VÀI TRẢI NGHIỆM HÀNH THIỀN
Tuệ Thiền Lê Bá Bôn
- Là cư sĩ, tôi chọn cách sống bình thường (thông thường) của một người dân.
- Tìm hiểu, học hỏi Chánh Pháp Giác Ngộ.
- Có chủ hướng ngộ nhập tâm thể bất sinh bất diệt (Tánh Viên Giác) vì thiện ích cho mình, cho tất cả chúng sinh, cho sự nghiệp giác ngộ chung.
- Hoan hỉ và thật tâm tôn trọng tất cả các tôn giáo, các tông phái, các pháp môn, các đường lối tu tập có giá trị hướng thiện-hướng thượng tâm linh.
- Sống nương theo lời khuyên của Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo.
- Không chấp thủ bất kì khái niệm-tướng trạng nào trong thế giới vô minh của cái “tôi” (huyễn tướng âm thầm chấp ngã, vị ngã - nguồn cội khổ đau, xung đột).
- Thấy rằng bất kì nhân cách chân chính nào, bất kì sự tu tập chân chính nào cũng phải có sự ý thức về cái “tôi” vọng tưởng (tâm lí ngã chấp).
- Khi cảm nghiệm tâm ý thì nhận ra rằng, cái “tôi” vọng tưởng là vận hành ngôn từ trong tâm (tâm ngôn tâm hành, động thái tạo tác, nói năng trong tâm); diễn trình chánh tư duy cũng vậy.
- Con người có khả năng nhận ra được những nói năng, những vọng niệm trong tâm (tâm ngôn tâm hành), vì tâm ai cũng có sẵn Tánh Nghe (Tánh Giác - thấy nghe nội tâm, tri giác nội tâm).
- Biết nghe lại tâm mình (tự tánh), tức biết sống tỉnh giác, là bắt đầu sống với Huệ Mạng (sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa).
- Tôi thực hành thiền “Phản văn văn tự tánh” (xoay cái nghe nghe tự tánh); cũng chính là quán tâm, tự tri.
- Khi có vọng tưởng thì “tự tánh” là chúng-sinh-tâm; khi vọng tưởng tịch lặng thì tự tánh là Tâm Không (Chân Tâm, Viên Giác) hiện tiền (hiện hữu).
- Khi toạ thiền, lắng nghe tâm ngôn vọng tưởng là “độ thoát tất cả chúng sinh”; chúng-sinh-tâm ở cá nhân và chúng-sinh-tâm trong toàn vũ trụ là một mạng lưới tương quan tương duyên với nhau, biết tự độ là có tác dụng độ tha.
- Tâm Không là Tâm thấy biết-vô ngôn vô niệm, là bổn lai diện mục, là Tánh Không, là bản thể Tuệ Giác.
- Tâm Không là pháp thân, tâm ngôn chánh tư duy là hoá thân, Lắng Nghe là báo thân; tam thân nhất thể.
- Thường sống với năng lực Lắng Nghe (báo thân); lắng nghe Tâm Không tịch chiếu là ngộ nhập bản thể; lắng nghe tâm ngôn vọng tưởng, tâm ngôn chánh tư duy, tâm thái đối cảnh (sự-vật) là diệu dụng.
- Với người đang học tập như tôi, trong thời gian chuyên dành cho thực hành thiền định, quan trọng là lắng nghe cái “tôi” vọng tưởng; và ngộ nhập thâm sâu bản thể bất sinh-bất diệt, tức là thường an định lắng nghe Tâm Không.
- Thường tỉnh giác lắng nghe với tâm thái tự tại-từ bi-vô tác-vô cầu-đang là với cái đang là.
