- Lời Giới Thiệu
- Chương Một Vì Sao Phải Quan Tâm Đến Thiền?
- Chương Hai Những Gì Không Phải Là Thiền?
- Chương Ba Thiền Là Gì?
- Chương Bốn Thái Độ
- Chương Năm Sự Thực Tập
- Chương Sáu Phương Cách Điều Thân
- Chương Bảy Phương Pháp Điều Tâm
- Chương Tám Ngồi Thiền
- Chương Chín Chuẩn Bị Trước Khi Ngồi Thiền
- Chương Mười Những Khó Khăn Trong Lúc Ngồi Thiền
- Chương Mười Một Đối Trị Với Sự Xao Lãng - Phần I
- Chương Mười Hai Đối Trị Với Sự Xao Lãng - Phần Ii
- Chương Mười Ba Chính Niệm (Sati)
- Chương Mười Bốn Niệm Và Định
- Chương Mười Lăm Thiền Tập Trong Đời Sống Hằng Ngày
- Chương Mười Sáu Được Gì Cho Ta?
- Lời Kết Năng Lực Của Tâm Từ
CHÍNH NIỆM - THỰC TẬP THIỀN QUÁN
Nguyễn Duy Nhiên dịch,
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính
Nhà xuất bản: Thanh Hóa 2009
Chương
Năm
Sự thực tập
Mặc dù trong thiền quán chúng ta có rất nhiều đề mục để quán chiếu, nhưng tôi
khuyên bạn nên bắt đầu bằng cách tập trung sự chú ý vào hơi thở của mình. Điều
đó sẽ giúp cho ta đạt được một mức định lực căn bản. Nhưng các bạn nên nhớ, làm
như vậy không có nghĩa là chúng ta cố gắng để nhập định, hay chỉ thuần túy thực
hành thiền định mà thôi. Chúng ta đang thực hành thiền quán, chính niệm, và
điều đó đòi hỏi ta phải có một định lực cơ bản. Mục đích của ta là thực tập
chính niệm, phát huy tuệ giác để thấy được chân tính của hiện hữu. Ta muốn thấy
được sự hoạt động và những liên hệ của thân tâm đúng như chúng đang thật sự
hiện hữu. Ta muốn chuyển hóa được hết mọi phiền muộn, âu lo trong tâm thức, để
mình thật sự có một đời sống an vui và hạnh phúc.
Tâm ta không thể nào thanh tịnh nếu ta không biết nhìn sự vật đúng như chúng
đang thật sự hiện hữu. “Nhìn-sự-vật-đúng-như-đang-hiện-hữu”, đó là một tuyên bố
khá quan trọng và cũng hơi mơ hồ. Nhiều thiền sinh mới thực tập khi nghe chúng
tôi nói câu ấy thường rất thắc mắc, vì họ nghĩ trong chúng ta ai có mắt mà lại
không “nhìn sự vật đúng như chúng đang hiện hữu”?
Thật ra, chúng tôi dùng câu ấy để nói đến một tuệ giác do sự thực tập thiền
quán. Nó không có nghĩa là nhìn sự vật bằng một cái thấy nông cạn bề ngoài,
nhưng thấy bằng một cái nhìn sâu sắc, bằng tuệ giác. Và nhìn bằng tuệ giác là
nhìn sự vật trong khuôn khổ của thân-tâm mình, còn được gọi là danh-sắc, không
bị ảnh hưởng bởi những ý niệm và định kiến vì tham, sân và si. Thường thường,
khi ta quán sát sự hoạt động của thân-tâm, ta có khuynh hướng xua đuổi những
cảm thụ khó chịu và nắm giữ những cảm thụ nào dễ chịu. Một lý do là vì tâm ta
lúc nào cũng bị ảnh hưởng bởi sự ham muốn, ghét bỏ và mê mờ của mình. Cái tôi,
cái ngã, ý kiến của mình lúc nào cũng xen vào và tô màu, làm sai lệch đi sự
phán đoán của ta.
Khi quán sát những cảm giác trong thân (bodily sensation) bằng chính niệm, ta
không nên lầm lẫn chúng với các tâm hành (mental formation). Vì cảm giác có thể
phát sinh hoàn toàn độc lập với tâm thức.
Ví dụ, ta đang ngồi thoải mái. Một lúc sau, có thể có những cảm giác khó chịu
khởi lên nơi lưng và ở chân. Tâm ta sẽ kinh nghiệm được những cảm giác khó chịu
ấy ngay, và lập tức tạo nên một số ý nghĩ chung quanh cái cảm giác ấy. Ngay lúc
đó, thay vì để cho cảm thụ trở nên lẫn lộn với tâm hành, chúng ta nên phân biệt
và tách rời cảm thụ ra, quán sát chúng dưới ánh sáng của chính niệm. Cảm thụ là
một trong 7 tâm hành phổ thông, mà không có một tâm nào lại không có bảy yếu tố
này. Bảy tâm hành phổ thông (Sabbacittasdhran) là xúc (Phassa), thọ (Vedan),
tưởng (Sa), tư (Cetan), định (Ekaggat), nuôi dưỡng sự sống (Jvitindriya), và
tác ý (Manasikra).
Những lúc khác, cũng có thể sẽ có những cảm xúc như là bất mãn, sợ hãi hoặc là
ái dục sinh khởi. Trong những lúc này, chúng ta cũng cần theo dõi những cảm xúc
ấy đúng thật như chúng đang hiện hữu, và không để lẫn lộn với bất cứ một cái gì
khác. Khi chúng ta gom năm uẩn - sắc, thọ, tưởng, hành và thức - của mình thành
một, và xem tất cả như là một cảm thụ duy nhất, ta sẽ bị lẫn lộn, vì ta không
còn thấy được đâu là nguồn gốc của cảm thụ nữa. Nếu chúng ta quán sát cảm thụ,
nhưng không biết tách rời nó ra khỏi những tâm hành khác, ta sẽ khó có thể thấy
được sự thật.
