TOÀN TẬP MINH CHÂU HƯƠNG HẢI
Lê Mạnh Thát
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành 2000
IIINỘI DUNG THƠ VĂN Sau khi đã xác định 54 bài thơ kệ và 14 đoạn ngữ lục ngữ là của, hoặc nghi là của các thiền sư Trung Quốc, còn lại như vậy 5 bài thơ chữ Hán và 4 tác phẩm bằng tiếng Việt là của Minh Châu Hương Hải. Căn cứ vào số lượng tác phẩm này, ta có thể rút ra một số nhận định sau về nội dung thơ văn ông .
1.Về quan hệ Nho Phật
Bản thân Minh Châu Hương Hải từ nhỏ đã học Nho, lớn lên đã đi thi đỗ và ra làm quan. Cho nên trong thơ văn, ông ta đã thấy xuất hiện quan điểm của ông về quan hệ giữa cái Nho giáo và cái học Phật giáo. Tất nhiên, ngay việc ông từ quan, xuất gia, trở thành một thiền sư đã chứng tỏ ông không đánh giá cao cái học Nho giáo, vì không đánh giá cao nên mới từ bỏ chúng cho một lý tưởng đẹp hơn, đó là lý tưởng Phật giáo. Điều này ông nói rất rõ trong tác phẩm thơ Sự lý dung thông :
Luận chưng thánh tổ Nho gia
Trong đời trị thế, người là nhân sư
Sao bằng đâu suất vị cư
Lão quân tiên chủ đại từ được phương
Phật là vạn pháp trung vương
Làm thầy ba cõi đạo trường nhân thiên
Quan điểm này phản ánh quan điểm trước sau như một của những người Phật giáo Việt Nam từ Mâu Tử (160-220), Khương Tăng Hội (?-280) Đạo Cao (370-450?) Lý Thánh Tông(1054-1072) Trần Thái Tông(1125-1258) Nguyễn Trung Ngạn (?-1370) v.v…cho đến những người sống sau Minh Châu Hương Hải như Ngô thời Nhiệm (1746-1803) Toàn Nhật (1750?-1832) v.v…việc coi Nho giáo không bằng Phật giáo và như một phương tiện bộ phận để truyền bá Phật giáo phải nói là một quan điểm thống soái xuyên suốt lịch sử tồn tại của Nho giáo tại Việt Nam.
Điều này giải thích cho ta rất nhiều vì sao một Phật tử thuần thành và thực tế là một vị tổ của thiền phái Thảo Đường như Lý Thánh Tông lại lập văn miếu để thờ Khổng Tử, và Trần Thái Tông đã cho mở đều đặn các khoa thi Nho giáo, đặt nền tảng cho hệ thống thi cử Việt Nam sau này. Và điều này cũng giải thích tại sao các nhà Nho Việt Nam, từ một ông thầy đồ ở làng cho đến một vị trạng nguyên tại triều đình, hầu hết đều là Phật tử. Nhận thức được tình hình đó, ta mới thấy việc xác định vai trò của Nho và Lão giáo tại Việt Nam đều cùng một đường, nghĩa là phục vụ cho con đường Phật giáo phát triển và tồn tại, đúng như Minh Châu Hương Hải đã viết trong Sự lý dung thông :Trong nơi danh giáo có ba
Nho hay giúp nước sửa nhà trị dân
Đạo thì dưỡng khí an thần
Thuốc trừ tà bệnh chuyên cần luyện đan
Thích độ nhân miễn tam đồ khổ
Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương
Nho dùng tam cương ngũ thường
Đạo gìn ngũ khí, giữ giàng ba nguyên
Thích giáo nhân tam quy ngũ giới
Thể một đường, xe phải dùng ba
Không những thơ viết bằng chữ Việt, thơ chữ hán của Hương Hải cũng biểu lộ những nhận định như thế, qua hai bài thơ số 14 và 15 theo cách đánh số của chúng tôi trong Hương Hải thiền sư ngữ lục và thường được những người viết về Minh Châu Hương Hải trích dẫn nhiều lần. Bài thơ 14 đọc :
Thành thị du lai ngụ tự chiền
