Đức Phật Đản Sanh

03/05/20201:00 SA(Xem: 8444)
Đức Phật Đản Sanh

 

ĐỨC PHẬT ĐẢN SANH
Thích Trung Định

duc phat dan sinhĐức Phật đản sinh là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử của nhân loại. Sự kiện ấy đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại của dòng chuyển biến về quan niệm nhân sinhthế giới, là cuộc cách mạng hoàn toàn về nhận thức, tư duy cũng như hành động của con người. Sự kiện đản sinh của đức Phật đã mang về cho nhân gian một sinh khí mới tràn đầy niềm tin và sự an lành. Giờ đây đất trời đã đổi thay, vạn vật cũng mang màu áo mới, hoa cỏ xanh tươi đùa vui trong ánh nắng. “Khắp nơi hoa đua nhau trổ màu trên lá, chim đua nhau chuốt giọng trên cành”, người người vui ca trên khuôn mặt rạng rỡ, vì đã có ánh đạo dẫn dắt chúng sanh, từ bến mê quay về bờ giác. Phật đản hiện về trong cơn mơ của em thơ, hiện về trong ký ức của những cụ già và trong tâm tư, tình cảm của tất cả mọi người con Phật. Đản sanh đã trở thành một cái gì đó vừa có tính thiêng liêng mầu nhiệm, nhưng cũng rất thân quen gần gũi tự bao giờ.

Hồi còn nhỏ, mỗi lần mùa Phật đản về, tôi thường hay đến chùa nhìn quý thầy trang hoàng lễ đài, và tái hiện quang cảnh vườn Lâm-tỳ-ni tuyệt đẹp. Hình ảnh đức Phật sơ sinh bước đi bảy bước trên hoa sen mặt hướng về phương bắc, một tay chỉ trời, tay chỉ đất, rồi nói: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, Hoàng hậu Ma Da với tay trên cành hoa Vô Ưu trong vườn Lâm-tỳ-ni và đản sanh thái tử; hình ảnh chư Thiên rải hoa cúng dường, hình ảnh khói trầm hương nghi ngút hòa quyện trong không gian lặng yên.v.v.. đã làm tôi say mê thích thú nhìn hoài mà không thấy chán. Nhưng càng nhìn tôi lại càng thắc mắc, tại sao mới sinh ra mà lại đi được bảy bước? Tại sao lại đi trên hoa sen mà không phải là hoa khác? Tại sao lại nói “duy ngã độc tôn” ?.v.v.. Những ưu tư thắc mắc đó cứ theo hoài trong tôi suốt bao năm nhưng vẫn chưa có lời giải đáp. Thế rồi, hội đủ nhân duyên tôi xuất gia học đạo. Mấy mươi năm được học hỏi kinh sách, được quý thầy giảng giải, tôi mới nhận ra rằng tất cả những hình ảnh đó đều có những ý nghĩa đặc thù và là những bài học vô cùng cao quý. Nhân mùa Phật đản, chúng ta thử tìm hiểu lại ý nghĩa của những điển tích ấy để ngỏ hầu làm rõ một số vấn đề.

1.      Niên đại đản sanh

Niên đại đản sanh của Đức Phật là một vấn đề quan trọng đối với các sử gia. Thật sự nó là vấn đề thiết yếu cho ngành sử học Ấn Độthế giới. Do đó, nhiều học giả Phật học đã cố gắng nỗ lực tìm hiểu tường tận và đi đến việc chấp nhận một niên đại thống nhất.Tuy nhiên, đại đa số các học giả Nam Á và Phương Tây đi theo một khuynh hướng, còn các học giả Nhật Bản lại theo một khuynh hướng khác. Song tất cả đều xác tính rằng Đức Phật trụ thế 80 năm và 45 năm thuyết pháp độ sanh. Niên đại đức Phật đản sanh đều dựa vào “Biên niên sử”.

