Giải Hương Pháp 1. Am Xưa Con Đã Trở Về - Thích Nhật Minh

11/12/20227:00 SA(Xem: 2370)
Giải Hương Pháp 1. Am Xưa Con Đã Trở Về - Thích Nhật Minh
blank
GIẢI HƯƠNG PHÁP 1
AM XƯA CON ĐÃ TRỞ VỀ
Thích Nhật Minh

Cũng đã rất lâu rồi, kể từ khi tôi rời núi, mải lang thang làm kẻ du tăng qua bao miền đất lạ, mà những dịp bên thầy cứ thưa thớt dần đi. Nay tôi trở về vào một chiều thu dịu dàng êm ả, ngay sau ngày mãn khóa an cư. Nỗi hân hoan cứ thế chảy tràn trong lồng ngực, khiến cho tôi không ngừng an trú với nụ cười trên hành trình tìm về phương trời cũ thân thương, nơi có thầy vẫn hằng ngày an nhàn bên tôn tượng Phật, ngự bao đời giữa phế tích ngàn dâu.

Ra tới ga tàu, tôi mua vé ngồi gần thành cửa, để tiện ngắm vẻ đẹp của thiên nhiênvũ trụ đã ưu ái ban tặng khắp cung đường. Con trâu già gặm cỏ bên cánh đồng còn thơm mùi lúa, đám mây trắng lững lờ vắt ngang qua bầu trời xanh thẳm hay những nhánh hoa rừng lòa xòa bên những nấm mồ nhỏ rồi nghiêng hẳn xuống đường ray. Thỉnh thoảng có vài cành cây khô gãy rơi xuống, quệt ngang ô cửa kính… Tất cả đều làm tôi xao xuyến, như câu thơ của Nguyễn Bính thủa nào :

“Có người lưu lạc bên đường sắt

Mỗi chuyến tàu đi lại nhớ nhà.”

Sau một ngày một đêm dài ngồi trên tàu hỏa, cuối cùng tôi đã tới sân ga, tình cờ được quá giang xe của một người Phật tử cũng đang tiện đi về chân núi. Xuống xe, tôi tản mạn dọc theo con đường đất quen thuộc dẫn về thảo am, nơi tôi trầy trật vấp ngã sau bao lần nô đùa, đuổi bắt cùng ong bướm. Tôi mở toang lồng ngực, hít hà mùi đất nồng nàn, ngai ngái lẫn trong mùi thơm của cỏ tranh như những ngày thơ dại, chợt nhớ lại lời nói của Người vang vọng năm xưa : “Thầy không muốn nhổ bỏ một thứ gì, kể cả cỏ cây cũng có quyền được sống, bất chấp mình có muốn hay không”. Bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi cảm nhận được trái tim từ bi của thầy bao la như trời biển, dung chứa tất cả những mầm sống của mọi loài trong cõi nhân sinh. Lời răn dạy ấy mãi vọng vang trong tâm khảm, và làm tư lương giúp tôi thực hành hạnh từ bi trên bước đường tu nhân học Phật, tìm cầu chân lý.

Thầy là vị bổn sư đầu tiên mà tôi nương tựa, kể từ sau cái ngày để tang mẹ mất, khi tôi mới chập chững lên mười. Năm đó, thầy đến nhà để độ đám cho mẹ tôi, thấy đứa trẻ ngờ nghệch bên quan tài còn ngổn ngang vài mảnh vải liệm tả tơi, bèn khởi tâm xin ngoại đem tôi về nuôi nấng. Ngoại vốn là một người Phật tử thuần thành mộ đạo, nay nghe thấy cháu mình được sống chốn thiền môn thì xúc động vô cùng. Đến năm tôi học hết lớp chín thì ngoại tôi qua đời do bạo bệnh. Từ đó tôi coi thầy là người thân duy nhất, gửi gắm cả cuộc đời mình bên vị thầy khả kính chân tu