Tuỳ cơ ứng hoá mỗi thời nhiên
Song chiêu nguyệt đáo sàng thiền mật
Tùng tiếu phong suy tích khách miên
Sắc ánh lâu đài minh sắc diệu
Thanh truyền chung cỗ diễn thanh huyền
Nguyên lai tam giáo đồng nhất thể
Nhiệm vận hà tằng lý hữu thiên
(Phố thành chơi dạo, ở chùa chiền
Ứng biến tuỳ cơ mỗi tự nhiên
Cửa đón trăng vào thiền chõng ngọt
Thông reo gió thổi khách giấc yên
Lâu đài sắc sáng càng thêm sáng
Chuông trống tiếng đưa tiếng mỗi truyền
Ba giáo xưa nay cùng một thể
Theo thời sao lẽ có nghiêng bên)
Bài thơ thứ 15 :
Thượng sĩ du lai bát nhã lâm
Trần cư bất nhiễm liễu thiền tâm
Liêm khê, Trình thị minh cao thức
Tô tử, Hàn văn khế diệu âm
Vạn tường sum la cao dị hiển
Nhất biều tạo hoá mật nan tầm
Nho nguyên đảng đảng đăng di khoát
Pháp hải trùng trùng nhập chuyển thâm
(Bát nhã rừng thường thượng sĩ thăm
Ở đời chẳng nhuốm, rõ thiền tâm
Liêm khê, Trình thị thông cao kiến
Tô tử, Hàn văn rõ diệu âm
Muôn trạng bao la xa dễ hiểu
Một bầu tạo hoá kín khôn tìm
Nguồn Nho bát ngát lên thêm rộng
Biển Phật mênh mông xuống sâu lần)
Rõ ràng quan hệ Phật Nho một lần nữa được Minh Châu Hương Hải xác định không chỉ với tư cách một thiền sư, mà còn với tư cách một người thành đạt trong học giới nhà Nho, quy định hẳn mối quan hệ này, bắt buộc Nho giáo phục vụ cho lợi ích của Phật giáo. Đây đúng là quan điểm mà Trần Thái Tông đã phát biểu :"Như thế đủ biết giáo lý của Đức Phật ta, nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời"(Tắc tri ngã Phật tri giáo hựu giả tiên thánh nhân dĩ truyền ư thế dả). Phải thấy điều này, ta mới hiểu tại sao có những nhà Nho thành đạt trên quan trường, tích cực đối với việc mở mang chính giáo nhưng vẫn có những bài thơ ca ngợi Phật giáo. Trương Hán Siêu cuối cùng đã có quan hệ tốt với nhà chùa, đến nỗi Ngô Sĩ Liên phải tỏ ra bực tức. Lê Thánh Tông, ban Từ thư ngũ kinh cho phủ huyện học, nhưng vẫn coi chùa Trấn Quốc là đứng ở giữa trung tâm của trời đất, làm bền vững kinh đô của đất nước mình :
Trung lập càn khôn vững đế đô
Mảng danh Trấn Quốc ở Tây hồ
Rồi các tiến sĩ, cử nhân nhà Mạc đua nhau lập chùa, đúc chuông, mà vết tích thì còn lại rất nhiều qua các văn bia hiện đã tìm thấy. Đến đời Lê Trung Hưng và Nguyễn thì các danh Nho, tiến sĩ như Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Công Trứ, Phạm Phú Thứ v.v…đều có thơ văn đề cao Phật giáo và bản thân gia đình cũng có người xuất gia (như trường hợp con gái của Nguyễn Công Trứ) hoặc đóng góp tiền của để in kinh, dựng chùa (như trường hợp của Phạm Phú Lâm con của Phạm Phú Thứ). Và đến cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi tổ quốc lâm vào đại nạn mất nước, thì chính những nhà Nho đại khoa bảng như Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp đã lên tiếng "phế Nho hưng Phật" để cứu dân cứu nước. Nói cụ thể hơn người Việt Nam học Nho, nhưng biết mình học Nho để làm gì và biết mình là ai. Cho nên dù xuất thân từ cửa Khổng sân trình, họ vẫn sẵn sàng kêu gọi bỏ Nho theo Phật để phục vụ cho dân cho nước mình .