- Để chia sẻ với các bạn lữ, xin tóm tắt ngắn gọn như sau:
----
SINH-MỆNH-TUỆ-GIÁC-ĐẠI-THỪA LẮNG NGHE
Tâm xuất hiện cái “tôi” vọng tưởng, lắng nghe tâm ngôn vọng tưởng (tức là lắng nghe lời thì thầm trong tâm);
Tâm khởi chánh tư duy, lắng nghe tâm ngôn chánh tư duy (tức là lắng nghe những nói năng suy nghĩ cần thiết cho thực tế cuộc sống, cho đạo lí giác ngộ);
Tâm đối diện với sự việc, lắng nghe tâm thái đối cảnh (tức là tỉnh táo-chú tâm-không nghĩ ngợi miên man đến chuyện khác, trong lúc đang làm việc, lái xe, thảo luận…);
Tâm-Vô-Ngôn (vô niệm) hiện tiền, lắng nghe Tâm Không (tức là Tâm bất sinh-bất diệt).
Thường tỉnh giác lắng nghe với tâm thái tự tại-từ bi-vô tác-vô cầu-đang là với cái đang là.
***
“Tri huyễn tức li, li huyễn tức giác”. (Kinh Viên Giác).
“Phản văn văn tự tánh” - (Xoay cái nghe nghe tự tánh). (Kinh Lăng Nghiêm).
***
* “Sinh-mệnh-Tuệ-Giác-đại-thừa lắng nghe” chính là “tự tri-tỉnh thức-vô ngã”.
* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình. (Đường Về Minh Triết-có bổ sung; Tuệ Thiền Lê Bá Bôn; Thuvienhoasen.org).
* Tâm Không: Tánh Không, Tâm bất sinh-bất diệt, chân lí tuyệt đối, Thượng Đế, bản thể vũ trụ, cội nguồn cuộc sống-cội nguồn muôn vật, Phật tánh, Viên Giác, Như Lai tạng, trường tiềm năng, trường trí tuệ, pháp thân, pháp giới, thực tính Chân-Thiện-Mĩ.
----------
* GHI CHÚ:
Dưới bài thơ Ấm Áp Niềm Tin (Tuệ Thiền-Lê Bá Bôn; Thivien.net) có lời kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo.
(https://www.thivien.net/Tu%E1%BB%87-Thi%E1%BB%81n/%E1%BA%A4m-%C3%A1p-ni%E1%BB%81m-tin/poem-Dmz62eAV4u-71N00n2Bgaw)
-----------------------
MỘT SỐ TRÍCH ĐOẠN THAM KHẢO:
(Các chữ IN HOA là để nhấn mạnh; có vài chỗ trong ngoặc đơn do người đọc, dựa theo nội dung tác phẩm, thêm cho rõ nghĩa)
* (Trích trong: Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông giảng giải; cư sĩ Lê Sỹ Minh Tùng; https//thuvienhoasen org/a9781/quan-the-am-bo-tat-nhi-can-vien-thong-giang-giai)
“Tôi không quán âm thanh đối tượng mà tôi QUÁN CÁI TÂM NĂNG QUÁN CỦA MÌNH, khiến cho chúng sinh khổ não trong mười phương quán âm thanh như vậy thì được giải thoát”.
Quán âm thanh đối tượng bên ngoài thì âm thanh này không phải là diệu âm. Chỉ có âm thanh phát xuất từ tấm lòng của chính mình thì mới là diệu âm. Diệu Âm tức là Quán Thế Âm, là HẢI TRIỀU ÂM, là tiếng Pháp tự nói trong lòng của mình. CHÚNG SINH TỰ NGHE RỒI HUÂN TẬP MÀ TU LẤY ĐỂ SỬA LẠI CHO TÂM ĐƯỢC THANH TỊNH. Tránh điều ác nghĩ điều lành cho đến khi không còn tránh ác phục thiện thì đạt được vô tác diệu lực, tức là tự nó có thanh tịnh, nghĩa là có giải thoát. (…)”.
-----
* (Trích trong: Kinh Pháp Hoa - phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn; hoà thượng Thích Thanh Từ giảng;
http//thuongchieu net/index php/chuyende/kinhphaphoagiang/3011-phamphomon)
“Diệu Âm, Quán Thế Âm
Phạm Âm, Hải Triều Âm
Tiếng hơn thế gian kia
Cho nên phải thường niệm”. ("Niệm" là "nhớ").