Chúng ta muốn có tuệ giác để nhìn thấy rõ tự tính vô thường của vạn vật, nhờ đó
mà vượt qua hết những khổ đau và sợ hãi của mình. Một hiểu biết sâu sắc về khổ
đau, sẽ giúp ta chiến thắng được những tham ái nào đã gây nên khổ đau. Một ý
thức sâu sắc về vô ngã, sẽ giúp ta vượt thắng được những si mê phát sinh bởi
một ý niệm về tự ngã. Có được những tuệ giác này, ta sẽ bắt đầu thấy được thân
và tâm, danh-sắc, là hai tự thể riêng biệt. Khi thấy rõ được sự riêng biệt ấy,
ta cũng sẽ ý thức rằng chúng có một liên hệ vô cùng mật thiết với nhau. Và khi
tuệ giác bắt đầu bén nhạy hơn, ta lại càng ý thức được rõ rệt năm uẩn của mình,
tâm và sắc, lúc nào cũng hợp tác và hỗ tương lẫn nhau, cái này không thể có mặt
mà không cần cái kia. Chừng ấy, ta sẽ thật sự hiểu được tỉ dụ về một người mù
có một thân thể khỏe mạnh, và một người tật nguyền nhưng có đôi mắt sáng. Hai
người ấy đều bị giới hạn. Nhưng khi người tật nguyền có đôi mắt tốt leo lên vai
người mù khỏe mạnh, cùng với nhau họ có thể đi khắp nơi và làm được những gì họ
muốn. Thân và tâm ta cũng tương tự như thế. Tự một mình, thân không thể làm
được gì hết, nó cứng đơ như một khúc gỗ, không cử động hay nhúc nhích, chỉ nằm
yên đó chịu định luật của vô thường làm hư hoại và tan rã. Và tâm của ta nếu
không có thân, cũng chỉ là vô dụng. Khi chúng ta quán sát thân và tâm dưới ánh
sáng chính niệm, ta có thể thấy được những điều kỳ diệu mà cả hai có thể cùng
hợp tác làm nên.
Nhờ ngồi yên một chỗ mà ta có thể phát huy được niệm lực. Tham dự một khóa
thiền vài ngày, hoặc vài tháng, để theo dõi hơi thở của mình, theo dõi nhận
thức, vô số những tư tưởng, và mọi trạng thái của tâm thức, sẽ giúp cho ta được
trở nên tĩnh lặng và an vui hơn. Nhưng thường thường thì chúng ta đâu có thì
giờ nhiều để dành cho việc ngồi yên một chỗ. Vì vậy, ta phải tìm cách áp dụng
sự thực tập ấy vào đời sống hằng ngày, giúp chúng ta đối phó với tất cả những
chuyện bất ngờ có thể xảy ra.
Những gì chúng ta đối diện mỗi ngày, ta không bao giờ có thể đoán trước được.
Chuyện xảy ra do nhiều nguyên nhân, và nhiều điều kiện khác nhau, vì chúng ta
sống trong một thế giới vô thường, luôn thay đổi. Chính niệm là cây chìa khóa,
một cây đũa thần, luôn luôn có mặt để giúp đỡ ta. Giả sử như khi ta cảm thấy
mình bị khinh thường, nếu có chính niệm, ta có thể khám phá ra nhiều sự thật
khó ưa về mình. Ví dụ, có thể vì ta là một người ích kỷ, tự cao, chấp ngã, lúc
nào cũng cho mình là đúng, ai khác cũng sai, ta có thành kiến, thiên vị, mà tất
cả cũng bởi vì ta không thật sự biết thương mình... Sự khám phá ấy về con người
thật của ta, tuy rất chói tai, nhưng đó lại là một tuệ giác to lớn nhất. Và
trên con đường tu học, khám phá ấy sẽ giúp ta giải thoát ra khỏi mọi khổ đau và
sợ hãi.
Thực tập chính niệm có nghĩa là thực tập thành thật với chính mình một trăm
phần trăm. Khi ta nhìn sâu vào thân tâm, ta sẽ ghi nhận được một số điều về
mình không được đẹp đẽ cho lắm. Và vì không thích, cho nên ta sẽ loại bỏ chúng
đi. Chúng ta không thích những điều gì? Chúng ta không thích xa lìa những người
mình thương, hoặc phải sống với những người mình ghét. Không phải chúng ta chỉ
thương ghét đối với con người, nơi chốn, và vật chất mà thôi, mà còn là những ý
kiến, niềm tin và quyết định nữa. Thường thì chúng ta không thích những gì tự
nhiên xảy đến cho mình. Ví dụ như là chúng ta không thích già nua, bệnh tật,
yếu đuối, chúng ta làm đủ mọi cách để giữ cho mình có được vẻ trẻ trung. Chúng
ta không thích ai chỉ lỗi của mình, vì ta rất tự hào. Chúng ta cũng không thích
ai có trí tuệ hơn mình, vì ta rất tự cao. Và đó chỉ là một vài thí dụ kinh
nghiệm cá nhân của tham, sân và si.
Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi tham, sân, si nổi lên, biểu hiện ra, chúng
ta sẽ dùng ánh sáng và năng lực của chính niệm để theo dõi và tìm đến gốc rễ
của chúng. Gốc rễ của chúng nằm sâu kín ngay trong chính ta. Vì nếu như ta
không có hạt giống của sân hận, sẽ không một ai có thể làm cho ta nổi giận được
hết. Chính cái hạt giống sân hận có mặt trong ta, phản ứng lại với hành động
hoặc lời nói của một người nào đó, khiến ta tức giận. Nếu có chính niệm, ta sẽ
kiên nhẫn dùng tuệ giác và tự quay nhìn lại chính mình. Nếu trong ta không có
hạt giống của sân hận, ta sẽ không quan tâm hay bực mình gì khi có người khác
chỉ lỗi của mình. Thay vì vậy, ta còn biết ơn người ấy đã giúp cho ta thấy được
những lỗi lầm của mình. Người có chính niệm và tuệ giác sẽ cám ơn những ai đã
giúp mình sửa lỗi, để ta thăng tiến nhanh hơn trên con đường tu học.
