I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Sự kiện Phật đản là tên gọi khác phổ biến của Biến cố Phật giáo năm 1963, là cuộc khủng hoảng chính trị - xã hội có liên quan mật thiết đến Phật giáo Việt Nam tại miền Nam Việt Nam dưới chế độ độc tài - gia đình trị Ngô Đình Diệm(1), mà cộng đồng quốc tế hay đề cập bằng cái tên Buddhist crisis(2) of South Vietnam.
Sự kiện này đã tác động mạnh đến bối cảnh chính trị - xã hội miền Nam Việt Nam vốn đã khủng hoảng chính trị trầm trọng, dẫn đến các lực lượng bất mãn với Chính phủ Ngô Đình Diệm đã đoàn kết thành một khối để đấu tranh với chính phủ Ngô Đình Diệm độc tài, gia đình trị, phân biệt tôn giáo, không thể chấp nhận được cho miền Nam Việt Nam.
Từ biến cố Phật giáo đã nảy sinh và thúc đẩy cuộc đấu tranh chính trị trên toàn miền Nam, lan rộng sang cả khối học sinh, sinh viên, tiểu thương, trí thức và các lực lượng khác. Trong phối cảnh của tình hình chính trị quốc tế, Chính phủ Ngô Đình Diệm đã mất hết đồng minh trong cũng như ngoài nước. Từ đó, dư luận thế giới và cả đồng minh chủ chốt Hoa Kỳ đều phản đối Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã đàn áp tôn giáo, đó là Phật giáo.
Các nhà chính trị học, xã hội học, tôn giáo học và nhà sử học Việt Nam cũng như quốc tế đã nhận định đây là một biến cố gây xúc động lớn không chỉ đối với Việt Nam mà còn ở cả phạm vi trên toàn thế giới. Và có ảnh hưởng to lớn trong cuộc chiến tranh do Hoa Kỳ phát động xâm lược Việt Nam(3), đồng thời đã ảnh hưởng to lớn, sâu sắc trong lịch sử tôn giáo và lịch sử chính trị. Đặc biệt, sự kiện đã để lại bài học lịch sử sâu sắc trong lịch sử chính trị Việt Nam.
II. NỘI DUNG
Tuy Biến cố Phật giáo năm 1963 chỉ kéo dài nửa năm nhưng đã lan rộng khắp miền Nam Việt Nam. Ảnh hưởng đến tình hình chiến lược và kế hoạch của Chiến tranh Việt Nam, xét về mặt khách quan thì sự kiện Phật đản 1963 đã tạo nên một điều kiện vô cùng có lợi cho cuộc đấu tranh chung của nhân dân Việt Nam trong công cuộc thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc dựa trên nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, Giáo sư Noam Chomsky của Học viện Massachusetts Institute of Technology - MIT đã nhận định: “Đối phương đã tìm ra một chiến lược khôn khéo đến mức nguy hiểm để đánh bại Mỹ… Trừ khi chúng ta nhận ra và chống lại nó ngay bây giờ nếu không chiến lược đó sẽ trở thành phổ biến trong tương lai. Chiến lược đó là tiến hành một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc dựa trên nguyện vọng của nông dân Việt Nam muốn độc lập và công bằng xã hội. Nước ngoài không bao giờ có thể địch nổi chiến lược đó”(4). Cuộc khủng hoảng này đã làm Chính phủ Ngô Đình Diệm mất hết uy tín trong và ngoài nước.
Rõ ràng, Chính phủ Ngô Đình Diệm đã chọn giải pháp dùng vũ lực bằng cách đem binh sĩ tấn công phong tỏa các chùa chiền, bắt các nhà sư và những người có liên quan đến phong trào đấu tranh hòa bình, bất bạo động của Phật giáo.