Diệu Âm là tiếng nhiệm mầu, Quán Thế Âm là quán tiếng của thế gian. Phạm Âm là tiếng thanh tịnh. Hải Triều Âm là tiếng sóng biển nó vang không dừng.
Vậy tiếng gì là tiếng nhiệm mầu, tiếng thanh tịnh, tiếng hải triều? ĐÓ LÀ TIẾNG KHÔNG LỜI Ở NƠI MÌNH, NGHĨA LÀ VƯỢT KHỎI CĂN VÀ TRẦN NÀY, KHÔNG CÒN MẮC KẸT NƠI CĂN, KHÔNG CÒN MẮC KẸT NƠI TRẦN THÌ MỚI NGHE ĐƯỢC TIẾNG ĐÓ. Cho nên ở đây thường niệm luôn luôn, nhớ chỗ đó không quên, được như vậy đó là không theo tiếng mà mất mình”.
-----
* (Trích trong: Tưởng niệm Daisetz Teitaro Suzuki; bài: Thiền và Từ Bi - giáo sư Masao Abe; dịch giả Hạnh Viên)
“(…) Vô vị chân nhân” của Lâm Tế chẳng qua là chủ thể tuyệt đối này. (…) Cho nên Lâm Tế nói về “Nhân” này: “Nó là kẻ năng động nhất ngoại trừ nó không có gốc rễ, cũng không có thân cành. Có thể các ông cố nắm bắt nó, nhưng nó không ngưng tụ lại; có thể các ông cố xua nó đi, nhưng nó không tan ra. Càng cố đạt nó các ông càng xa nó. Khi không muốn đạt nó nữa, thì kìa, nó ở ngay trước các ông. TIẾNG GỌI SIÊU GIÁC QUAN CỦA NÓ VANG DỘI TRONG TAI CÁC ÔNG”. (…)”.
-----
* (Trích trong Bút Hoa (nhật kí); thiền sư Jiddu Krishnamurti, dịch giả Ẩn Hạc. Ngài Jiddu Krishnamurti là một danh nhân giác ngộ, không theo tôn giáo nào cả; được Liên Hợp Quốc tôn vinh; được rất nhiều người với đủ mọi thành phần xã hội ngưỡng mộ, trong đó có ngài Đạt Lai Lạt Ma & nhà khoa học danh tiếng-giáo sư tiến sĩ vật lí David Bohm).
“CHỨNG NGHIỆM VỀ BẢN THỂ LÀ ĐỈNH CAO CỦA CƯỜNG LỰC, của nhạy cảm. Đây là vẻ đẹp vượt trên ngôn ngữ và cảm thức.
(…) Nó theo chúng tôi chí đến giờ đi ngủ và DUY TRÌ THÀNH TIẾNG RÌ RÀO SUỐT ĐÊM. Điều này không thuộc phạm vi kinh nghiệm, nó chỉ ở đó một cách giản dị, bằng một sức mạnh dữ dội, một phép lành.
(…) TÂM trong tính toàn thể bao trùm cả trí óc, tư tưởng của nó, cảm thức của nó, đang rỗng rang; VÀ TỪ CÁI RỖNG RANG ĐÓ, NĂNG LỰC CÀNG LÚC CÀNG THÂM SÂU, LAN RỘNG, VÔ LƯỢNG. Bởi vì mọi so sánh, mọi lượng giá đều xuất xứ từ tư tưởng tức là thời gian, “BỜ BÊN KIA” LÀ TÂM PHI THỜI GIAN, là hơi thở của chân chất an nhiên và của cái bao la vô tận. NGÔN TỪ KHÔNG PHẢI LÀ THỰC TẠI; chúng chỉ là một phương tiện truyền thông chứ không phải là cái chân chất an nhiên, cái vô lượng vô biên. Cái trống rỗng (TÂM KHÔNG) là cái một mình (NHẤT THỂ)”.