Hai thầy trò sống trong một thảo am nhỏ bé ngay chân núi do một thiện nam tử dày công xây cất, cũng là vì mến mộ đạo hạnh của thầy mà nguyện hộ trì trọn vẹn đường tu. Thầy nói : “Chư Phật ba đời đều từ nơi rừng cây mà đản sinh, thành đạoviên tịch, thì kẻ hậu sinh như chúng ta cũng không nên buộc mình chốn phồn hoa đô thị. Một am tranh nơi rừng núi đại ngàn làm chỗ tu tập, nuôi chí nguyện tìm về nẻo giác cũng đã đủ lắm rồi.” Thầy dạy tôi sống cuộc đời thanh bần, giản dị. Bữa ăn chỉ là ngọn rau rừng, thảo quả hai thầy trò kiếm được sau những ngày đi núi. Thỉnh thoảng thầy dắt tôi vào làng khất thực, nhằm duy trì truyền thống mà Phật và các Thánh đệ tử khi xưa vẫn thường làm. Cũng là để cho Phật tử gieo hạt giống lành bằng việc cúng dường cho tu sĩ. Dĩ nhiên, tất cả những đồ dùng nhận được thầy đều không giữ lại ngoại trừ phần cơm đủ dùng cho bữa quả đường, số còn lại được chia hết cho mấy em bé gặp trên lối mòn về núi. Thấy mặt mũi đứa nào cũng ngây thơ, lấm lem bùn đất, hai thầy trò cũng lấy làm vui.

Thầy chẳng có gì ngoài một cái bình bát được làm từ đất nung và chiếc y mỏng màu cỏ úa nhàu nát đắp trên người. Tuy vậy, thầy trò lúc nào cũng tràn đầy niềm vui và an lạc, do tôi học được cách xây dựng cho mình một ốc đảo tâm linh vững chãi từ thầy. Cuộc sống cứ vậy mà bình lặng trôi qua, cho đến khi thầy thấy tôi đủ lớn, không thể mãi bên Người mà cần phải học trong môi trường có huynh đệ đồng tu. Thầy gửi tôi vào một trường trung cấp Phật học trên thành phố.

Mang theo lời dạy của bậc chân sư, như giọt nước đầu nguồn thấm đẫm trong từng ý niệm với bước chân non nớt : “Phải gắng tu hành để tự tại trong sinh tử cõi trần ai, nếu không giải thoát sẽ là điều bất khả.” Vỏn vẹn hành trang chỉ vậy thôi mà giúp tôi giữ trọn màu áo thanh cao của người xuất thế, thắp sáng lên ngọn đuốc tuệ để giữ vững tinh thần chánh kiến vị tha. Rồi sau những tháng năm mải miết dùi mài kinh sử, châu du giữa thế tục cuồng xoay, ngoảnh lại thấy thời gian trôi nhanh quá đỗi, thầy sắp ở bên kia sườn dốc mà tôi vẫn chưa có dịp trở về bên Người tụng một thời kinh, như những tháng ngày còn làm điệu với ba chỏm trên đầu.

Trong khi tôi không ngừng đào bới những ký ức tuổi thơ và lún sâu trong đó thì bất chợt có một chút gió lạnh từ lòng suối thổi lên, rớt trên vai của kẻ bộ hành nơi núi rừng thăm thẳm khiến tôi khẽ rùng mình. Nhìn lên bỗng thấy thầy đang đi dọc ở bên kia bờ suối. Tôi chắp tay xá chào rồi chạy lại bên thầy, tíu tít như con chim ri vừa kịp bay về tổ. Thầy khẽ xoa đầu tôi, nở nụ cười hiền từ trìu mến của một vị cha lành. Lại gần hơn tới khe suối gần am, nơi mà thầy đã để sẵn bàn trà ở đó, hai thầy trò thả lỏng người ngồi thảnh thơi trên phiến đá mỏng tang, dẫu đã phủ một lớp rêu xanh dạn dày sương gió, nhưng vẫn còn vương mùi đất mẹ thơm mềm. Lặng nghe tiếng chim ca ríu rít chuyền cành sau vòm lá, ngắm nhìn ánh nắng đang tinh nghịch đùa giỡn rồi vô tình sảy chân té xuống lòng sông tạo thành những sợi chỉ vàng ươm chếnh choáng cả chiều tà. Nhâm nhi chén trà mạn buổi hoàng hôn, giữa tiết thu sang, thấy màu xanh của trà quyện với màu của ánh mặt trời đang rữa, mà tưởng như cả đất trời đang trùng phùng tao ngộ. Cũng như cuộc hội ngộ của thầy trò, sau những tháng ngày biền biệt cách xa.

Thầy không hỏi tôi nhiều về việc học hành, cuộc sống. Chỉ căn dặn tôi chuyên tâm công phu tu tập, giữ tâm sao cho tròn bản nguyện, tỉnh thức giữa nhân thế lao lung xoay vần sinh tử, đừng để mình chìm đắm vào những vinh hoa mà quên mất đường về nẻo giác.