 “Biên niên sử” là một sử liệu đáng tin cậy bởi những giá trị bảo lưu khá chính xác của nó. “Biên niên sử” xuất phát từ Tích Lan, một hòn đảo độc lập tách rời với đất liền, nên chúng ít bị các trào lưu văn hóa khác làm pha trộn. Asoka đã nhìn thấy tính ưu việt của xứ sở này nên đã cho Mahinda, con trai của mình đem tam tạng giáo điển qua đây cất giữ và truyền bá. Nhờ công lao này mà kinh điển Phật giáo Nguyên thủy vẫn lưu truyền cho đến ngày hôm nay. Tài liệu này cho rằng đức Phật nhập Niết Bàn vào năm 544 hay 543 tr.TL. Đây là một cứ liệu lịch sử mà hầu hết các học giả đều chấp nhận. Do vậy, tại đại hội Phật giáo thế giới họp tại Colombo năm 1950 đã đi đến việc quyết định lấy năm Đức Phật Niết Bàn là năm 544 tr.TL, tức đức Phật đản sinh vào năm 624 tr.TL.

Theo Giáo sư Tiến sỹ K.T.S. Sarao, Trưởng phân khoa Phật học, đại học Delhi: để có được cứ liệu lịch sử về niên đại của đức Phật, chúng ta phải dựa vào ba nguồn dữ liệu chính đó là: Niên Đại Dài (Long Chronology), Niên Đại Ngắn (short chronology), và Chúng Thánh Điểm Ký (The Dotted Record). 

Niên đại dài chủ yếu dựa vào các truyền thuyết Phật giáo Nam truyền được ghi lại trong DipavamsaMahavamsa. Trong sử liệu của Dipavamsa ghi rằng: “218 năm sau khi đức Phật nhập niết bàn, vua A Dục đăng quang Hoàng đế.” Mahavamsa cũng ghi tương tự “Sau khi đức Phật Niết-bàn và trước khi lễ đăng quang của (Asoka) đã có 218 năm, điều này nên được biết) Do đó năm chính xác đức Phật nhập niết bàn được xác định như sau: Asoka lên ngai vàng vào năm 268 TCN; Lễ đăng quang diễn ra sau đó ba năm (268-3) = 265 TCN; Sự cai trị của Asoka đã diễn ra (268 - 3) = 218 năm. Như vậy năm đức Phật nhập diệt diễn ra (218 + 265) = C. 483 TCN.

Theo tài liệu Chúng thánh điểm ký, tài liệu này được chứa trong Li Tai San Pao Chi do Fei Chang Fang viết và đã được sử dụng làm trụ cột chính để hỗ trợ cho nguồn niên đại dài (Long Chronology). Theo văn bản này, sau khi Đức Phật nhập diệt, Tôn giả Upāli đã ghi chép trong luật tạng vào ngày lễ Tự tứ (Pavāranā) 15 tháng 7 hằng năm, tức ngày trăng tròn, Ngài đã đánh một dấu chấm (trên một bản ghi) và đặt nó gần với văn bản Luật tạng (Vinaya). Sau đó, truyền thống điểm ký này được lặp lại hằng năm. Từ tôn giả Upāli truyền lại cho đệ tử là ngài Dāsaka, ngài Dāsaka truyền xuống ngài Sonaka…rồi đến ngài Siggava…và đến ngài Moggalīputta Tisa (Mục Kiền Liên Tử Đế Tu)…và đến ngài Candavajjī. Cho đến ngày 15 tháng 7 năm thứ 7 thời vua Hán Minh Đế ‘Yung-Ming’ (489 AD), số điểm ký (dấu chấm trong luật tạng) đã tính được 975 điểm. Một chấm được tính là một năm. Như vậy, trên cơ sở này, chúng ta có được: Đức Phật nhập Niết bàn = 489 AD - 975 = 486 TCN.  Tuy nhiên, W. Pachow cho biết có ba dấu chấm nữa có thể được thêm vào những sau năm 489 sau Công nguyên, thực tế là 972 chấm chứ không phải 975. Do đó, ngày thực tế của đức Phật nhập Niết bàn là: 489 AD - 972 = 483 TCN. Ngài thọ 80 tuổi tức năm đản sinh 483 TCN +80 = 563 TCN. Như vậy, cứ liệu của Niên đại dài và Chúng thánh điểm ký hoàn toàn giống nhau.

