở thì ai cũng có. Chúng ta mang
nó theo bất cứ nơi nào mình đến, nên lúc nào cũng có thể tìm thấy, chẳng bao
giờ gián đoạn từ khi ta sinh ra cho đến lúc chết đi, và ta có thể sử dụng nó
không tốn kém gì cả!
Hơi thở là một quá trình không cần khái niệm, ta có thể trải nghiệm nó trực
tiếp mà không cần đến tư tưởng. Hơn nữa, nó là một tiến trình sinh động, một
phần của sự sống lúc nào cũng thay đổi. Hơi thở tuần hoàn theo một vòng tròn -
thở vào, thở ra, thở vào, và lại thở ra... Nó cũng giống như một kiểu mẫu thu
nhỏ của chính sự sống.
Sự cảm nhận hơi thở là vô cùng tinh tế, nhưng sẽ trở nên rõ rệt khi ta biết
cách hòa nhập với nó. Cần phải nỗ lực luyện tập đôi chút, nhưng bất cứ ai cũng
có thể làm được. Bạn cần phải có cố gắng nhưng không được quá sức. Vì tất cả
những lý do ấy mà hơi thở là một đối tượng rất lý tưởng cho thiền tập. Bình
thường, hơi thở là một quá trình tự nhiên diễn ra theo nhịp điệu riêng của nó
mà không cần đến ý chí. Dù vậy, chỉ một tác động của ý chí là có thể làm cho nó
chậm lại hoặc nhanh hơn, dài ra và dịu dàng hoặc ngắn lại và gấp gáp. Đường
ranh giới giữa hơi thở tự nhiên và hơi thở có chủ ý rất là mỏng manh. Và từ đây
ta có thể học được rất nhiều điều về bản chất của ý chí và ước muốn. Cũng vậy,
vị trí ngay đầu lỗ mũi của ta có thể được xem như là một cánh cửa nối liền giữa
thế giới bên ngoài và bên trong ta. Nó là điểm nối liền và cũng là một nơi trao
chuyển năng lượng. Ở ngay điểm này, những gì từ thế giới bên ngoài đi vào và
trở thành một phần mà chúng ta gọi đó là “tôi” và cũng từ nơi này, một phần của
cái “tôi” trở ra và hoà nhập lại với thế giới bên ngoài. Từ đấy, ta cũng có thể
học được rất nhiều về ý niệm và sự cấu thành của một cái “tôi”.
Hơi thở là một hiện tượng chung cho tất cả mọi sinh vật trên vũ trụ. Một hiểu
biết thực nghiệm về quá trình hơi thở sẽ giúp ta xích lại gần hơn với mọi sự
sống khác. Nó giúp ta ý thức được mối liên hệ mật thiết vốn sẵn có giữa mọi sự
sống. Và sau cùng, hơi thở còn là một quá trình của hiện tại. Nghĩa là nó chỉ
có thể xảy ra bây giờ và ở đây mà thôi. Thường thì chúng ta ít khi nào có mặt
trong giờ phút hiện tại. Chúng ta dành hầu hết thời gian để sống hồi tưởng về
quá khứ hoặc mơ mộng đến tương lai, lúc nào cũng đầy những lo lắng và dự tính.
Hơi thở thì không có tính chất “ở một thời gian khác”. Khi chúng ta chú ý đến
hơi thở, là tự nhiên chúng ta được đặt trở về ngay trong giờ phút hiện tại.
Chúng ta được kéo ra khỏi vũng lầy của những ý niệm và hình ảnh, và trở về với
một kinh nghiệm đơn thuần của bây giờ và ở đây. Vì vậy, hơi thở cũng chính là
một phần sinh động của thực tại. Một cái nhìn chính niệm về cái kiểu mẫu thu
nhỏ này của sự sống, cũng có thể dẫn đến những tuệ giác rộng lớn hơn về tất cả
những kinh nghiệm khác của ta.
Bước đầu tiên trong việc dùng hơi thở làm đối tượng thiền quán là tìm thấy nó.
Cái mà chúng ta muốn tìm là một cảm giác vật lý rõ rệt của hơi thở ra vào nơi
mũi. Thường thì nó có mặt ngay phía trong đầu lỗ mũi. Nhưng điểm ấy sẽ thay đổi
tùy theo mỗi người, nó cũng còn tùy thuộc vào hình dạng của chiếc mũi nữa. Muốn
tìm điểm của mình, bạn hãy hít vào một hơi dài và sâu, và ghi nhận điểm ngay
phía trong lỗ mũi hoặc là ở phía môi trên, nơi nào mà bạn cảm thấy không khí
xúc chạm rõ rệt nhất. Đó là điểm mà bạn sẽ dùng để theo dõi quá trình hơi thở
của mình. Một khi đã xác định được vị trí rõ ràng của nó rồi, bạn đừng bao giờ rời
xa điểm ấy. Dùng ngay một điểm này để giữ sự chú ý của mình. Nếu không có được
một điểm nhất định, tâm ý bạn sẽ di chuyển khắp nơi trong và ngoài lỗ mũi, lên
xuống theo ống khí quản, ráng đuổi theo hơi thở, nhưng rồi sẽ không bao giờ bắt
kịp vì nó cứ tiếp tục thay đổi, chuyển động và trôi chảy mãi!
Nếu bạn đã có dịp nào đó dùng cưa xẻ gỗ, chắc chắn bạn phải biết cách thức.
Người cầm cưa không bao giờ dán mắt mình theo lưỡi cưa lên xuống. Điều đó sẽ
làm cho bạn chóng mặt. Bạn chỉ nên nhìn vào một điểm nơi lưỡi cưa tiếp xúc với
khúc gỗ, và chỉ có cách đó bạn mới có thể giữ cho đường xẻ được thẳng! Khi ngồi
thiền cũng thế, chúng ta tập trung sự chú ý của mình vào một điểm cảm xúc duy
nhất phía trong mũi. Từ điểm ưu thế đó, ta có thể theo dõi toàn thể sự chuyển
động của hơi thở vào ra một cách rõ ràng và định tĩnh. Ta cũng không bao giờ cố
gắng kiểm soát hơi thở của mình. Đây không phải là một phương pháp tập luyện
thở như trong các pháp môn yoga. Hãy tập trung và chú ý vào sự chuyển động tự
nhiên của hơi thở. Đừng điều khiển, cũng đừng nhấn mạnh nó vì bất cứ một lý do
gì. Những thiền sinh mới thường hay mắc phải lỗi này. Vì muốn dễ tập trung vào
cảm giác của hơi thở, nhiều khi họ vô tình thay đổi cách thở của mình. Và kết
quả là một sự cố gắng gò bó, thiếu tự nhiên, làm trở ngại và ngăn chặn sự tập
trung. Bạn đừng bao giờ cố gia tăng chiều sâu hoặc âm thanh của hơi thở mình,
hãy giữ cho nó thật tự nhiên. Vấn đề âm thanh rất quan trọng, nhất là khi ta
ngồi chung trong một nhóm. Thở lớn tiếng có thể làm ảnh hưởng đến những người
chung quanh. Hãy để cho hơi thở của mình được tự nhiên, không cố gắng, như
trong lúc ta ngủ. Buông thư và để cho nó đi theo nhịp điệu tự nhiên của nó.