Đời tăng sĩ “một bát cơm ngàn nhà, thân chơi muôn dặm xa” thì lời huấn dục muôn kiếp thoát tử sinh của thầy bổn sư ngôn từ nào kể siết, chỉ biết nỗ lực tiến tu để không phụ công kỳ vọng nơi Người.

Thoáng chốc, mặt trời đã ngả dần về phía bên kia triền núi, nhường chỗ cho mảnh trăng thượng huyền treo lơ lửng trên những hàng thông cao vút, rồi chảy tràn xuống dòng nước mênh mông một ánh màu bàng bạc diệu kỳ.

Tôi tinh nghịch thả tay xuống dòng suối mát, nghe những nhánh nước len lỏi qua kẽ tay, cuốn theo chiếc lá vàng rơi hòa vào dòng chảy mà thích thú reo hò. Thầy cũng mặc ý để tôi nô đùa, nghịch ngợm. Chỉ khi cảm nhận rõ hơi lạnh lùa vào từng thớ thịt, tôi mới chịu theo chân thầy về thảo am để kịp cho thời khóa cuối ngày. Những vạt hương đong đầy hơi nước cũng quấn quýt như chẳng muốn rời xa, cố neo đậu bước chân người trên con đường mòn heo hút dẫn về am. Thỉnh thoảng có vài bạn thú hoang nấp sau đám lá khô quan sát. Khi đã nhận ra hai thầy trò là những người bạn quen thuộc, chúng bèn cố tình tạo ra những tiếng sột soạt sau bóng lá, chỉ chờ thầy xiêu lòng mời gọi là lại bám đuôi lẽo đẽo theo về. 

Sau khi tắm giặt xong đâu đó, tôi chỉnh trang y phục vào lễ Phật, trước khi thỉnh ba hồi đại hồng chung :

“Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe

Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm…

 

Nghe chuông phiền não tan mây khói

Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười

Hơi thở nương chuông về chánh niệm

Vườn tâm hoa tuệ nở xinh tươi.”

Thỉnh chuông xong, tôi đốt một thỏi trầm, thắp nhangngọn đèn dầu cúng Phật, cũng vừa lúc thầy ra tới chánh điện để hai thầy trò vào khóa lễ. Lúc này không gian bỗng lặng ngắt như tờ, mọi thanh âm chỉ thuộc về ý niệm. Có lẽ cỏ cây cũng như chim muông hoa lá ở đây đã quen với thời khóa của thầy, nên lắng nghe lời kinh và cùng Người tụng đọc. Thỉnh thoảng cơn gió heo may khẽ làm những tàn nhang đong đưa, rồi rớt lên tấm y đượm màu vàng giải thoát, mang theo lời kinh vang trong thinh không, ngược gió khắp muôn phương.

Khi thời khóa hoàn mãn, cũng là lúc đất trời viên dung trong màn đêm cô tịch và bời bời của gió. Tôi giải y thị giả thầy rồi ngồi lại bên Người lắng nghe những lời khai thị trước khi trở về phòng ngủ. Thói quen này thầy trò đã duy trì từ những khi tôi còn tấm bé cho tới tận bây giờ.

Đêm nay!

Vầng trăng thượng huyền đã treo lơ lửng trên hai hàng cây thông già trước cửa và tan ra trong màn đêm tĩnh lặng, chừng như vẫn còn lẩn khuất đâu đây với một làn hương thanh khiết nhẹ nhàng mộng mị, tiêu dao tự tại giữa núi rừng. Gió từ lòng suối thổi lên mang theo cả hơi sương lạnh ùa vào trong am khiến tôi khẽ rùng mình. Ngoài hiên, sư phụ đang lặng lẽ khơi bếp hồng để nấu một nồi nước pha trà, tiếng nổ tí tách từ đám củi khô đang cháy phả ra hơi ấm vấn vít với làn khói trắng đục mờ, lan tỏa khắp không gian, quyện vào những trang kinh cổ kính vẫn còn thơm mùi lá bối chờ người hữu duyên về khai thị. Lặng trong thinh không là những bài kinh tụng niệm theo nhịp mõ đều đều vọng lại từ chiếc băng cassette xưa cũ.

Tôi lại gần bên bếp và ngồi xuống bên thầy dưới ánh trăng tròn vằng vặc. Nhâm nhi tách trà giữa đêm khuya trầm tĩnh mà yên ắng, tôi mới cảm nhận rõ sự tự do của vầng trăng treo giữa hư không vẫn thủy chung rót xuống trần gian thứ ánh sáng lung linh huyền ảo, lặng lẽ tỏa sáng khắp nhân gian, soi lối cho ai lầm đường lỡ bước. Trước đó sư phụ cũng đã làm thật nhiều đèn lồng, thắp sáng dọc con đường thiền hành từ suối dẫn về am, không khí núi rừng bỗng trở nên ấm hơn bao giờ hết, việc thiền hành cũng khiến tôi thấy thú vị nhiều hơn.