Quan hệ Phật Nho dưới nhãn quan của Minh Châu Hương Hải như thế không nằm ngoài quỹ đạo nhận thức của người Phật giáo Việt Nam. Người Phật giáo Việt Nam rất cởi mở, và nền giáo dục của họ không phải đợi đến khi Lý Thánh Tông lập Văn miếu và mở ra ngôi trường đại học đầu tiên cho đất nước vào năm 1070, mới bao gồm cái học của nhà Nho, mà ngay từ những năm tháng đầu của thời kỳ đấu tranh khốc liệt và bi hùng với kẻ thù phương Bắc, họ đã thành công khi tiếp nhận nền học thuật nhà nho này để phục vụ cho đất nước họ, mà những sản phẩm đầu tiên thể hiện qua những con người như Sĩ Nhiếp (137-226), Mâu Tử, Khương Tăng Hội và Đạo Thanh (220-300?) [Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, Tu thư Vạn Hạnh, 1982, tr.262-308, Khương Tăng Hội toàn tập, tập I, Viện Đại học Vạn Hạnh, 1975, tr.35-48}.
Nói khác đi, quan điểm của Minh Châu Hương Hải về quan hệ Nho Phật không phải là những quan điểm mới lạ vào thời ông. Nó đã xuất hiện và được thử thách qua lịch sử. Cho nên dù có nơi có lúc có những người Phật giáo đòi loại bỏ cái học nhà Nho như trường hợp hoàng đế Lý Miễu (400-460), nhưng hầu hết những người Phật giáo vẫn ôn tồn và bình tĩnh tiếp thu có chọn lọc những nền học thuật ấy nhằm phục vụ không những cho học thuyết của mình mà còn cho đất nước nữa .
2.Về quan điểm thiền Phật giáo
Bản thân Minh Châu Hương Hải là một vị thiền sư, và với pháp danh Minh Châu, ông thuộc về Thiền phái Lâm Tế dòng Trí Bảng Đột Không, với bài kệ truyền pháp như ta đã thấy ở trên. Tuy thế, qua bảng liệt kê các tác phẩm kể trước, ta thấy ông tỏ ra quan tâm và quán xuyến các kinh điển của các trường phái khác nhau trong Phật giáo. Không những ông dịch kinh Kim Cang, mà còn dịch cả kinh Pháp Hoa, kinh Di Đà, kinh Vô lượng thọ, kinh Địa tạng v.v…Ngoài ra, còn có Giải Sa di giới luật, lại viết Nghi thức cúng Phật Dược sư, cúng Cửu phẩm v.v…điều này chứng tỏ một lần nữa Minh Châu Hương Hải đã nằm trong dòng chủ lưu của thiền Phật giáo Việt Nam, không bị ảnh hưởng nhiều của các dòng thiền Trung quốc. Nói khác đi, một trong những nét khác biệt giữa thiền Trung Quốc và thiền Việt Nam ngay từ đầu cho đến những phát hiện về sau là không loại bỏ việc học và tụng niệm các kinh điển Phật giáo, trong khi vẫn tự nhận mình là tu học theo thiền.
