6. Sự vĩ đại của Mật thừa
Sự khác nhau giữa Mật thừa và Ba-la-mật-đa thừa phải nên được áp dụng vào một trong hai nghĩa của ‘thừa–yāna’: phương tiện qua đó hành giả tiến hành tu tập hoặc là kết quả mà người ta nhắm đến. Không có khác nhau về kết quả, thành Phật; do đó, sự khác nhau dựa vào trong ý nghĩa của thừa như là phương tiện, qua đó, hành giả tu tập đạt kết quả.
Đại thừa cao hơn Tiểu thừa là trong ý nghĩa phương pháp, tâm nguyện tu tập đến giác ngộ tối thượng vì lợi ích cho chúng sinh, và sự phân chia Đại thừa thành Ba-la-mật-đa thừa và Mật thừa cũng là do ở phương pháp. Nói chung, pháp tu dựa vào phương pháp là phương tiện để đạt được Sác thân Phật, trong khi pháp tu dựa vào trí huệ là phương tiện để đạt đến Pháp thân Phật. Để đạt được Pháp thân Phật, người ta cần phải tu tập y theo phương diện Pháp thân, và cả hai thừa Ba-la-mật-đa thừa và Mật thừa đều có con đường trí huệ để hành giả tu tập dạng tương tự của Pháp thân Phật: nhận thức Tính không trong thiền quán đồng như hư không.
Để đạt được Sắc thân, hành giả cần phải tu tập theo lối tương tự với phương diện Sắc thân Phật. Chỉ có Mật thừa mới có phương pháp đặc biệt để đạt công phu tuyệt kỹ nầy bằng cách tu tập theo lối tương tự với phương diện Sắc thân Phật. Sự biểu hiện của thiền định sử dụng một dạng tương tự với Sắc thân là điểm vĩ đại của phương pháp Mật thừa; những điều như thế không được đề ra trong kinh luận.
Để chuyển hóa mọi phiền não, cần thiết phải thiền quán về Tính không, nhưng giải thích nầy phải là phương pháp hoàn hảo để đạt được Phật quả, vì thiền quán về Tính không chỉ chuyển hoá những ý niệm hiện hữu trên cơ sở tự tính và các phiền não căn cứ vào đó; các pháp tu tập khác cũng cần phải có để đạt được sắc thân viên mãn của Phật. Phương pháp hoàn hảo để được ban cho Phật quả nhanh chóng là tu tập Thiên thần Du-già (deity yoga), trong đó, niềm kiêu hãnh của vị thần được thiết lập trong trạng thái kết quả.
Mong cầu sự thành tựu là thân tướng Phật với đầy đủ những tướng tốt chính và phụ. Để đạt được thân tướng nầy hành giả cần phải tu tập bằng quán niệm về thân của một vị Hộ thần tương tự như thân của Đức Phật. Do vậy, tu tập qua thân một vị Hộ thần không phải chỉ dùng để thành tựu công phu thông thường mà chủ yếu là để đạt đến sự thành tựu siêu việt một Sắc thân Phật.
Theo Ba-la-mật-đa thừa, để trí huệ nhận thức Tính không được xem như là chất hoá giải cho những chướng ngại đi đến nhất thiết trí, nó phải được kết hợp với sự phát huy tâm nguyện vị tha và thực hành lục độ ba-la-mật. Những phương pháp cao cả như bố thí, trì giới, nhẫn nhục... giúp ích cho vô số chúng sinh, và dấu ấn trên Phật quả là thành tựu Sắc thân được biểu hiện trong vô số công hạnh vị tha.
Trí huệ siêu việt chân như sâu mầu của các pháp là phương tiện thực hiện trí huệ từ bản tâm của chư Phật. Do vậy, dấu ấn quan trọng trong việc tích tập trí huệ là đạt được Trí pháp thân song hành với sự xả ly mọi nhiễm ô.
