Câu chuyện thứ năm: THỰC DƯỠNG ĐẠI BỔ

25/11/201812:27 SA(Xem: 3270)
Câu chuyện thứ năm: THỰC DƯỠNG ĐẠI BỔ
“Sự Đời thỉnh mời Pháp Đạo”
 Câu chuyện thứ năm:
THỰC DƯỠNG ĐẠI BỔ

 

          Sau cả giờ đồng hồ loay hoay dưới nhà trù, cặm cụi chưng cất xong món thực dưỡng, mệnh phụ phu nhân tự tay bưng chén yến sào vào tịnh thất, quỳ bên cạnh tràng kỷ, kính cẩn dâng lên sư trú trì, thưa:

         “Bạch Thầy, Thầy dậy dùng chén yến này cho mau khỏe ạ!”

          Sư liền ngồi dậy, khe khẽ:

          “Nam mô Phật! Cảm ơn cô. Cô tự tay chưng cất đó sao?”

          “Dạ. Chuyện nhỏ mà Thầy.”

          Sư ngồi xếp bằng ngay ngắn, hỏi:

          “Mấy hôm trước nghe bà cụ ở nhà lâm bệnh nặng, cô vắng mặt không đến chùa một thời gian, nay xin hỏi bà cụ đã bình phục chưa, ổn chưa?

           “Bạch Thầy, mẹ con đã qua cơn nguy kịch, đang hồi phục từng ngày ạ!”

           “Vậy là chưa khỏe hẳn. Sao cô không ở nhà mà lo chăm sóc cho bà cụ khỏe mạnh hoàn toàn, mà lại đến chùa? Cô vắng nhà thì ai lo?”

          “Bạch Thầy, con mướn người hàng xóm chăm sóc mẹ con rồi, bây giờ con có đi suốt ba ngày cũng được ạ. Nghe tin Thầy lâm bệnh mấy ngày qua, con áy náy, lo lắng quá!”

            Sư lắc đầu, cười nhẹ nhàng:

           “Tôi ở đây mà bệnh thì có đến bốn đệ tử chăm sóc rồi. Cô đã có lòng nghĩ đến, mang yến đến là rất quý rồi, nhưng cứ giao cho mấy chú chưng nấu là được, vậy mà cô lại xuống bếp làm chi cho khổ…”

            “Bạch Thầy, con muốn tự tay con dâng lên cúng dường. Chén yến sào đã chưng cất xong này, con gửi tấm lòng thành tín quý kính vào đó, với mong mỏi bệnh của Thầy mau dứt ạ!”

             Sư cười ha hả, rồi rời khỏi tràng kỷ, đứng vươn vai, vung chân, biểu hiện đang khỏe mạnh, nói:

           “Chắc chắn nếu tôi dùng xong chén yến này sẽ khỏe mạnh hơn lúc này nữa.”

            Mệnh phụ phu nhân mừng rỡ, chắp tay xá ba lần:

            “Thiệt vậy sao Thầy?”

           “Thiệt chứ. Người tu đâu dám ngoa ngôn vọng ngữ. Nhưng…”

            “Nhưng sao, thưa Thầy?”

            “Tôi thấy người đang cần được thọ hưởng chén yến này là bà cụ ở nhà kìa. Phải là chén yến tự tay con gái của bà chưng cất, gửi tấm lòng hiếu thảo, gửi tình thương yêu quý kính vào đó, thì bà cụ mới thấy ngon, và cảm nhận được ngay nguồn sinh lực tràn trề để mau bình phục. Cũng chén yến đại bổ mà để cho một người dưng, người hàng xóm chưng cất, rồi cho dù có ngồi đút cho từng muỗng, mà người ta chỉ vì mần cho xong nhiệm vụ để lãnh tiền công, thì bà cụ có ăn trăm chén cũng như ăn cháo loãng vậy thôi!”

            Mệnh phụ phu nhân sửng sốt, há hốc mồm, ngộ ra rồi bật khóc hù hu…

 

                                               Tâm  Không - Vĩnh Hữu

blank

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.