NHỮNG QUAN ĐIỂM LỆCH LẠC
TRONG NGHIÊN CỨU HỌC HỎI PHẬT GIÁO
Tác giả: Rinpoche Dzongsar Khyentse
Việt dịch: Như Nhiên
Đã đăng vào ngày 26 tháng 11 năm 2010
Trước đây, bài báo xuất sắc này đã được Tạp chí Mặt trời Shambhala phát hành trong số báo tháng 9 năm 1997.
Ngài Dzongsar Khyentse kêu gọi người Tây phương hãy thừa nhận những lệch lạc mà chúng ta có thể mắc phải trong khi nghiên cứu học hỏi Phật giáo – thông qua niềm hãnh diện về văn hóa, sự giả dối của bản ngã và đơn giản là vô minh. Ngài nói, sự thâm nhập thành công vào một môi trường rèn luyện tinh tế và đầy thách thức như Phật giáo, phụ thuộc hoàn toàn vào sự tìm hiểu và nhận thức rõ những tập khí của chúng ta.
Việc dung hòa bất cứ thứ gì từ một nền văn hóa ngoại lai là một quá trình đầy khó khăn, có thể phá hỏng những gì được du nhập. Phật giáo chắc chắn không phải ngoại lệ; thực tế là trong số những thứ ngoại nhập, Pháp có lẽ là thứ dễ bị hư hoại nhất.
Lúc đầu, để hiểu Pháp thậm chí trên phương diện lý trí sẽ không đơn giản chút nào. Sau đó, một khi chúng ta đã có một số hiểu biết rồi, để đưa Pháp vào thực hành thậm chí còn tinh tế hơn, vì nó đòi hỏi chúng ta phải vượt qua thói quen của mình. Về mặt lý trí, chúng ta có thể nhận ra những thói quen thiển cận của chúng ta đã mang lại luân hồi khổ đau cho riêng mình, nhưng đồng thời chúng ta cũng có thể sợ phải dốc lòng trong quá trình thoát khỏi những thói quen này của mình.
Đây là sự chiều chuộng bản ngã. Cho dù chúng ta nghĩ mình muốn tu hành theo con đường Phật giáo, nhưng để từ bỏ sự chấp ngã của mình thực không dễ và chúng ta có thể kết thúc với một dị bản Pháp của bản ngã chúng ta – là một Pháp-giả-mạo mà nó thì chỉ mang lại đau khổ hơn thay vì giải thoát.
Vì lý do này, hầu hết các vị thầy Đông phương lòng đầy hoài nghi về việc truyền bá Phật pháp sang Tây phương, có cảm giác là người Tây phương thiếu sự tế nhị và sự can đảm để hiểu và tu tập đúng đắn Phật pháp. Mặt khác, có một số vị khác lại nỗ lực hết mình để đem Phật pháp du nhập Tây phương.
Quan trọng là hãy nhớ rằng một sự dung hòa hoàn toàn với Pháp không thể hoàn thành chỉ trong vòng một thế hệ. Nó không phải một quá trình dễ dàng và khi Phật giáo được truyền từ Ấn Độ đến Tây Tạng, rõ ràng là nó đã mất nhiều thời gian. Có những khác biệt rất lớn giữa những quan niệm thuộc những nền văn hóa khác nhau và những cách hiểu khác nhau về những hiện tượng giống nhau. Thật dễ quên rằng những khái niệm được cho là phổ biến như "bản ngã," "tự do," "bình đẳng," "quyền lực," và những ẩn ý của "giới tính" và "bí mật," tất cả là những sự thể hiện mang tính văn hóa đặc trưng và hoàn toàn khác nhau khi nhìn qua những lăng kính khác nhau. Những ẩn ý chung quanh một vấn đề nhất định trong một nền văn hóa thậm chí có thể không có trong nền văn hóa khác, nơi mà sự thực hành đang đề cập được cho là điều hiển nhiên.
