Vii. Phần Phụ Lục

27/05/201112:00 SA(Xem: 7942)
Vii. Phần Phụ Lục

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

Phật Lịch 2539 – 1995
TIỂU SỬ DANH TĂNG VIỆT NAM THẾ KỶ XX - TẬP I
Thích Đồng Bổn Chủ biên
Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành 

CƯ SĨ 

THIỀU CHỬU- NGUYỄN HỮU KHA
(1902 - 1954)

Cư sĩ Nguyễn Hữu Kha, pháp danh Thiều Chửu, tên tự là Lạc Khổ, sinh năm Nhâm Dần (1902), tại làng Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội.

Ông sinh ra trong một gia đìnhtruyền thống Nho học nhiều đời, thân sinh là cụ Cử Cầu, một nhà hoạt động cách mạng lão thành trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Ông là người con thứ hai trong bốn anh em: 3 trai, 1 gái.

Từ thuở bé, ông đã được sống với bà Nội, vốn là một cô Tú văn hay chữ giỏi ở đất Hà Nội và lại là người Phật tử mộ đạo thuần thành. Do đó, ông đã tiếp cận được nếp sống đạo hạnh, tập ăn chay từ năm lên 8 tuổi, và cũng nhờ bà Nội chỉ dạy cặn kẽ về Nho học, nên ông đã sớm tinh thông Tứ Thư, Ngũ Kinh. Được thừa hưởng vốn liếng căn bản quan trọng ấy, khi vào độ tuổi thiếu niên ông được học chữ Quốc ngữ, đồng thời tự nghiên cứu thông thạo các ngoại ngữ Anh, Pháp, Hoa và Nhật. Nhờ thiên tư sẵn có, ông dễ dàng bước vào lãnh vực nghiên cứu giáo lý Phật Đà, và thấm nhuần sâu sắc, nhanh chóng.

Năm Tân Dậu (1921), lúc ông 20 tuổi, đã bắt đầu dạy Nho học giúp cho Tăng đồ quanh vùng, nên có điều kiện trao đổi, tìm hiểu thêm trong việc nghiên cứu giáo lý. Từ đó, nhận thấy mình có túc duyên với Phật pháp, và với khả năng tri thức của mình, ông sẵn sàng hộ pháp. Bằng tâm nguyện và tư thế một người cư sĩ, ông đảm nhận phụ giảng cho Tăng Ni và công tác từ thiện xã hội.

Tâm nguyện cao đẹp đó, được ông thể hiện qua nếp sống giản dị, đạm bạc. Ông bắt đầu trường chay và mỗi ngày chỉ ăn một bữa; y phục đơn giản như những người chân quê. Ông rất quí thời giờ nên công việc được phân chia thời khóa rành mạch, phần lớn là dịch kinh, viết sách, tu học và dành rất nhiều thời giờ để gần gũi và chăm sóc các trẻ em mồ côi.

Để tạo thêm điều kiện thuận lợi trong việc góp phần tuyên dương Phật pháp. Ban đầu, ông lập nhà bán sách lấy hiệu là Hòa Ký ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Khi phong trào chấn hưng Phật Giáo ở Bắc Kỳ được khởi xướng, Ông cùng các đạo hữu cư sĩ cùng thời như Nguyễn Năng Quốc, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Nguyễn Đỗ Mục, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh, Dương Bá Trạc v.v... là những nhà trí thức tiên tiến, được chư vị Tăng giới như Ngài Trí Hải, Tố Liên mời đồng đứng ra thành lập Hội Bắc Kỳ Phật Giáo vào năm Giáp Tuất (1934). Hội ban đầu do Hòa thượng Thích Thanh Hanh làm Thiền Gia Pháp Chủ.

Năm Ất Hợi (1935), hoạt động nổi bật nhất của Hội Phật Giáo Bắc kỳ là việc cho ra đời tạp chí Đuốc Tuệ. Trong đó ông là một cây bút đắc lực và bền bỉ nhất, phát huy được vai trò Phật học trên từng trang báo, góp phần cổ xúy cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Báo Đuốc Tuệ do ông quản lý trực tiếp, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ - Hà Nội.

Có thể nói, thời gian Đuốc Tuệ tồn tại trên văn đàn là do ông điều hành, đã nêu bật tính tích cực và tầm vóc của một tạp chí Phật giáo lớn thời bấy giờ nơi đất Bắc. Song song với công việc báo chí, ông còn là tác giả của bộ Hán Việt Tự điển, đương thời đã được sử dụng rộng rãi trong cả nước.

Năm 1941, nhằm phát triển công tác giáo dụctừ thiện xã hội, Hòa thượng Trí Hải đã ủy thác cho ông lập trường Phổ Quang và nghĩa trang Tế Độ, cả hai cơ sở này đặt tại ngoại thành Hà Nội. Ông tận tình trông nom và ra sức dạy học. Lớp học có các Tăng Ni theo học, ngoài việc dạy chương trình thế học, Nho học, ông còn kiêm giảng dạy Phật học cho Tăng Ni. Từ những lớp Phật học đầu tiên, có những vị đã trở thành danh Tăng sau này như Hòa thượng Tâm Tịch, Hòa thượng Thanh Kiểm..., bên Ni như Ni sư Đàm Tuệ, Ni sư Đàm Ánh...

Năm 1945, nạn đói xảy ra ở miền Bắc. Thể hiện lòng từ bi, ông cùng với các Hòa thượng Tố Liên, Trí Hải đứng ra thành lập Tổng hội Cứu tế, đặt tại chùa Quán Sứ để giúp những người đói khổ, và dựng nên một Cô nhi viện, nuôi dạy hơn 200 trẻ mồ côi. Cuối năm 1946, chiến tranh lại bùng nổ, các Phật sự phải đình chỉ và số phận các cô nhi bấp bênh. Một nửa các em được đưa về chùa Mai Xá tự túc sinh sống. Một nửa còn lại, ông mang theo lên Phúc Yên làm thủ công và trồng khoai sắn vừa sinh sống vừa học tập.

Thời gian ông nhận công tác từ thiện dạy dỗ chăm lo các trẻ cô nhi, cũng là nhân duyên ông dịch kinhsáng tác nhiều bài hát để dạy các em Cô nhi và truyền bá cho dân chúng như: Tấm lòng vị tha, Người chân tu, Lấp biển trầm luân, Khuyên tu... và một số bài có nội dung giáo dục thiếu nhi như: Đánh đu... ước tính có đến 15 bài Phật Ca do ông sáng tác lưu truyền lúc bấy giờ.

Năm Mậu Tý 1948, ông còn mở thêm lớp học bình dân cho người nghèo ở Cao Phong - Phúc Yên, quy tụ trên 100 học viên đến học thường xuyên, ông hướng dẫn các em mồ côi lớp trước chăm nom trở lại người lớp học sau.