Theo truyền thống Đại thừa Phật giáo: đức Phật đản sinh vào ngày 15 tháng 4, xuất gia ngày 8 tháng 2, thành đạo ngày 8 tháng 12 và nhập niết bàn 15 tháng 2 âm lịch. Theo Phật giáo Nam truyền, lễ Veska, Tam hợp bao gồm đức Phật đản sanh, thành đạoniết bàn cùng ngày trăng tròn tháng tư âm lịch. Và đại lễ Vesak-Tam hợp được tổ chức hằng năm tại Trụ sở Liên hiệp quốc, New York. Từ năm 2004 đến nay, cộng đồng Phật giáo thế giới đã tổ chức thành công nhiều lần Đại lễ Vesak LHQ, trong số đó, đại đa số là dưới sự bảo trợ của chính phủ Hoàng gia Thái Lan và sự chứng minh của Giáo hội Phật giáo Thái Lan, trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn làm đơn vị tổ chức chính tại Trụ sở Liên Hợp Quốc Châu Á Thái Bình Dương và Trung tâm Phật giáo thế giới Buddhamonthon, Bangkok, Thái Lan. Năm 2008, và 2014 Việt Nam đăng cai trọng thể Đại lễ này, tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước và GHPGVN với bạn bè trên thế giới.

2. Hội ngộ duyên lành

Ai cũng biết rằng thái tử Tất-đạt-đa là con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da ở thành Ca-tỳ-la-vệ thuộc xứ Nepal, Ấn Độ. Tại sao đức Phật không chọn Trung Quốc, Mỹ hay Việt Nam để đản sanh mà lại chọn Ấn Độ? Nếu nói tính bình đẳng thì ở đâu cũng là chúng sanh cả, sao lại chọn vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da? Tất nhiên, những chọn lựa của một bậc giác ngộ đều có những lý do chính đáng. Bởi vì nơi đây đã hội đủ nhân duyên cho một đức Phật ra đời. Đây cũng là nơi Bảy vị Phật quá khứ đản sanh, các trụ đá đánh dấu bảy vị Phật quá khứ đều nằm trong khuôn viên Lâm tỳ ni. Vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da đã nhiều đời tu nhân tích đức, lại thuộc giòng dõi cao quý. Ấn Độ là một đất nước có nền văn minh lâu đời và đã phát triển đến đỉnh cao của nhân loại. Tại đây, một xã hội đa dạng bao gồm nhiều tôn giáo khác nhau. Có đến 92 giáo phái tồn tại trong đó có 6 phái tiêu biểu, gọi là 6 phái ngoại đạo, mỗi phái có một chủ thuyết riêng. Chính sự phồn tạp về tôn giáo này đã làm cho xã hội Ấn Độ vốn sâu nặng trong sự phân chia giai cấp đã rối ren lại càng phức tạp hơn. Bên cạnh đó, địa bàn Ấn Độ cũng rất đặc thù, có đỉnh Hy Mã Lạp Sơn cao nhất thế giới, từ đây ảnh hưởng xuống các vùng cao nguyên và đồng bằng châu thổ. Đức Phật quán sát thấy, thành Ca-tỳ-la-vệ, một tiểu vương quốc thuộc Ấn Độ theo đạo Bà-la-môn, là nơi mà đông đảo người Bà-la-môn nghiên cứutu tập theo bốn tạng kinh Vệ-đà. Đặc biệt trong khu vực này, xứ Ma-kiệt-đà, một vương quốc láng giềng của Ca-tỳ-la-vệ, đã được một nghìn vị Phật quang lâm và ban phúc gia trì, còn Ca-tỳ-la-vệ được coi là trung tâm điểm để từ đó lan tỏa giáo pháp đi mọi nơi. Đức Phật quyết định giáng sinh tại khu vực trọng yếu này, nơi có vị trí thuận lợi cho việc truyền bá giáo pháp đi khắp bốn phương.