Cả Pháp thân Phật lẫn Sắc thân Phật đều không thành tựu một cách đơn độc, vì cả hai đều tuỳ thuộc vào tính hoàn chỉnh của tập hợp quan hệ nhân quả từ phương tiện và trí huệ. Hai tập hợp đóng vai nguyên nhân tổng thể và nguyên nhân đặc biệt của Pháp thân Phật và Sắc thân Phật. Chẳng hạn, nhãn thức phát sinh tuỳ thuộc vào ba nguyên nhân, cảnh trần, nhãn căn (con mắt), và nhãn thức đã sinh khởi trong chốc lát trước đó; khả năng của nhãn thức là nhận biết màu sắc và hình dáng tốt hơn so với âm thanh, đó là ảnh hưởng sâu sắc của nhãn căn; sự hiện hữu một thực thể của thức là ảnh hưởng sâu sắc từ một khoảnh khắc trước đó của thức; và thực thể phát sinh trong hình ảnh của một đối tượng đặc biệt là dấu ấn của khách thể. Đúng là mỗi thứ trong ba nguyên nhân đều được cho là có dấu ấn riêng biệt trong sự phát sinh nhãn thức, dấu ấn của trí huệ là Pháp thân Phật và dấu ấn của phương tiện là Sắc thân Phật.
Vì Ba-la-mật-đa thừa đề ra một phương pháp để thành tựu Trí huệ thân vô niệm của Đức Phật, và Sắc thân ảnh hưởng đến sự chín muồi vô hạn đến tâm thức những chúng sinh khác, đó được gọi là có phương pháp vô thượng. Tuy nhiên, trong Ba-la-mật-đa thừa, nguyên nhân giác ngộ tối thượng chỉ được giải thích qua lục độ ba-la-mật. Những điểm nầy chưa đủ vì thông qua tu nhân như bố thí, trì giới, nhẫn nhục... mà khác với phương diện Sắc thân, là kết quả– thì không thể thực chứng được sự giác ngộ như Đức Phật. Hành giả sẽ phải nỗ lực để đạt được kết quả khác về mặt nguyên nhân. Ảnh hưởng của Phật quả, có chân tánh sâu mầu–Pháp thân–và rộng lớn bao la–Sắc thân được trang nghiêm bằng những tướng tốt chính và phụ–trong một thực thể bất khả phân, được thành tựu từ những nguyên nhân có cùng một thể tính tương tự. Đúng là khi hành giả thiền quán vào ý nghĩa vô ngã tương tự với phương diện Pháp thân (Truth Body); cũng vậy, hành giả nên tu tập pháp Tứ vô lượng tâm (cultivate paths of vastness) tương tự với phương diện Sắc thân.
Trong Mật thừa, ‘vô lượng tâm’ là chỉ cho Ứng hoá thân (divine body). Có vô lượng kiếp để tu đạo–tu tập để thành tựu Ứng hoá thân–và vô lượng kiếp ở quả địa–cực kỳ lâu dài để thành tựu sự cứu độ cho người khác. Thiên thần Du-già là vô lượng vì những vị Phật như Tỳ-lô-giá-na,[1] được xem như là Tánh không và bao hàm trong mỗi yếu tố của hiện hữu, là vô lượng vô biên, thường hằng, không ngằn mé, và tuyệt đối thanh tịnh. Dù hai hiện tượng ấy là thanh tịnh hay ô nhiễm đều được phẩm định qua Tánh không, nên được xem có sự khác nhau do hiện tượng được phẩm định bởi tính chất ấy.