Năm Kỷ Sửu 1949, chiến tranh vẫn diễn ra khốc liệt, dân chúng phải sơ tán khắp nơi. Ông phải đưa lớp học đi sơ tán qua những vùng khác nhau như: Đan Thầm, Đồng Quan, Sơn Tây, Phúc Yên, Thái Nguyên... rất vất vả khó khăn, có khi chỉ ăn toàn cháo sắn (khoai mì) suốt tháng. Tuy trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, đi đến đâu ông cũng cùng học trò xây dựng trường học, cất nhà cho người nghèo và kiên định giữ đúng thời khóa của bản thân. Vẫn ăn ngày một bữa, đêm thức dịch kinh, chỉ ngủ 3 giờ đồng hồ, 2 giờ sáng thức dậy ngồi thiền, trì chú, rồi tập thể dục, uống trà và đôi phút ngâm thơ... Ông nghiêm khắc với bản thân cho nên với đồ chúng ông cũng tạo được sự nghiêm minh triệt để, kỷ luật gắt gao khi có sai phạm. Riêng đối với Tăng Ni, tuy là học trò của ông, nhưng ông luôn kính lễ, sách tấn họ tu họctận tâm chỉ dạy sở học của mình cho họ.

Cư sĩ Nguyễn Hữu Kha còn là một người yêu nước triệt để. Khi Pháp trở lại chiếm Hà Nội, ông dứt khoát không chịu sống ở những vùng nào mà đã rơi vào tay người Pháp. Vì thế ông đã dẫn dắt học trò của mình lên tận Phúc Yên, nơi vẫn thuộc quyền quản lý của cách mạng. Năm 1945, lúc Cách Mạng thành công, Hồ Chủ Tịch đã mời ông ra làm Bộ trưởng Bộ Giáo Dục, nhưng ông từ chối, để tiếp tục việc giảng dạy cho các lớp Phật giáo, cùng Cô nhi, để theo con đường tu trì lợi tha mà mình đã chọn.

Năm 1951, nghe biết ông gặp nhiều khó khăn ở Phúc Yên, Hòa thượng Tố Liên có cho người đem giúp ông 6 lượng vàng. Ông dứt khoát từ chối không nhận trợ giúp nào từ nơi vùng bị chiếm đóng. Do những phong cách chuẩn mực đó, mà đi đến đâu, ông cũng được người xuất gia, tại gia và dân chúng quí trọng, yêu mến, xem ông như một bậc thầy, một Cư sĩđạo hạnh khả kính. Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết, miền Bắc tiến hành phong trào cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản địa chủ. Nhận thấy những đau khổ của không ít nông dân bị hàm oan, ông rất đau buồn, cộng vào sự kiện có lời vu cáo ông về mặt uy tín, và thuộc tầng lớp trí thức tư sản. Để chứng minh cho sự trong sángthanh bạch của mình, ông đã viết bốn bức tâm thư, ba bức gởi cho chính quyền trình bày nỗi lòng của ông với ý kiến đóng góp những điều nên làm và nên tránh để lợi nước ích dân. Một bức thư còn lại, ông gởi cho các học trò của mình, dặn dò cố gắng tu hành, học tập để giáo hóa đời mà đừng để bị đời hóa.

Ngày 15.7.1954, tức ngày 16.6 năm Giáp Ngọ, sau khi từ biệt học trò, lễ tạ bốn phương, ông đã kết thúc đời mình tại sông Đuống, thuộc Đồng Mỹ - Thái Nguyên, để cúng dường Tam Bảo tấm lòng trong sáng thanh tịnh của mình, và để giữ toàn khí tiết một nhà Nho, một người yêu nước chân chính, một cư sĩ hoàn thành nhiệm vụ giáo hóa cho đạo và đời. Ông mất năm 52 tuổi với 30 năm công quả cống hiến cho sự nghiệp đạo pháp.

Trong sự nghiệp phiên dịch và trước tác, ông đã để lại cho hậu thế một di sản tác phẩm quí báu. Tăng Ni Phật tử đều trân trọng sự thâm nhập giác ngộ cao của ông qua các kinh sách được tiếp tục lưu truyền:

 1. Phật học cương yếu.
 2. Khóa Hư Kinh diễn giải.
 3. Sự Tích Phật Tổ diễn ca.
 4. Giải thích truyện Quan Âm Thị Kính.
 5. Con đường học Phật thế kỷ XX này.
 6. Nhòm qua cửa Phật.
 7. Cải tà qui chính.
 8. Thế nào là Phật và Phật pháp.
 9. Lục Tổ Đàn Kinh.
10. Khóa tụng hằng ngày.
11. Bốn mươi tám phép niệm Phật.
12. Vì sao tôi tin Phật Giáo (dịch của B. Brongthon).
13. Kinh lễ sáu phương (dịch).
14. Kinh Di Giáo (dịch).
15. Kinh Di Đà (dịch).
16. Kinh Tứ Thập Nhị Chương (dịch).
....
Cư sĩ Thiều Chửu - Nguyễn Hữu Kha là một Phật tử xứng đáng tiêu biểu cho hàng Cư sĩ trong tứ chúng môn đồ của Phật. Bàn tay đóng góp của người ghi đậm trong lịch sử chấn hưng Phật giáo miền Bắc Việt Nam. Và hơn nữa, xứng đáng là gương mẫu tiêu biểu cho sự trọng thị một nhân cách khiêm ái từ hòa của người con Phật.


CƯ SĨ 
TÂM MINH - LÊ ĐÌNH THÁM
(1897 - 1969)

Cư sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám sanh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quí nhiều đời làm quan. Thân sinh là Binh Bộ Thượng Thư Lê Đỉnh ở triều Tự Đức.

Cùng với anh là Y sĩ Lê Đình Dương trực tiếp học chữ Nho với thân phụ. Cả hai anh em đều tỏ ra thông minh xuất chúng ngay từ thuở niên thiếu. Riêng ông từ nhỏ, đã tỏ ra là người có năng khiếu văn chương thi phú.

Trong những năm theo học tại các trường Tiểu học, Trung học và Đại học, ông đã chiếm được cảm tình cả thầy và bạn. Luôn luôn giành thứ vị thủ khoa trong các kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp.

Ông tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (đậu Thủ Khoa) tại Hà Nội năm 1916, và sau đó đậu Y khoa Bác sĩ năm 1930, ngạch Pháp quốc, tại Y khoa Đại học đường Hà Nội.

Khi ra trường với danh hiệu Y sĩ, đúng lúc phong trào Duy Tân khởi nghĩa bị thất bại, bào huynh Y sĩ Lê Đình Dương bị Pháp tù đày tại Buôn Mê Thuột. Ông bị tình nghi và luôn bị theo dõi. Từ năm 1916 đến năm 1923, ông được bổ nhiệm và làm việc tại các bệnh viện Hội An, Bình Thuận, Sông Cầu, Qui Nhơn, Tuy Hòa. Chính trong thời gian này, ông nghiên cứu thêm về triết lý Đông phương như Khổng, Lão và Phật giáo... Năm 1926, ông phụ trách điều trị tại bệnh viện Hội An (Quảng Nam). Nhân một buổi viếng cảnh tại chùa Tam Thai (tức Ngũ Hành Sơn), ông được đọc bài kệ của Tổ Huệ Năng ghi trên vách chùa :

 Bồ đề bổn vô thọ,
 Minh cảnh diệc phi đài,
 Bổn lai vô nhất vật,
 Hà xứ nhá trần ai.