Trong nhiều năm trở lại đây, có nhiều sự phê phán cả về giáo lý Phật-đà lẫn các vị thầy Phật giáo nhất định. Không may là chúng thường phơi bày một mức độ thiếu hiểu biết trầm trọng về chủ đề. Nhiều vị lạt-ma Tây Tạng có quan niệm là "nó không quan trọng," vì họ thực sự không chú ý đến những sự đả kích như vậy. Tôi nghĩ cái nhìn của nhiều vị lạt-ma lớn lao hơn là cố theo dõi những lượt thích và không thích mới nhất của đầu óc hiện đại thường thay đổi đến chóng mặt. Các vị lạt-ma khác chấp nhận quan niệm là người Tây phương chỉ đơn thuần đi dạo siêu thị tâm linh, bảo với những lạt-ma trẻ như tôi, "Hãy xem, chúng ta đã nói với các con rồi! Họ không đến vì Pháp đâu. Đối với họ, chúng ta chỉ là một cái gì lạ thường gây chú ý mà thôi." Trong nỗ lực lựa chọn một động cơ tốt lành, tôi muốn đưa ra một số quan điểm thay thế.
Những chỉ trích về Phật giáo thực sự làm tăng thêm lòng sùng mộ của tôi đối với giáo lý và những bậc thầy của mình, vì tôi cảm thấy Pháp vẫn đứng vững bất chấp những chỉ trích như thế. Nhưng tôi cũng cảm thấy là một số bài viết này có thể mang lại hậu quả tai hại. Có thể có nhiều người mà nhân duyên của họ với Pháp sắp sửa chín muồi và các bài viết này có thể gây nguy hiểm đến cơ duyên đó của họ. Trong đời mình, chúng ta sẽ gặp vô vàn chướng ngại và nghịch cảnh. Nhưng chướng ngại có thể xem là tồi tệ nhất, chính là bị ngăn cản không thể gia nhập con đường chân chính đưa đến giác ngộ.
Trong thời đại này, khi nhiều người vội vã quyết định một cách ấu trĩ dựa trên những bài viết của những người đang cố cảnh báo về mối nguy hiểm của quan hệ thầy-trò, những sự phê phán như vậy có thể dẫn đến sự hủy hoại thảm thương về cơ hội duy nhất để thoát khỏi biển khổ của nhiều người. Trong kinh điển, có dạy rằng hễ người nào vui mừng dù chỉ trong chốc lát một việc làm tiêu tan cơ hội như thế sẽ không gặp được đạo giác ngộ trong hàng trăm kiếp.
Nhìn chung, tôi cho rằng khi chúng ta muốn vạch trần một lỗi lầm hay trình bày một ý kiến, cần phải có hai điều: một là phải thấu hiểu vấn đề và hai là bản thân người đó không có những lỗi lầm mà họ chỉ trích. Ngược lại, người đó sẽ như tục ngữ Tây Tạng mô tả, "một con khỉ cười nhạo cái đuôi của con khỉ khác." Chúng ta đừng quên rằng là con người, chúng ta đều là nạn nhân của những kiến giải qua đầu óc thiển cận của mình. Chúng ta không nên trao quá nhiều quyền lực cho những quan điểm thiển cận của mình: những kiến giải và quan điểm chủ quan của chúng ta thì nhiều vô hạn và hầu như luôn bắt nguồn từ chính nỗi sợ hãi, hy vọng và sự thiếu hiểu biết của mình.
Nó hẳn là một trò đùa rất thú vị cho những bậc hiền giả thông thái của Tây Tạng nếu họ có thể đọc qua một số bài viết của người Tây phương về những chủ đề như Phật giáo hay Đạo sư. Nó như tưởng tượng một nhà sư già Tây Tạng đọc tác phẩm Romeo và Juliet của Shakespeare hay lắng nghe một giọng ca tuyệt đẹp trong vở nhạc kịch. Ông hầu như sẽ cho là tác phẩm chẳng có gì hay ho và giọng ca thì nghe như một con mèo đang bị lột da sống!
Tốt hơn đừng xuyên tạc cái gì hết qua những kiến giải nông cạn của chúng ta, nhưng nếu như buộc phải làm thế, thì ít nhất chúng ta cũng nên ý thức rõ hơn về những kiến giải của mình có thể mạnh mẽ và phiến diện như thế nào. Ví dụ như, tôi có thể tuyên bố mọi thứ về cách tiếp cận nghiên cứu văn hóa Đông phương của người Tây phương. Tôi có thể dễ dàng đưa ra một kiến giải, dường như hoàn toàn có giá trị, khẳng định rằng khuôn khổ về mặt khái niệm của Tây phương bắt nguồn từ một quan niệm căn bản dựa trên sự kiêu hãnh trong cách họ định hình bản thân mình và người khác.