Trong Mật thừa, sự kết hợp giữa phương tiện và trí huệ, hoặc ngược lại, không có nghĩa phương tiện và trí huệ là thực thể riêng biệt, vốn chỉ tương ứng mỗi thành phần với nhau, mà chúng hoàn toàn tương ứng với nhau trong thể tính nhất tâm. Dựa vào phép tu tập về sự kết hợp của phương tiện và trí huệ, khi thể nhập Phật tính, trí huệ bất nhị chính trong Pháp thân sẽ hiển bày như đặc trưng của một Ứng hoá thân. Do vậy, trước khi thiền định quán tưởng về một Ứng hoá thân, rất cần thiết phải an định qua ý niệm vô tự tính (non-inherent existence of oneself) của các pháp. Thế nên, trong phạm trù thiền quán về Tánh không (śūnyatā) nầy, chính ngay trong tâm đó mà hành giả có ý niệm riêng về Tánh không ấy như là đối tượng, và xem đó như là nền tảng thể tướng của Hoá thân.
Rút ra từ xác định về tự tính không (emptiness of one’s own inherent existence) của các pháp, tâm thức tự nó hiển hiện ra nơi khuôn mặt, tứ chi của các Hoá thân. Trí huệ nhạy bén hiển hiện như trong Ứng hoá thân và ngay cùng lúc xác định bản chất vô tự tính của nó. Hai tướng trạng nầy–trí huệ nhận biết bản chất vô tự tính và bản tâm của Thiên thần du-già (deity yoga)–là một thể duy nhất, nhưng nó được xem như là khác nhau từ quan niệm riêng của từng đối tượng. Thế nên, từ quan niệm quy ước của phương tiện và trí huệ, chúng khác nhau trong sự giao xen hiện hữu của từng thực thể. Có thể nói sự khác nhau là ngoài phương tiện ấy là phi phương tiện, và ngoài trí huệ ấy là phi trí huệ.
Dựa vào thân tướng của Ứng hoá thân, sự viên mãn của hiện hữu mà Thiên thần du-già đã phát huy bao gồm cả hai phương diện tuyệt đối và quy ước. Một số các học giả cho rằng trình hiện của tâm thức được xác lập trong Tánh không trong hình thái của Thiên thần du-già có nghĩa là thể nhất tâm nầy có Tánh không như là thể ẩn mật và Ứng hoá thân là thể hiển bày. Như vậy, thức tâm có một yếu tố khẳng định–nhận biết bản chất vô tự tính–và một yếu tố thể hiện–sự phản chiếu sinh động của Ứng hoá thân. Theo cách nầy, sự viên mãn của Thiên thần du-già có hai phương diện, về mặt tuyệt đối là Tánh không–và về mặt quy ước, chính là Ứng hoá thân.
Trong sự giải thích qua kinh luận, có hai hệ thống hoặc cho rằng hiện tượng được thẩm định bởi Tánh không trình hiện trong tâm nên liền cho đó là không (śūnya). Còn hệ thống khác cho rằng một đối tượng được phẩm định do bởi tính chất của nó là không (śūnya) qua quá trình suy luận về Tánh không (śūnyatā) của nó, và người khác lại cho rằng sự hiện hữu của một đối tượng khi nó không còn tồn tại nữa một khi Tánh không (śūnyatā) của nó được nhận ra. Trong tác phẩm Bồ-đề đạo thứ đệ quảng luận[2] của Tông-khách-ba, cho rằng các hiện tượng được phẩm định bằng Tánh không được trình hiện qua tri thức suy luận nhận thức về Không, nhưng trong một số kinh điển thì đưa ra vấn đề ngược lại. Dù sao, ban sơ hành giả thiền quán về Không, và sau đó, trong lĩnh vực liện tục khẳng định Tánh không của tâm, hành giả tin rằng mình đã vận dụng tâm nầy nnhư là nền tảng của mọi trạng thái. Ngay lúc đó, ý tưởng về cái ‘tôi’ được định rõ trong một chủ thể an tịnh–Hộ thần (deity), và khách thể, môi trường, cảnh giới chung quanh–là sự rực rỡ viên mãn của Ứng hoá thân. Hành giả tu tập sự viên mãn nầy, càng giảm trừ ý niệm các hiện tượng hiện hữu với thể tính riêng biệt như là cội gốc của luân hồi sinh tử càng nhiều càng tốt.