(“Chứng nghiệm tâm linh của ngài J. Krishnamurti”. Đường Về Minh Triết-có bổ sung; có bảng mục lục ở cuối file: https //thuvienhoasen org/a22566/duong-ve-minh-triet).
-----
* (Trích trong: Vài dòng giới thiệu về chữ OM Phạn ngữ; tiến sĩ Huệ Dân; https//www daitangkinhvietnam org/node/8087?page=13)
“Chữ OM (AUM) là một phiên âm tiết hay phiên âm vần của những âm thanh được kết lại từ những chữ: A, U, M trong Phạn ngữ, và cũng là một âm thanh có một không hai trên đời, bởi vì Âm Thanh Vần này bao gồm tất cả sự cấu tạo của Vũ Trụ và thường dùng trong các câu Thần chú của đạo Phật, đạo Hinđu, đạo Giai Na, đạo Sikh, đạo Bà La Môn.
Ý nghĩa chính xác của chữ Om, chưa có tài liệu nào khẳng định một cách xác thực về nguồn gốc của nó, nhưng người ta nghĩ rằng, đây là một chữ mà áo nghĩa của nó chắc chắn có liên quan đến việc tín ngưỡng thuộc về thần linh, THƯỢNG ĐẾ, đấng tạo hoá… trong tôn giáo Ấn Độ.
Theo những văn bản ghi chép đầu tiên của kinh Vệ Đà, thì nội dung và ý nghĩa của chữ Om hay Aum được xem như là biểu hiện đầu tiên của Brahman qua sự kết hợp của những hiện tượng hình thành trong vũ trụ. Bởi vì những cơ bản trong chiêm tinh học của Hindu có khái niệm rằng: TẤT CẢ NHỮNG HIỆN TƯỢNG HÌNH THÀNH TRONG VŨ TRỤ ĐỀU BẮT NGUỒN TỪ NHỮNG RUNG ĐỘNG CỦA “OM” (HAY “AUM”).
(…)
OM là ý nghĩa căn để của chữ Brahman, là âm thanh rung động sâu sắc có sức THÂM NHẬP ĐỒNG NHẤT, mà vũ trụ lực của chính nó là TÂM THỨC nằm trong BẢN THỂ của tất cả vạn vật.
CHỮ OM ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT TRONG CÁC BIỂU TƯỢNG QUAN TRỌNG CỦA PHÁI DU GIÀ. Khi nó thoát ly thuật thần bí và ma lực của các thực hành hiến tế, hay thoát khỏi các lối suy luận triết lý của tư tưởng trước đây, thì nó biến thành MỘT PHƯƠNG TIỆN THIẾT YẾU TRONG SỰ THỰC HÀNH THIỀN ĐỊNH. Một phương thức tâm lý để cứu trợ.
(…)
Những ý nghĩa khác của chữ AUM trong Phật học: OM có nghĩa là Quy mệnh. OM tượng trưng cho thân các vị Phật trong các câu thần chú. OM ĐÓNG CÁNH CỬA LUÂN HỒI. OM THANH TỊNH HOÁ BẢN THÂN. OM là lời cầu nguyện hướng về thân thể của các vị Phật. OM LÀ TRÍ TUỆ THANH THẢN, AN BÌNH. OM cũng là thân, khẩu, ý.
(…)
Chữ AUM có 100 ý nghĩa khác nhau và là một từ tối cao và từ tạo được mọi điều. NẾU BẠN ĐANG HÀNH THIỀN TRONG IM LẶNG SÂU SẮC, BẠN CÓ THỂ NGHE NHỮNG ÂM THANH TRONG AUM. ĐÓ LÀ NHỮNG ÂM THANH NGUYÊN THUỶ CỦA VŨ TRỤ”.