Phần lớn trong tất cả các khoa của các trường đại học Tây phương được cho là giảng dạy về Phật giáo, các giáo sư nếu là Phật tử, thường phải che đậy sự thật đó. Phải chăng các giáo sư dạy toán sẽ giấu kín một sự thật là họ tin vào tính hợp lý của toán học? Các học giả Tây phương cần phải thắc mắc nhiều hơn nữa về những định kiến của riêng họ, đang cản trở họ không thể đánh giá đúng đắn quan điểm của người khác. Tôi thấy đau lòng cho loại quan điểm đế quốc ngạo nghễ cô lập một khía cạnh của nền văn hóa phương Đông, phân tích nó từ một khoảng cách thận trọng, bóp méo và tẩy rửa nó để khớp với những vấn đề của xã hội Tây phương rồi sau đó kết luận là giờ nó thích hợp để dung nạp.
Thêm một ví dụ nữa về thói đạo đức giả liên quan đến loại quan điểm này là mong muốn "nhân từ" của Tây phương muốn "giải thoát" người phụ nữ Đông phương khỏi nanh vuốt của những thứ được tưởng tượng là sự bất công hà khắc của một chế độ trọng nam khinh nữ, chẳng khác gì những nhà truyền giáo Tây phương muốn người bản xứ chấp nhận đạo đức và giá trị của Kitô giáo. Ở Tây phương, trong số nhiều thứ khác, người ta chụp hình người phụ nữ khỏa thân và đưa lên mặt báo. Nhiều nền văn hóa đã xem điều này là cực kỳ đáng xấu hổ, cũng như đánh giá nó là sự lạm dụng và áp bức phụ nữ vô cùng. Vì vậy theo quan điểm của họ, sự phê phán của Tây phương đối với một nền văn hóa khác về vấn đề nô dịch phụ nữ đã gây bất bình rất lớn.
Chắc chắn, không có một nền văn hóa nào dám khẳng định có sự đánh giá và hiểu biết sâu sắc cần thiết để có thể đưa ra một sự phê phán thấu tình đạt lý về một phương diện quan trọng của một nền văn hóa khác (nhất là về một chủ đề tinh vi, phức tạp như Phật giáo) mà không có sự khiêm tốn để nỗ lực học hỏi một cách chính xác và sâu sa về chủ đề đó theo những thuật ngữ riêng của nền văn hóa đó.
Đôi lúc, nó có thể giúp người Tây phương có được sự tôn trọng và đánh giá cao đối với Đông phương nếu họ nhớ rằng cách đây 3000 năm, trong khi Đông phương đã phát triển về triết học, nghệ thuật, ngôn ngữ học và y học, thì người bản xứ Tây phương vẫn chưa biết cách đánh răng của mình! Và trong quan niệm của nhiều nền văn hóa, cái gọi là khoa học và công nghệ Tây phương thực chất không làm được gì nhiều ngoài việc phá hủy tài nguyên của thế giới. Những tư tưởng như nền dân chủ và chủ nghĩa tư bản, cũng như quyền bình đẳng và quyền con người, có thể được xem là đã thất bại thảm hại ở Tây phương và không có gì ngoài những điều phải tin [tín điều] mới mẻ.
Tôi thấy khó hiểu cái lợi thế của việc kết hợp những hệ thống mang giá trị Tây phương hạn hẹp thành một lối tiếp cận Phật pháp. Những thứ này chắc chắn không phải là sự giác ngộ phi thường mà Thái tử Tất-Đạt-Đa đã chứng đắc dưới cội cây Bồ-đề cách đây 2,500 năm. Tây phương có thể mổ xẻ và bài xích nền văn hóa Tây Tạng, nhưng tôi sẽ rất cảm ơn nếu họ có thể khiêm nhường và tôn trọng đừng đả động đến giáo lý của ngài Tất-Đạt-Đa, hoặc ít nhất thì cũng học hỏi và thực hành chúng đến nơi đến chốn trước khi họ tự xưng là người có đủ thẩm quyền.