Trong lịch sử thiền tông Trung Quốc ta hầu như không bao giờ gặp một vị tổ nào vừa là thiền sư lại vừa là dịch giả. Nhưng vị tổ thiền đầu tiên của Việt Nam là Tỳ Ni Đa Lưu Chi là người dịch các kinh Tượng đầu tinh xá, Báo nghiệp sai biệt v.v…Rồi các vị thiền sư Việt Nam về sau như Pháp Thuận (925-990) viết Bồ tát hiệu sám hối văn, Viên Chiếu (999-1090) viết Tán viên giác kinh, Thập nhị Bồ tát hạnh tu chứng đạo tràng và Dược sư thập nhị nguyện văn [Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nhà xuất bản TpHCM, 1999, tr.194, 195, 250, 252, 262], Pháp Loa (1284-1330) đã viết Pháp Hoa kinh khoa sớ, Niết bàn đại kinh khoa sớ, Kim Cang trường đà la ni kinh khoa chú, Bát nhã tâm kinh khoa sớ v.v…truyền thống thiền học Việt Nam như vậy có một dấu ấn sâu đậm, tác động lên những người Phật giáo thiền tông Việt Nam về sau. Minh Châu Hương Hải đã kế thừa truyền thống này và phát huy nó lên một điểm cao mới, đó là chính thức giải quyết các kinh điển ấy ra bằng tiếng Việt mà ta hiện tìm thấy .Những người Phật giáo thiền tông Việt Nam như vậy không đi đến cực đoan coi mọi kinh giáo là không phản ánh đầy đủ tư tưởng cốt lõi của Đức Phật, và chỉ có việc truyền tâm ấn mới phản ảnh trọn vẹn, như đã ít nhiều xuất hiện trong lịch sử thiền tông Trung Quốc. Trong lịch sử Phật giáo thiền tông Việt Nam, mọi kinh điển đều được đánh giá cao, nhưng được học tập và nghiên cứu với một nhận thức thiền tông. Cho nên Minh Châu Hương Hải đã viết các bản giải thích bằng tiếng Việt về những kinh điển tiêu chuẩn Phật giáo, từ Di Đà cho đến Kim Cang, từ Pháp Hoa cho đến Dược Sư, đây là một nét đặc trưng ta cần chú ý đến khi nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trước và sau Minh Châu Hương Hải đã có những vị thiền sư từng làm như vậy. Ta đã gặp Pháp Thuận, Viên Chiếu, Pháp Loa, Viên Thái, Pháp Tính rồi về sau những người như Chân Nguyên, Như Trừng, Pháp Chuyên, An Thiền, Thanh Đàm v.v…cho tới ngày nay, có một số người, khi thu thập được một số kiến thức về lịch sử thiền tông Trung Quốc, mà không nhận thức được sự khác biệt giữa thiền tông Trung quốc và thiền tông Việt Nam, nên đã nêu lên vấn đề tại sao thiền tông Việt Nam lại
không giống thiền tông Trung quốc. Thậm chí họ còn hồ đồ bảo rằng "đối với đông đảo Phật tử Việt Nam, thiền đã (và vẫn) chỉ là những tin đồn từ tu viện, và họ không bao giờ thực sự chấp nhận nó v.v…" Phải thấy thiền Việt Nam khác thiền Trung quốc như thế nào trong nhận thức và thực tiễn, mới không đem lại cái khuôn hình thiền Trung quốc chụp lên hiện thực thiền Việt Nam. Người Phật giáo Việt Nam trên cả ngàn năm cho đến bây giờ vẫn nhận mình là thuộc một dòng thiền nào đó của Phật giáo Việt Nam. Và nhiều chùa Việt Nam vẫn gọi là chùa Thiền. Bản thân các vị thiền sư dù có tu luyện những pháp môn nào đi nữa, cuối cùng cũng vẫn nhận mình là thiền sư .
