Dòng Thiền Việtnam: Vinh Danh 2 Vị Thiền Sư Thích Thanh Từ Và Thích Nhất Hạnh | Bác Sĩ Thái Minh Trung
VINH DANH 2 VỊ THIỀN SƯ
THÍCH THANH TỪ VÀ THÍCH NHẤT HẠNH
Biểu tượng của hoa sen và người Việt Nam
Đặc tính của hoa sen là gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Lịch sử Việt Nam đã từng trải qua những giai đoạn chiến tranh triền miên từ thế hệ này qua thế hệ kia. Như vậy, đấu tranh để vương lên đã cò sẵn trong dòng máu người Việt Nam. Dân tộc Việt Nam đã chiến đấu lâu dài và chiến thắng nhiều cường quốc xâm lăng trong quá trình ngàn năm lịch sử để giành lại độc lập cho đất nước mình. Những khổ đau của chết chốc, ly tang là tiếng chuông thức tỉnh, giúp dân tộc Việt Nam vượt qua những vết thương hận thù để phát triển lòng nhân ái tạo nên một đất nước tốt đẹp hơn.
Thiền sư đương thời
Ngoài xã hội, chúng ta có nhiều vị anh hùng đấu tranh cho độc lập và tự do. Nói về tôn giáo, vào thế kỷ 20, Việt Nam ta có 2 vị thiền sư, đó là hòa thượng Thích Thanh Từ và hòa thượng Thích Nhất Hạnh. Hai vị đó là ngọn đuốc soi sáng tâm linh người Việt Nam, giúp dân tộc Việt Nam có một hướng đi tâm linh vững vàng trong hoàn cảnh chiến tranh đổ máu bên ngoài. Hai vị này có công sức đem đạo vào đời. Tu không phải là bỏ đời đi tu trong chùa, mà tu là thay đổi cái nhìn trong tâm để có một hướng đi vững chắc xuyên qua những biến cố đảo điên không ngừng ở ngoại cảnh.
Hai vị đó nhắc nhở chúng ta tu là không phải tự trói buộc trong hình thức lễ nghi bên ngoài mà ngược lại là khai phá khu rừng cố chấp để cho chúng ta có sự ổn định và tự do tâm linh. Chúng ta không thể giải quyết chiến tranh bên ngoài khi ta mang sự thù hận bên trong. Cái giận dữ đó có khả năng biến gia đình và xã hội thành một bãi chiến trường! Khi ta hành thiền, khi nhận ra được tự do tâm linh, thì sẽ hiểu rằng thiền không có giới hạn nào hết. Cái hàng rào của giai cấp, học thức, giới tính, tôn giáo, chính trị sẽ bị tan biến. Con người sẽ nhìn nhau với ánh mắt chân thật rồi sự thông cảm, thân thiện với nhau sẽ bắt đầu từ đó.
Nói một cách khác, Chồng Phật giáo, vợ Công giáo vẫn có thể ngồi thiền với nhau. Họ có thể nở nụ cười thông cảm khi chồng đi lễ nhà thờ với vợ và vợ đi chùa với chồng.
Thiền là đạo, có nghĩa là con đường dẫn đến tự do tâm linh, thiền vượt ngoài phạm vi trói buộc của tôn giáo và tín ngưỡng. Thiền không phải là tin mù quáng mà trải nghiệm sáng suốt. Như trên là một thí dụ của thiền nhập thế do 2 vị thiền sư Thích Thanh Từ và Thích Nhất Hạnh khai thông.
Thiền phái Trúc Lâm và thiền sư Thích Thanh Từ
Sau khi Phật nhập Niết bàn, có lẻ người Ấn độ nghiêng nặng về hình thức nên tổ sư thiền tông Bồ Đề Đạt Ma phải đi qua Trung quốc truyền bá thiền. Đặc trưng của thiền tông là không truyền pháp Phật qua kiến thức kinh điển hoặc triệt để theo giới luật mà áp dụng phương pháp trực chỉ “tâm truyền tâm”. Sau đó có nhiều thiền sư Trung Quốc gia nhập Việt Nam và tạo ra nhiều phái thiền như Tì Ni Đa Lưu Chi. Vua Trần Nhân Tông là tổ sư đầu tiên của phái thiền Trúc Lâm, là người Việt Nam sáng lập thiền Việt Nam cho dân tộc Việt Nam.