Đây là lần đầu tiên ông tiếp xúc với triết lý Phật giáo, bài kệ trên đã gieo vào tâm thức ông một ấn tượng sâu sắc về đạo Phật, mặc dầu thời điểm lúc ấy chưa cho phép ông đến gần với cửa thiền.

Nhân cụ Phan Chu Trinh mất, được tin ấy ông cũng như những người yêu nước khác, đã làm lễ truy điệu tại nơi đang làm việc, tỉnh Quảng Nam; mật thám Pháp biết được nên chuyển ông ra làm việc ở Hà Tĩnh.

Năm 1928, ông lại được thuyên chuyển về Huế, đảm trách Y sĩ trưởng Viện bào chế và vi trùng học Louis Pasteur, ông phát minh ra Sérum Normet. Chính năm này, ông mới lên chùa Trúc Lâm, cách kinh đô Huế khoảng 7 cây số ở sau đàn Nam Giao, để thỉnh tôn ý về bài kệ trên với Hòa thượng trụ trì là Ngài Giác Tiên. Sau khi hiểu thấu đáo bài kệ, ông đã thực sự chuyển hướng đời mình: Phát nguyện quy y Tam bảo, ăn trường trai từ đó và nghiên cứu học hỏi kinh điển Phật giáo để hoằng hóa giúp đời. Với chí nguyện như trên, ông được thọ tam quy ngũ giới với Hòa thượng Giác Tiên, pháp danhTâm Minh, pháp tự là Chiêu Hải.

Năm 1929, ông thọ học thêm với Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp, Bình Định. Hòa thượng chỉ đạo ông nghiên cứu các bài giảng của Ngài Thái Hư đại sư ở Trung Hoa về cách thức tổ chức Phật giáo, và suy nghĩ cải cách thế nào cho phù hợp với tình hình Phật giáo nước nhà. Ông đã đề đạt ý kiến của mình lên chư Hòa thượng Phước Huệ, Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Hạnh, Tịnh Khiết... và đã được các Ngài chấp thuận.

Năm 1930, ông trở ra Hà Nội thi bằng Y khoa Bác sĩ ngạch Pháp. Khi trở về, ông vừa học Phật vừa làm ngành y mà vẫn vượt xa các bạn đồng học trong thời gian ấy.

Năm 1932, Hội An Nam Phật Học ra đời, do các vị Hòa thượng và ông đứng ra chịu trách nhiệm gánh vác công cuộc hoằng dương chánh pháp. Trụ sở hội đầu tiên đặt ở chùa Trúc Lâm, sau đó là chùa Từ Đàm. Ông làm Hội trưởng và các Hòa thượng trong Ban Chứng minhcố vấn cho Hội. Hội bắt đầu truyền đạo với nhiều hình thức:

- Thuyết pháp hằng nửa tháng cho tín đồ nghe tại chùa Từ Quang.
- Mở trường đào tạo Tăng tài cho Giáo hội sau này.
- Mở thêm các chi hội để gánh vác trách nhiệm hoằng dương chánh pháp khắp các tỉnh.
- Thành lập Thanh niên Đức dục (Phật học).
- Xuất bản tờ báo Phật giáo (Nguyệt san Viên Âm).
- Thiết lập các tòng lâm để chư Tăng tu học, và đào tạo Tăng tài.

Từ năm 1930, bắt đầu xuất hiện những bài viết của ông trên tờ nguyệt san Viên Âm. Ông tự tay viết cả truyện ngắn (ký tên T.M), truyện dài (ký tên Châu Hải) và truyện hài hước (ký tên Ba Rảm).

Từ năm 1934-1945 là những năm hoàn chỉnh các tổ chức của Phật giáohệ thống đào tạo Tăng tài, các lớp Phật học cho thanh niên. Kết quả mà ông đã đóng góp được trong những năm tháng ấy, vẫn mãi mãi được ghi nhớ: Một thế hệ Tăng sĩ tài ba đã nở rộ, làm nền tảng tuyên truyền phát huy chánh pháp, đoàn kết Tăng NiPhật tử, bảo vệ Phật giáo trước những khó khăn lúc bấy giờ. Chùa Từ Quang, nơi làm giảng đường bước đầu để tuyên dương chánh pháp cũng đã thấy bóng dáng của ông trong chiếc áo dài màu đen và chiếc khăn đóng tươm tất, thành kính đảnh lễ chư Tăng trước khi bước lên Pháp tòa để giảng kinh cho họ.

Năm 1946, cuộc chiến tranh chống Pháp bùng nổ, dân chúng Huế tản cư, ông cùng gia đình di tản về Quảng Nam. Từ năm 1947 đến 1949 ông làm chủ Tịch Ủy ban Hành chánh Kháng chiến miền Nam Trung bộ. Tại Liên khu V của vùng kháng chiến, ông tập họp một số đoàn viên của đoàn Phật học Đức dục có mặt trong vùng và thành lập tổ chức “Phật giáo và Dân chủ mới” tại Bồng Sơn - Bình Định, nghiên cứu việc tổng hợp giáo lý Phật giáotriết học Mác-Lê Nin.

Mùa hè năm 1949, ông tập kết ra Bắc. Sau đó được đề cử làm Chủ tịch phong trào vận động Hòa Bình thế giới. Năm 1956, ông và Hòa thượng Trí Độ tham dự phái đoàn sang dự đại hội Phật giáo Buddha Jayanti tại Ấn Độ.

Năm 1961, toàn bộ kinh Lăng Nghiêm mà ông đã dày công phiên dịchchú giải trong nhiều năm, đã được đăng tải trên báo Viên Âm trước đây được ông hoàn tất và xuất bản tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Sau đó, sách được gia đình ông tái bản lưu hành rộng rãi ở miền Nam.

Trong những năm ở Bắc, ngoài ngày giờ làm việc cho Nhà nước, ông đến chùa Quán Sứ để dịch kinhgiảng kinh, hướng dẫn việc tu học giúp nhà chùa. Kết quả của những năm tháng dày công quả vì đạo pháp và dân tộc ấy còn được thể hiện qua các kinh sách uyên thâm như:

1. Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
2. Luận Nhơn Minh
3. Đại Thừa Khởi Tín Luận
4. Bát Thúc Qui Củ tụng.
5. Phật Học thường thức.
6. Bát Nhã Tâm Kinh.
7. Lịch sử Phật giáo Việt NamPhật Tổ Thích Ca.
8. Tâm Minh - Lê Đình Thám tuyển tập (gồm 5 tập).