Vấn đề do đó là phải tìm cách mô tả thực tiễn thiền Việt Nam này, như nó đã xuất hiện trong lịch sử Việt Nam, rồi từ đấy sẽ giúp ta nhận thức được những khác biệt cơ bản giữa các thực tiễn thiền của các dân tộc khác nhau. Cũng là thịt nướng cả, nhưng người Âu Mỹ thì làm khác mà người Việt nam thì làm khác. Cho nên , khi Minh Châu Hương Hải đã dành trên 30 năm cuối của cuộc đời mình để giải thích các kinh điển Phật giáo ra tiếng Việt, không phải ông đã làm một việc thoát ly ra khỏi cuộc sống thiền của chính bản thân ông. Ngược lại, lúc làm thế ông đã đưa chính tư tưởng thiền của mình vào. Trong Sự lý dung thông, tư tưởng thiền của ông được ghi nhận như thế này :
Ai nhìn sáu tổ năm tông
Thiền hà muôn phái một dòng Tào khê
Bể từ rạt sạch nguồn mê
Máy thiêng mở khép đề huề độ sinh
Chuyển vô minh bối trần hiệp giác
Vui về bề diệu dược liên bang
Dầu ai hiểu biết tâm vương
Chứng vô thượng đạo lên đường Như Lai
Ra nhân đức, nhuận ân oai
Làu tàu viên tịnh trong ngoài sáng thanh
Há còn chấp tướng ngại danh
Tùy cơ thuận nghịch tung hoành cũng ưa
Phát biểu như thế chỉ trong một số câu ngắn ngủi này, ta đã thấy tư tưởng thiền của Minh Châu Hương Hải bao gồm nhiều thành tố Phật giáo khác nhau. Ông đã nói tới diệu dược liên bang, tức tư tưởng tịnh độ, rồi tiếp theo đến khái niệm tâm vương, một khái niệm triết học duy thức. Nhưng tất cả tư tưởng và khái niệm này là nhằm thực hiện cho được mục tiêu "chuyển vô minh bồi trần hiệp giác" và đạt mục tiêu này là để "tùy cơ thuận nghịch" mà"ra nhân đức, nhuận ân oai". Đây là tư tưởng thiền tích cực hành động, mà các vị tiền bối của Minh Châu Hương Hải đã từng sống và thể hiện. Cũng trong Sự lý dung thông, ông viết :
Đạo viên minh ngại chi chân tục
Miễn lòng rồi, tri túc thì nên
Năm mươi lăm phẩm dưới trên
Luyện tam muội hoả, chí bền kim cương
Rõ ràng khi nói thế ông đã ít nhiều tiếp thu tư tưởng Cư trần lạc đạo của thiền học Trần Nhân Tông :
Trần tục mà nên
Phúc ấy càng yêu hết tức
Sơn lâm chẳng cốc
Họa kia thực cả đồ công
Mà chính vì tư tưởng nhập thế ở đời vui đạo này, Minh Châu Hương Hải không những đã dặn dò những người tu thiền theo hướng :
Ấy lời khuyên dặn người thiền tử
Lý hiểu tường, sự giữ tiệm tu
Hằng rèn giới hạnh công phu
Lên đường tinh tấn nhẫn phù yên tâm
Mà còn phải :
Dốc làm chí cả trượng phu
Đạo nên trung hiếu, ân thù vẹn hai
Trong khi khó nhọc mựa nài
Sức dùng hà đảm Như lai viên thành .
Thật là minh bạch. Để gánh vác (hà đảm) công việc của Như Lai một cách thành công và trọn vẹn, người thiền tử phải là những đấng trượng phu có trung có hiếu. Mẫu người Phật giáo Việt Nam lý tưởng là như thế đó. Người Phật tử Việt Nam không chỉ biết nhắm đến giác ngộ, mà còn nhắm đến việc giác ngộ trong trung hiếu. và tư tưởng này cũng không phải đến thời Minh Châu Hương Hải lần đầu tiên đề ra, mà trong Lục độ tập kinh đã nói tới, và trong Cư trần lạc đạo phú, Trần Nhân Tông [Lê Mạnh Thát, Trần Nhân Tông toàn tập, Tu thư Vạn Hạnh, 1983 ]đã xác định một cách rõ ràng :
Sạch giới lòng, chùi giới tướng
Nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm
Ngay thờ chúa, thảo thờ cha
Đi đỗ mới trượng phu trung hiếu
Và gần Minh Châu Hương Hải hơn, Thọ Tiên Diễn Khánh [Lê Mạnh Thát, Thọ Tiên Diễn Khánh và truyện Nam hải Quan Âm, cảo bản, Tu thư Vạn Hạnh 1982]khi viết Nam hải Quan âm Phật sự tích ca, đã không ngần ngại ngay trong câu mở đầu đã nói lên mẫu người lý tưởng Phật giáo Việt Nam này :
Chân như đạo Phật rất mầu
Tâm trung chữ hiếu, niệm đầu chữ nhân
Hiếu là độ được đấng thân
Nhân là vớt hết trầm luân mọi loài
Giống như khái niệm nhân nghĩa, phạm trù trung hiếu không phải là một phạm trù Nho giáo, người Việt Nam cũng có đạo lý trung hiếu trước khi tiếp thu đạo Nho. Cho nên, Phật giáo phối hợp tư tưởng trung hiếu của người Việt Nam với lý tưởng Bồ tát của mình để ta có một mẫu người Phật tử Việt Nam mới, người Phật tử trung hiếu. Nếu đem những tư tưởng này, đặc biệt là mẫu người Phật giáo thiền tông Việt Nam, ta khó tìm được những tương đương ở những nơi khác. Yêu cầu thực tiễn của dân tộc Việt Nam đòi hỏi Phật giáo Việt Nam, cụ thể là thiền tông Việt Nam, phải đề cho ra được một mẫu người phù hợp với thực tiễn dân tộc mình, đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn ấy.