-----
* (Trích trong: Sự Sống Sau Cái Chết-gánh nặng chứng minh; tiến sĩ y học-nhà nghiên cứu tâm linh Deepak Chopra; dịch giả Trần Quang Hưng)
“Các bình diện tồn tại khác nhau TƯƠNG ỨNG VỚI CÁC TẦN SỐ Ý THỨC (tâm thức) khác nhau. Thế giới vật chất chỉ là biểu hiện của một tần số nhất định. (Vài chục năm sau tôi mê mẩn khi được biết các nhà vật lí cho rằng CÓ MỘT ÂM THANH NỀN CỦA VŨ TRỤ, rất đặc biệt, kêu như nốt nhạc Si giáng, mặc dù nó rung ở tần số thấp hơn mức tai người nghe được hàng triệu lần).
(…)
Yoga sử dụng các khoảng thời gian kéo dài trong TRẠNG THÁI TĨNH LẶNG SÂU SẮC (ĐỊNH-SAMADHI) để đưa CÁC RUNG ĐỘNG PHÚC LẠC vi diệu lên bề mặt của tâm trí, khiến người ta LĨNH HỘI ĐƯỢC ÂM “O O” CỦA VŨ TRỤ hiện diện trong mọi thể nghiệm”.
-----
* (Trích trong Bích Nham Lục; hoà thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng)
“Trên trời, nhân gian chẳng tự hay / Trong MẮT trong TAI lắm thích thú.” (Thiền sư-thi sĩ Tuyết Đậu).
-----
* (Trích trong: Lửa Giác Ngộ; danh nhân giác ngộ Jiddu Krishnamurti; dịch giả Đào Hữu Nghĩa)
“(…) Não không còn nhai đi nhai lại, không còn tiếp diễn, nếu bạn thấy chỗ tôi muốn nói. Não tịch lặng.
(…) Khi não thực sự LẮNG NGHE VÀ TỊCH LẶNG, không do bất kì động cơ nào, bấy giờ mới có TUỆ GIÁC. Tôi không cần giải thích đủ cách về sự hạn chế của tư tưởng. Nó là thế.
(…)
Khi não tuyệt đối tịch lặng thì KHÔNG CÓ TIẾNG ĐỘNG TẠO RA BỞI TỪ NGỮ (tâm ngôn-tâm hành, nghĩ ngợi-nói năng trong tâm). Đó mới là LẮNG NGHE SỰ THỰC. (…).
Não khi nó động nó tạo tiếng ồn. Trở lại vấn đề âm thanh, vì vấn đề này hết sức thú vị. Âm thanh là gì? ÂM - THUẦN ÂM - CHỈ CÓ THỂ TỒN TẠI KHI CÓ KHÔNG GIAN VÀ SỰ TỊCH LẶNG; khác đi thì chỉ là sự ồn ào náo động.
(…)
Giác đòi hỏi một tâm thái tuyệt dứt quá khứ. GIÁC LÀ PHI THỜI GIAN. Thế đấy. TÔI TRI GIÁC HAY GIÁC. Trí não tôi đầy nghẹt định kiến, kiến thức, kết luận, tin tưởng, tín điều và TÔI NHÌN HIỆN TẠI QUA CÁC CÁI ĐÓ. Và hiện tại đó được cải biên bởi thách thức - tôi có thể thay đổi vài tin tưởng nhưng tôi vẫn ở trong cùng một phạm vi. Hiện tại được cải biên và do đó, tương lai là sự cải biên.
(…)
* (Trích trong Pháp Bảo Đàn kinh; hoà thượng Thích Thanh Từ dịch và giảng)
"(...) Trong tâm mình không có sai quấy, không có ác, không tật đố (ghen ghét), không tham sân, không cướp hại, gọi là giới hương (hương thơm giới hạnh)”.
"(...) Khuyên thiện tri thức quy y TỰ TÁNH Tam Bảo (Tam Bảo trong tâm mình). Phật là Giác vậy. Pháp là Chánh vậy. Tăng là Tịnh vậy (...).”
------------------------