Nếu mọi người có thể cố gắng một ít để tôn trọng và cởi mở, sẽ có nhiều kiến thức sẵn sàng có thể giải thoát họ khỏi mọi loại đau khổ và sai lầm. Chỉ đến nay tôi mới nhận ra tầm quan trọng của sự kính trọng rất to lớn mà những bậc dịch giả và học giả của Tây Tạng trong quá khứ đã dành cho xứ sở Ấn Độ, cội nguồn Phật pháp và trí tuệ của họ. Thay vì phê phán hay thậm chí là không hài lòng về cội nguồn đó của họ, họ gọi nó là "Xứ Ấn Huyền Diệu." Loại quan điểm này rất khác với tâm lý mua sắm của Tây phương xem Pháp là hàng hóa và sự gia nhập vào Pháp của chúng ta là một sự đầu tư – chỉ muốn tiếp nhận những gì có vẻ hợp với sự mong đợi thông thường của chúng ta và từ chối ngay lập tức những gì chúng ta không thấy thỏa mãn.
Điều này không nói là người Tây phương không nên phê phán giáo lý Phật-đà. Trái lại, như chính Đức Phật đã dạy, "Không nung chảy, không gò đập, không cân đo và đánh bóng vàng nguyên liệu, người ta sẽ không thể biến nó thành vàng ròng. Cũng vậy, nếu không phân tích mổ xẻ, người ta sẽ không công nhận giá trị của Pháp." Sự phân tích hợp lý luôn được khuyến khích trong truyền thống Phật giáo và Phật giáo cũng luôn phản đối sự cổ vũ cho mê tín.
Sự khác nhau nằm ở quan điểm của các vị khi phê phán. Trong quá trình phân tích "vàng nguyên liệu," người phân tích không chỉ giữ một đầu óc cởi mở, mà còn phải biết là họ không có đủ kiến thức về chủ đề. Đó là toàn bộ quan điểm khi phân tích. Mặt khác, chúng ta sẽ chỉ tìm kiếm sự chứng thực cho những gì mà chúng ta đã tin tưởng trước đó rồi. Việc nghi ngờ và việc xoi mói lỗi là hai việc hoàn toàn khác nhau.
Không ở đâu mà sự khác nhau giữa hai quan điểm này lại rõ rệt hơn và quan trọng hơn là khi đề cập đến những sự phê phán về vị thầy trong Phật giáo Kim cương thừa. Thật không may, vị thầy lại cần cho thực hành Kim cương thừa. Tuy nhiên, mọi bậc thầy vĩ đại và mọi giáo lý đều nhiều lần khuyên rằng một người phải luôn khéo léo trong việc thẩm tra vị thầy trước khi họ chọn ông ấy làm thầy mình. Chúng ta được quyền lựa chọn và chúng ta phải nắm lấy lợi thế đó.
Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng quan trọng để nhớ rằng Phật giáo không chỉ có Kim cương thừa. Có nhiều con đường khác như Tiểu thừa, là nền tảng của mọi con đường Phật giáo. Đây là một con đường giản dị, nó không kích hoạt mọi loại kỳ vọng thần bí. Thỉnh thoảng, dường như xảy ra một việc là mọi người muốn thực hành Kim cương thừa vì họ thấy nó có vẻ kỳ lạ làm sao, trong khi thực tế là họ sẽ hài lòng hơn với sự tỉnh thức và giản dị của Tiểu thừa.
Trong Kim cương thừa, để cho phép vị thầy giúp đỡ mình và hoán cải những nỗi ám ảnh vị kỷ nhị nguyên của mình, chúng ta được cho là hãy nghĩ rằng vị thầy không khác Đức Phật về mặt trí tuệ. Đây là phương pháp luyện tâm cao nhất. Chúng ta chính xác là đang tạo ra một dũng sĩ bởi một người, vì ông ấy thấy được tiềm năng của chúng ta, không ngại thách thức và thậm chí ngược đãi tính thiển cận và những thói quen của chúng ta. Đây là một phương pháp rất toàn diện, rất khó và đầy tính cách mạng. Từ một quan điểm bình thường, hay từ một quan điểm chiều chuộng ngã, toàn bộ khái niệm của mối quan hệ thầy-trò là một cái gì đó gần như là tội phạm. Tuy nhiên, điều quan trọng nên nhớ rằng mục đích duy nhất vì nó mà vị thầy hiện hữu là để thực hiện chức năng như một phương tiện xảo diệu nhằm ngăn chặn thói quen của tư duy nhị nguyên và ngăn chặn sự giả dối và dai dẳng của sự chấp ngã. Theo cách này, vị thầy là một hiện thân sống động của giáo lý.