Đời ngườivô thường, ông đã ngộ lý ấy và đã bình thản ra đi ngày 23-4-1969 (nhằm 7-3 âl, năm Kỷ Dậu), sau khi đã đàm đạo lần cuối cùng với Hòa thượng Đôn Hậu, tại bệnh viện Việt - Xô, Hà Nội. Thọ 73 tuổi và 42 năm phụng sự Tam Bảo.

Tinh thành trong giai đoạn chấn hưng Phật giáo giữa thế kỷ XX, Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám quả là bậc tiền bối hữu công thật sáng chói, ông đã vượt qua ranh giới hình thức để tựu thành đạo nghiệp cao quí cho hàng hậu tấn ngưỡng vọng dù xuất gia hay tại gia.


CƯ SĨ 
CHÁNH TRÍ - MAI THỌ TRUYỀN
(1905 - 1973)

Cư sĩ Mai Thọ Truyền sinh ngày 01-4-1905 tại làng Long Mỹ, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trung lưu. Thuở nhỏ ông được theo học tại trường Sơ học Pháp - Việt Bến Tre, rồi Trung học Mỹ Tho, và Chasseloup Laubat Saigon. Năm 1924, ông thi đậu Thư ký Hành chánh và được bổ đi làm việc tại Sài Gòn, Hà Tiên, Chợ Lớn. Năm 1931, ông thi đậu Tri huyện và đã tùng sự tại Sài Gòn, Trà Vinh, Long Xuyên và Sa Đéc. Hành nhiệm ở đâu cũng tỏ ra liêm khiết, chính trựcđức độ, không xu nịnh cấp trên, hà hiếp dân chúng, nên được quý mến.

Năm 1945, sau đảo chính Nhật, ông đang làm Quận trưởng Cầu Ngang, được mời về giữ chức Phó Tỉnh trưởng Trà Vinh. Tháng 6 năm ấy, chính quyền Trần Trọng Kim cử ông làm Quận trưởng Thốt Nốt (Long Xuyên). Sau Cách Mạng Tháng Tám, ông được cử làm Chủ Tịch Ủy Ban Quận Bộ Việt Minh Châu Thành, Long Xuyên, rồi Chánh văn phòng kiêm Ủy viên Tài chánh Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Long Xuyên.

Sau khi quân đội Pháp chiếm Long Xuyên, ông cùng Ủy ban dời về núi Sập rồi giải tán, nhường quyền chỉ huy kháng chiến cho quân sự. Ông lánh về vùng thôn quê ẩn náu. Chính phủ Nguyễn Văn Thinh mời ông làm Quận trưởng, rồi Phó tỉnh trưởng Sa Đéc. Trước cảnh quân đội Pháp bố ráp tàn sát dân chúng, ông can thiệp không được, nên xin từ chức. Chính phủ không cho, ông bèn cáo bệnh xin đi điều dưỡng.

Giữa năm 1947, ông xin đổi về Sài Gòn và lần lượt giữ các chức vụ sau đây: Chánh văn phòng Phủ Thủ Tướng chính phủ Nguyễn Văn Xuân (Hà Nội), Chánh văn phòng Bộ Kinh Tế, Giám đốc hành chánh sự vụ Bộ Ngoại Giao, Đổng lý văn phòng Bộ Nội vụ của Chính phủ Nguyễn Phan Long, Đổng Lý văn phòng Phủ Thủ Hiến Việt Nam và Phó Đổng lý văn phòng Phủ Thủ tướng của Chính phủ Bửu Lộc. Năm 1955 ông đổi qua ngạch Thanh tra Hành chánh và Tài chánh, đến năm 1960 thì về hưu.

Sau ngày 01-11-1963, ông tham gia Hội Đồng Nhân Sĩ cách mạng. Năm 1967 ông ứng cử Phó Tổng thống trong liên danh Trần Văn Hương. Năm 1968 ông giữ chức Quốc vụ khanh kiêm Viện trưởng Giám sát viện, rồi Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa cho đến năm quy tịch. Với trách vụ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, ông đã làm được những việc có ích cho đương thời và hậu thế: xây dựng Thư viện Quốc gia (ngay trên khuôn đất mà thực dân Pháp đã dùng xây khám lớn Saigon gieo biết bao tội ác) nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố, xúc tiến việc thành lập Văn khố quốc gia và Nhà văn hóa, thành lập và đẩy mạnh hoạt động của Ủy ban Điển chế văn tự, lập Ủy ban dịch thuật và xuất bản các sách Hán Nôm quý hiếm, thành lập Chi nhánh Bảo tồn Cổ tích Huế.

Sự nghiệp lịch sử của ông đối với Phật giáo từ khi ông bắt đầu trở thành cư sĩ Phật tử. Trong những năm làm việc đó đây khắp lục tỉnh miền Tây, ông để tâm nghiên cứu tìm hiểu về Phật giáo, Nho giáo, và các tư tưởng tôn giáo triết lý khác. Đến đâu ông cũng tham vấn các vị danh nho nổi tiếng để thử tài học vấn và biện bác, nhưng chưa vị nào giúp ông thỏa nguyện. Đến khi làm việc ở Sa Đéc, ông đến tham vấn Hòa Thượng Thích Hành Trụ thế danh Lê Phước Bình, là giảng sư tại chùa Long An, chính nơi đây ông thực sự qui ngưỡng cảm phục trước đức độtrí tuệ của vị danh Tăng nên cầu làm đệ tử của Ngài. Hòa thượng Thích Hành Trụ đặt pháp danh cho ông là Chánh Trí. Từ đây, ông bắt đầu dốc lòng đem khả năng và trình độ học thức của mình ra hộ trì chánh pháp.

Đối với phong trào chấn hưng Phật giáo, ông là một kiện tướng trong hàng cư sĩ đã đóng góp công sức rất lớn. Là một Phật tử thuần thành, ông ăn chay trường từ ngày thọ Tam quy ngũ giới, làm Phật sự không biết mệt mỏi. Năm 1950, tại Saigon, ông vận động thành lập Hội Phật Học Nam Việt. Ban đầu hội đặt trụ sở tại chùa Khánh Hưng, sau dời qua chùa Phước Hòa. Ông vận động và đứng ra xây dựng ngôi chùa lịch sử Xá Lợi, một ngôi phạm vũ huy hoàng tráng lệ nhất, tiêu biểu cho nét văn hóa mới của Đông Tây hòa quyện, làm trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt. Năm 1958 hội chuyển về chùa Xá Lợi. Ông làm Tổng thư ký của hội khi mới thành lập và Hội trưởng từ 1955 cho đến ngày ông mất. Hội đã mở các lớp Phật học phổ thông lúc bấy giờ do chư Thượng tọa Thiện Hòa, Trí Hữu, Thiện Hoa, Quảng Minh diễn giảng. Ông cũng tham gia soạn và giảng một số tiết mục cho học viên. Hàng tuần, tại chùa Xá Lợi, ông còn tổ chức các thời thuyết pháp cho đại chúng do ông mời các vị cao Tăng Đại đức trong nước hay nước ngoài đăng đàn. Có khi chính ông là giảng sư.