Cầm tách trà trên tay, thầy trầm ngâm nói với giọng nhỏ nhẹ tâm tình :

“Ẩm trà, thưởng nguyệt, vịnh trăng cũng là một cách để tu tâm, cần một trái tim thanh đạm.”

Phải rồi, khi đang tắm mình trong vầng trăng vằng vặc ấy, phải biết làm cho vầng trăng ấy sáng tỏ thêm lên, nếu cứ mãi chạy theo thú vui trăng gió bên ngoài sẽ khiến vầng trăng chân thật nơi chính mình bị khuất dần vào bóng tối. Vầng trăng là sự biểu hiện của tâm thanh tịnh, trong sáng, tròn đầy khi đã gột sạch những cụm mây vô minh phiền não, những tị hiềm đố kị nhỏ nhen và cả những lăng xăng điên đảo ở trong lòng.

Cứ thế, lời dạy của thầy toát ra từ phong thái điềm đạm, uy nghiêm, giản dị và đầy lòng từ mẫn, như dòng suối Từ âm thầm tuôn chảy, nuôi dưỡng tâm hồn của một hành giả vẫn còn đang chập chững bước đi trên con đường đạo thênh thang. Nhờ vậy mà tôi vững tâm hơn với chí nguyện xuất thế của mình. Bây giờ tôi mới hiểu lời thầy có giá trị biết nhường nào: “Chiếc áo thoát tục được tô điểm bởi tâm từ, người xuất gia an nhiên giữa dòng đời bất biến nhờ hương đạo hạnh.” Tôi thầm nguyện sẽ cố gắng chế tác cho mình một vầng trăng miên viễn tròn đầy, ngỏ hầu báo đáp công ơn của thầy trong muôn một.

Trời lãng đãng hơi sương, không khí về đêm phần nhiều se lạnh. Tôi ngồi nép bên bếp lửa hồng nghe đâu đây mùi hương trầm thoang thoảng, chợt thấy lòng mình ăm ắp sự bình yên.

Khi bếp lửa đã tàn, trà cũng vừa kịp nhạt, hai thầy trò mới bắt đầu trở về phòng nghỉ ngơi, trước khi đón chào ngày mới bằng một thời kinh như thường nhật.

Đêm khuya tĩnh lặng, có một loài hoa không tên phảng phất đâu đây một mùi hương nhè nhẹ như ru tôi chìm vào giấc ngủ. Và rồi, tôi thiếp đi trong cõi vô cùng đó với giấc ngủ an yên nhẹ gánh những ưu phiền. Bên tai vẫn còn vọng vang câu nói của thầy khi nãy : “Dù đi đâu làm gì cũng phải nhớ mình là con của Phật, nghe con!”

Sớm dậy, thấy tiết trời hôm nay dịu hơn bao giờ hết. Nắng nhẹ, gió biếc, mây xanh, một chút hanh khô, đến cái rét cũng ngọt mềm như cỏ dại. Bên kia đồi những đóa hoa dã quỳ nở bung trong nắng sớm, ngời lên những sắc vàng tươi, đượm màu y giải thoát, sáng rực cả một khoảng trời trong. Thứ đặc sản chẳng dễ gì có được ở cái nơi thâm sâu cùng cốc thế này. Vài huynh đệ của tôi từ thành phố cũng đã trở về để đảnh lễ, khánh tuế thầy sau khóa an cư. Vì vậy, mấy thầy trò đã cùng nhau dành trọn một ngày thảnh thơi, dạo chơi giữa núi rừng. Trên vai ai cũng đeo chiếc gùi nho nhỏ, biết đâu lại kiếm được một chút rau rừng thảo quả sau một buổi đi hoang.

Men theo lối mòn phía bên kia bờ suối, chúng tôi cứ thế đi chỉ để đi mà chẳng cần biết đâu là điểm đến. Trên mỗi lối mòn ngập tràn hoa cỏ đã đi qua, chúng tôi đều tìm được cho mình một điểm dừng chân để cùng nhau khám phá vẻ hoang sơ, mộc mạc, nhưng thơ mộng và đẹp đến mê hồn của thiên nhiên vạn vật nơi đây.