Trong tất cả chúng ta, ai cũng có khuyết điểm. Người chung quanh có thể là
những tấm gương giúp ta thấy được những khiếm khuyết ấy của mình. Chúng ta phải
biết xem những người chỉ lỗi cho ta như là những kẻ đã khám phá giúp ta những
kho tàng quý giá còn chôn kín trong ta. Vì nhờ thấy được những lỗi lầm ấy mà ta
có thể sửa đổi chúng, ta mới có thể thăng tiến được. Con đường tự chuyển hóa là
một con đường thẳng trực tiếp dẫn ta đến một sự toàn thiện, mục đích của sự tu
tập. Trước khi sửa đổi thì ta cần phải thấy được những gì mình cần phải sửa
đổi. Khi ấy, và chỉ khi ấy, bằng cách chuyển hóa những khiếm khuyết của mình,
ta mới có thể phát triển được những cá tính hay đẹp vẫn còn đang bị vùi kín sâu
trong tiềm thức.
Như khi mắc bệnh, ta cần phải tìm cho ra nguyên nhân bệnh của mình. Chừng đó ta
mới có thể tìm cách để chữa trị. Nếu ta cứ giả vờ như mình khỏe mạnh, không có
khổ đau hay bệnh tật, ta sẽ không bao giờ đi tìm thuốc chữa. Cũng thế, nếu ta
không chịu nhận mình có lỗi lầm, ta sẽ không thể nào sửa đổi để tiến lên trên
con đường tu học. Nếu như chúng ta không thấy được những khiếm khuyết của mình,
ta cần phải nhờ đến người khác chỉ giúp cho ta. Và ta phải biết ơn người ấy,
như thầy Xá-lợi-phất nói: “Dầu cho có một thầy sa di 7 tuổi chỉ cho tôi thấy
những lỗi lầm của mình, tôi cũng sẽ kính trọng và ghi nhận với hết lòng thành
kính.” Thầy Xá-lợi-phất là một người có năng lượng chính niệm rất cao, thầy
không bao giờ lầm lỗi. Nhờ Thầy không còn tự ái nên Thầy mới có được thái độ
ấy. Mặc dù sự tu tập của chúng ta chưa đến mức độ của Thầy Xá-lợi-phất, nhưng
chúng ta cũng nên thực tập có thái độ ấy, vì mục đích sự tu tập của ta là để
đạt được sự chứng đắc như Thầy.
Lẽ dĩ nhiên, người chỉ lỗi cũng chưa chắc gì hoàn toàn đã hết lỗi, nhưng dù vậy
họ vẫn có thể thấy được lỗi lầm của ta, cũng như ta nhìn thấy những điều mà họ
không hề biết đến, cho đến khi ta chỉ cho họ. Nhưng hành động ấy, chỉ lỗi của
kẻ khác và phản ứng khi được người khác chỉ lỗi, phải được thực hành trong
chính niệm. Nếu chúng ta sử dụng những từ ngữ nặng nề và khó nghe để chỉ lỗi
của kẻ khác, điều đó sẽ tạo nên đổ vỡ và nguy hại hơn là mang lại lợi ích. Một
người bất mãn thì không thể nào có chính niệm, và không thể nào bày tỏ rõ ràng
được. Một người cảm thấy bị tổn thương sẽ mất đi chính niệm, và không còn thật
sự nghe người kia đang nói gì nữa. Chúng ta phải biết thực tập nói và lắng nghe
trong chính niệm thì sự trao đổi mới có thể được nhiều hiệu quả. Khi chúng ta
biết chia sẻ và lắng nghe trong chính niệm, tâm ta sẽ không còn bị ảnh hưởng,
chi phối bởi những sự tham lam, nhỏ nhen, sân hận và si mê nữa.
Mục đích của ta
Là một thiền sinh, chắc chắn chúng ta cần phải có một mục đích. Bằng không nếu
ta cứ mù quáng nghe theo lời hướng dẫn, thì ta cũng như một người quờ quạng
trong bóng tối mà thôi. Một hành động có ý thức và cố ý nào chắc chắn cũng phải
có một mục đích. Nhưng mục đích của một thiền sinh vipassana không phải là để
được giác ngộ sớm hơn những kẻ khác, hoặc có nhiều quyền năng hơn, hoặc được
hưởng lợi lộc nhiều hơn. Các thiền giả không bao giờ tranh đua, giành giật với
nhau về chính niệm.
Mục đích của ta là đạt được trọn vẹn những trạng thái cao đẹp và toàn thiện vẫn
còn nằm sâu kín trong tâm thức mình. Mục đích ấy có năm yếu tố: thanh lọc tâm,
chuyển hóa muộn phiền, vượt thắng khổ đau, đi trên con đường dẫn đến hạnh phúc
chân thật, và đạt được hạnh phúc ấy. Bạn hãy ghi nhớ năm điều ấy trong tâm, và
chúng ta có thể bước tới trong tự tin và hy vọng.
Sự thực tập
Trong khi ngồi thiền, bạn hãy cố gắng đừng thay đổi tư thế cho đến khi hết giờ
đã định trước. Ví dụ, bạn thay đổi tư thế ngồi vì cảm thấy khó chịu, và chuyển
sang một tư thế mới. Chỉ một chút sau, bạn lại sẽ cảm thấy tư thế mới này cũng
trở thành khó chịu. Rồi bạn lại muốn đổi sang một tư thế khác, và một chút sau,
tư thế ấy cũng trở thành khó chịu. Ta có thể nhúc nhích, cử động, thay đổi tư
thế trong suốt thời gian ngồi thiền, nhưng rồi ta sẽ không phát huy được một
mức độ định lực nào hết. Vì vậy, ta cần phải cố gắng đừng thay đổi tư thế trong
khi ngồi thiền. Chúng ta sẽ bàn thêm về phương cách đối trị cái đau trong
chương 10.