Điển hình như vụ tấn công chùa Xá Lợi(5) ngày 21 tháng 8 năm 1963; vụ tấn công hóa học ở Huế(6) ngày 3 tháng 6 năm 1963… chế độ Ngô Đình Diệm đã tự mình bội tín và thủ tiêu lòng tin của công chúng và cộng đồng Phật giáo, vì vậy Phật giáo không có lý do nào để tin tưởng vào thiện chí giả mạo của chính quyền. Bởi lẽ, hành động của chính quyền đều thực hiện trên một âm mưu chống lại tôn giáo – Phật giáo. Thi hành một chính sách không tự do tôn giáo. Từ đó dẫn đến sự thất bại, sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm là điều tất yếu.
1. Từ Dụ số 10-1950 đến Ngô Đình Diệm duy trì tình trạng thiên vị về tôn giáo
Khảo sát Dụ số 10 để nhận thấy rằng Phật giáo đã bị phân biệt đối xử với các tôn giáo khác (vì trong Dụ số 10 đề cập: Chế độ đặc biệt dành cho các Hội Truyền giáo Thiên Chúa và Gia Tô, các Hoa Kiều Lý Sự Hội, sẽ được ấn định sau(7)) và chỉ xem Phật giáo Việt Nam là một hiệp hội(8) chứ không phải là một tôn giáo vốn đã đồng hành cùng dân tộc ngót gần 2.000 năm lịch sử.
Ngay từ việc duy trì và việc thực thi rập khuôn một cách mù quáng Dụ số 10, chính quyền Ngô Đình Diệm rõ ràng đã bộc lộ bản chất phi dân tộc, sự chia rẽ, và ý đồ kỳ thị tôn giáo.
Vì vậy, nhắc lại Dụ số 10 là nhắc lại một trong những bài học lịch sử sâu sắc của lịch sử chính trị Việt Nam.
2. Từ Công điện số 159 của Ngô Đình Diệm đến Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu
Ngày 6 tháng 5, 1963, Phủ Tổng thống gởi Công điện số 159 cho các tỉnh yêu cầu các địa phương bắt buộc các tôn giáo thực hiện nghiêm túc quy định của chính phủ về việc treo cờ tôn giáo như đã quy định. Theo Công điện 159, là lệnh cấm treo cờ tôn giáo nơi công cộng, trong đó có cờ Phật giáo.
Theo Đỗ Mậu, trong khi đó chỉ vài ngày trước, giáo dân được phép treo cờ Vatican trong một buổi lễ tấn phong Tổng Giám mục giáo xứ Huế của Ngô Đình Thục(9), anh trai Ngô Đình Diệm thì bình thường, rõ ràng chế độ Ngô Đình Diệm đã có dấu hiệu thiên vị, phân biệt đối xử và có sự cố tình làm sai trái trong việc thực thi chính sách pháp luật.
Theo cuốn sách Trí Quang tự truyện của Hòa thượng Thích Trí Quang, ấn hành 24 tháng 4 Phật lịch 2555 (2011) thì Thượng tọa Thích Trí Quang ghi nhận là vào buổi tối hôm đó Phật giáo miền Trung nhận được Công điện 5159 của Phủ Tổng thống về việc cấm treo cờ tôn giáo. Lãnh đạo Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở miền Trung họp khẩn tại chùa Từ Đàm từ 21 giờ ngày 6/5/1963 đến 02 giờ sáng ngày 7/5/1963. Sau đó, Thượng tọa Thích Trí Quang soạn ba văn bản phản đối Công điện 5159 của Phủ Tổng thống để gửi cho Hội Phật giáo Thế giới, Chính quyền Ngô Đình Diệm, và Tổng hội Phật giáo Việt Nam ở Sài Gòn.
Từ khi nhận được Công điện 5159 đến việc Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu(10) ngày 11 tháng 6, 1963 là một khoảng thời gian mà chính quyền Ngô Đình Diệm sử dụng bàn tay quyền lực được bọc sắt thép để đàn áp, bắt bớ, và khủng bố Tăng Ni Phật giáo cũng như những người ủng hộ Phong trào đấu tranh hòa bình, bất bạo động của Phật giáo. Điều này gây bất bình cho tín đồ Phật giáo và quần chúng nhân dân. Sinh viên học sinh biểu tình, bãi khóa và Tăng Ni tự thiêu, quần chúng hưởng ứng cuộc đấu tranh của Phật giáo. Báo chí trong nước cũng như cộng đồng quốc tế đăng bài phản đối chính phủ Diệm-Nhu đàn áp Phật giáo Việt Nam. Điều này được Tổng thống John F. Kennedy nhận định rằng: “Vào mùa xuân năm 1963, các lực lượng Nam Việt Nam đàn áp các nhà lãnh đạo tôn giáo và những người theo Phật giáo, dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị đối với chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm.”(11) Lanham, Maryland: Rowman & Littlefield. ISBN 0-7425-4447-8.