Mùa này, không khó để bắt gặp những loài hoa nở rộ giữa rừng xanh. Đóa bồ công anh nhỏ li ti khẽ tung mình xoay tròn vô định giữa hư không, những bông hoa xấu hổ kết thành từng chùm rạng ngời trong sắc tím, hay những đám cỏ hồng ngập tràn trên đồi thông góp phần làm xôm tụ cho tấm thảm thực vật trải dài xa tít tắp. Phía xa là những bông lau trắng muốt đang trổ bông, vươn mình rập rờn trong gió biếc, như một thảm lụa mềm bàng bạc ánh kim. Thỉnh thoảng, sau những tiếng xào xạc của đám lá khô, còn có tiếng chim hót, thông reo, suối róc rách chảy và những con thú hoang tinh nghịch gọi bầy… tạo nên một bản nhạc thiên nhiên vô cùng sinh động. Kế đó là đám rau dớn mọc ra từ khe đá với tua tủa chồi non xanh hình xoắn ốc. Trên những bụi cây cổ thụ cao vút, thân đầy rêu mốc là mớ dây leo mướp đắng dại chằng chịt phủ kín cả chân đồi. Chúng tôi vui vẻ hái những ngọn rau vẫn còn non mơn mởn và những trái mướp đắng nhỏ xinh, chẳng mấy chốc mà gần đầy chiếc gùi sau lưng.

“Ầu ơ… “Rau cải về trời”

Dớn thương ở lại nuôi người tháng năm…”

(Rau dớn quê nhà – Võ Văn Thọ)

Vừa đi vừa ngân nga những câu thơ êm đềm đó, bỗng thấy nhớ đến nao lòng những năm tháng tuổi thơ nhờ nắm rau rừng mà khôn lớn.

Càng đi sâu, rừng càng dày và lạnh hơn dù mặt trời đã lên giữa đỉnh đầu và ánh nắng tràn ngập cả khu rừng vắng. Sau khi đã nhặt được rất nhiều trái thông già, chúng tôi tìm một phiến đá nơi bìa rừng để nghỉ ngơi và ăn trưa trước khi sang phía đồi bên kia đào những đọt măng non về nướng.

Có lẽ do địa hình nơi đây là rừng núi cao vút với những màn sương đặc quánh mỗi sớm mai và mỏng manh khi chiều xuống đã tưới tẩm những mầm măng đang ngủ sâu trong lòng đất. Để mỗi sớm mùa đông, lũ mục đồng lại í ới gọi nhau lên rừng tìm măng ăn trong những ngày se lạnh.

Muốn đào được măng thì phải tỉ mỉ bới hết lớp lá khô quanh gốc tre, khi thấy vết nứt toác dưới chân là biết chỗ đó có đọt măng non đang cựa quậy nảy mầm, đội đất vươn lên, đào sâu xuống là trúng phóc. Măng đầu mùa giòn rụm và ngọt lử, bóc hết lớp áo bên ngoài, tới phần trắng nõn bên trong là có thể ngon lành thưởng thức.

Khi măng đã đầy gùi cũng là lúc bóng chiều chập choạng phía rừng xa. Chúng tôi quay trở về vào đúng lúc vệt nắng vàng nơi cuối trời rơi rớt, tiếng côn trùng rỉ rả, nép mình sau thảm lá, thỉnh thoảng có vài cành cây khô gãy dưới chân mới thấy rừng tĩnh lặng, êm đềmbao dung biết mấy. Nghe xa xa tiếng gà gáy chiều muộn vọng vang, mùi khói bếp chờn vờn sương trắng và cả mùi của đám rơm rạ, cỏ khô nhà ai hun đâu đó dưới chân đồi càng làm khung cảnh nơi đây mang dáng vẻ trầm mặc, yên bình.

Khi về tới thảo am cũng là lúc sương khuya thấm mềm trên vai áo, đàn đom đóm lập lòe giấu mình trong bụi cỏ uống những giọt sương đêm. Chúng tôi nhóm một đống củi khô, ngồi quây quần bên nhau sưởi ấm sau một ngày thấm mệt. Ngắm màn đêm tan ra dài rộng tới vô cùng.

 

Thích Nhật Minh.

(Huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội)


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
16/04/2024(Xem: 1977)
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :
Một hình chụp văn bản lan truyền qua mạng xã hội hôm 12 Tháng Tám được cho là thư thông báo rời bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (giáo hội quốc doanh) của Thượng Tọa Thích Minh Đạo, trụ trì tu viện Minh Đạo ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.