Bên cạnh đó, Hội Phật Học Nam Việt còn xuất bản tạp chí Từ Quang do ông làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tạp chí này suốt gần 24 năm liên tục (1951- 1975) đã đóng góp không nhỏ cho công việc phổ biến Phật học ở Sài Gòn và các tỉnh. Tạp chí đã được chư Tăng bên Giáo Hội Tăng Già Nam Việt sốt sắng góp phần về phương diện biên tập. Chính ông là người viết thường xuyên trên Từ Quang. Với lối hành văn nhẹ nhàng, bóng bẩy và sâu sắc, với trình độ thâm hiểu nghĩa lý sâu xa của kinh điển, những bài ông viết đã được độc giả hoan nghênh, đã tạo cơ duyên cho nhiều người đến với đạo Phật. Ông cùng Hội Phật Học Nam Việt đã thành lập trên 40 Tỉnh hội và Chi hội Phật học khắp miền Nam.

Để làm đòn bẩy thúc đẩy cho phong trào chấn hưng Phật giáo tại miền Nam, năm 1952, ông và Hội Phật Học Nam Việt đã tạo nên Phật sự vô cùng quan trọng, gây được tiếng vang khắp toàn quốc. Đó là lễ rước ngọc Xá Lợi tại Sài Gòn vào ngày 13-9-1952. Nhân khi phái đoàn Phật giáo Tích Lan đi dự Đại Hội Phật Giáo thế giới kỳ II tại Tokyo, có mang theo một viên ngọc Xá Lợi để tặng quốc gia Nhật Bản. Trên đường đi, phái đoàn quá cảnh Sài Gòn 24 tiếng đồng hồ. Cuộc rước ngọc Xá Lợi đã được đông đảo Tăng Ni, Phật tử và đồng bào thành phố và các tỉnh lân cận tham dự để chiêm bái Xá Lợi Phật đầu tiên đến Việt Nam.

Trong giai đoạn đấu tranh năm 1963 được coi là pháp nạn, ông giữ nhiệm vụ Tổng thư ký Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đòi hỏi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi bình đẳng tôn giáo. Ông và Hội Phật Học Nam Việt đồng ý để Ủy ban đặt trụ sở trung ương tại chùa Xá Lợi. Khi chính quyền cho quân đội và cảnh sát đánh phá, phong tỏa chùa, bắt bớ cầm tù Tăng Ni Phật tử, ông cũng chịu chung số phận. Chùa Xá Lợi trở thành địa điểm lịch sử trong cuộc đấu tranh kiên cường đẫm máu của Phật giáo đồ chống chế độ độc tài kỳ thị tôn giáo. Năm 1964, ông tham gia Ủy ban soạn thảo Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và được bầu làm Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Nhưng vì bất đồng ý kiến về mặt tổ chức, chỉ một tháng sau ông từ nhiệm, quay về hoạt động cho Hội Phật Học Nam Việt trong cương vị Hội trưởng.

Khi Viện Đại Học Vạn Hạnh được thành lập, tạm đặt tại chùa Xá Lợi trong khi chờ xây xong cơ sở, ông nhận làm giáo viên cho Viện trước tiên, và sau đó ông còn giữ chức Phụ tá Viện trưởng đặc trách hành chánh và tài chánh, kiêm Tổng thư ký niên khóa 1967- 1968.

Ngoài những Phật sự nói trên, ông còn để tâm nghiên cứu kinh điển Phật Đà. Với học lực uyên thâm và sự thông hiểu sâu sắc giáo lý ông đã dành nhiều thời gian dịch và trước tác các tác phẩmgiá trị về Phật học như sau:

- Tâm và Tánh (do Nhà Xuất bản Đuốc Tuệ - Hà Nội ấn hành năm 1950).
- Ý nghĩa Niết Bàn (1962).
- Một đời sống vị tha (1962).
- Tâm kinh Việt giải (1962).
- Le Bouddhisme au Viet Nam (1962)
- Pháp Hoa huyền nghĩa (1964)
- Địa Tạng mật nghĩa (1965)
 (Do Hội Phật Học Nam Việt ấn hành).

Ngoài ra, ông còn một số tác phẩm chưa xuất bản như: Truyền tâm pháp yếu, Tây Du Ký, Hư Vân Lão Hòa Thượng, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Mười lăm ngày ở Nhật, Vòng quanh thế giới Phật giáo, Đạo đời, Khảo cứu về Tịnh Độ Tông, Mật Tông và một tác phẩm đang viết dở là Kinh Lăng Nghiêm.

Ngày 15-4-1973, ông còn cùng các đại biểu các tỉnh của Hội Phật Học Nam Việt họp đại hội tại chùa Xá Lợi, chia tay vào lúc 23 giờ khuya. Sáng 17-4-1973 tức rằm tháng ba năm Quý Sửu, vào lúc 8 giờ 15, ông nằm ngay thẳng, từ giã cõi trần rất nhẹ nhàng, thanh thản, hưởng thọ 69 tuổi.

Ông đã cống hiến trọn đời cho việc phụng sự Phật pháp. Ông là một người cư sĩ mẫu mực uyên thâm giáo lý, tận tụy với đạo dù đang ở những địa vị cao của quan trường. Ông là một điển hình cho sự tích cực của hàng cư sĩ lợi đạo ích đời theo tinh thần đạo Phật, và là điểm sáng chói ở miền Nam trong phong trào chấn hưng và thống nhất Phật giáo, góp phần lớn lao trong sự nghiệp truyền bá tri thức Phật học, nhất là phát triển hệ thống Phật học cư sĩ do ông sáng lập ra vẫn còn duy trì hoạt động cho đến ngày nay.


CƯ SĨ
NGUYỄN VĂN HIỂU
(1896 - 1979)

Cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu sinh ngày 01/10/1896 tại làng Tân An, tổng Định Bảo, tỉnh Cần Thơ, con của ông Nguyễn Quang Diệu và bà Mai Thị Đường.

Từ nhỏ ông học chữ Nho, sau chuyển sang học chương trình Pháp - Việt trong năm năm tại Cần Thơ.

Năm 1911, ông thi đậu học bổng trường Trung học Mỹ Tho, sau đó lên Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat, thi đậu bằng Thành Chung năm 1915. Rồi ông học trường Công Chánh Hà Nội và thi đậu bằng Cao học Kỹ thuật Công chánh Hà Nội năm 1918. Năm 1919 ông sang làm việc tại Campuchia, năm 1925 về làm Sở Hỏa Xa Sài Gòn, năm 1944 làm Giám Đốc Hỏa Xa miền Nam.