Đặc sắc của phái thiền Trúc Lâm là sự kết hợp giữa đời (bổn phận làm vua, giữ nước) và đạo (thiền) với nhau. Ngoài ra vua còn củng cố các môn phái thiền khác nhau thành một, tạo sự thống nhứt cho Phật giáo Việt Nam. Chỉ tiêu của nhà vua- thiền sư là đem đạo vào đời, không tách biệt đạo khác với đời và chứng minh lòng thành của mình bằng cách thực hiện qua hành động. Hội nghị Diên Hồng chứng tỏ nhà vua thực hành thiền. Ngài thương dân, gần gũi với dân, hợp tác với dân với mục đích chung là chống giặc Mông Cổ xâm lăng. Vua không có thái độ vua hơn dân nên dân phải nghe theo vua và vua không cần nghe ý dân.
Thiền phái Trúc Lâm bị lu mờ một thời gian dài và được thiền sư Thích Thanh Từ phục hưng lại qua những bài thuyết pháp rất thực tế dễ hiểu và đi thẳng vào lòng người. Ngài có công đem thiền vào đời sống thường ngày của dân gian. Thiền không phải là đề tài bàn cãi của giới trí thức giữa bàn tiệc. Thiền cũng không phải riêng cho một nhóm tu sĩ xuất gia mà người ngoài không thể nào hiểu được. Ngài khai phá rừng kinh điển, vẽ ra con đường thiền rất đơn giản: chân tâm và vọng tâm, ta nên theo tâm nào? Ngài giải thích tánh không hay chân tâm trong tầm tay của mọi người. Chúng ta có thể thực tập thiền ở mọi nơi mọi lúc! Mọi người bất chấp sự khác biệt về nam nữ, học vấn, giai cấp... nếu tu thiền trở về tánh không (Phật tánh) thì sẽ thành Phật.
Nói tóm lại, Phật tử không cần học nhiều hiểu rộng, chỉ cần phân biệt tâm nào là vọng tâm, tâm nào là chân tâm và trở về sống vời chân tâm. Khi tâm ta động, ví như mặt hồ nước có sóng, thì lúc đó sự phản ảnh của mặt nước sẽ bị méo mó. Những gợn sóng đó, từng giây từng phút tạo ra sự khác biệt mâu thuẫn (vọng tâm). Khi tâm tịnh (chân tâm) thì mặt nước sẽ phẳng lặng, mọi người đều thấy như nhau, không còn mâu thuẫn đối đãi. Thiền không nhất thiết là phải ngồi kiết già tại chỗ mà ta có thể tập thiền lúc đi, đứng, nằm, ngồi.
Thiền sư Thích Thanh Từ làm thiền Trúc Lâm sống lại thời thế kỷ 20. Ngài đem đạo vào đời, đem thiền vào đời sống hàng ngay. Thiền không phải là một ý tưởng hay khái niệm cao xa mà ngược lại thiền là một cách sống tự tại trong một hoàn cảnh rối loạn. Thiền, dừng tâm loạn động lại để tâm sáng suốt hiện ra có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày của mọi người dân. Càng nhiều người tập thiền, từ giới lãnh đạo đến thường dân thì cuộc sống hạnh phúc về thể xác lẩn tinh thần của dân tộc là mục tiêu trong tầm tay!