Để tránh việc thay đổi tư thế, trước khi ngồi thiền bạn nên định trước là mình
sẽ ngồi bao lâu. Nếu bạn là người mới thực tập, nên chỉ ngồi yên dưới hai mươi
phút. Càng thực tập lâu, bạn có thể gia tăng thời gian ấy lên. Thời gian ngồi
thiền tùy thuộc vào hai yếu tố: bạn có thể bỏ ra bao nhiêu giờ mỗi ngày và bạn
có thể ngồi được bao lâu mà không bị cái đau hành hạ quá mức.
Chúng ta cũng không nên đặt ra một thời hạn nào cho mục đích ấy, vì sự thành
công của ta còn tùy thuộc vào sự phát triển tâm linh và tuệ giác của mình nữa.
Chúng ta thực tập tinh tiến trong chính niệm để đạt đến mục tiêu mình muốn,
nhưng không cần phải hạn định một khoảng thời gian nhất định nào. Khi nào sẵn
sàng, ta sẽ đến nơi. Việc chúng ta có thể làm bây giờ là chuẩn bị cho thời điểm
ấy.
Sau khi ngồi yên không cử động, bạn hãy nhắm mắt lại. Tâm ta cũng ví như một ly
nước đục vì có pha trộn bùn. Càng giữ cho ly nước được yên chừng nào, bùn cặn
sẽ lóng xuống nhanh chừng ấy, và nước sẽ trở nên trong hơn. Cũng vậy, khi ta
giữ cho thân mình được yên, không nhúc nhích, hoàn toàn để hết tâm ý vào đề mục
thiền quán, tâm ta sẽ tự nhiên lắng đọng xuống, và ta sẽ kinh nghiệm được một
niềm vui của việc ngồi thiền (thiền duyệt).
Muốn đạt đến trình độ này, trước hết ta phải thực tập giữ cho tâm mình có mặt
trong giây phút hiện tại. Giây phút hiện tại thay đổi luôn và rất nhanh, một
người bình thường không thể nào thấy được việc ấy, cho dù họ có nhìn. Mỗi giây
phút nào cũng có mặt trong đó một chuỗi những sự kiện, và không có giây phút
nào mà lại không có một sự kiện xảy ra. Chúng ta không thể nào ghi nhận một
giây phút mà lại không ghi nhận những sự kiện đang có mặt trong giây phút ấy.
Vì vậy, giây phút mà ta đang chú tâm bằng một sự chú ý đơn thuần phải là giây
phút hiện tại này. Tâm ta đi qua một chuỗi sự kiện như là những hình ảnh chạy
ngang qua máy chiếu phim. Có những hình ảnh phát sinh từ những kinh nghiệm
trong quá khứ, và có những hình ảnh là do sự tưởng tượng của ta về những dự
định trong tương lai.
Tâm ta không thể nào tập trung được nếu nó không có một đối tượng. Vì vậy, ta
cần tìm cho tâm mình một đối tượng mà lúc nào cũng sẵn sàng và có mặt trong
giây phút hiện tại. Một trong những đối tượng ấy là hơi thở. Hơi thở lúc nào
cũng có mặt và rất dễ tìm thấy. Trong mỗi giây mỗi phút, hơi thở ra vào nơi mũi
của ta. Khi ta thực tập thiền quán, tâm ta có thể dễ dàng tập trung vào hơi thở
vì nó rõ rệt và đều đặn hơn bất cứ một đối tượng nào khác.
Sau khi bạn ngồi thật yên như chúng ta đã trình bày, và ban rải tình thương đến
tất cả mọi người, hãy thở ba hơi dài và sâu. Sau khi thở ba hơi, hãy để cho hơi
thở trở lại bình thường, ra vào tự nhiên, không có một cố gắng nào hết. Bạn bắt
đầu tập trung sự chú ý vào vành lỗ mũi, nơi không khí ra vào xúc chạm. Chỉ đơn
giản ghi nhận cảm giác của hơi thở ra vào nơi đầu mũi. Khi một hơi thở vào vừa
xong và trước khi một hơi thở ra bắt đầu, có một sự ngưng nghỉ ngắn. Ghi nhận
nó và ghi nhận sự bắt đầu của hơi thở ra. Khi hơi thở ra chấm dứt, cũng có một
sự ngừng nghỉ ngắn trước khi hơi thở vào bắt đầu. Bạn cũng nhớ ghi nhận giai
đoạn ngừng nghỉ ấy. Có nghĩa là chúng ta có hai lúc hơi thở tạm ngừng - một ở
cuối hơi thở vào và một ở cuối hơi thở ra. Hai khoảng ngừng ấy rất ngắn, xảy ra
chỉ trong giây lát, có thể chúng ta không hề nhận thấy. Nhưng với sự thực tập
chính niệm, ta có thể ghi nhận được chúng rất rõ ràng.
Bạn không nên nói thầm hay tưởng tượng thêm một điều gì cả. Hãy đơn giản ghi
nhận hơi thở ra vào mà không cần phải nói thêm, “Tôi thở vào,” hoặc là “Tôi thở
ra.” Khi ta đặt sự chú ý của mình vào hơi thở, ta bỏ qua hết một bên mọi tư
tưởng, trí nhớ, âm thanh, mùi vị... và chỉ hoàn toàn chú tâm vào hơi thở mà
thôi, không một điều gì khác.