Lúc nhỏ, ông quy y theo phái Cao Đài Tiên Thiên. Sau đó ông chuyển qua nghiên cứu Tin Lành - Gia Tô Giáo.

Cuối năm 1930, nhân đọc quyển La Sagesse du Bouddha (Tuệ Giác của Phật) và hiểu được giá trị đích thực của đạo Phật, từ đó ông ôm ấp ý nguyện truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy. Lúc đầu ông tập họp được các bạn đồng học gồm cư sĩ Cầm, Núi, Nhật, Hương cùng nhau thực hành thiền định.

Năm 1935, khi gặp lại người bạn là Bác sĩ Thú Y Lê Văn Giảng, ông đem quyển kinh Phật bằng chữ Pháp giới thiệu và khuyên về Campuchia tầm sư học đạo. Sau đó người bạn xuất giaHòa thượng Hộ Tông, người sáng lập Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam.

Năm 1938, khi đi tìm đất cất chùa ở vùng ngoại ô Sài gòn Chợ Lớn, ông gặp được ông Bùi Ngươn Hứa hiến phần đất ở Gò Dưa - Thủ Đức để lập nên chùa Bửu Quang, ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nam Tông Việt Nam.

Năm 1939, ông đã thỉnh Ngài Hộ Tông, Ngài Thiện Luật, Ngài Huệ Nghiêm và một nhà sư người Campuchia về Việt Nam hoằng dương giáo pháp. Cũng trong năm 1939 này, ông đã thỉnh Đức vua Sãi Campuchia Chuôn Nath và 30 vị Tỳ kheo Campuchia về làm Lễ Kiết Giới Sìmà tại chùa Bửu Quang.

Năm 1940, ông bán nhà lấy nửa số tiền cất lại chùa Bửu Quang bằng ngói gạch và một cốc lầu gồm ba căn cũng bằng gạch ngói, phân nửa tiền còn lại ông mua ruộng để lo chi phí ẩm thực cho chùa.

Năm 1948, ông khởi công xây dựng chùa Kỳ Viên tại Bàn Cờ Sài Gòn và thỉnh chư Tăng đến thuyết pháp, Pháp sư Thông Kham từ Lào đã được thỉnh về thuyết pháp tại chùa Kỳ Viên này. Ngài Naradà ở Tích Lan đã đến ngôi chùa này để mở đạo tràng giảng giáo lý.

Ngày 14/5/1957 ông đứng ra thành lập Tổng Hội Phật Giáo Nguyên Thủy dành cho cư sĩ hoạt động. Ngày 18/12/1957 ông cùng với các Cao Tăng Nam Tông thành lập Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.

Bên cạnh Phật sự quan trọng trên ông còn lưu tâm trước thuật, phiên dịch một số kinh sách phục vụ công cuộc hoằng truyền Phật đạo, như sau:

1. Tại sao theo phái Tiểu Thừa.
2. Chọn đường tu Phật.
3. Trên đường hoằng pháp của Đức Phật.
4. Con đường giải thoát.
5. Pháp vô ngã.
6. Thiền định.
7. Luân lýxã hội Phật giáo.
8. Niệm tâm từ.
9. Thành kiến ngã chấp.

Năm 1961, ông đứng ra vận động quyên góp tài chính để xây cất Thích Ca Phật Đài (Vũng Tàu).

Ngoài ra, ông đã tham dự Hội nghị kết tập Tam Tạng lần thứ 6 tại Miến Điện, tham dự Hội nghị Phật giáo Thế Giới tại Thái Lan và Ấn Độ năm 1964, và ông cũng đã sang Tích Lan và Singapore để thăm viếng các Hội Phật Giáo.

Tuổi cao sức yếu và một số sở nguyện hộ pháp đã viên thành. Cư sĩ về cõi Phật ngày mùng 2 tháng 5 năm 1979, tức ngày mùng 7 tháng 4 năm Kỷ Mùi, hưởng thọ 83 tuổi đời, hơn 40 năm là Cư sĩ hộ pháp.

Là bậc tiên phong kỳ vĩ trong lịch sử cộng đồng cư sĩ Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam, cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu đã để lại một sự nghiệp lớn lao là du nhập và phát triển Phật Giáo Nguyên Thủy tại Việt Nam.


LỜI CUỐI SÁCH 

Cẩn bạch cùng chư Tôn đức, thân hữu tri thức.

Đối với lịch sử cận đạihiện đại, việc công bố sớm một sự kiện cũng có những mặt hạn chế nhất địnhquan điểm về sự kiện đó là của người ở trong cuộc nên chưa thể nhận định chính xácdiễn đạt đầy đủ các nguyên nhân. Chính vì thế mà nguyên tắc của ngành sử học là chỉ có các sự kiện được công bố sau 50 năm thì mới được xem là có giá trị lịch sử. Cho nên việc công bố tác phẩm lịch sử trong hoàn cảnh nhất định sẽ chỉ có giá trị nhất định ở thời điểm đó.

Vì thế trong khả năng có thể và được phép, quyển sách này chỉ nêu những điểm nổi bật về thân thế và sự nghiệp của Danh Tăng. Do đó, chắc có nhiều khiếm khuyết vì các sự kiện trong bối cảnh liên quan đã ít nhiều được đơn giản hóa.

Ngoài ra, trong tập sách này còn thiếu bóng một số vị Cao Tăng đã có công đóng góp lớn lao cho Phật pháp, những lúc khó khăn cũng như lúc thuận lợi, chẳng hạn như các Hòa Thượng Thiện Luật, Đạt Từ, Tối Thắng hoặc các vị đã chịu đựng bao nhiêu gian khổ, tìm lên vùng rừng sâu nước độc ở Cao Nguyên để gieo hạt giống Phật pháp giáo hóa chúng sinh nơi đèo heo hút gió như các Hòa Thượng Nhơn Thứ khai sơn chùa Linh Quang ở Đà Lạt, Lâm Đồng, Hòa Thượng Quang Huy ở Buôn Ma Thuột, Hòa Thượng Trí Hữu ở Quảng Nam - Đà Nẵng.

Vì việc thu thập tài liệu quá khó khăn như đã nói trên đây, mà lại muốn tập sách đầu tiên này sớm ra mắt Chư Tôn Đức và quí vị độc giả, nên Ban chủ biên đành phải gác lại trong tập sau, chứ không phải là đã bỏ sót.

Chúng tôi mong rằng, công trình này sẽ là tiền đề thúc đẩy việc làm sáng tỏ thêm những nghi vấn lịch sử về cuộc đờisự nghiệp của Danh Tăng mà người biên khảo chưa tìm thấy đầy đủ ở mọi khía cạnh.

Chúng tôi cũng hy vọng nhận được sự góp ý, tư liệu để những trang sử được tiếp tục viết sâu hơn, đầy đủ hơn và sẽ được công bố tiếp theo vào một thời điểm khác bằng các quyển sử chuyên đề và chi tiết hơn về hành trạng của các vị Danh Tăng mà điều kiện cho phép.