Ngoài hành động sử dụng vũ lực, sử dụng vũ khí trong quân đội để khủng bố quần chúng và Phật giáo thì theo Đỗ Mậu (Giám đốc Nha An ninh Quân đội Việt Nam Cộng hòa), chính quyền đã có những hành động khiêu khích đánh vào lòng tự trọng của Phật giáo: cho lính cảnh sát, mật vụ cạo trọc đầu giả làm nhà sư đi ra đường trêu ghẹo phụ nữ, ăn uống tục tĩu, quỵt tiền và làm các việc bất minh để lấy cớ để phát động tuyên truyền bôi nhọ Phật giáo(12). Việc làm này là vô cùng mất nhân tính và vô cùng mất tự do của một chính quyền tự xưng mình là dân chủ kiểu Cần lao Nhân vị. Đến đây, tình hình kỳ thị Phật giáo của các thế lực chính trị thân Thiên Chúa giáo đã lên đến cực điểm và sự kiện Phật đản 1963 chỉ là sự bùng nổ của các mâu thuẫn đã chứa chất lâu năm trong lòng xã hội miền Nam Việt Nam. Dẫn đến sự bất mãn trong nội bộ của chế độ Ngô Đình Diệm, đến việc các tướng lĩnh quân đội Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện đảo chính ngày 1 tháng 11, 1963 chấm dứt chế độ độc tài-gia đình trị Ngô Đình Diệm.
Từ Tuyên ngôn ngày 10 tháng 5, 1963 của Phật giáo đến sau khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu phản đối chế độ Ngô Đình Diệm khủng bố Phật giáo(13). Một thời gian ngắn, nửa đêm ngày 21 tháng 8, lệnh hướng dẫn thi hành đàn áp của Cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu đã ban hành, thì quân đội Việt Nam Cộng hòa là Lực lượng đặc biệt dưới quyền Đại tá Lê Quang Tung thực hiện một loạt các cuộc tấn công vào các chùa Phật giáo ở miền Nam Việt Nam và trấn áp những người ủng hộ Phật giáo. “Hơn 1.400 Phật tử đã bị bắt. Số bị giết hoặc tự dưng bị biến mất được ước tính là lên đến hàng trăm. Nổi bật nhất là vụ đột kích chùa Xá Lợi. Quân chính phủ đã phá hoại bàn
thờ chính và tịch thu trái tim nguyên vẹn của thiền sư Thích Quảng Đức, nhà sư đã tự thiêu để phản đối chống lại các chính sách của chế độ. Phật tử tìm cách trốn thoát trong sự hoảng hốt. Hai tu sĩ nhảy bức tường phía sau của ngôi chùa vào các khu liền kề của Phái đoàn viện trợ Mỹ, nơi họ đã được tị nạn. Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, 80 tuổi, Hội trưởng Phật giáo, bị bắt giữ và được đưa đến một bệnh viện quân sự ở ngoại ô Sài Gòn”(14), chỉ huy Quân đoàn III của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, “Tôn Thất Đính sớm công bố kiểm soát quân sự khắp Sài Gòn, hủy bỏ tất cả các chuyến bay thương mại vào thành phố và kiểm duyệt báo chí”(15).