Lúc đầu, cả hơi thở vào và ra đều rất ngắn, vì thân và tâm của ta chưa được lắng yên và buông thư. Ghi nhận cảm giác của hơi thở vào ngắn và hơi thở ra ngắn trong khi nó xảy ra, nhưng đừng nói thầm “thở vào ngắn” hoặc “thở ra ngắn”. Trong khi ta tiếp tục ghi nhận cảm giác của hơi thở vào ngắn và thở ra ngắn, thân và tâm ta sẽ trở nên tĩnh lặng hơn. Hơi thở ta sẽ tự nhiên trở nên dài hơn. Và ta hãy ghi nhận cảm giác của hơi thở dài ấy mà không cần phải nói thầm: “hơi thở dài”. Tiếp theo đó, ta ghi nhận toàn thể tiến trình của hơi thở từ đầu cho đến cuối. Hơi thở ta sẽ dần dà trở nên vi tế hơn, thân và tâm ta sẽ trở nên tĩnh lặng hơn. Ghi nhận cảm giác tĩnh lặng và an vui này của hơi thở mình.
Ta làm gì khi tâm mình nghĩ đến việc khác?
Cho dù có cố gắng hết sức để giữ cho tâm mình luôn chú ý vào hơi thở, tâm ta
vẫn luôn có khuynh hướng đi lan man đến những nơi khác. Nó có thể lang thang về
quá khứ, nhớ lại những nơi chốn mình đã một lần viếng thăm, những người đã có
dịp gặp, những bạn bè cách xa lâu ngày, một quyển sách đã đọc từ lâu, mùi vị
của chiếc bánh ngày hôm qua... và rồi cứ tiếp tục mãi. Mỗi khi bạn vừa ý thức
là tâm mình không còn chú ý đến hơi thở nữa, hãy mang nó trở về với hơi thở, và
bỏ neo nơi đó. Nhưng có lẽ chỉ vài giây sau là bạn lại có thể bị lôi kéo nghĩ
đến tiền nhà chưa trả, tiền chợ chưa đưa, cần phải gọi điện thoại cho một người
bạn, viết một lá thư, giặt quần áo, đi chợ, đi ăn tiệc, dự tính cho chuyến nghỉ
hè sắp tới... Và mỗi khi bạn thấy tâm mình không còn với hơi thở, bạn chỉ cần
nhẹ nhàng mang nó trở về trong chính niệm. Dưới đây là một vài đề nghị có thể
giúp bạn phát huy một định lực cần thiết cho sự thực tập chính niệm.
1.Đếm hơi thở
Trong những trường hợp nói trên, việc đếm hơi thở sẽ giúp ích rất nhiều. Mục
đích của việc đếm là giúp ta tập trung tâm ý mình vào hơi thở. Và khi tâm ta đã
tập trung vào hơi thở rồi, ta không cần phải đếm nữa. Đây là một phương cách để
giúp ta phát huy định lực. Có nhiều cách đếm khác nhau. Nhưng dù là cách nào,
ta cũng phải đếm thầm trong tâm mà thôi, không nên phát ra tiếng động. Dưới đây
là một vài phương cách đếm hơi thở:
a) Trong khi thở vào, đếm “một, một, một...” cho đến khi phổi đầy dưỡng khí.
Trong khi thở ra, đếm “hai, hai, hai...” cho đến khi buồng phổi ta trống không.
Và khi tiếp tục thở vào hơi kế, đếm “ba, ba, ba...” cho đến khi buồng phổi đầy
trở lại, và khi thở ra cũng đếm “bốn, bốn, bốn...” cho đến khi hết hơi thở ra.
Đếm cho đến mười rồi quay trở lại một.
b) Phương pháp thứ hai là đếm nhanh từ một đến mười. Trong khi đếm “một, hai,
ba...” cho đến mười, bạn thở vào hết một hơi, và khi thở ra bạn cũng đếm “một,
hai, ba...” cho đến mười. Có nghĩa là trong mỗi hơi thở vào và thở ra bạn đều
đếm từ một cho đến mười. Bạn có thể tiếp tục phương pháp này bao nhiêu lần cũng
được, cho đến khi nào tâm ta được định vào hơi thở.
c) Phương pháp thứ ba là đếm nối tiếp nhau từ một đến mười. Thở vào ta chỉ đếm
đến năm mà thôi: “một, hai, ba, bốn, năm”, thở ra ta đếm lên đến sáu “một, hai,
ba, bốn, năm, sáu”. Rồi khi thở vào, ta lại đếm đến bảy: “một, hai, ba, bốn,
năm, sáu, bảy”, và khi thở ra ta đếm cho đến tám “một, hai, ba, bốn, năm, sáu,
bảy, tám”. Tiếp tục, thở vào ta đếm cho đến chín, thở ra ta đếm cho đến mười.
Ta có thể tiếp tục như vậy bao nhiêu lần cũng được, cho đến khi nào tâm ta được
định vào hơi thở.
d) Phương pháp thứ tư là thở dài hơi. Khi phổi ta đầy không khí, niệm thầm “một”
và thở ra hoàn toàn cho đến khi nào phổi trống không. Tiếp đó đếm thầm “hai”,
thở vào một hơi dài, đếm “ba” và thở ra hoàn toàn như lần trước. Khi phổi ta đã
trống không, niệm thầm “bốn”... Tiếp tục đếm như vậy cho đến mười. Rồi lại đếm
ngược từ mười cho đến một. Tiếp tục đếm từ một đến mười rồi lại từ mười đến
một.
e) Phương pháp thứ năm là nối liền hơi thở vào với hơi thở ra. Khi buồng phổi
ta xẹp hẳn không còn không khí, niệm thầm “một”. Lần này, bạn đếm cả hơi thở
vào và hơi thở ra là một. Bạn tiếp tục thở vào và thở ra, và đếm thầm “hai”.
Theo phương pháp này, bạn chỉ đếm từ một đến năm và lặp lại từ năm đến một. Bạn
có thể thực tập theo cách này cho đến khi nào hơi thở mình trở nên thật tinh tế
và nhẹ nhàng.