3. Lâm-tỳ-ni, nơi đức Phật đản sanh

Sau khi nằm mộng thấy voi trắng sáu ngà từ trên trời xuống khai hông bên phải vào lòng, hoàng hậu Ma Da bắt đầu thụ thai. Đến kỳ sinh nở, theo phong tục cổ truyền Ấn Độ, người con gái phải về quê để sanh con. Như vậy, Lâm-tỳ-ni là một khu vườn nằm giữa chặng đường từ Ca-tỳ-la-vệ (Kapila-vastu) và Câu lợi (Ko-la) thuộc Ấn Độ. Khu vườn này vốn do vua Thiện Giác thiết lập.

Lâm-tỳ-ni, tiếng Phạn là Lumbini, nay Rumindai. Người Trung Hoa dịch là Hoa quả thắng diệu cụ túc, Lạc thắng viên quang hay Giải thoát xứ-khả ái hương đoạn diệt...Nói chung đây là một khu vườn tuyệt đẹp, dành cho các cung phi mỹ nữ và hoàng hậu thưởng ngoạn. Đến nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều dấu tích và bằng chứng xác thực về khu vườn nổi tiếng này. Theo Hwschu-man, một học giả nổi tiếng người Đức cho rằng thạch trụ do vua A Dục dựng vào năm 245 tr.CN có ghi: “Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devanampiya “thiên ái thiện kiến” tức A Dục ngự đến đây chiêm bái, vì đức Phật Thích Ca là bậc Thánh nhân của bộ tộc Thích Ca đã đản sanh tại đây. Nhà vua ban lệnh  khắc một tượng đá và dựng một thạch trụ. Ngài miễn thuế cho làng Lumbini, và giảm thuế hoa lợi từ 1/4 theo lệ thường xuống 1/8”. Như vậy, Lâm-tỳ-ni dù ở trong đức tin hay trong sự thật lịch sử, thì tất cả cũng đã được sáng tỏ. Ngày nay Lâm-tỳ-ni không còn thơ mộng như xưa, nhưng tiếng vang vẫn còn đó. Nhiều quốc gia Phật giáo trên thế giới đã về đây giữ lại dấu tích lịch sử thiêng liêng này. Đây là một trong “tứ động tâm” hiện được thế giới công nhậnbảo tồn.

4. Sự kiện đản sanh

Hầu như tất cả các Kinh đều nói đến chi tiết mẹ của Bồ Tát đứng mà sanh. Khi hoàng hậu Ma Da với tay định hái cành hoa Vô Ưu thì đản sinh thái tử. Lúc ấy quả đất rung động, nhạc trời chúc tụng, mưa hoa cúng dường. Ngài ra đời là sự kiện hy hữu trọng đại, vì lòng từ bi thương tưởng cho đời, cho chư thiên và cho cả loài người. Để chỉ sự ra đời của đức Phật bằng lòng tôn kính vô biên của mình, người ta thường dùng các chữ đản sanh, giáng sanh hay thị hiện. Chữ “đản sanh”  là chỉ cho sự ra đời làm vui vẻ, làm hân hoan cho cuộc đời. “Giáng sanh” tức là từ một chỗ cao hơn sanh xuống. Còn “thị hiện” là hiện ra bằng xương bằng thịt cho con mắt trần chúng ta thấy. Ba chữ ấy tuy có ba ý nghĩa khác nhau nhưng đều có thể dùng để chỉ cho sự ra đời của một đức Phật. Ở đây, đức Phật không phải là một đấng siêu nhiên mà ngài thị hiện ra một con người rất thực, con người đó hoàn toàn giác ngộ giữa cuộc đời này. Từ ý nghĩa vừa bình thường nhưng phi thường ấy, nên trong kinh Đại Bản đã diễn tả rằng: “Bồ tát ở trong thai mẹ 10 tháng mới sinh ra, mẹ Bồ tát đứng mà sanh. Khi sanh ra, chư thiên đỡ ngài trước sau đó mới đến loài người. Thân Bồ Tát không đụng đến đất, có 4 chư thiên đỡ lấy ngài, đặt ngài trước bà mẹ mà thưa: “Hoàng hậu hãy hoan hỷ, hoàng hậu đã sanh một bậc vĩ nhân”. Ngài sanh ra hoàn toàn thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt hoặc máu mủ nào. Có hai dòng nước từ hư không hiện ra, một lạnh một nóng tắm rửa cho Bồ tát và bà mẹ. Hai chân đứng vững, Ngài hướng mặt về phía bắc, một lọng trắng được che lên, Ngài nhìn khắp mọi phương rồi thốt lên như con ngưu vương: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời, Ta là bậc tối tôn ở trên đời, Ta là bậc cao nhất ở trên đời, nay là đời sống cuối cùng, không còn tái sinh ở đời này nữa, pháp nhĩ như thị...”.