Cần phải nhấn mạnh rằng nhận thức về vị thầy của chúng ta sẽ cho phép vị thầy thực hiện vai trò là một sự hiện thân của giáo pháp. Đầu tiên, chúng ta thấy thầy là một người bình thường và sau đó khi thực hành của chúng ta tiến bộ, chúng ta bắt đầu thấy thầy giống một bậc giác ngộ nhiều hơn, cho đến cuối cùng chúng ta học cách nhìn nhận vị thầy không gì khác hơn một sự hiện thân bên ngoài của tâm Phật hay tâm giác ngộ của chính chúng ta. Theo một cách tinh tế thì, nó gần như không liên quan đến việc vị thầy có giác ngộ hay là không. Mối quan hệ thầy-trò không phải là sùng bái vị thầy, mà là mang đến cơ hội để chúng ta thoát khỏi những nhận thức sai lầm về thực tại của mình.
Hãy nhìn nó từ quan điểm của người thầy, nếu người nào có vai trò của một người thầy mà không có phẩm chất, mặt tiêu cực của sự giả dối này rõ ràng còn mãi trong dòng tâm thức của họ. Quan trọng phải hiểu là trừ khi một vị lạt-ma hoàn toàn giác ngộ, ông hay bà ấy phải gánh vác những gì họ đã làm. Hiển nhiên nếu là một bậc giác ngộ, ông ấy sẽ không tạo nghiệp, bằng không, hậu quả của những việc ông ấy làm sẽ trổ ra cho ông ấy, hay nói khác đi, ông ấy phải chịu trách nhiệm cho những việc làm của mình. Từ quan điểm của chúng ta là học trò, nếu chúng ta đã chọn ông ấy là thầy của mình, chúng ta chỉ nên học hỏi từ ông ấy, theo bất kỳ con đường nào mà chúng ta muốn đi.
Nguyên tắc về vị thầy và lòng sùng mộ phức tạp hơn nhiều so với việc tạo ra một hình mẫu và tôn thờ người đó. Lòng sùng mộ, khi các bạn thực sự phân tích nó, không gì khác hơn việc tin vào tính hợp lý của nhân quả. Giả dụ các bạn luộc một quả trứng, với việc bỏ nó vào nước sôi, các bạn tin quả trứng sẽ được luộc chín. Niềm tin đó là lòng sùng mộ. Nó không phải lòng tin mù quáng hay sự cố chấp phi lý. Đức Phật dạy, "Y pháp, bất y nhân." Tuy nhiên, có vẻ như chúng ta lựa chọn tiếp tục phán xét cá nhân vị thầy mà không nhớ gì về quan điểm và bối cảnh rộng lớn hơn của mục đích giáo lý.
Trong Kim cương thừa, một vấn đề có thể gây tranh cãi và thu hút rất nhiều sự chú ý, đó là sự hỉ lạc như lạc thú của tính giao không bị xem là một mối đe dọa cho thực hành tâm linh cần phải loại trừ, mà phần nào được sử dụng để tăng cường sự tịnh hóa tinh thần. Trong lúc điều này nghe có vẻ hấp dẫn, quan trọng nên nhớ là thực hành như thế đòi hỏi một kiến thức nền tảng về lý thuyết và thực hành rộng lớn, bằng không nhìn từ bên ngoài, nó rất dễ bị hiểu lầm.