Trân trọng.

BAN BIÊN TẬP 


CONTENT SYNOPSIS

 “Biographies of Prominent Monks of the Twentieth Century” is the first volume of the research project of Vietnamese Buddhism's history.

It has as object the introduction to researchers and readers of the lives of prominent monks, from birth to death, who had made exceptional contributions to religion, people and the Vietnamese Buddhist sangha during their present existences, and of what they had bequeathed as lessons for coming generations to follow.

This study, of a comprehensive character, includes prominent monks of all three regions of Vietnam - North, Center and South, without distinction of sects, localities and nationalities provided they were Vietnamese and had distinguished themselves by their works to religion and people in every sphere.

In addition, this study makes no difference of these personalities, subjective political convictions during their lives and in their activities : instead, it offers a summary of these in three contents : life, work and accomplishments, left behind and recognized by Buddhist group, and the memory of whose work and virtue remains vivid in the hearts of Buddhists.

In the process of writing this book, we strove to keep to the method of historical research and of objective evaluation of data expected of historians. As oriented by the initialtheme, we limited ourselves to draw up the biographies of concrete personalities, who are ranged according to the chronological order of their demises. So that readers may gain awareness of the relationship between different periods of the history of Vietnamese Buddhism, we have tentatively divided it into such periods as :

- Pre - renascence period of Vietnamese Buddhism 1900 - 1929
- Renascence period of Vietnamese Buddhism : 1930 - 1945
- Period of Vietnam's division : 1954 - 1975
- Period of national reunification : 1975 - 1933

This book contains biographies of one hundred monks and of four Buddhist laymen who deserved well of the religion and of the country by making significant contributions during these four periods. It is volume I, the first part of the historical project which has yet to be completed.

The history of the nation has turned over its pages which affords pre - conditions for the renascence of Buddhism. Along with the people' s progress to win back independence and their own values, Vietnamese Buddhism, after having been many centuries in the twilight, has sparkled all of a sudden into light to make contributions to the country and nation by the lives and deeds prominent monks recorded in this volume.

In so far as centemporary and modern history are concerned, the ealy revelation of an event presents limitations since its causes cannot yet be ascertained and appraised fully. Thus, in what is possible and permissible, this book only deals with the positive aspects of the works bequeathed by prominent monks to serve as lodestar for coming generations.

It is therefore unavoidable that it contains shortcomings with regard to related events. We only hope that it affords a precondition for further clarification of doubts which howere remain unknown to the authors. We welcome advices and assistance in the form of materials from learned scholars so that we may be able to write the next volumes more deeply and exhaustively.
 
 

SYNOPSIS DU CONTENU
“Biographies des Bonzes Illustres Du Vingtième Siècle” est le premier volume qui fait partie d'un projet d'étude sur l'histoire du Bouddhisme Vietnamien.
L'objet de ce livre est de presénter aux chercheurs et lecteurs la vie des bonzes illustres, de la naissance à la mort, qui ont bien mérité de la religion, de la nation et de l'Eglise Bouddhiste durant toutes leurs présentes existences, et ce que ces personnages ont légué comme lecons à suivre aux génération qui viennent. 

Cette étude, de caractère global, comprend les illustres bonzes de toutes les trois régions - Nord, Centre et Sud du Viet nam - sans distinction de secte, de localité et de nationalité pourvu qu' ies fussent Vietnamiens et eussent apporte des contributions à la religion et à la nation dans tous les domaines.

Elle ne fait en outre aucune différence entre convictions politiques subjective de ces personnage durant leur vie et dans leurs activités et se veut d'en faire un résumé selon ces trois contenus : Vie, Travail et Oeuvtes léguées et reconnues par les groupes Bouddhistes, et dont le souvenir de leurs actions et vertus reste vivant dans les esprits.
Au cours de la rédaction de ce livre, nous nous sommes efforcés de nous astreindre au processus de recherche scientifique en historiographie et d'évaluer les donneés en toute objectivité en tant que historiens. Respectant le sujet initialement adopté nous nous bornons à écrire les biographies des personnalités coverètes et de les classer d'après l'ordre chronologique des dates de dècès.

Afin que les lecteurs saisissent les liens entre les différentes périodes de l'histoire du Bouddhisme Vietnamien, nous tentons de la diviser en périodes comme suit :
- Période de pré - renaissance du Bouddhisme Vietnamien : 1900 - 1929
- Période de renaissnace du Bouddhisme Vietnamien : 1930 - 1954
- Période de division du pays : 1954 - 1975
- Période de ré unification nationale : 1975 - 1993

Le livre présent comprend les biographies de cent bonzes et de quatre laiques bouddhistes qui ont apporté des contributions significatives durant ces quatres périodes. C'est le vomume I de la première partie du projet d' étude de l'histoire du Bouddhisme Vietnamien qui reste à parachever.

L'histoire du pays a tourné ses pages, ce qui a fourni les conditions préalables de la renaissance de Bouddhisme. En marche avec la nation dans le recouvrement de son indépendance et de ses propres valeurs, le Bouddhisme Vietnamien, étant pour plusieurs siècles dans les brumes, a éclaté de mille feux pour contribuer an pays et à la nation les accomplissements et oeuvres des bonzes illustres aux quels ce livre fait houneur.

Four l'histoire contemporaine et moderne, la publication prématurée des évènements a aussi ses limites parce qu'il n'est pas encore possible de vérifier et d'analyser leurs causes justement et profondément.
Ainsi, dans le possible et permissible, ce livre relate seulenemt les aspects positifs des oeuvres que ces personnalités ont légueés pour servir d' exemples aux génération qui viennent.

Cette étude contient par conséquent des lacunes iné vitables en ce qui concerne certains faits. Osons - nous espérer qu'elle constituera un stimulant pour clarifier davantage les doutes qui demeurent, encore inconnus aux auteurs, et de recevoir de la part des chercheurs érudits des conseils et de l'assistance en matière de matériaux pourque nous puissions rédiger plus profondément et exhaustivement l' histoire du Bouddhisme Vietnamien dans volumes subséquents.