Nên nhớ rằng không phải lúc nào ta cũng cần đếm hơi thở. Khi tâm ta đã tập
trung được vào vành mũi, nơi hơi thở vào ra xúc chạm, và ta bắt đầu cảm thấy
hơi thở mình trở nên tinh vi và nhẹ nhàng, ta không còn phân biệt được giữa hơi
thở vào và hơi thở ra nữa, lúc đó bạn nên ngừng đếm. Phương pháp đếm dùng để
giúp cho tâm mình được tập trung lên một đối tượng nào đó.
2. Nối liền
Sau hơi thở vào, đừng đợi giây phút ngắn mà hơi thở ta ngưng lại, hãy nối liền
hơi thở vào với hơi thở ra, để ta cảm thấy hai hơi thở vào và ra như là một hơi
thở liên tục.
3. Điểm nối liền
Sau khi nối liền hơi thở vào với hơi thở ra, giữ cho tâm ta ở ngay điểm mà ta
cảm thấy hơi thở vào và hơi thở ra giao tiếp với nhau. Thở vào-ra như là một
hơi thở duy nhất đi vào ra và xúc chạm, tiếp xúc với đầu mũi của mình.
4. Tập trung tâm ý như người thợ mộc
Người thợ mộc vạch một đường thẳng trên tấm ván mà anh muốn cưa. Rồi anh giữ
lưỡi cưa của mình cho thẳng, cắt ngay theo đường đã vạch sẵn. Anh không hề nhìn
theo những răng cưa khi anh kéo lưỡi cưa lên xuống trên tấm ván. Anh hoàn toàn
đặt hết tâm ý của mình vào đường đã vẽ, để giữ cho tấm ván được cắt ngay. Cũng
vậy, chúng ta nên giữ tâm của mình ngay trên vành mũi, nơi điểm mà ta cảm nhận
được sự xúc chạm của hơi thở rõ ràng nhất.
5. Tâm ta làm người gác cổng
Một người gác cổng không bao giờ cần chú ý đến mọi chi tiết của những nguời ra
vào. Anh ta chỉ cần ghi nhận những người nào đang vào và ra cổng. Cũng thế, khi
bạn tập trung tâm ý của mình, bạn không cần quan tâm đến các chi tiết những
kinh nghiệm của mình. Chỉ cần đơn giản chú ý và ghi nhận cảm giác của hơi thở
ra vào ngay nơi đầu lỗ mũi.
Khi bạn tiếp tục sự thực tập của mình, thân và tâm của bạn sẽ trở nên nhẹ bỗng,
khiến có lúc bạn cảm thấy như mình đang lơ lửng trong không khí, hoặc là đà
trên mặt nước. Bạn cũng có thể cảm thấy như thân mình đang bay bổng lên trời.
Khi những phần thô thiển của hơi thở đã chấm dứt, phần vi tế của hơi thở vào-ra
sẽ sinh khởi. Hơi thở tinh tế này bây giờ trở thành đối tượng tập trung tâm ý
của ta. Và đó là dấu hiệu của định. Một đối tượng có hình tướng được thay thế
bằng một đối tượng càng lúc càng vi tế hơn. Ta có thể ví dụ việc ấy cũng giống
như một tiếng chuông. Khi chúng ta lấy một cây dùi lớn đánh vào chuông, ban đầu
ta sẽ nghe một âm thanh lớn và thô. Khi tiếng vang nhỏ dần đi, âm thanh sẽ càng
lúc càng trở nên rất vi tế. Cũng thế, hơi thở vào-ra của ta lúc ban đầu có một
hình tướng rất thô thiển. Khi ta đem một sự chú ý đơn thuần đặt lên trên hơi
thở của mình, hình tướng của nó sẽ dần dần trở nên tinh tế hơn. Tâm ý của ta
vẫn hoàn toàn tập trung vào đầu lỗ mũi, nơi hơi thở ra vào xúc chạm. Lúc ấy,
những đối tượng thiền quán khác sẽ càng lúc càng trở nên rõ rệt, trong khi hơi
thở càng lúc càng trở nên nhẹ nhàng và vi tế hơn. Nhiều lúc, ta có cảm tưởng
như không còn nhận diện được hơi thở mình nữa. Bạn đừng thất vọng nghĩ rằng ta
đã đánh mất hơi thở của mình, hoặc là sự thực tập không còn tiến bộ nữa. Đừng
lo việc ấy. Hãy giữ chính niệm và kiên trì mang cảm giác của hơi thở về lại nơi
đầu lỗ mũi của mình. Đây là lúc bạn phải thực hành cho thật tinh tiến, giữ cho
quân bình năm năng lượng của tín, tấn, niệm, định và tuệ.
Tỷ dụ người nông phu
Có một bác nông phu dùng trâu để cày ruộng. Đến giữa ngày, bác tháo mở cho
những con trâu được tự do, và tự mình đến nằm nghỉ dưới bóng mát của một gốc
cây. Khi bác thức dậy thì không thấy những con trâu đâu nữa! Nhưng bác không lo
lắng, bác chỉ đi xuống phía bờ ao, nơi những con thú vẫn thường tụ tập để uống
nước, và bác tìm thấy những con trâu của mình nơi đây. Bác lại dắt chúng trở
về, gắn chiếc ách vào và cày tiếp thửa ruộng.
Cũng tương tự như vậy, khi bạn tiếp tục thực tập, sẽ có lúc hơi thở bạn trở nên
rất vi tế và nhẹ nhàng, khiến bạn hoàn toàn như không thể ghi nhận cảm giác của
hơi thở được nữa. Khi việc này xảy ra, bạn đừng nên lo lắng. Nó không mất đi
đâu hết. Nó cũng vẫn có mặt ngay nơi đó như trước - ở ngay đầu lỗ mũi của bạn.