Cho nên thật buồn cười và dại dột khi muốn đem những phạm trù và tư tưởng thiền Trung Quốc áp đặt lên thiền Việt Nam, buộc thiền Việt Nam phải có những nét và phẩm chất tương tự như thiền Trung quốc thì mới được gọi là thiền. Tại sao lại phải làm thế? Phật giáo Việt Nam chưa bao giờ là một bản sao của Phật giáo Trung quốc, chưa bao giờ được Phật giáo Trung quốc gầy dựng nên. Ngược lại, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam đã từng gầy dựng nên Phật giáo Trung quốc. Phải nhận thức được điều này, để khi đọc Minh Châu Hương Hải ta mới không ngỡ ngàng trước tư tưởng và mẫu người thiền của ông .3. Nội dung thiền Minh Châu Hương Hải
Như ta đã thấy, khi Minh Châu Hương Hải viết Sự lý dung thông, thì hai phạm trù sự và lý ông dùng ở đây không phải nằm trong quỹ đạo của tư tưởng sự lý nổi tiếng của tồn phái Hoa Nghiêm Trung quốc. Ngược lại, sự và lý ở đây là sự và lý của thiền Việt Nam. Lý thiền đây là gì? Nó là :
Máy càn khôn một bầu thế giới
Vốn chứ từng thành hoại hư không
Rừng Nho bể thích dung thông
Linh đài vằng vặc, vừng hồng sáng thanh
Bồ đề quả mãn viên thành
Ẩm Quang còn nghĩ thái lành muôn duyên
Xưa sau thiên thánh vạn hiền
Chứng nên thành Phật thành tiên một lòng
Muôn điều ngàn mối rũ xong
Hằng sa tính đức há phòng niệm sinh
Lý thiền là thế, nghĩa là phải kết hợp lý luận Nho Phật để xây dựng một mẫu người lý tưởng Bồ tát trung hiếu, còn về sự, thì mẫu người lý tưởng này phải :
Lý hiểu tường, sự giữ tiệm tu
Hằng rèn giới hạnh công phu
Lên đường tinh tấn nhẫn phù yên tâm
Vậy về sự thì bao gồm việc tiệm tu giới hạnh, rõ ràng dù nhận mình thuộc thiền phái Tào khê, bởi vì :
Thiền hà muôn phái một dòng Tào khê
Nhưng Minh Châu Hương Hải vẫn chủ trương tiệm tu, một khái niệm, một chủ trương nổi tiếng của dòng thiền Thần Tú, đối lập lại với quan điểm đốn giác nổi tiếng của thiền phái Tào khê. Như thế, dù bản thân là một thiền sư dòng Lâm Tế thuộc thiền phái Tào khê, Minh Châu Hương Hải vẫn không chống lại mà còn cổ suý quan điểm tiệm tu của Thần Tú. Tuy nhiên, quan điểm tiệm tu này không phải hoàn toàn giống với Thần Tú. Thế thì nó có nội dung gì? Nội dung này ta có thể thấy dễ dàng qua tên đặt cho nơi ở của ông, đó là viện Thiền tịnh. Nói khác đi, thiền của ông đã kết hợp chặt chẽ với tư tưởng Tịnh độ, mà ông nói rõ trong Sự lý dung thông :
Chuyển vô minh, bối trần hiệp giác
Vui về bề diệu dược Liên bang
Tư tưởng tịnh độ (liên bang) được ông coi là một thứ thuốc mầu, điều này thể hiện rất rõ trong việc ông đã dịch giải các kinh A Di Đà, Vô lượng thọ và Quán Vô lượng thọ cùng việc ông soạn Khoa cúng Cửu phẩm. Nhận thức này từ lâu đã được lưu hành ít lắm là từ thời Trần Thái Tông trở đi. Nhưng tiệm tu không chỉ bao gồm tư tưởng, mà gồm luôn cả một số cách thực hành đi đôi với tư tưởng ấy. Cũng trong Sự lý dung thông, ông đã viết :