Hình tượng nam-nữ trong Kim cương thừa không phải nói về tính giao. Sự thực hành chỉ có thể tồn tại trong bối cảnh của một cái nhìn đúng đắn của sự hợp nhất từ bi và trí tuệ. Hơn nữa, vì con đường Mật thừa diễn ra ở cấp độ cá nhân và phi khái niệm, nên không thể nào đưa ra đánh giá về một hành giả. Mật điển hoàn toàn vượt qua quan niệm thông thường về một người nam và một người nữ có một quan hệ tình dục. Nó nói về việc vận dụng thế giới hiện tượng để mang lại sự chứng ngộ phi thường về Tính không và Bồ-đề tâm nhằm giải thoát mọi chúng sanh ra khỏi luân hồi sanh tử. Mong chờ một hành giả du già nam hay nữ, những người đang khao khát vượt qua chủ nghĩa thượng đẳng [phân biệt chủng tộc/sắc tộc/màu da/giới tính-ND] của tâm thức vọng tưởng, phải lo nghĩ về những vấn đề của quyền giới tính có vẻ vô lý trong bối cảnh của một quan
điểm rộng lớn như vậy.
Tuy nhiên, đối với người Tây phương sơ cơ, một số phong tục Tây Tạng nhất định hẳn rất phiền toái và có vẻ kỳ thị giới tính hay trọng thị nam giới. Quan điểm của Tây phương về quan hệ giới tính nhấn mạnh "bình đẳng," song điều này rất khác với nghĩa bình đẳng trong Phật giáo Kim cương thừa. Bình đẳng trong xã hội Tây phương có nghĩa là hai mặt hay hai khía cạnh đạt đến trạng thái ngang bằng nhau, còn trong Phật giáo Kim cương thừa, bình đẳng là không còn "nhị nguyên" hay song lập nhau.
Nếu còn nhị nguyên, thì theo định nghĩa sẽ không thể nào có bình đẳng. Tôi nghĩ sự bình đẳng về mặt xã hội giữa người nam và người nữ ít quan trọng hơn việc nhận ra sự bình đẳng giữa luân hồi và niết-bàn, suy cho cùng, là cách duy nhất đúng để đem lại một sự hiểu biết chân thực về bình đẳng. Vì vậy, sự hiểu biết về bình đẳng trong Phật giáo Kim cương thừa thuộc một cấp độ rất sâu xa.
Khái niệm bình đẳng giới còn khá mới mẻ ở Tây phương và vì thế có một sự tuân thủ cứng nhắc và cuồng tín nhất định theo cách thức cụ thể mà nó nên được tiến hành. Mặt khác, trong Phật giáo Kim cương thừa, có một sự đánh giá rất cao về nữ giới, cũng như có một sự nhấn mạnh về tính bình đẳng của mọi chúng sanh. Tuy nhiên, điều này khó chấp nhận với những ai không thể nhìn vượt ra ngoài khuôn khổ của xã hội Tây phương hiện đại. Kết quả là khi phụ nữ Tây phương có những mối quan hệ nam nữ với các vị lạt-ma Tây Tạng, một số có thể thất vọng khi những mong mỏi có điều kiện về mặt văn hóa không được đáp ứng.
Nếu bất kỳ ai nghĩ mình có thể tìm được một người yêu khả ái và bình đẳng trong một vị Rinpoche, họ không thể sai lầm hơn được nữa. Những vị Rinpoche nhất định, những người được xem là bậc thầy vĩ đại, theo định nghĩa sẽ là một người phối ngẫu tệ nhất, từ quan điểm của cái tôi. Nếu một người đến với những bậc thầy vĩ đại như thế với ý định sẽ được làm hài lòng và muốn có một quan hệ chia sẻ, vui thú chung với nhau…, thì không chỉ từ quan điểm của cái tôi, mà thậm chí từ một quan điểm thông thường, những vị như vậy sẽ là một lựa chọn tồi. Họ có thể sẽ không tặng bạn những bông hoa hay mời bạn ăn tối dưới ánh nến.