Trong khi đó, ba mươi sĩ quan cao cấp đứng đầu là Tướng Lê Văn Tỵ tuyên bố quyết tâm của họ để thực hiện tất cả các nhiệm vụ được giao phó cho quân đội là để bảo vệ Hiến pháp và nền Cộng hòa. Họ đã âm mưu phát triển một cuộc đảo chính để lật đổ Diệm. Đó là một trong các bên đã tham gia vào việc lật đổ Diệm dẫn đến cái chết của anh em Diệm - Nhu trong đầu tháng mười một. Tướng Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn, là những người lãnh đạo cuộc đảo chính quân sự.
Hành động biện minh, đổ lỗi, vô trách nhiệm, thể hiện một sự tàn bạo và vô nhân tính đã xuất hiện trong Chính phủ Ngô Đình Diệm, đó là việc bà vợ của Ngô Đình Nhu và là em dâu Tổng thống, lúc đó được mệnh danh là Đệ nhất Phu nhân Việt Nam Cộng hòa đã phát biểu: “Tôi sẽ vỗ tay khi thấy một vụ nướng sư khác (I would clap hands at seeing another monk barbecue show) và nếu ai thiếu xăng dầu tôi sẽ cho”(16). Trả lời phỏng vấn của ký giả tờ New York Times, Trần Lệ Xuân còn phát biểu: “Tôi còn thách mấy ông sư thêm mười lần nữa. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật giáo là phớt lờ, không cần biết tới”. Chính phủ Ngô Đình Diệm cáo buộc rằng Thích Quảng Đức đã bị chích thuốc trước khi bị ép tự vẫn(17). Vì vậy, sự bất chấp và tàn bạo đó lại được chính quyền buộc tội Browne đã hối lộ nhà sư để ông tự thiêu(18).
Như vậy, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bộc lộ rõ bản chất phi dân tộc, phản dân chủ, độc tài-gia đình trị, đã thui chột đi tiến trình vận động đoàn kết, kích động hận thù… tất cả vấn đề đó đã được Phật giáo Việt Nam dùng sức mạnh của dân chủ, tự do, đoàn kết và bất bạo động để hóa giải sự hận thù và đi đến thúc đẩy tiến trình hòa giải, hòa bình, thống nhất đất nước và dân tộc.
III. NHẬN XÉT THAY CHO LỜI KẾT
Phật giáo Việt Nam đã ảnh hưởng đến lịch sử Việt Nam một cách sâu sắc và đầy sức ổn định. Với vai trò và những đóng góp cụ thể của Phật giáo, nhất là các thiền sư, nhà sư, cư sĩ, v.v… trên các bình diện chính trị, ngoại giao, tư tưởng, văn hoá và tôn giáo, v.v. là việc cần khẳng định một cách khoa học, khách quan và là việc làm cần thiết và hết sức ý nghĩa trong mọi thời đại.
Ảnh hưởng của Sự kiện Phật đản, 1963 tại Việt Nam (cụ thể là miền Nam Việt Nam) trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc phát triển xã hội Việt Nam là điều mà xã hội Việt Nam, lịch sử tư tưởng Việt Nam và con người Việt Nam – dân tộc Việt Nam đã ghi nhận. Do vậy, khi khảo cứu về vị trí, vai trò và những đóng góp của Bồ-tát Thích Quảng Đức nói riêng và vai trò, vị ví của Sự kiện Phật đản, 1963 và của Phật giáo Việt Nam nói chung đối với những vấn đề như Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; Ảnh hưởng của Phật giáo đến đạo đức, lối sống của người Việt Nam; Vai trò của Phật giáo trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; Vai trò của Phật giáo Việt Nam trong tiến trình phát triển tất yếu của tiến trình lịch sử chính trị Việt Nam, v.v... là điều tất yếu của khảo luận tri thức và khoa học xuyên suốt cho đến thời đại chúng ta hiện nay.
Phật giáo Việt Nam giai đoạn từ Phong trào chấn hưng đến sự vận động của Phong trào Phật giáo miền Nam 1963 mà điển hình cao đẹp và bất khuất nhất là hình tượng bất diệt, bất bạo động của Bồ-tát Thích Quảng Đức. Đã để lại bài học lịch sử sâu sắc không chỉ trong quá khứ mà cả trong hiện tại lẫn ở tương lai cho đất nước Việt Nam, Phật giáo Việt Nam, dân tộc Việt Nam.