THƯ MỤC THAM KHẢO

TÁC PHẨM, SÁCH :

- 50 Năm Chấn Hưng Phật Giáo. Thích Thiện Hoa. Sen Vàng XB - Sàigon - 1970
- Phật Giáo Việt Nam ngày nay. Thích Thiện Hoa. Sen Vàng XB - Sàigon 1971.
- Việt Nam Phật Giáo Sử Lược. Thích Mật Thể. Minh Đức XB - Đà Nẳng - 1960.
- Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập III. Nguyễn Lang. Lá Bối XB - Paris - 1985.
- Sự Phát Triển Của Tư Tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến CMT8. Trần Văn Giàu. Tập II - NXB Khoa Học Xã Hội XB - Hà Nội - 1973.
- Tăng già Việt Nam. Trí Quang. Linh Quang XB- Huế - 1960.
- Phật Giáo Tranh Đấu Sử. Quốc Oai - Sàigon - 1963.
- Lược Sử Phật Giáo Việt Nam. Nguyễn Tài Thư- Viện Triết Học XB - Hà Nội 1990.
- Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử. Tuệ Giác- Sàigon - 1964.
- Chung Một Bóng Cờ. Ủy Ban TW MTTQ Việt Nam XB - Thành phố HCM - 1993.
- Tiểu Sử Chư Tổ Chùa Quán Sứ. Thiều Chửu. Đuốc Tuệ XB - Hà Nội - 1953.
- Việt Nam Anh Kiệt. Trần Trung Nghĩa - Thích Bổn Châu. Sở VHTT Kiên Giang XB - Kiên Giang 1991.
- Tiểu Sử Hòa Thượng Tuệ Tạng Và Lá Tâm Thư. Thích Bình Minh. Giác Minh XB - Sàigon - 1959.
- Tháp Đa Bảo. Thích Thiện Hoa. Chùa Phước Hậu XB - Vĩnh Long - 1968.
- Tiểu Sử Chư Hòa Thượng Tôn Sư. Thiện Quí - Đồng Điển. Tổ Đình Đông Hưng XB - TPHCM - 1991.
- Ánh Minh Quang. Thích Giác Toàn. Hệ Phái Khất Sĩ XB - TPHCM - 1991.
- Lửa Thiêng Đạo Mầu. Lan Đình - Phương Anh. Viện Phật Học XB, Sàigon 1963.
- Ký Sự Dự Hội Nghị Phật Giáo Thế Giới. Thích Tố Liên. Quán Sứ XB - Hà Nội - 1950.
- Lược Khảo Phật Giáo Sử Việt Nam. Vân Thanh. Các Phật Học Viện và các chùa XB - Sàigon - 1974.
- Thiền Sư Việt Nam. Thích Thanh Từ. Thành Hội Phật Giáo TPHCM. XB - TPHCM - 1992.
- Tiểu Sử Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa. Hướng Chân. Tổ Đình Ấn Quang XB - Sàigon - 1978.
- Tiểu Sử Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hòa. Môn Đồ Pháp Quyến. Tổ Đình Ấn Quang XB - TPHCM - 1978.
- Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Trí Hưng. Phật Giáo Cổ Sơn Môn. Tổ Đình Sắc Tứ Từ Lâm XB - Quảng Ngãi - 1968.
- Kỷ Yếu Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Huệ Hưng. Môn Đồ Pháp Quyến. Huệ Quang Tu Viện XB - TPHCM 1990.
- Mấy Vấn Đề Về Phật GiáoLịch Sử Tư Tưởng Việt Nam. Viện Triết Học. NXB Khoa Học Xã Hội XB - Hà Nội - 1986.

BẢN THẢO :

- Lược Sử Phật Giáo Tỉnh Bến Tre năm 1990. Hòa Thượng Vĩnh Đạo. Bản chép tay - Bến Tre 1927.
- Lược Sử Đấu Tranh Của Phật Giáo Nam Kỳ 1862 - 1975. Tống Hồ Cầm. Bản thảo đánh máy 1985.
- Chùa Tháp - Danh Tăng - Phật Sự. Nguyên Hồng. Bản thảo đánh máy.

TẠP CHÍ BÁO :

- Bồ Đề Tân Thanh. Nguyệt San, các số 61-80, 101-120 - năm thứ 4-6. Hội Phật tử Việt Nam XB - Hà Nội 1953.
- Tam Bảo. Tạp chí, các số 2-6 - năm thứ nhất, Hội Đà Thành Phật Học, Đà Nẳng 1937.
- Phương Tiện. Bán Nguyệt San 17-33. Hội Việt Nam Phật Giáo XB - Sàigon - 1950.
- Từ Bi Âm. Tạp chí - số 101-120 - năm thứ 5. Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học XB - Sàigon - 1936.
- Phật Giáo Việt Nam. Nguyệt San, các số 1-20, năm thứ nhất. Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam XB- Sàigon - 1956.
- Từ Quang. Tạp chí, các số 1-201. Hội Phật Học Nam Việt XB - Sàigon - 1955-1965.
- Liên Hoa. Nguyệt San - số 3 - năm thứ 7. Phật Giáo Trung Phần XB - Huế 1965.
- Đại Chúng. Tuần Báo, số 237-249. Nguyễn Duy Hinh XB - Sàigon - 1963.
- Tiến Hóa. Bán nguyệt San, số 4, năm thứ nhất. Hội Phật Học Kiêm Tế - Rạch Giá - 1938.
- Duy Tâm. Nguyệt San, số 1-10 - năm thứ nhất. Hội Lưỡng Xuyên Phật Học - Trà Vinh 1935.
- Viên Âm. Nguyệt San, số 1-22 - năm thứ nhất- hai. Hội An Nam Phật học - Huế - 1936.
- Bát Nhã Âm. Tạp chí, số 1-14, năm thứ nhất. Hội Liên Hữu Thiên Thai Thiền Giáo Tông - Bà Rịa - 1936.
- Hải Triều Âm. Bán Nguyệt San, số 1-21, năm thứ nhất. Viện Hóa Đạo XB Sàigon - 1964.
- Đuốc Tuệ. Bán Nguyệt San,số 1-23, miền Vĩnh Nghiêm XB - Sàigon 1964.
- Nội San Nghiên Cứu Phật Học. Tạp chí số 11, Phân Viện Nghiên Cứu PHVN XB - Hà Nội - 1993.
- Giác Ngộ. Bán nguyệt san, bộ năm 85-92. Thành Hội Phật Giáo TP HCM XB - TP HCM - 1985-1993.
- Tập Văn Phật Giáo. Tạp Chí các số 12-15-18-21-24. Ban Văn Hóa TW GHPGVN XB - TP HCM - 1988-1992.

NGOẠI VĂN :

- A short History of Chinese Philosophy. Phùng Hữu Lan. New York - 1948.
- Cultes et Religions de L'indochine Annamite - G. Coulet. Saigon 1929.
- Les Empereurs d'Annam et le Bouddhisme. Trần Văn Giáp - BEFEO.
- Esquisse d'une histoire du Bouddhisme au Tokin. Trần Văn Giáp - BEFEO.
- The central Philosophy of Buddhism, R.V. Murti London - 1955.
- Popular Buddhism in China. Shao Chang Lee - 1938.
- Histoire de l'expédition de Cochin - Chine en 1861, par Léopold Pallu de la barrière, édition de Berger Levrault, Paris - 1888.
- La Doctrine Secrète, H. P. Blavatsky, Paris - 1946.
- Le Bouddhisme au Vietnam, Mai Thọ Truyền, Saigon - 1962.
- History of Buddhist Thought. E. J. Thomas, London -1933.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
24/08/2015(Xem: 10432)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.