Dù sao đi nữa, hễ ai đến thọ giáo một vị thầy với mục đích đạt giác ngộ, người ta ắt phải cho rằng một người học trò như thế đã sẵn sàng từ bỏ bản ngã của họ. Bạn sẽ không tìm đến Ấn Độ, cầu đạo một vị tôn sư Tây Tạng mà mong ông ấy đối đãi theo chuẩn mực của riêng bạn. Thật không công bằng khi đòi hỏi một người đưa bạn thoát khỏi vọng tưởng rồi quay lại chỉ trích họ vì chống lại cái tôi của bạn. Tôi không viết ra điều này bởi vì sợ nếu không bênh vực các lạt-ma Tây Tạng hay các đạo sư Phật giáo, họ sẽ mất uy tín. Bất chấp rất nhiều nỗ lực để thuyết phục thế giới về những cạm bẫy của giáo pháp và những khiếm khuyết của đạo sư, rủi thay vẫn còn rất nhiều kẻ "thích bị bạo dâm" [thích khoái lạc kèm đau đớn cơ thể, Rinpoche hàm ý những người sẵn lòng nhẫn chịu sự đau đớn của quá trình từ bỏ bản ngã để đạt được sự an lạc giải thoát-ND] đánh giá cao giáo pháp và một ông thầy ngược đãi điên cuồng, là một người chắc chắn sẽ ngược đãi từng ly từng tí cái tôi của họ. Những linh hồn đáng thương này rốt cuộc sẽ đi đến chỗ mất sạch cái tôi lẫn sự mê lầm của họ.
Tôi biết nhiều người sẽ không đồng tình với phần lớn những điều tôi đã nói. Vì tôi rất coi trọng kiến giải của mình, những người khác cũng sẽ làm vậy với kiến giải của họ. Tôi đã gặp những vị thầy vĩ đại, những bậc mà tôi vô cùng ngưỡng mộ và mặc dù tôi là một kẻ nịnh bợ thất bại, tôi cầu nguyện để mình tiếp tục tận hưởng việc được đồng hành cùng các ngài. Mặt khác, mọi người cũng có thể có những lý tưởng khác và có trải nghiệm hạnh phúc với chúng. Thực hành của tôi là phụng sự Phật đạo; những người khác có thể chọn cách không tin Phật đạo. Nhưng như ngài Nguyệt Xứng đã dạy, cuối cùng thì chúng ta đều phải bỏ lại con đường. Vì thế, tôi hy vọng cuối cùng chúng ta sẽ gặp lại nhau ở một nơi không còn gì để tranh luận với nhau nữa.
Bản tính của tâm, là tính không vốn sáng ngời [không-minh],
Tôi được dạy chính là Phật bảo.
Nhận ra điều này giúp tôi
Không kẹt trong ý niệm về thứ bậc.
Bản tính của tâm, mặt tính không của nó [không],
Tôi được dạy chính là Pháp bảo.
Nhận ra điều này giúp tôi
Không sa lầy vào ý niệm về cư xử chừng mực không xúc phạm.
Bản tính của tâm, mặt sáng ngời của nó [minh],
Tôi được dạy chính là Tăng bảo.
Nhận ra điều này giúp tôi
Không dính mắc với ý niệm về quyền bình đẳng
Không thể tách tính không khỏi sáng ngời.
Sự bất phân này tôi được dạy chính là Guru [Đạo sư].
Nhận ra điều này giúp tôi
Không kẹt vào tình trạng phụ thuộc những lạt-ma phân biệt giới.
Bản tính của tâm chưa hề nhiễm nhị nguyên,
Sự vô nhiễm này tôi được dạy chính là Yidam [Bổn tôn].
Nhận ra điều này giúp tôi
Không sa lầy vào phạm trù "giới tính" hay "văn hóa."
Bản tính của tâm tự nhiên hiện diện.
Tính tự hiện này tôi được dạy chính là Dakini [Không hành nữ].
Nhận ra điều này giúp tôi
Không dính mắc với nỗi sợ bị buộc tội.
– Rinpoche Dzongsar Khyentse
Rinpoche Dzongsar Jamyang Khyentse là một học trò của Rinpoche Khenpo Appey và chịu trách nhiệm đào tạo khoảng 1,600 tu sĩ trải khắp sáu tu viện và học viện ở châu Á. Ngài là nhà sáng lập một số trung tâm Phật giáo ở Tây phương và ba tổ chức phi lợi nhuận là Mục đích Tất-Đạt-Đa, Quỹ Khyentse và Tương trợ Hoa Sen. Ngài là đạo diễn của các bộ phim "Chiếc Cúp" và "Lữ khách và Pháp sư."
.
- Từ khóa :
- Quan điểm
- ,
- lệch lạc
- ,
- Nghiên Cứu
- ,
- Phật Giáo