Thời đại chúng ta cần nhìn vào sự thật và cần phát huy hơn nữa sự vận động sáng tạo, anh dũng, hòa bình của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc bằng chất liệu tình yêu thương và trí tuệ sáng ngời của Bồ-tát Thích Quảng Đức. Bồ-tát Thích Quảng Đức đã vận dụng phương pháp “tạo ra được sức mạnh dân tộc và sức mạnh xã hội kết hợp đấu tranh theo nhận thức bất bạo động”, đó là tiềm lực sức mạnh của Phật giáo Việt Nam, đất nước Việt Nam, là sự kết tinh vô giá của dân tộc Việt Nam. Do vậy, sức mạnh của chính nghĩa và bất bạo động đã chiến thắng bạo động và phi nhân tính. Đã để lại bài học sâu sắc về việc đồng cam cộng khổ với dân, nhận thức được vai trò quan trọng cốt yếu của nhân dân, từ đó phải có một chính sách sao cho quy tụ được lòng dân. Đó tức là quy tụ được nguồn lực sức mạnh đất nước. Đó chính là bài học lịch sử sâu sắc trong lịch sử chính trị Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hòa thượng Thích Trí Quang, Trí Quang tự truyện, ấn hành 24 tháng 4 Phật lịch 2555 (2011).
2. Hoành Linh – Đỗ Mậu, Hồi ký Việt Nam máu lửa, quê hương tôi (xuất bản ở Việt Nam có tên: Hồi ký Hoành Linh Đỗ Mậu, Tâm sự tướng lưu vong của Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Nhà xuất bản Văn nghệ), Tác giả sử dụng ấn bản Nhà xuất bản Văn nghệ, 2007.
3. Adam Roberts, Buddhism and Politics in South Vietnam, The World Today, Royal Institute of International Affairs, London, vol. 21, no. 6, June 1965.
4. Causes, origins, and lessons of the Vietnam War. Hearings, Ninety-second Congress, second session... May 9, 10, and 11, 1972. Published 1973 By U.S. Govt. Print. Off. In Washington. (Bản tiếng Việt: Nguồn gốc, nguyên nhân và bài học trong chiến tranh Việt Nam, Biên bản Quốc hội Mỹ, tài liệu lưu trữ tại Ban tổng kết chiến lược – Bộ Quốc phòng, 1973.)
5. Dụ số 10, Làm tại Việt Nam ngày mồng 6 tháng 8 năm 1950, Bảo Đại. Phó Thư: T.L.Thủ tướng Chính phủ đi công cán, Tổng trưởng Bộ Tư Pháp Xử lý Thường vụ, Nguyễn Khắc Vệ.
6. Hammer, Ellen J. (1987). A Death in November: America in Vietnam, 1963. New York City, New York: E.P.Dutton. ISBN 0-525-24210-4.
7. Jacobs, Seth (2006). Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War in Vietnam, 1950–1963. Lanham, Maryland: Rowman & Littlefield. ISBN 0-7425-4447-8.
8. Halberstam, David; Singal, Daniel J. (2008). The Making of a Quagmire: America and Vietnam during the Kennedy Era. Lanham, Maryland: Rowman & Littlefield. ISBN 0-7425-6007-4. Jones, Howard (2003). Death of a Generation: how the assassinations of Diem and JFK prolonged the Vietnam War. New York City, New York: oxford University Press. ISBN 0-19-505286-2.
9. O’Brien, Michael (2005), John F.Kennedy: A Biography, Macmillan, ISBN 0-312-28129-3, 9780312281298.
10. Langguth, A. J. (2002), Our Vietnam: the war, 1954–1975, New York: Simon & Schuster, ISBN 0-7432-1231-2.
11. Prochnau, William (1995), Once upon a Distant War, New York: Times Books, ISBN 0-8129-2633-1.
12. John F. Kennedy Presidential Library and Museum, http://www.jfklibrary.org/JFK/JFK-in-History/Vietnam-Diem-and-the-Buddhist-Crisis.aspx, 7/04/2013.