Sự kiện thái tử sinh ra từ hông phải, đã gây thắc mắc cho rất nhiều người, nhất là các học giả nghiên cứu. Trong các kinh như Tu Hành Bản Khởi, Phương Quảng hay Phật Bản Hạnh Tập v.v... đều nói rằng thái tử “tùng hữu hiếp sanh’’. Nói chung, Đại chúng bộ chủ trương tất cả Bồ tát khi sanh ra đều từ hông phải. Ở đây, nó mang một ý nghĩa biểu trưng nhất định. Bởi vì một bậc giác ngộ ra đời thì chắc chắn không thể như người tầm thường. Từ hông phải sanh ra là biểu trưng cho ý nghĩa thuận sanh. Đây là kết quả tu hành của những bậc thanh tịnh chán sự xuất thai theo sản đạo thông thường như mọi người. Và dù gì đi nữa thì hai chữ “đản sanh’’cũng đã gói ghém tất cả mọi ý nghĩa của một bậc giác ngộ ra đời rồi.

5. Bảy đóa sen vàng nâng gót tịnh

Về chuyện đi bảy bước trên hoa sen, có nhiều kinh chép như sau: “Này các Tỷ kheo, pháp nhĩ như vậy, vị Bồ tát khi sanh ra đứng vững thăng bằng trên hai chân, mặt hướng về phương bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che lên...” (Trường Bộ kinh). Kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm ghi: “Lúc bấy giờ Bồ tát khéo tư duy, tùy sức chánh niệm, không nhờ dắt dẫn liền tự có thể đi bảy bước trên hoa sen...”. Kinh Phổ Diệu ghi: “Lúc bấy giờ Bồ tát từ hông phải sanh ra hốt nhiên thấy thân trụ trên hoa sen báu bước đi bảy bước mà diễn nói phạm âm...”. Hoa sen là biểu trưng cho sự thanh tịnh trong sáng, gần bùn mà không nhiễm mùi bùn, lại tỏa hương thơm ngát. Có lần, Bà la môn Dona đi sau đức Phật, liền thấy dấu chân của Ngài có hình ngàn gọng tăm in trên cát  tuyệt đẹp. Vị Bà la môn ấy biết chắc là dấu chân của Ngài nên đến hỏi: Thưa Ngài, Ngài có phải là Người không? Phật trả lời không. Vậy Ngài có phải là Trời không? Phật trả lời không. Vậy Ngài có phải là Càn Thát Bà không? Phật trả lời không. Vậy Ngài là loài gì? Đức Phật từ tốn trả lời: “Này Dona, đối với các nguyên nhân đưa đến loài Trời, loài Người, Càn Thát Bà, Ta đã đoạn tận. Ta không phải là Người, Trời, Càn Thát Bà, Ta là Phật. Giống như hoa sen sinh ra trong bùn, lớn lên trong bùn nhưng không nhiễm mùi bùn. Ta sinh ra trong đời, lớn lên trong đời nhưng không nhiễm mùi đời, vậy ta là Phật. Phật là hoa sen, hoa sen là Phật”. Thế thì chúng ta còn phân vân gì chuyện đức Phật bước đi trên hoa sen nữa. Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu tại sao lại đi bảy mà không bước đi năm bước, sáu bước hay tám bước? Hẳn nhiên con số bảy là một con số đặc biệt. Trong triết học Đông phương, người ta gọi con số bảy là con số huyền học. Còn trong Phật học con số bảy có rất nhiều ý nghĩa: Thứ nhất là chỉ cho Đức Phật Thích Ca là vị Phật thứ bảy trong phổ hệ bảy đức Phật ra đời kể từ Đức Phật Tỳ Bà Thi. Hơn thế nữa, bảy bước đi ấy là bảy bước đi từ địa vị phàm phu đến quả vị Phật, đó là 37 phẩm trợ đạo, trong đó có bảy món là: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chiBát chánh đạo.