Hợp thể phương tiện và trí huệ nầy–chân thể của pháp không–deity empty, cũng giống như huyễn mộng–là một phủ định của xác định, phủ nhận sự hiện hữu trên cơ sở tự tính cũng như một tướng trạng thực hữu. Hành giả dần dần trở nên quen thuộc với tâm nầy, và cuối cùng khi đạt đến giai vị cao nhất trong Thành tựu vị như đã được giải thích trong Vô thượng Du-già Tantra, sự hợp nhất của bậc trí giả được thành tựu trong sự tương tục của Sắc thân Phật và Pháp thân Phật được biến thành hiện thực. Đây là một ‘Sắc thân’ do tu tập và tâm giác ngộ sáng suốt của cực quang (clear light), vốn là nhân chính yếu chân thực của Phật tính.
Thế nên, Mật thừa khác với Ba-la-mật-đa thừa qua phương pháp siêu việt để thành tựu Sắc thân. Chỉ thiền quán về sắc thân của Hộ thần – divine body mà không liên hệ với thiền quán về Tánh không thì chưa đủ, vì các chi phần của trí huệ chưa được hoàn chỉnh. Mặt khác, chỉ thiền quán về Tánh không thôi chưa đủ. Thậm chí không thể đạt Phật quả do chỉ dựa vào Ba-la-mật-đa thừa, dù chính Ba-la-mật-đa thừa vạch ra con đường để đạt đến Phật quả. Nếu hành giả nhiệt tâm tu tập hai pháp môn nầy, thiền quán về Tánh không và thực hành các phương pháp như đã được giải thích trong Ba-la-mật-đa thừa, thì có thể nói rằng hành giả ấy sẽ thành tựu quả vị Phật sau vài vô lượng kiếp chứ không thể nào thành Phật một cách nhanh chóng được. Thực vậy, hành giả không thể nào thành Phật thông qua nhân địa mà không có một công hạnh tương ưng với quả địa là một Sắc thân. Nói vắn tắt, Sắc thân Phật–Phật thân được thành tựu thông qua thiền quán về thân ấy. Hành giả có thể thiền quán về thân của Hộ thần (divine body) cho đến khi các đặc tướng của thân nầy trở nên rõ ràng và thường hiển hiện. Cho đến khi hành giả tưởng như có thể xúc chạm vào thân ấy được bằng tay mình và có thể thấy được bằng mắt mình. Có người nghĩ rằng trong Ba-la-mật-đa thừa, hành giả tu tập để có Sắc thân Phật thông qua quán tưởng bao gồm cả tụng kinh cầu nguyện để đạt được điều ấy. Tuy nhiên, nếu đó là điều có thể, thì hành giả không cần phải thiền quán về Tánh không để thành tựu Pháp thân Phật; pháp quán tưởng bao gồm cả tụng kinh cầu nguyện sẽ có hiệu quả. Phật quả được thành tựu qua pháp Du-già hiển mật bất nhị[3]; không có pháp ấy, thì Phật tính không thể nào đạt được.
Điều xác quyết nầy không chỉ có trong Vô thượng Du-già Tantra mà còn trong cả ba Tantra kia. Pháp thân trong Hành Tantra (Performance Tantra) và Tác Tantra (Action Tantra), là điều được xem là hoàn toàn thanh tịnh trong ý nghĩa siêu việt mọi ý niệm nhị nguyên vi tế, pháp ấy được thành tựu thông qua pháp Tương ưng vô tướng (yoga of signlessness)–thiền quán về Tánh không; và Sắc thân, vốn được xem là ‘thanh tịnh’ trong ý nghĩa liên quan với nhị nguyên tính, được thành tựu thông qua pháp Du-già hữu tướng Thiên thần Du-già. Trong Du-già Tantra thì Thiên thần Du-già ( deity yoga) được trình bày qua sự liên kết với năm yếu tố, được gọi là Năm điều minh giải (five clarifications).