Thiền sư Thích Nhất Hạnh và cách thực hành thiền “có tâm” (mindfulness)
Ngài có công nhập dòng thiền Việt Nam vào thế giới phương Tây. Ngài giới thiệu danh từ “mindfulness” và phổ biến danh từ này rộng rãi hơn như một thể nghiệm (experience) giúp cuộc sống căng thẳng (stress) hấp tấp chạy theo thời gian trở nên dễ chịu hơn. “Mindfulness” hay “có tâm” có thể trải nghiệm được khi ta lắng dòng tư tưởng lăng xăng lại. Khi ta lắng nghe đối phương nói chuyện thì những thành kiến của ta sẽ được rủ bỏ dần dần. Khi ta lắng nhìn thiên nhiên thì ta sẽ thương thiên nhiên hơn và sẽ chủ động bảo vệ môi trường thiên nhiên. “Trái tim mặt trời” là tựa của một quyển sách mà ngài viết. Khi ta lắng nghe đồng loại thì kẻ thù ta trở thành anh em trong nhà, khi ta lắng nhìn thiên nhiên thì thiên nhiên không phải là một vật thể để ta khai thác và làm ô nhiễm môi trường, mà thiên nhiên là sức sống trong mọi người. Khi có tâm thì ta mới hiểu được tình yêu của mẹ thiên nhiên ở mọi người. Khi nhận diện được tình yêu đó thì ta sẽ không có lòng tranh chấp nửa. Khi ta làm người khác khổ lúc đó chính ta làm ta khổ.
“Trái tim mặt trời” đem con người gắng kết với thiên nhiên qua thiền, giúp mọi người có cùng nhịp thở với vũ trụ. Mặt trời đây không phải là một hành tinh vô tri. Từng giây, từng phút mặt trời ảnh hưởng đến cuộc sống trên quả địa cầu và trong vũ trụ. Ngài giúp cho xã hội phương Tây hiểu rằng khi con người tàn phá thiên nhiên thì họ tàn phá một phần của chính mình. Hậu quả của thiên tai, quả địa cầu bị hâm nóng (global warming) hay mâu thuẫn, chiến tranh đều phát xuất từ hành động thiếu ý thức của con người. Ngài tạo ra phong trào thiền để xả stress.
Thực hành thiền “có tâm” (mindfulness meditation) là một phương pháp rất hiệu nghiệm được sử dụng rộng rãi trong y khoa và tâm lý học để giảm bớt sự căng thẳng thần kinh. Stress là nguyên nhân của nhiều bịnh tật như trầm cảm, hệ thống tiêu hóa bất điều hòa (Irritable bowel syndrome), hệ thống tim mạch bất điều hòa tạo ra hồi họp và mất ngũ kinh niên. Tóm lại, thiền “có tâm” kết nối con người với nhau và con người với thiên nhiên. Khi thiền ta sẽ hiểu rằng, ta vừa là đứa con của gia đình nhưng cũng là đứa con của đất nước và của vũ trụ.
Khai thác thiền ở những vùng đất khác nhau
Bàn về thiền là chúng ta nói về ngón tay chỉ mặt trăng (phương tiện tương đối). Văn hóa Đông Phương thường chủ trương hòa họp với thiên nhiên. Đó là gốc nhìn của nhà nông, phải biết cách sinh hoạt, trồng trọt sao cho hòa họp với mùa màng. Điểm yếu của văn hóa Đông Phương là nghiêng nặng về truyền thống, về trật tự xã hội. Trò không thể hơn thầy được nên không thích họp cho sự sáng tạo nghiên cứu. Chính vì thế mà dòng thiền muốn phát triển và giúp văn hóa Đông Phương là phải chủ trương phá bỏ, đó là chủ trương thiền là trở về tâm không.