Trong một số bản kinh không chỉ nói đến việc Thái tử đi trên hoa sen bảy bước, mà còn nói đến thuyết “tứ phương thất bộ”  hay “châu hành thất bộ”. Phương Quảng Đại Trang Nghiêm kinh 3 chép rằng:

Tự đi bảy bước về phương Đông nói lời thế này: “Ta đã đạt được tất cả thiện pháp nay vì chúng sanh mà nói”.

Đi bảy bước về phương Nam nói lời thế này: “Ta đã ứng theo sự cúng dường của cõi trời người”.

Đi bảy bước về phương Tây nói lời thế này: “Ta là bậc tối tôn tối thắng trong thế gian, đây chính là thân sau cùng của ta, dứt tận sanh lão bệnh tử”.

Đi bảy bước về phương Bắc nói lời thế này: “Ta là bậc vô thượng trong tất cả các loài chúng sanh”.

Đi bảy bước về phương dưới nói lời thế này: “Ta đang hàng phục tất cả ma quân, đối với các khổ cụ hay mãnh hỏa địa ngục, ta thi thiết đại pháp môn mưa đại pháp vũ khiến cho chúng sanh tận miền an lạc”.

Lại đi bảy bước về phương trên nói lời thế này: “Ta đang làm chỗ cho chúng sanh chiêm ngưỡng”.

Như vậy, “châu hành thất bộ” là biểu hiện sự thù thắng trọn vẹn mà trong thế gian không ai sánh bằng. Nghĩa là khi một vị Phật ra đời, sẽ đem lại lợi ích bình đẳng cho tất cả chúng sanh, bất cứ loài nào và ở đâu đức Phật cũng đều hóa độ. Tiếng nói của Phật gọi là viên âm, tức là âm thanh tròn đầy viên mãn. Viên âm là tiếng nói có một năng lực lớn khiến cho tất cả chúng sanh nghe đều hiểu được. Viên âm là tiếng nói có giá trị vượt thời gian không gian, xuyên suốt quá khứ, hiện tại, vị laihoàn toàn đúng với sự thật.

6. Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn

Bây giờ chúng ta bàn về câu nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Kinh Phổ Diệu ghi: “Ngã đương cứu độ, thiên thượng thiên hạ vi thiên nhân tôn, đoạn sanh tử khổ, tam giới vô thượng, sử nhất thiết chúng sanh vi thường an”. Kinh Thái Tử Thụy Ứng ghi: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã vi tôn, yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử”. Kinh Phật Bản Hạnh chép: “Thế gian chi trung ngã vi tối thắng, ngã tùng kim nhật, sanh phần dĩ tận”. Còn câu kệ phổ thông là: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ”. Ý nghĩa của câu kệ thì rất nhiều, tuy nhiên ở đây chỉ nhấn mạnh đến một chữ, đó là “ngã”, vì vậy hiểu được chữ này là hiểu toàn bộ ý nghĩa bài kệ. Theo Phật Quang Đại Từ Điển thì ngã tiếng Phạn là “atman”, nguyên nghĩa là “hô hấp”, từ này phát sinh nghĩa sanh mạng, tự kỷ, thân thể, tự ngã, bản chất, tự tánh. Ngã còn chỉ chung cho chủ thể độc lập vĩnh viễn tiềm ẩn trong nguồn gốc của tất cả sự vật và chi phối cá thể thống nhất. Bà la môn giáo thì họ cho rằng có đại ngãtiểu ngã. Đại ngã là đấng Phạm thiên  sáng tạo ra vũ trụ nhân sinh này. Còn tiểu ngã, tức là bản thân của con người. Tiểu ngã tu tập để nhập vào đại ngã. Đức Phật hoàn toàn phủ nhận quan điểm này, vì Ngài đã chứng ngộ được sự thật duyên khởi của các pháp, tức duyên sinh, vô ngã. Thế thì tại sao Ngài lại tuyên bố: “duy ngã độc tôn”? Có lẽ khi nghe qua chúng ta ai cũng ngỡ ngàng và thắc mắc rằng: tại sao lại “duy ngã độc tôn”? Làm gì có ngã mà đức Phật tuyên bố như vậy. Ở đây, chúng ta cần phải biết rằng, vô ngãsự thật của cuộc đời. Đức Phật chỉ phát hiện chứ không phát minh ra nó. Nghĩa là, không phải vạn pháp vốn có một cái ngã để rồi đức Phật chủ trương vô ngã thì lập tức nó thành vô ngã, mà bản chất duyên sinh tự nói lên sự thật vô ngã của chúng. Trong kinh Kim Cương, đức Phật chỉ ra bốn thứ đó là ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Ngài khuyên chúng ta từ bỏ bốn thứ ảo tưởng chấp thủ này, và chủ trương tinh thần vô trụ. Vô trụ là để tấn công đến tận sào huyệt  của ngã tưởng, vì ngã tưởng là một nhận thức sai lầm đưa đến khổ đau.

Chúng ta vẫn biết rằng, đức Phật là đấng tối tôn tối thắng (duy ngã độc tôn), nên hãy để cho người đời xưng tụng. Tiếp nối theo ý kiến này, có người diễn dịch thêm lời rằng, Đức Phật dạy: “Ta sanh ra ở trên trời hay ở dưới trời cũng là do cái ngã này, bây giờ là kiếp cuối cùng, ta đã hoàn toàn thoát khỏi bản ngã ấy”. Nếu như chỉ dừng lại chừng ấy thôi thì lẽ nào lời tuyên ngôn lập giáo của một đấng giáo chủ khi đản sanh lại là một cái thở phào nhẹ nhõm khi đã thoát khỏi cái ngã tầm thường ấy thôi sao? Nếu đức Phật chỉ thoát được bốn thứ ngã si, ngã ái, ngã mạn, ngã kiến thì Ngài chỉ là một A La Hán đơn thuần, chỉ diệt được ngã chấp, còn pháp chấp thì sao? Trong khi đó như chúng ta đã biết, đức Phật được tôn xưng là Pháp vương hay Vô thượng y vương. Pháp vương là vua của các pháp, tức là đối với các pháp, Ngài hoàn toàn tự do tự tại. Cho nên trong tư tưởng Câu xá chủ trương “nhân không pháp hữu”; còn trong tư tưởng Pháp tướng Duy thức lại chủ trương  “nhân pháp câu không”.

Vậy để trả lời cho câu kệ của Phật: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”, chúng ta có thể hiểu rằng, chỉ có Niết Bàn là hơn hết, chỉ có giác ngộ và bậc giác ngộ là tôn quý hơn hết. Đó là chỗ cứu cánh của Phật giáo. Không có cái Chân ngã ấy thì toàn bộ lâu đài kinh điển Phật Giáo chỉ xây dựng trên kiến chấp bình thường.