Bạn thử thở nhanh vài hơi là bạn sẽ cảm thấy nó lại ngay. Cứ tiếp tục nhận diện
đơn thuần vào cảm giác xúc chạm của hơi thở với vành lỗ mũi của mình.
Khi bạn tiếp tục tập trung chú ý vào đầu mũi, bạn sẽ bắt đầu ghi nhận được
những dấu hiệu tiến triển của thiền tập. Bạn sẽ cảm thấy được một cảm xúc dễ
chịu của một dấu hiệu, hay một biểu tượng, bắt đầu xuất hiện. Mỗi hành giả sẽ
có một kinh nghiệm riêng. Dấu hiệu ấy sẽ giống như một vì sao, một viên ngọc
quý tròn, một hạt trân châu, một hột bông gòn, một cái chốt làm bằng gỗ quý,
một sợi dây dài, một tràng hoa, một làn khói, một màn nhện, một làn mây mỏng,
một hoa sen, một vòng mặt trăng hay mặt trời...
Khi ta bắt đầu thực tập, ta lấy hơi thở vào và hơi thở ra làm những đối tượng
của thiền tập. Bây giờ ta lại có thêm một đối tượng thứ ba nữa là dấu hiệu ấy.
Khi bạn tập trung tâm vào đối tượng thứ ba này, tâm bạn sẽ đạt đến một trạng
thái định sâu sắc đủ để có thể giúp cho sự thực tập thiền quán. Dấu hiệu ấy có
mặt rất rõ rệt ngay nơi đầu mũi. Bạn hãy tập làm chủ nó, hoàn toàn kiểm soát
được nó, để bất cứ khi nào cần đến, nó sẽ sẵn sàng cho bạn. Hãy đem tâm ta hòa
nhập với dấu hiệu ấy, mà nó chỉ có mặt trong giờ phút hiện tại, và để cho tâm
ta đi theo từng giây phút kế tiếp nhau. Khi ta chú tâm một cách đơn thuần, ta
sẽ thấy dấu hiệu ấy đang biến đổi trong từng giây phút. Giữ cho tâm mình có mặt
với từng sự thay đổi ấy. Và ta cũng ghi nhận rằng, tâm mình chỉ có thể tập
trung vào giây phút hiện tại này mà thôi.
Sự kết hợp giữa tâm mình và giây phút hiện tại được gọi là định nhất thời
(momentary concentration). Vì khi những giây phút cứ tiếp tục trôi ngang qua,
không ngừng nghỉ, tâm ta cũng sẽ đi theo cùng một nhịp độ, thay đổi theo chúng,
sinh diệt theo chúng, mà không hề bị dính mắc vào bất cứ một cái nào. Nếu chúng
ta cố gắng bắt tâm mình dừng lại trong một giây phút, ta sẽ trở nên hoang mang
và bối rối, vì tâm thức ta không thể nào dừng yên được. Nó phải theo kịp với
những gì đang xảy ra trong mỗi giây phút mới. Vì giây phút hiện tại có thể được
tìm thấy trong bất cứ một lúc nào, cho nên mỗi giây phút tỉnh thức của ta có
thể là một giây phút tập trung, một loại định nhất thời.
Muốn kết hợp tâm ta với giây phút hiện tại, chúng ta phải tìm một cái gì đó
đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Nhưng dĩ nhiên, bạn không thể nào tập
trung tâm ý mình vào tất cả những thay đổi, nếu bạn không có được một mức định
lực nào đó. Và khi có được định lực rồi, bạn sẽ có thể dùng nó để tập trung tâm
ý vào bất cứ một kinh nghiệm nào của mình - sự phồng xẹp của bụng theo hơi thở,
sự lên xuống ở ngực, sự phát sinh và chấm dứt của cảm xúc, hơi thở, tư tưởng
của mình...
Muốn được tiến triển trên con đường thiền quán, bạn cần phải có được loại định
nhất thời này. Thật ra, trên con đường thực tập thiền quán, bạn chỉ cần có bấy
nhiêu thôi, bởi vì tất cả những kinh nghiệm của ta chỉ có mặt trong một phút
chốc. Khi bạn tập trung tâm định này vào những sự biến đổi đang xảy ra trong
thân và tâm, bạn sẽ ghi nhận rằng, hơi thở chính là thuộc về thân, và những cảm
xúc hơi thở, ý thức về cảm xúc, và ý thức về các dấu hiệu, chính là thuộc về
tâm. Trong khi định tâm vào đó, bạn sẽ thấy rằng chúng luôn thay đổi không
ngừng nghỉ. Bạn cũng có thể cảm nhận được một số những cảm giác khác có mặt
trong thân, ngoài cảm giác của hơi thở. Hãy quán sát toàn thân mình. Nhưng cũng
đừng cố gắng tạo thêm một cảm thụ nào không tự nhiên phát sinh trong ta. Chỉ
ghi nhận tất cả những cảm giác nào khởi lên trong thân. Và khi có một tư tưởng
khởi lên, ta cũng cần phải ghi nhận nó. Trong mọi việc xảy ra, bạn chỉ cần nhìn
thấy được tự tính vô thường, vô ngã và bất toại nguyện có mặt trong tất cả
những kinh nghiệm của mình, cho dù đó là thuộc về thân hay tâm.
Khi chính niệm của ta phát triển, sự bất mãn về những đổi thay, sự ghét bỏ
những kinh nghiệm khó chịu và nắm giữ những gì dễ chịu, và ý niệm về một cái
tôi, tất cả những điều đó sẽ được thay thế bằng một nhận thức sâu sắc về vô
thường, vô ngã và bất toại nguyện. Cái nhìn mới về thực tại này sẽ giúp cho ta
có được một thái độ an tĩnh và chín chắn hơn về cuộc đời. Ta sẽ thấy rằng,
những gì trong quá khứ ta cho rằng thường hằng và bất biến, thật ra đang thay
đổi rất nhanh, tưởng chừng như tâm ta cũng không thể nào bắt theo kịp. Nhưng dù
vậy, chúng ta vẫn ghi nhận được hầu hết những biến đổi ấy. Ta sẽ thấy được sự
vi tế của tự tính vô thường và vô ngã. Những tuệ giác này sẽ mang lại cho ta an
vui và hạnh phúc, và giúp ta đối diện với những vấn đề trong đời sống hằng ngày
một cách sáng suốt hơn.