Ngược lại dòng thiền đi vào phương Tây phải khác hơn. Văn hóa Tây Phương nghiêng về chủ nghĩa cá nhân đề cao cái nhìn của mình và coi thấp cái nhìn của đối phương. Triết gia Descartes đã nói: Tôi suy nghĩ nên tôi hiện diện. Khi tôi suy nghĩ khác anh thì tôi hay sản phẩm tôi sáng tạo ra sẽ có nhiều giá trị hơn. Nhìn thời trang hay những kiểu xe khác nhau thi ta sẽ hiểu sự thu hút của cái mới lạ. Cạnh tranh sanh ra từ đó, mà có cạnh tranh là người đối diện không quan trọng bằng tôi. Chính vì thế dòng thiền nhập vào Tây Phương phải đề cao sự thông cảm, đó là thiền “có tâm” (mindfulness).
“Tâm không” có phải nghịch lý của “có tâm” không?
Ta thấy tượng Phật ở Việt Nam và Thái Lan không giống nhau. Cũng như thế Chúa Jesus thờ ở Phi Châu sẽ có da ngâm đen hơn là Chúa thờ ở những nước Âu Châu. “Tâm không” là một phương tiện để phá cái chấp vào truyền thống, như Phật đã từng nói: Trong 49 năm hoằng pháp, Như Lai chưa từng nói một lời! Ngụ ý là phá cái chấp vào văn tự (kiến giải) của đời sau, hiểu lầm cái bóng là cái hình, rồi càng đi xa chân lý.
“Có tâm” là một cách nói để cho người Tây Phương hiểu được chiến tranh và khai thác thiên nhiên bừa bãi là do ta không ý thức được sự liên kết chặt chẽ giữa con người với nhau và con người và thiên nhiên. Khi có tâm ý thức được sự liên kết đó thì ta sẽ chợt nhận thức ràng khi ta giữ lòng hận thù thì người đau khổ đầu tiên không phải là kẻ thù mà chính là ta. Hận thù khiến ta mất ngủ, lòng bồn chồn, lo nghỉ lăng xăng. Khi cha hay mẹ giận dữ thì đứa con là người chịu khổ đầu tiên. Khi lãnh tụ một đất nước nghiêng về chiến tranh thì người khổ đầu tiên là dân trong nước vì chính phủ tăng thuế để chế tạo vũ khí và cắt giảm những quỹ cải thiện xã hội. Tâm động có khuynh hướng kéo theo tâm động thêm nửa, đau khổ cá nhân có khuynh hướng tạo đau khổ cho người khác. Mục đích của thiền là ý thức được sự tương quan kể trên và tập dừng tâm động lại.
Chất vị của thiền
Nước bỏ vào chai khác nhau và dán lên nhãn hiệu khác nhau là để thu hút những người có sở thích khác nhau dùng những chai nước đó. Chất vị của nước không liên quan đến hình dạng của chai nước và nhãn hiệu khác nhau. Chúng ta không nên dựa trên cái khác nhau về hình dạng để tranh cãi về thiền. Điểm chung của nước là khi uống thì hết khát. Điểm chung của thiền là khi thực hành thiền thì ta sẽ hết đau khổ. Bất kỳ con người ở tôn giáo hay văn hóa nào đi nửa mà thực hành thiền thì đau khổ sẽ bớt đi nhiều.
Thực hành thiền có khả năng thay đổi sự hoạt động của não bộ. Khi đo làn sóng não qua EEG thì các khoa học gia thấy rằng tần số của não bộ thay đổi khi ta tập thiền. Tần số nhanh Beta (suy nghĩ lăng xăng) biến thành tần số Alpha chặm hơn, giúp cho sự sáng suốt tập trung và thư giãn. Học sinh tập thiền và khởi động tần số Alpha sẽ hấp thụ kiến thức dễ dàng hơn, không lo ra, chú tâm học bài hơn. Khi stress quá độ, sẽ dẫn đến bịnh mất ngũ kinh niên, bịnh lo âu và trầm cảm. Khi bịnh nặng, những bịnh trên có nguy cơ dẫn đến tự tử. Hiện nay, thiền “có tâm” (mindfulness meditation) được giới khoa học chấp nhận và khuyến khích áp dụng ở học đường và bịnh viện để giảm stress, giới hạn học sinh tự tử vì stress và giúp bịnh nhân hồi phục nhanh.