“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là chân thường, chân ngã. “Vô lượng sanh tử, ư kim tận hỷ” là chân lạc, chân tịnh. Bốn câu kệ trên là bốn đức của Niết Bàn “thường, lạc, ngã, tịnh”. Một ý nghĩa khác đó là: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử”, nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết. Tại sao ta hơn hết? Vì trong tất cả thế gian, ta đã vượt khỏi sanh già bệnh chết. Phật hơn tất cả thế gian vì Ngài đã qua khỏi sanh già bệnh chết. Nếu Đức Phật không tối tôn thì sao gọi là Phật. Câu kệ hiển bày một lý tánh tuyệt đối, mưa đại pháp vũ, thổi pháp loa lớn, rống tiếng rống sư tử oai hùng. Đây là ý nghĩa đối trị tất đàn trong Tứ tất đànđức Phật dùng để thuyết pháp độ sanh trong suốt 45 năm giáo hóa của ngài.

Tóm lại, sự ra đời của đức Phật đã thổi một cơn gió mát mẻ vào thành trì kiên cố của tư tưởng Vệ Đà. Đã rọi tia nắng ấm áp cho màn đêm tâm thức của con người. Bình minh tiếp tục rạng soi trên khung trời triết học phương Đông và toàn thể nhân loại. Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh và có thể thành Phật. Lời tuyên bố ấy đã trả lại cho con người một sức sống mới, khơi dậy trong họ một khả năng siêu việt và vạch ra cho chúng sanh một con đường để đi đến an lạc Niết bàn, giác ngộ tối thượng./.

Thích Trung định

Văn hóa Phật giáo, số 343.

                                                           





Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
10/05/2018(Xem: 12284)
Tôi hôm nay hân hạnh được góp một vài ý kiến trong Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An, vị đạo sư đã khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương, một tôn giáo nội sinh trong lòng dân tộc và vì ngài có một thời gian cư trú ở Chùa Tây An (Thiền phái Lâm Tế) dưới chân núi Sam (Châu Đốc), nên vị đạo sư họ Đoàn được người dân một cách tôn kính gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Từ gốc rễ đó, Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, thường được coi là sự kế thừa và phát triển của Bửu Sơn Kỳ Hương trong bối cảnh mới. Truyền thống Phật Giáo Hòa Hảo mỗi năm đều có Lễ Vía Đức Phật Thầy Tây An. Ngài đã từng được nhìn theo nhiều phương diện khác nhau. Nhưng hôm nay, tôi xin phép trình bày về một bản văn quan trọng do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Đó là bài thơ Mười Điều Khuyến Tu.
Nam Mô Đại Từ Đại Bi Cứu Khổ Cứu Nạn Quán Thế Âm Bồ Tát Tâm thư KHẨN THIẾT KÊU GỌI cứu trợ đồng bào nạn nhân bão lụt Miền Bắc VN Một đồng.. giữa lúc nguy nan Hơn giúp bạc triệu lúc đang yên bình.. Bão giông tan tác quê mình.. Ơi người con Việt đoái nhìn, sẻ chia.... Như Nhiên- Thích Tánh Tuệ
Trước hết là giải thích lý do vì sao đi so sánh giữa hai người này. Câu trả lời là vì họ có lập trường đối lập với nhau và đều rất nổi tiếng. Một người là nhà khoa học nổi tiếng nhất của nhân loại có quan điểm duy thực (tin thế giới vật chất là có thật khách quan nằm ngoài ý thức). Một người là đại biểu có sức ảnh hưởng của Phật giáo tu theo hạnh đầu đà (khổ hạnh) không tin vật chất kể cả thân xác là tuyệt đối có thật (bản chất là tánh không) và thực hành tánh không bằng cách tu tập khổ hạnh, đối diện với khổ nhưng không cảm thấy khổ, chứng tỏ khổ cũng không có thật. Người giải ngộ phải hiểu rằng Tứ Diệu Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo) chỉ là giáo lý bất liễu nghĩa. Bát Nhã Tâm Kinh đã nêu rõ :