Sạch lời đối đãi đua tranh
Bẻ rào nhân ngã, tẩy thành mạn nghi
Thanh trần gác để thị phi
Tịnh thân khẩu ý, thanh qui làu làu
Nết hằn trao ngôn từ đức hạnh
Trí phen đòi lượng thánh hiền xưa
Bữa dùng đạm bạc muối dưa
Bả bô thường tịnh, sớm trưa khỏi thì
Nội dung thiền của Minh Châu Hương Hải do vậy có những nét riêng của nó mà ta cần lưu ý khi tiếp cận các tác phẩm của ông .
Những bản kinh do ông dịch giải bằng tiếng Việt bao gồm các kinh Pháp Hoa, Kim cang, Di Đà, Vô lượng thọ, Địa tạng, Bát nhã tâm kinh và Phật tổ tam kinh. Phật tổ tam kinh tức các kinh Bát đại nhân giác, Tứ thập nhị chương và Di giaó mà các dòng thiền Trung quốc thường sử dụng cho việc học tập của các thiền sinh trong các thiền viện của mình [Mizuno K.,Nakamura H. , Hirakawa A. , và Tamashiro K., Butten kaitai jiten, Tokyo : Shunjusha, 1998, tr.75a]. Các bộ kinh còn lại thì qua lịch sử cũng được các dòng thiền Trung quốc cũng như Việt Nam quan tâm và sử dụng. Chẳng hạn thiền sư Thông Biện (?-1134) [Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nhà xuất bản TpHCM 1999, tr.205] đã nổi tiếng trì kinh Pháp Hoa, đến nỗi người bấy giờ gọi ông là Ngộ Pháp Hoa. Rồi hai thiền sư Bảo Tính và Minh Tâm [Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, tr.198] tự thiêu vào năm 1034 cũng vì kinh này. Kinh Kim Cang thì đã nổi tiếng ở Trung quốc với Lục tổ Huệ Năng (638-713) còn ở nước ta thì Thanh Biện (?-686) [Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về thiền uyển tập anh, tr.255] là người đầu tiên chuyên trì tụng kinh Kim Cang.
Sau này Trần Thái Tông cũng vì "thường đọc kinh Kim cương đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", vừa bỏ sách ngâm nga, bỗng nhiên tự ngộ, nhà vua bèn đem những điều giác ngộ được và làm bài ca đề tên gọi Thiền tông chỉ nam", [Lê Mạnh Thát, Trần Thái Tông toàn tập, Tu thư Vạn Hạnh 1983, tr.65] Kinh Di Đà và Vô lượng thọ tuy cơ bản là những kinh sách gối đầu giường của người tu theo pháp môn Tịnh độ. Tuy nhiên, ở Trung quốc thì từ thời Vĩnh minh Diên Thọ, một tác giả mà Minh Châu Hương Hải biết tới và có trích dẫn thơ, người ta đã nêu cao chủ trương kết hợp thiền với tịnh độ, để cho sự tu chứng được thành tựu mỹ mãn. Một bài thơ của Vĩnh Minh Diên Thọ đã đề cập đến tình trạng một vạn người tu thiền chỉ có một người thành tựu, trong khi đó nếu kết hợp với tịnh độ thì cả vạn người này đều thành tựu được sự nghiệp tu thiền của mình.