Khi tâm ta hợp nhất với một hơi thở luôn chuyển động, ta sẽ tự nhiên có mặt
trong giây phút hiện tại này. Ta ghi nhận được cảm thụ phát sinh do hơi thở
tiếp xúc với vành lỗ mũi. Khi yếu tố đất của hơi thở tiếp xúc với yếu tố đất
của lỗ mũi, tâm ta sẽ cảm nhận được sự chuyển động của không khí ra vào. Cảm
giác ấm áp có mặt nơi đầu mũi, hoặc ở bất cứ phần nào trên cơ thể, là do sự
tiếp xúc với yếu tố lửa phát sinh lên bởi tiến trình của hơi thở. Cảm thụ về vô
thường của hơi thở phát khởi lên khi yếu tố gió của nó chuyển động xúc chạm với
lỗ mũi. Mặc dù yếu tố nước cũng có mặt trong hơi thở, nhưng tâm ta không thể
ghi nhận được nó.
Và ta cũng cảm nhận được sự phồng xẹp và co giãn của buồng phổi, bụng, phần
dưới đan điền, khi hơi thở trong sạch được vào ra nơi phổi. Sự co giãn của phần
dưới rốn, bụng và ngực đều là một phần của một tiết độ nhịp nhàng chung của vũ
trụ. Tất cả mọi việc trong vũ trụ này đều có một nhịp co thắt và giãn nở, cũng
giống như hơi thở và cơ thể của ta. Mọi sự việc đều sinh ra và diệt đi. Nhưng ở
đây, chúng ta chỉ chủ yếu quan tâm đến hiện tượng sinh diệt của hơi thở và
những phần chi tiết của thân và tâm mà thôi.
Mỗi khi ta thở vào, ta kinh nghiệm được một sự tĩnh lặng nho nhỏ nào đó. Sự
tĩnh lặng đó sẽ trở thành sự căng thẳng nếu ta ngừng lại trong giây lát và
không chịu thở ra. Khi ta thở ra, sự căng thẳng sẽ biến mất. Và sau khi thở ra,
ta cũng sẽ cảm thấy khó chịu nếu chúng ta chờ đợi hơi lâu một chút, trước khi
mình lại thở vào. Điều đó có nghĩa là, mỗi khi phổi ta đầy, ta phải thở ra, và
mỗi khi phổi ta trống, ta phải thở vào. Sau mỗi lần thở vào ta sẽ cảm thấy một
sự an tĩnh nho nhỏ, và sau mỗi lần thở ra ta cũng cảm thấy một cảm giác an tĩnh
nho nhỏ. Chúng ta muốn được an tĩnh và thoải mái, ta không thích cảm giác căng
thẳng vì thiếu hơi thở. Ta muốn sự thoải mái ấy được kéo dài lâu hơn, và sự
căng thẳng qua đi nhanh hơn. Nhưng sự căng thẳng ấy không qua nhanh như ý ta
muốn, và cảm giác tĩnh lặng ấy cũng không ở lâu như ta mong cầu. Và vì vậy mà
ta đâm ra bực bội và cau có. Điều đó giúp cho ta thấy được một sự thật là, chỉ
cần một mức độ nắm bắt rất nhỏ nhoi, trong một hoàn cảnh vô thường, cũng có thể
mang lại cho ta nhiều khổ đau. Và vì không có một cái tôi nào có khả năng làm
chủ được tình trạng ấy, ta lại càng cảm thấy thất vọng hơn nữa.
Nhưng nếu ta biết theo dõi hơi thở của mình mà không mong cầu sự an tĩnh, và
cũng không ghét bỏ sự căng thẳng phát sinh theo mỗi hơi thở ra vào, chúng ta
chỉ kinh nghiệm thuần túy những tự tính vô thường, vô ngã và bất toại nguyện của
hơi thở mình, tâm ta sẽ tự nhiên trở nên tĩnh lặng và an vui.
Tâm ta không phải lúc nào cũng có mặt với hơi thở. Nó cũng sẽ có mặt với những
âm thanh, ký ức, tình cảm, ý tưởng, nhận thức và các tâm hành khác khởi lên.
Khi chúng ta kinh nghiệm được trạng thái này, ta nên tạm quên đi cảm thụ của
hơi thở, và lập tức đem sự chú tâm của mình đặt lên các đối tượng mới - mỗi lần
chỉ một cái thôi, đừng bao giờ một lúc mà gom hết tất cả. Và khi những đối
tượng ấy phai mờ đi, ta lại đem tâm mình trở về với hơi thở. Hơi thở là một căn
nhà trú ẩn mà tâm ta có thể trở về sau mỗi chuyến đi, dài hoặc ngắn, đến những
trạng thái khác nhau của thân tâm. Và chúng ta cũng nên nhớ rằng, tất cả những
hành trình này đều xảy ra ngay trong chính tâm thức của mình.
Mỗi khi ta mang tâm mình trở lại với hơi thở, nó trở về mang theo một tuệ giác
sâu sắc hơn về tự tính vô thường, vô ngã và bất toại nguyện có mặt trong tất
cả. Tâm ta có được nhiều tuệ giác hơn nhờ biết quán chiếu, theo dõi những gì
xảy ra một cách khách quan, không dính mắc. Ta ý thức được một sự thật là thân
này, cảm thụ này, nhận thức này và các tâm hành này, chỉ được dùng với một mục
đích duy nhất, là để giúp ta nhìn và hiểu sâu về một thực tại phức tạp của thân
tâm.