Thiền không phải là kiến thức mà thiền là trải nghiệm
Thiền là trở về tâm an bình mà tâm an bình thì không lệ thuộc ở kiến thức. Ngày xưa, tổ Huệ Năng (tổ thứ 6) không biết đọc nhờ người khác đọc kinh cho nghe, ngài chợt nhận ra chân lý và giác ngộ khi nghe đến câu “không nên có chỗ bám víu mà sanh tâm kia” (ưng vô sở trụ nhân sanh kỳ tâm). Vậy tâm “kia” là tâm gì? Thiền sư Thích Thanh Từ dạy đó là “chân tâm”, cái tâm không bị sanh tử lôi cuốn. Cái tâm đó còn gọi là “Phật tánh”, là tâm lắng động không có niệm khởi. Khi ta khởi niệm để giải thích nó thì lúc đó ta đã mất nó rồi! Cái tâm đó không có danh từ để giải thích, đó là một sự trải nghiệm giải thoát khỏi đau khổ. Bạn có thể lên mạng tìm hiểu về những nhãn hiệu nước trên thế giới, bạn có thể hiểu rất nhiều nhưng rồi bạn vẫn là người đang khát nước! Cũng như thế ta có thể bàn nhiều về thiền nhưng ta vẫn ở trong vòng lẩn quẩn của đau khổ.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì dạy hãy tập “có tâm” hiện diện trong mọi hoàn cảnh thì đau khổ sẽ biến mất và bạn sẽ cảm nhận được nhịp tim thương yêu của mặt trời. Mặt trời tượng trưng cho sự ý thức. Ý thức đó không phải ở bên trong cũng không phải ở bên ngoài. Nó không có biên giới ngăn cách ta với cái không phải là ta. Ta là một tế bào của vũ trụ cho nên vũ trụ có trong ta. Đau khổ là một ảo giác của sự ngăn cách. Vì ta bị cái ảo giác ngăn cách điều khiển nên không thể nào diệt trừ được tham sân si. Khi ta bị ngộp thở trong cái họp kín thì ta có lòng ham muốn bôm khí Oxy vào đó (lấy về cho ta). Khi ta ra khỏi được cái họp Ngã đó thì chung quanh ta không có thiếu Oxy nên lòng tham tự nó tan biến. Khi ta dừng lại lắng nghe đối phương, đóa hoa thông cảm sẽ nở ra, lúc đó không cần diệt trừ, sân tự nhiên biến mất.
Kết luận
Tóm lại thiền là một cách đem đạo vào đời, không phải bằng cách dạy đạo cho người khác hoạc thuyết phục họ phải theo tôn giáo của ta, mà bằng phương pháp lắng tâm lại.
Khi ta lắng nghe mà không mưu mô về chiến lược hay lý luận để thắng đối phương thì mâu thuẫn và hiểu lầm sẽ bớt đi rất nhiều. Khi cá nhân tập thiền thì gia đình sẽ hạnh phúc, khi lãnh đạo một nước tập thiền thì người đó sẽ thấy được những giải pháp hòa họp với nước láng giềng và sẽ có những đề án thuận lợi cho môi trường thiên nhiên.
Khi ta cố chấp vào những hình ảnh bị bóp méo bởi những gợn sóng lăn tăn thì chắc chắn mâu thuẫn sẽ không tránh được vì nhiều người thấy nhiều góc cạnh hoàn toàn khác nhau, không thể nào dung hòa được. Khi để mặt nước phẳng lặng thì bây giờ họ mới thấy được như nhau.
Phật muốn ta thực hành thiền, không dùng giáo lý của Phật cho sự tranh cãi, lập trường phái đối lập nhau, nên Phật dạy: Trong 49 năm thuyết pháp, Như Lai chưa từng nói một lời! Như Lai là trước sau vẫn như thế, là sự phản chiếu của mặt nước phẳng lặng.