Thực tế tư tưởng tịnh độ và thực tiễn tịnh độ xuất hiện rất sớm trong lịch sử nước ta. Ngay từ những năm 425, Đàm Hoằng đã từ miền Bắc Trung quốc đến chuyên tu pháp môn tịnh độ tại chùa Tiên Sơn ở Bắc Ninh, đến thời Lý tín ngưỡng A di đà phát triển mạnh. Có những ngôi chùa thiền chỉ thờ tượng Đức Phật A di đà mà thôi, cụ thể là chùa Viên Quang của thiền sư Giác Hải mà may mắn tấm bia nhan đề "Viên Quang tự bi minh tịnh tự" do Dĩnh Đạt viết vào năm Thiên phù duệ vũ thứ ba (1122) hiện đã tìm thấy :"Thế là thợ thuyền họp lại như mây, gỗ đá chất cao như núi, búa rìu đẽo gọt mà hoá ra cung trời; vàng biếc điểm tô mà trở nên điền báo. Tọa giữa là Giáo chủ Di Đà mắt xanh mày trắng lung linh, kế bên vẽ hình thượng nhân trụ thế, thân gầy mi đậm sờ sờ…"Rồi đến Trần Nhân Tông khi viết Cư trần lạc đạo phủ, cũng không quên căn dặn :Tịnh độ là lòng trong sạch
Chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương
Di Đà là tính sáng soi
Mựa phải nhọc tìm về Cực lạc
Chính trong truyền thống tư tưởng tịnh độ như thế, mà Minh Châu Hương Hải đã cho dịch giải Phật thuyết A di đà kinh sớ sao, mà Hương Hải thiền sư ngữ lục gọi là Giải Di Đà kinh và Giải Vô lượng thọ kinh. Nói tóm lại, khi thích giải các kinh điển, Minh Châu Hương Hải đã tiếp thu các tư tưởng truyền thống thiền Việt Nam để tạo cho các bản thích giải này một sắc diện mới trong nhận thức kinh điển của những người Phật giáo thiền tông nước ta. điều đáng tiếc là ngày nay các bản thích giải như Giải Địa Tạng kinh hay Giải Phật Tổ tam kinh vẫn chưa được tìm ra. Cho nên, ta chưa thể lý hội hết cách xử lý của Hương Hải như thế nào đối với các tín ngưỡng như tín ngưỡng Địa Tạng. Cũng thế, đối với tín ngưỡng Dược Sư do chưa tìm được Soạn cúng Dược sư, ta không biết ông đã có quan niệm gì về Đức Phật này với tư cách là một thiền sư. Điểm nổi bật vẫn là xuất phát từ cái nền Phật giáo quyền năng hình thành vào những thế kỷ đầu của sự có mặt Phật giáo tại nước ta, những người Phật giáo thiền tông về sau, trong đó có cả Minh Châu Hương Hải, đã xây dựng cho mình một dòng thiền dân tộc, vừa kết hợp tinh hoa của Phật giáo thế giới, vừa phát huy những mặt tích cực của nền Phật giáo quyền năng đó .
Nội dung tư tưởng thiền của Minh Châu Hương Hải, do thế, không phải tản mạn, như nhan đề những tác phẩm thích giải kinh điển của ông để lại. Trái lại, nó có tính nhất quán, nhất quán ở chỗ vì chủ trương "sự giữ tiệm tu" và "hằng rèn giới hạnh công phu"những người tu thiền theo quan điểm Minh Châu Hương Hải có thể thực hành một số những pháp môn khác nhau ngoài những lối tu, công án hay mặc chiếu, mà thiền Trung quốc đã đề ra. và nó cũng nhất quán ở chỗ nó đã xuất phát từ truyền thống thiền tông Việt Nam mà vào thời ông đã có một bề dày lịch sử trên cả ngàn năm, và đã hình thành một số quan điểm và phương pháp tu hành không phải hoàn toàn rập khuôn theo quan điểm phương pháp tu thiền của Trung quốc. Chính trong xu thế này mà Minh Châu Hương Hải đã phát biểu ý kiến của mình bằng thơ và văn tiếng Việt mà hiện tại ta đã tìm thấy 4 tác phẩm đã nói ở trên .